Thợ Sửa Giày

Chương 45

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.


Bao nhiêu năm ròng, Nhiếp Chấn Hoành quả thực vẫn luôn sống rất ngẫu hứng.
Hồi còn cắp sách đến trường anh không thích học hành, gia đình cũng chẳng thúc ép anh phải học.

Không học được nữa thì đi buôn bán, cũng không đặt việc kiếm tiền quá nặng.

Sau này mở cửa hàng sửa giày, anh lại càng được chăng hay chớ, sống sao cho sướng thì sống.
Ngoài hồi mới bị thương ở chân có phiền muộn một thời gian, thì anh hiếm khi trăn trở chuyện gì quá lâu.
Nhưng đối mặt với Lâm Tri, phong cách ngẫu hứng tùy ý ngày xưa của Nhiếp Chấn Hoành lại lặng lẽ biến thành quan tâm.
Anh rầy rà không dám nhận ra tình cảm của mình, sợ mình hiểu nhầm, làm tổn thương đến cậu nhóc vốn đã vô cùng ngây thơ và mỏng manh này.
Thậm chí anh còn nghĩ thầm theo một kiểu rất bịt tai trộm chuông là, cứ thế này cũng tốt.

Hai người ở bên nhau mỗi ngày, cũng chẳng khác gì bạn đời cả.
Vì thế thời gian cứ trôi đi trong thầm lặng như thế.
Chỉ trong chớp mắt, tháng Bảy về, thời điểm nóng nực nhất trong năm đã tới.
Khi đám học trò quanh đây lần lượt được nghỉ Hè, khu tập thể lại càng ầm ĩ hơn.

Tiếng trẻ con đuổi bắt đùa giỡn vang lên mọi nơi mọi lúc, quả thực như hàng cá hàng tôm.

Nhiếp Chấn Hoành ngồi trong nhà nhìn ra ngoài, những tiểu thương bán rau dưa củ quả đang dàn thành hàng dọc ở lề đường khu tập thể cũ, cũng gần như thành họp chợ rồi.
Vốn dĩ, mỗi lần tiệm vắng khách, anh đều đặt ghế ngả ra ngoài nhà nằm uống trà.

Nhưng mấy hôm trước thằng cu Vương Tiểu Bảo con trai Vương Kim Bảo chơi bóng đá với mấy đứa bạn cùng lớp, nó sút một cú văng luôn cái ấm trà anh đang cầm.

Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy còn nằm bên ngoài như thế, chắc anh chẳng còn đủ ấm chén để uống trà nữa.
Vì thế anh dứt khoát mang ghế vào trong.
Có điều cửa hàng anh thuê không lớn, vừa ngả cái ghế gấp kia ra là choán hết nửa mặt sàn rồi.


Nhiếp Chấn Hoành sợ quấy rầy việc vẽ tranh của Lâm Tri, nên lúc rỗi việc anh cũng không nằm, mà lấy mấy miếng da ra từ kệ hàng, bắt đầu làm đồ thủ công.
Tuy biển hiệu tiệm anh ghi là sửa giày, nhưng anh cũng làm thêm rất nhiều nghề phụ: đánh chìa, đổi phéc-mơ-tuya, sửa ô mở khóa, bảo dưỡng đồ da… và bán thêm mấy thức đồ tạp nham liên quan nữa.
Bên phải cánh cửa của tiệm sửa giày là một cái kệ lớn gần chạm tới trần, bày đầy những món dụng cụ Nhiếp Chấn Hoành cần dùng và những đôi giày đã sửa xong của khách.

Còn bên trái, là một cái giá hình chữ nhật làm bằng dây thép, treo những món hàng nhỏ kín nửa bức tường.

Nào là thắt lưng, tất vớ, lót giày, ví tiền nhỏ linh tinh.

Trong đó cũng chẳng thiếu mấy món hàng mà một số bà con gia cảnh khó khăn gửi bán nhờ ở đây.
Nhiếp Chấn Hoành thu tiền hộ họ.
Ở đời, hầu hết mọi người đều không được sống theo ý mình.

Nếu anh giúp được ai thì cứ giúp thôi.

Dù sao bức tường đó chỉ là một khoảng trống vô dụng với anh, giúp cũng không nhọc công gì.
Thi thoảng nhàn quá, bản thân anh cũng làm mấy món con con, treo bừa lên để bán.

Ví dụ như loại móc khóa bằng da anh đang làm bây giờ, còn là một món hàng cũng khá chạy.
Chẳng mất bao nhiêu công, chỉ cần mấy miếng da thuộc to bằng lòng bàn tay, thêm chút bông thừa từ tiệm chăn bông của Nhiệt Hợp Mạn ở phố bên kia, kèm một cái vòng đồng nữa là xong.

Anh có thể hoàn thành mấy chiếc liền chỉ trong một buổi chiều.
Bản rập đã làm xong từ lâu, Nhiếp Chấn Hoành lấy chúng ra khỏi hộp dụng cụ, chồng lên trên mặt da, phác hình bằng phấn vải.

Sau đó anh ấn miếng da bằng tay trái, tay phải cầm chắc dao cắt, đồ lại hình dáng đại khái theo nét đã đánh dấu.
Mặt hàng chạy nhất trong tiệm anh là mấy món trang sức hình con giống, chúng đều là khuôn hoạt họa anh tìm thấy trên mạng.


Voi này, hổ này, thỏ nữa, nhồi bông xong, móc khóa 3D trông cực kỳ ngây thơ chất phác, các cụ và các cháu đều rất ưng.
Sau khi dập lỗ khâu trên bề mặt miếng da đã cắt, đồng thời khâu hết mắt miệng và tứ chi của con thú bằng chỉ sáp gập đôi, anh bắt đầu nhồi bông cho nó.

Những nhúm bông mềm mại được xoa thành hình cầu, nhét vào phần bụng trống của miếng da, khiến món đồ dẹp lép căng phồng thành hình lập thể.

Bóp vào mềm mềm đàn hồi, còn có công dụng giải tỏa stress phần nào nữa.
Bàn tay anh to dày, vốn không giống tay người làm những việc tỉ mẩn tinh tế thế này, nhưng ngón tay linh hoạt nhanh nhẹn và những động tác vững vàng khéo léo của anh lại khiến người ta không thể dời mắt cho nổi.
Anh như đang tạo ra một sinh mạng nhỏ, cúc áo là đôi mắt, đường khâu là mạch đập, bông là máu thịt.

Lớp da lạnh lẽo dần có hơi ấm, cầm trong tay, dường như có thể mang lại niềm an ủi khuây khỏa cho những kẻ cô đơn.
Khi Nhiếp Chấn Hoành ngẩng đầu lên, anh phát hiện Lâm Tri đang nhìn món đồ trong tay mình chằm chằm không chớp mắt, chẳng rõ cậu đã quan sát bao lâu.
“Thích à?”
Anh nâng thành phẩm đã làm xong lên, đưa tới trước mặt Lâm Tri, “Cầm chơi đi này.”
Thứ đang nằm trong lòng bàn tay Nhiếp Chấn Hoành là một chú hổ con.
Không hung ác như vua của rừng rậm, đôi mắt tròn trịa đen bóng được khâu bằng cúc đen nom đáng yêu tựa một chú mèo to vâyh.
tho-sua-giay-45-0.jpg
Anh vốn tưởng cậu nhóc sẽ hớn hở nhận ngay, nào ngờ Lâm Tri lại lắc đầu, nhét tay mình dưới tạp dề.

Nhiếp Chấn Hoành thấy động tác tránh né của cậu thì hơi hụt hẫng, tính cầm móc khóa về.
Nhưng giây tiếp theo, anh lại nghe được tiếng kim loại va chạm vào nhau dưới cái tạp dề quây của cậu thanh niên, nhìn thấy Lâm Tri móc một chùm chìa khóa ra từ túi quần.
“Em có rồi.”
Ba chữ mơ hồ, nhưng đi kèm với món đồ mà Lâm Tri lấy ra, thì người ta nhìn cái là hiểu liền.
Thứ trong lòng bàn tay Lâm Tri, hóa ra lại là một cái móc khóa trông y như chiếc mà Nhiếp Chấn Hoành đang cầm.


Cùng là một chú hổ mắt tròn xoe bụng phồng phồng, chẳng qua nó có vẻ đã được dùng rất lâu, nên lớp da và nút thắt bên ngoài đều bợt thành màu trắng, trông sờn cũ.

Đến cả cái bụng nhồi đầy bông cũng bẹp hơn cái mà Nhiếp Chấn Hoành làm bây giờ nhiều.

Tuy vẫn mềm mại đàn hồi, nhưng thoạt trông xẹp lép.
“Cái này…” Nhiếp Chấn Hoành kinh ngạc duỗi tay ra lấy nó lại gần để quan sát.

Anh lộn trước lộn sau mấy vòng, rồi mới chắc chắn, “Hẳn là do anh làm đấy.”
Anh hay thắt nút ba vòng, nút thắt ở đuôi hai chú hổ trên tay anh gần như giống hệt nhau.
Nhiếp Chấn Hoành không khỏi hỏi Lâm Tri, “Mua lúc nào đấy, hử? Trước đây chúng ta từng gặp nhau rồi à?” Nỗi sướng vui dâng trào trong lòng anh, anh cảm thấy đôi lúc duyên phận giữa con người thật diệu kỳ.
Nhưng Lâm Tri lại lắc đầu, “Mẹ mua cho em ạ.”
Đầu ngón tay của cậu thanh niên nhẹ nhàng lướt qua lòng bàn tay Nhiếp Chấn Hoành, lấy lại chùm chìa khóa vốn thuộc về mình.
“Mẹ bảo, treo vào, sẽ không bị mất nữa.”
Nhiếp Chấn Hoành thấy ngón cái và ngón trỏ của Lâm Tri nắn bụng chú hổ theo thói quen, “Về sau… Về sau mẹ treo cả chìa khóa nhà ở đây vào.”
“Trước kia em đã từng tới đây rồi ư?” Nhiếp Chấn Hoành nhẹ nhàng hỏi, “Ý anh là, đi chung với mẹ ấy.”
Lâm Tri nghiêng đầu ngẫm ngợi, lắc đầu, “Mẹ bảo, chỗ này ồn quá.”
Nhiếp Chấn Hoành có thể tưởng tượng ra mẹ Lâm Tri nói câu đó trong tình cảnh nào.

Đến giờ cậu nhóc còn chưa khỏi hẳn, chắc chắn hồi đó bệnh của cậu càng nghiêm trọng hơn.

Những lần bị miệt thị nặng nề bằng ngôn từ ở trường đã trở thành chất xúc tác gây nên bệnh tâm lý.

Cậu trở nên khép kín, nhạy cảm, sợ hãi người khác, luôn vô thức co rúm sợ sệt ở những nơi đông người.
E là mẹ Lâm Tri sợ môi trường ở đây sẽ khiến bệnh tình của con trai chuyển biến tệ đi, nên mới lựa chọn làm thủ tục thôi học cho con, một thân một mình nuôi con khôn lớn.
“Em sợ à?”
Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành mới muộn màng nghĩ tới, liệu ngày xưa mình có quá tự cao khi đưa ra quyết định kêu cậu nhóc dọn xuống đây vẽ tranh không.
Ngày nào cũng ngồi ở đây, Lâm Tri có vui vẻ thật không?
Nhưng giọng nói trong trẻo lại đập tan nỗi lắng lo của anh, “Không sợ ạ.”
Tiếng ve ngoài hè inh tai nhức óc, những cây đại thụ ven phố xòa bóng, bỗng dưng che đi tiếng ồn ào rộn rã của đám đông, khiến nó không còn quá ầm ĩ nữa.
Ngón tay đang liên tục bóp bụng chú hổ của Lâm Tri đổi động tác khác.


Nhiếp Chấn Hoành thấy đầu ngón tay như trăng non của cậu nhóc lượn theo chữ “Vương” trên đầu hổ, từng nét một, như đã tìm được một hướng đi ổn định.
“Thích nơi này ạ.”
Nhiếp Chấn Hoành nghe câu ấy, lòng chợt mềm nhũn, nhưng lại thôi thúc muốn mặt dày hỏi thêm một câu—— em thích nơi này, hay là… thích anh?
Nhưng dù không hỏi, anh cũng có thể đoán được đáp án của cậu nhóc.
Đơn thuần, thẳng thừng, nhưng lại không ẩn chứa hàm ý mà anh đang mong chờ.
Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành mới chợt nhận ra.
Hóa ra, bản thân anh đang thấp thoáng mong chờ gì đó.
“Ô, Ông chủ Nhiếp, đang bận đấy à?”
Khoảng lặng trong căn phòng bị vị khách vừa đến phá vỡ.

Nhiếp Chấn Hoành đè cơn sóng cồn trong lòng xuống, quay sang đáp, “Không bận, chị sửa giày ạ?”
“Đúng đúng, đôi cao gót của con nhóc nhà chị bị lủng gót rồi, chú giúp chị coi sửa được không với?”
Khách tới là hai mẹ con.

Nhiếp Chấn Hoành có quen biết với người lớn tuổi, đấy là bà chủ cửa hàng rau dưa trộn ở con phố ngoài khu tập thể.
Không biết tên chị ta là gì, nhưng bảng hiệu ghi “Quán thỏ thái hạt lựu của chị Ba” nên khách tới mua đều gọi chị ta là “chị Ba”.

Đôi lúc lên cơn thèm, Nhiếp Chấn Hoành sẽ qua quán chị ta mua mấy món nhắm như thỏ thái hạt lựu với tai lợn linh tinh.

Nhà chị Ba hỏng giày hỏng túi gì cũng mang qua tiệm anh nhờ sửa.
Bình thường chị Ba hay tới một mình, hôm nay lại kéo thêm một cô gái trẻ ăn vận trang điểm thời thượng đến đây.

Cô bé mặc chiếc váy liền màu xanh nhạt, đeo đôi xăng đan trắng hở ngón, trông vô cùng trẻ trung son sắc.
“Chú xem cái con bé này, vừa lên đại học đã làm khùng làm điên, vẽ mắt như bị ai đánh không bằng, còn mua giày cao gót về đeo.

Đấy mà xem, giẫm lên nắp cống thoát nước, suýt thì trẹo cả chân!” Giọng điệu chị Ba ẩn chứa sự trách cứ, nhưng lại không che giấu nổi tình yêu thương dành cho con gái.
“Mẹ! Con đánh mắt tông đất mà! Còn nữa, đeo giày cao gót thì có làm sao, con…”
Cô gái nọ bĩu môi phản bác với vẻ không vui, nhưng sau khi thoáng thấy cậu trai tuấn tú đang ngồi trước bảng vẽ trong tiệm sửa giày, giọng điệu bất mãn của cô nàng dần nhỏ lại, “Mẹ không thích… thì con không đeo nữa là được mà.”.

Bình Luận (0)
Comment