Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 333

- A! Văn đấy à! Vào đi! Vào đi!

Mấy ngày không gặp, mà thầy Khoái già sọm đi đến chục tuổi. Đầu thầy vốn hói, giờ lại càng hói hơn, mấy sợi tóc bạc lưa thưa như cũng muốn theo chân vợ con thầy bỏ thầy mà đi. Mắt thầy sâu hoắm vì mất ngủ, dáng đi của thầy còng rụp xuống. Nhìn đến mà tội.

Văn cũng hơi kinh ngạc vì ông thầy thay đổi nhiều tới vậy.

Thầy Khoái thấy nó tới nhà, bỗng nhiên lấy lại được chút vui vẻ và thoải mái. Thầy đon đả mời nó uống nước. Nhưng phích nước nhà thầy do không ai đun nấu, đã cạn queo. Nhà của thầy cũng đã bị dọn sạch bách, chả còn lại gì. Tivi, tủ lạnh, điều hòa, chẳng còn lại gì. Đến bộ bàn ghế cũng chả còn, thầy phải trải chiếu cho nó ngồi đất.

- Em ngồi đây chờ, thầy chạy ra ngoài mua cho em chai nước ngọt.

- Không cần đâu thầy ơi, em về ngay bây giờ ấy mà.

- Đừng đừng, cứ ngồi chơi cho thoải mái, thầy trò mình còn nói chuyện.

Lão Khoái nói xong, đã chạy tuốt ra ngoài, để Văn khoanh chân ngồi đó, giương mắt nhìn quanh nhà ông thầy. Ngôi nhà nhìn bên ngoài bề thế hoành tráng, mà bên trong còn nghèo nàn hơn cả nhà cũ của nó. Vậy ra truyền thuyết các thầy hiệu trưởng sống giản dị không màng vật chất là có thật sao?

Được 10 phút thì lão Khoái trở về, chẳng biết cầm theo ở đâu được 2 cái cốc nhựa và một chai nước ngọt. Thầy kính cẩn rót nước cho nó, dùng 2 tay mời nó. Thầy chờ nó uống xong cốc nước với đôi mắt háo hức và trìu mến, rồi mới kính cẩn hỏi nó.

- Văn à, lần này em tới đây, ngoài để chúc Tết thầy ra, còn chuyện gì khác không?

- Ơ, chuyện gì khác là chuyện gì ạ?

- Thì, ông Trần Thịnh có nhờ em nói gì với thầy không?

- Ông Trần Thịnh ấy ạ? - Văn lắc đầu - Không có.

- Ơ, thầy cứ nghĩ… em là gia nhân nhà ông ấy?

- Làm gì có chuyện đó hả thầy. - Nó lắc đầu.

- Ơ mọi người vẫn đồn đại như vậy kia mà?

- Không phải đâu.

- Thật sự không phải?

- Không phải.

- Thế trả lại cốc nước đây.

- Ớ?

Lão Khoái hơi bực mình nói vậy, nhưng vì phép lịch sự, lão cũng không có làm thế. Lão chỉ tự rót cho mình một cốc, uống ực một hơi. Sau đó, như thể đã lâu không có ai để trút bầu tâm sự, lão cứ nhè đầu thằng Văn ra để mà kể lể, để mà chửi bới. Hai thầy trò, một già một trẻ, ngồi bên chai nước ngọt mà cứ như chai Nếp mới, tỉ tê tâm sự cả buổi chiều, thỉnh thoảng lại cụng ly như đúng rồi.

- Nhưng thầy từng đứng ra giúp đỡ em, để em đi giúp Linh, vậy là thầy cũng giúp Linh rồi. Thầy cần chú ấy giúp đỡ, biết đâu chú ấy lại đồng ý? - Cuối cùng, Văn hỏi.

- Khó lắm. - Lão Khoái lắc đầu. - Chút chuyện ấy, chưa đáng để coi là ân huệ, với lại với địa vị của Trần Thịnh, cùng lắm là giúp thầy có một đường thoát, chứ cũng chẳng vãn hồi được những gì thầy đã mất. Chuyện của thầy, nếu là ông Sở trưởng ra mặt thì còn có chút cơ hội, nhưng chẳng đời nào ông ấy làm thế đâu.

- Dù sao thì, những chuyện trong quá khứ, cũng là do thầy sai rồi, giờ thầy nhận trách nhiệm về những chuyện đó, có gì là không đúng đâu cơ chứ? - Văn hồn nhiên hỏi lại.

Lão Khoái nghệch mặt ra một khắc, rồi phá lên cười.

- Ha ha ha, cũng đúng! Cũng đúng! Tuyển giáo viên bừa bãi, nhận hối lộ, sửa điểm thi, rồi bao nhiêu chuyện khác, đúng là cũng có phần ta trong đó! Nhưng Văn à, ta không muốn làm cũng khó khăn lắm. Ta không làm, thì người khác làm. Tất cả mọi người cùng làm, mình ta không làm, thì khác gì kẻ lạc loài chứ? Kẻ lạc loài thì khó sống lắm.

- Tại sao lại khó sống ạ? - Văn hỏi lại. - Đi ngược lại so với mọi người, có sao đâu chứ? Miễn chuyện đó là chuyện đúng đắn.

- Nhưng mình ta làm chuyện đúng đắn, thì có thay đổi được điều gì chứ? Điểm thi cũng vẫn bị sửa, giáo viên vẫn được tuyển, học sinh vẫn phải đút lót, một ngày vẫn 24 tiếng, và mặt trời vẫn mọc đằng đông.

- Ít ra thì, thầy sẽ không còn dằn vặt nữa.

Câu nói này, làm lão Khoái sựng lại.

Phải rồi, cả một đời luồn lách bon chen, cuối cùng là để làm gì? Thử nhớ lại 40 năm trước, cái ngày ta mới 20 tuổi, ta mong muốn điều gì? 40 năm qua ta đã làm tất cả những chuyện đó, là để đạt được cái gì? Chả phải là để cuộc đời của ta hạnh phúc vui vẻ hay sao?

Lão Khoái ngẩng đầu nhìn lại căn nhà trống toang trống hoác của mình.

Phải rồi, căn nhà bề thế nguy nga tích cóp 40 năm trời để có được, cuối cùng cũng chỉ là 4 bức tường xi măng. Bà vợ gia cảnh bề thế lắm tiền nhiều của mà khó khăn lắm mới lấy được, sau 30 năm trời chung sống, cũng ôm đồ đạc mà bỏ ta đi. Con cái ta tốn bao công sức nuôi dạy, cuối cùng cũng bỏ ta một mình. Đồng chí anh em mấy chục năm nhậu nhẹt nịnh bợ, hoặc là nâng đỡ dạy dỗ, cuối cùng cũng là anh em cây khế.

Cuộc đời mình tích cóp 40 năm qua, hóa ra chỉ là hư ảo. Chỉ là dối trá.

Đến bây giờ, tuổi đã cao, tóc đã bạc, thì lại lẻ loi một mình, ngồi nhậu nước ngọt với một đứa học sinh lớp 6.

Mục đích của cuộc đời là gì? Là hạnh phúc sao? 40 năm qua sung sướng vinh hiển đã trải qua, sơn hào hải vị không thiếu, rượu quý chất đầy nhà, có phải hạnh phúc không? Hạnh phúc là khi, tìm thấy sự yên bình trong tâm hồn, là khi ngồi uống Chivat 70 năm hay uống rượu nếp pha cồn đểu cũng thấy ngon như nhau, là khi bạn bè không nườm nượp tới nhà chúc Tết, nhưng có một tri kỉ ngồi tâm sự chuyện đời là đã đủ mãn nguyện. Hạnh phúc là khi sống trên đời, không sợ trời không sợ đất, ngẩng cao đầu cười ha hả mà sống, tự do tự tại, là khi mỗi tối đi ngủ không phải toan tính chuyện tranh đấu, không phải nghe lời bất kì ai, cũng không cần bất cứ ai nghe lệnh mình.

Lương thiện, là cách sống hạnh phúc nhất. Nguyễn Văn Khoái, vào lúc bước qua lục tuần, đã tới sườn dốc bên kia của cuộc đời, chợt muốn lương thiện.

- Cám ơn em! Vương Thành Văn! Em đã khai sáng cho lão già ngu xuẩn này! Từ ngày hôm nay, từ giây phút này, thầy xin thề với em, thầy sẽ trở thành người lương thiện! Thầy sẽ làm những điều đúng đắn!

Rối rít bắt tay thằng bé, sau đó, lão Khoái phăm phăm lao ra khỏi nhà, dép còn xỏ lệch. Văn ngơ ngác ngó theo, chả biết lão này chạy đi đâu. Rồi nhà lão ai trông, vì nó phải về ăn cơm rồi. Ngó thấy trong nhà cũng chả còn gì để trộm, Văn khép cửa lại, sau đó ra về.- Tao muốn lương thiện!!!

Đã 5 giờ chiều, là lúc ngài Sở trưởng Sở Giáo dục Đàm Đức Vũ phải về nhà nấu cơm. Có hai vợ chồng ở nhà, con cái đều đã đi xa, vợ lão lại suốt ngày spa tắm trắng, lão không nấu cơm thì vợ lão lại đánh lão tơi bời. Đàm Đức Vũ nhìn quắc thước oai phong vậy thôi, thực ra sợ vợ hơn cả Chí Tôn Cường giả.

Chợt tiếng ồn ào huyên náo vang tới từ ngoài sân. Hắn ngó qua cửa sổ, chỉ thấy lão Khoái hói đang làm ầm lên trước sân, mặc cho bảo vệ xúm vào ngăn cản.

- Tao muốn lương thiện! Ai cho tao lương thiện?! Đàm Đức Vũ, mày ra đây cho tao!!! Hôm nay tao sẽ cho cả cái Sở này biết, cả cái thành phố này biết, cả cái Đế quốc này biết, những gì mày đã làm!!

Ôi Thánh Thần thiên địa ôi ngài Nam Đế Bắc Hoàng Tây Công Đại Hùng Vô Diện ôi Đức Mẹ ôi Đức Mẫu ôi ngài Thiên Vương ôi Bồ Tát ôi Thổ Công ôi Thổ Địa ôi Chúa ba ngôi ôi Ngũ vị Quan ông ôi Tứ vị Chầu Bà ôi chín phương trời mười phương Chư Phật ôi mẹ ơi ôi cha ơi ôi bà xã ơi có thằng nó tới rạch mặt ăn vạ!

Đàm Đức Vũ cảm thấy trời đất quay cuồng càn khôn đảo lộn đầu óc vô thức mà khấn vái ra đủ loại thánh thần mà lão biết tới. Hắn làm Sở trưởng Sở Giáo dục thành phố làm sao mà không biết cái tích kinh điển rạch mặt ăn vạ này. Đây là chó cùng thì rứt giậu, tức nước thì vỡ bờ, con giun xéo lắm thì cũng quằn mà con người ép lắm là sẽ bật. Lão Khoái hói này một mình sa cơ còn chưa đủ rõ ràng là muốn ôm theo hắn, ôm theo cả cái sở mấy trăm giáo viên công nhân viên chức này xuống đáy bùn hay sao?

Mèn đét ơi! Cái đám công nhân viên chức ngu xuẩn này, nó đến vạch mặt chúng mày, chúng mày còn xách điện thoại ra giúp nó lên internet? Ủa, kia là thằng Hiệp chuyên viên đang nhăm nhe cái ghế của mình, kia là thằng Cường bên công đoàn mà hồi trước mình vừa kỉ luật nó, rồi còn… còn…

Đàm Đức Vũ đếm sơ sơ ra được cơ man nào là kẻ thù kẻ địch, muốn nhân cháy nhà mà hôi của. Không được! Nhất quyết không được! Hắn nhanh chóng chạy ra ngoài sân.

- A mày đây rồi! Thằng Vũ kia! Hôm nay tao nói cho mày biết, tao muốn làm người trung thực! Tao muốn ngẩng cao đầu mà sống! Đằng nào tao cũng chẳng còn gì để mất, tao nói cho mày biết, tao sẽ vì nghĩa quên thân, phải cho cả lũ chúng mày ra bờ đê hết!

- Ấy ấy ấy ấy ấy anh Khoái! Có gì từ từ nói.

- Đéo có gì để từ từ cả, mày nhìn xem giữa thanh thiên bạch nhật thế này…

Đàm Đức Vũ hết nhẫn nhịn nổi, hắn đành phải giở chiêu bài tốc chiến tốc thắng. Hắn chạy tới bá vai Nguyễn Văn Khoái, ghé thật sát miệng vào tai lão, nói rành mạch từng chữ một.

- Muốn - tao - nhường - cái - ghế - Sở - trưởng - cho - thì - im - ngay - cái - mồm - lại.

Câu nói này quả nhiên là thần chú trấn áp vạn loại yêu ma. Nghe hết 14 con chữ thần thánh này, lão Khoái không ngậm mồm lại, mà là há hốc ra kinh ngạc. Lão quay lại 2 mắt trợn tròn nhìn Đàm Đức Vũ. Trong giây phút ấy, mọi lý tưởng gì mà sống lương thiện, gì mà sống được ngẩng cao đầu, lão ném hết vào thùng rác. Lão không thể ngờ cái sự “lương thiện” này lại giúp lão lật cái bàn dễ dàng như vậy.

- Anh Vũ, anh nói rất đúng! Hôm nay em phải cho cả cái Đế quốc này biết, anh là con người tài năng đức độ như thế nào!!

- Chú lại quá khen rồi. Nào, vào đây mình bàn chuyện tiếp nhé!

============

(Tác giả chú thích) Truyện này diễn ra ở một thế giới giả tưởng, tại một đất nước không có thật, với những nhân vật và tổ chức không có thật, nên hoàn toàn không liên quan gì tới thực tại nhé. Mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên.
Bình Luận (0)
Comment