Thiên Tướng Tận Trung

Chương 49

Thu qua đông đến, những hàng cây lá vàng được thay bằng những hàng cây trụi lá. Sự khắc nghiệt của cuộc sống làm cho sinh vật cũng phải cố gắng thích nghi. Cũ đi, mới đến phải chăng báo hiệu cho sự tân sinh? Báo hiệu cho đời sống mới? Hay chỉ là sự ra đi của thời đại?

Từ Phong thả mình bước đi trên đường lớn. Hai bên đường là những cửa hàng nhỏ cùng với những bức tường gạch đá loang lổ nhuốm bụi thời gian xen kẽ những hàng cây lớn đã trụi lá.

Ở nơi đây không quá đông đúc, dòng người càng là thưa thớt. Dọc đường đi, hắn nhận ra thương nhân hầu như không có. Ở đây chỉ có những người dân nghèo đang kiếm sống qua ngày cùng với những người trẻ tuổi từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng tòa thành.

Tòa thành này có tên là Cổ thành, một cái tên ngược và đặc biệt. Đáng lý ra theo chuẩn ngữ pháp, nó phải tên là Thành Cổ. Thế nhưng bất cứ cái tên nào cũng có lý do ra đời và một lịch sử riêng.

Tục truyền ở rất lâu về trước, khi loài rồng Akamana còn thống trị cả đại lục, lúc ấy loài người phải cung phụng và đáp ứng tất cả các yêu cầu của chúng thì mới được phép sinh sống và sản sinh thế hệ mới. Một quy luật bất thành văn đó là nhân loại chúng ta lệ thuộc vào chúng, nhân loại chúng ta chính là nô lệ của chúng.

Ở tất cả bộ lạc, thôn làng hay thành thị, ở khu trung tâm đều phải dựng lên một pho tượng của loài rồng Akamana nhằm thể hiện sự tôn kính. Cứ sáng sớm mỗi ngày, tất cả nhân loại thuộc khu vực ấy phải tập trung về nơi đó mà cung kính quỳ lạy, hoan hỉ đọc lấy những lời cầu xin sáo rỗng, những lời ca ngợi rập khuôn.

Không chỉ như thế, đến hẹn lại lên, nhân loại phải cung kính hiến dâng những thứ trân quý nhất, kể cả những thiếu nữ xinh đẹp động lòng người cho loài rồng thống trị. Ban đầu khi nhận thức còn hạn hẹp, người ta còn không cảm thấy gì. Tuy nhiên theo năm tháng trôi đi, khi nhận thức của nhân loại được cải thiện rõ rệt, con người ta nhận ra được những thứ đen tối ẩn đằng sau bức màn thần thánh ấy.

Rồi việc gì đến cũng phải đến, khi nhiều người cùng chung một tư tưởng, cùng chung khát khao, cùng chung kẻ thù có cơ hội gặp mặt nhau thì họ nhanh chóng liên kết thành một hay nhiều tổ chức. Do đó, chẳng bao lâu sau các cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra liên tiếp. Song đó vẫn chỉ là những cuộc đánh nhỏ lẻ, và do vậy mà kết cục của những cuộc khởi nghĩa này là bị tàn sát đẫm máu. Ở thời kỳ đầu ấy, con người không có khả năng chống lại loài thống trị.

Mãi cho đến khi xuất hiện một vị kỳ tài. Vị anh hùng không có họ, chỉ có tên, và tên chỉ có duy nhất một chữ, đó là “Cổ”. Trong suốt 40 năm đầu, Cổ từ một kẻ sinh sống nơi rừng già đã vươn mình trở thành kẻ thống trị hơn hai phần ba nhân loại trên đại lục. Và ở nơi đây, Cổ xây thành. Một ngôi thành to lớn đồ sộ, hiên ngang khí khái, lẫm liệt như muốn chọc thủng tầng mây mà tuyên bố vĩnh tồn.

Và Cổ đặt tên cho tòa thành này là Cổ thành. Tương truyền Cổ đặt tên như vậy là để tuyên bố rằng ngôi thành này là của Cổ, ngôi thành này là ngôi thành của nhân loại, là ngôi thành không nằm dưới sự thống trị của loài rồng Akamana.

Và hiển nhiên, chỉ vì cái tên của tòa thành, chứ không cần thêm lý do gì nữa, loài rồng Akamana cảm thấy bị sỉ nhục, chúng lập tức tiến hành chinh phạt ngôi thành. Cuộc chiến Đồ Long bắt đầu từ đó. Và chiến trường khốc liệt nhất chính là ở tòa thành này.

Tục kể rằng dưới sự dẫn dắt của Cổ, Cổ thành biến thành chiến trường đẫm máu. Cứ hai ngày là một trận đánh nhỏ, 100 ngày là một trận đánh lớn. Nhân loại vốn khát khao tự do và làm chủ số phận của mình đã ùn ùn kéo đến vùng đất quyết chiến này. Vì thế, ở đây lâm vào giằng co.

Người ta nói rằng trong hai thập kỷ đó, ở nơi đây nhuộm đỏ một màu máu tươi, không chỉ máu của nhân loại, còn có máu của loài rồng thống trị. Không chỉ có máu, xương cốt còn được chất thành đống và hay lấy lửa thiêu làm lời tiễn biệt những người anh hùng đã anh dũng hi sinh.

Suốt 2 thập kỷ Đồ Long, Cổ thành đứng vững trước bao nhiêu cuộc chiến. Nhiều lúc nó vỡ vụn, và nó cũng được sửa chữa ngay sau đó. Song sau trận chiến cuối cùng, mọi người vứt bỏ nó.

Vào trận chiến cuối cùng ấy, bầu trời cũng trở nên đảo điên, sấm vang chớp giật liên miên, đất đá lộn ngược bay lên những tầng mây. Vị anh hùng Cổ cùng với những vị anh hùng khác phải chống chọi với một đội quân rồng hùng mạnh do con rồng chúa dẫn đầu. Trận chiến 7 ngày 7 đêm đó chôn vùi không biết bao nhiêu anh hùng, cũng chôn vùi không biết bao nhiêu con rồng Akamana. Kết quả cuối cùng, Cổ với võ công cái thế đồng quy vu tận cùng con rồng chúa.

Trận chiến chấm dứt, xác chết đầy đất, máu chảy thành sông. Suốt cả mấy ngàn năm sau, nơi đây là một mùi tanh của máu, là một vùng đất đỏ tươi đầy yêu dị mà không có một loài thực vật nào có thể sống được. Bởi vậy, nơi đây bị bỏ hoang. Cổ thành cũng biến mất khỏi lịch sử.

Mãi đến 10.000 năm trước, vùng đất này mới trở nên “dễ mến” hơn. Do đó một số loài thực vật bắt đầu vươn rễ về nơi đây. 7 ngàn năm trước, một số người đã kéo về đây sinh sống, và họ bắt đầu xây dựng lại Cổ thành.

Song nền đất chỉ trồng được vài loại thực vật, vùng đất hoang vắng, vùng đất gần như hẻo lánh khiến nơi đây vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn tồi tàn và xác xơ cho đến tận bây giờ.

Những người đến nơi này đa số là người dân bản địa và những thư sinh thích du lịch đó đây, hay những kẻ thích tìm lại lại lịch sử hào hùng.

Quả thật, nơi này không mấy hấp dẫn. Dù cho có truyền thuyết kể rằng dưới Cổ thành chôn giấu một bí mật động trời, một bí mật liên quan đến vận mệnh của cả đại lục, và cũng có thể là một bí mật giúp Cổ có gan khiêu chiến loài rồng Akamana hung tợn.

Đương nhiên vào 10 ngàn năm trước, số người đổ về đây tìm kiếm bí mật trong truyền thuyết nhiều vô số, 7 ngàn năm trước cũng không khác gì. Tuy nhiên thời gian dần qua mà không ai có thu hoạch được chút nào, nhận thức con người lại phát triển ngày một cao, cho nên nơi đây vẫn một màu vắng vẻ.

Từ Phong thả mình bước chậm trên con đường cằn cỗi đầy sỏi đá. Hắn lặng lẽ quan sát và đánh giá nơi đây.

Nơi đây cũng chỉ là một ngôi trấn nhỏ hết thời. Lưa thưa vài căn nhà bằng gỗ cùng với những bờ tường đá cũ kĩ mọc đầy rêu. Cuộc sống của những người dân nơi đây cũng bình dị như bao nơi khác: chồng săn bắn và làm đồng áng, vợ ở nhà dệt vải và chăm sóc con cái.

Nếu bảo nơi đây có gì đặc biệt thì ắt hẳn là màu đất nơi này rồi. Đất nơi này chỉ có một màu đỏ như máu. Và nếu không có thứ gì trên mặt đất, e rằng con người ta sẽ có cảm giác muốn nôn mửa. Thật sự đấy, cứ nghĩ nhìn một không gian bao la cho đến tận chân trời chỉ có một màu đỏ của máu thì sẽ có cảm giác gì?

Thu hồi lại ánh mắt đánh giá, Từ Phong chậm rãi hướng về trung tâm Cổ thành, nơi có mục đích đi tới chốn này của hắn.

4 ngày trước hắn tách khỏi hai mươi hai thành viên Ám bộ, hắn để họ tự rèn luyện. Còn hắn, hắn quyết tâm đi đến nơi đây. Tất cả cũng bởi vì hắn cần nhân tài.

Đánh trận nói riêng và chiến tranh nói chung là một cổ máy xay thịt khổng lồ. Chúng ta không thể nào biết được bao nhiêu “thịt” là đủ. Bởi vậy chúng ta cần chuẩn bị chu đáo. Không chỉ số lượng, chất lượng quân lính mà còn cần cả những vị tướng thống lĩnh.

Song, vạn kim dễ kiếm, một tướng khó cầu!

Câu này đối với tình huống của hắn lúc này là hoàn toàn chính xác. Trước hết nói về vạn kim, hắn có thể tiến hành đánh cướp một gia tộc hay một thương hội nào đó là đủ rồi. Chỉ là hắn phải tàn nhẫn bỏ ra vài trăm hoặc cả nghìn mạng sống của binh lính. Tất nhiên đó chỉ là cái phải đánh đổi chủ yếu nhất. Ngoài ra, hắn còn phải chuẩn bị tinh thần bị người ta trả thù, bị triều đình chú ý và tróc nã. Cũng có khi mấy chục năm sau hắn phải chuẩn bị tâm lý bị thế hệ con cháu của họ ám sát...

Hiển nhiên muốn có gì thì phải đánh đổi, trên đời không có thứ cho không.

Về nhân tài, thứ hắn khao khát và muốn nắm trong tay nhất.

Nhân tài không chỉ hiếm như lá mùa thu mà còn khó tìm. Nhất là ở trong tình hình như bây giờ.

Nếu đây đã là thời loạn thế, thì việc thuyết phục người tài gia nhập vào sơn trại của hắn cũng không phải vô cùng khó khăn. Song đây đang là thời bình, dù cho loạn thế đã ẩn ẩn đến gần, nhưng khi Thiên triều còn không sụp đổ, khi Vương của Thiên triều không làm gì nên tội lỗi tày trời bị dân căm phẫn, bị người chán ghét thì việc thuyết phục một người có tài rời bỏ Thiên triều để đi theo hắn là vô cùng khó khăn, thậm chí là hoàn toàn không thể.

Hãy làm so sánh. Những người tài có thể gia nhập một thế lực nào đó trong Thiên triều, cũng có thể bị lôi kéo vào thế lực ấy, và họ sẵn sàng ngấm ngầm nội đấu trong Thiên triều để giành quyền thống trị. Song xét về toàn thể, họ đang cống hiến cho Thiên triều, họ đang cống hiến cho chữ “Trung” ngàn đời không đổi. Còn về thế lực của hắn thì sao? A ha ha... Nó bị loại ngay từ đầu vì nó không cống hiến cho Thiên triều. Tiếp đó nó bị chà đạp vì nó đi con đường tà đạo, phi nghĩa, độc ác... Sau đó nó bị họ phỉ nhổ vì nó không đáng giá để họ gia nhập. Một cái sơn trại nhỏ đang trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc thì ai sẽ tham gia? Dĩ nhiên họ không có ngu bỏ mạng vô ích để mong chờ một tương lai mờ mịt lại còn xa vời vợi.

Bỏ qua những người có tài chung sống suốt đời với chữ “Trung” ấy đi. Tiếp theo chúng ta đến gõ cửa những kẻ có tài mà không có quan niệm “Trung” ấy. Gõ cửa xong chúng ta sẽ bị chửi thúi đầu. Đối với những con người này, lợi ích thực tế là đi đầu. Không có lợi ích thực tế thì đừng có mơ đả động được họ. Thế cho nên, Từ Phong sẽ bại lui là điều chắc chắn.

Kế đến chính là loại người cùng chung suy nghĩ với Từ Phong. Cùng chung suy nghĩ ở đây là cùng chung tầm nhìn về loạn thế, chứ không phải cùng chung ý tưởng to lớn như hắn. Những kẻ có tầm nhìn này chắc chắn là những kẻ có tài, điều đó không cần bàn cãi. Thế nhưng những con người thích ẩn sâu chuẩn bị mưu sự chẳng có kẻ nào không có niềm kiêu ngạo, rõ ràng bởi cái niềm kiêu ngạo ấy, họ mới chuẩn bị mưu sự ở loạn thế. Đối với loại người này, thuyết phục họ là một công việc tốt nhất là đừng nghĩ đến. Vì sao? Bởi vì trừ khi ngươi đả bại niềm kinh hãnh của họ, trừ khi người làm họ tâm phục khẩu phục, và họ thấy được ngươi chắc chắn mang họ đến vinh quang, mà dưới tay của ngươi, họ tỏa sáng nhất trong lịch sử; còn không thì họ sẽ không đi theo ngươi.

Từ Phong hiện tại có khả năng đấy sao? Chẳng lẽ tìm xem ai giống như thế thì mang người tới đánh kẻ đó tả tơi rồi thu phục? Hay là nhảy vào cùng bàn luận thế sự rồi chứng tỏ mình lợi hại hơn? Điều đó là không thể nào. Loại người như hắn đều chuẩn bị sẵn sàng cho loạn thế thì khi đối mặt với con tôm dẫn vài trăm người thì họ có đủ khả năng chạy trốn mất dạng. Còn bàn thế sự? Không có trải qua thực tế thì ai sẽ tin tưởng suy nghĩ của ngươi là đúng? Không có ai ngu si cả, nên hãy thôi mơ mộng.

Dường như Từ Phong hắn chỉ có con đường duy nhất là dùng tình cảm đả động những con người này. Song có thể khai thác từ đâu? Tìm được họ, quan sát cuộc sống của họ, sau đó “đưa than trong ngày tuyết rơi”?

Nghĩ là thế, nhưng làm lại khó khăn hơn nhiều. Thế gian không phải chỉ có ngươi tìm họ, thế nên đừng mong ngươi là người duy nhất “đưa than”, và hiển nhiên nếu “than” của ngươi ít hơn thì ngươi chỉ có thể trơ mắt nhìn họ đi theo người khác.

Rõ ràng những câu chuyện viết rằng chỉ cần tìm đến, sau đó kiên trì bày tỏ lòng thành, kiên nhẫn “đưa than” thì sẽ rước được người tài xuống núi cũng chỉ là câu chuyện mà thôi. Cõi đời này vô cùng rộng lớn, đừng cho chỉ mỗi ngươi là có thể kiên trì, kiên nhẫn và có tâm. Xin thưa rằng, một kẻ mưu sự thì không có kẻ nào là không tàn nhẫn với bản thân mình. Xin thưa rằng vì như thế, họ có lẽ còn kiên trì, kiên nhẫn hơn cả Từ Phong ấy chứ.

Gặp tình huống đó thì thế nào? Từ Phong sẽ bỏ tất cả công việc, chiến sự chỉ để đọ lòng kiên nhẫn với kẻ địch đang tranh giành với mình? Hành vi đó không thực tế chút nào. Chúng ta không thể cho rằng chỉ vì một người mà bỏ cả cơ nghiệp đã vất vả dựng lên là đáng giá. Đáng giá hay không là phải nhìn cái cơ nghiệp đó có giá thế nào cộng với giá của việc đi mời người khác xuống núi so với giá của việc tiếp tục đấu kiên nhẫn để mời kẻ này.

Tuy rằng so sánh về giá có lẽ khập khiễng và không mấy hay ho. Nhưng sự thực chính là như thế. Nếu như người đó là thần thánh, hẳn nhiều người sẽ sẵn sàng bỏ tất cả để kiên nhẫn chờ đợi. Còn không thì chắc chắn họ đều âm thầm so sánh như trên.

Lợi ích là đi đầu. Làm ăn thua lỗ thì không ai làm. Khi gặp những kẻ lớn giọng rao rằng mình làm ăn thua lỗ là vì mọi người thì hãy kệ họ đi, đó chỉ là những con người giả tạo mà thôi. Hãy nhớ rằng ngay cả tiền trợ cấp cho người nghèo của Thiên triều cũng là từ việc thu thuế, mà thu thuế là lấy một phần tiền của người dân, chứ không có ông bà quan lớn nào bỏ tiền túi ra chi trả.

Và cái lợi ích đi đầu đó cũng thể hiện ở chỗ nếu hai người đến mời một người tài. Người tài đó sẽ lựa chọn người có điều kiện tốt hơn. Nghe có vẻ giống như con gái chọn người yêu và phụ nữ chọn chồng, nhưng nó là giống thật chứ chẳng đùa. Đối với con gái, người không có “khả năng” mang lại “hạnh phúc” cho họ thì đừng có mơ họ mở lòng cho, dĩ nhiên là mỗi người con gái có một quan điểm về “khả năng” và “hạnh phúc” riêng. Đối với nhân tài cũng vậy, ngươi không đáp ứng được “cái họ cần” thì ngươi không có khả năng thuyết phục họ, ngươi mang đến “cái họ cần” không bằng người ta thì ngươi cũng thua. Ngươi chỉ có thắng khi ngươi mang đến “cái họ cần” nếu không có ai cùng tranh đoạt, và mang đến “cái họ cần” lớn nhất trong số những người tranh đoạt.

Mà Từ Phong hiện nay thì có thể nào mang được “cái họ cần” lớn nhất? Hắn cũng chỉ có thể cố gắng tìm tòi những kẻ tài mà chưa ai mời, hoặc trong số những người hắn định mời thì hắn là kẻ mang đến “cái họ cần” nhiều nhất.

Vậy đấy, cho nên chúng ta mới hay thấy cảnh những ông quan lớn, những thế lực mới đua nhau chào mời những học viên có tài ở các học viện. Dẫu gì bọn học viên đó ở lúc ấy cũng có tầm nhìn không mấy xa, “cái chúng cần” không mấy to tát cho nên họ bỏ ra cái giá không cao bao nhiêu.

Nhìn ở một góc độ thì công việc tìm kiếm nhân tài từ xưa đến nay là công việc khó khăn đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp.
Bình Luận (0)
Comment