Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 111

Thư viện của trường, là một khu nhà rất rộng, rất cao. Khắp các học viện tại Đại Nam, thư viện luôn là nơi được đầu tư kĩ càng nhất. Người Đại Nam luôn theo đuổi tri thức, mà nơi chứa tri thức, chính là Thư viện.

Học sinh trường Kình Ngư, trừ thằng Văn ra, đều dành rất nhiều thời gian học tập tại thư viện. Còn thằng Văn, thì là lần đầu tìm đến.

Nó vừa bị thầy cho ra khỏi lớp, vì thầy nói nó giỏi quá không cần học cùng nữa. Nó lại chả thấy thế chút nào, giờ nó lại không biết phải đi đâu. Rốt cuộc nó lên thư viện.

Rất nhiều sách. Chỉ sảnh ngoài đã chứa hàng nghìn quyển sách. Nó tự hỏi cả đời mình chắc cũng không đọc hết số sách này.

Lại còn có những thư viện lớn hơn như thế này nữa sao? Chứa toàn bộ số lượng sách trên đời? Nó lè lưỡi. Nó không hiểu, nếu chỉ riêng số sách trong thư viện này, đọc cả đời đã không hết, tại sao người ta còn muốn tìm nhiều sách hơn nữa làm gì.

Một cô thủ thư cười với nó, hỏi nó muốn đọc sách gì. Cô cười, nói ở đây sách gì cũng có. Nó hỏi, vậy cuốn Văn học lý trí của thầy Mạnh, ở đây có không. Cô thủ thư lúng túng, cúi xuống tra cứu tài liệu điện tử, không có. Cô còn hỏi, quyển sách đó, có phải do nó bịa ra không.

Nó mở cặp, lấy ra quyển sách mà thầy Khang đã cho, cho cô nhìn.

Rõ ràng là không có quyển sách này, vậy mà cô dám nói cái gì cũng có. Nó nghĩ vậy, nhưng không nói ra. Nó hỏi nó muốn đọc sách của mình mà thôi, chứ không muốn mượn sách gì. Liệu có chỗ nào cho nó ngồi đọc không?

Cô thủ thư chỉ cho nó lên tầng 2, phòng đọc.

Nó ngồi xuống một cái ghế, bắt đầu giở cuốn Văn học lý trí ra, bắt đầu đọc. “Từ xa xưa, người Đại Nam, và người Bắc Hà, đều tin rằng, Văn Sử Triết bất phân. Học Văn, là tu tâm dưỡng tính, là học hỏi điều hay lẽ phải từ tiền nhân, để ứng dụng vào đối nhân xử thế giúp đời.

Có một thi nhân đã nói, văn chương, là sự rung động. Sự rung động từ sâu trong tâm hồn. Là đồng cảm với vạn vật. Phải rung động, mới viết được Văn. Xưa tới nay, người Đại Nam, và người Bắc Hà, đều tin như vậy.

Người Đại Nam ta, nhiều thế hệ nay, dần theo đuổi chân lý, phát triển khoa học kĩ thuật, đời sống con người tuy phát triển, nhưng tâm trí mọi người dần trở nên khô khan, thực tế. Về mặt Văn học, đã dần dần thua kém người Bắc Hà. Trẻ Bắc Hà, 7 bước xuất khẩu ra một bài thơ, trẻ con Đại Nam, mới 15 tuổi đã biết khai căn giải tích. Ta không bàn tới vấn đề tốt xấu, theo đuổi tri thức, dù là loại tri thức nào, cũng đều tốt cả. Nhưng, cố gắng đừng dẫn tới cực đoan.

Nguyễn Mạnh ta, dạy học cũng đã 60 năm rồi, giảng giải cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh, cũng đã viết không biết bao nhiêu cuốn sách. Lời giảng của tiền nhân, ta nhớ như in, truyền đạt lại cho học trò, ta cũng chưa bao giờ truyền sai một lời, một chữ.

Ta không có năng khiếu để trở thành một Đại thi hào, thì ta nguyện đem mấy chục năm đèn sách truyền lại cho học trò, nhằm mong rằng có một ngày, sẽ có người thông qua ta mà thổn thức được với lời dạy của tiền nhân, để phóng đôi mắt nhìn thông suốt tam thế lục đạo, để ngóng đôi tai mà nghe thấu mọi âm thanh của thế gian. Được như vậy, ta đã rất vui lòng.

6 chục năm đi dạy, lòng đều mang tâm niệm như vậy, không một chút nào vì hư danh, không một tơ tưởng gì tới phú quý. Ấy vậy mà, khi ta chắp bút viết nên cuốn sách này, nhiều kẻ phàm phu tục tử không tiếc những lời lẽ bẩn thỉu thoá mạ ta, nói là ta vì muốn nổi tiếng mà chơi ngông, vì muốn vang danh mà làm xằng. Đáng buồn thay, rất nhiều trong số đó, còn từng là học trò của ta.

Nổi tiếng, ta còn thiếu sao? Nổi tiếng tới bao giờ cho đủ? Cuốn Văn học lý trí này, ta viết ra, không phải chơi ngông, không phải làm xằng, mà là để thoả mãn những ngọn lửa khao khát đã tích luỹ suốt một đời.

Bởi vì trong một đêm mưa gió bão bùng, ngồi thắp hương nhớ vợ, ngồi canh nôi cho đứa cháu, cái ta già cả ốm yếu này mới chợt nhận ra.

Cả đời này, hoá ra, ta đã sai lầm. Sai lầm về Văn chương, sai lầm về chính mình.

Kì quặc thay, cả một đời trau dồi văn học, nhét vào đầu bao nhiêu là chữ nghĩa, mới là để nhận ra một điều vào lúc cuối đời, rằng ta đã ngộ nhận.

Từ xa xưa tới giờ, có thật sự tiền nhân cho rằng Văn học, là tu tâm dưỡng tính, là rung cảm, là xót thương hay sao? Hay là chỉ có ta, và các ngươi, cùng ngộ nhận như vậy?

Các ngươi không thấy kì quặc sao, khi mục đích của Văn học là đưa con người lên một tầm cao mới, vượt xa khỏi thứ bản năng thú vật trong tiềm thức, thì lại phải sử dụng đến phương thức tác động lên chính cái tiềm thức ấy? Ngươi nói muốn đưa con người vượt lên khỏi bản năng, nhưng Văn chương của ngươi lại mua vui cho bản năng của con người, khiến họ bật cười, khiến họ khóc lóc, khiến họ đau buồn, thì văn chương của ngươi mới bán được. Mâu thuẫn quá phải không? Điều đơn giản như vậy, sao các người không ai thắc mắc?

Kẻ nào nói rằng văn chương đích thực phải âm thầm thấm vào lòng người như những mạch nước ngầm, kẻ đó đích thực là lang băm!

Kẻ đó chỉ có thể viết nên những chuyện tình ba xu sướt mướt, vô nghĩa, kẻ đó chỉ có thể chiều lòng độc giả mà viết nên những câu chuyện giật gân nhưng cũ rích.

Văn chương bắt nguồn từ tiềm thức, đúng, ta thừa nhận. Nhưng, nếu cái đích của văn chương cũng là tiềm thức, vậy chẳng phải nó đã giậm chân tại chỗ? Theo ta nghĩ, cái đích của Văn chương, phải vượt lên tiềm thức, đâm thẳng vào cuộc đời, và vượt lên cao hơn cả cuộc đời.

Văn chương bắt nguồn từ tiềm thức, nhưng phải nhắm tới lý trí.

Đọc Văn, phải suy ngẫm, phải tính toán, phải căng tai, phải động não. Đọc Văn mà êm đềm như nước chảy mây trôi, là vứt! Vứt hết! Những ẩn ý trong Văn học, phải được gửi gắm vào từng con chữ, từng câu từ, để người đọc như một nhà thảm hiểm, bóc tách từng lớp ý nghĩa, khám phá dần từng lời nhắn gửi.

Tác động vào tiềm thức, vào xúc cảm sâu xa của con người, chỉ là một trò vớ vẩn. Tác động tới lý trí của con người, mới là mục đích tối cao.

Nhân bất học, bất tri lý. Loài người sinh ra, chỉ là những con thú mông muội. Học tập, tư duy, mới khiến người ta vươn lên tầm cao hơn, trở thành con người.

Những điều ta vừa nói, là phỉ báng vào tiềm thức sao? Là phủ nhận Văn học sao? Là chê bai tiền nhân sao? Không phải. Chỉ những kẻ cực đoan, đầu óc thiển cận, hẹp hòi, mới mang trong mình những suy nghĩ thấp kém như vậy.

Cuốn sách này, là ta dùng toàn bộ sở học của đời mình, phân tích cho các ngươi kết cấu của văn chương. Liệu văn chương có thực sự cần có một kết cấu nào? Câu từ. Liệu câu từ nên được sử dụng ra sao? Thông điệp. Liệu thông điệp sẽ được truyền đạt như thế nào? Và rất nhiều điều khác nữa.

Tiền nhân từng nói, thấy một cái lá rụng, biết cả mùa thu về. Nhìn một hạt cát, thấy được cả 3 nghìn thế giới. Những lời nói đó, là từ trong tiềm thức thốt ra sao? Hay là đã thông qua hàng nghìn lần suy nghĩ, hàng nghìn lần suy tưởng?

Cuốn sách này hơn 3 ngàn trang giấy, đã là sở học của toàn bộ đời ta, nhưng cũng chỉ là một tảng băng nhỏ giữa biển cả mênh mông. Chỉ hi vọng, kẻ hữu duyên đọc được những kiến giải ngu dốt này, sẽ không vì tâm đắc với ta mà tin tưởng ta hoàn toàn, cũng không vì trái ý với ta mà phủ nhận những gì ta viết. Kiến giải của riêng các ngươi, còn cần các ngươi tự giác khám phá”.

Lời mở đầu này, được viết tay. Nét chữ rất ngay ngắn, vuông vức, dễ nhìn.

Giở ra cuốn sách, chi chít những ví dụ, những chú giải, nhưng đồng thời, cũng chi chít những vết bút bi, được viết thêm vào, do chính tác giả chú giải lại.

Một cuốn sách có thể gửi gắm những gì? Câu, chữ, từ, thông điệp? Một cuốn sách, còn có thể gửi gắm cả tâm huyết của người viết, mã hoá trong từng con chữ, bảo lưu qua không biết bao nhiêu năm tháng, để tìm kiếm một độc giả hữu duyên, hoặc là không cam lòng tan vào mục nát tro bụi.

Thứ mà thầy Mạnh gọi là Văn học lý trí, hình như rất thích hợp với mình. Văn bỗng nhiên nghĩ vậy.
Bình Luận (0)
Comment