Thời Đại Sau Tình Yêu

Chương 9

Vào Tết Âm lịch, Hạ Nhật đón chào chuyến đi xa đầu tiên, bố đưa cô và Hạ Thiên cùng đến Hokkaido. Lúc sắp đi cụ ông Mông đưa một xấp tiền cho bố mà nói, “Chúng ta không thể để người Nhật xem thường được, lần đầu tiên ra nước ngoài phải cho mấy đứa nhỏ ăn ngon ở tốt chứ.”

Hạ Thiên lần đầu tiên ngồi máy bay mừng rỡ như một chú khỉ, Hạ Nhật cũng dùng ánh mắt hiếu kì mà ngắm nhìn dòng người ở sân bay. Hà Đức Khâm trong lòng thấy xót xa, hai đứa con này của ông vô cùng ngoan ngoãn, không khóc không nháo, cũng không vòi xin các món đồ chơi, cũng không đòi ông phải đưa chúng đi đâu.

Có thể nói, Hokkaido là nguyện vọng đã ao ước từ lâu của Hà Đức Khâm. Lúc còn trẻ ông cứ luôn lải nhải với vợ mình rằng nhất định phải đến Hokkaido một lần để ngắm cảnh tuyết, ngắm hoa anh đào. Đường bờ biển trải dài vô tận ở nơi đây là giấc mơ thời trẻ của ông.

Cuối cùng, ông cũng đã đặt chân lên mảnh đất này, dù vợ đã không còn bên mình, nhưng có hai đứa con là đủ rồi.

Hạ Nhật trước giờ chưa từng thấy qua tuyết sạch như vậy, từng mảng từng mảng lớn trắng đến bừng sáng, từng khoảnh từng khoảnh tuyết lấp đầy tầm mắt của bạn. Bắc Kinh cũng có tuyết, nhưng Hạ Nhật cảm thấy tuyết ở Bắc Kinh hình như thiếu đi chút gì đó, hơn nữa mỗi lần đổ tuyết đều dễ gây nên giao thông hỗn loạn, có lúc không cẩn thận nước tuyết còn thấm vào trong ủng.

Bọn họ dừng chân tại một nhà trọ ở Otaru, ở nơi này nhìn ra xa là một màu trắng bạc, tầng tuyết dày đè lên mái nhà, đi vào trong nhà trọ lại ấm vô cùng.

Bố mang theo máy chụp hình của ông, dưới sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên địa phương, cùng đi trượt tuyết, cùng ngắm đảo và vườn hoa ở Hokkaido, cùng ngâm suối nước nóng, cùng đến quán rượu Nhật của dân địa phương, cũng cùng xem màn biểu diễn dân gian ở đây. Thứ khiến Hạ Nhật cảm thấy thú vị là lễ thành nhân của Nhật. Cô nhìn thấy những người con trai con gái trẻ tuổi mặc quần áo mỏng manh rồi dùng nước lạnh tạt lên người để chúc mừng bản thân đã bước qua một giai đoạn khác.

Mấy ngày ở Nhật đó là khoảng thời gian vui vẻ nhất của Hạ Nhật từ khi trưởng thành cho đến nay, bởi vì vui nên cô cảm thấy nếu có Mông Qua ở đây thì hay rồi, thế sẽ hoàn hảo luôn. Nhưng cũng chỉ có thể nghĩ trong lòng mà thôi, có một số chuyện Hạ Nhật âm thầm hiểu, cô cũng đã hạ quyết tâm phải vạch rõ giới tuyến với Mông Qua rồi.

Trước khi rời khỏi Nhật, Ka-chan, cô con gái của chủ nhà trọ đã mời Hạ Nhật cùng đến miếu thần ở gần đó để viếng thần. Ka-chan mười bảy tuổi, cô rất thích Hạ Nhật, bọn họ có thể dùng những câu tiếng Anh đơn giản để trò chuyện với nhau. Dưới sự giúp đỡ của Giang Hạo Thiên, tiếng Anh của Hạ Nhật đã cải thiện lên rất nhiều. Cho nên, lần đến Nhật này, Hạ Nhật đã mua cho Giang Hạo Thiên một con búp bê rất đậm chất Nhật.

Ka-chan viết tên cậu con trai trong lòng lên tấm thiệp. Ka-chan thích cậu con trai trên lớp, nhưng cậu con trai đó đã có bạn gái. Thế nên, Ka-chan viết tên cậu con trai đó lên thiệp để nói cho thần biết mình đã từng yêu.

Chọn một tấm thiệp có vẽ hình hoa Dạ Lan. Hạ Nhật nhìn tấm thiệp rất lâu, sau cùng treo nó lên cây. Nhìn nó lay đưa trong gió, Hạ Nhật nghĩ, cứ để một số tâm tình cho cơn gió ở đất nước xa lạ này mang đi thật xa đi.

Hạ Thiên cứ quyến luyến không nỡ mà bước lên máy bay, nó nói, “Bố, con thích nơi này.”. Bố cười ha hả mà bảo, “Vậy sau này một nhà ba người chúng ta lại đến nữa.” Rất lâu, rất lâu về sau, mỗi khi Hạ Nhật hồi tưởng lại lời bố nói lúc đó, nước mắt cứ thế mà tuôn ra.

Mông Qua vừa nhìn thấy con búp bê Nhật treo trên cặp Giang Hạo Thiên thì liền không kiềm được mà giễu cợt trong lòng một phen, một thằng con trai treo thứ đó trên cặp thật sự là buồn cười quá đỗi. Cậu biết con búp bê đó là của Hạ Nhật tặng cho Giang Hạo Thiên, cậu còn nhớ thằng nhóc đó đã mừng rỡ hân hoan mà khoe với bọn họ, bởi vì chỉ có cậu ta nhận được quà của Hạ Nhật. Không đúng, còn có ông nội của cậu nữa, ông đã nhận được một bộ cờ vây quốc tế được chế tác thủ công của Hạ Nhật.

Quà? Cậu chẳng thèm, từ nhỏ đến lớn quà cậu nhận được sắp sửa không còn chỗ để rồi. Cậu chỉ là có hơi mất mặt, dựa vào cái gì mà Giang Hạo Thiên có cậu lại không có. Thời gian cậu quen biết Hạ Nhật còn dài hơn Giang Hạo Thiên nhiều.

Hơn bốn tháng nay, Hạ Nhật không hề chủ động tìm cậu, cậu cũng không đi tìm Hạ Nhật. Lúc đầu cậu cảm thấy chẳng có gì, dần dà cậu lại thấy không quen, như lạc mất thứ gì đó vậy. Cậu đang đợi Hạ Nhật chủ động tìm cậu, lần này cậu sẽ nói cho cô biết rằng về sau cậu sẽ không tùy tiện đùa giỡn cô nữa. Nhưng thoắt cái đã đợi hơn bốn tháng, cậu đã đợi đến không còn kiên nhẫn nữa rồi. Cậu còn phát hiện con bé đó dạo này sống rất vui vẻ, sau khi từ Hokkaido về cũng không biết từ đâu mang về một con chó hoang, bộ dáng đen thui xấu cực, nhưng hai chị em đó cũng không để tâm, cả ngày cứ chạy quanh con chó nhỏ đó, làm chỗ ở cho nó, tắm rửa cho nó, đưa nó đi tản bộ, bận rộn đến khiếp được. Bộ dạng vui vẻ đó khiến Mông Qua cực kì khó chịu, có lẽ nên nói là đố kị, cậu đố kị bọn họ có thể dễ dàng tìm được niềm vui từ một con chó hoang.

Hôm nay, con chó nhỏ đó đến bên cạnh Mông Qua, lắc lư bộ lông xấu xí trên người, nhỏ dãi cả ba thước mà nhìn đồ ăn trên tay cậu. Mông Qua trong lòng khẽ động, cầm phần hamburger còn lại ném mạnh ra ngoài cửa. Quả nhiên, con chó đó lập tức chạy ra ngoài. Đợi con chó đó chạy xa rồi, Mông Qua đóng cửa lại. Cậu núp trong cửa nhìn con chó đó ăn sạch phần hamburger mình đã ném đi, sau đó còn chưa đã thèm mà chạy theo xe giao đồ ăn.

Quả nhiên là một con súc vật. Mông Qua cảm thấy chuyện này không liên quan đến cậu, do con chó đó không chịu được mê hoặc thôi.

Tối hôm đó, hai chị em kia mặt mày buồn khổ quay về.

“Chị, chị nói xem chó con đi đâu được đây?”

“Chị, chó con liệu có gặp phải người chủ trước đây nên đã về theo chủ của mình rồi không?”

“Chị, liệu có người ăn cắp chó con của chúng ta không?”

Chỉ có một mình cậu em nói, người chị từ đầu đến cuối chẳng nói một lời.

Hạ Nhật rũ đầu xuống khiến Mông Qua có chút ray rứt, nói thật thì con chó đó cũng chẳng cản trở gì cậu, nhưng cậu không nhìn nổi việc Hạ Nhật cứ một lòng một dạ với nó.

Năm mười sáu tuổi này là một năm bội thu của Mông Qua và Hạ Nhật, bọn họ lần lượt với thành tích đứng thứ nhất và thứ bảy toàn thành phố mà đậu vào trường cấp ba trọng điểm có danh tiếng nhất của Bắc Kinh. Mông Qua còn nhận lời mời tham gia tiệc âm nhạc cho ngôi sao tương lai ở Vienna, vinh quang tỏa sáng trong bữa tiệc âm nhạc, hình của cậu được đặt ở vị trí bắt mắt, bình luận viên của tiệc âm nhạc hết lời ca ngợi cậu bé này. Ở sân bay, cậu dùng tiếng Anh lưu loát để trả lời câu hỏi của kí giả Tây phương, cảnh tivi ba phút đủ khiến người dân cả nước cảm thấy tự hào, phải biết đó là kênh nổi tiếng nhất của châu Âu.

Vienna, Vienna, Hạ Nhật trong lòng khe khẽ gọi tên của thành phố này.

Hạ Nhật rất hài lòng với kì nghỉ hè này, bố của cô bỗng nhiên dành ra rất nhiều thời gian để ở chung với hai chị em họ.

Trong khoảng thời gian Mông Qua ở Vienna, Hạ Nhật đã quen với cụ ông Tô, một cụ già mở quán trà trong chính căn nhà mình. Cụ ông Tô tên Tô Lục Sinh, là một công nhân đã về hưu, có một căn tứ hợp viện* cũng xem như rộng rãi ở Bắc Kinh. Về sau, ông sửa căn tứ hợp viện của mình thành quán trà. Khách đến quán uống trà đa phần là những cụ già về hưu ở nhà, có lúc cũng có người nước ngoài nghe danh mà tới. Hôm nọ, có một người Đức cầm địa chỉ hỏi đường Hạ Nhật, Hạ Nhật bèn phụ trách dẫn đường. Vì thế đã quen với cụ ông Tô.

Hạ Nhật từ ánh nhìn đầu tiên đã thích căn tứ hợp viện của cụ ông Tô. Nhà của cô ở dưới quê trước đây cũng là tứ hợp viện, khoảnh sân vuông vức và bầu trời yên bình trên mái đầu khiến Hạ Nhật cảm thấy vô cùng thân thiết. Cụ ông Tô cũng thích Hạ Nhật, ông có một đứa cháu gái nhỏ hơn Hạ Nhật một tuổi, nhưng bởi vì cháu gái rất ít khi đến thăm ông, cho nên ông gián tiếp xem Hạ Nhật như cháu gái của mình.

Những lúc rảnh rỗi, Hạ Nhật thường đến chỗ cụ ông Tô ngồi chơi, chỗ cô ở không xa nơi này mấy, ngồi xe buýt mười lăm phút, đi hết một con đường là tới rồi.

Vào cuối tuần, quán trà của cụ ông Tô sẽ mời nghệ sĩ dân gian đến hát một vài khúc nhạc, bởi vì khách vào cuối tuần đông hơn rất nhiều so với lúc bình thường, cũng có một số người đến chỉ để nghe hát.

Hạ Nhật luôn cảm thấy bức tường bối cảnh trống không phía sau nghệ sĩ chướng mắt cực kì, cô hỏi cụ ông Tô rằng có muốn thêm một chút màu sắc lên tường không. Ông cụ cười ha hả giao nhiệm vụ này cho Hạ Nhật.

Trong thời gian một tuần, trên bức tường bối cảnh kia đã có thêm một bức tranh. Trong tranh có ngôi đình nghỉ chân với màu sắc cổ điển mà ưu nhã, có con đường lát đá, có nước hồ, có nhành liễu lay đưa theo gió.

Người nghệ sĩ kịch hát Mẫu đơn đình trước bức tranh bối cảnh không lớn, giọng ca uyển chuyển. Tất cả khiến Hạ Nhật thấy thư thái trong lòng, có một số tâm tình như được mọc thêm đôi cánh.

Mùa hè năm ấy, Hạ Nhật của tuổi mười sáu lần đầu tiên khẽ chạm vào đôi cánh thuộc về ước mơ.

Cụ ông Tô cho Hạ Nhật năm trăm đồng, bảo để bù cho tiền cô mua màu vẽ. Ông nói, “Hạ Nhật, cháu vẽ rất là đẹp, bởi vì tranh của cháu mà khúc hát nghe ra càng có ý cảnh hơn.”

Dùng năm trăm đồng của cụ ông Tô, Hạ Nhật mời bố và em trai mình đến Toàn Tụ Đức* ăn một bữa thịnh soạn.

Nhớ lại hôm ấy, dưới tấm bình phong màu đỏ son khắc hoa văn vàng kim, trong mắt của bố cô tràn ngập sắc sáng, bởi vì uống chút rượu mà mặt hơi đỏ, ông kéo nhân viên phục vụ lại mà không ngừng nói, “Bữa cơm này là con gái tôi mời đó, năm nay nó mới mười sáu tuổi, mới mười sáu tuổi thôi.”.

Trên đường về nhà, bố đã bước đi loạng choạng, một tay kéo lấy Hạ Nhật một tay kéo lấy Hạ Thiên, lầm bầm tự nói:

“Xin lỗi, các con của bố, bố không có bản lĩnh, nếu như có thì bố nhất định sẽ đưa các con ra nước ngoài du học.”

“A Nhật, chắc con hâm mộ Tiểu Qua lắm, nếu A Nhật của chúng ta ra đời trong gia đình có năng lực, con nhất định cũng sẽ rực rỡ chói mắt như Tiểu Qua vậy. Bố biết con có bản lĩnh.”

“A Nhật của chúng ta sau này nhất định sẽ là một nhà nghệ thuật.”

“A Thiên, A Nhật, bố xin lỗi các con, đến giờ bố vẫn chưa thể cho các con một mái nhà, một mái nhà thuộc về gia đình ba người chúng ta.”

Hình như, người làm bố mẹ trên đời đều như vậy, chỉ cảm thấy việc mình làm cho con cái chưa bao giờ là đủ, hận không thể dâng tất cả những thứ tốt nhất trên đời lên trước mặt lũ con.

*Tứ hợp viện: Còn gọi là tứ hợp phòng, là một loại kiến trúc theo mô hình hợp viện truyền thống của Trung Quốc. Kết cấu của nó là một cái sân bốn mặt có nhà, bao quanh đình viện lại chính giữa.

*Toàn Tụ Đức: Nhà hàng vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng lâu đời.
Bình Luận (0)
Comment