Thịt Phượng Hoàng

Chương 37

Chân bất tiện, một tuần cô chỉ tới nhà hát một lần. Đen đủi ngày ra đường duy nhất lại bị Đạt tóm được. Phượng khệ nệ xách nạng, cố rảo bước trên vỉa hè. Tài lái ô tô đi chậm rì men theo lề đường. Đang giờ tan tầm xe đông, xe cộ tắc ứ sau xe Đạt, tiếng bấm còi mắng nhiếc ầm ĩ.

Đạt huênh hoang mở mái chiếc xe mui trần. Hắn ta đeo kính râm, ngạo nghễ nói to.

“Em ơi, em đang làm ách tắc giao thông đấy! Đừng giận dỗi nữa, lên xe anh đi.”

Giờ cao điểm chen chúc khiến ai nấy đều nóng ruột, gặp cảnh chướng mắt này mọi người nổi nóng.

“Hai cô cậu chim chuột nhau thì ra chỗ khác! Đừng chắn đường công.”

“Tránh ra! Tránh ra!”

“Em ơi, đừng giận anh nữa. Em không lên xe anh cứ đi thế này đấy!”

Phượng kiên quyết đi thẳng không đáp lại Đạt lời nào.

Thấy một anh xe ôm dựng xe phía trước, Phượng gọi xe đi luôn. Xe máy dễ luồn lách lúc đường đông, nhanh chóng thoát khỏi Đạt. Nhưng cô mừng quá sớm. Đến một đoạn đường quang, Đạt rồ ga, chặn đầu xe máy khiến cả cô và xe ôm đều lảo đảo.

Đạt đứng dậy từ chiếc xe mui trần.

“Em không thoát khỏi anh đâu!”

Anh xe ôm tức giận đuổi cô xuống.

“Điên à! Việc riêng thì tự đi mà giải quyết với nhau. Rách việc!”

Nói xong anh xe ôm phóng xe đi, để Phượng một mình với Đạt trên quãng đường vắng.

Đạt khệnh khạng bước xuống xe. Phượng chỉ muốn đánh nát khuôn mặt đáng khinh của hắn. Nhưng cái chân bó bột bự chảng và nạng gỗ lèo khèo cản trở cô.

Đạt tiến sát vào Phượng, cô vội vàng lùi bước để tạo khoảng cách với hắn. Cô càng lùi, Đạt càng tiến.

“Em nhận được quà của anh chưa? Em có thích không? Hử? Sao em không nói gì?”

Chỉ một hơi thở của hắn cũng khiến cô thấy ghê tởm. Cô không muốn tiếp xúc, không muốn đáp trả gì hắn hết. Nhất là trong thế yếu thế này.

“Sao em im lặng thế? Vậy mà cái Hoàng Anh bảo em ghê gớm lắm.”

Hoàng Anh. Lại là Hoàng Anh! Quanh đi quẩn lại vẫn là cô ta.

Đạt cười hứng chí, toan vuốt má cô.

“Nhút nhát quá! Đúng kiểu anh thích.”

Phượng theo phản xạ gạt phăng tay hắn. Đạt ôm cổ tay đau điếng.

“Mày!”

Phượng nắm chắc chùm chìa khóa trong tay*, giấu trong ống tay áo dài. Cô trừng mắt nhìn Đạt như con thú bị dồn vào ngõ cụt, sẵn sàng liều mạng với kẻ tấn công nó.

*Dùng chìa khóa làm dụng cụ tự vệ.

Đạt cười đê tiện, vẩy bàn tay bị đau.

“Thỏ con biết cắn cơ đấy! Thôi không sao, nghe lời quá mất vui. Lại đây anh thương.”

Cùng với lúc Đạt vồ vào cô, cô vung bàn tay cầm chìa khóa lên.



“Cậu kia, giở trò gì đấy!”

Một người đàn ông áo đen tóm lấy vai Đạt, đẩy hắn sang một bên. Thân hình đô con khỏe mạnh, dễ dàng xô ngã tên Đạt chơi bời ốm rách.

“Mày là thằng nào! Dám phá chuyện của tao.”

Anh mặc áo phông đen, một tay cầm túi bóng siêu thị. Đứng chắn trước Phượng, anh không hề tỏ ra khiếp sợ vẻ hống hách của Đạt.

“Em gái, em có quen gã này không?”

Cô lập tức trả lời.

Không quen. Hắn bám theo em nãy giờ.”

“Đó, người ta nói không quen cậu. Biết điều phắn đi trước khi tôi gọi công an.”

“Tao lại sợ công an của mày quá!”

Anh giơ túi bóng trong tay lên.

“Cút đi không cả túi cà chua này tọng vào mồm. OK?”

Anh vừa to khỏe lại sẵn sàng lấn át. Đạt thấy không đe dọa được gì đành bỏ đi.

Anh nhìn Đạt lái xe bỏ đi xa rồi mới quay lại nhìn cô gái sau lưng.

“Thằng đó bắt nạt em à? Chân tay bó bột thế này con đi một mình đường vắng. Thế có làm sao không?”

Mắt cô gái tròn xoe trân trối nhìn thẳng mặt anh không chớp. Anh vô thức đưa tay xoa mặt kiểm tra xem có dính gì không. Đột ngột chùm chìa khóa trong tay cô rơi bộp xuống đất. Cô gái ôm mặt khóc nức nở.

“Anh Lợi ơi, em sợ quá!”

Anh luống cuống.

“Ê, ê, sao lại khóc? Này. Nín đi!”

Cuối cùng, anh Lợi đưa cô về chỗ làm – quầy pha chế tại Club Panarea. Nơi này chẳng có điểm nào khác biệt so với trí nhớ của cô.

Từng góc của Panarea đều gợi lên chuỗi ký ức khủng khiếp nhất trong cô. Phượng run run, nghiêng đầu sang trái.

Nó vẫn nằm yên ở đó. Một cánh cửa nhỏ nằm ở góc khuất bên trái. Sơn màu đen, không có tay vặn cửa ở bên ngoài. Chỉ có người bên trong mới có thể mở ra. Nó nằm khiêm tốn một bên, người không biết dễ dàng lầm nó với cửa phòng kỹ thuật hay phòng máy vớ vẩn nào đó.

Nhưng Phượng biết đó là gì.

Cánh cửa dẫn xuống địa ngục.

Phượng rũ đầu xuống, cố gắng không nghĩ tới những gì đã xảy ra phía sau cánh cửa đó. Nhưng với mỗi lần hô hấp, cơ thể cô lại run lên.

Bây giờ mới bảy giờ tối, còn lâu mới tới giờ mở cửa. Lợi là Bartender nên tới sớm chuẩn bị. Cô ngồi xuống ghế, nói tự nhiên như đã làm cả trăm lần.

“Anh Lợi lấy cho em cốc nước.”

Lợi phì cười trước dáng vẻ nhếch nhác của cô. Mặt tèm lem, chân bó bột, tay ôm nạng gỗ nặng trịch. Lúc nãy khóc đến khát khô cả cổ nên giờ đòi uống nước. Anh đặt cốc nước khoáng trước mặt cô.

“Của cô đây.”

Cô ngửa đầu uống ừng ực rồi đặt cạch xuống bàn. Anh Lợi nói:

“Cái tay đó tởm có số má đấy! Cẩn thận với cậu ta.”

Cô không hỏi lại. Bởi kiếp trước cô đã hỏi Lợi rồi. Anh trả lời rằng anh là bartender ở Club mà, tay chơi nào anh cũng biết danh hết. Có lẽ đó chính là lý do anh ra tay cứu cô khỏi Đạt dù kiếp này họ chưa quen nhau.

“À, phải rồi. Sao cô biết tên anh là Lợi.”

“Trên áo anh có thẻ tên mà.”

Nhân viên Club phải cài một bảng tên nhỏ trên ngực áo. Khi về Panarea anh mới cài, nhưng cô đánh lạc hướng như vậy khiến Lợi nhất thời không nhận ra.

Phượng đặt hai tay lên quầy, chống cằm trông như một bé ngoan.

“Anh đi siêu thị mua gì thế?”

“Cà chua và ít đồ ăn vặt.”

“Cà chua? Anh làm cocktail Bloody Mary à?”

“Muốn thử không?”

“Có ạ.”

Lợi chợt dừng tay.

“Này, anh thấy cảnh này quen lắm. Cứ như Deja Vu*. Rõ ràng hôm nay anh mới gặp cô lần đầu.”

*Ảo giác, cảm giác quen thuộc trong một môi trường, hoàn cảnh mới, chưa trải qua bao giờ.

Phượng cười nhợt nhạt.

“Thế ạ?”

Lợi cười vô tư. Chỉ vừa mới gặp mà Lợi đã có cảm giác vô cùng thân thiết với cô. Nhưng anh không nói lời này ra, nghe giống tán tỉnh quá.

Lợi ép nước cà chua để pha chế cocktail. Phượng mệt mỏi đặt cằm lên quầy nhìn Lợi làm việc. Cảnh anh Lợi bảo vệ cô lướt qua trước mắt như một thước phim cũ. Đau đớn đến mức nước mắt cô trào ra.

Kiếp trước, cô nợ anh một lời cảm ơn và một lời xin lỗi. Kết cục của hai người đều bi đát. Nếu kiếp này chuyện vẫn không thể vãn hồi, thì hãy để cô bi thương một mình thôi. Cô sẽ không liên lụy đến anh nữa.

Phượng lình khuỳnh ôm nạng đứng dậy.

“Đi đâu đấy?”

“Em đi vệ sinh.”

Cô xiêu vẹo đi một đoạn rồi Lợi mới ngớ ra, lẩm bẩm:

“Sao con bé biết nhà vệ sinh ở đâu nhỉ?”

Cô vừa đi thì di động đặt trên mặt bàn phát sáng. Lợi mặc kệ chuông điện thoại, chờ Phượng về thì trả lời sau.

Có lẽ vì đi đứng không tiện nên mãi chưa thấy cô quay lại. Còn chuông điện thoại kêu nhức tai liên hồi. Sợ có việc khẩn cấp, Lợi bèn nghe máy hộ.

“Alo, ai đấy? À, tôi là người qua đường. Bây giờ con bé không tiện nên tôi nghe hộ. Anh là ai? Bây giờ con bé đang ở đâu á? Tôi không nói được. Vì sao à? Mới nửa tiếng trước thôi có một thằng tay chơi lái ô tô bám theo còn tấn công con bé.

Đường thì vắng, chân cẳng thì không ra sao. Nếu tôi không ở đấy thì chẳng biết chuyện gì xảy ra đâu. Bây giờ con bé đang lánh tạm chỗ tôi. Địa chỉ? Đã bảo không nói rồi mà. Điện thoại con bé không lưu số cậu. Ai biết cậu có đáng tin không? Thôi, thế nhé. Đừng gọi nữa. Tí nữa con bé ra thì tôi bảo nó gọi lại cho.”

Nói xong Lợi dứt khoát dập máy.

Giọng nói qua điện thoại nghe rất đoan chính, không giống người xấu. Còn có vẻ gấp gáp lo lắng nữa. Nhưng cẩn thận vẫn hơn.

Phượng quay lại, Lợi đặt ly cocktail Bloody Mary cùng một đĩa đồ ăn vặt trước mặt cô. Cô yên tĩnh ngồi ăn như một đứa trẻ ngoan khiến người ta yêu quý. Không hiểu vì lý do gì Lợi rất có thiện cảm với cô gái mới gặp lần đầu này.

Anh Lợi vô thức xoa đầu cô, dù mạnh tới mức đầu cô nghiêng sang một bên, nhưng cô không tránh. Lợi thở dài.

“Cô làm nghề gì?”

“Em viết nhạc.”

“Nghệ sĩ à? Bảo sao mấy thằng dở hơi lại dây dưa. Thân con gái phải biết cảnh giác. Phải biết tự bảo vệ bản thân biết chưa? Chân khỏi thì đi học mấy ngón võ tự vệ đi.”

Phượng lấy tay quệt nước cà chua đỏ trên môi. Vai cô xũ xuống. Cô ngẩng mặt nhìn Lợi, đôi mắt trong vắt như đứa trẻ ngây ngô dễ bị tổn thương.

“Anh ơi, con gái phải biết cảnh giác. Con gái phải đề phòng kẻ xấu. Thế bao giờ mới có người nói rằng: con gái được quyền ước mơ, con gái được làm bất cứ điều gì mình muốn, con gái đi sau mười giờ tối là an toàn, con gái không sợ bị quấy rối ở nơi công cộng, con gái không còn là mục tiêu của kẻ xấu. Anh ơi, liệu mong ước đó có viển vông không? Anh ơi, em khao khát ngày đó sẽ tới!”
Bình Luận (0)
Comment