Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 792

Chương 792: Rừng rậm cuộc đời

Đêm nay, tuyết lại rơi.

Gió từ Hoang mạc Ajagar thổi tới luồng khí buốt lạnh vô hồn, va chạm với vùng không gian ẩm ướt nơi đây, đóng thành từng hạt tuyết buông đấy trời, như sự than khóc của 1 Triều đại trống rỗng của những oan hồn.

Lão Tam bước lên sân thượng, nhìn về phương xa, nơi từ cách đây rất lâu, từng tồn tại 1 Vương triều Hoàng kim ngập tràn sự phồn hoa sung túc. Ngày nay, hầu hết mảnh đất ấy đã trở thành hoang mạc điêu tàn, đã vùi lập biết bao nhiêu quá khứ vinh hiển.

- Lão Tam, hiếm khi nào thấy anh lên sân thượng nhỉ?

Ngồi trên đây, chẳng biết từ khi nào đã là “khách quen” Lão Tứ, và người bạn mới của hắn, Phù Dung.

- Ta không như các cậu, không giỏi chịu lạnh. Về đêm chỉ muốn cút rượu ấm, dăm ba mét lòng nướng sả, rồi đắp chân mà ngủ yên thôi. Dạo này không còn Lão Nhị, Lão Đại lại bận dạy cho Lục Muội học bài, chán chả có ai đối ẩm, lên đây mời các cậu chén rượu thôi.

Nói rồi, hắn ngồi xuống, gom 1 đụm tuyết trên sàn lại, rồi búng tay 1 cái. Tuyết lạnh bỗng nhiên phát ra luồng nhiệt nóng rực, ánh quang tỏa ra trắng toát. Tuyết thì tan thành nước còn lạnh buốt hơn trước, còn lửa nóng vẫn bốc lên.

Lão Tam ném cút rượu vào giữa ngọn lửa ấy, nghe được tiếng rượu đang sôi lên bùng bục.

- Lão Tam, anh đến từ Hoang mạc Ajagar phải không?

- Đúng rồi. Tôi sinh ra trong 1 bộ lạc du mục. Chúng ta di cư qua nhiều thế hệ, đã qua hết 21 tiểu quốc vùng Trung Đông, rốt cuộc chẳng có nơi đâu là nhà. Trong tâm thức của bộ lạc, chỉ có Vương triều Visshala mới là quê hương đích thực. Thật nực cười, 1 Vương triều đã từ lâu chỉ còn là bãi tha ma hoang tàn, cớ sao lại cố chấp nhớ nhung tới vậy.

- Trong mắt nhiều người, 21 tiểu quốc chạy dọc theo chân dãy Ajagar miễn cưỡng cũng có thể coi là kẻ kế tục Visshala.

Lão Tứ lưng dựa vào bức tường đã đóng thành những lớp băng dày, mở miệng nói.

- Chỉ là cách mà tâm trí chúng ta vặn vẹo sự thật để tự thuyết phục mình - Lão Tam cười - Nghĩ theo cách nào đó, chẳng phải Đại Nam mới là người kế thừa lại Visshala hay sao? Chẳng những triết lý Âm Dương, quan niệm về Khí, mà cả cách họ sử dụng Khoa học để tiến lên. Họ vùi lấp đi quá khứ, nhưng chẳng cách nào chối bỏ được những di sản vô hình mà mình kế thừa.

Con quỷ trong người Phù Dung bỗng nhiên trầm lặng hơn hẳn mọi khi. Ở với nhau lâu ngày, hắn đã đủ tinh ý để nhận thấy điều đó. Hoang mạc Ajagar và Phù Dung Ngạ Quỷ hiển nhiên có nhiều mối liên hệ.

- Lão Tam này - Phù Dung lên tiếng - Bộ tộc anh hắn lưu giữ nhiều văn hóa của Vương triều Visshala lắm?

- À, chủ yếu là qua những câu chuyện. Được rồi, để ta kể cho mấy cậu vài câu chuyện cho qua đêm dài. Câu chuyện về 1 khu rừng rậm.

“Chuyện kể rằng, trên hành trình tìm kiếm Chân lý, Đức Thế tôn đã chu du khắp thế giới. 1 ngày nọ, Ngài bắt gặp 1 khu rừng rậm. 1 tinh linh ở bìa rừng đã cảnh báo Ngài, khu rừng này là khu rừng lạc lối, chỉ có vào, chẳng có ra. Tinh linh khuyên Ngài nên vòng qua con đường khác, chớ nên bước vào.

Ngài cho rằng, đường dẫn lối ta đến khu rừng, ta lại vì sợ hãi mà vòng con đường khác, vậy đâu mới là lạc lối? Rừng đã ở trước mắt ta, dù muốn dù không, ta vẫn phải bước vào.

Bước vào khu rừng không phải trong tâm thế sợ hãi và lo ngại, cũng chẳng phải để gồng lên thể hiện sự bất cần của bản thân. Chỉ đơn giản là ung dung bước tới, như đón nhận 1 điều tất định, cái gì đến cũng đến, cái gì qua cũng qua.

Trong khu rừng ấy, ngài bắt gặp 1 tu sĩ phì nộn, đang nằm trong 1 trảng đất đầy cây trái tươi ngon. Tu sĩ ấy ngày đêm chỉ nằm 1 chỗ, đón những trái cây rơi xuống, cho vào miệng. Tu sĩ ấy cho rằng mình đang hưởng khoái lạc tuyệt trần, chẳng còn nhu cầu bước tiếp.

Ngài lại đi tiếp, tới khi nhìn thấy 1 con đường trải đầy cây gai nhọn. Ngài gặp 1 tu sĩ khác, người gầy gò nhưng khỏe mạnh, đang kiên cường bước từng bước trên con đường đầy gai ấy. Gai nhọn cứa rách hết da thịt ông, nhưng chẳng thể cản bước ông. Người tu sĩ ấy cho rằng, nếu chỉ nằm 1 chỗ và tận hưởng trái ngọt, cả đời sẽ chẳng thể nào tiến thêm 1 bước chân. Mỗi bước chân tuy rằng đều đau đớn và khổ ải, nhưng đó là từng bước tiến gần hơn đến Chân lý.”

- Câu chuyện ấy tiếp diễn thế nào? - Phù Dung hỏi.

- Đức Thế tôn không làm theo 2 người ấy, Ngài tiếp tục tản bộ trong khu rừng, thấy trái rụng thì ăn, thấy gai nhọn thì tránh, cứ như vậy vài năm vẫn chẳng thấy lối ra. Ngài vẫn ung dung tiếp tục, cho tới 1 ngày, tìm thấy tu sĩ phì nộn đã nằm chết trong sự xa hoa khoái lạc, còn tu sĩ gầy đã chết gục đau đớn giữa đống gai nhọn.

- Câu chuyện này hẳn phải có ý nghĩa gì chứ? - Lão Tứ hời hợt hỏi, nhấp 1 ngụm rượu ấm. Rượu vào đến miệng hắn lại đã lạnh buốt như băng.

- Ý nghĩa thì mỗi người tự suy ngẫm thôi. - Lão Tam nói - Khi ta kể câu chuyện này với Lão Nhị, hắn đã nói vậy: rừng rậm cũng giống như cuộc đời, làm gì có lối ra? Tất cả chúng ta đều tìm kiếm Chân lý, nào ai tìm thấy chút manh mối? Sinh mệnh của con người rồi cũng tới giới hạn, rồi ai cũng phải chết trong khu rừng. Đã vậy, tại sao không như tu sĩ mập ấy, nằm 1 chỗ hưởng thụ khoái lạc? Cớ gì phải cố chấp như tu sĩ gầy, phải bước từng bước quằn quại trên con đường khổ đau?


Vì sao chúng ta phải lựa chọn khổ đau?

Phù Dung trầm mặc nhìn ngọn lửa trắng đã sắp tàn, để lại dưới mặt đất vũng nước lạnh lẽo hơn cả băng giá.

Nếu đích đến của đời người đều là cái chết, vậy nên lựa chọn 1 cuộc sống ngập tràn khoái lạc, hay 1 cuộc sống khổ hạnh để bước về phía trước? Vì sao chúng ta vẫn chìm trong khổ đau? Nếu cuộc đời này là rừng rậm đầy gai nhọn, tiến bước về phía trước sẽ mang lại cho chúng ta điều gì?

- Ngươi nhớ câu đố của Lão Thất chứ? - Lão Tam nhấp nốt ngụm rượu cuối cùng.

- Nếu thế giới này tàn ác, giống như 1 khu rừng gai góc, điều chúng ta có thể lựa chọn là gì? - Lão Tứ ngẩng đầu lên nhìn bầu trời đêm. Vũ trụ mà hắn nhìn thấy, cũng là 1 khu rừng tăm tối và tàn nhẫn. - Vui chơi cho hết kiếp người, chờ đến ngày tan biến vào hư vô hay sao?

Phạm Viết Phương từng nói rằng, 1 trong những sự ngu xuẩn của loài người là quá đắm chìm vào khoái lạc nhất thời. Chính khả năng kém kiềm chế ham muốn khoái lạc, mà nhân loại chìm vào trong khổ nạn.

Nhưng nếu cuộc đời này là khu rừng rậm không lối thoát, khoái lạc hay khổ hạnh liệu có thật sự mang lại sự khác biệt? Chúng ta sống để tận hưởng khoái cảm, hay sống để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống?

- Đôi lúc, ta chợt nghĩ - Lão Tứ đột nhiên lên tiếng - Con người có thọ mệnh ngắn ngủi, có lẽ lại là điều may mắn. Giả sử tất cả chúng ta đều bất tử, chẳng phải ấy là lời nguyền thật đau đớn làm sao?

- Nói rõ hơn coi - Lão Tam cười.

- Khổ hạnh hay sung sướng, rồi cũng tới lúc hết 1 kiếp người. Nếu bất tử bất lão, sẽ phải đối mặt với sự thật đau đớn rằng cuộc đời này là 1 rừng cây gai không lối thoát, sẽ phải đối diện với sự tàn nhẫn của Vũ trụ.

- Nhưng chẳng phải, - Lão Tam gật gù, hắn đã ngà ngà say - Nếu có thọ mệnh vô hạn, người ta càng có thêm thật nhiều thời gian để tìm kiếm thứ ý nghĩa cho sự tồn tại vô nghĩa của mình trong Vũ trụ này hay sao? Lão Tứ, ngươi không thèm khát điều ấy sao?

- Ta… chẳng biết nữa. Ta chẳng ham muốn bất kì điều gì.

- Không ham muốn bất kì điều gì, có thể là thật sự không muốn sở hữu bất kì thứ gì, cũng có thể đã coi tất cả đều thuộc về bản thân mình, nên chẳng còn ham muốn nữa.

Lão Tam nói, rồi cầm bình rượu đã cạn bước vào trong.

Dưới nhà, 1 chiếc xe jeep quân đội từ từ phóng tới Trại Từ Mẫu. Đêm nay, quản giáo Kha có vẻ sẽ phải tiếp 1 vị khách đột ngột mà tới.

Trung tướng Vũ Minh Kiệt.

Bình Luận (0)
Comment