Thiên Táng

Chương 10

Đã đến lúc Văn rời khỏi vùng “Bách Hồ”, đỉnh núi Anyemaqen tuyết phủ và các núi khác của vùng Thanh Hải. Những đồng cỏ, sông hồ và núi thiêng vùng này đã xâm chiếm cả tâm hồn bà. Nơi đây bà nếm trải mọi vui buồn của đời người. Nơi đây tình yêu của bà với Khả Quân ngày càng mãnh liệt. Nơi đây bà tìm thấy quê nhà tinh thần của mình. Mặc dù thân xác bà ra đi, nhưng tinh thần bà sẽ ở lại nơi đang lưu giữ người chồng đã khuất. Trong khi bà chuẩn bị cho chuyến đi, trái tim bà giống như mặt nước lặng, mọi gợn lăn tăn của lòng khát khao hay nỗi buồn đã được nhẹ nhàng xoa dịu nhờ tác động của thánh thần. Văn biết rằng trong những tháng năm sắp tới, ở mọi nơi, mọi lúc, bà sẽ giống như cánh diều, gắn chặt với núi Anyemaqen bằng một sợi chỉ vô hình.

Bà chia làm đôi cuốn sách tiểu luận của mình, các trang trong đó ghi kín đặc tất cả những lời nhung nhớ khát khao của bà. Một nửa bà sẽ mang theo mình về Trung Quốc, nửa kia bà sẽ để lại cùng Lão Ẩn sĩ Cường Ba. Bằng cách này, một nửa của Khả Quân và một nửa của bà sẽ tiếp tục sống ở Tây Tạng.

Họ quyết định Văn, Zhuoma và Thiên An Môn sẽ đi đến Lhasa, thành phố cổ nhất và là thành phố thiêng của Tây Tạng. Ở đó họ có thể tìm các đại diện của quân đội Trung Quốc để xem người ta biết gì về số phận của Khả Quân. Họ cũng sẽ hỏi thăm đi về Trung Quốc bằng cách nào. Zhuoma quyết tâm làm một cuộc hành trình cuối cùng về quê nhà Văn, còn Thiên An Môn muốn thấy nơi từng là nguồn hứng khởi cho Zhuoma, sau đó mới quay về tu viện. Một trong các gia đình cắm trại bên hồ hứa rằng họ sẽ tìm gia đình của Gela và chuyển lời nhắn tới cho họ.

Chuyến đi về phía Nam thật gian khổ, họ hoàn toàn đơn độc trên suốt đường đi. Tuy nhiên, khi vượt qua dãy núi Tanggula, họ gặp thêm nhiều lữ khách khác trên đường, và cứ thế họ đến vùng đất đông người ở hơn. Thật ngạc nhiên, họ bắt đầu nhận ra những khuôn mặt Trung Quốc tại các phiên chợ. Có những nhà hàng và cửa hiệu có bảng đề chữ Trung Quốc. Thiên An Môn đặc biệt choáng ngợp trước những gì họ thấy. Như thể họ đã bước vào một thế giới khác hay một thế kỷ khác vậy. Một hôm thậm chí họ còn thấy mình đang ở trong quảng trường một ngôi làng nơi thanh niên nam nữ mặc quần áo nhiều màu sặc sỡ kết hợp giữa kiểu Trung Quốc và kiểu Tây Tạng đang khệnh khạng đi lên đi xuống theo tiếng nhạc. Một trong những người đứng xem bảo Văn rằng đây là một “chương trình biểu diễn thời trang.”

Văn không thể nào ngờ mình sẽ gặp nhiều người Trung Quốc định cư, xây dựng gia đình và lập nghiệp ở đây đến như vậy. Bà chưa bao giờ hình dung nổi rằng tất cả những khủng khiếp và đổ máu mà bà chứng kiến lại sẽ dẫn tới kết quả này. Quá nhiều điều xảy ra trong khi bà ở nơi thâm sơn cùng cốc. Những người Trung Quốc định cư đã làm gì đất nước huyền bí này cùng với nền văn hóa của nó? Một phần của bà mong muốn sao có thể bắt chuyện với vài người trong số đó. Phần khác của bà thì giữ bà lại, nhớ rằng đã phải khó khăn như thế nào khi trò chuyện với những người Trung Quốc ở buổi lễ Hoạt Phật.

Những gì họ thấy trên đường đi chẳng là gì so với phố phường náo nhiệt của Lhasa, Điện Potala khổng lồ trắng toát sừng sững phía trước họ. Khi ba người bạn tiến vào thành phố, họ thấy chóng mặt vì sự nhộn nhịp huyên náo, vì tiếng ồn và những mùi xa lạ. Văn tràn ngập nỗi buồn nhớ quê nhà. Nếu không có những ngôi đền và những con người mặc quần áo Tây Tạng thì bà thấy hầu như mình đã về lại Trung Quốc, nhất là những con phố của khu chợ Bát Giác[15], nơi các dân buôn người Trung Quốc và người Tây Tạng chen lấn nhau để bán hàng. Thiên An Môn hết sức kinh ngạc trước những gì ông thấy. Ông gãi gãi gáy, sửng sốt. Với ông, việc sử dụng tất cả những đồ vật lạ lẫm kia là một điều bí ẩn hoàn toàn. Zhuoma thì một phần bối rối, một phần lại thích thú trước quang cảnh đó.

“Chẳng giống Tây Tạng tí nào,” bà nói.

Thiên An Môn chỉ vào một nhóm lạt ma nơi một quầy hàng đang rao bán những vật dụng tôn giáo - tràng hạt, phướn, sọ bò khảm ngọc và đồ cúng tế.

“Họ tụng kinh gì vậy?” ông hỏi. Mặc dù Văn và Zhuoma biết không phải các lạt ma đang tụng kinh, nhưng họ cũng ngạc nhiên chẳng khác gì ông khi thấy các lạt ma mà lại đi bán hàng.

Ở chợ, Zhuoma đổi một chuỗi hạt quý lấy một cây bút cho Văn, một cái áo dài mới cho Thiên An Môn, và một chiếc khăn choàng cùng ít tiền lẻ cho chính bà. Qua nhiều năm, chỗ nữ trang tổ tiên để lại của Zhuoma đã vơi nhiều, nhưng bà vẫn còn giữ được vừa đủ để ba người có thể đi Trung Quốc.

Trời đang tối dần và họ nhận ra mình phải tìm chỗ nào đó để trú. Trong một phố nhỏ, họ tìm được cái nhà khách nhỏ do một ông giáo về hưu người Trung Quốc làm chủ, ông ta chỉ cho họ nơi để ngựa. Ông ta bảo họ rằng người ta cử ông lên Tây Tạng từ hai mươi năm trước. Ban đầu ông ta thấy rất khó ở lại định cư, nhưng ít nhất thì ở đây không khí đấu tranh giai cấp và học tập chính trị cũng đỡ căng thẳng. Văn vờ hiểu những gì ông ta nói, nhưng tâm trí mệt mỏi của bà khó lòng hiểu được gì. Ông ta nói “đấu tranh giai cấp” và “học tập chính trị,” mấy cái đó nghĩa là gì vậy?

Giữa đêm, Văn và Zhuoma nghe có tiếng gõ gấp gáp vào cửa phòng họ. Theo bản năng, Văn sờ tìm nửa cuốn sách tiểu luận của mình cùng với ảnh và cuốn nhật ký của Khả Quân mà bà để dưới gối trước khi đi ngủ. Khi Văn mở cửa ra, họ thấy Thiên An Môn đứng đó trong trạng thái rất phấn chấn.

“Lại mà xem,” ông nói. “Chúng ta đang ở Thiên đàng.”

Văn và Zhuoma theo ông vào căn phòng áp mái của ông. Ông đứng cạnh cửa sổ. Bên ngoài, Lhasa sáng rực ánh điện.

Văn và Zhuoma nhìn nhau. Mỗi người đều từng qua đêm ở Nam Kinh và Bắc Kinh. Khó mà tưởng tượng được một thành phố hiện đại trông như thế nào đối với một người chưa hề nhìn thấy điện.

Buổi sáng, chủ nhà khách cho Văn biết bà có thể dùng buồng tắm của ông ta. Trong khi đứng dưới cái vòi hoa sen thô sơ - một cái ống cao su mỏng thòi ra từ một ống nước trên đầu bà - Văn nhớ lại lần tắm gội sang trọng ở căn cứ quân đội tại Trịnh Châu, đã bao nhiêu năm trước, lúc cuộc hành trình đi Tây Tạng của bà mới bắt đầu. Nếu ngay lúc đó bà biết rằng phải bao lâu nữa mình mới lại bước vào một buồng tắm thì sẽ thế nào nhỉ? Cái tôi nay đã già của bà kinh ngạc trước sự hồn nhiên và dũng cảm của mình hồi trẻ.

Zhuoma nói bà không hiểu gì mấy món đồ Trung Quốc ấy, nên chỉ lấy bát múc nước xối người từ trên xuống dưới. Thiên An Môn thì tuyên bố ông chỉ có thể tắm ở ngoài sông, và hai người phụ nữ không thể làm gì để thuyết phục ông đổi ý.

Gần trưa, họ đến hành lễ tại Điện Potala. Văn đứng dưới chân những bậc tam cấp dốc đứng dẫn lên tòa điện cao chót vót. Đó là tòa nhà khác thường nhất mà Văn từng thấy - rộng mênh mông, đẹp đẽ và cao đến nỗi bà chẳng bao giờ tưởng tượng được. Đằng trước bà, hàng hàng đám đông đang trèo lên các bậc tam cấp để lên cổng điện, cứ ba bước lại dừng mà phủ phục xuống. Có lẽ Khả Quân đã luôn luôn muốn đưa bà đến nơi này. Có lẽ số phận định sẵn rằng bà phải đi suốt từ đồng bằng châu thổ sông Dương Tử tới Tây Tạng để trèo lên đây và được tiếp nhận vào tôn giáo của các thánh thần. Bà bắt đầu trèo, việc vừa trèo vừa cúi thấp mình như mọi người xung quanh và thầm niệm “Án ma ni bát mê hồng.”

Khi đã vào trong điện, ba người bạn đi dọc theo những hành lang tối, đầu tiên băng qua một phòng họp rộng thênh thang, sau đó đi qua những sân trong và nhà nguyện. Có những phòng chứa hàng dãy sách quý, cả bức trướng thêu tinh tế treo trên tường, những tượng Phật mặc quần áo đẹp đẽ bằng lụa thêu kim tuyến và quàng khăn nhiều màu sắc, cùng nhiều điện thờ. Đâu đâu cũng ngời ánh sáng màu vàng hắt ra từ những ngọn đèn thắp bằng mỡ bò.

Ở nơi gọi là Bạch Điện họ sửng sốt trước cảnh lộng lẫy của khu phòng ở dành cho Đạt Lai Lạt Ma. Kiến trúc và thiết bị nội thất thật là tao nhã. Trên các bàn trà là ấm trà bằng vàng và tách ngọc được chế tác tinh xảo. Những chiếc khăn thêu kim tuyến lộng lẫy đến lóa mắt. Trong Xích Điện họ thấy những ngọn linh tháp khảm vàng và đá quý đựng di hài các vị Đạt Lai Lạt Ma quá cố. Có tới hàng ngàn phòng. Văn chưa bao giờ nghĩ rằng xứ Tây Tạng lại có thể giàu có đến như vậy. Đầu bà quay cuồng. Bà dừng chân để lấy hơi. Bên cạnh bà là bức tranh tường mô tả một đám cưới. Bà nhận ra đó là đám cưới giữa Songtsen Gampo với Công chúa Văn Thành, ngôi điện này, xây vào thế kỷ thứ bảy, khởi thủy vốn dành cho bà công chúa này. Bà nghĩ tới những lời cuối cùng của Khả Quân: “Chúng tôi chỉ muốn làm mỗi một điều là đưa tri thức Trung Quốc đến cho các người, cải thiện cuộc sống của các người, như Công chúa Văn Thành đã làm hơn ngàn năm trước.” Trong khi bốn phía quanh bà những người hành hương đang tụng kinh, bà ngồi xuống cầu nguyện cho tới khi Zhuoma kéo bà đi.

Bất cứ ai mà họ trò chuyện ở Lhasa đều bảo họ rằng họ cần được phép của bộ phận nhân sự tại ‘đơn vị công tác’ của họ thì mới về Trung Quốc được. Họ có thể về Bắc Kinh bằng máy bay, nhưng muốn vậy phải có giấy phép. Zhuoma và Thiên An Môn rất bối rối trước chuyện này. “Đơn vị công tác” là gì? Họ có cái gì như thế không? Khi Thiên An Môn gợi ý rằng tu viện của ông có thể là đơn vị công tác của ông, Văn không biết nên cười hay nên khóc. Bà nói với họ rằng bà sẽ nộp đơn lên bộ chỉ huy quân sự để xin các giấy tờ đi đường cần thiết.

Tìm bộ chỉ huy quân sự không khó. Người địa phương hình như ai cũng biết nó nằm ở đâu nên chẳng mấy chốc họ đứng ngay trước một doanh trại quân đội nơi cánh cổng lớn ghi mấy chữ Ban Quân Sự Khu Tây Tạng. Trong khi họ đứng trước cổng mà bàn nhau xem nên làm gì, một lính gác mang súng lại gần lịch sự hỏi họ muốn gì.

“Tôi đến đây để tìm tung tích người chồng mất tích của tôi,” bà nói.

Văn quan sát người lính gác gọi mấy cuộc điện thoại vào bên trong khu nhà, và chẳng bao lâu sau, một người xuất hiện, trông có vẻ là sĩ quan. Sau khi hỏi họ tên của họ và quan hệ giữa họ với nhau, anh ta đưa họ vào một phòng tiếp khách có bày sofa và bàn uống trà khá tiện nghi.

Thiên An Môn cứ kè kè sát bên cạnh Zhuoma, bà làm gì ông làm theo nấy. Ông ngồi xuống một cách thận trọng và rõ là sửng sốt khi thấy cái sofa mềm đến thế. Văn cảm thấy như mình vừa bước vào một căn nhà Trung Quốc. Bà vẫn còn nhớ cái sofa cũ tả tơi ở nhà bố mẹ bà ngồi mới thoải mái làm sao. Trong khi nhấp trà xanh mà viên sĩ quan mang tới, những cảm nhận khiến bà ứa lệ.

Văn kể cho viên sĩ quan một cách vắn tắt nhất có thể về bản thân mình và những gì mình đã trải qua: về Vương Lượng ở căn cứ quân sự tại Trịnh Châu, đoàn xe hộ tống đã đưa bà đến Tây tạng, những gì đã xảy ra với bà trong những năm sau đó, và câu chuyện về sự tuẫn tiết của Khả Quân. Bà bảo anh ta rằng bà muốn biết quân đội có những hồ sơ gì về cái chết của Khả Quân và liệu họ có biết đến sự anh hùng của anh ấy hay không. Bà nói bà muốn quay về Trung Quốc.

Viên sĩ quan sửng sốt nhìn bà. Anh ta dường như xúc động sâu xa trước những gì bà kể. Anh ta nói anh ta rất sẵn lòng giúp bà, nhưng anh chỉ mới tới Tây Tạng tám năm trước thành thử không biết nên bắt đầu điều tra theo yêu cầu của bà như thế nào.

Tuy nhiên, liệu anh ta có thể cho phép họ đi Trung Quốc không, Văn hỏi. Viên sĩ quan giải thích rằng anh ta cần phải xác minh chuyện họ kể thì mới có thể làm vậy, nhưng nhất định anh ta sẽ liên lạc với bộ tham mưu ở Bắc Kinh để xem có thể phát hiện được gì không. Anh ta báo trước rằng bà không nên quá hy vọng: trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nhiều hồ sơ đã bị thất lạc hoặc bị đốt.

“Ông nói ‘Cách mạng văn hóa’ nghĩa là sao?” Văn bối rối hỏi.

Viên sĩ quan nhìn bà.

“Nếu bà có thể ở lại lâu hơn một chút,” anh ta nói, “tôi sẽ cố giải thích cho bà những chuyện xảy ra ở Trung Quốc trong hơn ba mươi năm qua.”

Văn và Zhuoma ngơ ngác nghe khi viên sĩ quan kể cho họ về “Nạn đói” trong thập niên 1960, “Cách mạng Văn hóa” trong thập niên 1970,“ ”Cải cách và Mở cửa“ của Đặng Tiểu Bình trong thập niên 1980, và ”các cải cách kinh tế hiện nay.” Thiên An Môn ngồi xếp bằng trong một góc, vừa lần tràng hạt vừa lầm rầm tụng kinh.

Văn phải đợi mấy ngày mới nhận được thư triệu tập tới Bộ chỉ huy quân sự. Lần này chỉ một mình bà được vào trong vì Thiên An Môn và Zhuoma không có tên trong thư. Ở đó bà được viên sĩ quan lần trước tiếp đón, và có thêm một người già hơn. Người lớn tuổi hơn xin lỗi vì các bạn bà phải đợi ở ngoài và hứa rằng người ta sẽ chăm sóc họ chu đáo. Ông ta tự giới thiệu là một trong các vị tướng chịu trách nhiệm chỉ huy các đội quân đồn trú tại Lhasa và bảo Văn rằng họ đã kiểm tra tất cả tên họ và số đơn vị mà bà đưa cho. Đáng buồn là có quá nhiều người tên Vương Lượng nên không thể truy ra được chính viên sĩ quan mà bà nói tới, nhất là vì có quá nhiều hồ sơ đã bị thất lạc và thông tin về thời kỳ đó rất thiếu tin cậy. Tuy nhiên, họ xác minh được rằng đúng là có một đơn vị mang số hiệu như bà nói từng đóng tại Thành Đô. Tuy nhiên, hồ sơ ghi rằng toàn bộ thành viên của đơn vị đã bị giết.

Nghe những lời đó, tim Văn đau nhói vì tuyệt vọng.

Nhận thấy nỗi buồn trên mặt bà, vị tướng cố an ủi bà. Ông cam đoan rằng họ sẽ tiếp tục tìm thông tin mới, và họ sẽ tìm trên thực địa được đến đâu hay đến đấy.

“Tôi không tin rằng bà sẽ ngã lòng,” ông nói. “Không một người bình thường nào có thể bỏ trọn nửa đời để tìm chồng - chỉ tình yêu đích thực mới có thể sinh ra nổi một quyết tâm nhường đó.” Những lời của ông khiến cho Văn ứa lệ. Ông gợi ý rằng Văn và hai người bạn hãy chuyển đến nhà khách của Bộ chỉ huy quân sự, ở đó sẽ tiện nghi hơn cho họ.

Bất ngờ Văn cảm thấy toàn thân kiệt sức, một cảm giác xưa nay chưa từng gặp. Chật vật lắm bà mới đứng vững được.

“Bà có sao không?” viên tướng lo âu hỏi.

“Không sao, cảm ơn ông,” bà đáp. “Chỉ mệt quá mà thôi.”

“Hãy tin tôi,” vị tướng nói. “Tôi hiểu bà kiệt sức như thế nào.”

Nhà khách quân đội được trang bị đủ thứ thiết bị hiện đại lạ lùng. Có máy vô tuyến, ấm điện, toa lét có giật nước và bình nước nóng. Thiên An Môn đặc biệt lo lắng trước những gì bao quanh họ. Văn có cảm tưởng nếu họ không được cả người Trung Quốc lẫn người Tây Tạng tiếp đón nồng hậu như thế thì chắc ông đã không muốn ở lại.

Trong những ngày sau đó, Văn ngồi ngóng đợi tin. Suốt bao nhiêu năm sống với gia đình Gela và lang thang cùng Zhuoma với Thiên An Môn, bà đã học được cách từ bỏ lòng mong muốn, để cho cái gì đến thì cứ đến.

Trong khi bà đợi, Thiên An Môn trò chuyện với binh lính người Tây Tạng đóng quân tại bộ chỉ huy. Họ coi ông là một pho sách sống về nghề nuôi ngựa và thường đến nhờ ông chỉ bảo cách nuôi dạy ngựa. Một người trong số họ thậm chí còn mời Thiên An Môn đến thăm cha mẹ anh ta sống ở Lhasa. Tối hôm đó, khi Thiên An Môn quay về căn nhà khách đã khiến ông kinh ngạc với những cái máy vô tuyến và ấm điện, ông kể cho Văn nghe về đôi vợ chồng mà ông vừa gặp, một ngày bình thường của họ ra sao. Buổi sáng họ đến miếu thờ của gia đình, dâng bơ tươi làm từ sữa bò và nước lên bàn thờ ngoài sân miếu. Rồi họ trèo lên cái mái bằng của nhà mình, ở đó họ đốt gỗ và cây bách xù thơm đặng dâng khói cho các thần núi, thần nước, thần nhà, cầu xin các vị phù hộ. Sau đó, họ cùng hàng xóm đi “kinh hành.” Cư dân Lhasa và khách hành hương từ khắp Tây Tạng thường vừa đi dọc các tuyến đường linh thiêng vừa lần tràng hạt, tụng kinh. Vòng tròn ngoài thì họ đi quanh cả thành phố và phải đi vào sáng sớm, vòng tròn trong thì đi quanh Phật Đường bên trong Đền Jokhang tức Đại Chiêu Tự, một tòa nhà nguy nga và thiêng liêng khác của Lhasa. Thiên An Môn được biết, chỉ cần vừa đi vừa tụng niệm suốt một vòng tròn như vậy vài lần là sẽ tích lũy được nhiều công đức hơn so với tụng kinh ở bất cứ nơi nào khác.

Trong thời gian lưu tại nhà khách, Văn có thêm nhiều cơ hội để trò chuyện với vị tướng về những gì đã xảy ra với bà. Bà đặc biệt kiên quyết trong chuyện người ta cần phải cho phép Zhuoma và Thiên An Môn đi cùng bà về Trung Quốc. Bà giải thích với ông tướng rằng Zhuoma là trưởng tộc một gia đình Tây Tạng thuộc hàng danh gia vọng tộc. Bà cho ông ta xem một số nữ trang của Zhuoma để làm chứng cho chuyện bà kể. Vị tướng hứa sẽ làm hết sức để tìm hồ sơ chứng minh thân thế của Zhuoma. Một chiều nọ, ông đến gặp Văn và Zhuoma, tỏ ra phấn chấn, nói rằng ông đã tìm được hồ sơ bằng văn bản về gia tộc của Zhuoma.

“Tuy nhiên, e rằng tôi có vài tin xấu,” ông ngập ngừng nói. “Tôi nghe người ta nói cơ ngơi của họ đã bị đốt trụi từ nhiều năm trước rồi.”

Zhuoma không giải thích với ông rằng bà đã chứng kiến cảnh nhà mình bị đốt. Văn nhìn bà, nhưng không nói gì. Văn biết rằng ngôi nhà xưa kia của Zhuoma đã thôi tồn tại đối với bà theo bất cứ nghĩa nào.

Hai ngày sau, vị tướng lại đến tìm họ. Lần này mặt ông rạng rỡ nụ cười.

“Có vài người ở Bắc Kinh nhớ là đã đọc một báo cáo mô tả cái chết của Khả Quân đúng như bà kể với tôi,” ông nói. “Một người còn nhớ rằng đâu như người ta có nhắc tới một người vợ sống ở Tô Châu. Tôi nghĩ chừng đó là đủ bằng chứng để chúng tôi xác nhận thân thế của bà và cho phép bà đi Bắc Kinh. Ở đó bà có thể nộp đơn xin tái định cư và xin trợ cấp hưu trí của quân đội. Còn về Zhuoma, chúng tôi được biết đúng là có một người thừa kế nữ đối với cơ ngơi của gia tộc bà, và những nữ trang có một không hai của bà chứng minh bà đúng là người đó.”

Văn và Zhuoma thấy thật hạnh phúc, như thể lần đầu tiên trong nhiều chục năm qua họ mới được cho biết họ thật sự là ai. Nhưng vẫn có điều gì đó khiến Văn chưa an tâm.

“Nếu từng có hồ sơ về cái chết của Khả Quân,” bà hỏi, “thì tại sao giấy báo tử của anh ấy lại không nhắc tới anh ấy đã chết như thế nào, hoặc không phong cho anh ấy danh hiệu liệt sĩ hy sinh vì cách mạng?”

Vị tướng nhìn bà với vẻ nghiêm nghị. “Điều đó thì tôi không trả lời được,” ông nói.

Trong vòng một tuần, Văn, Zhuoma và Thiên An Môn đã ngồi trên máy bay đi Bắc Kinh, với đầy đủ giấy tờ mà họ cần. Zhuoma được cấp một thư giới thiệu chính thức cho phép bà tìm một chân dạy học ở Đại học Dân tộc tại Bắc Kinh nếu bà muốn. Thiên An Môn thì có một văn bản nói rằng ông đang thăm chính thức Trung Quốc và sau đó sẽ trở về tu viện.

Văn không nói một lời nào trong suốt chuyến bay. Quãng đời bà ở Tây Tạng, hết cảnh này đến cảnh khác, lướt qua trước mắt bà. Những gương mặt của gia đình Gela tràn ngập tâm trí bà. Bà lấy bức ảnh Khả Quân nhàu nát cùng cuốn nhật ký cũ mòn ra, tuôn lên đó một dòng suối lệ lặng lẽ. Khả Quân sẽ chẳng bao giờ gặp lại vợ mình, khuôn mặt vợ anh giờ đây hằn sâu linh hồn của Tây Tạng. Anh sẽ ở lại vĩnh viễn trên vùng cao nguyên đó, dưới trời xanh mây trắng.

Tim bà đầy hồi hộp. Cha mẹ bà có còn sống không? Chị bà nay ở đâu? Liệu gia đình bà có nhận ra bà không?

Bà lấy con sếu giấy đã bao nhiêu năm bị giam cầm trong cuốn sổ của bà, mở ra rồi nhẹ nhàng vuốt cho phẳng bức thư của chị bà. Thời gian đã xóa mờ mọi dấu vết những dòng chữ. Nửa cuốn sách tiểu luận của bà nghe thật nặng như thể trĩu xuống vì nước và đất của vùng cao nguyên.

Văn choàng tỉnh khỏi những ký ức khi giọng một đứa trẻ hỏi mẹ nó bằng tiếng Trung Quốc: “Mẹ ơi, sao cái bà Tây Tạng này hôi thế?”

“Suỵt, đừng thô lỗ thế,” mẹ nó nói. “Người Trung Quốc với người Tây Tạng có lối sống rất khác nhau. Con không nên nói năng khinh suất như vậy.”

Văn nhìn xuống bộ quần áo xác xơ bạc phếch của mình. Nếu bà không còn là người Trung Quốc nữa thì bà là ai? Nhưng có lẽ câu hỏi đó không quan trọng. Điều quan trọng là linh hồn bà đã được sinh ra. Vương Lượng nói đúng: “Chỉ sống được thôi cũng đã là chiến thắng rồi.”

Không thể nào so sánh giữa toa hạng nhất có giường ngủ của Văn trên đường từ Bắc Kinh về Tô Châu với đoàn tàu lèn chặt như cá mòi đã đưa bà đến Thành Đô hàng bao nhiêu năm trước. Cũng giống như sự khác biệt giữa thiên đường với địa ngục vậy, không thể nào nói một mạch mà xong được. Trái ngược với cao nguyên Tây Tạng, những quang cảnh lướt qua cửa sổ phòng bà đầy ắp sự sống. Bà ngồi ngắm những căn nhà xây gạch đỏ lợp ngói xám của Bắc Kinh nhường chỗ cho những căn nhà màu trắng quen thuộc của vùng châu thổ sông Dương Tử.

Zhuoma và Thiên An Môn không đi cùng Văn trong chuyến trở về Tô Châu. Bà yêu cầu họ đợi bà ở Bắc Kinh. Bà muốn một mình gặp lại gia đình.

Suốt cuộc hành trình, nước mắt Văn cứ tuôn thành dòng xuống vạt áo, mãi không dứt. Mỗi khi nhân viên tàu hay những người đi cùng hỏi thăm xem có chuyện gì không, bà chỉ lắc đầu. Một trong các nhân viên quan tâm đến nỗi anh ta thông báo qua loa phóng thanh hỏi xem trên tàu có ai biết ngôn ngữ dấu hiệu hoặc tiếng Tây Tạng thì đến giúp.

Khi tàu từ từ tiến vào Tô Châu, nhà ga không giống gì với ký ức của Văn về nhà ga ngày trước. Bà cứ ngỡ đó là nhà ga mới nên liền hỏi xem đến nhà ga Tô Châu cũ thì đi lối nào. Người ta cho bà biết rằng nhà ga cũ bị phá rồi. Bà gọi taxi, nhưng nơi bà định tới, tài xế chưa nghe nói bao giờ. Trao đổi một hồi lâu, anh ta mới vỡ lẽ rằng bà đang nhắc tới một con phố ở vùng ngoại ô đã bị giải tỏa từ mười năm trước. Anh ta cứ nhìn bà như thể bà là thứ quái vật gì đó, và bà cứ phải nài nỉ anh ta đưa bà tới đấy. Khi tới nơi, bà sửng sốt trước quang cảnh chào đón bà.

Căn nhà của chị bà có sân vườn với những “nguyệt môn” cùng khu vườn nhỏ đẹp ven sông đã biến mất, thay vào đó là những nhà cao tầng hàng nối tiếp hàng. Bà đứng đó, choáng váng, không biết phải làm gì hay phải hỏi ai. Bà lại gần một vài công nhân xây dựng đang sửa đường, nhưng không hiểu lấy một chữ họ nói. Cuối cùng bà mới hiểu ra rằng họ từ miền nam tỉnh An Huy tới và chẳng hề hay biết chuyện gì xảy ra ở Tô Châu trong ba mươi năm qua. Văn cảm thấy hoàn toàn lạc lối.

Khi chiều xuống, Văn cố trấn tĩnh và tìm một khách sạn không xa chỗ ngày xưa là căn nhà của chị mình. Một bảng hiệu với hai ngôi sao nhỏ treo phía trên bàn tiếp tân, mặc dù Văn chẳng hề biết như thế nghĩa là sao. Nơi bàn tiếp tân, người ta hỏi chứng minh thư của bà nhưng bà chẳng biết đó là cái gì. Thay vào đó, bà đưa cho họ xem thư giới thiệu mà Ban Quân sự Tây Tạng đã cho bà. Cô tiếp tân lưỡng lự không muốn tự mình quyết định có để cho Văn ghi tên thuê phòng không, nên bèn bảo bà đợi một chút rồi đi mất. Khi quay lại, cô ta bảo Văn rằng bà có thể thuê phòng, nhưng bà cũng nên tới đồn công an để đăng ký.

Đêm đó, Văn nằm mơ thấy mình trở về Tây Tạng cùng Khả Quân để tìm cha mẹ và chị trên các ngọn núi thiêng. Trước khi trời sáng bà bị tiếng xe cộ gầm rú đánh thức dậy. Bà ngồi nhìn qua cửa sổ quan sát cảnh xe cộ cho tới khi cảm thấy chóng mặt. Mắt bà đã quen với cảnh thảo nguyên trập trùng không dứt. Mọi thứ ở đây đều có vẻ đông đúc chật chội đến nỗi bà không thể nhận ra một cái gì. Thị trấn quê nhà bà vẫn hằng mơ về đã biến mất không dấu vết.

Ngay lúc đó, bà nghe tiếng phách tre gõ lách cách dưới cửa sổ. Tim bà đập rộn lên bởi ký ức mà âm thanh đó khơi dậy trong lòng bà: hồi bà còn bé ở Nam Kinh, những người bán cơm dạo đều mang theo cặp phách tre, mỗi lần họ đi qua nhà, mẹ bà luôn mua cho bà một bát nhỏ cơm rượu ngọt. Văn chạy ào ra khỏi phòng, hướng về phía âm thanh đó. Bên ngoài bà thấy cảnh tượng quen thuộc: một người bán cơm mang quang gánh dài trên vai, hai đầu gánh là hai cái thùng. Một trong hai thùng đựng nước nóng nghi ngút khói dùng để chan cơm được đun bằng một lò than nhỏ phía dưới; thùng kia đựng cơm rượu dậy mùi thơm say lòng quen thuộc. Chẳng có gì thay đổi: ngay cả cái áo gilê người bán hàng kia mặc cũng giống y như bà vẫn nhớ.

Văn vội vã lại gần người bán rong. Ông ta ngừng gõ phách.

“Ăn ở đây hay mang đi?” ông ta hỏi.

“Ở đây,” bà nói.

Bà đợi ông ta khéo léo trút một muôi nước nóng vào bát, rồi dùng một cái bằng tre múc hai tảng cơm rượu.

“Bà có ăn trứng không?” ông ta hỏi bà, “Hay rắc ít hoa mộc? Bao nhiêu đường?”

“Cho hết vào, và một thìa đường đầy,” Văn đáp. Khi ông ta đưa bát cho bà, bà trào nước mắt.

“Chuyện gia đình à?” người bán rong hỏi. “Đừng buồn. Sống ở đời này cứ sống từng ngày một, rồi thì ngày này ngày khác sẽ qua nhanh thôi.”

Vừa uống nước cơm rượu ngọt lịm lúc này đã hòa cùng nước mắt của mình, Văn vừa cố giữ bình tĩnh.

“Ông sống ở đây bao lâu rồi?” bà hỏi bằng giọng run run.

“Tôi tới đây mười năm trước,” người bán rong đáp. “Tôi chẳng làm được trò gì khác thành thử chỉ còn nước đi gõ phách tre thôi. Nhưng việc này chẳng phải việc tồi đâu, ngày nào cũng có chuyện mới cả. Ngay cả con đường tôi đi lại cũng mỗi năm một khác.”

Văn hỏi ông ta liệu ông ta có biết chị cùng cha mẹ của bà không, rồi bà mô tả cho ông ta căn nhà mà trước kia họ sống. Người bán rong ngẫm nghĩ một lát.

“Tôi e là không,” ông ta nói. “Trong mười năm tôi ở đây, khu này đã bị giật xuống rồi xây lại ba lần. Lần đầu là trong thời ”Ba xây dựng“ hay gì gì đó. Rồi người ta làm đường và xây cầu, rồi sau đó lại phá. Kế đến họ bán một khu đất to cho Singapore. Quanh đây nhiều người đến rồi lại đi. Dạo này càng ngày càng ít nghe giọng địa phương hơn.”

Ông ta lại tiếp tục gõ phách.

Văn đứng ngay giữa đường, đờ đẫn bởi sự xa lạ của thành phố quê hương. Bà quá đắm mình trong suy nghĩ đến nỗi không nghe thấy cả tiếng gõ phách lẫn âm thanh những ôtô xe đạp chạy vù vù qua chỉ cách bà mười phân. Tất cả những gì bà có lúc này là hồi ức. Liệu bà sẽ có lại lòng can đảm để khởi đầu một cuộc tìm kiếm thứ hai quá muộn màng trong đời bà không? Nếu không thì bây giờ bà sẽ đi đâu?

Bà đút tay vào túi áo nơi cất ảnh Khả Quân. Đặt mấy ngón tay lên bức ảnh từng chia sẻ ngọt bùi cay đắng, sẻ chia những đổi thay lớn lao của cuộc đời bà, bà thì thầm mấy chữ “Án ma ni bát mê hồng.”

Trên cao, một gia đình ngỗng trời bay về quê hương. Nơi đây không có kền kền thiêng, Thiên táng cũng không.

○○○

Thư Văn ngừng nói, nhưng tôi không thể ngừng suy nghĩ. Nghĩ về chuyện bà đã chuyển hóa từ một phụ nữ Trung Quốc hai mươi sáu tuổi thành một Phật tử có tuổi người Tây Tạng. Về mối quan hệ giữa tự nhiên và tôn giáo. Về không gian và im lặng. Về chuyện bà đã mất mát bao nhiêu, đã nhận được bao nhiêu. Về ý chí của bà, sức mạnh và tình yêu của bà.

Thư gửi Thư Văn

Thưa bà Thư Văn thân quý!

Bà đang ở đâu?

Cuốn sách này nằm trong tim tôi đã mười năm, ngấm dần như rượu vang. Giờ đây, rốt cuộc, tôi có thể đưa nó cho bà xem.

Tôi hy vọng rằng một lúc nào đó, bà sẽ nghe được những tiếng trầm trồ khâm phục người ta phải thốt lên trước vẻ đẹp trong câu chuyện của bà.

Tôi hy vọng rằng một lúc nào đó, bà sẽ trả lời được vô số câu hỏi mà tôi muốn hỏi bà. Ít nhất, tôi muốn biết Zhuoma và Thiên An Môn, Saierbao và gia đình cô ấy, họ giờ đây ra sao.

Tôi đã bỏ nhiều năm để tìm bà, những mong chúng ta có thể lại ngồi với nhau nơi vùng châu thổ sông Dương Tử ngát hương chè để bà kể tôi nghe chuyện cuộc đời bà sau Thiên Táng.

Thư Văn thân quý, nếu bà thấy cuốn sách và lá thư này, tôi khẩn thiết xin bà liên lạc với tôi qua nhà xuất bản của tôi càng sớm càng tốt.

Hân Nhiên, London, 2004

_________________
Bình Luận (0)
Comment