Thiên Văn

Chương 6

Tiểu Đường đưa tay phải ra, ngón tay thon dài trắng nõn, gạt nhanh giữa rừng kim giống như đánh đàn piano, thoáng chốc trên ngón tay đã xuất hiện cây kim dài chưa đến ba cen-ti-mét. Động tác dù không quá nhanh, nhưng tôi vẫn không thể nhìn rõ cách làm cụ thể của cô gái.

Tiểu Đường khéo léo giữ chân kim, nhúng vào lọ sứ màu lục ngoáy tròn, khi rút cây kim ra, đầu kim đã chuyển màu xanh lam đậm sáng bóng.

Sáng sớm hôm sau, sau khi ăn sáng qua loa, tôi nhét tấm gỗ vào túi xách rồi đi ra khỏi nhà.

Vừa rời khỏi khu chung cư được vài bước, tôi bỗng thấy lợm giọng buồn nôn, liền ngồi sụp xuống bên cạnh bồn hoa ven đường và nôn thốc nôn tháo. Gần đây triệu chứng ốm nghén ngày càng xuất hiện rõ rệt, xem ra cần sớm đi giải quyết cái thai.

Tôi cố kìm những đợt ợ chua đang cuộn lên trong dạ dày, bắt xe đến bệnh viện phụ sản thành phố, nhờ người quen tiến hành làm xét nghiệm chọc dò ối, kết quả xét nghiệm cho thấy cái thai trong bụng là con trai.

Cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay, tim tôi đập loạn xạ, vừa buồn chán vừa đau khổ, tôi hỏi dò bác sĩ xem bao lâu thì uống được thuốc sổ thai. Bác sĩ vốn là chị dâu của cô bạn thân thời trung học của tôi, chị ta nhìn tôi dò xét hồi lâu mới ngập ngừng cho biết, trong ba tháng đầu có thể dùng thuốc, chỉ có điều rất nguy hiểm, sức khoẻ rất khó hồi phục, còn có khả năng dẫn đến vô sinh vĩnh viễn. Chị còn hỏi tôi thai nhi rõ ràng là con trai, sao lại muốn bỏ, tôi bây giờ đã ba mươi, đã thuộc trường hợp sản phụ cao tuổi, nếu không may bị vô sinh thì chữa trị sẽ không kịp nữa.

Tôi ngây người, mãi lâu sau mới gật đầu, nói rằng tiện muốn hỏi cho biết, sau đó cảm ơn bác sĩ rồi chầm chậm rời khỏi bệnh viện.

Bên ngoài mặt trời gay gắt chiếu thẳng vào đầu vào mặt khiến tôi choáng váng, mắt mũi hoa lên. Tôi bước chậm rãi, sắc mặt vẫn thản nhiên như không, nhưng trong lòng thì đang dày vò ghê gớm. Tôi nắm chặt tay, gào lên không thành tiếng: Viễn Chinh, em xin lỗi! Con trai, mẹ xin lỗi…

Việc làm tiếp theo quả là vô cùng đau khổ, tôi thực sự không muốn nhớ lại. Qua bạn bè, tôi âm thầm mua thuốc sổ thai để từ bỏ đứa con trai mà tôi chưa thấy mặt, cũng chính vì thế tôi đã phải chịu nỗi đau mà người khác thật khó có thể hình dung, và rồi cam chịu cả đời mất đi khả năng làm mẹ. Tôi chỉ nhớ rằng, giây phút nuốt thứ thuốc đó vào bụng, nước mắt tôi đầm đìa, tim như bị hàng ngàn hàng vạn mũi kim châm. Con yêu của tôi, con yêu của tôi…

Sau đó, tôi cắn răng chịu đựng những phản ứng do thuốc sổ gây ra, hàng ngày vẫn xuất hiện bình thường trước mặt người thân bạn bè, cố không tỏ ra điều gì bất thường, nhưng trong bụng thì ngày đêm nhẩm tính ngày tính tháng, mỗi ngày lại phải quấn thêm một lượt khăn quanh bụng, còn phải cố làm ra dáng của bà bầu.

Rất đơn giản, tôi cần tận dụng cơ hội là một bà bầu để làm tê liệt những đôi mắt vô hình kia. Tranh thủ thời gian khẩn trương kết thúc mọi hành động tại Cẩm Châu. Ngày tháng cứ thế trôi qua lặng lẽ như dòng nước, bụng tôi cũng càng ngày càng “to”. Mặc dù tôi hiểu rõ, mọi lúc mọi nơi đều bị giám sát, nhưng tôi cảm nhận được rõ rệt những đôi mắt đó đã không dính chặt theo nữa, có thể chúng nghĩ rằng tôi đã từ bỏ hoàn toàn ý định điều tra, chuyên tâm làm một bà mẹ đợi ngày sinh.

Thầy liệm trang Mã Trấn Quốc vẫn không rõ sống chết ra sao, vụ sát hại La Viễn Chinh và Phùng Siêu vẫn chẳng có tiến triển gì; tay tài xế xe bán tải, tài xế xe Accord và gã lùn vẫn như bốc hơi khỏi trần gian… Có thể nói là hết cách.

Lâu dần, tôi bắt đầu sinh nghi. Tôi không tin phía cảnh sát lại vô dụng như vậy, tình tiết vụ án sờ sờ trước mắt, tại sao lâu như vậy vẫn chưa điều tra ra manh mối gì. Nhưng nghĩ lại, có lẽ Mã Vân Vĩ cố ý giấu giếm vì không muốn tôi tiếp tục mạo hiểm nữa.

Từ bỏ hết hi vọng nơi cảnh sát, tôi bắt đầu tự lên kế hoạch hành động. Bức tranh sao chép đó được vẽ sau khi hoàn thành bức tranh panorama vào tháng Mười năm 1989, vậy tấm gỗ hồng mộc chắc chắn phải có trước thời gian này. Và việc cậu lấy sáng tác tranh làm ám hiệu, chứng tỏ ý tưởng đó được nảy sinh trong thời gian tham gia sáng tác bức tranh panorama.

Để khẳng định giả thiết này, tôi vùi đầu vào thư viện thành phố, tìm đọc một loạt những tài liệu lịch sử liên quan đến bức tranh panorama Cẩm Châu, lấy máy ảnh chụp lại, rồi lại lên mạng tìm tài liệu liên quan, in ra từng trang một.

Tài liệu nhiều vô kể, tôi kiên trì bỏ ra ba ngày sắp xếp tổng hợp tài liệu, tìm ra những thứ thực sự giúp ích cho tôi. Bức tranh panorama Cuộc tiến công Cẩm Châu trong nhà tưởng niệm chiến dịch Liêu Thẩm được sáng tác sau khi nhận được sự phê chuẩn của Tổng cục Chính trị Quân uỷ Trung ương, đơn vị thực hiện là Quân khu Thẩm Dương và chính quyền thành phố Cẩm Châu. Đây được coi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, mục đích là tái hiện hình ảnh chiến tranh khốc kiệt hồi đó, kết hợp hoàn hảo tính chân thực và tính nghệ thuật. Quân khu Thẩm Dương đã mời rất nhiều hoạ sĩ, học giả nổi tiếng của Học viện Mỹ thuật Trung ương, Học viện Nghệ thuật Giải phóng quân và Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn Thẩm Dương cùng hoạ sĩ Tôn Anh Thạch của Cẩm Châu lập thành tổ sáng tác, ngoài ra họ còn mời đến không ít những lãnh đạo, chiến sĩ đã từng tham gia chiến dịch Liêu Thẩm làm cố vấn lịch sử.

Tổ sáng tác làm việc theo nguyên tắc khách quan cẩn trọng, đã nhiều lần tiến hành điều tra thực địa khắp thành phố Cẩm Châu. Quân khu Thẩm Dương còn cử hai máy bay chuyên dụng đưa các hoạ sĩ bay vòng quanh Cẩm Châu ở tầm thấp quan sát nhiều lần, chụp lại rất nhiều ảnh và ghi hình tư liệu. Sau đó, tổ sáng tác còn đến hai thành phó của Liên Xô là Matxcova và Volgograd, khảo sát tỉ mỉ về hội hoạ, kiến trúc của phòng tranh panorama, cố gắng để bức tranh đạt đến trình độ hoàn hảo.

Về quá trình sáng tác cụ thể thì qua rất nhiều công đoạn vô cùng phức tạp, đầu tiên là vẽ phác thảo và phủ màu thủ công hàng vạn mảnh tranh; sau đó khi được Tổng cục Chính trị thẩm duyệt đồng ý mới bắt đầu sáng tác chính thức. Trong thời gian sáng tác, còn phải sửa lại nhiều lần, hao tốn tâm huyết biết bao người, huy động biết bao nhân lực vật lực, sau ba năm trời mới hoàn thành bức tranh.

Bức tranh có tổng chiều dài 122,22 mét, cao 16,1 mét, treo quanh vòm tường phòng tranh, tổng diện tích lên đến 1968 mét vuông, trọng lượng 4 tấn. Giữa bức tranh và đài quan sát còn đặt những mô hình về địa hình, công việc, vũ khí… được thu nhỏ theo tỉ lệ nhất định; đồng thời còn phối hợp với các loại âm thanh, ánh sáng tiên tiến đem đến cho người xem cảm giác như được nhìn tận mắt. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới mới chỉ có bốn mươi tám bức tranh panorama, tranh cỡ lớn thì càng hiếm. Bức tranh panorama Cuộc tiến công Cẩm Châu có thể coi là bức tranh số một không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên thế giới.

Sau khi nắm được những tài liệu này, tôi phân tích thêm những giả thiết trước đó: Giả sử tên hung thủ giấu mặt đúng là đến từ Thẩm Dương, vậy chắc chắn hắn phải là người biết rõ tình hình năm đó, rất có thể là một hoặc một số người nào đó trong nội bộ tổ sáng tác, hơn nữa thế lực cũng phải rất mạnh, tổ chức chặt chẽ, nếu không chúng không thể thực hiện vụ án lớn đến vậy.

Cậu tôi là một thành viên trong tổ sáng tác, đã từng tham gia thực địa ở Cẩm Châu và đi khảo sát tại Liên Xô, nguồn gốc tấm gỗ hồng mộc chắc chỉ từ một trong hai nơi này. Thế nhưng, khả năng được lấy từ Liên Xô gần như bằng không, bởi vì Liên Xô không thể tạo ra một vật mang thần vận phương Đông như vậy. Nhất là hình chạm rồng, theo như quan sát và khảo chứng của tôi, đó chính là loại rồng vàng ba ngón bốn vuốt đặc trưng của Trung Quốc, rất thịnh vào thời Tống, Liêu, Kim, Nguyên. Liên tưởng đến việc chùa Đại Quảng Tế được khởi công xây dựng vào đời Liêu, nơi cậu đặt người chiến sĩ ở vị trí tương ứng trong bức tranh, tôi dám khẳng định rằng, cậu đã có được tấm gỗ hồng mộc nhờ một cơ duyên nào đó khi đang khảo sát tại đây.

Tổng hợp hai điểm trên, tôi có thể đưa ra kết luận sơ bộ như thế này: Cậu và một số người nào đó trong tổ sáng tác đã có được tấm gỗ trong chùa Đại Quảng Tế hoặc trong Cổ Tháp. Không ai biết họ đã phát hiện ra bí mật gì trong đó, chỉ biết họ đã không hề báo cáo lên cấp trên mà âm thầm cất giấu. Theo lô-gic thông thường, trong tay những người kia chắc cũng phải có một thứ tương tự, hơn nữa đôi bên đã có thề ước nào đó nên tất cả đều giấu kín trong lòng, chưa bao giờ tiết lộ ra bên ngoài.

Có thể đó là bí mật động trời mà cậu đã luôn cất giấu trong lòng, vì thế đầu tiên là giấu tấm gỗ vào trong vách tường nhà, sau đó để lại manh mối ở hai bức tranh lớn nhỏ, trước khi ra đi, trong lòng cậu vô cùng mâu thuẫn nên đã yêu cầu người nhà đốt hết tất cả. Lúc này, lời thề năm đó đã mất hiệu lực, đàm người kia chắc do nóng lòng muốn có được tấm gỗ hồng mộc trong tay cậu nên đã ra tay bằng mọi giá.

Sau khi đưa ra kết luận, tôi tiến hành chứng minh bằng các luận chứng, và thấy rằng đây là kết luận duy nhất hợp lý có được sau hàng loạt điều tra từ những dấu vết sót lại. Vậy tiếp theo tôi sẽ có hai lựa chọn: Một là tìm đến các hoạ sĩ cũng tham gia sáng tác tranh hồi đó để làm rõ chân tướng, tìm ra hung thủ; hai là đi dò la những nghệ nhân dân gian nhờ họ giải mã giúp bí ẩn giấu trong tấm gỗ hồng mộc.

Nghĩ vậy, tôi nghĩ thầm, chịu đựng bao ngày, xem ra đã đến lúc rời khỏi Cẩm Châu rồi.

Thời điểm đó đã gần cuối năm, thời tiết ngày một lạnh nên phải mặc nhiều áo đơn hơn, cơ thể trông nặng nề đồ sộ, có chút ra dáng bà bầu. Nghĩ đến thiên thời địa lợi nhân hoà, thời cơ đã chín muồi, tôi định sẵn ngày rời đi là vào dịp tết Nguyên đán, để đám người kia trở tay không kịp. Tôi không tin bọn chúng không muốn đoàn tụ với gia đình.

Buổi tối trước hôm lên đường, tôi bắt chiếc xe taxi đến bệnh viện quân đội 205 thăm mẹ.

Ba ngày trước mẹ tôi mới làm phẫu thuật mổ hộp sọ, lấy ra một lượng máu đông cực lớn trong não, hiện tại vẫn chưa ổn định, vẫn đang trong trạng thái hôn mê sâu. Tôi ngồi chếch bên giường, nắm đôi tay lạnh ngắt, nhìn thẳng vào khuôn mặt trắng bệch của mẹ, vừa đau lòng vừa lo lắng. Cứ nghĩ đến ngày mai sẽ lên đường đi xa, con đường phía trước nguy hiểm khó lường, nước mắt tôi cứ thế trào ra không ngăn nổi.

Bố tôi kéo ghế ra ngồi sát bên tôi, liên tục thở dài. Bởi mãi chẳng có thông tin gì sáng sủa, bố ngày càng tiều tụy, lưng còng đi trông thấy, chỉ mấy ngày không gặp như già đi mấy chục tuổi.

Nói chuyện với bố vài câu, tôi đưa cho ông cái tấm thẻ ngân hàng trong đó có số dư tiền bán nhà cậu, ấp a ấp úng nói:

- Bố! Mẹ bệnh nặng, bố không thể rời mẹ lúc này được. Con đã liên hệ với một người bạn ở tỉnh ngoài, định đến đó sinh con, nhân tiện cũng muốn thư giãn một chút.

Nghe tôi nói vậy, bố ngẩng đầu lên, ngạc nhiên nhìn tôi và nói:

- Vi Vi, con… con… thế… thế làm sao được?

Tôi không dám nói thêm điều gì, cố gượng cười, gật mạnh đầu thể hiện quyết tâm của bản thân.

Bố nhìn tôi hồi lâu, trong mắt tràn đầy vẻ đau khổ. Ông khẽ thở dài, nhận lấy tấm thẻ ngân hàng, nhét vào trong túi áo ngực. Một lát sau, ông đột nhiên kéo tay tôi nói:

- Thôi được, Vi Vi, nếu con đã quyết định như vậy, bố cũng không ngăn cản, nhưng… con nhất định phải chăm sóc tốt bản thân, tuyệt đối đừng làm điều gì dại dột.

Người ta nói bố vẫn luôn hiểu con gái, bố tôi quả nhiên đoán được ý đồ của tôi, câu nói đó của ông càng khiến tôi thấy thêm tội lỗi, nếu không phải do phút bốc đồng thiếu suy nghĩ của tôi thì đâu đến nỗi rơi vào cảnh nhà tan cửa nát hôm nay. Càng nghĩ tôi càng thấy đau buồn, không thể kìm nén được lòng mình, tôi ôm chặt lấy bố khóc tức tưởi.

Bố vỗ nhẹ lưng dịu dàng an ủi tôi. Đợi khi tôi nín khóc, bố khẽ đẩy tôi ra, lấy từ trong túi áo ngực ra một chiếc đồng hồ, nhét vào trong tay tôi và nói:

- Cái này cho con.

Mặt đồng hồ làm bằng thép trắng, dây đeo bằng da màu nâu, kiểu dáng đã cũ, vỏ ngoài chằng chịt vết xước,mặt kính còn bị nứt một đường, kim cũng ngừng quay; nhìn có vẻ quen quen nhưng nhất thời không nhớ ra được đã nhìn thấy nó ở đâu.

Bố thở dài, trầm lạng nói tiếp:

- Cậu con suốt thời gian đổ bệnh có tỉnh táo lại một lúc, đưa chiếc đồng hồ Enicar này cho mẹ con, còn dặn đi dặn lại nhất định phải để cho con. Sau đó bố nghe mẹ con nói, chiếc đồng hồ này do một vị thủ trưởng cũ trong quân đội tặng cho cậu năm cậu tham gia sáng tác bức tranh panorama, là loại đồng hồ Enicar Thuỵ Sĩ rất phổ biến thời đó. Con hãy nhận lấy, đừng phụ lòng kỳ vọng của cậu.

Tôi chợt thấy nhói lòng, hoá ra cậu vẫn luôn nhớ đến tôi. Tôi liền tháo chiếc Longines ra cẩn thận đeo chiếc Enicar vào tay, nghẹn ngào nói:

- Bố, con biết rồi, bố yên tâm đi.

Bố mỉm cười, nhìn tôi âu yếm, mãi lâu sau mới lên tiếng:

- Con đi đi, đừng lo nghĩ đến mẹ con, ở nhà đã có bố. Một mình con ở ngoài, phải hết sức cẩn thận, chăm sóc tốt cho bản thân con nhé!

Tôi lau nước mắt, gật đầu lia lịa, chào tạm biệt bố, rồi vừa bước đi vừa ngoái đầu lại cho đến lúc ra khỏi phòng bệnh.

Quay trở về nhà, tôi đặt báo thức trong điện thoại, cắm dây sạc pin, rồi chẳng buồn thay quần áo lao luôn lên giường, nắm chặt chiếc đồng hồ trên tay, nước mắt ướt nhoà, nhìn lên trần nhà khóc không thành tiếng.

Cả đêm đó tôi mất ngủ, trong đầu rối như mớ bòng bong, cũng chẳng hiểu mình nghĩ gì, mãi đến khi trời tảng sáng, không chống cự lại được cơn buồn ngủ, tôi mới mơ màng chợp mắt được nửa tiếng.

Buổi sáng, tôi lục lấy chiếc áo jacket ngắn bằng da màu đen mà bình thường ít khi mặc, bọc gọn tấm gỗ hồng mộc, nhét vào giữa đống vải quấn bụng, đem theo toàn bộ giấy tờ tuỳ thân và tiền bạc, bắt taxi đến bệnh viện phụ sản thành phố.

Khi đẩy cánh cửa lớn ở sảnh bệnh viện, nhờ hình ảnh phản chiếu trong tấm kính, tôi nhìn thấy rất rõ trong sân có hai người đàn ông mặc áo bông màu xám đang vờ hút thuốc, mắt không ngừng liếc theo tôi.

Tôi hắng giọng lạnh lùng, thầm nói bye bye rồi nặng nề bước vào sảnh lớn, xếp hàng lấy số, sau đó hai tay chống hông, từ từ bước vào nhà vệ sinh nữ tầng hai. Cho dù chúng có gan to cỡ nào thì cũng không dám theo vào đến tận nhà vệ sinh nữ.

Tôi vào một phòng, chốt cửa lại, áp tai vào cửa lắng nghe đọng tĩnh bên ngoài. Trong nhà vệ sinh im phăng phắc, chỉ có tiếng nước nhỏ tách tách từ bồn nước bị rò trên đầu. Khi xác định chắc chắn không có ai, tôi thở phào vội vàng cởi cúc áo, tháo những thứ buộc quấn quanh bụng ra, rồi chẳng quan tâm đến sạch bẩn, tôi vạch đám giấy trong thùng rác ra nhét hết vào, sau đó khoác chiếc áo jacket da, cài tấm gỗ vào sau lưng.

Tôi rút điện thoại ra nhìn đồng hồ, 9 giờ rưỡi, vừa kịp lúc. Tôi chuyển điện thoại sang chế độ yên lặng, bỏ vào chiếc túi ni lông, buộc chặt miệng túi, mở nắp bồn nước rồi từ từ xối nước dìm xuống. Tối qua tôi đã sạc đầy pin, ít nhất có thể đủ dùng trong năm sáu ngày tới, đến khi cảnh sát phát hiện ra tôi bỏ trốn, muốn định vị bằng sóng điện thoại thì cứ tha hồ đến bệnh viện mà tìm.

Thấy mọi việc đã sắp xếp ổn thoả, tôi lấy tay vỗ vỗ ngực để giữ bình tĩnh, bước ra khỏi phòng vệ sinh, mở cửa sổ, gác chân nhảy lên bệ cửa, lách người trèo ra ngoài, ôm lấy ống thoát nước dọc trên tường, từ từ tụt xuống bãi đỗ xe phía sau toà nhà.

Liên tục mấy tháng trời ngụy trang và quan sát cẩn thận đã giúp tôi nhận ra những kẻ theo dõi đã buông lỏng hơn nhiều, không những giảm số người theo dõi mà chúng còn không nghĩ đến việc phái sẵn người theo dõi phía sau bệnh viện.

Tôi đứng yên tại chỗ, nhìn ngó xung quanh, nhận thấy không có gì bất thường, liền chầm chậm rời khỏi bãi đỗ xe trước con mắt ngơ ngác của mấy người lấy xe, sau đó chui vào một chiếc taxi đang chờ khách ven đường, đi thẳng đến nhà ga.

Trước đó, tôi đã lên mạng tra lịch trình chạy tàu, biết sắp có chuyến tàu K7341 chạy từ ga Sơn Hải Quan, đi qua Cẩm Châu đến Thẩm Dương. Sở dĩ tôi không lựa chọn bỏ trốn bằng ô-tô là do ô-tô đông người, nếu tôi vẫn bị bám theo, thậm chí có thể xảy ra ẩu đả thì sẽ không tiện thoát thân.

Từ trên taxi bước xuống, chiếc đồng hồ lớn trên nóc toà nhà chính ở nhà ga vừa chỉ đúng 10 giờ 15 phút, loa phát thanh đang phát thông báo, nhắc nhở hành khách đi chuyến tàu K7341 bắt đầu vào ga soát vé, đoàn tàu cách giờ khởi hành chưa đến mười phút.

Tôi băng qua đường, xong vào sảnh bán vé, mua một vé rồi vội vàng chạy vào phòng chờ tàu, hoà lẫn giữa đám đông hành khách, cố giữ bình tĩnh, chầm chậm bước vào sân ga, leo lên tàu.

Ít phút sau, tiếng còi tàu hú vang, đoàn tàu rung mình lắc mạnh một cái rồi từ từ chuyển bánh. Trong lòng tôi dâng lên cảm giác xót xa, nhớ đến bố mẹ, nhớ đến cậu, nhớ đến La Viễn Chinh và Phùng Siêu, chẳng biết bao giờ tôi mới được về nhà, thậm chí còn có thể về nhà được nữa hay không.

Tôi thở dài lắc đầu, nhìn ra ngoài cửa sổ, từng giọt nước mắt lăn dài trên gò má.

Đoàn tàu lao nhanh khỏi sân ga, những tia nắng chiếu qua cửa sổ rọi thẳng vào mặt tôi, tuy ấm áp nhưng có cảm giác chói mắt. Tôi nheo mắt lại, nhìn thành phố Cẩm Châu mỗi lúc một xa, mờ dần trong những giọt nước mắt, nỗi đau dâng lên trong lòng.

Do tâm trạng vô cùng buồn chán, tôi chỉ ngồi khoanh tay dựa lưng vào thân tàu, nhắm mắt tĩnh tâm. Dưới chân là tiếng bánh xe va vào đường sắt tạo ra nhịp lắc đều đều, bên tai là tiếng người ầm ĩ trong toa tàu, tôi cảm thấy trong đầu như có cây lim đâm vào từng dây thần kinh đau nhói. Sau hơn hai tiếng đòng hồ, đoàn tàu chạy chậm dần, cuối cùng tiến vào sân ga Thẩm Dương. Nghe theo thông báo, tôi mới bừng tỉnh, vội xuống tàu, theo dòng người đông đúc ra khỏi sân ga.

Đứng một mình giữa quảng trường nhà ga Thẩm Dương, từng đoàn hành khách vội vã lướt qua tôi. Nhìn khung cảnh lạ lẫm xung quanh, tôi cắn chặt răng, nhủ thầm trong bụng: Ta đã đến, ta nhất định sẽ tìm ra các người! Sau đó, tôi gọi chiếc taxi đi thẳng đến chợ điện tử trên phố Tam Hảo khu Hoà Bình, mua một chiếc điện thoại mới và một thẻ sim Thần Châu trả trước.

Thẩm Dương là thành phố trực thuộc tỉnh, phồn hoa hơn Cẩm Châu rất nhiều, khắp nơi đều thấy những toà nhà chọc trời, trên đường xe cộ nườm nượp, người người đi lại như mắc cửi. Ở đây tôi không thông thuộc địa hình, đường phố cũng không nhớ tên, nếu đơn độc chiến đấu chắc chắn sẽ thua thiệt, cần phải tìm một người dân bản địa hướng dẫn, hỗ trợ mới được. Tôi có một vài bạn học hồi còn ở trường cảnh sát, quan hệ cũng rất tốt, nhưng lúc này tôi đang chịu án, lại đang bỏ trốn, sao dám đi tìm ai chứ?

Tôi ngồi trên ghế đá ven đường, sàng lọc trong đầu từng người quen. Chợt tôi nhớ đến một người, nếu không có gì bất trắc thì đây chắc chắn là lựa chọn tốt nhất.

Tôi hào hứng rút điện thoại ra, thử gọi cho cô bạn học Tang Giai Tuệ, cũng là người bạn tốt nhất của tôi trên đời này, hiện đang công tác tại tổng đội trinh sát hình sự Sở Công an tỉnh.

Thật đen đủi, điện thoại của Tang Giai Tuệ lại tắt máy. Tôi thấy thất vọng, bởi lẽ trong nghề cảnh sát hình sự của chúng tôi, sợ nhất là khi xảy ra án mà không liên lạc được, vì thế đã có một quy ước ngầm đó là phải mở máy 24/24 giờ. Nếu không có chuyện gì đặc biệt thì nhất thiết không được tắt máy, để đề phòng máy hết pin, bình thường còn phải đem theo pin dự phòng nữa.

Tôi suy nghĩ hồi lâu, vẫn không can tâm chịu thua, lại gọi tiếp cho tổng đội trinh sát hình sự, nói dối là người nhà của Tang Giai Tuệ, bảo ở nhà có việc gấp nhưng không liên hệ được với cô ấy. Người nhận điện thoại thông báo cho tôi biết mấy ngày trước Tang Giai Tuệ đã đi ngoại tỉnh phá án, hiện vẫn chưa về, hẹn tôi hôm khác gọi lại.

Cúp điện thoại xong, tôi thở dài thườn thượt, thầm trách phận đen đủi, tình hình này thì đành dựa vào chính mình thôi.

Tôi đứng dậy, quay đầu nhìn quanh tứ phía, trên đường dòng người đi lại nườm nượp, tuy không ai nhìn tôi, nhưng hình như tất cả đều đang giám sát tôi. Tôi chột dạ, vòng tay ra sau chạm vào tấm gỗ hồng mộc dắt sau thắt lưng, quyết định trước tiên cần tìm một nơi an toàn để cất giấu đã, nếu lúc nào cũng đem theo bên người, cho dù không đánh mất thì cũng gây bất tiện cho hành động của tôi.

Tôi nghĩ tốt nhất nên mua một ngăn bảo hiểm ở ngân hàng, bèn kéo tay một người đi đường hỏi thăm. Người đó cho biết gần đây có ngân hàng Kiến Thiết, ở chếch phía đối diện với Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn, sát ngay chợ đồ cổ Lỗ Viên.

Nghe thấy Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn ở ngay gần đó, tôi ngẩn người, tim đập loạn xạ, cảm xúc dâng trào. Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn không chỉ là trường cũ của cậu tôi, mà hồi sáng tác tranh panorama, rất nhiều học giả và hoạ sĩ nội tiếng của ngôi trường này cũng tham gia. Một trong những mục đích chuyến đi lần này của tôi chính là tìm gặp họ để điều tra.

Cảm ơn người đi đường xong, theo chỉ dẫn của anh ta, tôi băng qua các ngõ phố, đi đến học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn. Trông thấy có bảo vệ ở cổng, xuất phát từ tinh thần cảnh giác cao độ, tôi không dám xông vào trong, chỉ đứng dưới gốc cây đối diện, lặng lẽ quan sát, tính xem làm thế nào để trà trộn vào.

Cổng trường liên tục có sinh viên ra ra vào vào, khuôn mặt các em đều rất trẻ trung tươi tắn, khiến tôi nhớ lại cậu tôi hồi trẻ. Mải nhìn, chợt tôi bất giác thấy hoảng hốt, ánh mắt mờ hẳn đi, hình như tôi vừa nhìn thấy một người con trai, cắp tấm ván vẽ dưới nách, mỉm cười bước nhanh về phía tôi. Dáng vẻ đó, cách ăn mặc đó giống hệt như cậu tôi thời trẻ, lại có vẻ giống như người chiến sĩ trong bức tranh.

Tiến gần thêm, tấm ván vẽ dưới nách cậu ta như hoá thành tấm gỗ hồng mộc, phát ra ánh sáng mờ mờ dưới ánh nắng mặt trời.

Tôi thấy hơi run, căng mắt nhìn kỹ, giữa ban ngày trời sáng, mọi thứ vẫn y nguyên.

Nghĩ lung tung một hồi lâu, cuối cùng tôi cũng từ bỏ ý định vào trường, lắc đầu thở dài đi đến ngân hàng Kiến Thiết ở chỗ đầu lối rẽ. Vừa định đẩy cửa bước vào, tôi chợt nhìn thấy chợ đồ cổ Lỗ Viên ở bên cạnh, tim tôi đập mạnh, tại sao không tìm một người am hiểu giám định tấm gỗ, xem bên trong nó rốt cuộc ẩn giấu bí mật gì?

Chợ đồ cổ Lỗ Viên là khu chợ đồ cổ lớn nhất vùng Đông Bắc, diện tích rất rộng, có thể sánh ngang với chợ Phan Gia Viên ở Bắc Kinh, trục chính là một con phố dài, hai bên là các cửa hiệu san sát, cao có thấp có, cột kèo chạm trổ, hoành phi bắt mắt, tất thảy đều mô phỏng theo kiến trúc Minh Thanh. Tuy hôm đó không phải cuối tuần, nhưng người đến chợ vẫn đông nghịt, vô cùng nhộn nhịp.

Tôi đi dọc con phố đi bộ, nhìn quanh ngó quất tìm kiếm rất lâu, cuối cùng chọn được một cửa hàng phía ngoài trông cổ kính nhất có tên Hội Bảo Trai và đẩy cửa bước vào.

Thấy có người vào, chủ cửa hàng liền tươi cười đi ra, nhiệt tình chào hỏi. Đó là một ông già hơn bảy mươi tuổi, bộ râu trắng muốt, mặc một bộ áo dài bông màu xanh thẫm, tay cầm ấm trà đất, trông rất giống dáng vẻ của một ông tiên.

Lúc đó cửa hàng không có khách, tôi nhận thấy đây là cơ hội hiếm có, liền rút tấm gỗ hồng mộc ra, nói dối là của tổ tiên để lại, nay cần tiền gấp, muốn nhờ ông ta giám định giúp, sau đó rút luôn hai trăm tệ để gửi tiền công.

Ông lão đặt ấm trà xuống, vuốt vuốt chòm râu, gật đầu cười ha ha, ông gạt tay tôi, nói đây chỉ là chuyện nhỏ. Sau đó ông đeo cặp kính lão vào, nhấc tấm gỗ lên, nheo mắt tỉ mẩn ngắm nhìn. Ngắm nghía khoảng chừng năm sáu phút, ông lão ngẩng đẩu lên, ánh mắt sáng ngời, liên mồm nói đây là vật báu hiếm có, lưu luyến ngắm vuốt một lúc lâu mới chậm rãi bảo tôi: Đây là loại gỗ hồng mộc cực hiếm ở dãy núi Stanovoy[1]. Theo kinh nghiệm của ông, có lẽ nó đã có lịch sử không dưới nghìn năm. Hình chạm rồng trên bề mặt đúng là được chạm khắc bằng kim, nhưng gỗ hồng mộc vốn rất cứng, không thua kém gì gang hay đá, thực sự không thể tưởng tượng được người ta đã chạm khắc nó như thế nào. Màu đỏ thẫm xung quanh lỗ kim là loại sơn dầu có tính thẩm thấu cao, ngấm sâu vào thân gỗ. Hiện vẫn chưa nhận ra tấm gỗ có ý nghĩa gì, nhưng căn cứ vào độ tinh xảo, rất có thể nó được lấy ra từ thứ đồ trang trí thời cổ nào đó, chắc chắn có giá trị lưu giữ rất cao. Nghe ông lão nói vậy, đầu óc tôi chợt trở nên u mê, tấm gỗ nghìn năm lịch sử hiếm gặp xuất hiện trên đời, bên trên còn chạm khắc hình rồng kỳ quái, một cảm giác thay đổi quá lớn, nó cách quá xa so với hiện thực, sự việc có vẻ ngày càng trở nên phức tạp rồi.

[1] Dãy núi Stanovoy hay còn gọi là Ngoại Hưng An Lĩnh là mốc biên giới tự nhiên giữa Nga và Trung Quốc.

Thấy tôi mãi không mở lời, ông cụ cứ tưởng tôi đang suy nghĩ, hỏi lại có đồng ý bán hay không, còn nói sẵn sàng trả giá cao để mua lại. Tôi lắc đầu bịa ra một lý do để từ chối, sau đó cầm tấm gỗ đi rời khỏi cửa hàng.

Tôi đút hai tay vào túi áo, bước đi vô định trên phố, trong bụng thầm nghĩ: Nếu tấm gỗ thật sự cách hiện tại cả nghìn năm lịch sử, hơn nữa lại được lấy từ núi Stanovoy, như vậy nó đúng là vào thời nhà Liêu Trung Quốc rồi. Theo những gì tôi đã khảo chứng trước đó, nhà Liêu khởi nguồn từ Đông Bắc, đã từng hưng thịnh một thời, hoàng cung và gia đình quý tộc sùng bái đạo Phật, chùa Đại Quảng Tự và Cổ Tháp Cẩm Châu đều do người Liêu xây dựng, xem ra tấm gỗ này rất có thể của người Liêu để lại. Nhưng điều khiến tôi không thể lý giả được là cậu phát hiện ra nó như thế nào? Có lẽ cậu đã tìm ra nó bên trong Cổ Tháp ở lần khảo sát thực địa năm đó?

Đang suy nghĩ, bỗng nhiên từng đám mây đen nặng trĩu bay ngang trên đầu, mặt trời bị các tầng mây che khuất, bầu trời dần tối sầm lại, trên không trung lất phất những hạt tuyết theo gió bấc luồn lạo xạo vào trong cổ áo, rồi nhanh chóng hoá thành nước chảy xuống, lạnh đến run người.

Tôi lắc mạnh đầu, hai tay túm chặt cổ áo, ngập ngừng nhưng rồi cũng quyết định gửi tấm gỗ vào ngân hàng, sau đó đi tìm nhà nghỉ để ở lại. Quay người rảo bước đến đầu phố, đang định đưa tay ra vẫy xe, chợt một cửa hiệu nhỏ đã thu hút ánh nhìn của tôi. Thực ra bề ngoài cửa hiệu trông rất bình thường, không hề nổi bật so với các cửa hiệu khác, nhưng hai bên cửa chính lại treo đôi câu đối “ Hoạ long hoạ hổ nan hoạ cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm”, câu đối này khiến tôi vô cùng tò mò.

Tôi dừng bước dưới bậc thềm, khoanh tay ngắm nhìn hàng giờ, bỗng nhiên nhớ đến bức thư pháp treo trong phòng khách nhà cậu, chẳng phải chính là vế đầu câu đối này hay sao? Ngẩng đầu ngắm kỹ tên cửa hiệu, là bốn chữ Khải to, màu đen, được khắc trên tấm biển gỗ màu nâu: Hiệu xăm Tiểu Đường.

Nhớ ra bức tranh da người của cậu, tôi liền dứt khoát bước lên bậc thềm, đẩy cửa bước vào.

Luồng khí nóng trong phòng ập tới ấm áp tựa mùa xuân, cùng một mùi hương phảng phất hơi giống mùi đàn hương, mang lại cảm giác khoan khoái lan toả khắp người. Nhìn quanh thăm dò, tôi thấy diện tích tổng thể không lớn lắm, chỉ khoảng hơn mười mét vuông, tất cả đồ gia dụng đều làm bằng gỗ trắc chạm khắc tinh tế, tạo hình sang trọng, đậm đà phong thái cổ kính. Phía trong có một chiếc bàn bát tiên, bên cạnh bàn có hai người đang quay lại nhìn tôi.

Trong đó, một người là một gã trạc ba mươi tuổi, dáng người vạm vỡ, đầu cạo trọc lốc, mặt mũi dữ tợn, mày trơn mắt nhỏ, trông bộ dạng vô cùng hung dữ. Chiếc áo bông của gã vắt trên vai, tay áo sơ-mi xắn cao để lộ ra cánh tay phải cơ bắp cuồn cuộn.

Bên cạnh đó là một cô gái nhiều nhất cũng chỉ hai mươi tuổi, mặc chiếc áo len cao cổ màu hồng nhạt và chiếc quần bò màu xanh, eo thon, da trắng, cằm nhọn, nét mặt dịu dàng, trông đầy vẻ thanh tú. Nhất là đôi mắt phượng đen láy tinh nhanh, trông rất có hồn.

Nhìn thấy vậy, tôi đoán ngay ra cô gái chính là chủ cửa hiệu, còn gã thanh niên là khách hàng đang chuẩn bị xăm mình. Không dám làm phiền, tôi chào một câu, sau đó ra hiệu cho cô gái cứ tiếp tục công việc, sau đó ngồi lên chiếc ghế gỗ đỏ bên cạnh. Tôi chỉ thấy cô gái cầm một hòn đá nhỏ màu hồng hạt, xoa vài đường lên bắp tay của gã thanh niên, trên da liền xuất hiện một lớp bột màu đỏ nhạt, sau đó cô gái lấy chiếc lọ sứ màu lục nhạt, rút nút bấc, rót ra một ít chất dịch dính như keo màu nâu vàng, lấy ngón trỏ chấm vào rồi bôi từng tí một lên tay gã thanh niên.

Cô gái lấy một tấm vải trắng lau sạch những giọt dung dịch chảy ra ngoài, lạnh lùng nói:

- Hơi đau một chút, nhưng sẽ hết ngay.

Gã thanh niên ngẩng đầu nhìn cô gái, mặt đầy vẻ cung kính, giọng nịnh nọt:

- Tiểu Đường, em cứ việc xăm thoải mái đi!

Nói đoạn, gã ta rút từ trong túi ra bao thuốc lá Trung Hoa mềm, gỡ lấy một điếu thuốc ngậm vào miệng, lấy bật lửa chuẩn bị châm hút.

Bỗng cô gái tên Tiểu Đường mặt biến sắc, đưa tay giật lấy điếu thuốc ném mạnh xuống dưới chân, giọng nghiêm nghị nói:

- Không được hút thuốc!

Gã trai nghệt mặt, nhếch mép cười gượng, không hề tỏ ra tức giận, trái lại còn ngoan ngoãn cất bao thuốc và chiếc bật lửa vào túi.

Tôi hơi ngạc nhiên, nghĩ bụng cô gái này tuổi còn trẻ nhưng tính khí quả không vừa, gã thanh niên kia rõ ràng là một tay giang hồ thế mà lại ngoan ngoãn nghe lời như vậy.

Trên chiếc bàn bát tiên bày khá nhiều thứ, nào bình nào lọ đủ mọi màu sắc, phải tới mấy chục loại, trông thì có vẻ như bày biện lộn xộn, nhưng hình như chúng được sắp xếp theo quy luật đặc biệt nào đó. Trong đó có một khối gỗ màu vàng nhạt, diềm ngoài khắc hình sóng cuộn cao khoảng hơn nửa phân, rộng bằng chừng nắm tay, trông giống như cái chặn giấy, bề mặt cắm chi chít các loại kim màu trắng bạc, to có nhỏ có, dài có ngắn có.

Tiểu Đường đưa tay phải ra, ngón tay thon dài trắng nõn, gạt nhanh giữa rừng kim giống như đánh đàn piano, thoáng chốc trên ngón tay đã xuất hiện cây kim dài chưa đến ba cen-ti-mét. Động tác dù không quá nhanh, nhưng tôi vẫn không thể nhìn rõ cách làm cụ thể của cô gái.

Tiểu Đường khéo léo giữ chân kim, nhúng vào lọ sứ màu lục ngoáy tròn, khi rút cây kim ra, đầu kim đã chuyển màu xanh lam đậm sáng bóng.

Tôi thấy khá thú vị, liền nhoài người ra phía trước, mở to mắt, muốn nhìn thật rõ xem xăm hình rốt cuộc được làm như thế nào.

Tiểu Đường dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp chặt chân kim, giơ thẳng trước mắt, lông mày hơi chau lại, chăm chú ngắm nhìn một lúc, miệng lẩm nhẩm vài câu, sau đó không cần nhìn, cô gái bất chợt đâm thẳng vào bắp thịt trên cánh tay của gã thanh niên, rồi lại nhanh chóng rút ra, sát ngay lỗ kim đầu tiên đâm tiếp mũi thứ hai…

Vết kim châm trên da nhìn rất rõ, màu sắc tươi tắn, nhưng tuyệt nhiên không chảy một chút máu nào.

Cô gái cứ thế đưa kim nhanh thoăn thoắt, cây kim như lướt nhẹ trên mặt da. Tôi nhẩm tính ít nhất trong một giây cũng châm được năm sáu mũi kim, cứ thế dán mắt vào quan sát. Khi mũi kim hơi nhạt màu, Tiểu Đường lại xoay tay cắm kim vào lọ sứ để chấm thêm mực rồi tiếp tục châm.

Tiểu Đường làm việc hết sức nghiêm túc, tay như múa, chỉ sau năm ba phút một cái đầu hổ sống động như thật, to bằng nắm tay, màu xanh đậm đã xuất hiện trên bắp tay của gã thanh niên.

Tiểu Đường lùi lại nửa bước, nghiêng đầu nheo mắt nhìn, miệng hơi nở nụ cười, có vẻ rất hài lòng. Cô lại đổ thêm một ít dung dịch màu vàng nâu vẩy lên hình xăm đầu hổ, xé một tấm màng băng lại, xoa hai tay vào nhau nhẹ nhàng nói:

- Nhớ phải kiêng nước kiêng gió trong ba ngày, cũng không được ăn thịt gia cầm và hải sản đâu đấy.

Gã trai đứng dậy, cười không ngậm nổi miệng, như thể nhận được món hời, gật đầu lia lịa cảm ơn Tiểu Đường, rút tiền thanh toán, mặc áo vào rồi đẩy cửa đi ra. Nhìn số tiền trên bàn chắc cũng phải hơn ba nghìn tệ. Tôi hít một hơi, nghĩ bụng nghề này dễ kiếm tiền thật.

Tiểu Đường không thèm đếm lại, kéo ngăn kéo ra, vứt tiền vào, rồi lấy khăn mùi soa lau sạch cây kim, cắm luôn vào cục gỗ màu vàng nhạt.

Tôi để ý cô gái hầu như không cần nhìn mà vẫn cắm trúng phóc, ngay ngắn, đúng chỗ khe hở trong rừng kim. Cây kim bạc đứng thẳng, không hề vướng vào những cây kim khác, cắm sâu quá nửa. Quả thực không rõ là do lực tay cô gái mạnh hay do thân gỗ mềm.

Đang mải suy nghĩ, Tiểu Đường bước đến trước mặt tôi, lạnh lùng hỏi:

- Chào chị, chị đến xăm mình phải không?

Bị hỏi bất ngờ, tôi buột miệng nói:

- À… tôi… tôi rảnh rỗi đến xem một tí thôi. – Vừa nói dứt lời, tôi mới thấy mình nói liều, đây chẳng phải cửa hàng siêu thị gì, rõ ràng là bị thần kinh rồi.

Tiểu Đường nhìn tôi chằm chằm, mím môi mỉm cười nói:

- Vậy à, thế chị cứ thong thả xem nhé.

Nói rồi cô không thèm để ý đến tôi, đi ra dọn dẹp đồ trên bàn, rồi lấy chiếc khăn mặt trắng ra lau tay.

Tranh thủ lúc cô gái quay người treo khăn mặt, tôi bước nhanh đến trước bàn bát tiên, dùng ngón cái ấn mạnh vào cục gỗ vàng nhạt, chỉ thấy cứng ngắc như đá, không hề lưu lại dấu vết gì.

Tôi bắt đầu nghi ngờ, thật khó tưởng tượng nổi một cô gái mảnh mai thế này mà bàn tay lại có sức mạnh ghê gớm đến thế. Trong thoáng chốc, đầu tôi nảy ra một suy nghĩ táo bạo, nếu Tiểu Đường huy động hết sức lực, liệu có thể chọc thủng tấm gỗ hồng mộc hay không?

Tôi quay ra cửa nhìn, nghĩ ngợi một lúc liền quyết định vòng tay ra sau lưng rút tấm gỗ hồng mộc, nhẹ nhàng đặt lên bàn, khẽ nói:

- Em gái à, em… em xem cái này…

Tiểu Đường vừa liếc nhìn qua đã gật gật đầu, lãnh đạm lên tiếng:

- Tuyệt đấy, châm pháp tốt, đúng kiểu “lưu thuỷ miên diên, nhập mộc tam phân” (mềm mại như nước chảy, mà sâu vào gỗ đến ba phân).

Tuy cô gái nói hết sức thản nhiên, nhưng tôi nghe như sấm nổ bên tai, không ngờ hình rồng trên tấm gỗ đúng là được khắc bằng kim, có vẻ như Tiểu Đường cũng biết một chút về gốc rễ vấn đề. Xem ra đúng là “đi mòn gót giày tìm chẳng thấy, đến khi tìm thấy chẳng tốn công”, lần này vô tình tìm đến đây lại hoá ra tìm đúng chỗ.

Nghĩ vậy, tôi liền đi vòng qua bàn, đứng trước mặt Tiểu Đường, vội hỏi:

- Em gái à, em… em nói những hoa văn này được khắc bằng kim đúng không?

Tiểu Đường nghiêng đầu nhìn tôi, chớp chớp mắt rồi đột nhiên lấy tay che miệng cười sằng sặc:

- Dạo này thú vị thật đấy, đầu tiên là có người đem đến chiếc khay sứ, bây giờ đến lượt chị lại đem đến một tấm gỗ hồng mộc, mà lại đều là… - Ngừng một lát, cô gái lại mỉm cười hỏi. – Chị à, chị không phải cũng là cảnh sát đấy chứ?

Cô gái vừa cười vừa nói như vậy, không thấy đâu vẻ lạnh lùng khi nãy mà chỉ giống như một cô bé mới lớn chưa hiểu sự đời. Tuy nhiên mấy câu nói ấy khiến tôi rối trí, gì mà khay sứ bát sứ chứ, trên trán tôi cũng chẳng khắc chữ nào, sao cô ta lại đoán ra thân phận của tôi? Nhưng đến khi tôi hỏi lại thì Tiểu Đường lại chẳng nói gì, chỉ cười cười đưa mắt nhìn tôi thăm dò.

Tôi gặng hỏi hồi lâu, thậm chí còn móc tiền ra nhưng Tiểu Đường vẫn chỉ mỉm cười không nói. Tôi đành nhặt tấm gỗ lên, rồi ra về.

Tôi mua một ngăn két tại ngân hàng Kiến Thiết gần đó, cất cẩn thận tấm gỗ rồi tìm một nhà nghỉ nhỏ không cần đặt chứng minh thư, tạm thời nghỉ lại.

Đêm đến, tôi nằm trên giường, hai tay gối đầu, nhìn chăm chăm lên trần nhà suy nghĩ. Tường nhà nghỉ cách âm không tốt, bên ngoài khá ồn, thỉnh thoảng lại có ánh đèn xe rọi qua cửa sổ, hắt bóng lên trần nhà thành những hình thù biến dạng nhảy nhót giống như bức tranh kỳ quặc.

Tôi không thấy buồn ngủ, trong bụng cứ đoán già đoán non, cô gái tên Tiểu Đường quả là có gì đó rất đặc biệt, rõ ràng cô ta nhận ra điều gì đó từ tấm gỗ, thậm chí còn đoán được cả thân phận của tôi, nhưng tại sao lại không nói cho tôi bí mật ẩn chứa trong tấm gỗ? Mặc dù không đoán ra được, nhưng tôi nhất quyết sẽ không bỏ qua manh mối đã có trong tay, ngày mai tôi sẽ lại đi tìm cô ta, bất luận thế nào, dù có phải chặn đường đón ngõ, tôi cũng phải hỏi cho ra vấn đề.

Sáng sớm hôm sau, tôi dậy từ rất sớm, bắt taxi quay lại chợ đồ cổ Lỗ Viên, nhưng cửa hiệu xăm Tiểu Đường cửa đóng im ỉm, còn chắn cả bức rào sắt nữa.

Tưởng mình đến sớm quá, cửa hiệu chưa mở cửa, tôi liền đi dạo quanh chợ đồ cổ, thỉnh thoảng lại quay trở lại để xem thử thế nào, nhưng đợi mãi đến tận khi trời tối, vẫn không thấy cửa hiệu mở cửa, tôi đành buồn bã trở về.

Chờ đợi ngoài cửa hiệu ba ngày liền, vẫn không hề thấy bóng dáng Tiểu Đường, tôi đâm sinh nghi, bất giác nghĩ liệu có phải hung thủ giấu mặt kia phát hiện thấy tôi đã đến cửa hiệu xăm, tưởng là Tiểu Đường có quen biết tôi nên đã giết người diệt khẩu.

Nghĩ vậy, tôi thấy vô cùng áy náy vì mình lại phạm phải sai lầm lớn, hung thủ giấu mặt sau khi phát hiện ra tôi mất tích, kiểu gì cũng đoán ra tôi sẽ đến Thẩm Dương, không biết chừng đã theo dõi tôi từ trước. Thế nhưng tại sao chúng không ra tay trực tiếp với tôi mà cứ liên tục làm gián đoạn quá trình điều tra, điều này thật sự khó hiểu.

Cứ nghĩ đến Tiểu Đường, tôi lại day dứt, một cô gái tài năng như thê, nếu quả thực bị hạ độc thủ chỉ vì trót gặp gỡ tôi thì thật đáng tiếc. Trong thâm tâm tôi thầm cầu nguyện cho cô gái ấy bình an vô sự. Nhưng một mặt, tôi lại thấy mình thế lực đơn độc, nay lại bị theo dõi, cứ thế này thì không những vô cùng nguy hiểm mà còn không thể triển khai được các hướng điều tra, nhất định phải tìm cho được một người trợ giúp.

Ôm ấp hi vọng, tôi lại nhấc máy gọi thử cho Tang Giai Tuệ, lần này cô bạn đã bắt máy.

Nghe thấy giọng nói của tôi, Tang Giai Tuệ vô cùng ngạc nhiên, hỏi tôi sao lại dùng đầu số của Thẩm Dương, có phải đến đây phá án không, lại còn trêu rằng, vụ án nhất định phải rất lớn, nếu không sẽ chẳng mất công đích thân phó đội trưởng của chúng ta xuất mã.

Tôi cười gượng gạo, nghĩ thầm chính tôi mới sắp bị sử thì có, liền kể sơ qua cho Tang Giai Tuệ nghe một loạt những gì xảy ra gần đây và tình cảnh hiện nay, hi vọng cô ấy có thể giúp đỡ.

Đầu dây bên kia, Tang Giai Tuệ im lặng một hồi lâu, mãi sau mới lẩm bẩm nói:

- Sự việc kỳ quặc quá, hoá ra là cậu, tại sao lại xuất hiện… - Ngừng một lát, Giai Tuệ đột nhiên nói. – Nói qua điện thoại không tiện, Tiêu Vi, cậu đến ngay nhà tớ nhé, có thể có thứ khiến cho cậu thấy hứng thú đấy.

Lúc đó tôi ngàn lần không thể ngờ tới, cái thứ mà tôi thấy hứng thú ấy không những liên quan mật thiết đến Tiểu Đường mà hơn nữa sự thực ẩn chứa đằng sau nó càng thần bí phức tạp gấp ngàn lần, số phận tương lai của tôi từ đây cũng gắn chung số phận với đội Tang Giai Tuệ. Tất nhiên, tất cả đều là chuyện sau này.
Bình Luận (0)
Comment