Thiên Thần Và Ác Quỷ

Chương 14

Langdon bước khỏi toà nhà C, ra ngoài trời, vui mừng vì được thoát khỏi căn hộ của Vetra. ánh nắng mặt trời giúp anh gạt bỏ hình ảnh hốc mắt trống hoác khỏi tâm trí.

- Lối này, ông Langdon. - Kohler nói rồi quay lên một con dốc. Chiếc xe lăn nhẹ nhàng tăng tốc. - Cô Vetra sẽ về bất cứ lúc nào.

Langdon vội vã leo theo.

- Vậy thì, - Kohler hỏi. - Ông còn nghi ngờ về sự dính líu của Illuminati nữa không?

Langdon không biết phải nói thế nào. Các mối quan hệ tôn giáo của Vetra nhất định có vấn đề, nhưng Langdon cũng không thể từ bỏ những chứng cứ khoa học mà anh đã nghiên cứu. Bên cạnh đó, con mắt…

- Tôi vẫn cho rằng, - Langdon nói, giọng mạnh mẽ bất ngờ - Illuminati không thể chịu trách nhiệm trong chuyện này. Con mắt bị mất là một bằng chứng.

- Gì cơ?

- Lấy đi một bộ phận, - anh giải thích, - thật… không giống cung cách của Illuminati chút nào. Các nhà nghiên cứu nghi lễ tôn giáo đều cho rằng cách cắt rời một bộ phận làm biến dạng khuôn mặt là của những kẻ cực đoan non nớt "những kẻ cuồng tín tuỳ tiện hành động khủng bố", còn hội Illuminati vốn thận trọng hơn nhiều.

- Thận trọng ư? Phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu của ai đó mà là thận trọng?

- Hành động đó chẳng chuyển tải thông điệp gì cả, không phục vụ cho một mục đích cao cả nào hết.

Chiếc xe lăn của Kohler đột ngột dừng trên đỉnh đồi. Ông ta quay lại.

- Ông Langdon, tin tôi đi, con mắt bị mất tích đó thực sự được dùng cho một mục đích quan trọng hơn… quan trọng hơn rất nhiều.

Khi hai người đàn ông vượt qua bãi cỏ cao ngút, họ nghe thấy tiếng đập phành phạch của cánh quạt chiếc máy bay từ phía tây vọng lại. Một chiếc trực thăng xuất hiện, vòng quanh thung lũng rồi tiến về phía họ. Nó nghiêng mạnh, rồi từ từ lượn trên bãi đỗ được sơn vạch trên cỏ.

Langdon đứng tách ra ngắm nhìn, đầu óc anh quay cuồng y hệt như những cánh quạt máy bay, không hiểu liệu một đêm ngủ đẫy giấc có thể làm mớ suy nghĩ hỗn độn trong đầu anh sáng sủa hơn chút nào không. Dù sao thì một giấc ngủ lúc này cũng thật xa vời.

Khi máy bay hạ cánh, một viên phi công nhẩy xuống, bắt đầu dỡ các dụng cụ - những bộ đồ nghề, những túi nhựa dẻo còn ướt, bộ đồ lặn, và vô số thứ trông như những thiết bị công nghệ cao.

Langdon bối rối.

- Đấy là đồ nghề của cô Vetra à? - Anh gào lên át tiếng động cơ máy bay.

Kohler gật đầu và gào lại.

- Cô ta đang tiến hành nghiên cứu sinh học trên biển Balearic 1.

- Tôi tưởng cô ấy là nhà vật lí cơ mà!

- Đúng đấy. Cô ấy là nhà vật lí sinh học, nghiên cứu mối liên hệ trong hệ sinh thái. Công việc của cô ấy liên quan chặt chẽ với công trình nghiên cứu vật lí hạt của Vetra. Gần đây, cô ấy đang phủ nhận một trong những học thuyết cơ bản của Anhxtanh bằng cách ghi lại sự phối hợp từ khi quan sát một đàn cá ngừ.

Langdon nhìn kỹ xem trên khuôn mặt chủ nhà có pha chút hài hước nào không. Anhxtanh và đàn cá ngừ? Anh bắt đầu băn khoăn liệu có phải chiếc X-33 đã thả nhầm anh lên một hành tinh khác không?

Một lúc sau, Vittoria Vetra mới ra khỏi máy bay. Robert Langdon phải thừa nhận rằng hôm nay là một ngày của hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vittoria Vetra bước xuống máy bay, mặc chiếc quần soóc vải ka ki và áo không tay màu trắng, không hề giống một nhà khoa học chỉ biết tối ngày chúi mũi vào sách vở như anh vẫn tưởng. Cô gái này cao ráo, làn da màu hạt dẻ, mái tóc đen dài bị luồng gió mạnh từ cánh quạt động cơ phả ra thổi tung lên, thật mềm mại và duyên dáng. Khuôn mặt của Vittoria mang nét đặc trưng Italia - không quá đẹp nhưng đầy đặn, một vẻ đẹp đầy trần tục, đến nỗi dù cách cô gần 20 mét, Langdon vẫn thấy xao xuyến. Luồng gió mạnh từ cánh quạt máy bay khiến cho bộ quần áo ép sát vào thân hình thon thả và bộ ngực nhỏ của cô gái trẻ.

Cô Vetra là một phụ nữ có sức mạnh phi thường, - Kohler nói, dường như dọc được thái độ đắm đuối của Langdon. - Cô ấy đã từng làm việc ở những khu vực sinh thái nguy hiểm suốt hàng tháng trời. Một người ăn kiêng nghiêm ngặt và chuyên gia Hatha Yoga 2 trong khu tập thể của CERN. Hatha Yoga? Langdon cười thầm. Nghệ thuật thiền định cổ xưa của đạo Phật khó có thể phù hợp với con gái của một linh mục Cơ đốc giáo.

Langdon ngắm Vittoria khi cô tiến lại gần anh. Cô gái chắc đã khóc rất nhiều, và đôi mắt nâu lúc này tràn ngập những cảm xúc mà Langdon chưa thể gọi tên. Tuy nhiên, dáng điệu của Vittoria vẫn tỏ ra mạnh mẽ và kiên quyết. Làn da rám nắng của vùng Địa Trung Hải ánh lên trên đôi chân mạnh mẽ và săn chắc.

- Vittoria, - Kohler nói khi cô đến gần họ. - Tôi thành thật chia buồn. Đây là một tổn thất cực kỳ to lớn đối với khoa học… đối với tất cả chúng ta ở CERN.

Vittoria gật đầu vẻ biết ơn. Cô gái cất tiếng nói với một chất giọng thật du dương mượt mà:

- Đã tìm được hung thủ chưa?

- Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm.

Cô gái quay sang Langdon, chìa cánh tay mánh mai về phía anh.

Tên tôi là Vittoria Vetra. Ông là người của Interpol, đúng không?

Langdon bắt tay cô gái, và ngay lập lức anh bị ánh mắt sâu thẳm nỗi buồn ấy hút mất hồn.

- Robert Langdon. - Anh không biết nên nói thêm gì nữa.

- Ông Langdon không phải là nhà chức trách, - Kohler giải thích. -Ông ấy là một chuyên gia đến từ nước Mỹ. Ông Langdon sẽ giúp chúng ta tìm ra kẻ đã gây ra chuyện này.

Vittoria có vẻ hoài nghi.

- Thế còn cảnh sát?

Kohler chỉ thở dài, không nói gì.

- Thi thể của cha tôi giờ ở đâu? - cô hỏi.

- Đang được chăm sóc cẩn thận.

Langdon ngạc nhiên trước lời nói dối trắng trợn này.

- Tôi muốn được ở bên ông ấy. - Vittoria nói.

- Vittoria, - Kohler vội vã. - Cha cô đã bị sát hại một cách dã man. Tốt hơn hết là cô hãy nhớ về ông ấy với những hình ảnh ngày xưa.

Vittoria định nói gì đấy nhưng bị ngắt lời.

- Xin chào, Vittoria! - xa xa có vài người gọi - Chào mừng trở về nhà!

Cô quay lại. Một nhóm các nhà khoa học đang đi đến gần bãi trực thăng. Họ vui vẻ vẫy chào.

- Cô còn phủ nhận thêm thuyết nào của Anhxtanh nữa không? - Một người gọi to.

Một người khác đế vào:

- Cha cô hẳn phải tự hào lắm!

Vittoria vụng về vẫy chào lại khi họ đi ngang qua. Rồi cô quay sang Kohler, mặt đầy vẻ khó hiểu.

- Không ai biết chuyện này sao.

- Tôi cho rằng sự thận trọng là thứ quan trọng nhất.

- Ông vẫn chưa nói với các nhân viên khác là cha tôi bị giết hại? - Vẻ phẫn nộ bắt đầu lộ rõ trong âm giọng trầm trầm của cô gái trẻ.

Trong phút chốc Kohler trở nên cứng rắn.

- Có lẽ cô quên mất một điều, cô Vetra ạ, một khi tôi báo cáo về cái chết của cha cô, người ta sẽ tiến hành điều tra ở CERN. Toàn bộ phòng thí nghiệm của ông ấy sẽ bị khám xét. Tôi tôn trọng thế giới riêng của cha cô. Có hai việc cha cô từng nói với tôi về dự án đang thực hiện. Việc thứ nhất, dự án này sẽ đem đến cho CERN tiền triệu từ các loại hợp đồng trong thập kỷ tới. Và thứ hai, nó không nên được tiết lộ trước công chúng bởi vì đây vẫn là một công nghệ nguy hiểm. Sau khi suy nghĩ về hai điều này, tôi thấy tốt hơn hết là không nên để người lạ nhòm ngó phòng thí nghiệm của ông ấy cũng như ăn cắp công nghệ hoặc tự hại mình rồi đổ hết lên đầu CERN. Tôi diễn đạt như thế đã rõ chưa?

Vittoria nhìn lại, không thốt lên được lời nào. Rõ ràng là cô buộc phải tôn trọng và chấp nhận những lập luận hết sức lôgíc của Kohler.

- Trước khi chúng ta báo cho nhà chức trách, - Kohler nói, - Tôi cần biết hai cha con cô đã làm gì. Tôi muốn cô đưa chúng tôi tới phòng thí nghiệm.

- Chẳng có gì liên quan ở phòng thí nghiệm,, Vittoria nói.- Không ai biết cha con tôi đang làm gì. Thí nghiệm này không thể dính dáng tới cái chết của cha tôi.

Kohler thở dài não nề.

- Nhưng bằng chứng lại cho thấy điều ngược lại.

- Bằng chứng? Bằng chứng nào?

Langdon cũng thấy băn khoăn về điểm này.

Kohler đưa tay lên xoa miệng:

- Rồi cô sẽ tin tôi ngay thôi.

Ánh mắt đầy phẫn nộ của Vittoria cho thấy cô gái trẻ không hề tin những lời vừa nghe thấy.

--- ------ ------ ------ -------

1 Biển Balearic: Vùng biền nằm trong khu vực Địa Trung Hải, gần Tây Ban Nha, Pháp.

2 Hatha Yoga: Nền tảng của các môn Yoga, ha (mặt trời) và tha (mặt trăng) là sự cân bằng khi thiền định, thư giãn và nghỉ ngơi (nguồn Wikipedia).


Langdon lặng lẽ sải bước theo sau Vittoria và Kohler khi cả ba quay trở lại nơi mà anh vừa phải chứng kiến cảnh tượng kinh khủng ấy. Bước chân Vittoria nhịp nhàng uyển chuyển – hệt như một vận động viên lặn đẳng cấp Olympic – dáng vẻ dẻo dai, theo như Langdon phỏng đoán, là biểu hiện của sự linh hoạt và hài hoà mà Yoga mang lại. Anh nhận thấy cô gái đang thở rất đều đặn và chậm rãi, như thể đang cố gắng kiềm chế nỗi đau.

Langdon muốn nói với cô gái một điều gì đó, những lời cảm thông, rằng anh cũng đã từng trải qua cảm giác trống vắng đến không chịu đựng nổi khi bất ngờ mất đi người cha yêu dấu. Anh nhớ nhất là ngày tang lễ. Đó là một ngày mưa sụt sùi, bầu trời u ám chỉ cách hai ngày sau sinh nhật lần thứ 12 của anh. Những đồng nghiệp của cha, tất cả đều vận quần áo màu xám, kéo đến chật nhà. Tất cả bọn họ đều nắm chặt tay anh và nhắc đi nhắc lại những từ như bệnh tim và stress. Nước mắt giàn giụa, mẹ anh đùa rằng chỉ cần cầm tay cha là bà đã cầm chắc phần thắng ở thị trường chứng khoán, vì mạch đập của ông chính là chiếc đồng hồ vạn năng đối với bà…

Một lần, khi cha còn sống, Langdon nghe thấy mẹ van nài cha “Hãy nghỉ ngơi một chút để thưởng thức vẻ đẹp của hoa hồng”.

Năm đó, Langdon mua tặng cha một bông hồng ép trong bình thuỷ tinh nhân dịp Giáng sinh. Đó là bông hoa đẹp nhất mà anh từng trông thấy… những tia nắng mặt trời chiếu rọi vào chiếc bình đều hoá thành những dải sáng màu cầu vồng rực rỡ, chiếu rọi lên bức tường gần đó.

- Đẹp lắm! – cha nói khi mở gói giấy ra rồi hôn lên trán Langdon. – Cha con ta hãy tìm cho chiếc bình này một vị trí thích hợp nào!

Rồi ông cẩn thận cất chiếc bình trên một cái giá đầy bụi, trong góc tối nhất ở phòng khách. Vài ngày sau, Langdon bắc ghế đẩu để lấy chiếc bình xuống, đem trả lại cửa hàng. Cha anh không bao giờ biết rằng bông hoa đã biến mất.

Tiếng chuông thang máy kéo Langdon quay trở về thực tại. Cả Vittoria và Kohler đều đang đứng trước mặt anh, chuẩn bị bấm nút. Langdon vẫn đang ngập ngừng bên ngoài cánh cửa.

- Sao thế? – Kohler hỏi, với vẻ sốt ruột hơn là quan tâm.

- Không có gì, – Langdon trả lời, nặng nề bước vào thang máy chật hẹp. Anh chỉ sử dụng thang máy khi nào thực sự cần thiết, dù sao thì cầu thang bình thường vẫn thoáng đãng hơn nhiều.

- Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Vetra nằm dưới tầng hầm. – Kohler nói.

Tuyệt vời, Langdon thầm nghĩ khi anh cảm nhận được luồng gió mát lạnh thổi lên từ sâu dưới hầm. Cánh cửa đóng lại và thang máy bắt đầu đi xuống.

- Sáu tầng nhà, – Giọng nói của Kohler nghe lạnh lẽo như được phát ra từ một cỗ máy.

Langdon hình dung ra bóng tối phủ đầy căn hầm trống phía dưới. Anh cố xua đuổi ý nghĩ ấy đi bằng cách nhìn chăm chăm vào bảng chỉ dẫn trên thang máy. Kỳ lạ thật, thang máy này chỉ hiển thị hai chặng đến là TẦNG HẦM VÀ LHC.

- LHC nghĩa là gì? – Langdon hỏi, cố không để cho giọng nói trở nên run rẩy.

- Máy gia tốc hạt Hadron, – Kohler nói – Một loại máy gia tốc hạt.

Máy gia tốc hạt? Langdon rất mơ hồ về khái niệm này. Lần đầu tiên anh nghe đến nó khi đang ăn tối với mấy ông bạn đồng nghiệp ở Dunster House thuộc Cambridge. Một người bạn, nhà vật lí Bob Brownell,, đã đến muộn, vẻ mặt đầy tức giận.

- Lũ khốn đó bác bỏ rồi! – Brownell lầm bầm chửi rủa.

- Bác bỏ cái gì? – tất cả đồng thanh hỏi.

- Là cái gì?

- Máy va đập siêu dẫn lớn!

Ai đó nhún vai.

- Tôi không hề biết là Harward đang tiến hành lắp đặt một cỗ máy như thế.

- Không phải của Harvard! – Anh ta kêu lên. – Của nước Mỹ! Nó sẽ là máy gia tốc hạt mạnh nhất trên thế giới! Một trong những dự án khoa học quan trọng nhất thế kỷ! Chi phí lên tới 2 tỷ đô la, và Thượng nghị viện vừa bác bỏ. Những kẻ vận động hành lang Công giáo bảo thủ đáng nguyền rủa!

Khi Brownell bình tĩnh trở lại, anh ta giải thích rằng máy gia tốc hạt là một ống hình trụ cực lớn, trong đó các hạt nhỏ hơn nguyên tử được gia tăng tốc độ. Từ trường bên trong ống sẽ liên tục tắt bật cực nhanh để quay các hạt cho đến khi chúng đạt đến siêu vận tốc. Các hạt khi quay trong ống sẽ đạt vận tốc tối đa trên 288.000 km/s.

- Như thế là gần bằng tốc độ ánh sáng rồi còn gì, – một trong những giáo sư có mặt ở đó lên tiếng.

- Thì đúng là thế mà lại, – Brownell nói. Anh ta tiếp tục giải thích thêm rằng nếu tăng tốc hai hạt từ hai hướng đối lập nhau trong ống và cho chúng va đập vào nhau, các nhà khoa học có thể xé nhỏ thành phần của chúng ra là có được thành phần cơ bản nhất của tự nhiên.

- Máy gia tốc hạt, – Brownell tuyên bốt – Cực kỳ quan trọng đối với lương lai của khoa học. Hiện tượng va chạm giữa các hạt là chìa khoá mở ra cả một kho kiến thức về các công trình trong vũ trụ.

Nhà thơ của khu nội trú Harvard, một người ít nói tên là Charles Pratt, tỏ ra không mấy quan tâm:

- Tôi nghĩ rằng, làm thế chẳng khác gì nghiên cứu khoa học theo phương pháp của người vượn Nê-an-đéc-tan… đem nghiền nát một cái đồng hồ để nghiên cứu các bộ phận bên trong.

Brownell ném đĩa xuống bàn rồi hằm hằm lao ra khỏi phòng.

Vậy ra CERN có máy gia tốc hạt? Langdon thầm nghĩ trong khi thang máy tiếp tục lao xuống dưới. Một cái ống tròn để nghiền nhỏ các hạt. Anh băn khoăn không hiểu tại sao lại phải chôn cỗ máy này dưới lòng đất.

Thang máy dừng lại, Langdon cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra mặt đất quen thuộc đang ở ngay dưới chân mình. Nhưng khi cánh cửa mở ra thì cảm giác ấy hoàn toàn tan biến. Lại một lần nữa, anh đang ở một thế giới hoàn toàn xa lạ.

Lối đi dường như kéo dài đến vô tận ra cả hai phía: bên phải và bên trái. Lối đi này hình ống, lát xi măng đủ rộng để một cỗ xe 18 bánh có thể di chuyển dễ dàng. Nơi họ đang đứng tràn ngập ánh sáng, nhưng hành lang phía dưới thì tối thui. Một luồng gió lạnh lẽo phả ra từ khu vực tối tăm đó, như muốn nhắc nhở mọi người rằng họ đang ở rất sâu trong lòng đất. Langdon gần như cảm nhận được sức nặng của lớp đất đá ngay trên đầu họ.

Trong thoáng chốc, anh bỗng thấy mình lại là một cậu bé 9 tuổi… bóng tối nơi này đang đẩy anh trở lại với năm giờ đồng hồ khủng khiếp phải vật lộn với bóng đêm đen kịt… năm giờ đồng hố ấy còn ám ảnh anh đến tận bây giờ. Siết chặt hai bàn tay, anh cố xua nỗi ám ảnh ấy khỏi tâm trí.

Vittoria lẳng lặng bước ra khỏi thang máy, rồi nhanh nhẹn tiến vào vùng bóng tối, chẳng cần chờ Kohler và anh đi cùng. Những bóng đèn huỳnh quang trên đầu tự động bật lên soi đường cho cô. Cảm giác thật bất an, Langdon thầm nghĩ như thể toàn bộ đường hầm đang dõi theo mỗi bước chân của cô gái. Langdon và Kohler đi theo, bóng họ đổ dài phía sau. Đèn tự động tắt phụt đi ngay sau lưng họ.

- Máy gia tốc hạt này dẫn đến đâu? – Langdon khẽ hỏi?

- Đến kia, – Kohler chỉ về bên trái, nơi một đường ống mạ crôm bóng loáng chạy dọc theo bức tường trong đường hầm.

Langdon bối rối ước lượng đường ống.

- Đây là máy gia tốc?

Chẳng giống như anh tưởng tượng chút nào. Cỗ máy này thẳng tắp, đường kính khoảng 0,9 mét, chạy dọc chiếu dài đường hầm cho đến khi biến mất vào bóng tối. Giống y hệt một cái ống cống công nghệ cao, Langdon nghĩ.

- Tôi tưởng máy gia tốc hạt hình tròn.

- Máy gia tốc này hình tròn, – Kohler nói – Trông có vẻ thẳng đấy nhưng chỉ là ảo giác quang học. Chu vi của đường ống này lớn đến nỗi người ta không thể nhận ra đường cong của nó – giống như trái đất.

Langdon lặng người kinh ngạc. Cái này hình tròn?

- Nhưng… hẳn nó phải lớn khủng khiếp!

LHC là cỗ máy lớn nhất trên thế giới.

Langdon nhớ lại một chuyện. Người phi công của CERN từng nói về một cỗ máy khổng lồ chôn sâu dưới mặt đất. Nhưng…

- Nó có đường kính trên 8 km… và dài 27 km.

Đầu óc Langdon quay cuồng.

- 27 km? – Anh nhìn ông giám đốc rồi quay sang nhìn khoảng tối trước mặt. – Đường hầm này dài 27 km? Trên… 16 dặm!

Kohler gật đầu. – Một hình tròn hoàn hảo. Nó kéo dài đến tận nước Pháp rồi uốn cong trở lại đến điểm này. Các hạt được tăng tốc tối đa sẽ di chuyển vòng quanh đường ống mười ngàn lần một giây trước khi va đập.

Langdon trân trối nhìn đường hầm khổng lồ, hai chân anh như nhũn ra.

- Ý ông muốn nói rằng CERN đã đào hàng triệu tấn đất chỉ để nghiền nhỏ các hạt?

Kohler nhún vai:

- Để tìm ra chân lí thì có khi phải dời non lấp bể.


Cách trung tâm nghiên cứu hạt nhân của Uỷ ban châu Âu (CERN) hàng trăm cây số, một giọng nói rè rè vang lên từ máy bộ đàm.

- Được rồi, tôi đang ở lối vào.

Người nhân viên kỹ thuật ấn nút trên máy bộ đàm:

- Các anh hãy tìm chiếc camera số 86. Đáng ra nó phải ở góc cuối kia cơ.

Máy bộ đàm câm lặng hồi lâu. Người kỹ thuật viên bắt đầu vã mồ hôi. Cuối cùng thì nó cũng bắt đầu nhận tín hiệu.

- Không thấy máy quay ở đây, – giọng nói ban nãy cất lên. – Tôi nhìn thấy giá treo, nhưng máy thì bị tháo mất rồi.

Người kỹ thuật viên thở hắt ra nặng nề:

- Cám ơn. Chờ chút đã nhé!

Anh thở dài, nhường sự chú ý đến dãy màn hình trước mặt.

Phần lớn khu liên hợp được mở cửa công khai, và những chiếc camera không dây vẫn thỉnh thoảng biến mất, thường là do những kẻ nghịch ngợm ăn trộm về làm kỷ niệm. Nhưng ngay khi camera bị tháo ra khỏi thiết bị, tín hiệu bị mất vì màn hình trở nên trống trơn, song thật kỳ lạ, nhân viên kỹ thuật dán mắt vào thiết bị điều khiển, một hình ảnh trong suốt như pha lê vẫn được camera số 86 truyền về.

Nếu chiếc camera đã bị đánh cắp, anh băn khoăn, tại sao vẫn có tín hiệu nhỉ? Tất nhiên, chỉ còn một lời giải thích. Chiếc camera vẫn nằm trong tổ hợp và có người đã mang nó đặt ở một vị trí khác. Nhung ai mới được chứ? Và để làm gì?

Nghiên cứu màn hình hồi lâu, cuối cùng anh nhấc máy bộ đàm.

- Ở chân cầu thang còn có căn phòng nhỏ nào không? Một cái tủ hay hốc tường nào đó?

Giọng nói đáp lại vẻ hoang mang.

- Không. Sao vậy?

Người kỹ thuật viên nhíu mày:

- Không sao. Cám ơn sự giúp đỡ của anh! – Anh tắt máy bộ đàm, mím chặt môi.

Xem xét kích cỡ nhỏ bé của chiếc camera không dây, anh biết rằng hình ảnh ghi được ở camera số 86 có thể được chuyển về bất cứ chỗ nào trong phạm vi hệ thống được canh gác cẩn mật – một tổ hợp 32 toà nhà trong bán kính gần một cây số. Đầu mối duy nhất là dường như nó được đặt ở một góc tối. Dĩ nhiên, điều này chẳng giúp ích gì nhiều. Tồ hợp này có vô khối những chỗ tối – hộp kỹ thuật, ống dẫn nhiệt, kho chứa đồ, tủ đựng quần áo, thậm chí cả đường dẫn nước trong hầm ngầm. Phải mất hàng tuần mới xác định được vị trí của camera số 86.

Nhung đấy mới chỉ là vấn đề nhỏ nhất, anh nghĩ. Dù cho khâu xác định lại vị trí có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng trước mắt còn có một vấn đề khác trầm trọng hơn nhiều.

Người kỹ thuật viên chăm chú nhìn hình ảnh truyền về từ chiếc camera bị mất tích. Đó là một vật thể bất động, trông lạ hoắc.

Anh quan sát kỹ những ánh chớp nhấp nháy dưới đáy của nó. Dù đã được rèn luyện kỹ càng để đối phó với những tình huống căng thẳng, người lính gác vẫn thấy mạch đập thình thình.

Anh tự nhắc mình không được sợ hãi. Chắc chắn phải có ai giải thích cho sự việc này. Vật thể này trông rất bé nhỏ, chắc không thể gây ra nguy hiềm gì đáng kể. Thế nhưng, sự hiện hữu của nó trong tổ hợp này vẫn là mối rắc rối lớn.

Lại vào đúng ngay hôm nay cơ chứ, anh thầm nghĩ.

An ninh luôn được xem là ưu tiên hàng đầu đối với chỉ huy của anh. Và hôm nay, hơn bất cứ ngày nào khác trong suốt 12 năm qua, an ninh lại càng có tầm quan trọng đặc biệt. Người kỹ thuật viên quan sát vật thể trên màn hình hồi lâu, linh tính mách bảo anh rằng một cơn bão khủng khiếp đang hình thành.

Mồ hôi vã ra như tắm, anh quay số gọi cấp trên.


Hai cổ tay bị trói chặt của cô gái giờ đã sưng vù lên, tím bầm lại do bị cọ xát nhiều. Gã sát thủ có nước da sẫm màu đang nằm bên cạnh, sờ mó, chiêm ngưỡng phần thưởng đã bị lột trần truồng của mình. Hắn tự hỏi liệu có phải giấc ngủ của cô ta chỉ là một trò lừa gạt, một mánh khóe để khỏi phải phục vụ hắn thêm nữa hay không.

Hắn không cần biết. Hắn đã tận hưởng xong phần thưởng của mình. Sau khi cơn khát dục vọng được thoả mãn, kẻ giết người ngồi dậy.

Ở nước hắn, đàn bà chỉ là vật sở hữu. Yếu ớt. Là công cụ mua vui Là thứ đồ để mua bán chẳng khác gì gia súc. Và họ rất biết thân biết phận. Nhưng ở đây, trên đất châu Âu, đàn bà luôn làm ra bộ mạnh mẽ và độc lập cũng chính vì thế mà hắn thấy thích thú và phấn khích. Buộc họ phải phục tùng mình về thể xác là thứ khoái lạc mà hắn luôn thèm khát.

Sau khi ham muốn nhục dục được thoả mãn, tên sát thủ bắt đầu cảm nhận một dục vọng khác đang lớn dần lên trong hắn.

Đêm qua hắn đã giết người một cách dã man. Đối với hắn, giết chóc đã trở thành một loại ma tuý gây nghiện, mỗi phi vụ chỉ có thể nhất thời xoa dịu dục vọng ấy, để rồi sau đó nó càng trở nên thôi thúc hơn. Cảm giác đê mê khoái lạc tiêu tan. Cảm giác thèm thuồng muốn giết chóc quay trở lại.

Hắn quan sát kỹ cô gái đang nằm ngủ bên cạnh mình. Luồn tay quanh cổ cô, hắn biết chắc rằng chỉ cần một tích tắc cũng đủ để kết liễu mạng sống này. Nhưng nhỡ xảy ra hậu quả thì sao?

Cô ta chỉ là phường hạ đẳng, là thứ công cụ để mua vui. Những ngón tay mạnh mẽ của hắn vờn quanh cổ cô gái, áp vào động mạch, rồi cảm nhận từng nhịp đập nhẹ nhàng, đều đặn. Cố cưỡng lại bản năng giết chóc, hắn rụt tay lại. Còn có những việc khác cần phải làm. Sứ mệnh của hắn lúc này cao cả hơn khoái lạc gấp bội lần.

Bước ra khỏi giường, niềm vinh hạnh được tham gia vào sứ mạng sắp tới choán đầy tâm trí tên sát thủ. Hắn chưa thể đánh giá được hết ảnh hưởng của người đàn ông mang tên Janus và hội kín mà hắn mới được gia nhập. Thật tuyệt vời, hắn được chọn! Không hiểu bằng cách nào mà hội biết được mối thù trong lòng hắn, và cả khả năng của hắn. Hắn sẽ chẳng bao giờ hiểu được Hội có chân rết ở khắp mọi nơi.

Giờ đây niềm vinh hạnh tột đỉnh đó đã được ban cho hắn.

Hắn sẽ hành động, và thay mặt hội để phát ngôn. Hắn sẽ giết người, và truyền bá thông điệp của hội. Ở đất nước của hắn, những người như thế được gọi là Malk al-hag – Thần Chân lý.


Rất hiếm khi bọn trẻ nhớ được ngày đầu tiên chúng gặp cha, nhưng Vittoria thì luôn nhớ như in giây phút ấy. Lúc đó cô bé mới lên 8 tuổi. Không một lần được gặp cha mẹ mình, Vittoria là đứa trẻ bị bỏ rơi, và từ bé được nuôi dạy ở Orfanotrofio di Siena, một trại trẻ mồ côi của giáo hội Cơ đốc gần Florence. Hôm ấy trời mưa rả rích. Đã hai lần các xơ gọi đi ăn tối, nhưng cô bé cứ tảng lờ như không nghe thấy gì. Cô bé nằm ngoài sân, nhìn từng hạt mưa rơi, cảm nhận những giọt nước ấy đang quất vào người… và đoán xem hạt tiếp theo sẽ chạm vào chỗ nào trên cơ thể. Các xơ lại gọi lần một nữa, doạ rằng một đứa trẻ đã yếu ớt lại còn cứng đầu như cô bé thì chắc chắn sẽ bị viêm phổi, và sẽ chẳng còn cơ hội mà khám phá thiên nhiên.

Con có nghe thấy các xơ gọi đâu, Vittoria thầm nghĩ.

Khi cô bé đã ướt sũng thì một vị thầy tu trẻ tuổi tiến lại gần.

Vittoria chưa gặp ông bao giờ, một người hoàn toàn xa lạ. Vittoria tưởng con người xa lạ này sẽ túm cổ mình và lôi vào trong.

Nhưng không. Thay vào đó, cô bé ngạc nhiên thấy vị linh mục này cũng nằm xoài ra đất ngay cạnh mình, khiến cho tấm áo thầy tu mặc trên người ông cũng ướt sũng luôn.

- Các xơ nói rằng con rất hay vặn hỏi, – Ông lên tiếng.

Vittoria phản đối:

- Hỏi thì có gì là xấu?

Vị linh mục bật cười:

- Thế thì quả là các xơ nói đúng đấy.

- Cha tới đây làm gì vậy?

- Như con thôi… ta đang thắc mắc tại sao lại có mưa.

- Con không băn khoăn về điều đó! Con biết rồi!

Vị linh mục nhìn cô bé, vẻ ngạc nhiên:

- Con biết rồi ư?

- Xơ Francisca nói hạt mưa là những giọt nước mắt của các thiên thần rơi xuống để gột sạch tội lỗi của chúng ta.

- Ôi trời! – Vị thầy tu làm bộ kinh ngạc – Hoá ra là thế.

- Không phải đâu! – cô bé đáp ngay. – Mưa rơi vì tất cả mọi thứ đều rơi! Mọi thứ đều rơi! Không chỉ có mỗi mưa!

Vị linh mục gãi đầu, vẻ bối rối.

- Con biết không, cô bé, con nói đúng đấy. Mọi thứ đều rơi. Đó là do trọng lực.

- Đó là gì cơ”

- Ông lại nhìn cô bé ngạc nhiên. con chưa từng nghe nói đến trọng lực bao giờ à?

- Chưa ạ.

Vị linh mục buồn bã nhún vai.

- Tệ quá. Trọng lực là lời giải thích cho rất nhiều câu hỏi đấy.

Vittoria ngồi dậy.

- Trọng lực là gì ạ? Cha hãy nói cho con biết đi!

Vị linh mục nháy mắt:

- Câu hỏi này ta sẽ trà lời trong bữa tối.

Vị linh mục trẻ đó chính là Leonardo Vetra. Mặc dù đã từng giành giải thưởng khi còn học đại học, nhưng ông đã nghe theo một tiếng gọi khác và vào trường dòng. Leonardo và Vittoria đã trở thành người bạn vô cùng thân thiết trong thế giới cô đơn và tẻ nhạt của những tu sĩ và phép tắc. Vittoria khiến Leonardo phải bật cười, và ông giang tay che chở, rồi giảng giải cho cô bé những điều tuyệt vời như cầu vồng hay những dòng sông. Ông giảng giải cho cô về ánh sáng, về các hành tinh, các vì sao và các hiện tượng thiên nhiên theo quan điểm của cả Chúa trời lẫn khoa học. Trí thông minh thiên bẩm cộng với sự tò mò đã biến cô bé trở thành một học sinh tài năng. Leonardo bảo vệ Vittoria như thể cô bé chính là con gái của ông vậy.

Vittoria cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Cô bé chưa bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc có cha. Khác hẳn những người lớn khác, chỉ trả lời những câu hỏi của cô bé theo kiểu an ủi, cha Leonardo đã dành hàng giờ đồng hồ để mở sách cho cô xem. Thậm chí ông còn hỏi xem ý kiến của cô bé thế nào. Vittoria cầu mong sao cha Leonardo sẽ ở mãi bên mình. Thế rồi một ngày, cơn ác mộng kinh hoàng nhất đời cô bé đã xảy ra. Cha Leonardo nói ông sẽ rời xa trại trẻ mồ côi.

- Cha sắp đi Thuỵ Sĩ, – Leonardo nói – Cha giành được học bổng ngành vật lí tại trường đại học Geneva.

- Ngành vật lí? – Vittoria khóc – Con tưởng cha yêu Chúa cơ mà!

- Ta yêu Chúa chứ, rất yêu là đằng khác. Đó là lí do tại sao ta muốn nghiên cứu những quy luật thiêng liêng của Chúa. Các định luật vật lí chính là tấm vải toan mà Chúa trải ra để vẽ nên kiệt tác của Người.

Vittoria cảm thấy vô cùng đau khổ. Nhưng cha Leonardo còn có một thông tin khác nữa. Ông nói với Vittoria rằng ông đã xin phép bề trên nhận Vittoria làm con nuôi, và đã được chấp nhận.

- Con có muốn làm con nuôi của ta không? – Leonardo hỏi.

- Con nuôi là thế nào ạ? – Vittoria nói.

Nghe cha Leonardo giải thích, Vittoria ôm ghì lấy ông đến năm phút, những giọt nước mắt sung sướng lăn trên gò má.

- Ôi vâng! Vâng!

Leonardo dặn dò cô bé rằng ông phải đi vắng một thời gian để chuẩn bị nhà mới cho hai cha con ở Thuỵ Sĩ; nhưng ông hứa sau 6 tháng sẽ quay lại đón cô bé. Đó là khoảng thời gian chờ đợi dài nhất trong cuộc đời Vittoria. Leonardo đã giữ lời hứa. Năm hôm trước ngày sinh nhật lần thứ 9 của mình, Vittoria được đến Geneva. Ban ngày cô bé học tại trường Quốc tế Geneva, còn ban đêm thì được cha nuôi dạy dỗ.

Ba năm sau, Leonardo được nhận vào làm việc tại CERN.

Vittoria và Leonardo chuyển đến một nơi ở tuyệt vời, một nơi mà cô gái bé bỏng Vittoria chưa bao giờ dám mơ tới.

***

Sải bước trong đường hầm LHC, Vittoria thấy lòng tê tái. Nhìn bóng dáng câm lặng của mình phản chiếu trên tường, cô gái càng nhớ thương cha. Bình thường thì trong cô luôn có một cảm giác bình an và hài hoà với thế giới xung quanh. Nhưng giờ đây, tất thảy bỗng chốc bị đảo lộn. Ba tiếng đồng hồ vừa trôi qua như một giấc mơ.

Lúc đó là 10 giờ sáng trên quần đảo Balearic khi Vittoria nhận điện thoại của Kohler. “Cha cô đã bị sát hại. Về nhà ngay đi”. Trên boong tàu ngầm rất nóng nực, nhưng những lời nói đó khiến cô gái thấy lạnh đến tận xương sống. Cô đau đớn vì thông tin kinh hoàng ấy, và cũng vì cả giọng nói lạnh lùng vô cảm của Kohler.

Giờ thì Vittoria đã về đến nhà. Nhưng nhà là gì chứ? CERN, thế giới của cô từ năm 12 tuổi, đột nhiên trở nên xa lạ. Người cha thân yêu, người đã biến nơi này thành xứ sở thần tiên, giờ đây không còn nữa.

Hít thở sâu, cô gái tự nhủ, nhưng tâm trí vẫn chẳng dịu đi chút nào. Bao nhiêu câu hỏi cứ xoay đảo trong đầu. Ai giết cha? Và tại sao? Cái anh chàng “chuyên gia” người Mỹ này là ai? Tại sao Kohler lại khăng khăng đòi xem phòng thí nghiệm?

Kohler nói rằng có bằng chứng cho thấy vụ sát hại cha cô liên quan đến dự án đang tiến hành. Bằng chứng nào? Không ai biết chúng tôi đang làm gì! Cho dù có biết đi chăng nữa thì giết cha tôi để làm gì?

Sải bước dọc theo đường hầm LHC, xuống gần đến phòng thí nghiệm của cha, Vittoria nhận ra rằng mình sắp công bố thành tựu lớn nhất đời của cha, còn cha thì không thể có mặt ở đây được nữa. Trong trí tưởng tượng của Vittoria, khoảnh khắc này đáng ra phải hoàn toàn khác. Cô gái đã mường tượng cảnh cha mình mời những nhà khoa học hàng đầu của CERN đến phòng thí nghiệm, cho họ xem phát minh của hai cha con, và quan sát vẻ mặt kinh ngạc của họ. Rồi cha sẽ nở một nụ cười rạng rỡ, và ôn tồn giải thích rằng nhờ có ý tưởng của Vittoria nên cha đã có thể biến dự án thành này hiện thực… rằng con gái của cha là một phần không thể tách rời trong những phát minh mang tính đột phá này. Vittoria thấy cổ họng mình tắc nghẹn. Đáng ra mình phải được chia sẻ khoảnh khắc này với cha. Nhưng giờ đây chỉ có một mình Vittoria. Không đồng nghiệp. Không có những khuôn mặt rạng rỡ. Chỉ có một anh chàng người Mỹ xa lạ và Maximilian Kohler.

Maximilian Kohler.

Từ thuở bé, Vittoria đã không thích người đàn ông này. Dù sau này cô gái có ngưỡng mộ trí thông minh kiệt xuất của ông ta, thì lối cư xử vô tình và lạnh lẽo của Kohler vẫn luôn đối lập hoàn toàn với thái độ nồng hậu của cha cô. Kohler theo đuổi khoa học vì tính lôgíc thuần khiết của nó… còn cha cô lại vì những trăn trở tâm linh. Vậy mà kỳ lạ thay, hai người lại luôn luôn kính trọng nhau, dù không ai nói thành lời. Thiên tài, có người đã giải thích với cô, thường chấp nhận tài năng một cách vô điều kiện.

Thiên tài, cô thầm nghĩ. Cha… Cha đã mất rồi.

Lối vào phòng thí nghiệm của Leonardo Vetra là một hành lang dài được khử trùng, lát toàn đá trắng. Langdon cảm tưởng như đang bước vào một nhà thương điên dưới lòng đất. Nối giữa các hành lang là hàng chục bức ảnh đen trắng được đóng khung.

Dù nghề của Langdon là nghiên cứu hình ảnh, nhưng anh vẫn thấy những bức ảnh này cực kỳ lạ lẫm, trông như những đoạn phim âm bản lộn xộn ngổn ngang những hình xoáy và kẻ sọc ngẫu nhiên. Nghệ thuật hiện đại? Anh đăm chiêu. Liều thuốc kích thích của Jackson Pollockl?

- Gieo hạt trên những khoảnh đất, – Vittoria nói, rõ ràng là đã nhận thấy mối bận tâm của Langdon. – Máy tính thể hiện sự va đập của các hạt. Đó là các hạt Z – Vittoria chỉ vào một vệt mờ hầu như rất khó nhận ra trong mớ hỗn độn đó. – Cha tôi phát hiện ra nó 5 năm trước đây. Năng lượng thuần tuý – hoàn toàn không trọng lượng. Có lẽ nó là khối vật chất tự tạo nhỏ nhất trong tự nhiên. Vật chất không trọng lượng, nhưng lưu giữ năng lượng..

Vật chất là năng lượng? Langdon ngẩng đầu lên. Nghe hơi giống Thiền. Anh nhìn kỹ vào vệt sọc nhỏ bé trong bức ảnh và băn khoăn không biết mấy ông bạn thân của mình ở khoa vật lí tại Trường đại học Harvard sẽ nói gì khi nghe anh kể lại rằng ông bạn của họ đã có hàng tuần tha thẩn trong một cỗ máy gia tốc hạt (LHC) để chiêm ngưỡng các hạt Z.

- Vittoria, – Kohler lên tiếng khi họ tiến gần đến cánh cửa thép lớn của phòng thí nghiệm:

- Tôi nên nói cho cô biết rằng sáng nay tôi đã xuống đây tìm cha cô.

Vittoria hơi đỏ mặt.

- Ông ư?

- Đúng. Và hãy tưởng tượng tôi ngạc nhiên thế nào khi phát hiện ra rằng ông ấy đã thay thế phím an ninh chuẩn của CERN bằng một thứ khác. – Kohler chỉ tay vào một thiết bị điện tử phức tạp được treo bên cạnh cửa.

- Tôi xin lỗi, – cô nói – Ông biết đấy, cha tôi có ý định giữ bí mật. Ông ấy không muốn ai ngoài hai chúng tôi có thể tiếp cận phòng thí nghiệm.

Kohler nói:

- Được rồi. Mở cửa ra đi.

Vittoria đứng một lúc lâu. Rồi hít một hơi dài, cô bước đến cái máy trên tường.

Langdon không hề đoán được điều gì sắp xảy ra.

Vittoria bước lên gần thiết bị và cẩn thận hướng mắt phải tới ống kính nhô ra như kính viễn vọng. Rồi cô ấn nút. Trong máy phát ra tiếng lách cách nhẹ. Một luồng sáng lia vòng quanh để quét hình hình nhãn cầu, tựa như máy photocopy.

- Đây là máy quét võng mạc. – Cô nói – An toàn và chính xác. Nó chỉ chấp nhận hai cầu hình võng mạc thôi. Của tôi và cha tôi!

Robert Langdon đứng đó, vẻ thảng thốt. Hình ảnh Leonardo Vetra trở lại trong tâm trí với từng chi tiết rùng rợn: khuôn mặt đầy máu, ánh mắt màu lam nhạt đơn độc trợn trừng, còn hốc mắt bên kia thì trống trơn. Anh cố quên đi hình ảnh ấy, nhưng nó cứ hiện lên… phía dưới máy quét, trên nền đá lát màu trắng… những giọt máu đỏ mờ mờ. Máu đã khô.

Ơn trời, Vittoria không để ý thấy.

Cánh cửa thép mở ra, và cô gái bước vào.

Kohler chặn Langdon bằng ánh mắt sắc lạnh. Thông điệp của ông ta rất rõ ràng: Như tôi đã nói… con mắt bị mất dùng cho một mục đích cao hơn.

Chú thích:

(1) Jackson Pollock: Một nghệ sĩ người Mỹ (1912-1956), đứng đầu trường phái ấn tượng, dùng phong cách “nghệ thuật hành động”. Ông thường dùng sơn vẩy lên tấm vải lớn để tạo những bức tranh


Phòng thí nghiệm của Vetra trông hệt như một cảnh trong phim viễn tưởng.

Toàn bộ hệ thống máy tính và các thiết bị điện tử chuyên biệt đều cùng một màu trắng ảm đạm, chẳng khác gì phòng mổ trong bệnh viện. Langdon băn khoăn không hiểu bí mật được lưu giữ ở nơi này ghê gớm đến mức nào mà người ta phải nhẫn tâm móc mắt người khác để vào bằng được.

Cùng họ bước vào phòng, Kohler có vẻ không được thoải mái. Ông ta đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt, như thể muốn tìm dấu vết của kẻ đã đột nhập vào đây. Nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy người nào. Vittoria bước từng bước chậm chạp… như thể căn phòng này đã trờ nên vô cùng xa lạ từ khi cha cô không còn trên cõi đời này nữa.

ASnh mắt Langdon lập tức đúng lại giữa phòng. Anh thấy một dãy cột nhô lên trên sàn, giống như phiên bản của những phiến đá Stonehenge, khoảng một chục cây cột bằng thép bóng loáng xếp thành hình vòng tròn chính giữa phòng. Những cây cột này cao khoảng gần 1 mét, gợi nhớ tới một bảo tàng trưng bày đá quý nào đó. Nhưng không hề có đá quý. Trên mỗi cột là một hộp nhỏ, đầy dặn, trong suốt, to bằng hộp bóng tennis. Tất cả những cái hộp này hình như đều trống không.

Kohler bối rối đưa mắt nhìn những hộp nhỏ ấy. Nhưng rõ ràng là ông ta chưa muốn đả động đến chúng ngay lúc này. Ông giám đốc quay sang hỏi Vittoria:

- Có mất cái gì không?

- Mất cái gì? Làm sao mà mất được? – Cô phản đối – Máy quét võng mạc chỉ cho phép hai cha con tôi vào được thôi.

- Quan sát kỹ đi đã.

Vittoria thở dài và tìm kiếm xung quanh phòng một lúc. Cô nhún vai. – Mọi thứ vẫn như cha tôi sắp xếp. Hỗn độn một cách có trật tự.

Langdon nhận thấy Kohler đang cân nhắc điều gì đó, có lẽ ông ta đang nghĩ xem có nên ép Vittoria hay không… và nên để cho cô gái biết bao nhiêu phần sự thật. Rõ ràng là ông ta không muốn chờ đợi lâu hơn nữa. Điều khiển cho xe lăn di chuyển ra giữa phòng, Kohler chăm chú quan sát những cái hộp.

Cuối cùng ông ta lên tiếng:

- Bí mật là một thứ xa xỉ đối với chúng ta trong hoàn cảnh này.

Vittoria gật đầu đồng tình. Bất chợt cô gái có vẻ xúc động, có lẽ những kỷ niệm về người cha đang ùa về trong tâm trí.

Cho cô ấy thêm một phút nữa đi, Langdon nghĩ.

Như thể muốn chuẩn bị tinh thần để nói ra những điều vô cùng quan trọng, Vittoria nhắm nghiền mắt lại, hít thở sâu. Thở ra, hít vào, lặp đi lặp lại…

Theo dõi từng biểu hiện của cô gái, Langdon bỗng thấy lo lắng. Vittoria có làm sao không? Anh quay sang nhìn Kohler. Ông ta vẫn hoàn toàn bình thản, rõ ràng đã quá quen với những cảnh này. Mười giây trôi qua, Vittoria mở mắt.

Langdon không ngờ cô gái lại có thể thay đổi nhanh đến thế.

Vittoria đã hoàn toàn khác hẳn. Đôi môi không còn mím chặt nữa, vai rũ hẳn xuống, ánh mắt yếu đuối đầy vẻ cam chịu. Như thể cô gái đã sắp xếp lại toàn bộ hệ cơ trong thân thể mình để thích nghi với tình thế bất ngờ này. Vẻ căm hờn vì đau khổ đã được thay thế bằng dáng vẻ điềm nhiên tự tại.

- Tôi nên bắt đầu từ đâu nhỉ… – cô lên tiếng, giọng điềm tĩnh.

- Từ đầu đi, – Kohler nói – Hãy cho chúng tôi biết về thí nghiệm của cha cô.

- Dùng khoa học để chứng minh tôn giáo là giấc mơ cả đời của cha tôi, – Vittoria nói – Cha tôi hy vọng có thể chứng minh được rằng tôn giáo và khoa học là hai lĩnh vực rất tương đồng – hai cách thức tuy khác nhau, nhưng đều dẫn đến cùng một chân lý.

Vittoria dừng lại một lúc, như thể không tin vào những gì mình sắp nói ra.

- Và gần đây, ông ấy đã tìm ra cách để chứng minh điều đó.

Kohler không nói gì.

- Cha tôi đã làm một thí nghiệm, một thí nghiệm chắc chắn sẽ gây ra những xung đột gay gắt chưa từng thấy trong lịch sứ khoa học và tôn giáo.

Langdon băn khoăn không hiểu Vittoria muốn nhắc tới xung đột gì. Trong suốt quá trình lịch sử, người ta đã tranh cãi quá nhiều.

- Liên quan tới thuyết nói rằng Chúa đã tạo ra thế giới, – Vittoria tuyên bố. – Những tranh cãi về sự hình thành của vũ trụ.

Ôi, Langdon thầm nghĩ. Cuộc tranh cãi này.

- Theo kinh thánh thì dĩ nhiên vũ trụ là do Chúa tạo ra, – cô gái giải thích. – Chúa nói phải có ánh sáng, – và thế là từ một khoảng không vĩ đại, mọi thứ hiện ra. Thật không may, một trong những định luật vật lí cơ bản lại cho rằng vật chất không thể tự nhiên sinh ra.

Langdon đã từng nghe nói về chuyện này. Ý tưởng cho rằng Chúa tạo ra “mọi thứ từ hư vô” hoàn toàn đối lập với những định luật vật lí hiện đại đã được công nhận. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng học thuyết Chúa sáng tạo ra thế giới là hoàn toàn lố bịch về mặt khoa học.

- Ông Langdon, – Vittoria quay sang anh – Ông đang nghĩ đến thuyết Big Bang phải không?

Langdon nhún vai:

- Đại loại như vậy.

- Anh biết rằng Big Bang hiện là học thuyết được đông đảo các nhà khoa học chấp nhận về sự hình thành nên vũ trụ. Nhận thức của anh cũng không được sâu sắc lắm, nhưng theo thuyết này thì một khối vật chất ban đầu chứa đựng một nguồn năng lượng cực lớn đã nổ tung, các mành nhỏ của nó văng ra khắp mọi hướng, tạo thành vũ trụ ngày nay.

- Đại thể là thế.

Vittoria nói tiếp:

- Khi Giáo hội Thiên Chúa giáo lần đầu tiên đưa ra học thuyết Big Bang vào năm 1927 thì…

- Cái gì cơ? – Không thể tự kiềm chế, Langdon ngắt lời cô gái – Cô nói thuyết Big Bang là ý tưởng của Giáo hội?

Câu hỏi của anh khiến Vittoria ngạc nhiên.

- Đương nhiên. Một tu sĩ Thiên Chúa giáo tên là Georges Lemaltre đã đưa ra giả thuyết này năm 1927.

- Tôi tưởng là…, – Anh ngập ngừng – Chẳng lẽ thuyết Big Bang không phải do Edwin Hubble, nhà thiên văn học của Harvard đề xuất sao?

Kohler trừng mắt:

- Lại nữa rồi, sự ngạo mạn của giới khoa học Mỹ. Hubble công bố năm 1929, hai năm sau Lemaltre.

Langdon trừng mắt.

- Người ta gọi là kính viễn vọng Hubble, thưa ngài – Tôi chưa bao giờ nghe nói đến kính viễn vọng Lemaltre!

- Ông Kohler nói đúng đấy, – Vittoria lên tiếng:

- Ý tưởng đó thuộc về Lemaltre. Hubble chỉ khẳng định lại điều đó bằng cách thu thập bằng chứng để chứng minh rằng vụ nổ Big Bang là có căn cứ khoa học.

- Ồ, – Langdon thốt lên, băn khoăn không hiểu những kẻ vốn ngưỡng mộ Hubble đến mức mê cuồng ở khoa thiên văn của trường Harvard đã bao giờ đề cập đến Lemaltre trong các bài giảng của họ hay chưa.

- Lần đầu tiên khi Lemaltre đưa ra thuyết Big Bang, – Vittoria nói tiếp, – Các nhà khoa học cho rằng học thuyết này hoàn toàn lố bịch. Họ nói vật chất không thể được tạo ra từ con số không. Vì vậy khi Hubble làm chấn động cả thế giới bằng cách cung cấp những bằng chứng khoa học để chứng minh Big Bang, nhà thờ tuyên bố thắng cuộc và cho đây là một minh chứng cho rằng Kinh thánh chính xác về mặt khoa học. Là chân lí thần thánh.

Langdon gật đầu, chăm chú lắng nghe.

Lẽ dĩ nhiên là các nhà khoa học không hưởng ứng việc giáo hội sử dụng các phát minh khoa học để truyền bá tôn giáo, vì vậy họ ngay lập tức toán học hoá học thuyết Big Bang, gỡ bỏ những gì dính đến tôn giáo, và tuyên bố rằng phát minh này là của họ. Thật không may cho khoa học cho đến tận ngày nay, những phương trình của họ vẫn còn một thiếu sót lớn mà giáo hội muốn chỉ ra.

Kohler lầu bầu:

Đơn thức, – Ông ta nhấn mạnh từng chữ như thể sự tồn tại của mình sắp sụp đổ.

- Vâng, đơn thức, – Vittoria nói – Khoảnh khắc chính xác của tạo hoá. Điểm khởi đầu của thời gian. – Cô gái nhìn Langdon. – Thậm chí ngày nay khoa học vẫn chưa thể nắm bắt được thời điểm khởi đầu của sự hình thành vũ trụ. Các phương trình của chúng ta giải thích thời kì sơ khai của vũ trụ rất tốt, nhưng khi ta lùi thời gian lại tiến đến điểm số không thì các tính toàn lại không thống nhất, và mọi thứ dường như trở nên vô nghĩa.

- Rất đúng, – Kohler nói, giọng bực bội, – Và nhà thờ đã coi khiếm khuyết này là bằng chứng của sự tham gia màu nhiệm của Chúa. Bây giờ cô hãy nói vào vấn đề đi.

Giọng Vittoria bỗng trở nên xa xăm:

- Vấn đề là ở chỗ cha tôi vẫn luôn tin rằng có sự tham gia của Chúa vào vụ nổ Big Bang. Mặc dù giờ dây khoa học vẫn chưa thể nào lý giải được khoảnh khắc kỳ diệu của tạo hoá, nhưng ông ấy vẫn tin rằng một ngày nào đó khoa học sẽ làm được điều đó. – Cô buồn bã chỉ vào những tờ ghi nhớ dán khắp nơi trong khu vực làm việc của cha mình. – Cha tôi thường giơ những tờ giấy này ra trước mặt tôi mỗi khi tôi tỏ ra hoài nghi.

Langdon đọc dòng chữ in trên tờ giấy:

KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO KHÔNG HỀ XUNG ĐỘT NHAU.

ĐƠN GIẢN LÀ KHOA HỌC CÒN QUÁ NON TRẺ NÊN CHƯA LÝ GIẢI ĐƯỢC TẤT CẢ.

- Cha tôi muốn nâng khoa học lên một tầm cao mới, để khoa học chứng minh được sự tồn tại của Chúa – Vittoria nói và buồn bã vuốt mái tóc dài của mình. – Và cha tôi đã bắt tay tiến hành một việc mà chưa nhà khoa học nào nghĩ tới. Điều mà chưa ai đủ sức mạnh về công nghệ để tiến hành. – Cô gái ngừng lại, như thể chưa chọn được những ngôn từ thích hợp. – Ông đã tiến hành một thí nghiệm để chứng minh rằng thuyết Chúa sáng tạo ra vạn vật là chính xác.

Chứng minh rằng Chúa sáng tạo ra thế giới? – Langdon băn khoăn. Phải có ánh sáng? Vật chất hình thành từ hư vô?

Đôi mắt lạnh lẽo của Kohler lia một lượt khắp gian phòng.

- Cô vừa nói cái gì?

- Cha tôi tạo một vũ trụ… từ con số không.

Kohler ngẩng phắt lên:

- Cái gì?

- Nói một cách chính xác thì ông ấy đã tái tạo vụ nổ Big Bang.

Kohler trông như thể sắp nhảy dựng lên.

Langdon hoàn toàn rối trí. Tạo ra một vũ trụ? Mô phỏng vụ nổ Big Bang?

- Đương nhiên, đây là sự mô phỏng trên quy mô nhỏ hơn.

Những lời nói của Vittoria mỗi lúc một trở nên gấp gáp:

- Quá trình này cực kỳ đơn giản. Cha tôi tăng tốc độ của hai hạt siêu mỏng từ hai hướng đối lập nhau trong ống gia tốc. Hai hạt này va đập ở vận tốc cực lớn, đâm xuyên vào nhau và nén toàn bộ năng lượng của chúng vào một điểm đơn nhất. Cha tôi đã tạo ra được tỷ trọng năng lượng cực đại.

Cô gái bắt đầu dùng đến hàng loạt thuật ngữ chuyên ngành, còn ông giám đốc thì tròn mắt kinh ngạc.

Langdon cố hiểu những điều cô gái nói. Vậy là Leonardo Vetra đang mô phỏng điểm năng lượng nén đã sinh ra vũ trụ ngày nay.

- Kết quả cực kỳ hấp dẫn. – Vittoria nói – Khi được công bố, thí nghiệm này sẽ làm rung chuyển toàn bộ ngành vật lý đương đại.

Cô gái nói chậm lại, như thể muốn tăng trọng lượng cho câu nói tiếp theo:

- Không hề sắp đặt trước, trong mỗi ống gia tốc, từ điểm tập trung năng lượng cực lớn này, các hạt vật chất xuất hiện từ hư không.

Kohler ngồi im như trời trống, hai mắt nhìn trân trối.

- Vật chất, – Vittoria lặp lại, – được sinh ra từ hư không. Một cuộc trưng bày pháo hoa ngoạn mục của các hạt nhỏ hơn nguyên tử. Một mô hình vũ trụ đang hình thành. Ông ấy muốn chứng minh không chỉ vật chất được tạo ra từ hư không mà cả vụ nổ Big Bang lẫn sự kiện Chúa sáng tạo thế giới có thể được giải thích đơn giản bầng cách chấp nhận sự hiện diện của một nguồn năng lượng khổng lồ.

- Ý cô là Chúa? – Kohler hỏi.

- Chúa Trời, Đức Phật, Đấng Tối Linh, Thánh Yahweh (Vị thánh của người Do Thái), đơn thức, điểm đơn nhất – bất cứ cái tên nào cũng được – kết quả vẫn là thế. Cả tôn giáo lẫn khoa học cùng tôn sùng một chân lí – năng lượng thuần tuý chính là cha đẻ của tạo hoá.

Cuối cùng thì Kohler cũng lên tiếng, giọng yếu ớt:

- Vittoria, tôi vẫn chưa hiểu. Hình như cô vừa nói rằng cha cô tạo ra vật chất… từ hư không?

- Vâng. – Vittoria chỉ về phía những chiếc hộp – Và đây là bằng chứng. Trong những chiếc hộp này là mẫu các vật chất mà cha tôi tạo ra.

Miệng húng hắng ho, Kohler tiến lại gần những chiếc hộp như một con thú đang thận trọng lượn quanh những thứ mà bản năng của nó mách bảo rằng có vấn đế.

- Có một điều tôi vẫn chưa hiểu. – Ông ta nói tiếp – Làm sao mọi người có thể tin được rằng những cái hộp này chứa các hạt vật chất mà cha cô thực sự tạo ra? Chúng có thể là những hạt lấy được từ bất cứ chỗ nào.

- Chắc chắn họ sẽ phải tin. – Vittoria nói bằng giọng tự tin. – Đây là những hạt độc nhất vô nhị. Chúng là một dạng vật chất chưa từng tồn tại ở bất cứ nơi nào trên trái đất… do đó chúng chỉ có thể được tạo ra.

Kohler càng tỏ ra hoài nghi:

- Vittoria, cô nói đến một dạng vật chất nhất định nghĩa là sao? Chỉ có một dạng vật chất duy nhất, và Kohler đột ngột ngừng bặt.

Giọng Vittoria đầy đắc thắng:

- Ông chẳng vừa tự nói ra đó sao, thưa giám đốc. Vũ trụ bao gồm hai loại vật chất. Sự thật khoa học đấy. – Vittoria quay sang Langdon – Ông Langdon, Kinh thánh nói thế nào về sự sáng tạo nhỉ? Chúa tạo ra gì?

Langdon cảm thấy ngượng, không hiểu tại sao cô gái lại hỏi mình điều đó.

- Ừm, Chúa tạo ra… ánh sáng và bóng đêm, thiên đường và địa ngục…

- Chính xác, – Vittoria nói – Người tạo ra vạn vật theo cặp đối lập Rất đối xứng và cực kỳ cân bằng. – Cô quay sang Kohler – Thưa giám đốc, khoa học cũng khẳng định như vậy, rằng vụ nổ Big Bang tạo ra vạn vật trong vũ trụ theo những cặp đối lập.

- Kể cả chính vật chất, – Kohler thì thầm, như thể đang tự nói với mình.

Vittoria gật đầu.

- Và trong thí nghiệm của cha tôi, quả thực là hai loại vật chất đã hình thành.

Langdon băn khoăn không hiểu. Leonardo Vetra tạo ra cái đối lập với vật chất?

Kohler có vẻ giận dữ:

- Thứ vật chất mà cô đề cập đến chỉ tồn tại đâu đó trong vũ trụ. Chắc chắn không ở trên trái đất, thậm chí không hiện diện trong thiên hà của chúng ta.

- Chính xác, – Vittoria đáp, – Điều đó là bằng chứng cho thấy những hạt trong hộp này là nhân tạo.

Mặt Kohler khó đăm đăm:

- Vittoria, cô có chắc những hộp này chứa mẫu thật không?

- Chắc chứ. – Cô tự hào nhìn những chiếc hộp – Trước mắt giám đốc là những mẫu phản vật chất đầu tiên trên thế giới.


Giai đoạn hai đây, tên sát thủ nghĩ thầm trong khi sải bước vào đoạn đường hầm tối om.

Ngọn đuốc hắn đang cầm trong tay sẽ trở nên vô cùng lợi hại.

Hắn biết điều đó. Phải thế mới được việc. Hiệu quả chính là điều quan trọng nhất. Tên sát thủ biết. rằng nỗi sợ hãi luôn là đồng minh cửa hắn. Cảm giác sợ hãi lan nhanh hơn bất cứ loại vũ khí nào khác.

Trong đường hầm không có tấm gương nào để tên sát thủ tự chiêm ngưỡng tài hoá trang của hắn, nhưng nhìn vào bóng chiếc áo thầy tu trải dài trên lối đi, hắn biết rằng khâu hoá trang của hắn vô cùng hoàn hảo. Đóng giả là một phần trong kế hoạch… một phần của điệp vụ. Tên sát thủ chưa bao giờ dám mơ đến một niềm vinh hạnh nhường này, kể cả trong những giấc mơ điên khùng nhất.

Hai tuần trước đây, hắn đã cho rằng nhiệm vụ mà hắn sắp thực hiện ở đầu kia của đường hầm là không khả thi. Làm thế chẳng khác nào tự sát. Tay không dẫn xác vào hang hùm. Nhưng Janus đã làm thay đổi định nghĩa của cụm từ bất khả thi.

Chỉ trong vòng hai tuần vừa rồi, Janus đã tiết lộ với tên sát thủ không biết bao nhiêu điều bí mật… đường hầm này chỉ là một trong số ấy. Quả là cũ kỹ, nhưng vẫn còn tốt.

Cần đến sào huyệt của kẻ thù, kẻ giết người băn khoăn không hiểu mọi sự có suôn sẻ và dễ dàng đúng như lời hứa của Janus hay không. Janus đã nói chắc như đinh đóng cột rằng một nội gián trong toà thánh đã sắp xếp hết mọi thứ cần thiết. Có kẻ nội gián bên trong. Thật không tin nổi. Càng nghĩ, hắn càng thấy chuyện này giống hệt trò trẻ con.

Wahad… tintain… thalatha… arabaa, hắn tự nhủ bằng tiếng Ả-rập khi tiến gần đến cuối đường hầm. Một… hai… ba… bốn…


- Hình như ông đã từng nghe nói đến phản vật chất, phải thế không ông Langdon? – Vittoria đang nhìn anh chăm chú. Nước da màu nâu sẫm của cô gái tạo nên một sự lương phản đầy ấn tượng với màu trắng của phòng thí nghiệm.

Langdon ngước mắt lên. Đội nhiên anh trở nên ấp úng:

- À… Ừm… đại loại như thế.

Cô gái thoáng mỉm cười:

- Tức là anh đã xem bộ phim Star Trek.

Langdon đỏ mặt:

- Ừ…, tại lũ sinh viên của tôi thích… – Anh nhíu mày – Không phải phản vật chất là thứ cung cấp nhiên liệu cho U.S.S Enterprise đấy chứ?

Cô gật đầu.

- Khoa học viễn tưởng thường bắt nguồn từ khoa học chính thống.

- Vậy phản vật chất là có thật?

- Chân lí của tự nhiên. Mọi thứ đều tồn lại song song với một thứ đối lập với nó. Có hạt proton thì phải có electron. Có hạt quark trên tất phải có hạt quark dưới. Có sự đối xứng trong vũ trụ ở mức độ tiểu nguyên tử. Phản vật chất là âm so với vật chất là dương. Nó cân bằng phương trình vật lí.

Langdon nghĩ đến quan điểm đối ngẫu của Galileo.

- Từ năm 1918, các nhà khoa học biết rằng, – Vittoria nói, – hai loại vật chất được tạo ra trong vụ nổ Big Bang. Loại vật chất thứ nhất ta thấy hiện diện trên trái đất, tạo thành núi đá, cây cối, con người. Loại vật chất kia ngược lại với loại thứ nhất – giống nhau mọi khía cạnh trừ điện tích trái dấu.

Kohler nói như thể vừa tỉnh cơn mộng. Giọng nói của ông ta đột nhiên mất hẳn tự tin:

- Nhưng có những rào cản kỹ thuật thực sự lớn đối với khâu lưu giữ phản vật chất. Thế còn chất trung lập thì sao?

- Cha tôi đã xây dựng một ống chân không phân cực đảo chiều để kéo các pozitron của phản vật chất ra khỏi máy gia tốc trước khi chúng bị phân huỷ.

Kohler giận dữ.

- Nhưng một ống chân không cũng sẽ kéo các vật chất ra ngoài. Sẽ không thể tách các hạt ra được.

- Cha tôi sử dụng từ trường. Vật chất tạo thành cung lửa điện ở bên phải, còn phản vật chất tạo ra cung lửa điện ở bên trái. Chúng ở hai cực đối nhau.

Đến lúc này, những nghi ngờ của Kohler dường như đã bị đập tan. Ông ta ngước nhìn Vittoria với vẻ ngạc nhiên tột độ, rồi đột nhiên ho rũ rượi:

- Thật… không…tin nổi… – Ông ta nói, tay quệt ngang miệng, – Nếu… – Dường như lối lập luận lôgíc vẫn chưa hoàn toàn bị chinh phục – Nhưng dù cho ống chân không có làm được điều đó đi nữa thì vẫn phải dùng đến vật chất để tạo ra những chiếc hộp này. Phản vật chất không thể được lưu trữ trong những chiếc hộp bằng vật chất. Phản vật chất sẽ ngay lập tức phản ứng với…

- Mẫu vật này không chạm vào thành hộp. – Vittoria nói, rõ ràng đã đoán trước câu hỏi. – Phản vật chất bị treo lơ lửng. Hai cha con tôi gọi những cái hộp này là “bẫy phản vật chất”, bởi chúng giữ cho phản vật chất lơ lửng ở giữa, ở một cự ly an toàn so với các thành hộp và đáy hộp.

- Treo lơ lửng? Nhưng… làm thế nào?

- Giữa hai từ trường đan xen vào nhau. Đây, ông nhìn đi.

Vittoria bước qua căn phòng và lấy một bộ dụng cụ điện tử lớn. Chiếc máy kỳ lạ đó khiến Langdon nhớ đến một loại súng bắn tia chùm nào đó trong các phim hoạt hình – một nòng súng kiểu canon có ống ngắm trên đầu và một mớ dây điện loằng ngoằng phía dưới. Vittoria hướng ống ngắm vào một trong những chiếc hộp, ghé mắt vào ống kính và kiểm tra vài nút vặn. Rồi cô lùi lại đưa cho Kohler xem.

Kohler bối rối.

- Cô thu thập được cả lượng hữu hình?

- 5000 nanogram, – Vittoria nói – Một lượng plasma lỏng chứa hàng triệu pozitron(1).

Hàng triệu? Nhưng người ta chỉ phát hiện tất cả có vài hạt ở… khắp nơi.

- Chất xenon. – Vittoria bình thản nói – Cha tôi đã tăng tốc các tia hạt xuyên qua một tia xenon, tách bỏ các hạt electron. Cha tôi muốn giữ bí mật quy trình này, nhưng nó liên quan đến việc đồng thời bơm thêm các hạt electron thô vào máy gia tốc.

Langdon chẳng hiểu gì, anh tự hỏi không biết có đúng là hai người này vẫn đang nói chuyện bằng tiếng Anh hay không.

Kohler dừng lại, nhíu mày, rồi đột nhiên thở hắt ra. Ông ta bất thần sụp xuống như thể vừa bị trúng đạn.

- Xét về kỹ thuật, điều này sẽ để lại…

Vittoria gật đầu.

- Đúng thế. Rất nhiều là đằng khác.

Kohler quay lại nhìn chiếc hộp trước mặt với vẻ hoài nghi. Ông nhấc người khỏi xe lăn, đưa ống nhòm lên gần mắt rồi ghé nhìn vào bên trong. Kohler im lặng chăm chú quan sát hồi lâu. Cuối cùng ông ta cũng ngồi xuống, mồ hôi vã ra, những nếp nhăn trên trán giãn hết ra, ông giám đốc gần như thì thào:

- Chúa ơi cô thực sự đã làm được điều đó?

Vittoria gật đầu:

- Cha tôi đã làm được điều đó.

- Tôi… tôi không biết phải nói gì.

Vittoria quay sang Langdon:

- Ông có muốn xem không? – Cô chỉ tay về phía thiết bị quan sát.

Không biết chắc điều gì đang chờ mình, nhưng Langdon vẫn bước về phía trước. Cách anh khoảng nửa mét, chiếc hộp dường như trống rỗng. Dù có bất cứ thứ gì ở bên trong thì chắc chắn cũng phải có kích thước vô cùng nhỏ bé. Langdon ghé mắt nhìn vào ống nhòm. Phải mất một lúc anh mới xác định được hình ảnh trước mắt mình.

Và anh đã nhận ra.

Vật thể đó không nằm dưới đáy hộp như anh tưởng, nó trôi bống bềnh ở giữa – một giọt trông giống hệt như thuỷ ngân đang lấp lánh. Như thể có phép màu, chất lỏng đó bay lượn, nhào lộn trong không trung. Những giọt sóng kim loại gợn lăn tăn trên bề mặt của nó. Thứ chất lỏng treo lơ lửng này làm Langdon nhớ đến một bộ phim anh đã từng xem về một giọt nước trong zero. Mặc dù biết giọt chất đó cực nhỏ, anh vẫn có thể nhìn thấy từng khe nhỏ đang chuyển động và dập dờn như quả cầu plasma chầm chậm cuộn mình trong không trung.

- Nó đang… bập bềnh, – anh nói.

- Tốt nhất là nên như vậy, – Vittoria đáp. – Phản vật chất cực kỳ không ổn định. Xét về mặt năng lượng, phản vật chất là hình ảnh phản chiếu của vật chất, vì vậy chúng sẽ ngay lập tức huỷ diệt lẫn nhau nếu tiếp xúc với nhau. Tất nhiên, giữ cho phản vật chất tách biệt khỏi vật chất là một thách thức lớn, vì mọi thứ trên trái đất này đều làm bằng vật chất. Những mẫu này phải được cất giữ ở những nơi nó không bao giờ được chạm vào bất cứ cái gì – kể cả không khí.

Langdon kinh ngạc. Trong môi trường chân không ư?

Những cái bẫy phản vật chất này…, – Kohler đột ngột ngắt lời, mặt đầy vẻ ngạc nhiên khi ông ta lướt ngón tay xanh xao của mình quanh đế hộp – đều do cha cô thiết kế à?

- Sự thật thì chúng do tôi thiết kế, cô gái đáp.

Kohler ngước nhìn lên.

Giọng nói của Vittoria vẻ đầy khiêm tốn:

- Cha tôi tạo ra những hạt phản vật chất đầu tiên nhưng lại lúng túng không biết nên lưu giữ chúng thế nào. Tôi đã nảy ra ý tưởng về những cái hộp này. Những vỏ hộp bằng công nghệ nano tổng hợp kín khí với các nam châm điện ngược chiều ở hai đầu.

- Có lẽ tài năng của cô vượt trội hơn ông ấy rồi đấy.

- Không hẳn đâu. Tôi lấy ý tưởng này từ thiên nhiên. Những con sứa Bồ Đào Nha thường bẫy cá giữa các xúc tu của chúng, dùng tế bào điện châm. Tôi cũng dùng nguyên tắc tương tự. Mỗi hộp có hai nam châm điện, mỗi đầu một cái. Từ trường ngược chiều nhau đan xen ở giữa và giữ các phàn vật chất lơ lửng giữa chân không.

Langdon nhìn lại chiếc hộp. Phản vật chất đang trôi bồng bềnh trong chân không, không chạm vào bất cứ thứ gì. Kohler nói đúng. Quả là thiên tài.

- Thế còn nguồn năng lượng cho những nam châm thì lấy ở đâu? – Kohler thắc mắc.

Vittoria chỉ tay:

- Trong cột, dưới cái bẫy. Những cái hộp này được bắt vít vào một chân đế liên tục nạp điện, cho nên nguồn năng lượng cho những thỏi nam châm này không bao giờ cạn.

- Còn nếu như năng lượng cạn kiệt thì sao?

Hiển nhiên là phản vật chất sẽ thoát khỏi tình trạng bị treo lơ lửng, rơi xuống đáy hộp, và chúng ta sẽ thấy sự huỷ diệt.

Langdon căng tai nghe ngóng:

- Sự huỷ diệt? – Anh không thích nghe từ đó chút nào.

Vittoria dường như không để ý.

- Vâng. Nếu phản vật chất tiếp xúc với vật chất, cả hai sẽ bị phá huỷ ngay tức khắc. Các nhà vật lí gọi đây là quá trình “huỷ diệt”.

Langdon gật gù:

- À, ra thế.

- Đó là phản ứng đơn giản nhất trong tự nhiên. Một hạt vật chất và một hạt phản vật chất kết hợp lại với nhau tạo ra hai hạt mới – gọi là photon. Một photon chỉ là một luồng ánh sáng nhỏ li ti.

Langdon đã từng đọc về photon – các hạt ánh sáng – dạng thuần khiết nhất của năng lượng. Anh cố kiềm chế không hỏi chi tiết thuyền trưởng Kirk sử dụng ngư lôi photon trong việc chống lại quân Klingons(2).

- Vậy nếu phản vật chất rơi xuống, chúng ta sẽ nhìn thấy một luồng sáng nhỏ?

Vittoria nhún vai:

- Còn phải xem anh định nghĩa thế nào là nhỏ. Lại đây, tôi sẽ cho anh xem. – Cô với lấy một cái hộp và bắt đầu mở vít, tháo hộp khỏi bục sạc điện.

Bất ngờ, Kohler hét lên kinh hoàng và nhào tới, dập vào lay cô gái:

- Vittoria! Cô điên rồi!

Chú thích:

(1) Pozitron: Phản rất nhỏ của vật chất có điện tích dương và có cùng khối lượng với electron.

(2) Thuyền trưởng Kirk và quân Klingons là những nhân vật nổi tiếng trong bộ phim truyện giả tưởng Star Trek.
Bình Luận (0)
Comment