Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 684


Tạp vụ, chức danh thấp kém nhất trong 1 môn phái, đối với mỗi người lại mang 1 ý nghĩa khác nhau.
Với thường dân, tạp vụ cũng là vị trí đáng ngưỡng vọng.

Ấy là ranh giới giữa tiên nhân với kẻ phàm tục, của tiên đạo xa vời với trần thế tầm thường.

Thực ra Trúc Sơn Phái cũng chỉ tương đương với 1 Học viện hàng top tại các vùng lãnh thổ khác, nhưng vì màu sắc huyền bí được phủ lên Tiên đạo thông qua các tác phẩm văn chương, việc được thu nhận vào Trúc Sơn Phái có gì đó đáng nể hơn việc được nhận vào 1 Học viện tốt rất nhiều.
Với những tinh anh được tiến cử lên từ các tiên phái nhỏ hơn, việc bị tống vào Tạp Vụ Đường, phải bắt đầu lại từ vị trí nhỏ nhoi này quả thực không phải dễ tiếp nhận.

Đại đa phận là hậm hực hoặc than vãn, ngày đêm ôm mộng phá kén thành danh.
Bởi đa số chia thành 2 trường phái như vậy, việc phân cấp xã hội trong Tạp Vụ Đường cũng rất nhanh chóng được định hình.
Hậu bối ngoài mặt nịnh nọt tiền bối, trong bụng lại thầm khinh bỉ những kẻ bị mắc kẹt tại nơi đáy sâu này.

Những kẻ mới nhập môn thì xun xoe quanh những đệ tử đến từ môn phái khác, nhằm dựa hơi kinh nghiệm cũng như mối quan hệ của họ.

Những vị chấp chưởng có chút địa vị thì được tôn sùng như những ông hoàng.
Trong Tạp Vụ Đường, người có địa vị cao nhất đương nhiên là Trương Đường Chủ, Trương Đại Vệ.

Bất kì môn đồ nào của Trúc Sơn Phái đã từng đi qua Tạp Vụ Đường, đều sẽ không thể nào bỏ qua người đàn ông to béo khổng lồ, ngồi lù lù giữa sảnh lớn, 1 tay cầm vốc đồ ăn bỏ vào miệng, 1 tay cầm chum rượu 10 lít mà tu ồng ộc.

Nét mặt ông bặm trợn như 1 vị hộ pháp, 2 hàng lông mày rậm và dày như 2 cái chổi, lúc nào cũng hất ngược lên trên.


Cái miệng to lớn lúc nào cũng nhồm nhoàm nhai và uống.

Rượu màu đỏ tươi lênh láng đổ lên cái bụng to như trống lại chi chít những vết sẹo chằng chịt.
Tuy là vị Đường chủ có địa vị thấp nhất trong Nhị Thập Tứ Đường của Trúc Sơn Phái, Trương Đại Vệ lại rõ ràng là vị Đường chủ có bá khí khiến người khiếp sợ nhất.
Môn sinh các Đường khác vẫn lén lút gọi ông là Quỷ Hộ Pháp trấn giữ Trúc Sơn.

Lại có rất nhiều chuyện kể rằng tân môn đồ nửa đêm đi tiểu bậy, bắt gặp Trương Đường Chủ giữa đường, tưởng là Quỷ Dạ Xoa, sợ hãi đến mức hồn vía bay hết ra ngoài, gào thét bỏ chạy, đũng quần cũng ướt sũng tự bao giờ.
Trương Đại Vệ dáng vẻ hung dữ là vậy, kì thực suốt nhiều năm trong môn phái, cũng chưa từng gây ra 1 vụ ẩu đả hay xích mích gì.

Có người bảo hắn diện quỷ tâm phật, kẻ lại bảo là vì bề ngoài đã quá hung hãn khiến người khiếp sợ, vốn không cần động tay động chân.

Nhiều loại giả thuyết, kì thực vẫn không ai dám đứng ra thử thách giới hạn nhẫn nhịn của Trương Đại Vệ.
Ngoài ra, ai cũng biết Trương Đường Chủ đam mê nhậu nhẹt.

Hắn nhậu suốt ngày suốt đêm.

Thân là Đường chủ Tạp Vụ Đường, đồ ăn và thức uống vốn chưa bao giờ thiếu.

Hắn có thể nhậu với bất kì ai.

Môn sinh đem sản vật tới biếu? Nhậu.

Đường Thái Nguyên rảnh rỗi ghé qua? Nhậu.

Vũ Đăng Phiên tới phàn nàn vì danh sách phân phối đan dược quá qua loa đại khái? Nhậu đã rồi nói gì thì nói.

Cho dù có là Chưởng Môn Đại Nhân ngao du thiên hạ trở về môn phái, có đi qua Tạp Vụ Đường, cũng bị Trương Đại Vệ gọi vào nhậu.
Người mới lần đầu nghe chuyện này, sẽ sửng sốt trầm trồ thắc mắc Trương Đại Vệ là thánh nhân phương nào mà sức ảnh hưởng cao tới vậy, có thể mời rượu cả Chưởng Môn Đại Nhân.

Kẻ lâu năm lại nhẹ nhàng giải thích, Trương Đại Vệ có ghê gớm thật hay không, chẳng ai biết.

Nhưng tính tình hắn phóng khoáng vô tư, tâm không tạp niệm, không hề có dục vọng công danh uy quyền, không hề bị vướng vào vòng xoáy tranh đoạt, tất lẽ dĩ ngẫu mà mọi người đều có thể thả lỏng với hắn.
Tạp Vụ Đường dưới sự quản thúc của Trương Đại Vệ, tuy không có kỉ luật gì quá chặt chẽ, nhưng cũng chẳng kẻ nào dám lơ là.

Trương Đường chủ ăn to nói lớn, mỗi lần ra lệnh đều như sấm đánh bên tai, nào ai dám phản kháng? Dù đúng là có phân cấp ngôi thứ ngấm ngầm, kẻ làm ít đứa làm nhiều, chung quy cũng chẳng ai chểnh mảng công việc.

Để cả 1 môn phái quy mô vận hành, số lượng Tạp vụ đương nhiên cũng vô cùng hùng hậu.

Hơn 3000 người, cả mới cả cũ.

Trẻ thì còn thiếu niên trai tráng, già thì cũng đã có kẻ bạc đầu.

Nhiệm vụ của bọn họ là tất cả những công việc gì mà môn phái cần tới.

Nấu cơm, giao hàng, đưa thư, canh gác, tuần tra, quét dọn, khuân vác… Những công việc này đều sẽ chia ca rõ ràng.

Quy trình phân bổ nhân sự ai làm việc gì cũng vô cùng chi li phức tạp.
Đối với Văn, những công việc tạp vụ này không phải quá khó khăn, cũng không quá mệt mỏi.
Lên Trúc Sơn với tư cách là 1 kẻ câm, hắn ý thức rằng mình sẽ nhận về nhiều thái độ kì thị và xa lánh.

Cũng chẳng sao.

Những năm vừa qua hắn cũng đã quen với điều này.

Ở Kình Ngư hắn cũng chưa bao giờ là kẻ được đám đông chào đón hay yêu mến.

Văn chỉ cần vài người bạn thân thiết ở xung quanh mình, đối với hắn vậy là đã đủ.
Mấy cha con Nguyễn Bạch đối với hắn chỉ là những người mới quen biết chưa đầy 1 năm trời, nhưng trong suốt cuộc hành trình này, họ là những người đồng hành mà hắn có thể tin cậy.

Không phải bởi vì họ chưa từng nói dối trước mặt hắn, không phải vì đạo đức của 2 cha con kia không đáng đặt dấu chấm hỏi, hay ngay cả cái nghề nghiệp Runner của họ cũng đã vô cùng ám muội.


Hắn chỉ cảm thấy họ không phải là người xấu, dù rằng những việc họ làm cũng chẳng phải tốt lành.
Hắn lại nhớ tới rất nhiều người mình từng gặp gỡ.

Hầu hết bọn họ không thật sự xấu xa.

Ai cũng đều có lý do và mục đích của riêng mình.

Cầm Dạ Nguyệt, Trần Thiên Anh, Vũ Hải Phong, Trương Minh Quang, bác Itou, Lê Đức Khang… Khác với hắn, tay của bọn họ đều đã nhuốm máu.

Hắn không muốn phán xét bất kì ai, nhưng trong số ấy, chỉ 1 số người là hắn có thể làm bạn, số khác lại lựa chọn đối đầu.
Kì thực, những người đã từng đối đầu với hắn, nếu bọn họ từ bỏ thái độ thù địch, hắn vẫn sẵn sàng coi họ là bạn.
Những tháng ngày trên Trúc Sơn những tưởng sẽ lại đơn độc 1 mình, Văn không ngờ lại có 1 cậu bạn muốn bám dính với hắn.
Tên cậu ta là Tiểu Xí.

Có vẻ anh chàng này hiểu nhầm gì đó nên mới muốn tiếp cận mình, nhưng Văn không quá để tâm nhiều.

Lý do, mục đích, ai mà chẳng có.

Bất kì ai muốn làm bạn với hắn, hắn đều sẵn lòng.

Bình Luận (0)
Comment