Thịt Phượng Hoàng

Chương 5

Với vai trò là nhà đầu tư, vé của Minh ở hàng ghế VIP, được nhân viên nhà hát mời tới tận chỗ ngồi.

Tại Việt Nam kịch nói phát triển nhất. Tuy nhiên, kể cả những đoàn kịch lớn thì ngân sách cũng không nhiều và lượng khán giả ngày càng thu hẹp. Vì thế ngày càng ít nghệ sĩ trẻ chọn kịch. Nhạc kịch thì càng đừng nói đến. Đất diễn ít ỏi đến đáng thương.

Anh từng có một thời gian sống tại New York, xem những vở nhạc kịch kinh điển tại Broadway – mảnh đất màu mỡ của nhạc kịch. Một vở kịch toàn diễn viên nghiệp dư được bạn thân của anh đầu tư để tán gái? Anh không kỳ vọng nhiều.

Mang tâm thế như vậy để tiêu xài thời gian. Vậy mà chỉ 10 phút khi vở kịch bắt đầu, anh hoàn toàn bị thuyết phục.

Vở kịch viết về cuộc đời bi thương của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử chỉ sống đến 28 tuổi vì mắc bệnh hủi. Cả cuộc đời yêu 8 người phụ nữ nhưng đều là đơn phương. Cô gái cuối cùng mà ông yêu tên Thương Thương – một người bạn thư tri kỷ giúp ông vượt qua những tháng ngày bệnh tật.

Nhưng Thương Thương mà Hàn Mặc Tử yêu vốn không tồn tại. Người bạn thân của Hàn Mặc Tử thấy ông không còn mục đích sống, bèn giả làm một thiếu nữ hiểu lòng thơ của Hàn Mặc Tử, bầu bạn với ông. Thương Thương khiến Hàn Mặc Tử yêu đời trở lại. Rồi một ngày ông ngỡ ngàng phát hiện ra chân tướng. Những bức thư mà ông luôn nâng niu trân trọng là do bạn thân viết, còn Thương Thương là tên đứa cháu gái mới 8 tuổi của người bạn.

Hàn Mặc Tử đau thương lìa đời.

Minh rất phá tâm trạng mà huých vai anh.

“Em của tôi là Thương Thương đấy!”

Âm nhạc trong vở kịch không hề đi theo lối mòn nhàm chán. 30% bản phối sử dụng nhạc cụ dân tộc và âm hưởng dân ca để bản nhạc mang nét buồn và chất thơ của nhạc Huế.

Cả khán phòng mắt tròn mắt dẹt khi vở kịch sử dụng cả tiết tấu R&B và những đoạn rap dài.

Cái quái gì thế này?

Đến cả cái tên “nhà đầu tư” của chính vở kịch này còn phải kinh ngạc.

Âm nhạc trong vở kịch này chất lượng quá! Gần đạt tiêu chuẩn Broadway.

Vở kịch kéo dài gần 2 tiếng, cuốn theo điệu nhạc cùng từng tình tiết bất ngờ và đầy cảm xúc, anh không hề nhận thấy thời gian trôi qua.

Cho đến phân đoạn trình diễn múa đương đại lúc Hàn Mặc Tử phát hiện ra sự thật về Thương Thương. Nhóm múa đi ra từ phía cánh gà, ánh đèn thay đổi tạo hiệu ứng thế giới nội tâm của Hàn Mặc Tử chao đảo trước bước ngoặt số phận. Nhóm bè vốn chỉ hát phía sau cánh gà bước ra phía luồng sáng.

Nhóm hát bè gồm 11 người. Cùng với đó là cả đống diễn viên, nhóm múa quay cuồng trên sân khấu. Mà chỉ trong tích tắc, anh lập tức nhận ra cô.

Cô mặc bộ đồng phục y hệt 10 người xung quanh. Nhưng ánh mắt anh lại bị cô tóm lấy trong một biển người.

Cô gái động kinh ở bữa tiệc 5 năm trước!

Cô xuất hiện trên sân khấu chỉ có vài phút. Sau khi chuyển cảnh cô cùng nhóm bè lui vào cánh gà.

Cho tới tận khi vở kịch kết thúc, cô không xuất hiện trên sân khấu lần nào nữa. Nhưng mỗi khi tiếng hát của nhóm bè vang lên, anh biết có giọng cô góp trong đó.

Thì ra là một cô gái nhỏ trong đoàn kịch? Một cô gái năng lượng bùng nổ tràn đầy như vậy lại chịu ngoan ngoãn hát bè? Nếu là cô, anh chắc chắn có thể tỏa sáng vượt diễn viên chính.

Vậy mà điều khiến anh bất ngờ hơn vẫn ở phía sau.

Câu hát cuối cùng vang lên, tấm rèm đỏ hai bên sân khấu kéo lại. Khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay. Vỡ kịch kết thúc trong màn pháo tay vang như sấm. Khán giả nữ tròng mắt đỏ hoe.

Toàn bộ đoàn kịch bước ra chào khán giả. Đạo diễn của vở kịch là một nhân vật gạo cội, ông cảm ơn khán giả rồi giới thiệu các nhân tố quan trọng của vở kịch.

Đến khi đạo diễn giới thiệu:

“ Nhà soạn nhạc: Nguyễn Thị Mỹ Phượng.”

Cô bước từ trong đám đông, đứng dưới ánh đèn sân khấu sáng rực. Toàn thân cô tỏa ra muôn trượng hào quang.



“Vâng. Con đã chuyển khoản cho mẹ rồi. Chắc bây giờ mẹ nhận được rồi đấy. Không. Mẹ yên tâm. Bây giờ con kiếm được nhiều tiền lắm! Mẹ không phải lo cho con đâu. Sao? Mẹ nhìn thấy con trên báo á?”

Cô cười khúc khích. Sau khi tắt cuộc gọi với mẹ, nụ cười trên môi cô trùng xuống.

Cô nhìn bóng của mình qua cửa sổ kính của quán cafe.

Không gian xung quanh cô mờ đi, bên tai cũng chẳng còn tiếng động. Vạn vật trôi dạt ra xa. Đôi mắt trong veo của cô nhìn về phía cửa sổ nhưng chẳng hề có tiêu cự.

Không hiểu cô đang nhìn tấm kính, nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, ngắm hàng cây bên kia đường. Hay suy nghĩ của cô đang trôi dạt về một miền đất xa xôi nào đó.

Như thế linh hồn của cô bị giam cầm ở một nơi không ai hay biết.

“Phượng, Phượng!”

Advertisement

Cô giật mình.

“A, Tuệ. Trời ơi, bà làm tôi hết hồn.”

“Tôi gọi bà nãy giờ. Lại ngẩn người nghĩ gì đấy?”

“Đang thả hồn theo các cụ Karl Marx, Lenin.”

Tuệ búng trán cô.

“Chỉ giỏi nói vớ vẩn.”

Không thể phủ nhận công sức của Minh trong việc truyền thông cho vở Hàn Mặc Tử. Nhờ anh rót tiền và gây ảnh hưởng trong giới, chỉ sau một thời gian ngắn công diễn, vở kịch đã thu hút được sự chú ý của giới phê bình và cả truyền thông đại chúng.

Phượng xoay ly trà trong tay. Thành công này không chỉ nhờ anh ta đâu.

Kiếp trước cô cũng soạn nhạc cho vở kịch này. Nhưng nhạc kịch vốn không được chú ý trong nước. Nỗ lực của cả đoàn như đá ném xuống ao. Diễn được hai tháng, vở kịch dừng vô thời hạn.

Kiếp này, cô không chỉ ngây ngô tập trung vào sáng tác nữa.

Cô phát hiện ra Minh, cậu ấm đang theo đuổi Ánh – cô bạn khoa Thanh nhạc cùng trường cô. Cô liền sáng tác tất cả các ca khúc cho vai Thương Thương như đóng giày cho Ánh, sau đó đề cử cô ấy với đạo diễn.

Ánh được nhận vai, Minh vì người đẹp mà trợ lực cho đoàn kịch. Cô theo đó mà được hưởng sái.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đạt cả ba yếu tố đó thì việc lớn mới thành.

Ở vị trí hiện tại, cô được làm quen với nhiều người trong giới truyền thông. Tuệ là bạn tốt của cô, một nữ nhà báo làm mảng phóng sự điều tra. Kiếp trước cô không hề có cơ hội gặp được Tuệ.

Sau khi ngồi buôn những câu chuyện thường tình, Phượng chuyển sang nói về chuyện công việc của Tuệ. Khi chủ đề ấm lên một chút mới gặng hỏi:

“Này, tôi tò mò một chuyện. Bình thường các bà lấy tin từ những nguồn nào? Giả sử người dân địa phương báo rằng có một vấn đề XYZ, các bà có tới điều tra không? Tôi biết là không phải tin nào các bà cũng theo được. Vậy có tiêu chí gì không?”

Tuệ là một cô gái cao ráo, dáng vẻ nhanh nhẹn. Giọng nói của cô cũng rất vang, mạch lạc và lưu loát.

“Những tin mà nhà báo hay phóng viên làm đều phải thông qua tổng biên tập và nhà đài hết. Có một số tin tức nhạy cảm khá đặc thù thì toàn các chú, các bác có tiếng trong nghề mới dám làm. Nhà báo và người cấp tin dễ phải đối mặt với việc bị khủng bố, trả thù. Không những thế, không phải tin cứ lên báo là được xử lý đâu. Ví dụ như phóng sự chặt phá rừng trái phép chẳng hạn. Năm nào chẳng có người làm, nhưng vẫn đâu lại hoàn đấy.”

Phượng suy tư.

Để tránh cho cuộc sống mới này quay lại vòng lặp của kiếp trước, cô nghĩ mình có thể lợi dụng khả năng biết trước một số mốc thời gian quan trọng trong tương lai để thay đổi số phận. Nhưng điều này không đơn giản như cô tưởng.

Kiếp trước lúc mất tích cô vẫn là một nhạc sĩ nghiệp dư, loay hoay tìm người mua các tác phẩm của mình.

Nay, cùng một thời điểm, vì biết định hướng đúng đắn và nỗ lực làm việc hơn, cô thu được chút thành tựu. Những sự kiện của kiếp này không 100% như cũ. Mất khả năng biết trước tương lai, cô cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi biến cố.

Cô ở đây, yếu ớt và không có sức chống cự. Còn bọn chúng…

Tuệ nhíu mày nhìn cô.

“Phượng, mặt bà tái quá! Bà bị ốm à?”

“Ha? Không sao đâu. Chắc tại đói quá. Tôi với bà đi ăn gì đi.”

“Được. Gần đây có quán bún chả ngon lắm. Tôi khao.”

Đi cùng Tuệ nhưng cô vẫn lạc trong thế giới suy tư.

Phượng lắc đầu, nghĩ:

“Chưa đủ. Mình vẫn chưa đủ mạnh.”

Phượng nhìn Tuệ – cô bạn nhà báo thẳng thắn đi cạnh mình.

Cô cần tìm được đủ bằng chứng, nắm được nhược điểm của chúng. Bên cạnh hành pháp, lập pháp và tư pháp, còn một quyền lực mạnh hơn mọi nòng súng, là quyền lực của truyền thông.

Lần này, cô phải đòi được công bằng cho chính mình.
Bình Luận (0)
Comment