Thiên Thủ Song Tôn

Chương 3

Bóng đen sau khi phóng chưởng, thấy trong phòng không có phản ứng gì, thì kinh ngạc khẽ thốt lên :
- Kỳ quái!
Thanh âm rất nhỏ, nếu không dỏng tai chú ý thì khó bề nghe được.
Nhưng ngồi trong phòng là Hư Vân hòa thượng và đôi trẻ, họ là những người mắt tinh, tai thính, lại đang sẵn sàng chuẩn bị, nên lời kia vừa thốt, họ đã hỏi ngay :
- Ngoài song là ai đó?
Lời chưa dứt, một tăng hai tiểu đã bay vọt qua cửa sổ ra ngoài, nhưng nhìn bốn phía, dưới ánh trăng sao sáng vằng vặc, chỉ có gió thu se sắt và những lùm cây, không có một bóng người.
Loáng một cái, lại thêm bóng người chạy tới, là ba vị sư huynh và bốn vị Hộ pháp.
Mười người rà soát xung quanh Không Tĩnh tự một vòng, tuyệt không phát hiện được điều gì khả nghi.
Đường Chấn Anh và Tử Vi có ý truy tìm rộng ra, nhưng Hư Vân hòa thượng sợ mắc mưu địch nhân, không cần giết địch, chỉ cần tự bảo vệ, thế là tất cả cùng trở vào Vô Tướng tịnh xá.
Vừa rồi đôi trẻ đột nhiên đi ra ngoài hàng giờ, Hư Vân nóng lòng muốn hỏi xem họ đi đâu. Lúc này đã có dịp, bèn nhìn họ, chỉ thấy mặt họ bừng bừng hồng quang, đôi mắt sáng quắc, anh khí phát lộ khác hẳn bình thường.
Không riêng Hư Vân hòa thượng, ngay cả ba vị sư huynh và bốn vị Hộ pháp cũng phát hiện đôi trẻ có điểm dị thường. Ai cũng chăm chú quan sát họ, sắc diện lộ vẻ kinh ngạc.
Đường Chấn Anh và Tử Vi thì không cảm thấy mình có gì khác lạ, thấy tám người kia cứ ngạc nhiên ngắm nhìn mình như thế, đang định hỏi tại sao, bỗng đại sư huynh kêu lên :
- Đừng cử động.
Đoạn cầm một ngọn đèn soi lại gần ngực hai người và hỏi :
- Cái này là vật gì vậy?
Mọi người giật mình quây quần cả lại.
Đường Chấn Anh và Tử Vi cúi xuống nhìn, thoạt đầu chưa thấy gì, nhìn kỹ mới phát hiện trên ngực áo có cắm một chiếc châm mảnh như sợi tóc, dài khoảng hai phân không màu sắc.
Chỗ cắm châm chính là huyệt Tướng Đài, một trong ba mươi sau yếu huyệt sinh tử của con người.
Kim châm cắm vào đó mà đôi trẻ không chết, mọi người cùng ồ lên kinh ngạc, bản thân đôi trẻ cũng nổi da gà.
Kỳ quái hơn là sau khi rút châm ra khỏi áo, huyệt Tướng Đài hoàn toàn không có dấu vết hề hấn gì.
Hư Vân hòa thượng xem kỹ hai cây châm, thấy đầu nó nhọn hoắt, sắc vô cùng, thân châm thì dẻo, trong nhu có cương, không rõ được chế từ thứ kim loại gì.
Đệ tử thuộc hàng chữ Hư của phái Nga Mi từng theo Vô Tướng thiền sư trên ba mươi năm, nay đã vào tuổi ngũ tuần, chẳng những võ nghệ cao cường, mà còn kiến đa thức quảng, đã gặp vô số loại ám khí, nhưng thứ kim châm như sợi tóc này thì họ chưa thấy bao giờ.
Hư Tiêu hòa thượng hỏi đôi trẻ :
- Châm cắm vào áo từ lúc nào, sư đệ và sư muội cũng không biết ư?
Đường Chấn Anh và Tử Vi lắc đầu.
Hư Vân trầm ngâm một hồi, đoạn nghiêm trang nói :
- Tuy không nhìn thấy kẻ phóng ám khí, nhưng căn cứ vào sự tinh xảo của thứ châm này thì hắn phải thuộc hàng đệ nhất cao thủ võ lâm, đã tu luyện xong “Bát Nhã thần công” của Phật môn nên mới đủ khả năng sử dụng loại ám khí này. Đệ tử hàng chữ Ngộ làm sao đối địch nổi...
Ngừng một chút, hai mắt lim dim nói tiếp :
- Mấy vị tiền bối của đương kim võ lâm cũng chưa nghe nói thứ ám khí này của môn phái nào...
Mọi người xem đi ngó lại hai cây châm một hồi.
Hư Vân hòa thượng như chợt nhớ ra điều gì, nói :
- Kỳ quái! Loại châm này sắc nhọn vô tỉ, phóng trúng huyệt là nạn nhân tử thương ngay, có lẽ mười tám người của bổn phái đều bị chết vì loại ám khí này, thế nhưng... tại sao cây châm lại không cắm được vào huyệt Tướng Đài của sư đệ và sư muội?
Hư Vân hòa thượng nhìn Đường Chấn Anh, nói :
- Sư đệ, hãy cởi áo ra để huynh coi chỗ huyệt ấy có gì lạ hay không?
Đường Chấn Anh cũng tự cảm thấy kỳ quái, bèn cởi áo ngoài, lộ ngực ra.
Mọi người ghé lại gần quan sát, chỗ huyệt Tướng Đài hoàn toàn không có biểu hiện gì lạ thường.
Hư Chấn hòa thượng tính tình phóng túng, ngộ sự ít suy tính, bèn giơ ngón tay ấn nhẹ vào huyệt Tướng Đài của Đường Chấn Anh.
Không thấy có gì lạ, Hư Chấn nghĩ thầm: “Cây châm kia hiển nhiên đã cắm vào huyệt này, tại sao không làm hại sư đệ nổi?”.
Bất giác Hư Chấn dụng lực, ấn tay vào mạnh hơn một chút.
Bỗng Hư Chấn rụt bắn ngay tay về như chạm phải lửa, miệng kêu ối một tiếng, thân hình khôi vĩ loạng choạng thoái lui bốn, năm bước.
Ai nấy kinh ngạc nhìn Đường Chấn Anh.
Riêng chàng vẫn ngồi bất động, mặt ngơ ngác.
Hư Vân thốt lên :
- Ồ, xem ra Anh sư đệ đã luyệt được “Bát Nhã Khí Công” của Phật môn rồi, nên mới có lực phản chấn mạnh như vậy. Hèn chi cây châm sắc nhọn thế kia mà không thể cắm vào nổi huyệt Tướng Đài của Anh sư đệ.
Đường Chấn Anh lắc đầu đáp :
- Tiểu đệ có được học “Bát Nhã Khí Công” khi nào đâu?
Đường Tử Vi lúc này đã hiểu ra, bèn đem kể lại toàn bộ sự việc hai người bị lão quái nhân liệng sỏi trúng vào ba mươi sáu đại huyệt cách đây một giờ ở bên miệng vực.
Mọi người nghe có quái sự như thế đều rất ngạc nhiên.
Hư Vân chắp tay trước ngực, nói :
- A di đà Phật! Đức Phật từ bi, thế thì hay quá, hèn chi sư đệ và sư muội phát hiện ngân bài mà vẫn bình an vô sự, thì ra là có cao nhân tương trợ. Nếu huynh đoán không lầm, kẻ vừa phóng ám khí chính là hung thủ đã sát hại mười tám người của chúng ta, nhưng sư đệ và sư muội đã được “Bát Nhã Khí Công” hộ thân, nên ám khí của hung thủ phóng tới trở thành vô dụng.
Mọi người vô cùng hoan hỷ và kinh ngạc. Kinh ngạc vì hung thủ chẳng những có thể vô thanh vô tức đột nhập Vô Tướng tịnh xá mà còn ở trong bóng tối vẫn nhận diện đúng nạn nhân hắn muốn đoạt mạng để phóng châm đả huyệt rất chính xác. Hơn nữa, thứ ám khí này quá ảo diệu, ngay danh xưng là gì mà cũng chưa ai được biết. Hoan hỷ là vì sư đệ và sư muội đã gặp được kỳ nhân cứu giúp mà thoát chết.
Hư Vân hòa thượng lại tiếp :
- Phật môn có môn “Bát Nhã Bế Huyệt Kinh”, là tuyệt học hộ thân tối thượng trong võ lâm, có tác dụng như áo giáp sắt (Thiết Bố Sam). Nghe nói người nào luyện được môn tuyệt học ấy, chẳng những có thể tránh mọi thứ đòn tập kích từ bên ngoài, mà chấn lực càng lớn, đủ sức đả thương địch nhân một cách vô hình.
Ngừng một lát, Hư Vân hòa thượng trầm ngâm nói tiếp :
- Có điều... có điều không biết quái lão là vị cao nhân nào của võ lâm đã ẩn danh mà lại xuất thủ tiếp cứu phái Nga Mi chúng ta?
Mọi người xôn xao bàn luận và chúc mừng đôi trẻ hữu duyên kỳ ngộ với bậc tiên trưởng, không để ý trời đã sáng.
Hư Vân hòa thượng nhận thấy đôi trẻ cả đêm không chợp mắt, mới bảo hai người ngồi một chỗ mà tĩnh tọa, điều tức hành công.
Hư Vân hòa thượng cùng các vị khác cũng có định lực thâm hậu, lập tức loại trừ tạp niệm, nhập vào cảnh giới vô giác.
Đường Chấn Anh cảm thấy tinh thần phấn chấn, cứ nghĩ đến chuyện hồi đêm, khó trừ được tạp niệm mà hành công nhập định. Chàng muốn dạo chơi một lúc ở vùng phụ cận Không Tĩnh tự, nhân thể ngắm lại kỳ quan của Nga Mi Kim Đỉnh.
Tính từ ba năm trở về trước, Đường Chấn Anh sống ở Không Tĩnh tự, chàng rất thích chạy nhảy vào buổi ban mai, bởi cho rằng đấy là thời điểm siêu nhiên thoát tục. Bởi vậy, sáng sáng chàng vẫn một mình tung hoành giữa chốn mây mù trên đỉnh núi, suốt mười mấy năm, ngày nào cũng như ngày nào. Thuật khinh công của chàng chính nhờ qua đó mà luyện thành.
Hôm nay chàng muốn tìm lại cảm giác thích thú ngày xưa, muốn đắm mình trong cảnh mộng như cũ. Chủ ý đã định, chàng nhẹ nhàng rời bồ đoàn đứng dậy, muốn rủ Tử Vi, nhưng thấy nàng đầu hơi cúi, mắt lim dim, tựa hồ đã nhập định, chàng bèn rời tịnh xá một mình và rảo bước ra khỏi Không Tĩnh tự.
Mây mù phủ xuống Kim Đỉnh như một tấm lụa trắng choàng lên thân hình tân giai nhân.
Kim Đỉnh ấy ngàn trượng, càng cao càng lạnh, Đường Chấn Anh phải chạy nhảy thật nhanh cho ấm người.
Lá phong đỏ rực, liễu mềm lả lướt, sương trắng phiêu lãng, phong cảnh thật hữu tình. Đường Chấn Anh gặp lại cảnh xưa, cảm thấy thân thiết bội phần, lại như người đang ở trong mộng, bâng khuâng man mác.
Chàng đã chậm bước, đi ngang đi dọc không biết bao xa, hồi tưởng cảnh cũ năm xưa.
Bỗng “cạch” một tiếng ở phía trước, chàng giật mình bước tới, thì thấy một chiếc bình nhỏ bằng bạch ngọc đang nằm trên cỏ.
Chàng nhặt chiếc bình ngọc lên, thấy trên bình đề năm chữ nhỏ: “Hàn Sương Giải Dục Hương”. Không rõ là dược vật gì, chàng mở nút bình, lập tức một mùi thanh hương lạnh ngắt xộc lên mũi.
Đường Chấn Anh có cảm giác như nuốt phải một cục băng lạnh thấu xương, nhưng đồng thời đầu óc lại nhẹ bổng, sáng láng vô tỉ.
Dược vật trong bình là thứ bột màu trắng, không rõ trị liệu gì, nhưng chắc chắn là hảo dược, căn cứ vào màu sắc và tên đề bên ngoài bình.
Hàn Sương Giải Dục Hương hiển nhiên không phải là dược vật của phái Nga Mi. Tại sao ở vùng phụ cận của Không Tĩnh tự lại có người đánh rớt chiếc bình này?
Đường Chấn Anh cất nó vào trong túi, tiếp tục đi về phía trước.
Bỗng đâu đó có tiếng người rên rỉ đứt quãng văng vẳng vọng lại. Đường Chấn Anh sững sờ, thầm nghĩ: “Tại sao lại có người rên rỉ ở đây?”.
Chàng dừng chân, ngưng thần nghe xem tiếng rên phát xuất từ phía nào. Nhưng xung quanh im lặng, một lát sau tiếng rên lại vọng đến, lần này nghe rõ hơn, chàng lập tức phát hiện nó từ phía trước, mé tả vọng tới.
Chàng vội nín thở, phi thân về phía đó, vô thanh vô tức, không để người kia nhận biết.
Tới nơi, Đường Chấn Anh thấy một Hắc Y Nữ đang nằm run rẩy, thở hổn hển, ngực phập phồng, tựa hồ thụ trọng thương, mắt nhắm nghiền.
Chàng vội đỡ nàng ngồi dậy, dùng nội lực xoa bóp cấp cứu.
Một hồi sau, Hắc Y Nữ đã ngừng rên, mở mắt ra, khi thấy chàng bèn nghiến răng nói với giọng yếu ớt :
- Ai bảo ngươi lại gần ta? Muốn chết hay sao?
Vẻ mặt Hắc Y Nữ hầm hầm giận dữ, vừa nhăn nhó cố nén đau.
Đường Chấn Anh biết nàng hiểu lầm, vội phân biện :
- Cô nương chớ lo, tại hạ cấp cứu cho cô nương đó thôi, cô nương có thể cho tại hạ biết là thụ bệnh gì chăng...
Hắc Y Nữ tựa hồ cũng nhận ra là chàng có thiện ý, nên dịu giọng đáp :
- Bệnh của ta vô phương cứu chữa, ngươi có lòng tốt thì hãy giết ta đi.
Đường Chấn Anh kinh ngạc hỏi :
- Có bệnh ắt có phép trị bệnh, tuyệt chứng còn có thể trị, con kiến còn muốn sống, tại sao cô nương lại nói thế?
Lời chàng chưa dứt, Hắc Y Nữ lại rên rỉ, hai mắt nhắm nghiền, nhưng cố phều phào nói :
- Ta vốn có giải dược, nhưng... lỡ... đánh rơi... mất rồi.
Hiển nhiên nàng ta phải tốn nhiều sức lực cũng khó khắc phục nỗi đau đớn thể xác.
Đường Chấn Anh vội hỏi :
- Không biết giải dược ấy có tên là gì?
Hắc Y Nữ rên rỉ đáp ngắt quãng :
- Hàn Sương... Giải Dục... Hương.
Chữ hương cuối cùng chỉ còn nghe phều phào, nói xong lại trở về trạng thái như lúc Đường Chấn Anh mới tới.
Đường Chấn Anh đoán rằng chiếc bình ngọc nhặt được ban nãy chính là của nàng, bèn thò tay vào túi lấy ra.
Chàng đang định hỏi Hắc Y Nữ xem có phải thứ giải dược này chăng, nhưng lúc đó nàng đau đớn như điên dại, quên cả nữ tính, hai tay giật phăng cả áo, để lộ bộ ngực trắng ngần và đôi nhũ hoa hồng hồng.
Đường Chấn Anh thấy tình cảnh này, vội mở nút bình, một tay cạy miệng nàng, tiếp đó hai tay vớt sương đọng trên cây cỏ cho vào miệng để nàng nuốt xuống.
Động tác của chàng cực kỳ mau lẹ, không kịp suy tính gì hết, chỉ lo cấp cứu người bệnh.
Hàn Sương Giải Dục Hương quả là thần diệu, chỉ một lát sau thì Hắc Y Nữ đã ngừng rên, đôi mắt phượng tuyệt đẹp lại mở to, rồi bất chợt đứng bật dậy.
Đường Chấn Anh bị bất ngờ, vội lùi lại một bước, vui mừng hỏi :
- Cô nương khỏe lại rồi ư?
Hắc Y Nữ kinh ngạc :
- Thì ra là ngươi, ngươi không hận ta ư?
Hai câu hỏi không có lời đáp, vì kẻ đối thoại chưa hiểu sự việc thế nào.
Hắc Y Nữ đã định thần lại nên hỏi :
- Tại sao ngươi muốn cứu ta?
Đường Chấn Anh định đáp, bỗng ngừng bặt, ngoảnh mặt ra chỗ khác.
Hắc Y Nữ thấy lạ, mới nhìn xuống, thì phát hiện ngực mình hở hang, dây thắt lưng cũng bung ra, thì xấu hổ quay lưng lại.
Sửa xong y phục, nàng ta quay phắt lại, quắc mắt nhìn chàng thiếu niên bằng mục quang nảy lửa, tựa hồ muốn soi tận lục phủ ngũ tạng của chàng.
Nàng giậm chân nói :

- Nhà ngươi dám... dám...
Nàng định nói nhà ngươi dám cởi áo, tháo dây lưng, nhưng dẫu sao nàng cũng là nữ nhi, đâu có thể thốt ra những lời đó, thành thử cứ ấp a ấp úng mãi.
Đường Chấn Anh có thừa thông minh, biết nàng ta hồ nghi mình có tà ý, bèn chắp tay vái nàng :
- Tại hạ là bế quan đệ tử của đương kim Chưởng môn phái Nga Mi, Vô Tướng thiền sư, tuyệt đối không dám có ý vọng động, thỉnh cô nương chớ hồ nghi.
Hắc Y Nữ trầm ngâm một lát, tựa hồ đã tin lời chàng, nàng đưa tay sửa lại mảnh vải đen bịt kín già nữa khuôn mặt, hỏi :
- Ngươi tháo vải bịt mặt của ta phải không?
Đường Chấn Anh lắc đầu :
- Nam nữ thụ thụ bất thân, lời giáo huấn của cổ nhân như thế, tại hạ lẽ nào không biết đạo lý?
Hắc Y Nữ ngạc nhiên lẩm bẩm :
- Ồ, thế gian còn có bậc quân tử như vậy sao...
Nàng nói rất nhỏ, Đường Chấn Anh không nghe rõ nàng nói gì.
Hắc Y Nữ như chợt nhớ ra điều gì nên chỉ vào chiếc bình bạch ngọc trong tay chàng, nói :
- Ngươi nhặt được nó ở đâu? Mau trả lại cho ta!
Đường Chấn Anh tung chiếc bình cho nàng rồi đáp :
- Tại hạ nhặt được ở đằng kia, cách đây không xa. Xin hỏi cô nương là người từ đâu tới, sao lại bị ám toán ở vùng núi này?
Hắc Y Nữ chộp chiếc bình, thấy chỉ còn là chiếc bình không thì sợ hãi, kêu “ối” một tiếng rồi nói :
- Hỏng to rồi!
Đường Chấn Anh hỏi :
- Cô nương bảo sao?
Hắc Y Nữ tựa hồ giận dữ, đáp :
- Giải dược của ta cực quý, không dễ kiếm, chỗ bột dược ấy lẽ ra dùng đủ ba lần, vậy mà ngươi lại dốc hết vào miệng ta...
Bỗng nàng ta cảm thấy lỡ lời, bèn ngừng bặt.
Đường Chấn Anh ngạc nhiên hỏi :
- Cô nương vẫn thường phải dùng đến Hàn Sương Giải Dục Hương ư?
Hắc Y Nữ vốn sợ câu hỏi ấy, Đường Chấn Anh lại nhè đúng nó mà hỏi, bèn lúng túng ngượng nghịu quay mặt đi, tránh ánh mắt của chàng, cố lấy giọng lạnh lùng đáp :
- Cái gì không nên hỏi thì đừng có đa vấn.
Đường Chấn Anh nghe giọng lạnh lẽo cay độc của Hắc Y Nữ, bỗng chột dạ.
Hắc Y Nữ quay người lại, chỉ tay vào mặt chàng nói :
- Ngươi nên nhớ, hôm nay ngươi gặp ta ở đây, lẽ ra ta phải giết ngươi, nhưng ngươi lại cứu mạng ta, nên lần này ta tha cho ngươi, song lần sau sẽ không có chuyện đó...
Lời chưa dứt, nàng đã nhún chân phóng đi mấy trượng. Đường Chấn Anh còn đang ngơ ngác, bên tai vẳng lại phần cuối câu nói của nàng :
- Sự việc hôm nay coi như hòa, không ai chịu ơn ai...
Thanh âm lạnh lẽo giữa buổi ban mai, nghe còn lạnh hơn cả sương mùa thu ở chốn cao sơn.
Đường Chấn Anh ngây người, đầu óc chàng mông lung y như chứa đầy sương mù trắng đục buổi sớm đang bao trùm xung quanh.
Một làn gió thu thổi qua, hai chiếc lá phong đỏ ối rớt xuống vai chàng mà chàng chẳng hay.
Lúc ấy, dưới hai gốc cây phong cách chàng khoảng ba trượng phía sau lưng, có bốn người bịt mặt đang rình rập.
Chúng không hiểu tại sao chàng đứng một mình xuất thần như vậy, bởi chúng vừa mò đến, không thấy cái cảnh chàng ra tay cứu Hắc Y Nữ vừa rồi.
Bốn gã bịt mặt giơ tay ra hiệu cho nhau, một gã râu vàng tiến lên một bước, xoay cổ tay, hai bông lam mai vô thanh vô tức bay thẳng tới huyệt Mệnh Môn ở sau lưng Đường Chấn Anh.
Mệnh Môn là một tử huyệt, nếu bị trúng thương, sẽ lập tức vong mạng.
Đường Chấn Anh còn đang mãi suy nghĩ đến mấy câu nói cuối cùng của Hắc Y Nữ, ám khí lam mai lại vô thanh vô tức bay tới sau lưng, nên chàng không hề phòng bị.
Hai đạo lam quang như hai lằn chớp bay tới, phen này Đường Chấn Anh chắc chắn vong mạng, ngay vào khoảnh khắc sinh tử ấy, đột nhiên có hai viên hàn tinh phóng ngang qua, trúng ngay hai bông lam mai khiến chúng rớt xuống đất, thật là vô cùng chuẩn xác.
Đường Chấn Anh giật mình, vội né người, vung hai tay hộ thân, miệng quát :
- Kẻ nào?
Gần như đồng thời vang lên tiếng nói :
- Tên khốn kiếp nào dám ngầm phá ám khí của ta đó?
Đường Chấn Anh sững sờ, ngoảnh về phía tiếng nói, thấy bốn kẻ kia dưới gốc phong, nhưng vì sương mù quá dày, nên không nhìn rõ mặt, chàng vừa định lao về phía đó, bỗng mé bên hữu vang lên thanh âm trong trẻo của thiếu nữ :
- Chẳng lẽ có thể để các ngươi lén lút phóng ám khí hại người? Hãy coi ta có dám...
Lời chưa dứt, một bóng người đã xuyên rừng lao thẳng về phía gốc cây phong nọ như một tia chớp.
Đường Chấn Anh vội kêu :
- Vi muội cẩn thận...
Lời vừa xuất, chân đã nhún, thân hình bay vút đi như mũi tên, vượt qua Tử Vi, đáp xuống trước mặt bốn người kia. Thân pháp đi sau mà đến trước của chàng quá ư xảo diệu.
Chàng lúc này đã nhìn rõ bốn người kia. Cả bốn đều bịt mặt, chỉ để lộ cặp mắt, râu quai nón thì dài và mỗi gã một sắc râu khác nhau: đỏ, vàng, lam, tím.
Hai gã râu vàng và râu đỏ, hôm trước từng giao chiến với Đường Chấn Anh và Tử Vi. Hai gã còn lại hôm nay mới gặp. Sau lưng bốn gã đều lấp ló hai thứ binh khí là Hạc chưởng và Kim mai.
Tử Vi đã tới đứng sánh vai bên chàng, cất tiếng :
- Cây có vỏ, người có mặt. Các ngươi chẳng hiểu là người hay ngợm, mà lại lén lút tập kích người ta. Các ngươi thuộc môn phái nào, danh tính ra sao, vì lẽ gì lại muốn ám toán chúng ta? Nếu không nói mau, thì nơi này lúc này sẽ là nơi táng mạng của các ngươi.
Bốn gã kia nghe Tử Vi lăng mạ một hồi thì đã hầm hầm tức giận, nghiến răng trợn mắt, gã râu đỏ bước lên trước một bước, tay tả vuốt râu, tay hữu chỉ Tử Vi, gằn giọng nói :
- Con nha đầu già mồm kia, ngay sư huynh, sư phụ của ngươi ngươi cũng không dám vô lễ với ta như vậy. Hôm nay nếu không lấy thủ cấp của ngươi, hóa ra võ lâm thừa một con nha đầu già mồm hay sao?
“Chíu, chíu, chíu”, tay hữu của Tử Vi đã rút cây Thất Khổng thần địch ra.
Bốn gã bịt mặt cũng đồng thời rút ra Kim Mai Hạc Chưởng.
Đường Chấn Anh vốn muốn hỏi inh bạch, nhưng hiện tại tình thế đã đến lúc kiếm tuốt cung giương, ác chiến sẽ xảy ra trong chớp mắt, chàng nào dám chậm trễ, vội rút phăng Nhật Nguyệt song luân, thuận thế đập mạnh nhị luân vào nhau một cái, một tiếng nổ “đoành” như sấm, kinh thiên động địa vang lên. Vũng nước gần đó văng tung tóe đến ba thước, lá phong rụng lả tả.
Tử Vi nhanh mắt, thấy Chấn Anh đã vung luân, đoán biết dụng ý của chàng là muốn bất ngờ gây kinh hoàng cho đối phương, sợ chân lực của mình không chịu nổi luân thanh, bèn múa thần địch hộ thân.
Bốn gã kia không phòng bị, bị luân thanh trấn áp thì ù tai hoa mắt, vội nhảy lùi một trượng, khua Kim Mai Hạc Chưởng ầm ĩ để đối phó với luân thanh, nhưng làm sao át nổi tiếng rền như sấm. Bốn gã vội vận khí điều tức để bình ổn huyết khí đang nhộn nhạo trong người, sau đó mới phân thành hai cặp, nhất tề sấn tới phía đối phương.
Đường Chấn Anh đã hiểu đối phương muốn dùng hai địch một, liền sang sảng nói :
- Hôm nay ta quyết tìm ra lai lịch các ngươi, có bản lĩnh gì thì hãy thi triển bằng hết để phân cao thấp.
Chàng đã quyết trận này chưa phân thắng bại thì chưa dừng tay. Dù một địch hai, chàng cũng chẳng để tâm.
Bốn gã bịt mặt thì sát cơ đằng đằng, muốn giết chết hai người đối phương càng sớm càng hay. Nay nghe Đường Chấn Anh nói vậy thì còn gì hơn, liền cười hì hì, rồi gã râu vàng gằn giọng nói :
- Tiểu oa nhi, đừng có nuốt lời, chớ trách bọn ta nhất tề xuất thủ đấy.
Gã vừa dứt lời thì liền xuất chiêu, bỗng nghe truyền tới hai tiếng niệm Phật hiệu, thanh âm vang dội như tiếng chuông ngân, rồi hai bóng người bay tới, đáp xuống hiện trường.
Hai người vừa đến mặc áo bào đen bên trong áo cà sa, râu tóc đều bạc, từ mi thiên mục, trông như hai vị la hán. Chính là tam sư huynh Hư Lôi và tứ sư huynh Hư Chấn của Đường Chấn Anh.
Đôi trẻ cùng kêu hai tiếng “sư huynh”, rồi cúi mình thi lễ, nói :
- Bốn người kia hành tung khả nghi, mấy ngày qua liên tục xâm phạm Nga Mi Kim Đỉnh, ám toán người của chúng ta, hẳn là có ẩn ý. Hôm nay không thể không truy xét cho ra thân phận của họ.
Hư Lôi hòa thượng quắc mắt soi mói nhìn bốn gã kia, nói :
- Dĩ nhiên, lời sư đệ rất hợp ý huynh.
Lời Hư Lôi chưa dứt, Hư Chấn hòa thượng đã rút phăng trường kiếm. Tính vị sư huynh này nôn nóng, miệng niệm Phật hiệu, tay múa kiếm, nói :
- Sư huynh, sư muội, khỏi phí lời với chúng. Cứ bắt sống vài tên là sẽ rõ nguyên do thôi.
Vừa nói, Hư Chấn vừa múa tít trường kiếm, dùng thức “Nam Hải Phiếm Hồ” công kích một trong bốn gã bịt mặt.
Ba người Hư Lôi, Tử Vi, Đường Chấn Anh tức thời xông lên.
Tiếng binh khí va chạm nhau loảng xoảng, trong thoáng chốc đôi bên đã phân thành bốn cặp, song song giao chiến.
Gã râu đỏ đấu với Đường Chấn Anh, gã râu vàng đấu với Tử Vi cô nương, gã râu lam đấu với Hư Lôi, còn gã râu tím thì giao tranh với Hư Chấn hòa thượng trước tiên.
Một bên là Kim Mai Hạc Chưởng màu xanh, bên kia là Song luân, Thần địch, và hai thanh trường kiếm. Trừ trường kiếm, các thứ khác đều là loại binh khí kỳ xảo đặc sắc, có chiêu số bí truyền, xuất quỷ nhập thần.
Hãy nói về cặp thứ nhất. Hư Chấn hòa thượng xuất chiêu, gã râu tím tiếp một kiếm bằng Kim mai ở tay tả, rồi tay hữu đâm xéo Hạc chưởng lên nách Hư Chấn. Hư Chấn liền sử chiêu “Kim Kê Tích Vũ” nghênh tiếp. “Keng” một tiếng, sắt thép đập vào nhau tóe lửa.
Tử Vi cô nương tính khí cao ngạo, đã giao chiến một lần với gã râu vàng, biết hắn có võ công không kém, nếu chỉ dùng thần địch với hắn thì khó thắng, nên lần này nàng muốn bắt sống, liền sử chiêu “Thần Hướng Cửu Phiên” là một trong chín tuyệt chiêu.
Nàng nghiến răng, xoay cổ tay, cây Thất Khổng thần địch tỏa hàn khí cuồn cuộn, một đạo tử quang uốn lượn như có hàng chục cây thần địch chụp xuống đầu gã râu vàng.
Gã này trong lần giao chiến trước đã suýt bị nàng đả thương, nên lần này có ý khiếp sợ, không dám khinh suất, sớm đã đề khí chuẩn bị đối phó.
Thấy Tử Vi xông tới xuất chiêu, địch ảnh lớp lớp vây bọc trên đầu, phả hàn phong cuồn cuộn, hắn không dám chậm trễ, lập tức thi triển tuyệt kỹ “Mai Hoa Đóa Đóa Chưởng Mãn Thiên”.
Hắn cười khảy, rùn mình bước xéo lên một bước, cây Kim mai trong tay tả lắc lắc theo chiêu “Nghênh Phong Loạn Vũ” loang loáng như phi tinh, đồng thời tay hữu cầm Hạc Chường phóng thẳng vào hai yếu huyệt “Huyền Cơ” và “Tướng Đài” của đối phương.
Đây chính là tuyệt chiêu trong Mai Hoa Đóa Đóa Chưởng Mãn Thiên, nửa hư nửa thực, vô cùng lợi hại.
Tử Vi cô nương biết là hắn chỉ đánh dứ, nửa hư nửa thực, nửa công nửa thủ, ẩn tàng vô số biến hóa, trùng trùng huyền cơ. Nàng thấy hắn hộ thân nghiêm cẩn, xuất chiêu lợi hại, Kim Mai Hạc Chưởng song song xuất thủ, phong thái bất loạn, phối hợp ăn ý nhịp nhàng, thì biết là lần giao chiến trước hắn chưa sử dụng tuyệt chiêu.
Nhân thấy Hạc chưởng nhắm vào bộ vị hiểm yếu của nữ nhân, nên nàng đã định né tránh, song ngầm nổi giận, liền quát một tiếng, cổ tay xoay úp, thi triển liên tiếp hai chiêu “Bạt Thảo Tầm Xà” và “Thần Tiên Chỉ Lộ”.
“Keng” một tiếng, Thất Khổng thần địch đã đánh bạt Hạc chưởng, rồi đầu địch chọc thẳng ngang tới huyệt “Thái Dương” mé tả của gã râu vàng.
Hắn thấy đối phương vừa phá chiêu của hắn đã tức thời công kích quá mau lẹ, vội né mình tránh Thất Khổng thần địch và quét ngang cây Kim mai vào bên sườn nàng.
Bỗng nghe :
- A di đà Phật!
Đó là tiếng của Hư Lôi hòa thượng đang giao đấu với gã râu lam.
Hư Lôi công kích liền năm kiếm, một đạo bạch quang loang loáng lạnh ngắt, năm chiêu kiếm mà bao hàm cả trượng, đao, thương, côn, vô cùng xảo diệu. Chính là kiếm chiêu mà võ lâm gọi là Tức Loại Bàng Thông.
Gã râu tím không hiểu lộ số kiếm thức của Hư Lôi hòa thượng, buộc phải thoái lui liền năm bước.
Nhưng hắn cũng chẳng phải hạng tầm thường. Sau khi nhận biết, hắn liền quát lên một tiếng, Kim Mai Hạc Chưởng cùng phối hợp công kích vô cùng lợi hại, khiến Hư Lôi hòa thường cũng phải thoái lui năm bước.
Cuộc giao chiến ác liệt nhất là giữa Đường Chấn Anh và gã râu đỏ.
Trong bốn gã bịt mặt, gã râu đỏ đứng đầu. Tuyệt chiêu Kim Mai Hạc Chưởng của hắn toàn nhắm vào các huyền quan yếu huyệt, uy mãnh phi phàm, hiểm độc vô tỉ.
Đường Chấn Anh chỉ muốn lột mặt nạ của đối phương để xem hắn là ai. Nhật luân của chàng sử chiêu “Ngọc Liên Hành Không”, Nguyệt luân dùng chiêu “Uy Chấn Hà Ngục” trên nhắm đầu, dưới đánh tới ngực, hai chiêu cùng phát, vô cùng lợi hại.
Gã râu đỏ vội bước chân tả lên một bước, tay hữu quét Kim mai bảo hộ thượng bàn, tay tả dùng chiêu “Vụ Mê Vân Phong” giơ Hạc chưởng nghênh tiếp Nguyệt luân của đối phương.
Luân, Chưởng đập vào nhau vang lên một tiếng “keng” trầm trọng.
Đường Chấn Anh cảm thấy tay tả tê dại, gã râu đỏ thì chấn động tâm thần, biết là gặp cường địch hiếm có, cả hai cùng hự một tiếng, thoái lui hai bước.
Gã râu đỏ nhân cơ hội đó nhìn lướt qua cuộc diện, thấy ba cặp kia đang xung sát ác chiến đến hồi sinh tử thì nghĩ: “Cuộc chiến này một chọi một khó phân thắng bại, nếu tiếp diễn lâu chỉ e lộ chân tướng thì hỏng. Chi bằng mau thu quân...”.
Nghĩ vậy, hắn bèn cao giọng nói :
- Hôm nay tạm tha mạng cho bọn ngươi, các huynh đệ, ta đi thôi.
Đường Chấn Anh quát :
- Ai cho phép ngươi đào tẩu?
Song luân của chàng cùng vung lên công kích gã râu đỏ.

Hắn lập tức thi triển hai chiêu “Linh Đài Phiêu Mai” và “Thiên Chưởng Phục Ma” trong tuyệt học Mai Hoa Đóa Đóa Mãn Thiên.
Trong chớp mắt, Kim mai như tuyết bay, Hạc chưởng như sóng vỗ trùng trùng điệp điệp, gió không lọt, thật là diệu kỳ, hiếm có.
Đường Chấn Anh bị Kim Mai Hạc Chưởng ngăn cản, chưa nghĩ ra cách hóa giải để tiến chiêu, bất giác cả kinh.
Gã râu đỏ nhân đó búng người vọt về phía sau năm trượng.
Cùng lúc đó, sắt thép va nhau loảng xoảng, rồi hai bóng người nữa cũng vọt ra khỏi vòng chiến, là gã râu lam và gã râu vàng.
Đường Chấn Anh nhún chân, đang định vọt đuổi theo, bỗng nghe một tiếng quát lớn của Hư Chấn hòa thượng :
- Chặn hắn lại, không cho chạy thoát.
Đường Chấn Anh bất giác ngoảnh lại, vừa hay thấy gã râu tím lao ngang qua ngay bên cạnh chàng.
Chàng vung Nguyệt luân, thét :
- Rớt xuống!
Gã râu tím đang lơ lửng ở trên không, chẳng ngờ Đường Chấn Anh ra đón, hắn không thể kịp ứng biến, bị trúng ngay Nguyệt luân vào đùi bên hữu.
“Huỵch” một tiếng, gã râu tím đã rơi xuống đất.
Hắn nghiến răng dùng chân tả làm điểm tựa, định vùng dậy trước khi Đường Chấn Anh xông tới, nhưng Tử Vi đã vút đến, cây Thần địch điểm trúng ngay ma huyệt của hắn, khiến hắn hết bề cựa quậy.
Tử Vi nôn nóng, muốn giơ tay lột mảnh vải bịt mặt của hắn, bỗng chợt nghe :
- Vi muội mau tránh ra!
Tiếp đó là “tách, tách, tách” liền ba tiếng.
Tử Vi nghe tiếng kêu đã trượt đi ba bước, chỉ thấy ba bông lam mai đã bị Đường Chấn Anh đánh rớt xuống đất. Thật là hú vía!
Hai người ngẩng lên nhìn thì thấy ba gã bịt mặt ở ngoài vòng chiến đang phóng liên tiếp mỗi gã ba bông mai thành hình chữ phẩm để tập kích Tử Vi, Đường Chấn Anh, và gã râu tím.
Động tác liên hoàn của chúng thần tốc dị thường, Tử Vi và Đường Chấn Anh vốn biết lam mai có độc, vội vung Thần địch và Song luân đánh rớt ba bông mai tập kích mình.
Cùng lúc ấy, họ nghe gã râu tím rú lên, người giãy mạnh một cái rồi khí tuyệt thân vong.
- A di đà Phật!
Hư Chấn, Hư Lôi cùng lao đến nhưng gã râu tím đã chết tươi. Ba bông lam mai toàn nhắm vào yếu huyệt sinh tử của hắn, không còn hy vọng gì cứu chữa.
Khi nhìn lại thì ba gã bịt mặt đã biến mất tăm.
Đường Chấn Anh vốn nhân hậu, thấy tử thi nằm đó thì lắc đầu thở dài :
- Bọn chúng quả thật độc ác, giết chết cả người của chúng.
Tử Vi nói :
- Đúng là chúng muốn diệt khẩu, chúng sợ ta bắt sống tên này sẽ bị lộ nội tình.
Nàng chưa nói hết, bỗng có tiếng niệm Phật hiệu vang lên, rồi tiếp theo là một giọng trầm trầm :
- Thì ra các vị ở đây, để huynh tìm mỏi mắt, tưởng đã gặp chuyện gì.
Tiếng vừa dứt người đã đến, thì ra là Hư Vân hòa thượng.
Theo sau ông là bốn Kim Cương hộ pháp.
Nhị tăng lưỡng tiểu thi lễ với đại sư huynh, đoạn Hư Lôi thuật lại vắn tắt sự việc vừa rồi.
Tử Vi cô nương nôn nóng, dùng Thần địch hất mảnh vải bịt mặt của gã râu tím, cả bộ râu quai nón vì là râu giả nên cũng văng ra theo.
Mọi người quay lại nhìn, ai ngờ tất cả mọi, trừ Đường Chấn Anh và Tử Vi, thì đều cùng thốt lên kinh ngạc :
- Thì ra là hắn!
Hư Lôi kêu :
- Thật là không ngờ!
Hư Chấn nói :
- Hèn chi trong lúc giao đấu, hắn có vẻ rất am hiểu kiếm pháp trấn sơn của phái Nga Mi chúng ta.
Hư Vân hòa thượng nhìn tử thi, đoạn quay sang phía mọi người, gật đầu nghiêm trang nói :
- Hôm trước, khi sư đệ và sư muội giao đấu với hai gã râu đỏ và râu vàng, huynh đã đoán là bọn ấy giả trang. Hôm nay đã được chứng thực là đúng.
Đường Chấn Anh và Tử Vi nghe các vị sư huynh đàm luận mà chẳng hiểu ra sao, nghĩ thầm: “Hóa ra các vị sư huynh đều biết kẻ chết này. Vậy hắn là ai, và “bọn ấy” là ai? Chẳng lẽ bọn chúng từng là đệ tử bổn môn?”.
Hai người định hỏi inh bạch thì Hư Vân hòa thượng cúi xuống nhìn kỹ tử thi, thấy ba chỗ bị trúng lam mai đã bầm tím một vùng bằng bàn tay, chảy nước ra và bốc mùi rất khó ngửi.
Hư Chấn hòa thượng dùng mũi kiếm xé rách ngực áo của tử thi, từ vết thương bỗng bốc lên một cuộn khói, chỗ ấy thịt đã nát rữa.
Hư Vân hòa thượng nói :
- Kẻ này bị huynh đệ của chúng sát hại, chúng ta hãy mai táng hắn dưới gốc cây phong, để xác chết khỏi gây di họa cho kẻ khác.
Mọi người thấy đúng lý nên làm như vậy, bèn cùng động thủ dùng kiếm, luân đào một cái huyệt chôn cất tử thi đâu ra đó.
Xong việc, Đường Chấn Anh không nhịn được, hỏi đại sư huynh :
- Ban nãy đại sư huynh nhắc đến bọn ấy là ai vậy? Mong đại sư huynh kể cho tiểu đệ và sư muội cùng biết để khỏi bị hồ đồ.
Hư Vân hòa thượng chợt nhớ ra, nói :
- Phải đó, chắc là sư phụ chưa kể cho sư đệ và sư muội nghe, hèn chi sư đệ và sư muội không hay biết. Sự việc này kể ra thì dài dòng lắm, chúng ta hãy trở về tự, để hai vị sư huynh của đệ đỡ lo lắng đã.
Thế là tất cả mọi người cùng theo Hư Vân hòa thượng quay trở về tự.
Đường Chấn Anh và Tử Vi sánh vai nhau, hồi lâu không trao đổi với nhau một lời. Đường Chấn Anh bèn quay sang nói nhỏ với nàng :
- Vi muội, sao muội biết huynh ở đây?
Ai ngờ Tử Vi làm như không nghe thấy, cũng chẳng buồn nhìn chàng, cứ cúi mặt mà đi.
Đường Chấn Anh đưa tay kéo tay áo nàng, liền bị nàng gạt phắt ra, hừ một tiếng rồi nói :
- Lúc này mới gọi người ta làm gì, đi chơi một mình cho thích thì cứ đi.
Nói đoạn, nàng vọt lên trước hai bước.
Đường Chấn Anh lúc này mới hiểu, hóa ra nàng giận chàng lúc đi không gọi nàng, đâu biết rằng chàng muốn để nàng có thời gian nghỉ ngơi.
Sự ngộ nhận này nhất định phải làm cho sáng tỏ, chàng bèn rảo bước theo cho kịp nàng và nói :
- Vi muội, đừng giận huynh, huynh chỉ...
Tử Vi không để chàng nói hết, cắt lời luôn :
- Vì huynh đã có ước hẹn, sợ ai đó chờ lâu chứ gì? Tưởng người ta không biết chăng?
Đường Chấn Anh càng nghe càng hồ đồ, vội hỏi :
- Ai chờ lâu?
Tử Vi liếc chàng một cái rồi nói :
- Hắc Y Nữ chứ ai, còn giả bộ nữa thôi?
Đường Chấn Anh nghe vậy mới hiểu rằng việc chàng cứu giúp Hắc Y Nữ đã bị nàng nhìn thấy hết, cho nên mới có sự ngộ nhận như vậy, chàng vội phân bua :
- Trời ơi, oan cho huynh quá, oan quá...
Tử Vi lạnh lùng ngắt lời chàng :
- Còn oan nỗi gì? Thân thuộc đằm thắm như thế, người ta thấy hết cả rồi.
Đôi trẻ trò chuyện với nhau, chàng phân bua, nàng thì dấm dẳng, cứ ngắt lời chàng giữa chừng, không cho giải thích.
Hai vị sư huynh Hư Lôi và Hư Chấn đi trước nghe lõm bõm, ngoảnh nhìn đôi trẻ rồi đưa mắt cho nhau mỉm cười, vọt nhanh lên trước họ ba trượng để họ được tự nhiên.
Lát sau, mọi người đã về tới Không Tĩnh tự.
Chính Ngọ hôm ấy, trong Vô Tướng tịnh xá có một bữa tiệc, nhưng là bữa tiệc chay, khác hẳn thế tục, hương trà thay rượu, hoa quả trợ hứng.
Đường Chấn Anh, Tử Vi cùng bốn vị sư huynh ngồi quanh bàn. Sau khi lễ Phật, đại sư huynh Hư Vân nâng chung trà mời mọi người dùng bữa, sau đó câu chuyện bắt đầu rôm rả.
Tử Vi cô nương cũng vui vẻ tham gia cười nói, song không hề nhìn Đường Chấn Anh, hiển nhiên là nàng vẫn giận chàng.
Đường Chấn Anh thấy nàng cứ khăng khăng không để cho chàng giải thích, càng cảm thấy khó xử, chưa biết nên làm thế nào mới ổn.
Bỗng chàng chợt nghĩ, hay là đem kể lại việc gặp Hắc Y Nữ vừa để mọi người cùng biết, vừa để Vi muội hiểu rõ chân tướng sự việc, nhất cử lưỡng tiện, có gì mà không nên?
Thế là chàng bèn kể lại đầu đuôi việc đó.
Hư Chấn hòa thượng ngạc nhiên nói :
- Xung quanh Không Tĩnh tự ở trên đỉnh Nga Mi của chúng ta xưa nay không hề có thích khách, không hiểu tại sao nay lại phát hiện, ngoài bốn gã kia, còn thêm Hắc Y Nữ. Không chừng những người thuộc bổn phái ngộ nạn có quan hệ gì đó tới ả cũng nên.
Hư Chấn hòa thượng quả là người nôn nóng, nhanh mồm nhanh miệng :
(Thiếu trang 53 và 54)
Hư Vân nhấp một hớp trà, thấy Tử Vi mấp máy môi định nói, bèn hỏi nàng :
- Sư muội, khi sư đệ và sư muội rời Lư Sơn, nhị vị lão nhân gia có dặn dò gì không?
Tử Vi thấy Hư Vân hỏi đích danh nàng, bèn cúi mình đáp :
- Bẩm các vị sư huynh, khi tiểu muội cùng Anh sư huynh rời Lư Sơn, nhị vị lão nhân gia có lệnh dụ “phàm gặp người nào mang loại binh khí Kim Mai Hạc Chưởng thì cố gắng né tránh, vạn bất đắc dĩ mới được liều mạng giao đấu, không được trái lời”. Nhưng lý do tại sao thì nhị vị lão nhân gia không nói. Những mong đại sư huynh cho tiểu muội biết rõ nội tình.
Hư Chấn hòa thượng vỗ tay :
- Ồ, thì ra sư phụ của chúng ta đã dự liệu được “bọn ấy” gây nên kiếp nạn này.
Sau đó Hư Vân hòa thượng đem chuyện ủy khuất (vướng mắc) ba mươi năm về trước của phái Nga Mi ra mà kể lại.
Đó cũng là vụ tranh chấp ái tình chấn động võ lâm xảy ra ba mươi năm về trước.
* * * * *
Ba mươi năm trước, võ lâm yên thái bình, các phái hầu như không có sự phân tranh.
Nhân tài, anh hùng xuất hiện hàng loạt, mở đầu một giai đoạn hưng thịnh chưa từng thấy của võ lâm.
Nhưng kể về võ công, đạo đức, nhân phẩm, kết hợp tới mức cao nhất, phải nói là Nga Mi tam kiếm.
Nga Mi tam kiếm là ba đệ tử đắc ý của Chưởng môn phái Nga Mi Tịch Hóa trưởng lão, gồm hai nam một nữ, đại sư huynh Hách Quang Vũ chuyên sử dụng một đôi Nhật Nguyệt song luân, được tôn xưng là Song Luân Thiên Thủ. Nhị sư huynh Lã Chí Viễn chuyên sử dụng Kim Mai Hạc Chưởng, nổi danh võ lâm, có ngoại hiệu là Mai Chưởng Tản Nhân. Tam sư muội họ Mai, tên Phụng Quyên, sử dụng Thất Khổng thần địch, thiên biến vạn hóa, diệu khả thông huyền. Nhất là chấn tà trừ ma thánh âm của nàng là độc nhất vô nhị trong võ lâm, hắc bạch lưỡng đạo trong giang hồ nghe thấy đã kinh hồn khiếp vía, do đó đã tôn xưng nàng là Thần Địch Thiên Âm.
Ba sư huynh muội ấy, nam thì mặt đẹp như ngọc, tuấn tú dị thường, nữ thì thiên kiều bá mỵ, dung mạo như hoa, cực kỳ mỹ lệ.
Nhưng lưỡng nam nhất nữ khó bề thành đôi, dương thịnh âm khuyết, chỉ có thể hợp thành tấm vóc ba góc mà thôi.
Ái mỹ là thiên tính bẩm sinh của con người, cổ nhân có câu “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. Hai vị sư huynh, Song Luân Thiên Thủ Hách Quang Vũ và Mai Chưởng Tản Nhân Lã Chí Viễn, đều ôm ấp bao hy vọng đối với vị sư muội có dung mạo chim sa cá lặn Thần Địch Thiên Âm Mai Phụng Quyên.
Hai vị sư huynh đều muốn độc chiếm hoa khôi, rắp ranh bắn sẻ, để cùng vị sư muội song song hành đạo giang hồ, kết nghĩa trăm năm.
Trước dụng tâm của hai vị sư huynh, Mai Phụng Quyên thông minh tài trí lẽ nào không biết, nàng không biết lựa chọn ai vì cả hai vị sư huynh đều có võ nghệ cao cường, đạo cao đức dày, nhân phẩm tài hoa, dù Phật bà ngàn mắt cũng khó biết ai hơn ai kém.

Đồng thời nàng cũng không nỡ chọn một bỏ một. Nàng hiểu rằng nếu làm như thế, hậu quả sẽ vô cùng tai hại.
Không thể chọn cả hai, nàng cứ như người đứng hai chân trên hai chiếc thuyền, chưa biết làm thế nào cho ổn, trong khi cả ba ngấm ngầm đau khổ trong lòng mà chẳng nói ra.
Cuối cùng, Mai Phụng Quyên đủ dũng khí cắt đứt tơ tình, quyết định chung thân bất giá (suốt đời không lấy chồng), vĩnh viễn giữ tình huynh muội với hai vị sư huynh, để ba người mãi mãi sánh vai nhau trong giang hồ mà chỉ giữ lễ cho chọn ba bề.
Thấm thoát đã hai mươi năm, ba người kề vai sát cánh trong giang hồ như hình với bóng, cùng tới cùng lui. Khi đó sư huynh muội đều đã ngoại tứ tuần, có người đã nghĩ đến lúc mãn chiều xế bóng.
Đại sư huynh Song Luân Thiên Thủ Hách Quang Vũ thấy sư muội Mai Phụng Quyên vì mình và sư đệ Lã Chí Viễn mà chung thân bất giá, một sự hy sinh quá lớn, nay đã sắp hết tuổi thanh xuân, hồng nhan đã giảm, nếu cứ tiếp tục thế này, ắt uổng phí cả một bậc tuyệt thế giai nhân.
Sau mấy ngày dằn vặt với nội tâm, cuối cùng Hách Quang Vũ tuyên bố thoái lui, để cho sư đệ Lã Chí Viễn cùng sư muội Mai Phụng Quyên kết thành phu phụ, còn Hách Quang Vũ thì để biểu thị chân tâm, muốn đền đáp sự hy sinh lớn lao của sư muội, sẽ kiên quyết trở về Không Tĩnh tự trên Nga Mi Kim Đỉnh mà xuống tóc quy y.
Sư phụ Tịch Hóa trưởng lão thấy đệ tử nửa đường xuất gia tu hành, từng có duyên nợ, nên lấy pháp danh Vô Tướng đặt cho để đoạn tuyệt với duyên nợ ngày trước.
Hách Quang Vũ tuy đã nhập cửa không, nhưng sư đệ và sư muội vẫn chưa thành phu phụ.
Chỉ bởi lẽ Mai Phụng Quyên từng thề chung thân bất giá, không vì đại sư huynh xuất gia tu hành mà nàng nuốt lời thề cũ.
Nhị sư huynh Lã Chí Viễn tuy ra sức bày tỏ ái tình, hết lời thề thốt, nhưng Mai Phụng Quyên như giếng nước đã cạn, cành khô trụi lá, nhất mực khước từ lời cầu hôn của Lã Chí Viễn.
Nàng kiên quyết nói rõ với nhị sư huynh, kiếp này chỉ giới hạn ở tình huynh muội, ngoài ra không có ý tơ tưởng gì khác.
Lã Chí Viễn nghe sư muội tìm cách khước từ, nghĩ rằng sẽ có ngày nàng nghĩ lại mà ưng thuận, nào ngờ trước sau nàng vẫn khăng khăng giữ ý, thế là bao hy vọng của Lã Chí Viễn hóa thành băng giá.
Phàm một người cố đạt mục đích mà hứng lấy thất bại, thì hy vọng càng cao, thất vọng càng lớn, công sức bỏ ra càng nhiều, nỗi hận càng sâu, thành hai thứ cực đoan dễ sa vào con đường sai trái mà không hay biết. Trước tốt, sau xấu, trước hiền sau ác, xưa nay phần lớn đều do nguyên nhân trên mà ra.
Hiện tại Lã Chí Viễn chính đang lâm vào tình cảnh đó. Hắn ngót nghét ngũ tuần, hỷ ái Mai Phụng Quyên đã hơn hai mươi năm, ôm ấp bao mộng ảo, nhiệt tình, đến lúc bùng ra, chẳng khác gì hỏa diệm sơn bùng nổ, đại dương nổi phong ba, không cách gì ngăn trở, quyết chiếm đoạt giai nhân cho bằng được.
Trong khi đó, Mai Phụng Quyên vẫn kiên trì giữ lời thề cũ, thế nào cũng chẳng lay chuyển. Lã Chí Viễn thấy giấc mộng khó thành, bèn từ ái sinh hận, từ hận sinh kỵ, từ kỵ sinh tà, từ tà hóa dâm.
Một ngày nọ, Lã Chí Viễn và Mai Phụng Quyên nghỉ đêm tại một lữ điếm, hắn bèn lập mưu hòa xuân dược vào rượu cho nàng uống, hy vọng kích thích dục tình của nàng để cùng nàng gian dâm, chờ khi nàng tỉnh rượu thì sự đã rồi, xem nàng có chịu gả cho hắn hay không.
Nhưng sự đời chẳng được như sở nguyện, Mai Phụng Quyên biết hắn có gian tình, thế là sư huynh sư muội cùng nổi giận mà động thủ. Đôi bên giao đấu hơn một trăm hiệp bất phân thắng bại. Mai Phụng Quyên giận hết chịu nổi, liền một mình bỏ về Không Tĩnh tự ở Nga Mi Kim Đỉnh. Nàng muốn đem sự việc thưa lại với sư phụ Tịch Hóa trưởng lão để sư phụ giải quyết.
Ai ngờ khi nàng về đến Không Tĩnh tự thì Tịch Hóa trưởng lão đã viên tịch. Chức vị Chưởng môn phái Nga Mi đương nhiên là do đại sư huynh Vô Tướng thiền sư đảm nhiệm.
Vô Tướng thiền sư thấy sư muội trở về, bèn thăm hỏi nguyên do, Mai Phụng Quyên đem chuyện Lã Chí Viễn ngầm hòa xuân dược vào rượu kể lại đầu đuôi, Vô Tướng thiền sư cả giận, định lập tức đi tìm Lã Chí Viễn để giáo huấn cho hắn một trận.
Nào hay sư huynh sư muội chưa đi tìm Lã Chí Viễn thì hắn đã tự dẫn xác đến Không Tĩnh tự, chẳng đợi Vô Tướng thiền sư mở miệng quở trách, hắn đã nói chặn trước, rằng đại sư huynh đã xuất gia tu hành, chớ nên vương vấn tơ lòng vân vân... Cuối cùng hắn tuyên bố: ngày nay mà hắn không được kết thành phu phụ với Mai Phụng Quyên thì hoàn toàn là do tội của Vô Tướng thiền sư.
Vô Tướng thiền sư nghĩ đến tình sư huynh đệ, cố nén giận, đem lời lẽ phải trái khuyên giải Lã Chí Viễn, rằng hôn nhân đại sự phải do đôi bên tình nguyện, không nên cưỡng bức sư muội, càng không được dùng thủ đoạn hèn hạ.
Lã Chí Viễn chẳng những không nghe những lời nhân nghĩa, mà còn thẹn quá hóa giận, tức thời rút binh khí đòi quyết đấu sinh tử một phen với Vô Tướng thiền sư.
Hắn không nể mặt Chưởng môn, bất chấp gần một ngàn tăng lữ của Không Tĩnh tự, cứ lu loa ầm ĩ. Vô Tướng thiền sư đường đường ở chức vị Chưởng môn tôn nghiêm, bất đắc dĩ đành gạt lệ, chiếu theo môn quy giới luật, tuyên bố trục xuất Lã Chí Viễn ra khỏi môn phái, từ nay hắn không còn là đệ tử của phái Nga Mi nữa.
Lã Chí Viễn không biết thân, liền rút Kim Mai Hạc Chưởng mà công kích Vô Tướng thiền sư một cách hung hãn.
Sư huynh đệ hai người này vốn võ công tương đương, nên trận đấu kéo dài liên tục hai ngày một đêm. Lã Chí Viễn thi triển hết mọi chiêu số Kim Mai Hạc Chưởng, Vô Tướng thiền sư cũng sử dụng toàn bộ uy thế của Nhật Nguyệt song luân.
Trận chiến này thật hiếm thấy trong võ lâm, cực kỳ ác liệt. Mai Phụng Quyên đứng ngoài quan chiến mà giật mình thon thót, lo toát mồ hôi cho cả vị sư huynh, nhất là lo cho đại sư huynh Vô Tướng thiền sư. Tay nàng nắm chặt Thất Khổng thần địch, chuẩn bị tùy thời tùy lúc mà xuất thủ, đề phòng tình huống lưỡng bại câu thương.
Cuối cùng, Lã Chí Viễn bị chậm nửa chiêu, thụ thương bởi Song luân của Vô Tướng thiền sư, nhưng chỉ là vết thương ngoài da.
Vô Tướng thiền sư lượng tình sư huynh sư đệ, không nỡ giết hại Lã Chí Viễn, nhưng hắn lại chẳng lãnh tình, sau khi băng bó vết thương, còn muốn mang Mai Phụng Quyên đi theo. Sự đến nước này, Mai Phụng Quyên càng kiên quyết cự tuyệt.
Lã Chí Viễn đành hầm hầm rời khỏi Không Tĩnh tự. Trước khi đi, hắn gằn giọng nói :
- Kiếp này nếu không lấy được sư muội khi còn sống, thì cũng thề phải lấy cho được xác Phụng Quyên. Dù còn một hơi thở, cũng quyết không quên mối thẹn này. Cừu hận hôm nay, ắt có ngày báo. Phàm là người của phái Nga Mi, ta đều coi như cừu nhân.
Mai Chưởng Tản Nhân ôm hận mà đi, Nga Mi tam kiếm từ đấy tan rã. Cuộc tình tranh chấp giữa ba người lập tức lan truyền khắp võ lâm.
Thế là không biết bao nhiêu người từng ngưỡng mộ Thần Địch Thánh Âm Mai Phụng Quyên, nay chẳng quản đường xa ngàn dặm, sớm chiều kéo tới Nga Mi Kim Đỉnh, coi việc được chiêm ngưỡng dung nhan của nàng là một niềm vinh hạnh.
Không Tĩnh tự trở thành nơi tập trung vô vàn cao thủ võ lâm, họ cứ lui lui tới tới như một chốn quá giang, liên miên bất tuyệt, khiến Mai Phụng Quyên tiếp cũng dở mà không tiếp cũng chẳng xong.
Vũ trụ vốn vô sự, người đời hay vẽ chuyện, Mai Phụng Quyên nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng ngộ ra lẽ sắc sắc không không của Phật môn, nhân sinh là bể khổ mênh mông, nhưng ngoảnh lại lập tức thấy bờ.
Nàng liền giãi bày tâm ý với đại sư huynh, rồi giã từ Nga Mi Kim Đỉnh, mua thuyền xuôi dòng, đến Tiên Hà lĩnh, thấy phong cảnh u mỹ, siêu trần thoát tục, liền dựng Ty Thiền am, xuống tóc làm ni cô. Nhân muốn rũ bỏ vạn niệm, mới chọn pháp danh Tuyệt Trần. Sau đó thu nhận đệ tử, truyền thụ võ công, thành một dòng tu độc đáo, được chúng nhân tôn nàng là Thần ni.
Võ lâm thiên hạ thán phục đạo đức, dũng khí, nhân phẩm của Vô Tướng thiền sư và Tuyệt Trần thần ni, thường truyền tụng thiên diễm tình thăng hoa của họ và tôn xưng họ là Võ Lâm Thiên Thủ song tôn.
Ngót ba mươi năm, chẳng những Vô Tướng thiền sư và Tuyệt Trần thần ni không hề gặp mặt, mà Mai Chưởng Tản Nhân Lã Chí Viễn cũng biệt vô âm tín trong giang hồ.
Võ Lâm song tôn thu nạp môn đồ, truyền thụ võ nghệ của bổn môn, vừa nghiền ngẫm Phật học, vừa mài giũa tuyệt kỹ, an nhàn tự tại.
Thời gian như bóng câu qua cửa, thấm thoát đã hai mươi bảy năm, cho đến cách đây ba năm, sau tiết Đoan Ngọ, ngoài sơn môn Không Tĩnh tự trên Nga Mi Kim Đỉnh đột nhiên xuất hiện năm vị khách lạ.
Đứng đầu chính là Mai Chưởng Tản Nhân Lã Chí Viễn, nay đã ngót tám mươi tuổi, râu tóc bạc phơ, vẻ anh tuấn năm xưa đâu còn.
Sau lưng Lã Chí Viễn là bốn người trạc tuổi ngũ tuần, tóc bạc râu dê, lăm lăm binh khí. Họ là các đệ tử đắc ý của Lã Chí Viễn.
Lã Chí Viễn ngang nhiên đứng ngoài sơn môn, chỉ tay gọi đích danh Vô Tướng thiền sư ra đối thoại, nhưng hôm đó Vô Tướng thiền sư vừa đem bốn hộ pháp cùng Đường Chấn Anh xuống núi, không có ở tự.
Các vị tăng lữ cao niên năm xưa nay đã lần lượt viên tịch, nên không ai biết Mai Chưởng Tản Nhân Lã Chí Viễn. Bốn đại đệ tử là Hư Vân, Hư Tiêu, Hư Lôi, Hư Chấn cùng ra nghênh tiếp.
Nghe bốn đại đệ tử xưng danh, bảo Vô Tướng thiền sư đi vắng, Lã Chí Viễn chẳng nói chẳng rằng, phẩy tay một cái, bốn đệ tử của hắn lập tức vung binh khí công kích bốn vị hòa thượng.
Tám người giao đấu đã mấy giờ liền, trời đã sẫm tối vẫn chưa phân thắng bại, Lã Chí Viễn quát dừng tay, rồi bảo với Hư Vân :
- Lão phu tới đây là muốn tìm sư phụ của các ngươi để báo cừu rửa hận, nhưng y đi vắng, vậy ta cho hắn sống thêm ba năm nữa, cũng là đủ để cho hắn có thời gian chuẩn bị.
Ngừng một chút, hắn nói tiếp :
- Bọn ngươi hãy nhớ, ba năm sau lão phu nhất định sẽ lấy thủ cấp của y, nhưng trước khi giết y, ta muốn giết chết một trăm đệ tử của phái Nga Mi. Ngoài ra, các ngươi cũng chuyển lời ta, bảo sư thúc của các ngươi là Mai Phụng Quyên, ba năm nữa hãy tới đây luôn thể.
Bốn vị hòa thượng nộ khí xung thiên, xông lên muốn động thủ, nhưng Lã Chí Viễn phẩy tay một cái, một trận cuồng phong thổi dạt họ ra xa ba trượng.
Lã Chí Viễn cười khẩy nói :
- Đấy mới chỉ là ta cho các ngươi thêm chút kiến thức, nếu các ngươi còn dám tiến lên một bước, ta sẽ biến các ngươi thành cám và san phẳng Không Tĩnh tự.
Đoạn hắn ra lệnh cho bốn đệ tử bỏ đi.
Bốn vị hòa thượng thấy lão ta chỉ phẩy tay áo mà đã đẩy lui họ ba trượng thì đủ biết võ công quá cao cường, đành đứng nhìn năm sư đồ hắn bỏ đi.
Khi Vô Tướng thiền sư hồi tự, Hư Vân thuật lại đầu đuôi sự việc với sư phụ.
Vô Tướng thiền sư nghe xong thì chấn động tâm thần.
Nên biết, Lã Chí Viễn đẩy lui bốn hòa thượng bằng một cái phẩy tay áo, đó chính là một tuyệt kỹ của phái Nga Mi có tên “Huy Tụ Đẩu Phong Bát Bách Lý”, lực đạo đủ khả năng quăng người ra xa trăm bước, nội gia chân lực đến mức ấy thì hết chỗ nói. Từ đó đoán biết rằng tu vi võ công của Lã Chí Viễn đã hơn hẳn ba mươi năm về trước, cho nên lão thiền sư mới kinh sợ là vậy.
Nguyên khi ba đồ đệ của Tịch Hóa trưởng lão hạ sơn, Tịch Hóa trưởng lão có đem chép lại hết bí kíp võ công chính tông bí truyền của phái Nga Mi, trừ Song luân, Mai chưởng, Thần địch đã dạy, làm ba bản, giao ỗi người một bản, căn dặn họ cố công mài giũa để thông hiểu và biểu dương chính nghĩa, cho tuyệt học của bổn môn khỏi bị thất truyền.
Vô Tướng thiền sư nay nghe Lã Chí Viễn đã luyện thành Huy Tụ Đẩu Phong Bát Bách Lý, thì chắc rằng hắn cũng đã luyện xong các tuyệt kỹ khác của phái Nga Mi. Nếu tự mình không bỏ công tu luyện các môn chép trong bí kíp, e khó bề thủ thắng khi gặp lại hắn. Thế là Vô Tướng thiền sư vội viết thư, sai Hư Tiêu đi gấp đến trao cho sư muội Thần Địch Thiên Âm Mai Phụng Quyên, hẹn đến Lư Sơn gặp mặt.
Sau đó, Vô Tướng thiền sư tuyên bố bế quan, đem chức vị Chưởng môn tạm giao cho Hư Vân đảm nhiệm, rồi đem Đường Chấn Anh tới Lư Sơn.
* * * * *
Hư Vân hòa thượng kể tràng giang đại hải về cuộc tranh chấp trong nội bộ phái Nga Mi ba mươi năm về trước, đến nay vẫn chưa chấm dứt. Rồi thiên diễm tình từng làm rúng động cả võ lâm, biết được gì, Hư Vân hòa thượng đều kể ra hết.
Đường Chấn Anh và Đường Tử Vi ngồi nghe mà sắc diện luôn luôn thay đổi, tùy theo tình tiết câu chuyện mà lúc hoan hỷ, lúc bi thương, khi phẫn nộ...
Cuối cùng, khi Tử Vi cô nương nghĩ đến sư phụ Tuyệt Trần thần ni hồng nhan bạc mệnh, hận tạo hóa trớ trêu, mới khóc nấc lên, các vị sư huynh phải vội vàng an ủi.
Đường Chấn Anh trầm ngâm một hồi, rồi nói :
- Lần tiểu đệ theo sư phụ hạ sơn trở về, nghe bảo bốn vị sư huynh giao chiến một trận ác liệt với người, hóa ra là với bốn đệ tử của Lã Chí Viễn. Vậy tại sao dạo đó tiểu đệ hỏi mà chẳng vị sư huynh nào nói cho tiểu đệ hay biết nội tình?
Hư Vân hòa thượng đáp :
- Vì sư phụ dặn rằng, nếu đem loan truyền vụ này ra ngoài thì sẽ làm hại đến thanh danh bổn phái, nên không muốn để bất cứ ai đàm luận việc đó.
Tử Vi cô nương đã ngừng khóc, bỗng hỏi :
- Đại sư huynh, bốn kẻ bịt mặt giao chiến sớm nay nhất định là bốn kẻ từng giao chiến với các sư huynh cách đây ba năm, đều là đệ tử của Lã Chí Viễn phải không?
Hư Vân gật đầu nói :
- Mấy kẻ bịt mặt ấy trong lần giao đấu với sư đệ và sư muội, huynh đã nhận biết là bọn chúng ngụy trang, có điều là trong lần giao chiến cách đây ba năm, chúng sử dụng loại binh khí khác. Nay thấy chúng sử dụng Kim Mai Hạc Chưởng, thì huynh biết ngay chúng là đệ tử của Lã Chí Viễn.
Sáu sư huynh đệ đàm luận mải mê, trời đã sẫm tối, phải thắp đèn lên và dùng bữa tối, mà câu chuyện vẫn còn tiếp diễn.
Đường Chấn Anh hỏi :
- Các đệ tử của Mai Chưởng Tản Nhân Lã Chí Viễn đến đây ám toán là để thực hiện lời Lã Chí Viễn bảo sẽ giết một trăm người của Nga Mi phái chúng ta, nhưng vì sao chúng phải ngụy trang không dám để lộ bổn lai diện mục?
Mọi người cũng có cảm nghĩ như vậy, trong nhất thời chưa nghĩ ra là vì lý do gì?
Đường Chấn Anh lại nói :
- Nhưng xem ra võ công của mấy kẻ bịt mặt kia hoàn toàn không phải thuộc hàng đệ nhất cao thủ, sau hai lần động thủ, tiểu đệ với chúng tuy chưa phân định cao thấp hẳn hòi, nhưng tiểu đệ cho rằng bọn này hoàn toàn không đủ khả năng sát hại mười tám người của chúng ta vừa rồi.
Tam sư huynh Hư Lôi nói :
- Anh sư đệ nói có lý, sát nhân không lưu một vết tích, nhất định là kẻ khác...
Tứ sư huynh Hư Chấn vỗ bàn :
- Không biết hung thủ đích thực là ai?
Không khí bỗng trở nên im lặng nặng nề, ai cũng trầm tư suy nghĩ.
Tử Vi cô nương đưa mắt nhìn các vị sư huynh, nhỏ nhẹ cất tiếng :
- Theo tiểu muội suy đoán, kẻ sát hại mười tám người của chúng ta chắc là Hắc Y Nữ mà sáng nay Anh sư huynh đã thả cho đi.
Giọng nàng nhỏ nhẹ, riêng ba tiếng “thả cho đi” thì nhấn mạnh ngữ khí. Nói xong, nàng liếc xéo Đường Chấn Anh một cái.
Lời nhận định của nàng khiến ai nấy đều giật mình.
Đường Chấn Anh nhìn Tử Vi, cho rằng nàng có ý đả kích cùng quy trách nhiệm cho chàng, nhưng không tiện đối đáp, chỉ mỉm cười hỏi :
- Không biết sư muội nói thế là có gì làm bằng chứng?
Tử Vi làm như không nghe thấy, cũng chẳng lý gì đến chàng, cầm đũa gắp thức ăn lên miệng mà thủng thẳng nhai.
Đường Chấn Anh vô cùng bối rối, nhưng không thể phát tác, nghĩ bụng: “Nữ hài tử thì cái gì cũng hay cũng đúng, dù có phân trần cũng chẳng làm cho nàng hết nghi ngờ”.
Đại sư huynh Hư Vân sợ Đường Chấn Anh thẹn quá hóa giận, dễ thành đại náo, vội nói :
- Sư muội thông minh, có con mắt sắc sảo, đã nhận xét ắt có lý do, mong sư muội nói ra cho các sư huynh được học hỏi thêm.
Hư Vân hòa thượng đã đề cao như vậy, Tử Vi cô nương làm sao có thể im lặng, vội cười đáp :
- Đại sư huynh nói vậy, tiểu muội đâu dám nhận? Nếu hỏi đến bằng chứng thì tiểu muội chưa dám đoán chắc là đúng hay chưa, còn mong các sư huynh luận định thêm.
Nàng ngừng lời, nhìn Hư Vân và Đường Chấn Anh rồi mới tiếp :
- Ba chúng ta đêm qua ngồi trong phòng, nghe ngoài song có tiếng nói rất nhỏ, nhị vị sư huynh còn nhớ chứ?
Đường Chấn Anh chỉ mong có cơ hội đáp thoại với nàng, vội đáp ngay :
- Sao không nhớ, tựa hồ có tiếng nói “kỳ quái” thì phải.
Tử Vi nói tiếp :
- Nghe thanh âm thế nào?
Đường Chấn Anh chột dạ, đã hiểu ra ý của nàng, bèn đáp :
- Thanh âm rất khẽ và trong, dường như là của nữ nhân.
Lời chưa dứt, Tử Vi đã nhếch môi nói trước :
- Không phải dường như, mà đích xác là thanh âm của thiếu nữ. Nếu tiểu muội đoán không lầm, thanh âm ấy với khẩu âm của Hắc Y Nữ chỉ là một, chắc chắn là một. Cây châm nhỏ xíu nhắm vào huyệt “Tướng Đài” của tiểu muội chính là do kẻ ở ngoài song tập kích. Chẳng phải Hắc Y Nữ sát hại mười tám nhân mạng của chúng ta mà không để lại vết tích thì còn ai vào đó nữa?
Lời Tử Vi rành rọt, quả quyết, nghe hoàn toàn có lý, mấy vị sư huynh đều thán phục, duy Đường Chấn Anh thì cúi đầu hổ thẹn.
Hư Chấn hòa thượng đột nhiên nói :
- Nhưng Hắc Y Nữ là ai mới được chứ?
Hư Lôi hòa thượng nói :
- Nếu kẻ đoạt hồn sách mệnh đúng là Hắc Y Nữ, thì nữ tặc ấy có thủ pháp sát nhân kỳ quái, võ công cao cường và thân pháp cực kỳ mau lẹ, thật là một nhân tài kiệt xuất, một đệ nhất cao thủ. Xem ra không giống với đệ tử của Mai Chưởng Tản Nhân Lã Chí Viễn.
Đại sư huynh Hư Vân trầm ngâm suy nghĩ.
Tử Vi nhìn các vị sư huynh một lượt, đoạn thong thả nói :
- Hắc Y Nữ có lẽ không phải là truyền nhân của Lã Chí Viễn, nhưng theo thiển ý của tiểu muội thì nữ tặc ấy đồng lộ với bọn bịt mặt, có quan hệ mật thiết với chúng. Nếu nữ tặc ấy chính là hung thủ thì bọn bịt mặt là những kẻ chuyển tống ngân bài “Đoạt Hồn Sách Mệnh”.
Nhị sư huynh Hư Tiêu từ lâu im lặng, lúc này mới vuốt râu, buột miệng nói :
- Ngu huynh cũng nghĩ như sư muội, nhưng còn có một điểm chưa làm sao hiểu nổi.
Hư Lôi hỏi :
- Là điểm gì vậy?
Hư Tiêu đáp :
- Tại sao lại phải phân chia làm hai nhóm? Nhóm đầu chuyển tống ngân bài, nhóm sau mới ra tay sát hại?
Đại sư huynh Hư Vân nói :
- Đúng vậy, huynh cũng cảm thấy khó hiểu nổi. Chẳng những thế, bốn đệ tử của Lã Chí Viễn đã y lời cảnh cáo mà đến, vậy tại sao lại còn bịt mặt ngụy trang, giấu đầu hở đuôi? Thật là nan giải.
Bỗng ngoài cửa phòng vang lên tiếng nói :
- Có điều gì nan giải, cứ nói hết ra coi?
Thanh âm rất trầm vang, nghe như tiếng chuông chùa ban mai.
Sáu người trong phòng nghe giọng biết người, không hẹn cùng reo lên hoan hỷ. Tất cả vội đứng dậy, định ùa cả ra, những đã thấy một lão nhân đầu hói nhẵn thín, có bộ râu dê trắng như cước, ung dung bước vào.
Lão nhân mặc bộ y phục rách rưới màu đen, vá chằng vá đụp, tay áo đã ngắn lại mất cả gấu, dây lưng là một thứ vỏ cây mềm tước ra, chân đi hài cỏ. Thân hình gầy như que củi, đầu thì hói nhẵn thín, dưới ánh đèn trông cứ bóng láng cả lên.

Lão nhân không đợi sáu người kia thi lễ, ngồi luôn xuống bàn ăn.
Chỉ nghe một trận xôn xao :
- Vạn Sự Thông, cơn gió lành nào đã thổi lão tiền bối tới đây vậy?
- Thông Thiên Hiểu Địa, lão tiền bối đến đúng lúc quá, đang có bao nhiêu nghi vấn chờ tiền bối lý giải đây. Tiền bối mà không giải đáp được thì còn gì là danh xưng Vạn Sự Thông?
- Nhất Trăng Đăng Chiếu Minh Thiên Hạ mà phải ăn chay thế này, không có rượu thịt e cứng lưỡi hết nói nổi.
Mấy người trẻ tuổi cứ liên tiếp trêu chọc vị lão nhân ấy.
Lão nhân hói đầu là một vị tiền bối của võ lâm, bất luận trong nội địa Trung Nguyên hoặc ngoài biên cương xa xôi, dù hắc đạo hay bạch đạo, ở trên bộ hay dưới nước, bất cứ ai có luyện qua quyền cước thì đều nghe danh của lão nhân này, không khác gì nghe sấm giữa trời, nhìn vầng trăng trên đầu.
Lão nhân họ Tang, tên Bác Cổ, vì tuổi thọ rất cao, nên kinh nghiệm lịch duyệt siêu quần, phàm mọi sự tình ân oán trong giang hồ, việc gì cũng biết, kỳ nhân kỳ sự chuyện nào cũng thông, đã nói là trúng. Bởi vậy quần hào tôn xưng lão nhân bằng các ngoại hiệu như Võ Lâm Vạn Sự Thông, Thông Thiên Hiểu Địa, Thổ Công Bất Lão Tang Bác Cổ, hoặc Nhất Trăng Đăng Chiếu Minh Thiên Hạ.
Võ Lâm Vạn Sự Thông tuy đã ngoài trăm tuổi, thuộc hàng tiền bối của tiền bối, nhưng tính nết phóng khoáng, thoải mái, không chịu ràng buộc, tự do như cá nước chim trời, luôn luôn du hí phong trần, giỡn đùa thế gian. Bất kể thân phận, nam phụ lão ấu, Võ Lâm Vạn Sự Thông đều coi như nhau, không hề phân biệt, không câu nệ lễ giáo, húy kỵ, nhưng lão nhân ghét ác như thù, ân oán phân minh.
Tang Bác Cổ có giao tình thân thiết với Võ Lâm song tôn, rất thường lai vãng, dù Song Tôn đang bế quan tại Lăng Tiêu Thiên Oan ở Lư Sơn, Tang Bác Cổ cũng bất kể, cứ xông bừa vào gặp, vậy mà Tuyệt Trần thần ni và Vô Tướng thiền sư vẫn hoàn toàn vui vẻ tiếp kiến.
Thực ra, luận về tuổi tác và thân phận, Võ Lâm song tôn còn thua Tang Bác Cổ một bậc.
Sáu người ở đây dĩ nhiên quá quen thuộc với Tang Bác Cổ, biết rất rõ tính khí của lão nhân nên mới trêu chọc thoải mái.
Một chú tiểu đã sớm mang chén đũa tới. Tang Bác Cổ chẳng nói chẳng rằng, cầm đũa gắp lần lượt các món ăn một hồi, rồi mới cầm chung lên nhấp một ngụm, hừ một tiếng, nhăn mặt, lắc đầu nói :
- Tiệc tùng gì mà không có rượu? Lại đi lấy trà hương mạo xưng mỹ tửu...
Đường Chấn Anh rất thích trêu ghẹo đùa cợt với lão nhân vui tính, lại biết lão nhân uống rượu như nước, nên cố ý nói dối :
- Ba chữ “Vạn Sự Thông” hôm nay nên phải sổ toẹt mất thôi, có mỗi một chuyện nhỏ cũng không biết, làm sao đòi xưng là Thông Thiên Hiểu Địa?
Tang Bác Cổ miệng lưỡi sắc bén, chẳng chịu thua ai, đáp :
- Gã oa nhi chuyên ăn chay này, không mau mang rượu ra cho lão phu, lại còn đòi sổ toẹt nhã hiệu của lão phu thì thật vô lý. Ngươi bảo chuyện gì mà lão phu không biết hả? Nói mau!
Đường Chấn Anh cười hì hì :
- Thi sĩ Đỗ Tiểu Sơn đời Tống từng có bài Hàn Dạ...
Tang Bác Cổ không để chàng nói tiếp, lập tức đọc luôn:
Hàn dạ khách lai trà đương tửu,
Trúc lo thang phí hỏa sơn hồng.
Tầm thường nhất dạng song tiền nguyệt
Tài hữu mai hoa tiện bất đồng.
(Đêm lạnh khách lai trà thay rượu
Lô than nhóm sẵn lửa đương hồng
Ngoài song trăng nhạt trời hiu hắt
May có hương mai đậm tình nồng)
Đường Chấn Anh vội nói :
- Ồ, đã biết điển tích ấy, có trà rồi sao còn đòi rượu?
Tang Bác Cổ lắc đầu nói :
- Không được, không được. Người ta là tao nhân mặc khách, còn ta là thổ địa công công (thổ công) chứ không phải thi nhân. Sư huynh đệ các ngươi đừng keo kiệt nữa, mau đem loại rượu hoa quả đặc chế của Không Tĩnh tự ra đây, ít nhất phải hai vò, rồi muốn hỏi gì thì lão thổ công này mới nói.
Vừa nói vừa phẩy tay liên tục về phía sáu người, có ý giục giã.
Tử Vi cười run cả người :
- Lão thổ công đừng nôn nóng, muốn uống rượu không khó, chỉ cần giải đáp đúng một câu đố thì hài nhi bảo đảm sẽ có rượu cho lão tiền bối.
Lúc này chú tiểu đã bưng vò rượu đến cửa. Tử Vi lanh mắt lẹ tay đón lấy giấu xuống gầm bàn, nhưng mùi rượu thơm lừng đã lan tỏa khắp phòng.
Tang Bác Cổ hoa chân múa tay, miệng khen rối rít :
- Hảo tửu! Hảo tửu!
Tử Vi chìa vò rượu ra, rồi rụt ngay lại, đưa mắt cho Đường Chấn Anh, nháy nháy.
Đường Chấn Anh hiểu ý, thò tay vào túi, lấy một gói giấy, mở ra, hai tay chìa trước mặt Tang Bác Cổ, cười nói :
- Rượu hoa quả có được rót vào miệng hay không, “Vạn Sự Thông” ba chữ có bị sổ toẹt hay không, hoàn toàn lệ thuộc vào việc tiền bối có biết mấy thứ này là gì không đã.
Tang Bác Cổ nhướng mày, mắt sáng rực, cúi xem mấy thứ nằm trong lòng bàn tay của Đường Chấn Anh, kinh ngạc hỏi :
- Ngươi đào đâu ra thứ này?
Sáu người thấy vẻ kinh ngạc của lão nhân, đều trở nên chăm chú.
Tử Vi vội nói :
- Tiền bối trả lời đi đã, rồi sẽ nói cho tiền bối biết là đào ở đâu ra.
Tang Bác Cổ nói :
- Ba bông lam mai này gọi là Lãnh Hương Tiêu Hồn Mai, có chứa độc dược, do nhị sư thúc của các ngươi đã bị trục xuất khỏi phái Nga Mi là Mai Chưởng Tản Nhân Lã Chí Viễn thiết kế và chế tạo ra.
Hư Chấn hòa thượng giơ hai ngón tay cái lên nói :
- Quả không hổ danh là Vạn Sự Thông!
Tang Bác Cổ nói tiếp :
- Còn hai cây châm nhỏ gọi là Đả Huyệt Xuyên Mạch Đoạt Mệnh châm, hoặc còn gọi là Thần Tiêu Sầu, chỉ có hai người biết chế tạo loại châm này, ấy là...
Lão nhân sắp nói tiếp, bỗng im bặt.
Sáu người chính đang muốn biết điều quan trọng nhất, đâu ngờ lão nhân cố ý dừng lời, vội hỏi :
- Hai người ấy là ai, thuộc môn phái nào vậy?
Tang Bác Cổ thấy sư huynh đệ sáu người kia quá sốt ruột, đành đáp :
- Một người là Biệt Tử Ngưu Quỷ.
Tử Vi thấy lão nhân lấp lửng, bèn hỏi :
- Lão thổ công có định uống rượu bách quả hay không đó?
Tang Bác Cổ vuốt chòm râu dê, hỏi lại nàng :
- Thế ngươi có muốn biết người thứ hai là ai hay không?
Tử Vi bưng vò rượu lên, mũi hít hít, đáp :
- Ôi, không muốn biết thì còn hỏi làm gì?
Tang Bác Cổ cầm chung, giơ ra :
- Rót rượu vào đây đi!
Tử Vi nói :
- Giảng rồi mới rót.
Tang Bác Cổ nói :
- Uống rồi mới giảng.
Một già một trẻ tranh giành thiệt hơn, khiến bốn vị hòa thượng và Đường Chấn Anh ôm bụng mà cười.
Tử Vi muốn biết người chế tạo Đả Huyệt Xuyên Mạch Đoạt Mệnh châm là ai, đành rót cho Tang Bác Cổ một chén.
Tang Bác Cổ dốc cả chung rượu vào miệng, hoan hỷ nói :
- Ai không uống rượu, làm sao thông hiểu lẽ càn khôn, thật đáng thương!
Vừa nói, vừa chìa cái chung không ra trước mặt Tử Vi.
Tử Vi biết lão nhân tửu lượng vô địch, bèn rót rượu vào một cái tô lớn cho lão nhân.
Tang Bác Cổ lại uống hết một hơi, rồi cao hứng ngâm một bài thơ dài.
Tử Vi đặt vò rượu xuống gầm bàn, xua xua tay cười nói :
- Thôi thôi, lão tiền bối trả nợ đi đã, cứ uống thế này biết bao giờ mới dứt?
Tang Bác Cổ lắc đầu :
- Cái con nha đầu chanh chua đáo để này, không biết có ai thèm lấy ngươi...
Tử Vi nói :
- Đã thế, hài nhi cho lão tiền bối tắm bằng rượu luôn.
Đoạn, nàng hăm hở bưng vò rượu dốc vào miệng lão nhân, vẻ mặt vờ hầm hầm giận dỗi.
Tang Bác Cổ thấy rượu đổ tung tóe, vội giơ hai tay giữ chặt chiếc vò, cười ha hả :
- Đúng là dụng tướng không bằng khích tướng.
Đoạn tự dốc rượu vào miệng mà uống ừng ực. Thoáng chốc hũ rượu nặng năm cân đã cạn sạch.
Tử Vi vừa giận vừa buồn cười, định nói vài câu, nhưng Tang Bác Cổ đã đặt vò xuống, đưa tay áo chùi miệng rồi nói :
- Các ngươi đừng nôn nóng, lão phu không mang nợ đâu. Giờ thì rượu uống xong rồi, các ngươi hãy rửa tai mà nghe đây.
Trong phòng tức thời im phăng phắc. Tang Bác Cổ vuốt râu, thong thả nói :
- Trong võ lâm, có một vị tuổi tác xấp xỉ lão phu, nhưng võ công thì hơn hẳn ta, lại là nữ nhân, các ngươi có biết là ai hay chưa?
Tử Vi đáp :
- Tiền bối lại vòi vĩnh...
Đường Chấn Anh hỏi :
- Có phải là người được võ lâm tôn xưng là Càn Khôn Nhất Mẫu hay không?
Tang Bác Cổ gật đầu :
- Không sai, vậy là sư phụ của ngươi đã dạy điểm này.
Hư Vân hòa thượng nói :
- Càn Khôn Nhất Mẫu đã vũ hóa trên đỉnh Hoàng Sơn...
Tang Bác Cổ ngắt lời Hư Vân :
- Càn Khôn Nhất Mẫu còn sống hay không, đó là chuyện khác, hiện không bàn đến. Điều ta muốn nói, tức hai cây châm Thần Tiên Sầu kia chính là ám khí độc môn của Càn Khôn Nhất Mẫu, mấy chục năm nay trong võ lâm, uy chấn hoàn vũ, quỷ thần đều kinh, chưa ai đương nổi...
Sáu người cùng tỉnh ngộ, cùng thốt lên tiếng “ôi”. Hư Tiêu nói :
- Vãn bối từng nghe sư phụ bảo rằng, Càn Khôn Nhất Mẫu diệu khả thông huyền, đã luyện được môn tuyệt kỹ Thần Bí Đoạn Hồn chưởng. Không biết Thần Bí Đoạn Hồn chưởng cùng với Đả Huyệt Xuyên Mạch Đoạt Mệnh châm liên quan với nhau thế nào?
Mấy người còn lại đều đoán theo hướng đó.
Tang Bác Cổ cười ha hả :
- Nhi đồng dễ dạy, nhi đồng dễ dạy. Các ngươi học một biết mười, suy đoán giỏi đó. Quần hào võ lâm tuy đều biết sự lợi hại của Thần Bí Đoạn Mệnh Chưởng, nhưng lại không biết thứ chưởng ấy có kèm theo Thần Tiêu Sầu. Bí mật này ngoài Vạn Sự Thông ra chẳng một ai, kể cả sư phụ các ngươi, là có thể hay biết ngọn nguồn của nó.
Hư Lôi hỏi :
- Kèm theo Thần Tiên Sầu là thế nào?
Tang Bác Cổ đáp :
- Càn Khôn Nhất Mẫu tuy đã trăm tuổi, nhưng vẫn một thân xử nữ, nên mới luyện được Thần Bí Đoạn Hồn chưởng là một tuyệt kỹ khó nhất trong Huyền Môn Vô Tướng thần công. Đoạn Hồn chưởng ấy vô sắc, vô thanh, vô phong, hoàn toàn chỉ dựa vào tiềm lực nội gia, người bị tập kích không hề hay biết mình đã trúng chưởng. Đả Huyệt Xuyên Mạch Đoạt Mệnh châm được tiềm lực vô hình kia phóng đi, tự tìm đến một trong ba mươi sáu yếu huyệt sinh tử trên thân mình đối phương, đối phương tuyệt đối không thể chuẩn bị và né tránh. Đoạt Mệnh châm một khi đã phóng ra là bách phát bách trúng, không chệch một mũi, công phu đối phương càng cao, mũi châm càng tìm đến huyệt chuẩn xác hơn. Trúng huyệt rồi, nó sẽ chui và mạch, xuyên gân, theo đường máu mà đến thẳng tim, đối phương đi chưa quá bảy bước đã chết tươi, không cách gì giải cứu. Đoạt Mệnh châm còn ảo diệu ở chỗ sau khi chui vào huyệt đạo, hoàn toàn không để lộ vết tích gì, cho nên dù có kiểm tra tử thi thật kỹ, cũng không sao tìm ra chỗ tử thương, ai cũng cho rằng trúng chưởng mà chết, không ngờ là bị trúng châm mà vong. Vì thế, ba vị sư huynh đệ của các ngươi chết ở Lư Sơn mà sư phụ của các ngươi không biết vì sao họ chết và chết như thế nào là vậy.
Đường Chấn Anh và Tử Vi kinh ngạc :
- Vậy là lão tiền bối đã đến Lư Sơn Hương Lô phong?
Tang Bác Cổ gật đầu :
- Đúng vậy, chẳng những lão phu đã đến Hương Lô phong, mà còn nhận lời thỉnh cầu của sư phụ các ngươi, tạm thời đến trấn thủ nơi này, bảo hộ cho các ngươi được an toàn.
Lão nhân đang cao hứng, bỗng nghe ngoài song có tiếng cười lạnh lùng :
- Khẩu khí không nhỏ, nhưng ta hỏi ngươi liệu có đủ sức bảo hộ nổi hay chăng?
Thanh âm không cao, nhưng nghe chói tai, chứng tỏ chân lực nội gia vô cùng thâm hậu.
Sáu người giật mình, còn đang sững sờ thì Vạn Sự Thông đã biến đi đâu không rõ.
Họ vội búng mình ra khỏi phòng, nhìn quanh, nhưng cả người vừa nói lẫn Vạn Sự Thông đều biến mất tăm.
Tử Vi nói nhỏ :
- Nghe khẩu âm có vẻ rất quen.
Đường Chấn Anh nói :
- Dường như đã nghe giọng người này ở đâu rồi, nhưng nhớ chưa ra.
Cả bọn chưa biết nên truy tìm theo hướng nào, bỗng thấy từ hướng chính tây có một bóng người lao tới như một mũi tên.

Bình Luận (0)
Comment