Thiết Huyết Đại Minh

Chương 109.3

Ở đại doanh trên núi Lôi Công, hành dinh của Vương Phác.

Chân Hữu Tài đã bẩm báo cặn kẽ hai việc mà Vương Phác giao cho, còn lấy sổ sách mang theo bên mình đưa cho hắn xem, nói;

- Tướng quân, ty chức đã ghi chép rõ ràng các mục trong sổ, tháng giêng năm thứ mười lăm niên hiệu Sùng Trinh, tiền thu vào có ba khoản, một khoản là đại gia bán sản nghiệp của Vương gia được hai triệu một trăm bảy mươi ngàn lượng, một khoản là vàng bạc châu báu lấy được từ Quy Hóa, đưa đến kinh sư bán được một trăm hai mươi ngàn lượng, một khoản là một trăm ngàn lượng bạc do Trương Tử An trả lại. Như vậy, cộng với số bạc còn trong kho là bốn trăm ngàn lượng, có tổng cộng hai triệu tám trăm ngàn lượng!

- Khoản chi có có bốn khoản, một khoản là mua tám trăm khẩu súng kíp đá lửa, tám ngàn viên Long Vương pháo, hết mười bốn ngàn lượng, một khoản là mua nguyên liệu cho xưởng binh khí và cục hỏa dược, hết ba mươi bảy không lượng, một khoản là mua gia súc của Trương Tử An, hết một triệu hai tăm ngàn lượng, một khoản là mua lương thực ở Bắc Thông Châu, hết một trăm hai mươi ngàn lượng, cộng lại chi hết một triệu ba trăm tám mươi ngàn lượng, trong kho còn lại một triệu bốn trăm sáu mươi chín ngàn lượng.

Vương Phác gật đầu, mỉm cười nói;

- Thảo nào bây giờ Trương Tử An tránh không tới gặp ta.

- Thì là vậy.

Chân Hữu Tài cười nói:

- Tướng quân nghĩ xem, khi biên quân Đại Đồng nổi loạn, tướng quân đã giúp ông ta dẹp yên, một trăm ngàn lượng tiền tử là do tướng quân ứng ra, trận tập kích Quy Hóa cũng do tướng quân thực hiện, lại thêm nếu không nhờ tướng quân dãn binh tấn công Tam Bất Lạt Xuyên, dẫn dụ đội kỵ binh của người Khoa Nhĩ Thấm rời đi, Trương Tử An sẽ không có được một con dê, con bò nào. Tướng quân làm nhiều việc như vậy, nhưng bây giờ ông ta hưởng hết lợi ích, ngài nói xem ông ta còn mặt mũi nào đến gặp?

- Ngoài ra, ty chức nghĩ ông ta không dám đến gặp còn vì một chuyện khác, đó là sợ tướng quân đòi bạc của ông ta. Vị hoạn quan này còn lén lút bán một phần dê bò theo giá thị trường cho Ngũ gia, thu lợi hai trăm ngàn lượng bạc, cộng với của chúng ta một triệu hai trăm ngàn lượng, được tổng cộng một triệu bốn trăm ngàn lượng, trừ đi sáu trăm ngàn lượng tiền lương còn thiếu và tiền thưởng của các tướng sĩ, ít nhất ông ta còn lại bảy trăm ngàn lượng, đại phát tài rồi.

Vương Phác cười nói:

- Bạc của Trương Tử An không cần để tâm, chỉ cần lão hoạn quan này còn trấn thủ ở Đại Đồng, khoản bạc đó không bay đi đâu được, sớm muộn gì cũng về tay chúng ta. À, ba xưởng binh khí và hai cục hỏa dược thế nào rồi? Súng kíp đá lửa và Long Vương pháo gắn thêm cán nhất định phải tăng cường chế tạo mới được, tháng tư sắp đến rồi, nhất định phải tranh thủ chế tạo ít nhất hai ngàn súng trước khi Kiến Nô xuất binh mới được.

Chân Hữu Tài nói:

- Mấy ngày trước, ty chức đã hạch toán cẩn thận đối với mấy xưởng kia, chỉ cần có đầy đủ sắt luyện, mỗi tháng ba xưởng binh khí có thể làm ra sáu trăm súng là ít nhất. Nếu Cục hỏa dược có đầy đủ nguyên liệu, cũng có thể sản xuất đủ lượng thuốc nổ. Trước mắt, than củi và diêm tiêu đã có đủ, chỉ có lưu hoàng là chưa mua được đầy đủ.

Vương Phác nói:

- Đại ca của ta là thương nhân, việc mua lưu hoàng giao cho hắn làm đi.

- Dạ.

Chân Hữu Tài nói:

- Lát nữa ty chức sẽ tìm đại gia bàn chuyện này.

Vương Phác nói:

- Còn chuyện này nữa, chúng ta cũng nên trù tính trước.

Chân Hữu Tài hỏi:

- Ý tướng quân là, nên tìm lý do gì để tiếp tục ở lại Đại Đồng chứ gì?

Vương Phác đáp:

- Đúng là chuyện đó. Trăm ngày đại tang sẽ qua rất nhanh, nên phải tìm lý do thích hợp.

Chân Hữu Tài không hổ là quân sư của Vương Phác, việc này y đã nghĩ đến trước rồi, nói;

- Tướng quân, việc này ty chức đã nghĩ kỹ. Trước hết ngài có thể giả vờ bệnh, nếu ngay cả giả vờ bệnh cũng không tiếp tục được nữa, thì hãy cho bọn Triệu Tín, Đường Thắng làm ra một số việc ở thành Đại Đồng, tốt nhất là làm vào ban đêm, như thế tướng quân sẽ ung dung mà ở lại Đại Đồng này.

***

Kinh sư, cung Càn Thanh trong Tử Cấm Thành.

Rốt cuộc Cẩm y vệ phái đi Đại Đồng cũng có tin tức truyền về, Chu Tam cầm một phong thư gắn xi được gởi hỏa tốc từ cách đó sáu trăm dặm, trình lên ty Lễ Giám. Vương Thừa Ân lại tiếp tục trình lên hoàng đế Sùng Trinh, Sùng Trinh xem thư xong, cười nhạt hỏi Vương Thừa Ân:

- Thừa Ân, ngươi đoán được trong thơ Chu Tam nói thế nào không?

Vương Thừa Ân cung kính đáp:

- Nô tỳ thật sự không đoán ra.

- Điều tra nhưng không tìm được chứng cứ!

Hoàng đế Sùng Trinh ném phong thư lên bàn, bực tức lặp lại:

- Điều tra nhưng không tìm được chứng cứ!

Vương Thừa Ân cúi thấp đầu, không dám lên tiếng.

- Xem ra Vương Phác có quan hệ rất tốt ở Đại Đồng.

Sùng Trinh cười lạnh, nói:

- Tên nô tỳ Trương Tử An thiên vị hắn đã không nói, ngay cả đại vương gia cũng làm chuyện qua quýt đối phó với trẫm, hừ!

Vương Thừa Ân vẫn không dám lên tiếng, y có thể nhận ra tâm trạng phức tạp lúc này của Sùng Trinh, một mặt hoàng đế rất coi trọng Vương Phác, hy vọng Vương Phác có thể cầm quân thật tốt, tiêu diệt Kiến Nô và Lưu tặc cho Đại Minh, nhưng mặt khác, Sùng Trinh cũng rất nghi kỵ đối với Vương Phác, biểu hiện của Vương Phác càng xuất chúng, sự nghi kỵ của hoàng đế càng nặng.

Vương Phác và Trương Tử An làm cái trò xiếc gì, người sáng suốt thoạt nhìn đều biết, căn bản cũng không cần phái người điều tra. Chuyện này nếu là người khác, hẳn đã không coi là gì cả, lẽ ra hoàng đế Sùng Trinh chỉ cười một tiếng là xong, giữa thời buổi loạn lạc thế này, vượt chức tự quyền là cái mốc xì gì? Lập công cho triều đình mới là quan trọng nhất.

Cũng chính vì hiểu rõ như vậy, cho nên Trương Tử An mới dám buông tay để cho Vương Phác dẫn quân xuất chinh, bởi vì Trương Tử An tuy rằng nhất định Vương Phác sẽ gánh chịu chuyện này thay ông ta, Vạn tuế gia cũng sẽ không quá để tâm, dù sao Vương Phác cũng là con rể của Vạn tuế gia mà, nào có chuyện cha vợ gây khó dễ cho con rể của mình chứ?

Hơn nữa, cho dù Vương Phác vượt chức tự quyền, nhưng hắn đã có công dẹp yên cuộc nổi loạn của biên quân, có công đánh thắng người Thổ Mặc Đặc, giải quyết được vấn đề nợ lương của tướng sĩ Đại Đồng mà không cần bộ Hộ đưa bạc ra, đã vậy, trấn Đại Đồng còn nộp vào nội phủ Ty Thược khố tới năm trăm ngàn lượng bạc, làm được mấy việc này, tội lỗi của hắn có lớn cỡ nào cũng hoàn toàn được giải trừ.

Nhưng, Trương Tử An không biết, chuyện này đặt vào trường hợp của Vương Phác, cũng không đơn giản như vậy, chẳng những hoàng đế Sùng Trinh không vui mừng, mà lại còn thêm nghi kỵ Vương Phác.

- Thừa Ân.

Hoàng đế Sùng Trinh lại hỏi:

- Đã phát công văn cho Vương Phác hồi kinh chưa?

Vương Thừa Ân vội đáp:

- Dạ, công văn đã phát đi, mấy ngày nữa mới đến Đại Đồng.

Hoàng đế Sùng Trinh thở phào một cái, không nói gì, chỉ ngẩn người, không biết trong lòng suy nghĩ cái gì. Vương Thừa Ân cũng không dám tùy tiện lên tiếng, đứng một bên chờ đợi. Vừa lúc đó, ngoài điện bỗng vang lên tiếng bước chân, Vương Thừa Ân quay lại nhìn lên chỉ thấy Cao Khởi Tiềm chạy một mạch vào đại điện, vẻ mặt kích động, bẩm:

- Vạn tuế gia, có tin mừng!

Hoàng đế Sùng Trinh cau mày hỏi:

- Tin mừng gì?

Cao Khởi Tiềm thở dốc:

- Hồng đại nhân đánh bại bọn Lưu tặc (giặc cỏ) ở trấn Chu Tiên, chém đầu năm vạn tên, vòng vây Khai Phong đã bị phá.

- Thật sao?

Sùng Trinh vui vẻ nói:

- Đường báo (1) đâu? Đường báo của Hồng ái khanh đâu?

Cao Khởi Tiềm nói:

- Đường báo của Hồng đại nhân đã về tới bộ Binh, Trần đại nhân sẽ lập tức vào bái kiến Vạn tuế gia, nô tỳ đến trước để chúc mừng vạn tuế gia.

- Tốt, tốt quá.

Hoàng đế Sùng Trinh không kìm được vui mừng, nói:

- Quả nhiên Hồng ái khanh không làm trẫm thất vọng.

So với một người xuất thân là võ tướng như Vương Phác, một người xuất thân là tiến sĩ như Hồng Thừa Trù khiến Sùng Trinh yên tâm hơn nhiều. Kể từ khi Kiến Nô lui binh khỏi Tùng Sơn, Hồng Thừa Trù liền xây dựng lại tuyến phòng ngự Liễu Tây, biến bốn thành Cẩm Châu, Tùng Sơn, Trữ Viễn, Hạnh Sơn trở thành tuyến phòng thủ kiên cố, hơn nữa lúc đó Kiến Nô đang tranh đoạt vị trí khả hãn, không rảnh dòm ngó phương nam, cho nên tình hình quan ngoại tạm thời yên ổn.

Mà lúc này, bọn Lưu tặc càng ngày càng hoành hành nghiêm trọng ở Hà Nam, sau khi vây hãm Lạc Dương, giết hại Phúc Vương, lần lượt có mấy chục thành trì bị Lưu tặc đánh phá, trừ vài tòa thành lớn như Khai Phong, hầu như cả Hà Nam đã rơi vào sự khống chế của Lưu tặc, hoàng đế Sùng Trinh vội vã phái Hồng Thừa Trù, Tào Biến Giao và Bạch Quảng Ân, khẩn cấp đem quân tinh nhuệ từ quan ngoại về Hà Nam trấn áp Lưu tặc.

Hồng Thừa Trù không hổ là lá chắn của Đại Minh, đại quân của Tào Biến Giao, Bạch Quảng Ân cũng không hổ là biên quân tinh nhuệ, họ đã không để Sùng Trinh thất vọng, vừa tới Hà Nam liền đánh bại Lưu tặc ở trấn Chu Tiên, Tổng binh Ngọc Điền Tào Biến Giao dùng cung tên bắn thủng mắt trái của Lý Tự Thành, khiến Lý Tự Thành suýt bỏ mạng.

Lưu tặc thua chạy ở huyện Giáp, vòng vây Khai Phong không cần đánh cũng tự tan.

Hồng Thừa Trù biết rằng hoàng đế Sùng Trinh lo cho việc nước, luôn luôn nhớ đến tình thế ở Hà Nam, vì vậy mà gấp gáp phát đường báo từ nơi xa xôi cách kinh thành sáu trăm dặm, báo tin đại thắng ở trấn Chu Tiên.

Hai mươi vạn đại quân của Lý Tự Thành, La Nhữ Tài tạm thời đóng quân ở huyện Giáp tỉnh Hà Nam.

Nói là hai mươi vạn, nhưng thật ra thì chiến sĩ tinh nhuệ có sức chiến đấu cũng chỉ chừng năm vạn, số còn lại nếu không phải gia quyến đi theo, thì cũng là lính già yếu. Cuộc đại chiến mấy ngày trước ở trấn Chu Tiên, tuy quan quân thắng, nhưng Lưu tặc cũng không gặp nhiều tổn thất lớn, Hồng Thừa Trù báo lên triều đình là chém đầu hơn năm vạn tên là thổi phồng, chết trận ở trấn Chu Tiên chỉ có chừng năm ngàn tên Lưu tặc, hơn nữa đa số là người già yếu.

Nói cách khác, Lưu tặc chủ động lui quân, chứ không phải bị Hồng Thừa Trù đánh lui.

Lý Tự Thành quyết định lui là có hai nguyên nhân, một là vì Hồng Thừa Trù, có thể nói Hồng Thừa Trù là đối thủ cũ của Lưu tặc, Sấm vương Cao Nghênh Tường chết bởi tay Hồng Thừa Trù, hai tay Hồng Thừa Trù đã dính đầy máu tươi của Lưu tặc, nhưng không thể phủ nhận là Hồng Thừa Trù là một nhân vật rất khó đối phó, so chiêu với một nhân vật lợi hại như vậy, Lý Tự Thành không dám khinh thường.

Nguyên nhân thứ hai khiến Lý Tự Thành lui binh là vì muốn tập kết lực lượng hùng hậu, sau đó sẽ cho Hồng Thừa Trù một cú hồi mã thương đích đáng.

Kể từ khi chiêu mộ được một đám sĩ tử như Ngưu Kim Tinh, Tống Hiến Sách, Lý Nham, Lưu tặc Lý Tự Thành cũng đã thay đổi sách lược chiến tranh trong quá khứ, không còn chạy trốn khắp nơi, vào nhà cướp của mà mỗi khi hạ được một thành trì liền phái binh đóng giữ, rồi lại phái quan lại tiên hành thống trị đối với dân chúng địa phương.

Cho nên, khi Hồng Thừa Trù suất lĩnh biên quân tinh nhuệ của hai trấn Tào Biến Giao và Bạch Quảng Ân đánh tới trấn Tru Tiên, trong tay Lý Tự Thành cũng không có bao nhiêu quân đội, đa số những đại tướng tâm phúc như Lưu Tông Mẫn, Lý Quá, Lý Nham, Lý Song Hỉ, Điền Kiến Tú đang cầm quân bên ngoài, chính chiến công thành chiếm đất ở khu vực xung quanh, Lý Tự Thành không biết kẻ địch là đối thủ cũ Hồng Thừa Trù, chỉ đem số ít quân đội đến trấn Chu Tiên nghênh địch, kết quả là bị thảm bại, suýt nữa mất mạng.

(1) Đường báo: Tin tình báo quân sự, cũng dùng để chỉ công văn được truyền khẩn cấp, liên quan đến tình hình quân đội.
Bình Luận (0)
Comment