Thiên Táng

Chương 5

Vẫn bồng bềnh ở một nơi nào đó giữa sự sống và cái chết, Văn cố mở mắt ra. Cô đang nằm trên nền đất, nhưng thật ấm áp và dễ chịu. Tia sáng chói chang chiếu từ trên xuống khiến cô khó nhìn mọi thứ xung quanh. Cô gắng sức di chuyển cái cơ thể yếu ớt. Bản năng mách bảo cô rằng mọi bộ phận cơ thể của cô ở đó, nhưng đầu óc thì trống rỗng kỳ lạ.

“Đây có phải là ánh nắng trên trần gian không,” Văn tự hỏi, “hay là ánh hào quang linh thiêng trên Thiên đường?”

Một khuôn mặt thân quen cúi xuống chỗ cô.

“Cô thế nào, menba?” Đó là Zhuoma.

“Zhuoma ư?” Văn có thể cảm thấy mình đang quay trở lại với cuộc sống. “Chúng ta ở đâu vậy?”

“Chúng ta đang ở trong nhà một gia đình dân du mục, đây là lều của họ. Thật là may cho chúng ta, chúng ta đã đi đến rìa những vùng đất thấp, mùa đông họ sống ở đây. Chị đã gục xuống. Tôi không biết phải làm gì nếu Gela, ông chủ gia đình, không nhìn thấy chúng ta.”

Văn cố gượng dậy.

“Đừng cử động,” Zhuoma nhắc nhở. “Họ đã bôi ít thuốc mỡ lên trán chị. Chị cảm thấy thế nào?”

“Ba lô của tôi…” Văn sờ soạng xung quanh khu vực cô nằm, tìm bọc đồ mà cô đã mang theo rất cẩn thận từ Trịnh Châu.

“Mất rồi,” Zhuoma nói. “Nhưng cuốn sách chị mang trong túi áo vẫn còn. Tôi đặt nó cạnh gối của chị. Chắc hẳn nó rất có ý nghĩa đối với chị. Ngay cả khi bất tỉnh, chị vẫn khư khư giữ nó.”

Một bé gái chừng mười một hay mười hai tuổi đi vào trong lều mang theo một cái bát làm bằng đất nung, bẽn lẽn đưa cho Zhuoma rồi lại chạy ra ngoài. Zhuoma bảo Văn rằng cái bát đựng nước mới lấy về, do một trong những đứa con gái của gia đình mang vào. Những người khác trong gia đình đang làm việc bên ngoài lều. Họ định sớm chuyển tới các bãi chăn thả mùa xuân, nhưng từ giờ tới đó Văn có thể ở lại đây nghỉ ngơi.

“Nhưng làm sao tôi có thể buộc họ phải chấp nhận tôi?” Văn hỏi. “Chắc chắn là dù không có cái gánh nặng của một người ốm thì cuộc sống của họ cũng đủ khó khăn rồi.”

“Người Tây Tạng mở rộng cửa cho tất cả lữ khách,” Zhuoma khẽ nói, “cho dù họ giàu hay nghèo. Đây là truyền thống của đất nước chúng tôi.” Sau đó cô đi ra nói chuyện thêm với gia đình này.

Ngay khi cô gái đi, Văn mở cuốn sách Tuyển tập tiểu luận của Lương Thực Thu và lấy tấm hình Khả Quân ra xem. Giữa mọi thứ xa lạ này, anh vẫn đang mỉm cười với cô. Sau đó cô tranh thủ quan sát kỹ nơi trú ngụ khác thường mà cô đang ở. Căn lều có bốn mặt được ghép từ những tấm lông lớn, căng lên trên bốn cọc gỗ vững chắc. Có một cửa sổ ở đỉnh lều, mở ra đóng vào nhờ một miếng nắp đậy. Chính đó là nơi chiếu xuống luồng sáng đã làm Văn lóa mắt khi cô thức giấc. Bây giờ cô quan sát làn khói từ bếp lò đang nhảy nhót hết lẫn vào lại tỏa ra khỏi tia sáng đó. Một cái bếp lò đơn giản làm từ một tảng đá lớn hình con thuyền kê trên hai tảng đá nhỏ, đặt ở giữa lều. Cạnh bếp là một cặp ống thổi và những chồng bát, đĩa và lọ sơn rực rỡ, cùng với vài vật dụng gia đình mà Văn không biết tên gì. Một bên lều, Văn nhận ra một thứ chắc hẳn là bàn thờ của gia đình. Phía trên chiếc bàn đặt những đồ tôn giáo có treo một bức hình Đức Phật Tây Tạng thêu trên mảnh gấm kim tuyến nhiều màu. Phía bên phải là một vật lớn hình trụ làm bằng đồng thiếc. Xa hơn nữa là một đống nào nỉ nào thảm, cả chăn lẫn quần áo. Phía bên kia bàn thờ là những bao tải chất cao ngút đựng đầy thứ gì đó có mùi giống phân thú vật. Cửa ra vào là một vạt lều, người lớn phải cúi khom người mới đi qua được. Ở hai bên vạt lều người ta sắp xếp những đồ dùng gia đình và dụng cụ dành cho súc vật.

Từ chiếc nệm trên nền đất, Văn cố suy đoán đôi điều về những vị chủ nhà, nhưng cô thấy không thể đoán được gia đình này sung túc đến mức nào nếu chỉ dựa vào rất nhiều đồ trang trí bằng vàng và bạc treo trên tường, hay những đồ dùng mòn vẹt, rất nhiều bát, vại cùng chỗ ngủ đơn sơ. Với cô mọi thứ đều rất mới mẻ và lạ lẫm, nhất là cái mùi kỳ lạ của phân, của mồ hôi và mùi da sống của thú vật.

Tiếng bước chân từ ngoài đi vào và lần đầu tiên trong đời, Văn cảm thấy thật yên bình biết bao khi ghé sát tai xuống cỏ mà nghe tiếng chân người. Khi Zhuoma bước lại vào căn lều, xung quanh cô là cả một đám kẻ cao người thấp, đủ mọi lứa tuổi. Khi Văn nằm đó nhìn lên những khuôn mặt xa lạ, đầu cô choáng váng.

Zhuoma giới thiệu những vị chủ nhà. Gela[4], chủ gia đình, vợ anh ta là Saierbao[5], em trai là Ge’er[6]. Gia đình họ có sáu đứa trẻ nhưng lúc này chỉ bốn đứa có mặt bởi hai đứa con trai đã vào tu viện rồi. Văn khó mà nghe kịp những cái tên Tây Tạng của sáu đứa trẻ. Mấy cái tên đó thậm chí còn có vẻ khó hiểu hơn cả những cái tên La tinh trong từ điển y khoa mà cô chưa bao giờ có thể nhớ nổi. Zhuoma giải thích rằng mỗi cái tên chứa một âm tiết của câu thần chú thiêng liêng mà mỗi người Tây Tạng thốt ra hàng trăm lần mỗi ngày: Án ma ni bát mê hồng. Cô gái gợi ý rằng Văn chỉ cần gọi mỗi đứa trẻ theo từng âm tiết đơn của câu thần chú: điều này có nghĩa cậu con trai cả là ‘Án’ và cậu con trai tiếp theo, hiện ở trong tu viện là ‘Ma’. Hai đứa bé gái sẽ là ‘Ni’ và ‘Bát’. ‘Mê’ sẽ dành cho cậu con trai khác, cũng đã vào tu viện, và đứa nhỏ nhất là ‘Hồng’. Văn nhờ Zhuoma nói lời cảm ơn tới gia đình họ giúp cô và nhìn họ cười bẽn lẽn khi Zhuoma dịch lại.

Suốt những tuần kế tiếp, Văn được Gela và cô vợ Saierbao hiền lành của anh ta chăm sóc cho khỏe lại, họ cho cô uống trà sữa pha với thuốc thảo mộc hàng ngày. Zhuoma bảo cô là gia đình họ hoãn việc chuyển tới những đồng cỏ mùa xuân cho tới khi cô đủ sức khỏe để kham nổi chuyến đi.

Hai người phụ nữ thảo luận hồi lâu xem họ sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm như thế nào. Zhuoma nghĩ họ nên ở lại với gia đình này cho đến khi thời tiết ấm lên. Đến mùa hè, cả hai người hẳn đã học đủ để biết làm cách nào để sống sót được ở ngoài trời, và gia đình này hẳn đã tích trữ được đủ thực phẩm dự trữ để có thể san sẻ cho họ một ít đồ ăn và một đôi ngựa. Văn thấy lo lắng trước cái dự định phải chờ đợi lâu đến thế. Điều gì có thể xảy ra với Khả Quân trong khoảng thời gian chờ đợi này? Nhưng Zhuoma trấn an cô. Gia đình này đang lên kế hoạch đi về phía Bắc tìm những đồng cỏ mùa xuân. Có thể, cô gái nói, họ sẽ gặp những dân du cư khác hoặc khách lữ hành dọc đường đi, và những người đó có thể cung cấp cho họ tin tức về Khả Quân và Thiên An Môn.

Văn không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận tình thế hiện tại, mặc dù nằm yếu ớt trên giường, không thể cùng Zhuoma giúp đỡ gia đình một số công việc, lại còn bị đứng ngoài lề cuộc nói chuyện bởi cô không biết nói tiếng của họ, cô cảm thấy ngày dài ra vô tận. Trong thời gian hồi phục, cô quan sát những công việc thường làm của gia đình Tây Tạng này. Cô bị ấn tượng bởi cái trình tự nghiêm ngặt hàng ngày của họ, dường như ngày nào cũng theo một khuôn mẫu đã tồn tại trong nhiều thế hệ. Mỗi thành viên rất hạn chế trao đổi bằng lời khi bắt đầu công việc. Dường như ai cũng biết chỗ của mình và ngày nào họ cũng có hàng núi việc để làm.

Gela và Ge’er, cùng với sự trợ giúp của cậu con cả Án, chịu trách nhiệm về những công việc quan trọng bên ngoài, như chăn thả, giết mổ bò và cừu, thuộc da, sửa chữa dụng cụ gia đình và tu bổ căn lều. Zhuoma bảo cô rằng theo định kỳ những người đàn ông này phải rời khỏi nhà để đi mua những vật dụng gia đình cần thiết. Saierbao và hai đứa con gái thì vắt sữa, đánh sữa lấy bơ, nấu nướng, đi lấy nước và nặn phân thành bánh để đốt, nhóm chất đốt thắp sáng cho căn lều. Họ còn xe chỉ và làm dây thừng nữa.

Văn vô cùng khâm phục các kỹ năng tạo dựng cuộc sống tự cung tự cấp của gia đình này, nhưng cô thấy nản lòng vì phải học quá nhiều. Thậm chí để ăn cho được các bữa ăn của họ cũng đòi hỏi phải học một loạt quy tắc mới. Ngoài các dụng cụ nấu nướng ra thì trong căn lều không có dĩa, cũng chẳng có thìa hay đũa. Đồ dùng duy nhất khi ăn chỉ là một con dao dài mười xăngtimét giắt ở thắt lưng. Lần đầu ăn khi Văn cố dùng con dao này để cắt miếng thịt cừu, cô suýt cứa vào tay. Bọn trẻ xúm xít quanh cô tò mò thích thú như thể chúng đang xem một con thú diễn trò, mồm há hốc vì khiếp sợ.

Ngày nào gia đình này cũng ăn đều ba bữa. Buổi sáng họ ăn món “jiaka liếm”. Đó là một loại bột nhào gồm bột lúa mạch rang và pho mát tươi rồi nướng trên lò, đặt vào một bên bát. Sau đó trà sữa được rót vào nửa bát bên kia. Trong lúc uống trà, họ sẽ nghiêng chiếc bát đề trả ngấm vào jiaka, làm nó từ từ bở tan ra. Không cần phải dao kéo gì. Lần đầu tiên người ta đưa cho Văn bữa sáng, cô uống một hơi hết toàn bộ trà trong bát rồi sau đó hỏi Zhuoma ăn jiaka ra làm sao. Tuy nhiên một khi quen với cách ăn này, cô đâm thích cái cảm giác nửa ăn nửa uống kia, và tìm được cách tránh làm bỏng miệng.

Bữa trưa thì “hỗn hợp”. Trong bữa này đòi hỏi phải làm món “tsampa” từ lúa mạch nhào kỹ với pho mát tươi. Dùng một tay giữ bát, tay kia vê các thứ thành viên tròn. “Một xoa, hai lật, ba nắm,” cô lặp lại với chính mình. Bữa trưa luôn rất thịnh soạn: thêm vào với tsampa và trà sữa còn có thịt sấy ninh cả xương, khi ăn thì dùng dao xiên từng tảng lên. Cậu bé Hồng chỉ cho Văn cách dùng tay xé thịt và gặm xương. Cũng có những món rán thơm ngon chiên bằng bơ. Văn có thể thấy đây là bữa ăn quan trọng đối với mọi người: nó có thể kéo dài gần hai tiếng đồng hồ và những thành viên thường hay kiệm lời trong gia đình này sẽ dành chút thời gian để thảo luận những vấn đề xảy ra trong ngày. Buổi tối, mọi người lại ăn thịt và bột lúa mạch, nhưng nấu thành một thứ cháo theo cách làm Văn nhớ đến món canh hồ lạt mà cô đã ăn ở Trịnh Châu.

Mỗi bữa ăn đều mang lại nhiều sức khỏe và năng lượng khiến làn da nứt nẻ của Văn mịn màng trở lại và hai gò má cô hồng lên từng ngày. Cô cảm thấy cơ thể ngày càng khỏe khoắn, da cô trở nên dày dạn hơn do thích nghi dần với những cơn gió khắc nghiệt, giá lạnh và ánh nắng gay gắt. Gia đình này dường như chấp nhận sự có mặt của cô, nhưng họ không bao giờ thử nói chuyện với cô. Họ chỉ nói với Zhuoma, người họ có vẻ rất kính sợ. Sau đó, Zhuoma sẽ nói lại với Văn là họ vừa tranh luận những gì. Bị gạt ra ngoài lề mọi cuộc chuyện trò, đôi khi Văn cảm thấy mình giống như một trong những vật nuôi của gia đình họ: được bảo vệ, được đối xử nhẹ nhàng, được cho ăn cho uống, nhưng bị tách ra khỏi thế giới con người.

Những nề nếp tôn giáo của gia đình họ càng khiến cô cảm thấy mình là người ngoài hơn nữa. Họ cầu nguyện liên tục, thì thầm câu Án ma ni bát mê hồng trong hơi thở thậm chí ngay cả khi làm việc. Họ thường cùng nhau thực hiện các nghi thức cầu nguyện ở chỗ người cha Gela sẽ xoay cái khối trụ nặng bằng đồng thiếc đặt trên bàn thờ nhờ một đoạn dây thừng, sau đó anh ta đọc trước mọi người những câu thần chú của gia đình trong khi cả nhà quay những cái bánh xe nhỏ cắm trên gậy. Zhuoma giải thích với Văn rằng cả khối trụ lớn lẫn những bánh xe nhỏ hơn đều là bánh xe cầu nguyện. Trong mọi chuyện cô phụ thuộc rất nhiều vào sự giải thích của Zhuoma, nên cô thấy rất biết ơn vì mình may mắn gặp được một thiếu nữ thông minh, dũng cảm như thế. Nếu không có Zhuoma, chắc hẳn cô chẳng bao giờ hiểu được gia đình này cùng với tâm linh sâu sắc và cuộc sống tự cung tự cấp vô ưu của họ, so với người Trung Quốc thì họ khác xa một trời một vực.

Tuy nhiên những hiểu lầm vẫn thường xảy ra. Trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi Văn ở một mình, cô thường mang bức ảnh của Khả Quân ra mà vuốt ve khuôn mặt tươi cười của anh. Một ngày kia, cậu bé Hồng bước vào lều khi cô đang cầm bức ảnh trong tay. Cậu bé liếc một cái vào tấm hình rồi chạy ra khỏi lều, kêu la đầy vẻ khiếp sợ. Lo lắng cực độ, Văn đi tìm Zhuoma để hỏi xem cô đã làm cậu bé sợ hãi như thế nào. Zhuoma giải thích rằng cậu bé không biết bức ảnh là gì và cậu sợ người đàn ông ‘ngủ say’ ở trong đó.

Cuối cùng, gia đình nọ cảm thấy sức khỏe Văn đã phục hồi đủ để họ lên đường. Vào hôm khởi hành, Văn thức giấc lúc rạng đông thì thấy bóng Gela và Saierbao thấp thoáng trong ánh sáng tờ mờ. Cô nhận thấy rất nhiều đồ đạc trong lều đã được gói lại thành từng cuộn đặt trên lưng bò. Vì cô vẫn chưa học cách cưỡi ngựa nên Ge’er, em trai của Gela dùng vài cuộn hành lý làm cho cô một kiểu yên ngựa giống như chiếc ghế có lưng dựa tròn, như thế nếu ngủ gật cô cũng sẽ không bị ngã khỏi ngựa. Anh ta ra hiệu cho cô biết anh ta sẽ đảm trách việc dắt cương ngựa cho cô.

Cũng như độ cao, việc cưỡi ngựa nhọc nhằn và đồ ăn không quen bắt đầu ăn dần ăn mòn sức khỏe và tinh thần của cô, cô chìm vào nỗi chán chường tuyệt vọng. Liệu Khả Quân có đang phải chịu đựng như cô? Và cô sẽ tìm anh ấy giữa những cánh đồng băng tuyết như thế nào đây, ở đây cô chẳng biết ngôn ngữ, cũng chẳng có những kỹ năng để sinh tồn hay bất cứ phương tiện đi lại nào? Cô đã mất cảm giác về thời gian. Từng ngày trôi qua đều giống nhau và cô không biết họ đã đi được vài ngày hay vài tuần.

Cuối cùng họ cũng đến đích, Zhuoma bảo cô rằng họ đang ở gần dãy núi Ba Nhan Khách Lạp và sẽ dựng trại mùa xuân trên vùng đồng cỏ tươi tốt gần sông Nhã Lung. Gela cùng mấy đứa con trai mất nửa ngày đóng cọc, căng lều và siết thật chặt những sợi dây thừng giữ cho lều khỏi nghiêng ngả. Khi dựng xong lều, Saierbao và mấy đứa con gái khéo léo sắp xếp các dụng cụ gia đình. Văn ngồi cạnh đống hành lý, vụng về giúp đỡ họ vài công việc nhẹ nhàng. Đúng lúc cô định đưa bánh xe cầu nguyện cho Saierbao thì Zhuoma ngăn cô lại và nhắc cô rằng người ngoài không nên chạm vào những vật dụng tôn giáo.

Theo phong tục của họ, sau khi dựng nhà, gia đình sẽ bày tiệc với thịt, tsampa, món rán và rượu lúa mạch. Cũng như lúc trước đó trên đường đi, Saierbao đã chuẩn bị cho Văn ít trà sữa chữa bệnh. Sau bữa ăn thịnh soạn, Gela lại làm chủ lễ trong buổi cầu nguyện của gia đình. Đêm đó, khi mọi người nằm cùng nhau trên nền đất, Văn nằm giữa Zhuoma và bé gái Ni, Zhuoma thì thầm với cô rằng khi cầu nguyện cho đàn bò và cừu được béo khỏe, Gela khẩn cầu thần linh bảo vệ cho Văn. Văn cảm động sâu sắc và, khi nghĩ là không có ai lắng nghe mình, cô khẽ khàng lẩm nhẩm câu thần chú của Đức Phật: Án ma ni bát mê hồng.

Ngày hôm sau, có Saierbao giúp, lần đầu tiên Văn mặc một bộ quần áo Tây Tạng. Đó là loại “quần áo trinh nữ” Saierbao mặc trước khi cưới, gồm một bộ quần áo lót trắng bằng vải thô, một áo sơmi không cổ dài tay cài cúc một bên, và một chiếc quần được trang trí rườm rà chun lại ở gót chân. Ở bên ngoài Văn mặc một cái áo choàng màu xanh có lớp lót dày, những mảnh vải màu tía và hồng đính dọc chiều dài áo xuống tận chân cô. Saierbao chỉ cho cô cách quấn nó ngang qua đằng trước thân, rồi buộc chặt bằng một chiếc thắt lưng rộng làm từ gấm thêu kim tuyến. Sau đó cô buộc ở đằng trước một đoạn vải có sọc cầu vồng trông giống một cái tạp dề hơn. Văn vẫn còn yếu, nên để giúp cô chống chọi được với những cơn gió lạnh buốt ở trên núi, Saierbao đưa cho cô một chiếc áo gilê da cừu cổ cao và vài đôi giày ống nỉ. Mấy đôi giày hình như quá rộng, nhưng Zhuoma nói chẳng sao cả: khi thời tiết lạnh họ có thể nhồi một lớp len lông bò dày vào trong cho ấm.

Cuối cùng, Saierbao buộc một chiếc bùa hộ mệnh bằng ngọc bích vào thắt lưng Văn và quàng một chuỗi tràng hạt gỗ quanh cổ cô. ‘Chúng sẽ bảo vệ cho chị,’ Zhuoma giải thích. ‘Chúng sẽ ngăn không cho tai ương lại gần và đuổi tà ma đi’. Sau đó cô gái mỉm cười và lặng lẽ quàng một chuỗi hạt carnelian của chính cô quanh cổ Văn.

Saierbao ra hiệu bảo Văn ngồi xuống rồi đứng trước mặt Văn, chị ta dùng lược chia tóc cô ra và tết thành hai bím ở hai bên. Bé gái nhỏ tuổi nhất Bát đứng một bên, rồi ra hiệu cho Văn nhìn chính mình trong một bát nước mà cô bé đã để sẵn. Văn khó có thể tin vào mắt cô: ngoại trừ hai bím tóc của cô quá ngắn do tóc cô chỉ dài ngang vai thì trông cô giống một phụ nữ Tây Tạng chính gốc. Cô đút cuốn sách quý kẹp tấm ảnh Khả Quân cùng con sếu giấy của chị gái vào trong cái túi rộng của chiếc áo choàng Tây Tạng.

Vài ngày sau, Văn để ý thấy ai đó đã đặt một bọc vải lên chỗ nằm của cô. Đó là bộ đồng phục của cô, lúc này được giặt sạch và vá lại. Văn quá cảm động không biết nói gì hơn. Cô nâng bộ quần áo bằng cả hai tay, hít cái mùi nắng cao nguyên nồng đượm đậm đặc, và cúi mình thật thấp trước Saierbao.

○○○

Zhuoma bảo Văn rằng người Tây Tạng nói ở xứ họ chỉ có hai mùa, mùa hè và mùa đông, bởi vì ở Tây Tạng mùa xuân và mùa thu quá ngắn ngủi. Nhưng mùa xuân năm đó là một mùa quá dài trong cuộc đời Văn: nhiều đêm cô không ngủ được vì nhớ Khả Quân và băn khoăn trong tâm trí về tương lai vô định. Cô không hình dung nổi bằng cách nào mình có thể tiếp tục sống sót được trong những điều kiện khắc nghiệt đến thế, hay học thứ ngôn ngữ mà dường như đối với cô là hoàn toàn không thể lĩnh hội được. Mặc dù cô biết chắc còn có những gia đình du cư khác ở trong vùng này bởi vì Zhuoma nói với cô rằng Gela và Ge’er gặp những người chăn gia súc khác ở ngoài đồng cỏ, nhưng đám đàn bà con gái thì lại nói không nhìn thấy ai. Cô bắt đầu nghi ngờ liệu Zhuoma có đúng hay không khi nghĩ là sẽ có cơ hội biết được tin tức của Khả Quân và Thiên An Môn. Cả cô và Zhuoma đều quá chú tâm vào nỗ lực thích nghi với cách sống du mục đến mức mỗi người đều chìm vào thế giới riêng của mình và họ hiếm khi thảo luận là sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, bất chấp nỗi cô đơn của mình, Văn bắt đầu cảm thấy vô cùng yêu thương gia đình này, đặc biệt là chị chủ nhà, Saierbao.

Khuôn mặt Saierbao trông dạn dày nắng gió đến nỗi khó có thể nói chị bao nhiêu tuổi, nhưng Văn đoán chị cỡ chừng ba mươi. Chị là một phụ nữ cực kỳ điềm tĩnh và nghiêm trang, dường như chị thích thú khi làm tất cả những công việc vặt trong gia đình, mặc dù những việc không tên đó cực nhọc và vắt kiệt sức đến đâu đi nữa. Chẳng bao giờ thấy chị la hét hay trách mắng. Thậm chí nếu có ai đánh rơi món tsampa kỳ công của chị hay làm đổ trà sữa thì chị cũng không bực dọc. Cùng lắm chị trề môi và thoáng cười như thể đã nhìn thấy trước sẽ xảy ra như thế. Saierbao rất thích nữ trang, thậm chí trong cả ngày thường chị cũng trang điểm cho mình từ đầu đến chân toàn những đồ nữ trang quý giá: chuỗi hạt, vòng tay và những đồ trang sức đeo ở thắt lưng bằng nào đá mã não, nào ngọc bích, nào vàng, nào bạc, trông chị giống một chiếc chuông gió nhiều màu sắc. Hiếm khi Văn thấy Saierbao nghỉ ngơi: tiếng leng keng của chị bắt đầu vào khoảnh khắc những tia sáng đầu tiên lẻn vào căn lều; về đêm, cứ khi nào những tiếng lanh canh của chị tắt hẳn thì toàn bộ gia đình biết đã tới lúc đi ngủ. Thông qua cử chỉ của Saierbao, Văn tưởng tượng ra việc mình sẽ thực hiện những công việc thường ngày trong cuộc sống với Khả Quân: sinh nở và nuôi con, vợ chồng cùng làm việc tâm đầu ý hợp. Nhưng hằng đêm, khi mà động tác cuối cùng trong chuỗi công việc hàng ngày của Saierbao kết thúc, Văn lại quay trở về với cảm giác tuyệt vọng, với nỗi khao khát và tình trạng bị cô lập của mình, khuôn mặt cô đầm đìa nước mắt.

Gela có vẻ lớn tuổi hơn Saierbao. Anh ta ít nói, nhưng lại là người phát ngôn cho gia đình. Người Trung Quốc vẫn thường cho rằng hễ là người Tây Tạng thì đàn ông đều cao to lực lưỡng, nhưng Gela lại chẳng cao hơn vợ mấy. Không béo cũng không gầy, khuôn mặt anh ta chẳng phải khiêm tốn cũng chẳng ra cao ngạo, không vui mừng cũng không giận dữ, anh ta mang đến cho người ta cảm giác tin cậy, nhưng không phải là người dễ hiểu. Văn phát hiện ra rằng ngay cả những con vật, chúng cũng thừa nhận phẩm cách và uy quyền của Gela: khi Gela ở gần thì không con cừu nào dám đi lang thang, không con ngựa nào dám đi lang thang, không con ngựa nào dáng kháng cự không cho đóng móng guốc. Ai ai, từ con người đến súc vật, đều nhận mệnh lệnh từ ngôn ngữ cơ thể của Gela: anh là một chủ gia đình mẫu mực.

Ge’er gần bằng tuổi người anh Gela. Hai người rất giống nhau, ngoại trừ Ge’er gầy hơn. Văn thấy băn khoăn tự hỏi phải chăng anh ta câm. Không bao giờ thấy anh ta nói, thậm chí ngay cả trong lúc chơi với Hồng, cậu bé nhỏ tuổi nhất mà anh ta rất yêu quý. Zhuoma nói với Văn rằng cô ấy nghe Saierbao nói Ge’er là thợ thủ công khéo léo nhất trong gia đình, và Văn thường thấy anh ta sửa chữa những đồ dùng với sự tập trung đặc biệt.

Một đêm, khi ngày bắt đầu rạng, Văn quyết định thử bất chấp lại gió mạnh để đi ra ngoài lều cho khuây khỏa. Khi cô nhón chân đi qua những người đang ngủ, cô kinh ngạc khi nhìn thấy Saierbao ở bên dưới tấm chăn của Ge’er, cánh tay họ ôm nhau quấn quýt. Cô đứng đó một lát, không thể cử động, nhìn họ ngủ.

Từ khi đến sống với gia đình Gela, Văn dần dần quen với việc nằm ngủ chung cùng mọi người, đàn ông lẫn đàn bà. Tuy cô không thể hình dung nổi các ông chồng và bà vợ quan hệ tình dục thế nào trước mắt tất cả mọi người, nhưng cô biết rất nhiều chủng tộc đã sống như vậy trong hàng thế kỷ. Nhưng cô chưa bao giờ nghĩ rằng một người điềm tĩnh đáng trọng như Saierbao lại dan díu ăn nằm với một người đàn ông khác ngay trước mũi chồng mình. Chỉ sống với riêng chồng chị là điều tuyệt vời và đáng trọng nhất trên thế gian này, Văn muốn hét lên như vậy với Saierbao. Tất nhiên là cô không làm thế, nhưng cũng không thể ngủ lại được.

Ngày hôm sau, Văn vẫn ray rứt với điều cô phát hiện ra. Cô không biết đối diện với Saierbao và Ge’er như thế nào nên cố tránh mặt họ. Mọi người nhận ra có điều gì đó không ổn với Văn, nhưng cho rằng chỉ là do cô nhớ nhà. Ni cứ kéo Zhuoma đến chỗ Văn để cố gắng thuyết phục Văn nói cho cô bé biết có chuyện gì, nhưng Văn chỉ đỏ mặt, và họ không thể hiểu được bất cứ cảm xúc nào của cô. Zhuoma biết vào ban ngày Văn thường nhìn chăm chú vào khoảng không, còn ban đêm lại khóc, nên cô cho rằng Văn lơ đễnh như vậy ắt hẳn là do nhớ Khả Quân, và cô sợ nhỡ khi mình lại hỏi những câu hỏi vụng về.

Vài ngày sau, cảm giác ngượng nghịu của Văn đỡ hơn một chút. Khi quan sát Saierbao và Ge’er cùng nhau, cô có thể thấy rằng hai người họ hành động như thể chẳng có gì xảy ra. Cô rất muốn tìm hiểu xem liệu họ thực sự yêu nhau hay họ cặp với nhau chỉ là do ham muốn thể xác, nhưng cô lại ngượng vì tính tò mò của mình. Tuy nhiên, dù cô nhìn chuyện đó theo cách nào, Saierbao cũng không còn có vẻ là một người hoàn hảo nữa. Với Gela - kẻ bị người ta cướp vợ đi ngay trước mũi mình - cô thấy thương hại, còn với Ge’er - người sống chung một mái nhà với anh mình nhưng lại coi khinh những quy tắc đạo đức cơ bản nhất - thì cô ghê tởm.

Một hôm nọ, đứa con thứ năm của gia đình là Mê cưỡi ngựa lại gần trại cùng với một nhóm các lạt ma từ tu viện của cậu. Cậu đang đi nhặt đá màu từ các ngọn núi đem về nghiền thành bột màu để vẽ tranh tôn giáo. Cậu có nghe những người du mục láng giềng kể rằng gia đình đang ở ngay gần cạnh. Khi thấy Saierbao và Ge’er, cậu liền phi ngựa về phía họ, miệng kêu “mẹ ơi, bố ơi.” Vì hôm đó Gela đang làm việc ở xa lều, nên Văn nghĩ chắc hẳn cô đã nghe nhầm cách xưng hô Mê dùng. Lúc ấy cô vẫn chỉ nói và hiểu được dăm ba từ Tây Tạng cơ bản. Nhưng Zhuoma, lúc đó đã đảm nhận việc đánh sữa làm bơ thay cho Saierbao, thở dài mà nói: “Mê chắc hẳn là nhớ bố mẹ lắm. Trẻ con phải xa nhà vào tu viện đứa nào chả nhớ nhà.”

“Phải. Tiếc là bố nó không có ở đây,” Văn nói thêm một cách thông cảm.

“Ồ,” Zhuoma mỉm cười đáp, “có sao đâu. Với trẻ con Tây Tạng thì bất cứ ai trong số bố của chúng cũng được cả mà.”

“Ý cô là sao?” Văn ngạc nhiên hỏi. “Zhuoma, có phải cô muốn nói… Gela và Ge’er là…” Văn ngăn Zhuoma lại, không cho cô quấy cái sào gỗ nữa.

Zhuoma kinh ngạc thấy Văn lại bối rối đến thế, cho tới khi rốt cuộc cô chợt hiểu: “Chị không biết rằng cả Gela vẫn Ge’er đều lấy Saierbao làm vợ à?”

Giờ thì Văn lại càng hoang mang hơn: “Saierbao có hai chồng ạ?”

“Phải, ở Tây Tạng thì vậy. Ở Tây Tạng mọi người vợ có thể có nhiều chồng. Chị chưa bao giờ hỏi tôi chuyện đó thành thử tôi cứ nghĩ nghe bọn trẻ xưng hô với hai người là chị tự suy ra được rồi.”

Zhuoma chuyển sào đánh bơ cho Ni đang đứng cạnh, cô bé như bị mê hoặc khi nghe hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc, rồi chị kéo Văn sang một bên.

“Tôi hiểu điều này thật khó chấp nhận đối với chị. Sống ở đây đối với chị cũng như sống ở Bắc Kinh đối với tôi vậy. Giá như không đến Trung Quốc thì chắc tới giờ tôi vẫn nghĩ cả thế giới đều sống trên một cao nguyên đầy tuyết và núi non trập trùng.”

Giờ đây khi đã hiểu việc “ngoại tình” của Saierbao, Văn xấu hổ vì sự dốt nát và hàm hồ của mình. Cô không nói với Zhuoma rằng những gì cô thấy trong mấy đêm trước đã là nguyên nhân khiến cô đâm chán nản.

Văn thất vọng khi biết rằng Mê và các lạt ma bạn cậu không biết gì về cuộc xung đột giữa người Trung Quốc với người Tây Tạng và không hề thấy một người lính Trung Quốc nào. Ngay trước khi nhóm của Mê ra đi, Văn hỏi Zhuoma liệu có thể thuyết phục cậu để lại hai mẩu đá màu nho nhỏ không. Tối hôm đó, Văn dùng một trong hai mẩu đá để viết thư cho Khả Quân ở mặt sau bức ảnh của anh:

Khả Quân thân yêu của em,

Anh có khỏe không? Em chỉ muốn viết một lời thôi. Xin lỗi. Xin lỗi anh vì em vẫn chưa tìm được anh. Xin lỗi chính em, vì em không thể tự mình tìm kiếm trên vùng cao nguyên này. Xin lỗi Zhuoma và gia đình Tây Tạng này, vì em không có cách nào đền đáp cho họ được.

Màu của cây bút chì đã rất nhạt, nhưng mảnh đá khắc nét thật sâu nên những lời của cô hằn rõ lên khuôn mặt tươi cười của Khả Quân. Cô nhớ cuốn nhật ký và cây bút của Vương Lượng cho cô ở Trịnh Châu và bây giờ bị chôn vùi cùng với balô của cô ở đâu đó nơi một ngọn đèo vắt qua núi. “Viết có thể là nguồn sức mạnh,” Vương Lượng đã nói. Cô cảm thấy bức thư ngắn gửi Khả Quân cho cô lòng can đảm tươi mới để đối mặt với những khó khăn phía trước.

Chuyến thăm ngắn ngủi của Mê đến căn lều khiến Văn suy nghĩ về cuộc sống của trẻ em Tây Tạng. Chắc hẳn đối với cậu phải xa nhà từ khi còn nhỏ như vậy thì khổ sở lắm, cô nghĩ thế, và Saierbao chắc hẳn cũng rất thấm thía sự vắng mặt của cậu.

Zhuoma bảo cô đừng lo.

“Người Tây Tạng vẫn thường cho bọn trẻ ra đi rất sớm,” cô nói. “Cả Tây Tạng chẳng khác gì một tu viện khổng lồ. Nhà nào có trên hai con trai đều phải cho ít nhất một đứa tới tu viện để làm lạt ma. Việc này cho thấy họ là tín hữu thuần thành, nhưng đồng thời cũng để đứa trẻ được học hành và giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho gia đình. Có một ngạn ngữ Tây Tạng nói, ‘Bơ bò là tài sản lâu bền hơn một đứa con trai.’ Đó là vì con bò chỉ thuộc về một gia đình, nhưng đứa con trai thì có thể dễ dàng bị tu viện mang đi.”

Liệu trẻ em Tây Tạng có được phép có thời thơ ấu hay không, Văn tự hỏi. Cô nhận thấy rằng ngoài quần áo và mũ, hiếm có một món đồ nào trong nhà Gela được dành riêng cho trẻ. Cô nhờ Zhuoma hỏi Ni xem hồi cô bé còn nhỏ thì thế nào. Cô bé có bao giờ có đồ chơi không?

“Có,” Ni đáp. Bố Gela của cô bé đã làm cho cô nhiều đồ chơi bằng cỏ và đuôi dê phơi khô, nhưng mỗi lần dọn đi chỗ khác thì đều phải bỏ đồ chơi lại. Anh ta cũng làm cho lũ con những con thú bằng gỗ để làm quà sinh nhật.

Đứa con lớn nhất là Án không còn là trẻ con nữa. Cậu chắc khoảng mười tám tuổi và suốt ngày chỉ lầm lũi làm việc ngoài trời cùng Gela và Ge’er. Cậu không biết đọc nhưng biết chơi đàn lute Tây Tạng rất tuyệt và còn hát hay. Ngày nào cũng vậy, đến hoàng hôn, lúc cả gia đình mỗi người đều bận bịu chút việc riêng như tự bắt rận trong quần áo và tóc chẳng hạn, Văn lại nghe cậu hát bên ngoài lều. Cô chẳng bao giờ biết cậu hát về cái gì bởi gần như không thể nào giao tiếp với Án, nhưng cô cảm thấy được cảm xúc trai gái dạt dào. Lời hát của Án luôn khiến cô khao khát Khả Quân, như thể những sóng âm thanh kia có thể giằng được anh ra khỏi nơi trú ẩn. Văn không biết làm thế nào một cậu bé mười tám tuổi được nuôi dạy trong hoàn cảnh cách ly như vậy lại tạo ra được những giai điệu âm vang đến thế.

Đứa con gái lớn nhất, Ni, vừa chớm tuổi dậy thì và là thành viên hoạt bát nhất của gia đình. Cô cứ như một cái chuông nhỏ bé vui tươi, có khả năng làm cho bố mẹ vốn lầm lì ít nói cũng phải cười lăn lộn. Nhưng Ni luôn luôn khóc thầm về đêm. Ban đầu Văn cứ nghĩ Ni gặp ác mộng. Tuy nhiên, khi cố thức Ni dậy, cô nhận ra rằng Ni không ngủ. Văn không hiểu làm thế nào cô bé ngủ cạnh mình lại có thể ngày một đằng đêm một nẻo như thế được. Cô có thể thấy một sự tuyệt vọng nào đó trong cặp mắt đẫm lệ của Ni. Văn tránh nghĩ về điều đó. Bản thân cô đang kìm nén nỗi tuyệt vọng và không chịu đầu hàng trước tuyệt vọng ngay cả trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất, khi cô thấy Khả Quân toàn thâm đẫm máu. Văn tự hỏi cái gì khiến cho cô bé đáng yêu trông như một đóa hoa này lại mất hết hy vọng đến thế.

Em gái của Ni là Bát thì trầm lặng đến nỗi hầu như chẳng có vẻ gì là có mặt trên đời cả. Thế nhưng, cô bé lại luôn luôn có mặt một bên để chìa tay giúp đỡ, hễ mẹ hay chị tìm cái gì là cô trao cho ngay cái đó. Nếu sau bữa ăn tối mà thấy Bát đem đồ đạc của mọi người ra dằn vào mép lều để tránh gió lùa là Saierbao sẽ đưa cho mỗi người thêm một cái chăn để ngủ, và y như rằng sau đó Văn sẽ nghe thấy tiếng gió hú ở ngoài lều. Kinh ngạc trước khả năng tiên tri của Bát, đôi khi Văn cứ muốn hỏi Zhuoma liệu Bát có thể biết Khả Quân đang ở đâu không. Nhưng cô quá sợ phải nghe điều Bát có thể hé lộ cho cô biết. Cô không dám liều mạng tìm một lời tiên báo có khả năng làm tiêu tan mọi niềm hy vọng của cô.

Nhóc Hồng khoảng tám hay chín tuổi. Chú thích quanh quẩn bên người khác, luôn muốn học hỏi mọi thứ. Văn thường quan sát chú cùng với Án, cậu ta dạy chú chơi đàn. Án muốn chỉ cho chú em thấy cách xếp ngón, cách gảy dây bằng cách tròng ngón tay chú bé vào ngón tay mình trong khi chơi. Hồng cũng muốn giằng lấy sào đánh bơ từ tay mẹ, khiến Saierbao không còn cách nào khác hơn là kê một chồng bao phân khô xuống dưới chân chú để chú nhìn thấy được người lớn khuấy sữa như thế nào. Chú thậm chí còn chạy vào ngay giữa một đàn cừu mà bố đang cố quây lại, bắt chước cách bố ném thòng lọng và quát tháo lũ gia súc. Zhuoma kể với Văn rằng Hồng rất muốn vào tu viện như hai cậu anh chú. Văn không hiểu làm cách nào một chú bé chưa bao giờ rời khỏi nhà lại có thể háo hức muốn thành lạt ma như thế. Cô nhận thấy Hồng cầu nguyện với sự thành tâm vượt xa lứa tuổi chú. Văn nhận ra rằng, sự trưởng thành về đức tin ấy ở một đứa bé chưa cao tới một mét tư ắt hẳn phải là một thiên đường tâm linh đích thực.

Ngày nào Văn cũng nhận thấy những điều lạ lùng trong lối sống của người Tây Tạng, và thường xuyên kinh ngạc trước sự khác biệt giữa phong tục Tây Tạng với phong tục Trung Quốc. Một hôm, cô phát hiện ra rằng Gela và Ge’er mới là người làm mọi việc khâu vá trong nhà chứ không phải Saierbao. Lần đầu tiên thấy Ge’er ngồi khâu áo, cô thật khó tin ở mắt mình.

“Zhuoma ơi,” cô la lên, “lại đây này! Ge’er đang làm gì vậy?”

Saierbao đang đứng gần đó không thể hiểu được phản ứng của Văn. Đàn ông trong nhà làm việc khâu vá thì có gì lạ? Zhuoma liền giải thích cho chị ta biết rằng đàn ông Trung Quốc hiếm khi động đến cây kim, rằng khâu vá hầu như luôn luôn là việc của đàn bà.

Ni cười ngặt nghẽo khi nghe nói thế: “Đàn bà mà lại đi khâu vá à?” cô bé nói với mẹ. “Đời nào!”

Saierbao lắc đầu, cũng hoài nghi như cô bé trước cái ý nghĩ kỳ quặc đó.

Thế nên chính những ngón tay thô ráp của đàn ông lại chịu trách nhiệm về quần áo chăn màn cho cả gia đình, ngay đến Án cũng có thể khâu vá một đường khá tươm. Ge’er đặc biệt khéo tay về đường kim chỉ, Văn được biết rằng hầu như bất cứ món đồ nghi lễ nào trong gia đình này đều một tay anh làm ra hết.

Zhuoma giải thích rằng quần áo của con người từ thời xa xưa nhất ở Tây Tạng được làm bằng da và lông thú nên phải khâu bằng loại chỉ rất dày. Chỉ đàn ông mới đủ sức khâu bằng những cái kim giống như cây sào sắt và sợi chỉ to như dây thừng. Mặc dù ngày nay đàn bà cũng có thể khâu vá nhưng truyền thống xưa vẫn tồn tại.

Văn tha thiết muốn đền đáp lòng hiếu khách của gia đình bằng cách đỡ đần công việc cho họ. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra rằng mặc dù Saierbao vẫn thường vừa làm việc vừa đung đưa người và khe khẽ hát, song công việc hoàn toàn không nhẹ nhàng một chút nào.

Ban đầu cô không thể nào vắt sữa bò cho được. Công việc đó đòi hỏi phải cực kỳ khéo léo. Mệt bã người, mồ hôi như tắm, Văn vẫn chẳng làm được trò trống gì mà còn bị kêu ca, và tất nhiên là chẳng được tí sữa nào. Ngay cả Bát khi lặng lẽ đưa cho cô một mảnh vải để lau mồ hôi cũng không nén được một nụ cười nhẹ thoáng trên mặt.

Làm bánh phân bò xem ra dễ hơn, nhưng chẳng mấy chốc Văn nhận ra rằng nhìn thì vậy chứ không phải vậy. Trước khi phơi khô phân thì phải gom phân lại đã. Cô phải dùng một cái xẻng khum khum chuyên dùng để hốt phân, rồi hắt khéo mớ phân còn chảy ròng ròng vào cái bị đeo sau lưng. Sau đó phải nhào phân, vỗ thành bánh, phơi nắng, rồi lèn chặt vào bao tải, đem vào cất trong lều. Văn rốt cuộc thường hắt phân lên khắp mình mẩy quần áo thay vì vào cái bị sau lưng. Cô la lên với Zhuoma rằng cô nhắm đích kém quá.

Trong mọi công việc thì lấy nước là thuần túy cần sức, đòi hỏi ít kỹ năng nhất. Nhưng việc này lại cần sức khỏe. Văn khó lòng chịu nổi thùng nước nặng trĩu nên bước đi hết sức lảo đảo xiêu vẹo. Thường thì chưa về được nửa đường là cô đã làm sánh gần hết nước ra rồi.

Điều Văn muốn nhất là làm sao nắm vững được kỹ thuật đánh bơ. Saierbao nói mẹ chị thường bảo đây là công việc nặng nhọc nhất của đàn bà, nhưng cũng là một trong những kỹ năng khiến chị được người ta nể trọng nhất bởi vì bơ (và sữa chua cùng với pho mát tươi làm bằng chỗ còn sót lại) vốn dĩ là thành phần chủ yếu của ba bữa chính trong ngày. Để đánh bơ, phải dùng một cái sào gỗ mà khuấy sữa trong một thùng gỗ hàng trăm lần cho tới khi chất béo tách khỏi bơ, có thể dùng muôi để hớt. Rồi còn phải tách pho mát tươi ra khỏi chỗ nước còn lại. Pho mát tươi ráo nước có thể đem làm thành bánh cùng với tsampa và thường dùng để dâng cúng những khi lễ lạt.

Dụng cụ và các cách thức được dùng để đánh bơ làm Văn nhớ lại những thí nghiệm hóa học hồi cô còn ở trường đại học. Tuy nhiên, sau nửa buổi sáng giúp Saierbao, cô khó lòng nhấc nổi tay lên, và đến tối tay cô yếu đến nỗi không cầm nổi đồ ăn mà ăn nữa.

Văn nhớ lại, mẹ cô thường nói với cô rằng một phụ nữ Trung Quốc có học thì phải có biết đến nơi đến chốn về sáu thứ: Nhạc, cờ, thư pháp, vẽ, khâu vá, nấu nướng. Một phụ nữ Tây Tạng thì được đề cao nếu làm được những việc hoàn toàn khác. Văn đỏ mặt khi nghĩ tới sự vụng về kém cỏi của mình. Ngay cả các học vấn y khoa của cô cũng chẳng mấy có ích ở đây. Gia đình này tự làm lấy thuốc men bằng thảo dược, hoàn toàn khác với những loại thuốc của Trung Quốc. Zhuoma chỉ cho cô xem những loại nấm sâu bướm bí ẩn, và cây nghệ dùng làm thuốc rất có giá trị. Giờ cô mới hiểu tại sao Khả Quân phải được đào tạo đặc biệt để dùng thảo dược của Tây Tạng.

Zhuoma cũng đến khổ với công việc này. Mặc dù cô biết rõ hơn Văn rằng làm việc này sẽ dẫn đến những gì, song cô vốn không quen lao động chân tay nên rất nhanh mệt. Gela rất tử tế với hai người phụ nữ nên thường bảo họ đừng cố quá sức. Bốn mùa là đủ để gia đình chuyển nhà từ nơi này sang nơi khác, bò với cừu cũng có thì giờ để cặp đôi và thay lông. Họ nên thư thả sống ngày nào hay ngày ấy.

Một hôm, Ni nhảy cẫng lên bảo mẹ rằng Án nói cỏ đang đâm chồi, Saierbao nheo mắt và khịt mũi, như để bắt lấy mùi hương của mùa hè. Chị nói với Zhuoma rằng Gela chẳng mấy chốc nữa sẽ ra lệnh chuyển đến bãi chăn thả mùa hè trên những triền dốc cao hơn. Một lần nữa họ sẽ đi lên phía Bắc. Văn sững sờ thán phục sự am hiểu cảnh quan nơi mình ở của gia đình này. Ý niệm về bản đồ hoàn toàn xa lạ với họ. Họ đi từ nơi này sang nơi khác bằng trực giác, tuân theo sự thông thái của những thời xa xưa: “Mùa xuân đi chăn thả theo con nước, mùa hè lên núi; mùa thu chăn thả trên triền dốc cao, mùa đông thì ở vùng đồng bằng kín gió.” Cô nhận ra rằng dẫu cho có một tấm bản đồ của vùng đất chưa bao giờ được vẽ bản đồ này đi nữa, cô vẫn sẽ không dùng được nó. Cô hoàn toàn chẳng biết mình đang ở đâu và núi non đồng bằng nào đối với cô cũng giống hệt nhau.

Ai nấy đều phấn chấn khi nghĩ đến đợt di cư mùa hè. Ngày mỗi lúc một ấm áp và dài ra, nắng cũng càng ngày càng nóng hơn thành thử khi ăn trưa họ mở phanh áo khoác lông ra. Văn giờ đã quen cưỡi ngựa nên cảm thấy tự tin hẳn lên. Cô tin chắc mình đang trên đường tìm thấy Khả Quân và mường tượng ra anh cũng mặc quần áo Tây Tạng giống như cô, đang vật lộn để sống còn và tìm đường về nhà. Cô tưởng tượng ra một cuộc trùng phùng trên lưng ngựa giữa một đàn cừu và niềm hạnh phúc được cùng Khả Quân uống trà sữa trong một căn lều. Cô khiến Zhuoma kinh ngạc bởi niềm hạnh phúc ấy.

Cuộc hành trình kéo dài về phía Bắc đưa họ đi qua dãy núi Bayan Har để tới các chân đồi miền Bắc, ở đó họ cắm trại trên những triền dốc đầy cỏ mọc tốt tươi. Về phía Bắc, Văn có thể thấy một đỉnh núi cao chót vót phủ tuyết. Qua Zhuoma thông dịch, Gela giải thích rằng đó là Anyemaqen[7], một ngọn núi thiêng và là ngọn quan trọng nhất trong số mười ba ngọn núi thiêng ở đầu nguồn Hoàng Hà. Anyemaqen là vị thần canh giữ vùng này, vùng đất có nhiều cái hồ đan dệt vào sông Hoàng Hà vừa bắt đầu dòng chảy như những hạt ngọc trên chuỗi ngọc. Thời xa xưa, bộ lạc Tupo gọi vùng này là “Bách Hồ”, và dân du mục đến nay vẫn hay dùng tên đó.

“Đây là nơi Văn Thành, công chúa Trung Hoa vào đời Đường thế kỷ thứ bảy đã kết duyên với vua Tây Tạng Songtsen Gampo hay Tùng Tán Can Bố,” Zhuoma nói thêm. “Người Tây Tạng nào cũng biết chuyện mối liên minh giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Văn Thành đã đưa cây giống và thuốc men vào Tây Tạng và dạy cho dân tôi biết cách trồng lúa mạch. Nhà vua cùng cô dâu mới cưới hưởng tuần trăng mật ở đầu nguồn Hoàng Hà trước khi thực hiện cuộc hành trình gian khổ về phía Nam đến kinh đô Lhasa. Ở đó vua Songtsen xây dựng Điện Potala cho hoàng hậu của ngài. Ở Thanh Hải có một ngôi đền xây để kỷ niệm sự kiện Công chúa Văn Thành đến Tây Tạng.”

“Nếu mình tìm được Khả Quân, hai đứa sẽ cùng đi thăm ngôi đền đó,” Văn tự nhủ.

Suốt thời gian Văn và Zhuoma ở cùng với gia đình, cánh đàn ông chưa bao giờ đi vắng khỏi lều quá một ngày, nên Văn lấy làm lạ khi Gela và Ge’er chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Họ sửa soạn mang theo bò và cừu, cùng với hai tấm khăn khata trắng lấy từ chỗ gia đình cất giữ đồ cúng tế. Cô hỏi Zhuoma xem họ đi đâu vậy.

“Họ sắp đi thăm một người thợ đá mani, ông ấy sẽ giúp khắc thần chú mani lên đá để họ được bảo vệ chống lại cái ác và làm ăn phát đạt,” Zhuoma đáp. “Chị không thấy là chúng ta thường đi qua những tảng đá khắc đầy chữ và tranh đó sao?”

Văn đã băn khoăn khi thấy những dòng chữ được khắc trên đá, rồi thì cô lại gặp những đống đá nhỏ đẽo gọt cẩn thận ở khắp nơi. Tuy nhiên cô vẫn nhớ đinh ninh rằng người Tây Tạng kiêng hỏi han về tôn giáo nên không dám hé môi gì về chuyện đó. Càng ở lâu với gia đình Gela, cô càng cảm động trước tinh thần tôn giáo của họ, nên cô rất vui khi Zhuoma đề nghị sẽ nói cho cô biết thêm về các tảng đá mani trong khi họ đi lấy nước.

Kể từ cuộc nói chuyện kéo dài lần đầu trong cabin chiếc xe tải quân đội, Zhuoma và Văn luôn tránh đả động quá nhiều về chính trị và tôn giáo, như sợ rằng làm vậy có thể sẽ hại đến tình bạn đang nảy nở dần giữa họ. Nhưng bây giờ, Zhuoma dường như rất sẵn lòng giải thích về tôn giáo của Tây Tạng cho Văn, như thể mấy ngày gần đâu cô đã làm nảy sinh một lòng tin cậy mới trong lòng Zhuoma.

“Có một số người,” cô gái giải thích, “cảm thấy mình có thiên hướng mạnh mẽ muốn đến sống ở những ngọn núi thiêng, ngày nào cũng đi chọn những hòn đá hay mặt đá để khắc lên đó các thần chú mani. Thường thì hễ nơi nào có đám cưới hoặc đám tang, có người hay thú bị ốm hay có bất cứ chuyện không hay nào xảy ra trong một gia đình, chủ gia đình sẽ lên núi để dâng cúng và cầu nguyện xin được đoái thương. Họ dâng bò, cừu và các món đồ khác cho người thợ đá, người này sẽ chọn cho họ một hòn đá trên ngọn núi đó rồi khắc lên đấy sáu âm tiết của đại thần chú. Người ta có thể khắc bằng nhiều loại thư pháp khác nhau và tô bằng nhiều màu. Một số hòn đá mani được khắc trọn cả đoạn kinh Phật, những hòn khác tạc hình Đức Phật.

“Người ta không mang những hòn đá mani theo mình. Đó chỉ là biểu tượng dành cho đức tin và giúp họ được khuây khỏa tinh thần. Chính vì vậy chị mới thấy hàng đống đá mani giữa những tảng đá núi mà chúng ta đi ngang qua.”

Văn chăm chú lắng nghe lời giải thích của Zhuoma.

“Càng ngày tôi càng thấy đức tin thấm nhuần vào mọi thứ ở Tây Tạng,” Văn nói. “Ở đây, người ta phó thác mình trọn vẹn cho trời và thiên nhiên. Ngay cả núi non, sông hồ, cây cỏ cũng nói lên đức tin.”

“Đúng vậy,” Zhuoma nói. “Thậm chí dù ở đây, miền Bắc này, cuộc sống rất khác với vùng đất của gia đình tôi, nơi có đường sá, có nghề nông và đông dân cư hơn, người Tây Tạng chúng tôi đều có chung một tinh thần tôn giáo. Bởi vì chúng tôi tách biệt với thế giới bên ngoài, nên chúng tôi tin rằng ở đây tất cả mọi thứ giữa trời và đất đều hiện hữu như phải thế. Chúng tôi tin rằng chính thần linh của chúng tôi là những thần linh duy nhất và tổ tiên chúng tôi là nguồn gốc của toàn bộ sự sống trên thế giới này. Chúng tôi bị cắt lìa khỏi nhịp tiến của thời gian. Nhà nông chúng tôi gieo hạt, đấy chỉ là họ để mặc số phận mùa màng của họ cho trời. Không có kỹ thuật làm nông hiện đại nào cả. Nhà nông hành xử như tổ tiên họ từ hàng trăm hàng ngàn năm trước, cũng như dân du mục. Cả hai nhóm đều có cuộc sống rất gian khổ. Họ có nghĩa vụ dâng cúng phần nhiều vụ mùa và gia súc của mình cho tu viện. Đó là một gánh nặng rất lớn cho người dân trong khi họ vốn đã có rất ít, nhưng họ phải kính trọng các lạt ma vì các vị này bảo vệ họ.

“Người ta tin rằng Đạt Lai Lạt Ma ở miền Nam Tây Tạng và Ban Thiền Lạt Ma ở miền Bắc Tây Tạng là những đại diện cao nhất cho các thần linh. Khi các ngài qua đời, người ta tìm một hóa thân của các ngài thông qua cầu nguyện và những nghi thức đặc biệt chẳng hạn như ném khăn choàng khata, những chiếc chai quý và thuốc quý xuống một cái hồ được lựa chọn đặc biệt, sau đó mặt nước sẽ tiết lộ bản đồ, bản đồ chỉ cho thấy nơi vị hóa thân sẽ ra đời. Sau khi được chọn, các vị Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma mới sẽ sống suốt phần đời còn lại trong những cung điện nguy nga.”

“Khác với bên Trung Quốc quá,” Văn nói. “Với chúng tôi, tôn giáo không phải là một thế lực mạnh. Chúng tôi chỉ tuân lời các lãnh tụ thế tục mà thôi.”

“Nhưng ai kiểm soát và bảo vệ các lãnh tụ đó?” Zhuoma băn khoăn hỏi.

“Lương tâm,” Văn đáp.

“‘Lương tâm’ là cái gì?”

“Nó không phải là một cái gì,” Văn nói. “Nó là một hệ thống đạo lý.”

“Vậy ‘hệ thống đạo lý’ là gì?”

Văn ngẫm nghĩ. Cô đột nhiên nhận ra rằng đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Cô nghĩ đến Khả Quân, một người vốn phải tìm câu trả lời cho mọi câu hỏi rồi sau đó lại tìm một lời đáp cho mọi câu trả lời. Có lẽ Tây Tạng cũng đã khiến anh ấy thay đổi nốt.

Đến lúc đó hai người phụ nữ đã tới hồ, liền dừng lại để đặt thùng đựng nước xuống.

Văn quay sang Zhuoma. “Chị không thể quên Khả Quân của chị,” cô nói.

Zhuoma gật đầu. “Em cũng vậy, cứ nghĩ đến Thiên An Môn suốt. Em đã thấy gia đình Gela tích góp đồ dự trữ rồi. Nay đã sang hè, có lẽ chị em mình có thể hỏi xin Gela đồ ăn và ngựa. Em sẽ thử nói chuyện với anh ấy.”
Bình Luận (0)
Comment