Thuận Thiên Di Sử

Chương 12

Theo như tục lệ, các Thái tử, Công chúa dâng lễ vật lên Hoàng đế, cùng đưa lời chúc tụng. Đúng luật thời bấy giờ, thì con trai lớn dâng trước rồi theo thứ tự đến các con trai nhỏ. Sau đó tới các con gái lớn. Nhưng Thuận-thiên hoàng đế xuất thân quan võ. Thủa mới lập nghiệp, công chúa An-quốc võ công cực cao, theo giúp ngài chinh chiến lập nhiều công. Vì vậy bà được chúc đầu tiên, riết rồi thành lệ cứ theo trật tự con lớn chúc trước. Con nhỏ chúc sau. Luật triều Lý định rằng dù thái tử, dù công chúa, nếu chưa thành gia thất, vẫn bị coi như chưa trưởng thành.

Thời cổ, các nước Á-châu gọi con trai của vua là Hoàng-tử. Trong các con, người nào được chỉ định làm trừ quân, tất sau này nói ngôi vua cha, được gọi bằng Thái-tử. Nhưng triều Lý có biệt lệ. Tất cả con trai Thuận-thiên đều được phong Thái-tử. Khi các thái-tử tuổi 13-14 được ban tước vương cho mở phủ đệ riêng, cùng cầm quân, thực tập phương sách cai trị, hầu sau này nếu lên nối ngôi cha không gặp bở ngỡ.

Lý Long Bồ là con thứ nhì của Thuận-thiên hoàng đế, đến tuổi 13, thụ phong Khai-quốc vương, truyền mở phủ đệ riêng. Vua và Hoàng-hậu tuyển cho vương nhiều cơ thiếp xinh đẹp. Nhưng Vương chỉ giữ lại vài người làm tỳ nữ hầu hạ, chứ không dùng làm cơ thiếp. Vương dùng hết cả tâm tư dùng vào việc học văn, luyện võ, cùng thu phục nhân tâm thiên hạ. Phụ hoàng và mẫu hậu cho rằng vương khó tính nên chưa có cô gái nào lọt vào mắt xanh.

Năm trước trong cuộc tuyển cung nữ, phụ hoàng đặc ân chọn Huệ Phương, Hà Thanh là hai thiếu nữ sắc nước hương trời, ôn nhu văn nhã cho Vương. Vương thu nhận hai nàng coi như một người bạn, rồi sau khi biết hai nàng có ẩn tình. Vương âm thầm trả hai nàng về với tình quân. Cho nên Vương trong cuộc dâng lễ vật, dù vương cầm quyền nghiêng nước, dù vương gần ba mươi tuổi, mà vẫn bị coi như nhỏ nhất, phải dâng lễ vật sau cùng.

Công chúa An-quốc dâng lễ vật đầu tiên. An-quốc phò mã Đào Cam Mộc tiến tới trước sập rồng định quì xuống hành đại lễ. Nhưng đức vua đã đứng dậy, hai tay đỡ phò mã công chúa, ngài bùi ngùi cảm động :

- Các con miễn lễ. Giang sơn này sỡ dĩ có ngày nay, một là do công của cô Hồng Châu, hai là do công của các con. Tiếc rằng cô Hồng Châu không còn tại thế. Hai con thích ngao du sơn thủy, đi lập Vạn-hoa sơn tranbg mà vẫn không quênquốc sự. Hôm Khai-quốc vương tấu về tìm được hai con, ta cùng các hoàng hậu mừng đến trẻ được mấy tuổi.

Công chúa An-quốc định tâu với phụ hoàng về việc cô mẫu, công chúa Hồng Châu còn tại thế. Nhưng bà nhớ đến chuyện Khai-quốc vương yêu cầu phải giữ kín, hầu giữ thể diện cho Thân Thiệu Anh, Thân Thừa Quý.

Đức vua rút thanh kiếm Thượng phương trao cho phò mã Đào Cam Mộc :

- Trước phủ Khai-quốc vương tổng trấn Thanh-hóa. Mới đây ta chuyển vùng Nam Đại-việt thống thuộc về phủ Khai-quốc vương kiêm nhiệm. Ta lại trao chức Thái-úy Phụ-quốc, quãn Khu-mật viện cho vương. Chỉ trong hai năm, mà Vương làm cho binh lực hùng mạnh. Toàn quốc không còn một vụ trộm cướp nào. Ta sợ Vương kiêm nhiệm nhiều việc quá, e khó chu toàn. Ta trao thanh gươm này cho con. Con được quyền thay ta thanh sát khắp đất nước. Gặp việc tùy nghi giải quyết.

Đào Cam Mộc kính cẩn tiếp kiếm.

Công chúa An-quốc vẫy tay, bẩy thị nữ quần áo xanh tiến vào. Mỗi người bưng một bình sứ trồng hoa. Tất cả đều là hoa lan. Hương thơm đặc bioet đưa khắp phòng. Công chúa An-quốc tâu :

- Con kính cẩn dâng lên phụ hoàng bẩy thứ Đại-việt danh lan mà con trồng được.

Dực-thánh vương ngắm nhìn bẩy chậu lan hỏi :

- Ta tưởng chỉ có một vài loại lan, nào ngờ có bẩy loại sao ?

Công chúa An-quốc biết ông chú vốn xuất thân võ nghiệp, chưa từng đọc sách nên giảng giải :

- Thưa thúc phụ, không phải vài hay bẩy, mà có không biết bao nhiêu mà kể. Thần nhi chỉ mới sưu tầm được hai nghìn năm trăm loại khác nhau. Tạo hóa ưu ái dành riêng cho Đại-việt ta không biết bao nhiêu loại lan. Mỗi loai lan lại phân ra muôn hình, muôn mầu, muôn sắc, đẹp không bút nào tả xiết. Vì vậy tự cổ Lan Đại-Việt được các danh sĩ gọi là Vương-hậu, vì nét đẹp, vì hương thơm, và vì tính chất trong sạch. Tùy theo nơi Lan mọc, thần nhi tạm phân Lan thành ba loại là Phong-lan, Địa-lan và Thạch-lan. Phong-lan là Lan mọc trên những thân cây, trên cao. Địa-lan là Lan mọc trên mặt đất. Còn Thạch-lan là Lan mọc ở nhưng khe đá. Thần nhi chọn trong hai nghìn năm trăm loại lan, lấy bẩy thứ lan có tên Thần-lan.

Vũ-đức vương cười :

- Chị nói bẩy loại lan này vốn có tên, tức tiền nhân đặt ra cho nó, hay chính chị đặt ra ?

- Phò mã Cam Mộc với chị lựa ra bẩy thứ Phong-lan dường như tạo hóa cố tình sinh ra, cho hợp với đất linh, khí hùng của Đại-việt. Đặc tính, hình, sắc của chúng gắn liền vối lịch sử.

Đại sảnh đường đông tới hơn trăm người, mà không một tiếng động. Ai cũng im lặng nghe An-quốc giảng giải về Lan. Bà vừa giảng, vừa chỉ vào những chậu lan, tươi mầu sắc sặc sỡ.

Hoàng hậu Tá-quốc hỏi :

- Công chúa giỏi thực, chỉ ra đặc tính cây cỏ thiên nhiên phù hợp với dân tộc Việt. Nào công chúa hãy nói tại sao những cây Lan này được ví như những biểu tượng anh linh của dòng giống Tiên-Rồng.

An-quốc chỉ vào từng chậu một :

- Đặc tính thứ nhất là lá xanh, thân lá mọc thẳng. Khi gặp giông tố ngả nghiêng, rồi lại trở về với lối mọc thẳng. Giống như người Việt, dù bị mất nước, dù gặp mưa dồn, sóng vỗ, vẫn không thay đổi tính tình. Đặc tính thứ nhì là các cánh hoa uốn cong vào phía trong nhụy, che cho phấn, nhụy không bị gió thổi tan tác. Vì vậy hoa giữ được hương lâu dài hơn các loại khác. Đặc tính thứ ba là hoa mọc sát nhau, không bao giờ bông nọ ép bông kia. Ví như người Việt, xuất thân ở đâu cũng không kèn cựa, chèn ép người. Đặc tính thứ tư là hương Lan thơm nhẹ nhàng, dù gió đưa, dù ghé mũi ngửi hương thơm cũng như nhau. Về mầu sắc, từ lúc nở đến lúc tàn, mầu sắc vẫn giữ nguyên. Ví như người Việt, bền gan, giữ vững khí tiết, dù lúc còn nhỏ, hay khi về già. Đặc tính thứ năm là hoa nở vào cuối Đông, sang đầu Xuân. Trong khi các loại khác đều nở vào mùa Hạ.

Thuận-thiên hoàng đế gật đầu :

- Công chúa thực xứng danh vương hậu các loài hoa. Trong bẩy thứ Lan này, chắc mỗi thứ công chúa đặt cho một tên hẳn.

Được phụ hoàng khen, mặt công chúa ửng hồng :

- Quả thế. Loại thứ nhất tên Động-đình cầu hôn.

Một thị nữ tách khỏi hàng, đến trước hoàng đế quì xuống dâng lên một chậu hoa. An-quốc chỉ vào chậu đó :

- Hoa tên Động-đình cầu hôn để nhắc lại xưa Quốc-tổ An-dương vương cầu hôn cùng con vua Động-đình. Loại hoa này mỗi mầm có hai bông, chẳng bao giờ lẻ loi một, lại chẳng bao giờ có ba. Bông lớn màu đỏ tươi, nở tròn như mặt trời chiếu sáng. Tỷ như Quốc-tổ Kinh-dương. Bông nhỏ thon dài, mầu nhạt hơn một chút hơi nghiêng về phía bông lớn. Tỷ như công chúa Động-đình. Đặc điểm của thứ lan này mọc trên đỉnh cao nhất của núi. Chỗ nó mọc, xung quanh có không biết bao nhiêu hoa Trường-xuân. Đúng như sử nói: «Xưa vua Kinh-dương cầu hôn cùng công chúa con vua Động-đình, rồi lên núi Tam-sơn hưởng thanh phúc, lúc bấy giờ đỉnh Tam-sơn nở ra ba vạn hoa Trường xuân».

Nàng vẫy tay, một thị nữ khác tiến đến trước mặt hoàng đế dâng lên chậu thứ nhì. Chậu này gồm hai tầng. Tầng trên có hai bông màu đỏ nhạt. Một bông. Một bông cuống nhỏ dài, đầu nở lớn ra như đầu rồng. Một bông nhỏ hơn, giống như con chim âu bay. Tầng dưới nở ra một bầu đầy hoa nhỏ.

- Tâu phụ hoàng, loại lan này thần nhi đặt tên là Bách tộc đồng nguyên

Đây tầng trên, bông hình đầu rồng giống Quốc-tổ Lạc-Long, bông hình đầu chim, giống Quốc-mẫu Âu-Cơ. Tầng dưới, nở ra hàng trăm hoa nhỏ, giống trăm con. Lọai lan này hương thơm nhẹ nhàng, nhưng lâu tàn. Hoa mọc bất cứ chỗ nào cũng được. Song có đặc điểm hễ tưới phân, hoa chết liền, phải tưới bằng nước mưa. Tương truyền loại lan này xuất hiện vào ngày Quốc-Tổ dẫn năm mươi con xuống biển, Quốc-Mẫu dẫn năm mươi con lên núi. Quốc-Tổ chỉ vào khóm lan nói rằng : Nay các con cùng một gốc, ví như trăm bông khóm lan này. Sau đây mỗi người làm vua một phương, phải dạy con cháu nhớ về cỗi nguồn cùng một tổ.

Mỹ-Linh đang ngồi nghe cô giảng giải về Lan, bỗng có luồng âm thanh nói như tơ rót vào tai nàng. Nàng nhận ra tiếng của Khai-Quốc vương:

- Trên nóc điện có gian nhân nghe trộm. Cháu hãy ra ngoài cửa Tây, có Thanh-Mai, Bảo-Hòa chờ ở đó. Mọi hành động phải nghe lời Thanh-Mai.

Mỹ-Linh nhìn sang phía dẫy sập của Bắc-biên, quả không thấy Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Lệ-Thanh đâu. Nàng vội vàng kiếm cớ đứng lên lẻn ra cửa Tây Long-hoa đường.

Trong khi đó cuộc luận về Lan vẫn tiếp tục. Đàm quí phi chỉ vào chậu lan thứ ba:

- Loại lan này, rất thường thấy trong vườn Thượng-uyển. Không hiểu do sự tích gì, mà người ta nói rằng nó tượng trưng cho buồn sầu. Trai, gái đang lúc thanh xuân chẳng nên tặng nhau.

An-Quốc gật đầu:

- Thưa quí phi quả như thế. Loại lan này xuất hiện vào thời vua Hùng. Tương truyền thời vua Hùng, có cô Mỵ-Nương, con quan Tể-tướng, nhan sắc hiếm có trên đời. Nàng thường ngồi trên lầu ngắm sông dưới trăng. Một ngày kia, thấy trong sương mờ một chiếc thuyền đánh cá lững lờ trôi qua. Trên thuyền có ngư nhân ngồi thổi tiêu. Tiếng tiêu khi cao vút tận mây mờ, khi trầm như xuyên vào cây vào cỏ, như muôn ngàn sợi tơ. Người nghệ sĩ trên sông hàng đêm thổi tiêu, nào biết Mỵ-Nương tương tư mình. Một ngày kia, vắng tiếng tiêu của chàng, Mỵ-Nương bị bệnh nặng, không thuốc gì chữa khỏi. Rồi bỗng dưng, người nghệ sĩ lại xuất hiện, tiếng tiêu đưa đến lầu, Mỵ-Nương khỏi bệnh ngay. Quan tể tướng tìm được nguyên do bệnh của con gái. Ngài cho triệu Trương Chi vào yết kiến. Khi Trương Chi đến, thì hỡi ôi, Mỵ-Mương vỡ mộng, vì mặt chàng thực là khó coi. Mỵ-Nương thất vọng sai đuổi Trương Chi ra.

Đàm quý phi mỉm cười:

- Hèn gì trong dân gian có câu ca rằng:

Ngày xưa có anh Trương-Chi,

Người thì thực xấu, tiếng thì thực hay.

Cô Mỵ-Nương vốn ở lầu Tây,

Con quan tể tướng ngày rầy cấm cung.

Công chúa ơi, thế rồi hai người có thành vợ chồng không?

- Tâu quý phi không. Anh Trương Chi bị làm nhục, trở về nhảy xuống sông chết. Tin này đến tai Mỵ-Nương, nàng hối hận vô bờ bến, sinh bệnh nặng. Thế nhưng từ đấy, đêm trăng, Trương Chi hiện lên thổi tiêu cho nàng nghe. Quan Tể tướng giận lắm, sai quật mả Trương Chi đem xác đốt, nhưng khi đào lên chỉ có tảng đá. Ngài truyền đem vứt tảng đá đi. Cô Mỵ-Nương sai lượm viên đá, đẽo thành cái chén uống nước. Hằng đêm, nàng đổ nước vào chén, hình Trương Chi lại hiện lên, thổi tiêu cho nàng nghe.

Công chúa chỉ vào chậu hoa Trương Chi, Mỵ-Nương:

- Kể từ ngày ấy, bên bãi sông lầu Tây, nảy ra loại Lan này. Vì vậy người Việt mình gọi là Lan Trương-Chi, Mỵ-Nương. Ban ngày, không có hương thơm, ban đêm hương tỏa ngào ngạt. Đây cánh trong cùng của hoa có bốn mầu. Nhụy giống hình người Trương Chi hiện lên trong chén, mầu vàng như chàng từng tắm trăng. Cánh hoa hình giống chén uống nước. Phần dưới mầu vàng, là chỗ nước đựng trong chén. Phần trên trắng, là phần chén, mà nước không tới. Trong chỗ chứa nứơc có hai vết đen, là bóng Mỵ-Nương với tể tướng in vào.

Đàm quí phi gật đầu:

- Quả đúng như công chúa nói. Thế sao trên cánh hoa lại có vết đỏ?

- Thưa, vết đỏ đó do công chúa uống trà, son trên môi nàng in vào miệng chén.

Hoàng hậu Lập-Giáo chỉ vào một chậu hoa hỏi:

- Còn Lan này có tên gì, mà sao coi giống phía sau một người không quần áo, dù rằng rất đẹp?

An-Quốc chỉ vào khóm lan đó nói:

- Lan này có tên Hiếu tử thiên thu, cũng xuất hiện vào thời vua Hùng. Tương truyền vua Hùng thứ sáu. Bấy giờ có cha con họ Chử, làm nghề đánh cá ven sông. Hai cha cho chỉ có một cái khố. Khi cha ra ngoài thì cha mang. Khi con ra ngoài thì con mang. Một ngày, cha lâm bệnh sắp chết, dặn rằng: Sau khi bố chết, con cứ chôn bố trần truồng, giữ lại cái khố mà mặc. Nhưng khi cha chết, Chử đồng tử đem chôn khố theo cha. Một ngày kia chàng đang đánh cá ven sông, thấy thuyền rồng công chúa tới. Sợ hãi, chàng vội bới cát, chôn nửa người trong bụi lau. Công chúa đến bãi sông, truyền quây màn quanh bụi lau để tắm rửa. Khi đang tắm, nước làm trôi cát, hiện ra thân hình trần truồng của Chử đồng tử. Công chúa cho là duyên trời, kết hôn với chàng. Từ đấy ven sông, nảy ra loại lan này, dân chúng gọi là lan Chử đồng tử hay Lan hiếu tử thiên thu. Tuy hình dáng thô tục, nhưng tinh thần đẹp hơn bất cứ loại hoa nào.

Công chúa ra lệnh cho tỳ nữ khác bước tới dâng lên một chậu lan, hương tuy thơm, nhưng hơi nặng. Hoàng đế bật cười:

- Loại này coi ngộ thực. Trông giống như một cái chum đựng nước, trên có lọng che. Hình dáng thực quen thuộc. Không biết ta thấy ở đâu rồi.

Khai-Quốc vương tâu:

- Tâu phụ hoàng, hình dáng giống như chỏm cao nhất của Loa-thành thời vưa An-Dương.

- Đúng rồi, giống hệt vọng lâu ở Loa-thành. Này công chúa, loại lan này ắt có tên là Lan Loa-thành hẳn?

- Tâu phụ hoàng vâng. Tương truyền sau khi vua An-Dương đắp xong Loa-thành, khắp chân thành nảy ra loại lan này, cho nên dân chúng dùng tên ấy đặt cho lan.

Hoàng hậu Lập-Nguyên hỏi:

- Này công chúa, trong bẩy thứ lan, tất cả đều hướng trở lên. Duy loại lan này lại mọc úp trở xuống. Thế nó ứng với linh khí gì của Đại-Việt?

An-Quốc tâu:

- Loại Lan này có tên Hận tình Mỵ-Châu.

Hoàng hậu Lập-Nguyên thấy trong đám con cháu, có nhiều người không hiểu Mỵ-Châu là gì, bà nói:

- Công chúa nhắc lại truyện tình Mỵ-Châu, Trọng-Thủy một lần đi.

Công chúa An-Quốc dạ một tiếng tiếp:

- Thời vua An-Dương có Âu-lạc tam bảo. Một, nhờ Cao-cảnh hầu Cao-Nỗ chế ra nỏ thần, bắn một phát cả nghìn mũi tên. Hai, địa thế hiểm trở. Ba, võ công Đại-Việt khắc chế võ công Trung-nguyên. Vua nước Nam-Việt tên Triệu Đà, nhiều lần mang quân sang đánh đều bại. Triệu Đà xin cầu hoà, hỏi công chúa Mỵ-Châu cho con trai là Trọng-Thủy. Lại xin cho Trọng-Thủy sang ở rể Âu-lạc. Trọng-Thủy sang ở trong Loa-thành, y dò được cách chế nỏ thần, học được võ công Đại-Việt, và biết được điạ thế. Rồi y giả vờ xin về thăm nhà. Khi đi, y hỏi Mỵ-Châu rằng Lỡ ra khi ta đi rồi, có giặc đến thì biết làm sao tìm nàng?. Mỵ-Châu đáp :Thiếp có áo lông ngỗng, khi đi đâu, thiếp rắc lông ngỗng. Chàng tìm dấu lông ngỗng sẽ thấy thiếp.

Đến đó An-Quốc ngừng lại. Đám trẻ nhao nhao lên:

- Rồi sao? Rồi sao?

- Trọng-Thủy trở về cung cấp Âu-lạc tam bảo cho Triệu-Đà. Triệu-Đà cất quân sang đánh Âu-lạc. Vua An-Dương bị thua. Ngài bỏ Mỵ-Châu ngồi sau ngựa, rồi chạy vào phương Nam. Trọng-Thủy theo dấu lông ngỗng đuổi gấp. Khi vua An-Dương chạy đến bờ biển vùng Cửu-chân, mới khám phá ra vụ Mỵ-Châu. Ngài rút kiếm giết con gái, dặn các tướng ẩn thân chờ ngày phục quốc, rồi nhảy xuồng bể tự tử. Còn Trọng-Thủy đuổi đến bờ biển thấy xác vợ, sau khi chôn cất nàng rồi, trở về Cổ-loa nhảy xuống giếng tự tử. Từ đấy quanh thành Cổ-loa mọc ra thứ lan này, dân chúng gọi là Hận tình Mỵ-Châu.

An-Quốc chỉ vào khóm Lan hận tình Mỵ-Châu:

- Lan này có đặc điểm, là lưng cánh mầu trắng, phía trong mầu tím, luôn mọc ngược, giống như người sầu hận, hối lỗi.

Tỳ nữ dâng khóm lan cuối cùng. Hoàng đế gật đầu:

- Trong bẩy loại Lan, loại này trông vừa mỹ miều, lại thanh cao. Hoa có năm cánh, mầu trắng ngần, nhụy giống hình một phụ nữ đầu đội khăn, mặc áo hơi vàng. Hương thơm thực thanh cao. Thế nó biểu tượng cho biến cố gì? Hồi năm trước, trẫm đi qua Mê-linh, thấy khắp nơi đều có Lan này.

An-Quốc chỉ vào khóm lan:

- Tâu, Lan này có tên là Lan vua Bà.

Cả đại sảnh cùng ồ lên một tiếng, tỏ vẻ hiểu biết. An-Quốc tiếp:

- Trong lịch sử Đại-Việt, chỉ có một người đàn bà duy nhất mặc áo lụa vàng nhạt, đó là vua Trưng. Tương truyền từ sau khi vua Bà tuẫn quốc ở Cẩm-khê, khắp nơi trên Lĩnh-Nam đều mọc ra loại hoa này.

Hoàng-đế hỏi Khai-Quốc vương:

- Khai-Quốc vương. Con đi khắp đất nước. Con có nhận xét gì về các loài hoa của Đại-Việt?

Khai-Quốc vương tâu:

- Tạo hóa sinh ra muôn vật đều có liên hệ. Cỏ cây cũng giống như người ta. Khi con đi khắp đất nước, ngẫm ra được một điều, là vùng nào hoa tươi, đẹp, con gái vùng đó xinh tươi lạ thường. Vùng nào hoa hoa cằn cỗi xấu, vùng đó con gái hình dạng thô lậu, mặt mũi khó coi. Hoa vùng nào có hương thơm, phụ nữ vùng đó có nhiều đức tính nhu thuận, trinh tĩnh, khoan hòa. Hoa vùng nào không hương thơm, phụ nữ vùng đó cộc cằn, dữ tợn, khô khan.

Tiếp theo các Thái-tử, Công-chúa dâng lễ vật. Đa số lễ vật đều trân quí như vàng, ngọc, châu báu. Công chúa An-Quốc không thấy Khai-Quốc vương dâng lễ vật, nàng lấy làm kinh ngạc cho em.

Hoàng hậu Lập-Nguyên cũng lo nghĩ cho con. Bà hỏi:

- Long-Bồ, kể về quyền uy, con đứng đầu, chỉ thua có vua Bà Bắc-biên. Không lẽ con nghèo đến độ không có gì dâng phụ hoàng ư?

Cả sảnh đường cùng cười ồ, vì ai cũng biết Khai-Quốc vương chỉ lo làm việc, quên ăn, quên ngủ, và quên cả lấy vợ. Bổng lộc có bao nhiêu, Vương đem tặng anh hùng, danh sĩ khắp nước, rút cuộc Vương nghèo đến chẳng còn gì.

Các vị Thái-tử thấy Khai-Quốc vương không dâng lễ vật, đều cười, tỏ vẻ khinh khiến. Các ông đến đây dự yến, ông nào quần áo cũng đẹp đẽ, ngọc ngà đeo đầy người. Khai-Quốc vương chỉ mặc bộ quần áo vải đơn sơ, trên mình không có một chút châu báu nào.

Chợt Thuận-Thiên hoàng-đế cau mặt hỏi Khai-Quốc vương:

- Vương nhi. Năm trước ta với mẫu hậu tuyển trên trăm mỹ nữ khắp thiên hạ về cung. Ta thân lựa lấy một mỹ nhân ôn nhu văn nhã, sắc nước hương trời. Nàng lại biết võ công, đem về phủ cho con. Ta những tưởng nàng sẽ được con cho làm chính phi. Ta chờ mãi không thấy con thượng biểu tâu xin phong Vương-phi. Ta đoán rằng nàng không khéo hầu hạ con, nên năm vừa qua, ta với hậu lại tuyển cung nữ. Lần này ta tuyển đệ nhất ca kỹ Thăng-long tên Đào Hà-Thanh, đem cho con. Nhan sắc của nàng thực vô song. Nàng lại đàn ngọt hát hay. Như vậy chắc con vui lòng chứ? Hai nàng đó đâu, không đến bái kiến ta?

Nghe phụ hoàng hỏi đến Huệ-Phương, Hà-Thanh, Khai-Quốc vương luống cuống:

- Tâu phụ hoàng hai nàng đó vắng mặt.

Khai-Thiên vương vốn thích uy quyền, nay được dịp đàn hặc:

- Chú nói lạ. Trong phủ anh em chúng ta, không thiếu gì phi tần, mỹ nữ. Chúng ta muốn làm gì thì làm. Duy các mỹ nữ do phụ hoàng tuyển cho, tức nàng đương nhiên trở thành vợ rồi. Chúng ta chỉ có quyền đặt họ làm chính phi hay thứ phi thôi. Huệ-Phương, Hà-Thanh là hai thiếu nữ nhan sắc có một không hai. Phụ hoàng thân tuyển cho chú. Dù chú không thích, cũng phải cho hai nàng đến chầu phụ hoàng cùng mẫu hậu ngày hôm nay chứ!.

Khai-Thiên vương thấy em im lặng, ông tiếp:

- Phụ hoàng niên kỷ đã cao. Anh em chúng ta ai cũng con đàn cháu đống. Duy có chú, giờ này gần ba mươi tuổi, mà chính thê chưa định, con cái nối dõi cũng chưa có, thế là đạo lý gì?

Khai-Quốc vương tự biết mình nắm quyền nghiêng nước, uy thế cực kỳ mạnh, vì vậy anh em luôn tìm dịp để tấn công mình. Chàng tâu:

- Tâu phụ hoàng, thần nhi tự biết đến tuổi này, chưa có con nối dõi tông đường là tội lớn. Tuy vậy thần nhi đã nuôi Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái, thì tuy không con, cũng như có con rồi vậy. Còn việc hai mỹ nữ Huệ-Phương, Hà-Thanh, thần nhi xin chịu tội với phụ hoàng. Quả thực thần nhi đã cho hai nàng ấy qui gia rồi.

Nhật-Tông chạy lại quỳ gối trước hoàng đế:

- Ông nội! Ông nội cho con làm con nuôi chú hai đi!

Thuận-Thiên hoàng đế suy nghĩ một lúc rồi gật đầu:

- Khi chú hai có vợ, ông sẽ cho con ở với chú hai.

Nhật-Tông lạy tạ, rồi nhảy tọt vào lòng Khai-Quốc vương.

Thời bấy giờ, con gái đi lấy chồng mà phạm lỗi nặng, thì bố mẹ chồng, hoặc chồng có quyền đem trả về nhà mình, gọi là qui gia. Nghe Khai-Quốc vương nói cho Huệ-Phương, Hà-Thanh qui gia, Dực-Thánh vương lên mặt ông chú:

- Cháu nói gì mà kỳ lạ vậy. Theo gia pháp nhà mình, hai nàng ấy do phụ mẫu tuyển cho. Nếu hai nàng có lỗi đạo, cháu phải tâu với phụ hoàng, mẫu hậu, đợi chỉ dụ rồi mới cho qui gia được chứ? Ta thấy hai nàng ấy tài sắc đáng giá nghiêng thành, đức hạnh khó bì. Thế mà cháu nỡ cho qui gia ư?

Khai-Quốc vương nghe chú, rồi anh xúm vào đả kích mình. Chàng thừa sức trả lời hai người. Nhưng chàng không muốn cãi cọ trước mặt song thân. Chàng nhìn chú, nhìn anh, nhìn em, rồi chửi thầm:

- Người ta thường nói:

Anh hùng đánh khắp chín châu,

Khi về xó bếp, chuột chù gặm chân.

Khi có sự, các người mũ ni che tai, mình ta giải quyết. Khi vô sự các người bới lông tìm vết hại ta. Sau này ta sẽ cho các người hối hận.

Chàng khấu đầu tâu:

- Hai nàng ấy quả thực xinh đẹp, ôn nhu văn nhã. Thần nhi không thể chê vào đâu được. Thần nhi cho hai nàng qui gia, một là cảm thông hoàn cảnh, hai là kính trọng, mà cho qui gia, chứ không phải vì ghét bỏ hay vì hai nàng phạm lỗi gì.

Nghe Khai-Quốc vương biện luận, Thuận-Thiên hoàng đế nào phải không biết con. Ngài mỉm cười không nói ra lời, đưa mắt nhìn vương, trong lòng suy nghĩ:

- Đứa con thứ nhì của mình hành sự cẩn trọng, không thể hồ đồ. Nó cho hai nàng qui gia, ắt có lý do trọng đại. Ta cần phải xét lại, chẳng nên bắt nó nói ra ở đây.

Nghĩ vậy trong lòng ngài nổi lên một niềm tự hào. Tuy vậy ngài cũng cảm thấy đứa con trai thứ nhì của mình thực khác hẳn với con cả. Khai-Thiên vương, lúc nào cũng thích ra uy quyền con cả, thích tỏ cho mọi người biết rằng mình có vương tước, một tướng cầm quân, hơn nữa tương lai có thể sẽ lên ngôi cửu ngũ. Còn Đông-Chinh vương trung hậu có trung hậu, song phải cái nhẹ dạ dễ tin người. Vương còn mắc một tật nguy hiểm là : Coi người thân như cừu thù, coi kẻ ác như chân tay. Từ khi mở vương phủ riêng, Vương dùng người nào làm tâm phúc, y như người ấy phản Vương. Vũ-Đức vương xấu người, nhưng rất khôn khéo, vương có đủ đức tính của Khai-Quốc vương, trong nhà thường gọi Vương là Tiểu Khai-Quốc vương .

Ngài suy nghĩ:

- Ta phải truyền ngôi cho ai bây giờ?

Ngài hỏi Khai-Quốc vương:

- Bồ nhi, con định dâng cho ta vật gì đây?

Bảo-Hòa từ ngoài bước vào, nghe ông ngoại hỏi cậu hai, nàng chạy đến trước ông ngoại, quỳ xuống rập đầu:

- Tâu ông ngọai. Cậu Long-Bồ giầu nhất Đại-Việt, mà cũng nghèo nhất. Con xin vì cậu, dâng lên ông ngoại lễ vật.

Thuận-Thiên hoàng-đế vẫy tay, cho Bảo-Hòa đứng dậy:

- Con cháu thơm nhất Đại-Việt dâng lễ gì thay bố nuôi đây?

Thời bấy giờ, cha với con gái. Mẹ với con trai. Anh với em gái. Ngay ông với cháu gái. Kể từ mười hai tuổi trở đi, phái sống cách biệt, tuyệt đối cấm không được chạm vào người nhau. Thế nhưng Thuận-Thiên hoàng đế cực kỳ sủng ái Bảo-Hòa. Ngài nắm tay kéo nàng cho ngồi bên cạnh.

Bảo-Hòa kính cẩn tâu:

- Cậu hai là người giầu nhất, mà cũng nghèo nhất. Cậu nghèo nhất vì cậu có gì, bất cứ võ lâm, danh sĩ muốn, cậu cho hết. Cậu giầu nhất, vì bất cứ võ lâm danh sĩ thiên hạ có gì, cậu muốn họ cũng dâng hết. Hiện nay anh hùng thiên hạ chín phần mười đều qui phục cậu hai. Mà cậu hai là con ông ngoại. Vì vậy cái kho tàng vô giá nhân tâm thiên hạ đó là của ông ngoại. Con xin vì cậu hai dâng lên ông.

Thuận-Thiên hoàng đế hỏi Bảo-Hòa:

- Cháu ngoan. Trẫm đọc tấu chương của Khu-mật viện nói về những việc cháu với Bình-Dương làm ở trấn Thanh-hoá thực kinh thế hãy tục. Bây giờ cháu hãy thuật lại đầy đủ những gì đã xẩy ra trong gần một năm qua cho trẫm cùng các chú, các cô, các cậu nghe.

Bảo-Hòa khoan thai kể lại mọi việc, không dấu một việc nào. Khi mới về Thăng-long, Khai-Quốc vương đã dặn anh em nàng với Thanh-Mai rằng có hai việc cần dấu là việc phản quốc của bọn họ Đàm và bọn Nguyên-Hạnh. Vì Vương muốn những việc đó cần để như vậy hầu tương kế tựu kế. Nếu phá vỡ những ổ gian nhân đó, bọn Tống sẽ xây thêm những ổ khác, khó mà tìm được. Cho nên Bảo-Hòa chỉ thuật những gì liên quan đến bọn Tống, đến Vạn-thảo sơn trang, Vạn-hoa sơn trang và trang Thiên-trường.

Cuối cùng Bảo-Hòa kết luận:

- Cậu hai bỏ tất cả tài sản, tâm trí ra hầu thu phục nhân tâm. Võ lâm trăm người như một, không ai mà không hướng về triều đình. Đó là lễ vật trân quý không gì bằng, mà cậu hai dâng lên ông.

Khai-Thiên vương lắc đầu:

- Chưa hẳn. Chú hai cầm toàn binh quyền trong tay, lại kiêm quản Khu-mật viện. Thế có chắc đã thu phục được nhân tâm của phái Đông-a, phái Sài-sơn chưa? Trong Ngũ-long Đại-Việt, chỉ có Quốc-sư Minh-Không, sư thái Tịnh-Tuệ, cùng Tản-viên Đặng-Đại-Khê ta nghĩ chẳng cần đến Khai-Quốc vương họ cũng qui phục triều đình.

Vũ-Đức vương cãi:

- Thu phục nhân tâm là nhiệm vụ chung của phụ hoàng, của anh em chúng ta, đâu phải của riêng anh hai?

Khai-Thiên vương cười nhạt:

- Phụ hoàng chẳng từng chỉ dụ rằng, ai có thể giải được cái mâu thuẫn giữa phái Đông-a, Sài-sơn với triều đình, người ấy xứng đáng lên ngôi Cửu-ngũ. Ta là anh cả, ta muốn các em phải nghĩ đến điều đó. Chúng ta có nắm được võ lâm thiên hạ, mới mong giữ nổi đất nước. Chìa khóa của việc thống nhất nhân tâm võ lâm ở phái Đông-a và phái Sài-sơn. Chưa thu phục được hai phái đó, vẫn như không.

Thấy anh với em cãi nhau, Khai-Quốc vương chợt nhớ đến một truyện. Hôm trước Thanh-Mai từ Thiên-trường về tới, chàng dẫn nàng dạo chơi cố đô Cổ-loa. Thanh-Mai trao cho chàng một thanh kiếm rất cổ. Nàng cho biết hồi trước bố nàng giết chết một tên đạo tặc, mà lấy được. Bố nàng cho nàng. Thanh kiếm rất sắc bén, trên khắc hình con rồng với con chim âu. Nay nàng tặng cho chàng. Chàng không biết thanh kiếm đó tên gì, nên đeo bên mình. Động tâm cơ, chàng đứng dậy nói:

- Tâu phụ hoàng, hài nhi xin dâng phụ hoàng một thanh kiếm.

Chàng kính cẩn, hai tay nâng ngang mày, quỳ gối dâng cho phụ hoàng. Mới trông thấy thanh kiếm, Thuận-Thiên hoàng đế kinh ngạc, gần như xuất thần, rồi ngài tiếp lấy, rút ra khỏi vỏ hỏi:

- Con tìm ra thanh kiếm này ở đâu?

Chàng định nói tên Thanh-Mai, nhưng chợt nhớ ra rằng, dù có nói tên nàng ra, phụ hoàng cũng không biết. Chàng tâu:

- Do một nữ hiệp thuộc phái Đông-a tặng.

Thuận-Thiên hoàng đế càng kinh ngạc. Vì từ khi lên ngôi, mối ưu tư số một của ngài phải làm sao thu phục được phái Đông-a, với Hồng-sơn đại phu. Vì ngài biết hai nơi này tàng trữ sức mạnh Đại-Việt, mà không hiểu vì lý do gì cứ ngấm ngầm kình chống triều đình. Triều đình đã gửi lễ vật ban tặng, không bao giờ hai nơi ấy tiếp nhận. Nay Khai-Quốc vương lại được người của phái Đông-a tặng kiếm, theo phong tục hồi ấy như một hành động tuân phục. Ngài biết con không nói dối, nhưng cũng hỏi lại:

- Có thực không?

- Tâu phụ vương thực. Nàng là em kết nghĩa của con.

Rồi vương kể sơ lược vụ chín người kết nghĩa trên núi Chung-chinh, xưng tên Thuận-thiên cửu hùng cho phụ hoàng nghe.

Thuận-Thiên hoàng đế ngắm nghía thanh kiếm, rồi gật đầu:

- Vật mà trẫm mơ ước bao năm, bây giờ lại do người của phái Đông-a tặng, thực đến nằm mơ trẫm cũng không ngờ tới.

Khai-Thiên vương nhăn mặt:

- Một thanh kiếm cổ, đen sì, có gì quý đâu, mà phụ hoàng kinh ngạc?

Thuận-Thiên hoàng đế lắc đầu:

- Con không biết đó thôi, thanh kiếm này có tên Khai quốc bảo kiếm nó được đúc từ hồi vua Kinh-Dương. Vua Kinh-Dương đúc thanh kiếm, rồi khắc hình con rồng, con chim âu để ban cho Quốc-Tổ Lạc-Long, Quốc-Mẫu Âu-Cơ. Thanh kiếm tượng trưng cho uy quyền quốc gia. Nó được truyền qua các đời vua Hùng. Sau về vua An-Dương. Khi vua An-Dương tự tử, thanh kiếm biến mất. Đến thời Lĩnh-Nam, Bắc-bình vương Đào Kỳ tìm được, dâng cho vua Trưng. Khi vua Trưng tuẫn quốc, nó bị Mã Viện ăn cứơp mang về Trung-nguyên. Vua Hán cất ở điện Vị-ương, tự cho có oai thế đàn áp man di. Đời Tam-quốc, Tào Tháo mang theo đánh Ngô ở Xích-bích. Tào bị bại, bỏ chạy. Khi qua Hoa-Dung, Tào bị Quan Vũ cướp thanh kiếm này. Khi Quan Vũ bị Đông-Ngô diệt, thanh kiếm đó về tay Tôn Quyền. Lúc bà Triệu khởi binh, Quyền trao cho Lục Dận đem sang đánh đẹp. Trong trận đánh Cửu-chân, bà Triệu đoạt kiếm này từ tay Lục. Thế rồi thanh kiếm đó thất lạc đến nay. Không hiểu sao, nó lại về phái Đông-a, mà phái này tặng Long-Bồ.

Khai-Quốc vương trở về chỗ ngồi. Thuận-Thiên hoàng đế rút kiếm ra ngắm nghía. Khai-Thiên vương tâu:

- Không biết có đúng thanh kiếm đó không? Phái Đông-a mà được kiếm đó, đời nào họ cho chú hai? Con không tin.

Dực-Thánh vương tiến lên nói:

- Gần đây Khu-mật viện không ngớt thượng biểu nói về hành trạng của công chúa Bình-Dương, thế tử Thiệu-Thái, quận chúa Bảo-Hòa tại trấn Thanh-hóa. Những việc đó thực kinh thiên động địa. Đến bọn thần, tuổi trên tứ tuần, mà cũng không thể làm nổi, trong khi khu-mật viện lại gán cho mấy đứa trẻ công lao đó. Thần thực không tin. Bình-Dương bất quá tuổi mười bẩy, văn học tuy có uyên thâm, nhưng võ công e trói gà không chặt. Hồi nãy Hồng-Phúc tát một cái, mà không đỡ nổi, thế thì võ công chẳng có gì. Thế mà Khai-Quốc vương tâu rằng Bình-Dương có thể chống lại với bọn võ công lừng danh thiên hạ như Tung-sơn tam kiệt, e quá đáng.

Đông-Chinh vương cũng tiếp:

- Lời tâu của Dực-Thánh vương thực phải. Xin phụ hoàng trừng phạt Khai-Quốc vương về tội khi quân, dối triều đình.

Phò mã Thân Thừa-Quý nghe chú vợ, rồi em vợ kết tội Khai-Quốc vương, ông bực mình. Nhưng ông xa Thiệu-Thái, Bảo-Hòa gần một năm. Ông không biết những biến cố quan trọng, nên không biện luận được. Nhưng qua những bản tin do Bảo-Hòa sai chim ưng đưa về Bắc-biên, thì những việc xẩy ra, hoàn toàn hợp lý chứ không thể nào bịa đặt được.

Thình lình ầm một tiếng kinh khủng trên mái ngói, rồi ba người đáp xuống như ba con đại bàng. Một người tay phóng chưởng tấn công Hoàng-đế, tay đoạt kiếm. Hoàng-đế vung chưởng đỡ. Bình một tiếng, ngài bật lui liền ba bốn bước. Người lảo đảo. Kiếm đã bị đoạt mất. Một người đỡ chưởng của phò mã Đào Cam-Mộc. Một người đỡ chưởng của công chúa An-Quốc.

Mọi người cùng kinh hoảng la lên. Vì Thuận-Thiên hoàng đế là đệ tử đắc ý của Vạn-Hạnh thiền sư. Võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Võ công các hoàng tử đều do ngài truyền dạy. Thế mà người kia chỉ đánh một chưởng, khiến ngài bật lui, e rằng khắp sảnh đường không ai địch lại y.

Người đó, có thân hình gầy như que củi, gương mặt khắc khổ, chòm râu đã bạc trắng, y mặc quần áo nâu, mặt bịt khăn, chỉ hở hai con mắt, sáng như sao. Các thái tử bao vây người đó vào giữa.

Người đó cười nhạt:

- Lý Công-Uẩn tự thị anh hùng vô địch, dùng võ công sáng lập triều đại, thế mà lại dùng số đông uy hiếp người ư?

Y nói tiếng Việt bằng âm thanh hơi lạ, không giống với bất cứ tiếng nói vùng nào trong nước.

Người đối chưởng với phò mã Đào Cam-Mộc thân hình nhỏ bé, dường như chưa già. Phò mã Đào Cam-Mộc đã xử dụng Cửu-chân chưởng đỡ chưởng của y. Hai người cùng bật lui, đủ tỏ công lực ngang nhau. Còn người đối chưởng với công chúa An-Quốc là một phụ nữ. Công chúa An-Quốc dùng chiêu Ác ngưu nan độ trong Phục-ngưu thần chưởng đỡ. Thế mà người kia chỉ loạng choạng một chút, chứ không bị bật lui.

Mỹ-Linh nói với Bảo-Hòa:

- Bọn này là người Việt, võ công của họ hơi giống võ công Tượng-quận. Võ công Cửu-chân chỉ khắc chế võ công Trung-nguyên. Vì vậy phò mã Đào Cam-Mộc không thắng được y.

Biến cố xẩy ra đột ngột. Tuy vậy, đám đàn bà trẻ con cũng nhanh nhẹn lui vào cuối phòng. Ở giữa chỉ còn hoàng đế với các thái tử, cùng công chúa mà thôi.

Khai-Thiên vương cười nhạt:

- Cứ như thân thủ các vị, thì thuộc loại đại tôn sư hiếm có trên thế gian này. Hà cớ phải bịt mặt. Các vị có thể cho ta biết danh tính được chăng?

Người lùn cười nhạt:

- Khai-Thiên vương nói câu đó thực ngu vô cùng. Chúng ta cần dấu căn cước mới phải bịt mặt. Khi đã bịt mặt, đời nào còn nói tên ra nhỉ. Hỏi thế mà cũng hỏi.

Vũ-Đức vương chỉ xuống sân:

- Các người hãy trông? Thị vệ bao vây kín như thành đồng vách sắt. Các người dù có cánh cũng không bay ra lọt. Hãy bỏ khăn bịt mặt, chịu trói.

Người đàn bà cười nhạt:

- Chúng ta không bỏ. Các người có bản lĩnh thì bắt chúng ta đi. Không ngờ trên từ Hoàng-đế, xuống đến Thái tử, mà dùng đông người uy hiếp chúng ta. Thực không xứng đáng làm con người chứ đừng nói làm vương, làm đế.

Các Vương luận bàn, chê bai, bẻ bác rất hay, nhưng khi gặp việc khó khăn, họ lại buông xuôi, nghĩ rằng, đã có Khai-Quốc vương giải quyết.

Từ khi Khai-Quốc vương cầm đại quyền, họ không ngớt bới lông tìm vết bắt bẻ đủ điều, vì sự thành công của Vương. Bây giờ trước vấn đề nhỏ bé như thế này, họ chỉ biết im lặng. Vũ-Đức vương, Đông-Chinh vương, Dực-Thánh vương cho tới Khai-Thiên vương đều đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương như ngụ ý người giải quyết đi. Vũ-Đức vương cười nhạt, nói với Khai-Quốc vương:

- Người tự hào mưu kế trùm hoàn vũ. Vậy người hãy làm cách nào đuổi được bọn này đi, ta tôn người làm trừ quân.

Khai-Thiên vương mỉa mai:

- Mưu với mẹo, người thử kiếm ra mưu khuất phục bọn này xem. Ta e tể tướng Nguyễn Phương-Dung thời Lĩnh-Nam sống dậy cũng bó tay.

Khai-Quốc vương vẫn ung dung mỉm cười, cầm bình trà rót ra uống, thái độ thản đãng đãng nhàn nhã như không có gì xẩy ra.

Công-chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hoà nói với lão già:

- Được, ở đây các người có ba người. Chúng ta sẽ cử ra ba người đấu với các người. Hễ các người thắng được chúng ta. Ta cho người ra đi. Ngược lại, các người bại, tất cả phải ở lại.

Lão già cất giọng trầm trầm khoan thai:

- Hay lắm. Chúng ta đấu với các người.

Công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa ước lượng lão già, e khắp tất cả mọi người hiện diện, không ai địch lại đã đành. Nhưng gã lùn, phò mã Đào Cam-Mộc có thể thắng y. Còn người đàn bà, có công chúa An-Quốc dư sức chế phục. Chỉ cần bắt được một trong ba tên, sẽ ra tông tích chúng.

Lão-già mỉm cười:

- Ta muốn đấu trận đầu tiên. Nào, bên người có ai muốn biết mặt Diêm-Vương ra đấu với ta.

Cả Long-hoa đường im lặng, không ai lên tiếng, ngơ ngác nhìn nhau.

Khai-Quốc vương tiến lên đối diện với lão già, chàng chắp tay vái một vái. Lão già cũng đáp lại. Nhưng lão tung ra một kình phong cực mạnh. Khai-Quốc vương đã đề phòng. Chàng vận Vô-ngã tướng thiền công. Kình lực của lão già tràn ra như sóng vỗ, gặp sức hút của Vô-ngã tướng thiền công, bị mất tăm, mất tích.

Khai-Quốc vương mỉm cười:

- Lão tiên sinh. Tiểu bối bản lĩnh tuy không làm bao, nhưng cũng bạo gan xin lão tiên sinh chỉ giáo cho mấy chiêu. Tuy nhiên, giữa lão tiên sinh với tiểu bối vốn không thù, không oán lại cùng nguồn gốc tổ tiên. Tiểu bối xin được mời lão tiên sinh cùng hai vị đây uống mấy chung rượu trước khi đấu võ, không biết lão tiên sinh cùng hai vị tiền bối có thuận không? Việc lão tiên sinh cùng hai vị tiền bối giá lâm Hoàng-thành, tiểu vương chậm nghinh tiếp, thực có lỗi vô cùng. Mong lão tiên sinh đại xá cho.

Nói rồi chàng thân kéo ghế:

- Mời ba vị ngồi chơi uống mấy chung rượu nhạt.

Lão già đưa mắt nhìn hai tùy tòng, lão suy nghĩ:

- À thì ra con thứ Lý Công-Uẩn đây. Người Đại-Việt đồn y mưu trí trùm hoàn vũ, lại độ lượng hơn người. Vừa rồi không biết y dùng võ công gì mà làm tiêu hao mất lình lực của mình?

Y cười:

- Người ta đồn làm anh hùng võ lâm mà chưa được gặp Khai-Quốc vương thì vẫn là kẻ phàm phu. Hôm nay lão phu mới tin.

Lão ngồi xuống ghế. Hai tùy tùng khoanh tay đứng sau hầu. Khai-Quốc vương truyền thái giám:

- Hãy bày một tiệc rượu, để ta mời lão tiền bối cùng hai vị đây nâng chung rượu giao hữu.

Tay Vương rót rượu mời ba người, rồi lại thân rót cho mình một chung. Vương đưa lên miệng uống trước, chứng tỏ rượu không có chất độc. Đợi cho lão già uống xong, vương hỏi:

- Xin lão tiền bối cho biết, người giá lâm Hoàng-thành, có điều chi dạy dỗ tiểu vương?

Lão già cười:

- Hay thực. Xưa kia Lương-Huệ vương sơ kiến Mạnh-tử. Vương hỏi Mạnh-Tử rằng: Cụ từ phương xa đến đây có gì làm lợi cho nước tôi. Mạnh-Tử chê rằng Huệ vương không có chí lớn, chỉ thu lại trong nước mình. Nay Quốc vương lại hỏi có gì dạy dỗ, đúng thực con người nhún nhường, nhã lượng cao trí vậy. Lão phu tới đây vì muốn được xem phong cách của một vị Hoàng-đế xuất thân võ lâm thế nào mà thôi.

Thuận-Thiên hoàng-đế thấy giữa lúc hai bên chuẩn bị đấu võ, mà Khai-Quốc vương vẫn thản nhiên mời kẻ gian uống rượu, vui vẻ như không có gì xẩy ra. Ngài tự cảm thấy bản lĩnh, mưu trí mình thua con xa, nên im lặng ngồi xuống long ỷ. Các vị vương cũng khen thầm Khai-Quốc vương khoan dung đại độ.

Khai-Quốc vương thản nhiên thù tiếp ba người bịt mặt. Từ phía sau Vương, năm người tiến lên khoanh tay đứng hầu. Vương liếc nhìn thì ra Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái và Đỗ Lệ-Thanh.

Đỗ Lệ-Thanh nói với lão già:

- Trấn-Nam vương gia nước Đại-lý, Thái-sơn Bắc-đẩu võ lâm có khác, võ công thực trác tuyệt. Còn hai vị đây chắc là Phạm đại tư đồ và phu nhân có mỹ danh Nam-thiên đệ nhất kiếm Hàn nữ hiệp hẳn. Võ công các vị thực có một không hai trên đời.

Nghe Đỗ Lệ-Thanh nói, trên từ Thuận-Thiên hoàng đế xuống tới các vương đều rúng động. Vì nước Đại-lý hiện đo họ Đoàn làm vua, dân số, diện tích, tài nguyên không thua gì Đại-Việt. Họ Đoàn đo võ lâm xuất thân cai trị vùng đất tiếp giáp với Bắc-biên Đại-Việt. Phía Bắc, Đông giáp Quảng-nam lộ của Trung-nguyên. Nước Đại-Lý về thời vua Hùng, vua An-Dương vua Trưng thuộc Tượng-quận. Từ khi vua Trưng tuẫn quốc, anh hùng Tượng-quận không ngớt nổi lên dành độc lập, vì vậy họ lập ra nước Đại-lý. Trong khi đó vua Ngô, vua Đinh, vua Lê dành độc lập vùng Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam lập ra Đại-Việt. Có thể nói, Đại-Lý với Đại-Việt cùng thuộc tộc Việt.

Võ công Đại-lý rất cao thâm, đỉnh lập ra một phái riêng biệt, chính nhà vua làm chưởng môn. Niên hiệu Cảnh-thụy thứ nhì (1009) vua Lê Long-Đĩnh chết, triều đình tôn Tả-thân-vệ điện tiền chỉ huy-sứ Lý Công-Uẩn lên ngôi vua. Năm đó nhằm nên hiệu Đại-trung Tường-phù thứ nhì đời Tống Chân-tông. Bên nước Đại-lý, Đoàn Tố-Liêm lên ngôi vua. Tố-Liêm là một đệ nhất cao thủ võ lâm, lại có chí khí. Ông muốn chỉnh bị quân mã, rồi khởi binh đánh sang Đông, chiếm lại vùng Quảng-Tây, Quảng-Đông lộ nhà Tống, thuộc Quế-lâm, Nam-hải xưa kia. Sau đó chỉ binh xuống Nam, đánh chiếm Đại-Việt, lập lại nước Văn-lang thời vua Hùng.

Gần đây nghe Lưu hậu nhiếp chính, gửi hàng chục đoàn do thám sang Đại-Việt mưu tìm lại di thư thời Lĩnh-Nam. Đoàn Tố-Liêm cũng gửi sáu đoàn sang. Đoàn phục tại đền thờ Thánh-Thiên đo Đại tư-không Chu-Minh chỉ huy, bị Đỗ Lệ-Thanh đánh thuốc độc. Y đã xuất hiện tại trang Thiên-trường, xin Thân Thiệu-Thái ban thuốc giải độc.

Đoàn thứ nhì đo Trấn-nam vương Đoàn Huy đem tư đồ Phạm Văn cùng vợ Văn là Hàn Ngọc-Quế đến Thăng-long mở được phòng Ích-sinh-đường, hầu nghiên cứi tình hình Đại-Việt, cùng tìm di thư. Hôm trước y, nghe tin sứ đoàn Triệu Thành tìm ra di thư thời Lĩnh-nam, đang trên đường về Tống. Y cùng Chu Minh, vợ chồng Phạm Văn bí mật theo dõi từ Thiên-trường về Thăng-long, chờ dịp bọn chúng sơ hở sẽ đoạt kinh thư.

Không ngờ trong khi y theo dõi bọn Tống, bọn Chu An-Bình cũng rình rập. Trận đấu giữa cao thủ Đại-lý với bang Nhật-hồ năm trước, Chu An-Bình có dự. Hai bên nhận ra nhau. Chu An-Bình biết muôn ngàn lần y không phải đối thủ của bọn Triệu Thành. Vì vậy y bàn với Đoàn Huy cùng hợp tác.

Nếu cướp được di thư, Chu An-Bình chỉ xin được luyện Vô-ngã tướng thần công, để thay thế thuốc giai Chu-sa độc chưởng. Nhưng sự thực trong lòng y nghĩ rằng sau khi đoạt được kinh thư, y đánh thuốc độc giết chết bọn Đại-lý, rồi một mình tọa hưởng. Đoàn Huy cũng nghĩ rằng, nếu đấu với nhau, bọn y khó thắng bọn Triệu Thành. Vì vậy y cần nhờ Chu An-Bình dùng độc dược hại bọn Tống. Sau khi cướp được kinh thư, y sẽ diệt Chu An-Bình. Đúng là kẻ cắp bà già gặp nhau.

Trong lúc theo dõi, Phạm Văn với vợ đọat được bộ kinh thư trên tay bọn Tống. Đoàn Huy biết chữ Khoa-đẩu. Y cho sao lại nguyên văn bộ Kinh-thư cất vào một cái rương. Y đoán rằng bọn Tống thế nào cũng theo đoạt lại. Y bôi sửa bộ kinh thư, để dù bọn Tống có luyện cũng vô ích, rồi y nhờ Chu An-Bình tẩm thuốc độc vào hầu hại chúng.

Vì bọn Tống vốn đã dụ được Dực-Thánh vương theo chúng. Chúng nhờ Dực-Thánh vương tung người đón hết các ngả đường sông đường bộ lùng bắt Phạm Văn. Quả nhiên hai bên gặp nhau trên sông Hồng. Trong trận đấu trên sông Hồng, y biết mình đấu không lại Minh-Thiên, y vờ chịu lép vế trả sách. Bọn Tống bị mắc mưu y, tất cả đều bị trúng độc nặng. Y cùng bọn Chu An-Bình xuôi thuyền chạy.

Khi đi dọc đường, bọn Chu An-Bình tung thuốc độc hại bọn y. Nhưng y kịp thời ra tay. Bọn An-Bình bỏ chạy. Y yên tâm mở tráp ra coi kinh thư, thì than ôi! Kinh thư cùng bao nhiêu thư tín đều không cánh mà bay. Y nghi bọn Tống cho người ăn trộm. Nào ngờ người lấy trộm lại là đệ tử Đông-a, do Thanh-Mai sai đi.
Bình Luận (0)
Comment