Thời Hoàng Kim

Chương 26

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



<tbody>Tôi có đứa cháu vốn thông minh từ nhỏ, tuy không chăm chỉ lắm, đã thi đỗ vào Đại học Thanh Hoa – điều này tôi giải thích bởi huyết thống bên ngoại, là cậu của nó, tôi cực thông minh. Nó thích nhạc  rock  , ban ngày học, tối đến cầm  guitar  hát, còn tụ tập mấy đứa bạn nói là đang “tập”, nhưng hàng xóm thì nổi giận vì trên cây  guitar  của nó có bộ phận tạo tạp âm, có thể tạo ra âm thanh làm bẹp nồi sắt. Nên nhớ các bài học của Thanh Hoa không phải chuyện chơi, mỗi lần đến kỳ thi kiểm tra là nó chuẩn bị bài vở thâu đêm. Như thế chẳng còn giờ đâu mà ngủ. Mấy tháng sau, hai mắt thâm quầng, mồm nhọn ra, mặt choắt lại, gầy đến gió thổi bay. Nó còn định sau khi tốt nghiệp đi theo nhạc  rock  luôn. Bố mẹ nó tất nhiên coi như tai họa giáng xuống đầu, ngay cả tôi cũng nghĩ rằng chơi nhạc  rock  rất khó để có một cách sống tử tế trừ phi nó học được cách uống gió ăn khói mà sống. 
Làm một thanh niên chơi nhạc  rock,  thằng cháu tôi cũng có thể tìm được cơ hội để cuối tuần đàn hát nhưng cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, chưa kể nếu gây ồn cho những nhà bên cạnh hoặc gặp phải đợt “chấn chỉnh” nào đó còn có thể phải ngồi đồn công an – chuyện ấy tôi đã nghe. Bọn thanh niên này thường ngồi thành dãy ở chân tường đồn công an như ngồi nhà xí công cộng để nghe các đồng chí công an mắng nhiếc rỉa rói. Tất nhiên cuối cùng cha mẹ lại đón về. Cha mẹ nó, tức chị tôi anh rể tôi thấy trước mà lo. Anh chị là người danh giá, không muốn bị muối mặt, cho nên cũng nói vài câu nhưng nó chẳng thèm nghe. Điều bất hạnh là tôi lại là một tấm gương của nó. Nhưng tôi chưa ngồi đồn công an, tôi chỉ làm anh viết văn lang thang, nhưng không hiểu sao nó cứ thấy công việc của tôi cũng giống như bọn thanh niên chơi  rock  , nó nói xưng xưng: cậu có thể hiểu cháu! Do đó bất kể có bằng lòng hay không, tôi vẫn cứ phải chịu trách nhiệm, khuyên cháu tôi đừng chơi  rock  nữa mà làm nghề nó học là kỹ sư điện. Tuy rằng đây là chuyện gia đình nhưng cũng coi như là công tác tư tưởng. Lẽ ra phải nói bắt đầu từ lý tưởng, đạo đức, nhưng giữa cậu cháu với nhau có thể bỏ qua, tôi đi thẳng vào vấn đề: “Này cháu, bố mẹ cháu nuôi cháu vất vả lắm. Chịu khó học hành, tìm một việc đứng đắn mà làm, đừng để bố mẹ lo”. Trả lời tất nhiên là: cháu cũng muốn thế nhưng không được. Nó rất thích âm nhạc. Tôi nói, có niềm say mê là tốt, nhưng cháu phải kiếm được tiền nuôi sống mình đã rồi làm cái mình thích cũng chưa muộn. Nhạc rock chú cũng chẳng hiểu gì, chỉ nghe một bài “Hai bàn tay trắng”. Giai điệu khá hay, theo đề tựa mà suy thì hình như nói về một cuộc sống chẳng sung sướng gì. Thằng cháu tiếp lời ngay, chú ơi tại sao cứ phải sung sướng? Đau khổ là nguồn cảm hứng. Người xưa có nói, không đau khổ sao gọi là nhà thơ? – Tôi nhớ đó là một câu thơ của Lermontov. Nó biết cả câu ấy, tình hình xem ra có chút không ổn rồi đây. 
Đau khổ là nguồn gốc của nghệ thuật, điều này hình như khó phản bác: Trên sân khấu người ta hát “  Cao nguyên hoàng thổ  ”, “  Hai bàn tay trắng  ”, trên màn ảnh thì thấy “  Giếng cũ  ”, “  Cúc đậu  ”, “  Thu Cúc đi kiện  ”. Không phải chỉ ở Trung Quốc, nước ngoài cũng thế, thí dụ một tác phẩm lớn của Tsaikovski, bắt nguồn từ những bài hát dân gian Nga “  Chú bé Ivan  ”, tiếng hát của trái tim đau đớn. Nữ ca sĩ Mỹ Mariah Carey hát theo phong cách thánh ca của người da đen, đó là những bài người nô lệ xưa kia vẫn hát… Xem ra cháu tôi quyết tâm chọn cuộc sống đau khổ để làm trong sạch tâm hồn, để đạt đến đỉnh cao nghệ thuật là đúng chứ. Nhưng tôi vẫn bảo là nó sai, vì nó là cháu tôi, tôi phải nói lại với chị tôi, cho nên tôi nói với nó: Đúng thế, đau khổ là nguồn cảm hứng nghệ thuật, nhưng không nhất thiết phải là đau khổ của cháu… Tsaikovski đâu phải là Ivan, Mariah Carey cũng không đi hái bông trong những trang trại ở miền nam, những ca sĩ hát “  Cao nguyên hoàng thổ  ” ăn mặc như ông hoàng bà chúa, người diễn vai Thu Cúc chẳng khổ tý nào, cô ấy có khối tiền… nghe nói cô ấy đã lấy một đại gia. Tất cả những sự thật đó cho thấy một chân lý: Đau khổ của người khác mới là nguồn cảm hứng nghệ thuật của cháu, nếu cháu chịu khổ thì cháu sẽ là nguồn cảm hứng nghệ thuật của người khác. Vì cháu tôi là đứa thông minh cho nên nó vỡ lẽ ra ngay, chẳng dại gì đi khơi nguồn nghệ thuật, thiệt thân – tuy rằng tôi không thật lòng nghĩ như vậy, nhưng tôi đã thuyết phục được cháu tôi. Nó đồng ý học tử tế, tốt nghiệp xong không theo  rock  mà vào một công ty để kiếm tiền. 
Có được thành công như thế tôi thấy mình lâng lâng mấy hôm liền, cảm thấy mình có nghề lắm. Nhà nào có con không nghe lời cứ đem đến tôi nói cho, tôi cũng chuẩn bị kiếm chút đỉnh, ngoài viết sách, tôi mở ra một nghề mới – nghề công tác tư tưởng trong nghề nghiệp. Nhưng mục đích bài viết này không phải thổi phồng bản lĩnh của tôi để quảng cáo mà muốn nói rằng có đủ mọi cách làm công tác tư tưởng. Bài này đưa ra một cách: Thuyết phục chính diện kết hợp hài hước đen, lập tức sẽ mở ra chân trời mới…Tìm kiếm với từ khoá:  Báo cáo về bài nàyĐược thanksXem thông tin cá nhânGởi tin nhắn
Diễn đàn Confession! Confession!! Confession!!!Có bài mới 14.11.2017, 13:32
<tbody>Hình đại diện của thành viênNminhngoc1012
Zmod of Trao Đổi - Học Hỏi
Zmod of Trao Đổi - Học HỏiNgày tham gia: 02.05.2014, 01:36
Tuổi: 30 Nữ
Bài viết: 27907
Được thanks: 4636 lần
Điểm: 9.44Tài sản riêng:
</tbody>
Trả lời với trích dẫn

Có bài mới Re: [Hiện thực - Tuyển tập] Thời Hoàng Kim - Vương Tiểu Ba - Điểm: 10

Tuyển Editor! Beta-er! Developer! Type sách!

TẠI SAO TÔI VIẾT VĂN

Có người hỏi nhà leo núi: tại sao leo núi – ai cũng biết leo núi vừa nguy hiểm vừa vô bổ, ông ta trả lời: “Vì ngọn núi nó ở đó”. Tôi thích câu trả lời đó, vì nó có vị hài hước – rõ ràng là mình thích leo núi mà lại bảo cái núi lù lù ở đó làm mình ngứa ngáy. Ngoài ra tôi còn khoái việc ông ta làm, cứ vô cớ nhằm chỗ vách dựng mà trèo, vừa đau cơ bắp lại có thể ngã vỡ đầu, cho nên nhiều người tránh leo núi. Nhìn từ góc độ nhiệt động học, đó là hiện tượng giảm  entropy  , rất ít gặp. Bởi vì con người ta luôn có xu hướng tìm cái lợi tránh cái hại, nhiệt động học gọi hiện tượng tự phát đó là hiện tượng tăng  entropy  , cho nên xu hướng tìm cái hại tránh cái lợi chắc chắn là giảm  entropy  . Bây giờ cùng một lúc bình luận hai việc viết văn và leo núi tất nhiên sẽ bị phản đối. Bởi vì chục năm lại đây Trung Quốc có sốt tiểu thuyết, sốt thơ ca, sốt văn hóa, sốt nào cũng kéo người ta lao vào viết, mọi người coi tôi là người như thế và cảnh báo tôi, bây giờ là cái thời gì rồi mà còn viết tiểu thuyết (ý nói bây giờ đang sốt kinh doanh, tôi nên đi kinh doanh) nhưng hoàn cảnh tôi khác. Khi ba cái sốt trên xảy ra thì tôi đang học ở Mỹ, không bị lây nhiễm tý nào. Gia phong của chúng tôi không cho phép trẻ con học văn, nhất loạt học khoa học tự nhiên. Vì thế chọn nghề viết văn hoàn toàn là quá trình giảm  entropy  của tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao mình làm vậy ngoài một điểm đó là quá trình giảm  entropy  . 

Về việc tôi chọn nghề viết văn là quá trình giảm  entropy  , cần giải thích thêm. Viết văn là một từ mơ hồ, còn phải xem viết cái gì. Viết những thứ đang gây sốt như tiểu thuyết ăn khách, thơ tình nên xếp vào loại tăng  entropy  . Cái tôi viết không hề sốt, không những không ra tiền có lúc còn lõm. Hai chữ nghiêm túc trong cụm từ nhà văn nghiêm túc, nên hiểu như thế. Theo chỗ tôi biết, trên thế giới này nhà văn nghiêm túc có tiếng phần đông cuộc sống cũng chẳng thể gọi là tàm tạm. Điều này sau khi giải thích, mọi người sẽ hiểu tôi thật sự đang trong quá trình giảm  entropy  . Cha tôi không cho tôi học khoa học xã hội, lý do thật rõ ràng. Trong thời đại tôi lớn lên, Lão Xá đã nhảy xuống hồ Thái Bình, Hồ Phong vào tù, Vương Thực Vị bị bắn, trước đó còn Kim Thánh Thán bị chặt đầu. Tất nhiên cha tôi là người ngồi nhà uống rượu, ra ngoài uống nước, chính ông là giáo sư khoa văn, nhưng ông thừa nhận mình kém cỏi, không dạy học. Năm anh chị em chúng tôi đều học tự nhiên, anh tôi ngoại lệ. Nếu biết cha tôi tính tình dữ dằn tiếng hét như sấm, bạn sẽ thấy lựa chọn như thế là tăng  entropy  . Còn chuyện ngoại lệ của anh tôi là thế này: năm 1978 khi thi vào đại học, anh tôi là một công nhân mỏ lực lưỡng ở Mộc thành Bắc Kinh, anh hét còn to hơn cả tiếng cha tôi. Bất kể đánh anh hay quát anh, cha tôi đều xấu hổ, cho nên mặc kệ anh đi học triết. Giáo sư Thẩm Hữu Đỉnh, cây đại thụ trong giới logic học   (   [1]  )   là người hướng dẫn anh tôi làm nghiên cứu sinh. Vì ông cho rằng logic ký hiệu học là một môn cực kỳ chuyên sâu (đối với những người ngoại đạo đọc không hiểu các bài logic), cũng chẳng khác khoa tự nhiên là mấy. Kể như thế để bạn sẽ hiểu ý của cha tôi. Ông muốn chúng tôi học một ngành người ngoại đạo chẳng hiểu gì mà lại hợp thời thế để bình yên sống suốt đời. Cha tôi một đời chìm nổi, ông rất yêu chúng tôi, sắp xếp như thế ông cho là đương nhiên. 

Tình trạng của tôi thì thế này: Từ bé đến lớn không thật khỏe mạnh, không to mồm, cho nên luôn luôn yên phận. Cho dù như thế, trong tôi vẫn có một mối nguy hiểm là thích viết tiểu thuyết. Khi đi về quê lao động, tôi gặp một thằng cha rất khó chịu (hắn lại là lãnh đạo của tôi, thuộc số ít cán bộ xấu xa của xã hội nước ta), thế là tôi nghĩ ra một cốt truyện, kể về hắn ta bắt đầu từ mẩu xương cụt dần dần trở thành con lừa ra sao, rồi tôi viết ra để xả nỗi căm ghét. Sau này đọc một số sách mới thấy Kafka cũng viết loại chuyện như thế này làm tôi xấu hổ quá. Còn một truyện, nhân vật nữ chính mọc ra đôi cánh giơi, tóc thì xanh, sống dưới nước. Những tác phẩm trước tuổi hai mươi tôi đốt sạch. Tôi nhắc ở đây để nói nguyên do của khuynh hướng nguy hiểm đó. Về sau tôi luôn luôn kiềm chế khuynh hướng này, học xong các môn cơ bản thì đi Mỹ du học. Anh tôi đã xong thạc sĩ và cũng đi Mỹ học tiếp. Ở bên đó tôi bắt đầu viết tiểu thuyết, đã không kiềm chế nổi khuynh hướng nguy hiểm nữa rồi. 

Cha tôi mất khi tôi đang ở Mỹ. Nhớ lại chuyện ông bắt chúng tôi học tự nhiên, cảm thấy không có chung logic với những gì xảy ra ở Mỹ. Điều này làm tôi nhớ lại lời của Tuhatsevski, nguyên soái Liên Xô trước đây, nói với nhà soạn nhạc vĩ đại Shostakovits: “Hồi nhỏ tôi rất có năng khiếu âm nhạc, chỉ tiếc là bố tôi không có tiền mua cho tôi chiếc violon! Nếu có được chiếc violon thì hôm nay tôi đã được ngồi trong dàn nhạc của ông rồi”. Câu nói này nghe qua thì không rõ ý, tôi phải thêm một câu: Chuyện này xảy ra ở Liên Xô những năm 30, nói xong câu đó không bao lâu Tuhatsevski mất mạng. Những năm đó người ta hay bắn nguyên soái mà không bắn người chơi violon. Hồi cách mạng văn hóa ở Trung Quốc những năm 60, trong những người nhảy lầu treo cổ có nhiều nhà văn lắm. Khi còn sống, cha tôi muốn chúng tôi mỗi người kiếm một chiếc “violon”, đó là một môn trong lý-công-nông-y, văn chương không có trong đó, không giống ở Mỹ nhưng kết luận lại là một – tôi nên làm cái gì khác, đừng viết tiểu thuyết. 

Về tất cả những gì ở Mỹ, có thể mô tả bằng một câu:  American’s business is business  , câu này có ý nói, quốc gia này mãi mãi trong cơn sốt kinh doanh, và luôn luôn giữ ở 1.000 độ. Cho nên sau khi đọc phần trên, bạn tưởng là không khí ở đó có ích cho người theo nghề viết lách thì sai rồi. Ngay anh tôi, đến Mỹ rồi hối hận đã học logic, lẽ ra nên học thương mại hoặc máy tính. Tuy anh vẫn vô cùng ngưỡng mộ lòng vị tha của ngài Bertrand Russell và vẫn ra sức chứng minh một định lý logic mấy chục năm chưa ai chứng minh được, nhưng thấy nhà cửa sang trọng của những người lắm tiền, anh cũng phải buột miệng than phiền vài câu về trách nhiệm của mình với vợ con. 

Ở Mỹ, có một sức mạnh ghê gớm thúc đẩy người ta kiếm tiền, thí dụ trại chăn cừu, người có mấy trăm mẫu cỏ, người có mấy ngàn mẫu, chỉ riêng nhà ở cũng có vô cùng vô tận cơ hội kiếm tiền. Lại như xe hơi, có vô số loại xe và giá cả. Nếu bạn sẵn tiền, có thể mua chiếc xe Tổng thống Kennedy đã ngồi khi bị ám sát. Có người mua máy bay chiến đấu Liên Xô về lái bay trên trời. Trong xã hội như thế chẳng có ai chịu nổi khi con mình nói với bạn: bố tao nghèo lắm. Tôi muốn có con thì phải kiếm tiền từ bây giờ, mà ở đó viết sách không phải nghề kiếm ra tiền, không tin bạn đến các hiệu sách mà xem, sách các loại bày la liệt trên giá, nhiều như giấy vệ sinh trong siêu thị, nếu có người lao tâm khổ tứ viết ra từng trang từng trang giấy vệ sinh, chắc chắn rằng không phải là nghề làm ăn được. Ngoài ra còn vô số người không hề có sách bày trên giá mà sách đắp chiếu ở nhà. Tôi không có con, cũng không định có. Là một người Trung Quốc, tôi là một hiện tượng cực kỳ hiếm thấy. Nhưng người có mặt, cây có vỏ, người ta lao vào kiếm tiền, còn mình thì có những hành tung đáng ngờ thì cũng ê mặt. 

Hồi ở Mỹ, có lần tôi nói chuyện phiếm với một vị giáo sư người Trung Quốc, ông bảo con gái ông rất có triển vọng, không nhận giải thưởng học bổng hệ nhân chủng học của trường đại học Harvard danh tiếng, bỏ tiền túi đi học một trường đại học tầm thường như Law-school (  trường Luật  ), đi ngược trào lưu, không hổ thẹn con nhà coi trọng chữ nghĩa. Thực ra đây là bỏ con săn sắt bắt con cá rô, chịu chút khổ để tránh nạn lớn. Không tin bạn thử đi hỏi xem luật sư kiếm bao nhiêu tiền, nhà nhân chủng học kiếm bao nhiêu tiền. Ông giáo sư đây là một học giả lớn, cả đời đi con đường của mình nhưng nói đến con cái thì hình như không phải thế nữa. 

Nói Mỹ, nói Liên Xô rồi, bây giờ cũng phải nói mình đôi chút. Cho đến nay tôi viết tiểu thuyết đã tám năm, cũng ra mấy cuốn sách chẳng mấy ai đọc. Ngoài ra tôi còn thường nhận được những bức thư mắng mỏ cùng bản thảo trả lại, bây giờ tôi nghĩ một cách thiện chí rằng: Người viết thư chắc bị lãnh đạo mắng mỏ cho nên trút giận lên đầu tôi. Nói đến Vương Tiểu Ba, mọi người cứ nghĩ là người kéo vó Tứ Xuyên đời Tống chứ không phải tôi. Tôi vẫn đang giảm  entropy  . Nhân tiện nói một câu, loài người tồn tại, văn minh phát triển chính là quá trình giảm  entropy  , nhưng đó là cả loài người. Nói cụ thể về mình thì hành vi của tôi chẳng giải thích được. Lại nói thêm một câu, không phải chỉ có mình tôi đang trong quá trình giảm  entropy  . Ở Mỹ tôi gặp một gã dựng lều bán sách của Trotski, của Mao Trạch Đông, tôi muốn nói chuyện với gã, gã hỏi tôi có sợ Cục Điều tra Liên bang không – còn nhiều chuyện khác nữa. Ở những con người này bạn sẽ không thấy những quá trình hùng vĩ như nước chảy vào chỗ trũng, quả táo rơi xuống đất, sói ăn thịt thỏ mà thấy những hiện tượng giống như nước chảy lên cao, quả táo bay lên trời, thỏ ăn thịt sói. Tôi cũng có thể nói rằng, chỉ tăng  entropy  là không ổn. Thí dụ mọi người cứ chảy mãi xuống thấp như quy luật tự nhiên, cuối cùng gặp nhau ở chỗ trũng rồi chen chúc như giòi trong thùng phân. Nhưng thế cũng chưa giải thích được hành vi của tôi. Hành vi của tôi là không giải thích được nếu bạn cứ coi tăng  entropy  là khuôn vàng thước ngọc. 

Tất nhiên nếu cứ muốn tôi trả lời bằng một câu thẳng tuột, thì đó là: Tôi tin vào tài năng văn học của tôi, cho nên tôi phải làm việc này. Nhưng câu nói ấy không đáng tin giống như một nghi phạm nói rằng mình không giết người. Thôi thì tin hay không tin tùy bạn. 

[1]  Khoa học nghiên cứu hình thái và quy luật tư duy (ND).</tbody>
Bình Luận (0)
Comment