Thiên Mã Hành Không

Chương 66



Đào ly Lục gia trang(Trốn thoát Lục gia trang)



Lâm Yên Bích ngồi trở vào kiệu, cô ngả đầu, dựa gối, nhỏ nhẹ nói: "Vãn bối xin vô phép!". Cô nhăn nhó, tựa hồ đang bị đau đớn lắm.



Hoàng Dung thiết tha hỏi: "Cô nương bị thương ở chỗ nào vậy? Tối qua, ta thấy cô nương bình thường, sao hôm nay đã mang thương tích rồi?"



Lâm Yên Bích đáp:



- Hôm nay, sau khi đi khám bệnh cho lệnh thiên kim về, muội phối chế thuốc xong, lúc sai Thanh Huyền đưa thuốc đi rồi, muội khát nước, đã đun nước sôi, đem pha trà, nhưng vì thiếu cẩn thận, lại quên tay đang bị phỏng, muội làm đổ nước sôi vào chân!



Cô hơi di chuyển chân trái một chút, lập tức nhăn mặt, khẽ rên, rồi nói tiếp:



- Cũng không nặng lắm, chỉ là vết phỏng ngoài da, muội đã bôi thuốc cao rồi, độ chừng hai, ba ngày nữa sẽ khỏi thôi - Cô chỉ vào chân, bảo Thanh Huyền - Thanh Huyền, giúp ta chuyển chỗ cái chân này một chút. Ngồi thế này, ta thấy khá mỏi, nếu nằm dài, chắc dễ chịu hơn.



Thanh Huyền vâng lời, nhẹ tay dịch bắp chân xuống, cho cô thành tư thế nửa nằm nửa ngồi.



Hoàng Dung nhìn nửa thân trên cô, bà sốt sắng hỏi



- Dường như cô bị phỏng không nhẹ, để ta xem thử xem vết thương ra sao?



- Cám ơn Hoàng Bang chủ quan tâm - Lâm Yên Bích vừa nói vừa nhẹ tay vén phía váy bên trái lên, để lộ chỗ bắp chân.



Thoáng trông, Hoàng Dung thấy trên làn da trắng mịn, vết phồng khá lớn, vì có bôi thuốc cao, chỗ đó loang loáng ánh dầu, rõ là vết phỏng nước sôi. Lập tức Hoàng Dung tan biến mọi nghi ngờ, bà nhẹ nhàng kéo váy quần xuống, rồi vươn thẳng người lên, bà bảo:



- Cô nương đang thương tích trên mình, mà vội đi chế thuốc cho Phù nhi, Hoàng Dung ta thiệt cảm động quá, món ân tình này, vợ chồng ta luôn ghi nhớ trong tim.



Nguyên lúc bà trở về nhà, Lâm Yên Bích vừa đi khỏi, khi nghe Quách Tĩnh kể chuyện Lâm Yên Bích phải lên đường trở về Hạnh Hoa cốc bào chế thuốc cho Quách Phù, vốn người tinh tế, tuy tối hôm trước bà khẳng định Tiêu Phong không ở cùng chỗ Lâm Yên Bích, nhưng thấy sự việc có phần khác thường, thích khách thì mất tung tích, cô Lâm Yên Bích này lại ra đi, hơi có phần tấu xảo. Để hoàn toàn yên tâm, vạn vô nhất thất, bà lập tức chạy theo ra, với ý định kiểm soát, kịp lúc Vũ Tu Văn ngăn cản cỗ kiệu, gây gổ động thủ Thanh Huyền, bà lập tức lên tiếng can thiệp, đích thân đến tra xét. Sau khi quan sát trong kiệu, lại thấy đành rành vết phỏng của Lâm Yên Bích, bà mới thực tình tin Lâm Yên Bích vì bị phỏng nước sôi, đã phải dùng kiệu ra về, Vốn cô nương này là người hiểu biết, biết giữ phép tắc, cô ắt không dám vượt qua các lề thói thông thường, dám nghênh ngang cưỡi kiệu đi ào ào trong trang viện người ta như vậy.




Lâm Yên Bích nhu mì đáp:



- Không có chi, chữa bệnh, cứu người là phận sự của muội, chưa kể giao tình mật thiết giữa gia sư cùng Hoàng Bang chủ, nhất định muội phải ra sức chữa lành lệnh thiên kim.



Hoàng Dung đang rất lo lắng thương thế Quách Phù, khi nghe Quách Tĩnh kể lại, bảo Quách Phù tạm thời tính mệnh không mấy quan ngại, giờ được cô nói thế, bà vô cùng mừng rỡ, nói ngay:



- Ngày mai là Tết nguyên đán, sao Lâm cô nương không chờ ăn mừng năm mới xong rồi hãy đi?



Thật tâm, bà muốn cô sớm pha chế thuốc men cho con gái mình. Rồi còn phải truy tầm Tiêu Phong, lo vụ Anh Hùng đại hội, mỗi mỗi ... Hoàng Dung đều bó buộc phải để mắt tới.



Lâm Yên Bích cười tủm tỉm, nói:



- Tết thì năm nào chẳng có, vả lại, tết cũng không phải là cái gì to tát, cứu người bệnh khẩn cấp hơn nhiều!



Hoàng Dung thở ra, nói:



- Cô nương đang mang thương tích trên mình, thật là phiền, là nhọc cô nương quá - dừng lại một chút, bà tiếp - Cô nương đi như vậy, chừng bao lâu thì bào chế xong thuốc?



Lâm Yên Bích thấy ánh mắt Hoàng Dung không ngừng soi mói bên trong kiệu, muốn che chắn thêm cho Tiêu Phong, cô giả vờ bị đau đớn lắm, run giọng đáp:



- Nhiều thì nửa tháng, ít cũng phải mười ngày, muội xong việc ở Hạnh Hoa cốc về lại đây, có thể giữ cho lệnh thiên kim không bị hỏng mắt.



Hoàng Dung mừng quá, nói:



- Vậy ta và tiểu nữ đều chờ cô nương tại đây, hy vọng sớm có thuốc, mắt nó không bị hư, ta hoàn toàn trông cậy nơi công sức khó nhọc của cô nương.



Lâm Yên Bích chắp tay, thưa:



- Hoàng Bang chủ không nên quá khách khí, muội xin phép lên đường.



Hoàng Dung gật đầu, đáp:



- Chúc cô nương chuyến đi tốt đẹp.



Bà hạ rèm kiệu xuống, bảo Vũ Tu Văn:



- Con theo hộ tống Lâm cô nương xuất trang, kẻ nào còn dám bất kính với Lâm cô nương, ta sẽ gõ vào ngươi đấy!



Vũ Tu Văn vội vàng dạ dạ nhận lệnh, hắn đem một tiểu đội tráng đinh đi trước mở đường.



Thanh Huyền ra hiệu cho kiệu phu đi theo đoàn người Vũ Tu Văn ra cổng chính của trang viện.



Tại cổng trang, đồ đệ khác của Quách Tĩnh là Vũ Đôn Nho đang canh gác. Từ tối qua, ai ai ra vào đều bị tra xét cẩn thận, khi thấy cỗ kiệu tiến đến, từ xa, y đã giăng tay chặn đường, hô lớn:



- Kiệu ai đang đi đó, đứng lại!



Chợt thấy Vũ Tu Văn chạy đến, kéo người anh ruột sang một bên, nói:



- Đây là khách quý của sư mẫu, đã đặc biệt được thỉnh đến chữa bệnh cho sư muội. Vừa rồi, đệ định lục soát cỗ kiệu, đã bị sư mẫu sạt cho một chập. Ca ca mau cho mở cổng trang, sư mẫu đã có lệnh không được quấy rầy, bất kính với vị Lâm cô nương trong kiệu.



Vũ Đôn Nho vội vàng bảo tráng đinh mở cửa. Thanh Huyền hướng dẫn tám kiệu phu xuất trang.




Đoàn người rảo bước chừng bẩy tám dặm, đã đến một tiểu trấn trước Đại Thắng quan. Lâm Yên Bích trong lòng thấy hơi yên tâm, sợ Tiêu Phong bị gò bó quá, cô lấy cái gối to ra, vén tấm chăn che thân mình Tiêu Phong lên, hỏi ông:



- Người không bị khó chịu quá đấy chứ?



- Tốt .. tốt lắm ... không khó chịu gì đâu - Tiêu Phong hít một hơi thở thật sâu, qua rèm kiệu, thấy trời đang về chiều, ông hỏi - Đã ra khỏi Lục gia trang chưa?



Lâm Yên Bích gật đầu:



- Rồi ... chỉ hơi bị hoảng, nhưng đã không nguy hiểm.



Cô mở rộng rèm cửa, nắng chiều chiếu sáng bên trong kiệu, nhuộm ánh hồng lên mặt, làm rạng rỡ nét kiều diễm tuyệt mỹ. Cô thò đầu nhìn nhìn bên ngoài, rồi nói:



- Đàng trước có một tiểu trấn, mình vượt qua luôn, chừng tối mịt sẽ ra khỏi Đại Thắng quan".



Tiêu Phong cũng nhìn ra ngoài, dưới ánh tà dương, thấy cảnh vật đẹp như tranh vẽ, nghĩ tới tinh hình hung hiểm đêm qua trong Lục gia trang, ông có cảm tưởng đang lạc vào một thế giới khác, rồi chạnh nhớ tới A Tử, ông hẹn cô sẽ trở về trước canh năm, không thấy ông về, thể nào cô cũng lo sốt vó. Ông hỏi Lâm Yên Bích:



- Xá muội đang chờ nơi quán trọ, cảm phiền cô nương cho ghé chỗ đó một chặp, gọi cô theo mình vượt Đại Thắng quan.



- Được, đến nơi, sẽ cho Thanh Huyền vào gọi cô ấy theo cùng



Lâm Yên Bích chợt hỏi ông:



- Có phải cô gái áo tím đó không? Nghe cô gọi tỷ phu, vậy cô là em gái của vong thê của người, phải không?



Tiêu Phong đáp:



- Đúng thế, cô tên A Tử, chị cô tên A Châu.



- A Châu? - Lâm Yên Bích thảng thốt kêu - Người bảo vong thê của người tên A Châu?.



Mặt cô thoáng hiện nét kinh dị, giọng có hơi run run.



Tiêu Phong lấy làm lạ, hỏi:



- Đúng thế, nàng tên A Châu, sao vậy? Có chuyện gì không ổn chăng?.



Từ khi quen biết cô đến giờ, ông chưa khi nào thấy cô hốt hoảng, ngay cả lúc đương đầu tình hình hung hiểm ở Lục gia trang, cô tuyệt chẳng để lộ một chút sợ hãi nào, cớ sao nghe tên người quá cố là A Châu, cô bỗng hốt hoảng làm vậy?



Lâm Yên Bích không đáp, mắt cô nhìn chăm chú nhìn vào Tiêu Phong, nét mặt hiện rõ những biến chuyển bất ngờ trong tâm tư, khi thì mường tượng muôn vàn sợ sệt, khi thì kinh ngạc ra chiều hớn hở.



Nhìn thần tình cô, Tiêu Phong bất giác cũng hơi giật mình, ông thầm nghĩ "Cô này dường như đang bị ma ám, thần sắc kỳ quái". Chẳng kìm hãm được, ông nắm cổ tay cô, hỏi dồn:



- Lâm cô nương, cô không sao chứ?



Khi cổ tay bị ông nắm lấy, lập tức Lâm Yên Bích cảm giác một làn hơi ấm truyền qua, rồi cô chừng như lạc trong mộng, nửa mê nửa tỉnh, cúi đầu, say đắm nhìn vào bàn tay đang nắm giữ tay cô. Bỗng cô đỏ bừng đôi má, cựa quậy tay, rụt lại, nói khe khẽ:



- Không .. . không có gì đâu! Tại trước đây tôi có quen một người cũng cùng tên A Châu.



Hai má cô đỏ hồng, Tiêu Phong thấy sắc thắm hơn màu hoa đào. Trước giờ, ông không hề động tâm trước các cô gái đẹp mỹ miều ông từng gặp, đến ngay nàng Vương Ngữ Yên tuyệt sắc giai nhân, đẹp tợ tiên giáng trần, ông cũng không để mắt nhìn, nói gì mê mẩn?. Gặp cô này dưới chân núi Thiên Sơn, làm quen cô ở Tuý Tiên lầu, cùng cô trò chuyện ở Hạnh Hoa cốc, được cô cùng chia sẻ hoạn nạn trong cái xó xỉnh Lục gia trang đó, ông nhận ra mình đã hết sức mến chuộng cô! Ông bất giác than thầm "Sao dưới trời lại có một cô nương vừa thiện lương, vừa hết sức mỹ lệ thế này? Hồi đó, Vương Ngữ Yên dẫu đã tuyệt đẹp, trong mắt ông, nàng Ngữ Yên đó chỉ có biết giữ ý tứ, không bằng được sự khéo léo, tâm địa thiện lương nơi cô nương họ Lâm đây?".



Lúc đó, kiệu vào tiểu trấn, Tiêu Phong chỉ đường phu kiệu đi về hướng tây, đến quán trọ ngoài xa. Kiệu phu cước bộ nhanh như ngựa, sau một lúc, họ đến trước khách sạn. Tiêu Phong nói:



- Quán trọ đây rồi, nhờ Thanh Huyền cầm khối ngọc bội này vào đưa A Tử xem, sẽ được tin cẩn tức thì.




Lâm Yên Bích nhận ngọc bội, đưa cho Thanh Huyền. Một lúc sau, Thanh Huyền trở ra, nói:



- A Tử cô nương không có trong khách sạn, chưởng cự bảo là sáng sớm hôm nay, cô ra ngoài, đến giờ chưa thấy về.



Tiêu Phong kinh hãi, e rằng cô đang tìm cách đột nhập Lục gia trang dọ thám tin tức. Thấy ông trầm ngâm, Lâm Yên Bích bảo:



- "Hoàng Dung rất tinh minh, tối nay mà họ không tìm thấy người, thể nào cũng suy đoán tôi đã giúp đem người trốn ra ngoài. Bọn ta không thể nấn ná lâu quá được. Nếu người lo lắng cho A Tử, sẽ bảo Thanh Huyền nán lại đây thăm dò tin tức cô ấy, người nghĩ sao?



Tiêu Phong nghĩ mình thân mang trọng thương, không hành động được, nấn ná lại đây hoàn toàn vô ích. Lâm Yên Bích đã hao tổn nhiều tâm trí, sức lực để chạy thoát, không nên để bao nhiêu tâm cơ đó của cô bị lãng phí, ông nhanh chóng gật đầu đồng ý:



- Chỉ còn cách đó thôi, cứ vậy mà làm.



Họ bỗng nghe tiếng vó ngựa vọng đến, Lâm Yên Bích hốt hoảng nói:



- Làm sao Hoàng Dung phát giác sớm được vậy chứ?.



Không chút đắn đo, cô bảo Thanh Huyền giúp mình nâng đỡ Tiêu Phong, đưa ông vào khách sạn. Cô ra lệnh kiệu phu tiếp tục khiêng cỗ kiệu trống không chạy về hướng bắc, cô sẽ tìm cách gặp họ sau.



Ba người vào trong, tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, rồi nghe tiếng hô lớn:



- Ai có tin tức gì về chiếc kiệu tám người khiêng ... đến thông báo, ta sẽ trọng thưởng.



Lâm Yên Bích nghe được, co lấy từ trong bọc ra một đĩnh bạc, đưa cho chưởng cự, bảo:



- Chưởng cự, ta mướn một phòng thượng hạng.



Nhìn đĩnh bạc ước chừng mười lượng, Chưởng cự trợn to mắt, nở nụ cười thật tươi, đón lấy nó, rồi đích thân dẫn ba người vào gian phòng đàng sau. Thấy Tiêu Phong phải nhờ hai người đỡ đần, gã nhớ, tối hôm qua, ông hoàn toàn khoẻ mạnh, bất giác hỏi:



- Vị khách quan này tối qua trông khoẻ lắm, sao bữa nay ra hình dạng như vầy? Ông ấy bị bịnh gì?



Lâm Yên Bích bực mình, ca cẩm:



- Ông ấy tối qua đi thanh lâu, tranh giành mấy cô nương thanh lâu cùng người, bị chúng đánh tơi bời, giờ chỉ còn mỗi nửa mạng!



Gã chưởng cự ngọ ngoạy cái đầu, chắt lưỡi, nói:



- Ê hèm ... khách quan này đã có người đồng hành tuyệt sắc, vậy mà còn ham tầm hoa vấn liễu, thiệt quá đáng!



Lâm Yên Bích thở dài, lấy một đĩnh bạc khác đưa chưởng cự, bảo:



- Chàng phong lưu quá xá chừng, ai da ... hồi đó ta mù mắt, giờ xuất giá tòng phu, phải ráng cắn răng chịu. Ông hãy đi thuê cho ta một cỗ xe, ngay tối nay, ta đưa chàng về, cả nhà đang ngóng trông dữ lắm!



---- Xem tiếp hồi 66 ----


Bình Luận (0)
Comment