Thuận Thiên Di Sử

Chương 3

Thuyền đã ghé bờ. Tự-An đứng dậy nói với Đỗ Lệ-Thanh:

- Đỗ phu nhân. Tôi hứa sẽ chủ trì công đạo vụ tên Nguyên-Hạnh hại phu nhân. Tuy nhiên tôi sợ mình chưa ra tay, phái Tiêu-sơn đã thanh lý môn hộ. Y giam cầm hai vị Bố-Đại và Sùng-Phạm, cùng làm ô uế cửa Phật, tội đâu có nhỏ? Vả lại y không còn là tội nhân của phu nhân và của phái Tiêu-sơn. Mà còn của triều đình. Vịệc trừ khử y thực không khó. Chúng ta đây có Thiệu-Thái dư sức thắng y. Dù sao tôi cũng đã hứa với phu nhân. Tôi sẽ chủ trì công đạo vụ này.

Đỗ Lệ-Thanh quì mọp xuống:

- Đa ta đại hiệp.

Tự-An nhìn bước đi của con gái, ông chau mày:

- Con Thanh này lại được sư bá Huệ-Sinh dạy Thiền-công rồi phải không ? Gớm thực ! Chắc lại ỏn thót lèo nhèo nịnh hót sư bá chứ không sai đâu. Con gái gì mà xấu thế !

Thanh-Mai chù mỏ ra:

- Bố. Sao bố biết?

- Hừ. Con gái do bố "ị" ra, nào bế, nào tắm, nào cho ăn, nào dạy văn, dạy võ, mà làm gì bố không biết, họa chăng bố mù. Tiếc thay hồi mẹ bị nạn, sư bá Huệ-Sinh chưa đắc đạo.

Đỗ Lệ-Thanh cũng bùi ngùi:

- Thức thiền công đại-sư Huệ-Sinh dạy Thanh cô nương do ông mới phát minh ra gần đây phải không ?

Mỹ-Linh nhìn Thanh-Mai:

- Sư tỷ. Em có thấy sư phụ dạy chị hồi nào đâu ?

Thanh-Mai thuật lại vụ trên đường đi Sơn-tĩnh, Huệ-Sinh với nàng ngừng lại trong rừng. Chính lúc đó ông dạy Thiền-công cho nàng.

Mỹ-Linh hỏi Trần Tự-An:

- Thưa sư bá, thức Thiền-công sư phụ dạy chị Thanh, do người tìm ra sao ?

- Đúng thế. Cháu nên nhớ rằng nội công phái Đông-a nhà ta phát xuất từ Thiền-công phái Tiêu-sơn. Mà Thiền-công Tiêu-sơn đo ngài Tỳ-ni Đa-lưu-chi đem từ Tây-Trúc sang vốn thuộc Vô nhân tướng công cùng nguồn gốc với Thiền-công Thiếu-lâm do Đạt-ma tổ-sư truyền lại. Tổ của phái Đông-a nhà ta là Tự-Viễn công học thiền công Vô-nhân tướng công. Nhân thấy Vô nhân tướng công dùng công lực làm mất đi cái sức ác độc của đối thủ. Người nghĩ như vậy khí hiền quá, nên biến đổi đi thành nội công mới. Khi phát chiêu chống đối thủ, một phần hóa giải kình lực. Một phần dùng nội lực mình đánh đối thủ.

Đỗ Lệ-Thanh tỏ vẻ hiểu biết hơn:

- Vô nhân tướng công nhà Phật do Đạt-Ma tổ sư truyền cho Thiếu-lâm lấy yếu chỉ từ kinh Kim-cương. Trong khi Thiền-công do ngài Tỳ-ni Đa-lưu-chi truyền lại cho phái Tiêu-sơn lấy yếu chỉ trong kinh Lăng-gìa và Tượng-đầu. Vì vậy chưởng phong phái Thiếu-lâm hiền hòa hơn. Ngược lại chưởng phong phái Tiêu-sơn bao hàm sát thủ cực mạnh. Rồi tổ sư phái Đông-a lại biến đổi đi lần nữa. Cho nên trong các chiêu thức bao hàm phong, lôi, thủy, hỏa khủng khiếp. Nhưng còn thức Thiền-công của đại sư Huệ-Sinh tìm ra có gì khác biệt, mà chỉ nhìn tướng đi,đại hiệp biết Thanh đã học thức đó ?

Tự-An gật đầu:

- Nội công phái Đông-a có phần khó luyện tập nhất. Người tập phải làm sao thăng bằng được thủy và hỏa, phong và lôi, vân và vũ, nhật và nguyệt, mộc và thổ. Những điều ấy đệ tử cần vượt qua. Thanh nhi dung hòa được hết. Cho nên võ công cũng vào loại khá. Chỉ còn có thủy và hỏa. Thường muốn dung hoà thủy hoả phải đợi đến tuổi bốn mươi mới đủ công lực. Hoặc nếu như người đắc đạo, thoát khỏi cái vòng sắc tướng, bấy giờ cơ thể trở thành cái chân không lớn. Thủy hay hỏa hết xung đột nhau. Tự nhiên đơn điền như cái hồ trống, các luồng nội tức thi nhau đổ vào. Công lực sẽ cao vô cùng. Ngay độc chưởng Chu-sa có nhập cơ thể, cũng tự động bị hóa giải.

Thiệu-Thái nhảy phắt lên:

- À thì ra thế. Vì vậy khi Mỹ-Linh bị Nguyên-Hạnh đánh trúng Chu-sa chưởng, sư thúc Bố Đại hòa thượng dạy thở hít mấy thức mà hóa giải được. Sư phụ cũng nói Chu-sa độc chưởng không hại được người. Bây giờ cháu mới biết nguyên ủy như vậy.

Tự-An gật đầu:

- Cho nên ta mới tiếc. Nếu như Huệ-Sinh đắc đạo trước khi mẹ Thanh-Mai bị nạn, ta đã cầu ông dạy cho thuật điều hòa thủy hỏa mà khỏi chết.

Đỗ Lệ-Thanh hỏi:

- Khi bị trúng độc. Phu nhân chưa dung hòa được thủy hoả ư ?

Tự-An lắc đầu:

- Phu nhân ta xuất thân phái Tản-viên. Chưa từng luyện tập nội công phái Đông-a. Vả lại hiện trong phái Đông-a chỉ có Thiên-trường ngũ kiệt là dung hoà được thủy hoả, đơn điền trống rỗng. Nếu trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng ắt vô sự. Bây giờ thêm Thanh nhi. Nào Đỗ phu nhân. Phu nhân thử phát một chiêu Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng vào Thanh-Mai xem nào.

Đỗ Lệ-Thanh hít hơi phát một chưởng. Trong chưởng có mùi tanh hôi khủng khiếp. Thanh-Mai vận công đỡ. Bộp một tiếng, Đỗ-lệ-Thanh lảo đảo lui lại.

Tự-An hỏi:

- Phu nhân thấy sao?

- Tiểu tỳ thấy trong lực đạo của Thanh cô nương trải ra rất rộng. Độc chất bị hoá giải mất. Một phần chân lực phản công vào người tiểu tỳ cực kỳ mãnh liệt. Tiểu tỳ nghĩ, đại hiệp là đại tôn sư võ nghệ. Đại hiệp nghiên cứu, chế ra một thức võ công khắc chế Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng thực hay biết mấy?

Bảo-Hòa cũng góp ý:

- Hiện Nhật-Hồ lão nhân đã qua đời. Nhưng dư đảng Hồng-thiết giáo còn ẩn tàng khắp nơi. Sư bá chế ra được thứ võ công này, hầu tru diệt bọn ma vương Hồng-thiết tuyệt chủng, đất Việt mới yên.

Lời nói của Đỗ Lệ-Thanh, Bảo-Hòa làm Tự-An tỉnh ngộ. Ông nghĩ thầm:

- Ừ nhỉ, nội công phái Đông-a chia làm hai. Một phần hoá giải kình lực đối phương. Một phần tấn công ngược lại. Nếu như ta làm sao để phần hoá giải kình lực, không cho chất độc nhập vào người mình. Phần tấn công ngược lại đẩy chất độc về cơ thể đối phương, như vậy khi đứa nào hại người bản phái, cũng như tự chui đầu vào thòng lọng thắt cổ.

Ông tính toán thầm:

- Tay có sáu kinh. Gồm ba kinh âm hoá giải chất độc. Ba kinh dương đẩy chất độc về người chúng. Phải rồi ba kinh để chống lại ba kinh dương của chúng. Còn ba kinh dương, đẩy chất độc vào ba kinh dương chúng.

Nghĩ đến đâu ông bảo Lệ-Thanh:

- Phu nhân nhè nhẹ đẩy ra một chưởng vào tay ta xem nào.

Lệ-Thanh vâng lời đưa bàn tay đẩy ra. Tự-An cũng đưa bàn tay đỡ. Ông vận khí ra Thủ thái âm phế kinh chống lại lực đạo của Thủ dương minh đại trường kinh Lệ-Thanh, rất dễ dàng. Ông vận khí ra thủ thiếu âm tâm kinh, chống lại Thủ thái dương tiểu trường kinh của Lệ-Thanh. Không khó khăn. Ông vận khí ra Thủ khuyết âm tâm bào kinh, chống lại Thủ thiếu đương tam tiêu kinh của Lê-Thanh, cũng không có gì trở ngại.

Ông nói lớn:

- Phu nhân đẩy độc chưởng vào người ta đi.

Lệ-Thanh hít hơi dồn chân khí, đẩy độc chất ra cả sáu kinh tay. Tự-An cho ba kinh âm chống. Ông vận khí vào kinh Thủ thái dương tiểu trường, rồi đẩy mạnh. Lập tức Lệ-Thanh kêu lên tiếng ái, mụ nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn.

Thiệu-Thái hỏi:

- Cái gì vậy?

- Kinh tâm của tiểu tỳ như bị mũi kim đâm vào, rồi chạy thẳng tới tim.

Nói đến đây mụ run run cực kỳ khó chịu. Mụ nói với Thiệu-Thái:

- Thế tử để ngón tay cái vào huyệt Thần-môn của tiểu tỳ, hoá giải chất độc cho tiểu tỳ.

Thiệu-Thái làm theo. Chỉ một lát, bao nhiêu đau đớn biến mất.

Tự-An chắp tay:

- Xin lỗi Đỗ phu nhân. Ta hơi quá tay.

Đỗ-lệ-Thanh reo lên:

- Mừng đại hiệp đã thành công. Nếu vừa rồi đại hiệp thẳng tay, e tiểu tỳ mất mạng rồi. Dù tiểu tỳ không chết ngay, thì độc chất chạy vào tim cũng nguy vô cùng.

Tự-An cùng Đỗ Lệ-Thanh tiếp tục bàn luận, nghiên cứu, chiết chiêu. Ông vận khí ra Thủ đương minh đại trường kinh, đẩy chất độc trên Thủ thái âm phế kinh về người mụ. Tiếp theo ông vận khí ra Thủ thiếu dương tam tiêu kinh, đẩy chất độc về Thủ khuyết âm tâm bào kinh của mụ. Công việc hoàn tất dễ dàng.

Tự-An với Đỗ Lệ-Thanh luyện suốt một buổi mới thông thạo. Ông nói:

- Bây giờ nếu phu nhân gặp Nguyện-Hạnh, đấu với y. Phu nhân có thể đẩy chất độc vào người y được. Ta khỏi cần chủ trì công đạo nữa.

Bảo-Hòa quan sát Tự-An, Đỗ Lệ-Thanh, ngẫm nghĩ một lát rồi thở dài:

- Đại sư Huệ-Sinh đúng là đại Bồ-tát đắc đạo. Ngài biết rõ hành trạng Nguyên-Hạnh. Biết Nguyên-Hạnh học Chu-sa chưởng, mà ngài lờ đi. Ngài chỉ dạy sư tỷ Thanh-Mai thức thần công đó, hầu lỡ khi trúng độc sẽ vô sự mà thôi. Chứ ngài không có ý dậy chị Thanh-Mai đánh ngược lại y.

Tự-An tiếp:

- Sau này Bảo-Hòa luyện công theo học thuyết âm, dương. Mỹ-Linh luyện tập Vô-ngã tướng công nhà Phật. Căn bản nội công Mỹ-Linh thuộc nội công âm nhu của Long-biên, vì vậy Thiền-công Vô-ngã tướng hợp với nội công Long-biên, làm cho nội công Long-biên mạnh vô song. Căn bản nội công Bảo-Hòa thuộc Tây-vu, Tản-viên, vốn thuộc dương cương. Khi luyện công theo âm dương của ngài Đào Kỳ, thì nội công dương cương thành mạnh vô song, nhưng trong người có nhiều luồng chân khí hỗn tạp, trong khi tâm lại chưa hoàn toàn gác bỏ Lục-căn.

Ông ngừng lại một lát, rồi tiếp:

- Vô ngã tướng thần công thuộc loại thần công tối cao nhà Phật. Nó tổng hợp của Vô nhân tướng của Thiếu-lâm, Tiêu-sơn. Vô chúng sinh tướng của Tây-tạng, Vô thọ giả tướng của Tây-hạ và Đại-lý. Cái lão Mốc ở đền thờ bà Thánh-Thiên đó, luyện Vô thọ giả tướng của nhà Phật đó. Thần công Vô-nhân tướng khác với các thần công kia ở điểm nó không hóa giải kình lực đối thủ, mà thu hết kình lực đối thủ vào làm kình lực mình. Cho nên Mỹ-Linh đấu với Trung-sơn tam kiệt, Đinh Toàn một lúc sau, bao nhiêu công lực của chúng bị hút hết. Vì vậy công lực Mỹ-Linh mới mạnh đến chỗ không tưởng được.

Cái thắc mắc tự nhiên sau trận đấu trong đêm với Đinh Tòan, Tung-sơn tam kiệt, công lực Mỹ-Linh trở thành mạnh vô cùng trước đây đã được Bố Đại hòa thượng giảng qua. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái hiểu một cách mơ hồ. Hôm nay hai người mới hiểu tường tận.

Mỹ-Linh vốn lòng dạ hiền hậu. Nàng hỏi:

- Thưa sư bá, mình hút hết công lực của người, như vậy có ác quá không ? Từ nay cháu không dám xử dụng nữa.

Tự-An quàng tay lên vai Mỹ-Linh:

- Con gái nhân từ qúa. Thực xứng đáng làm mẫu nghi thiên hạ. Nếu trong nước có một ông vua, một bà hòang nhân từ như con thực phúc đức mấy cho Đại-Việt. Bác mà là ông nội cháu, bác nhường ngôi cho cháu, chứ không nhường ngôi cho bố cháu. Như vậy trong nước ta lại có một vua bà nữa...Con đừng sợ xử dụng Vô-ngã tướng thần công hút công lực người là ác độc. Con nhớ thần công này vốn xuất phát từ đức Thích-ca Mâu-ni, sau truyền cho Bồ-tát Ma-ha Ca-Diếp thì làm gì có truyện ác độc? Đây ta thử phát chiêu như Thiền-công nhà Phật cho cháu xem. Nói rồi ông phát nhẹ một chiêu đánh vào vai Mỹ-Linh.

Mỹ-Linh chợt hiểu ra:

- Con hiểu rồi. Để con nói xem có đúng không nghe. Lỡ có sai, xin sư bá đạy dỗ cho. Các loại Thiền-công đều phát xuất từ nhà Phật. Cho nên căn bản nhân từ, chỉ hóa giải những gì người ta đánh mình.

- Đúng, không sai.

- Thiền-công Vô nhân tướng truyền cho Thiếu-lâm ở trong trường hợp này. Nghĩa là người ta đánh mình, mình đỡ.

- Đúng nữa. Để ta xuất chiêu theo Tiêu-sơn chưởng cho cháu biết.

Ông lại phát một chiêu nữa đánh vào Mỹ-Linh. Nàng chuyển tay đỡ. Tần ngần một lúc rồi nói:

- Thiền công Vô nhân tướng truyền cho Tiêu-sơn không hoàn toàn theo Kinh Kim-cương mà theo Lăng-già, Tịnh-đầu, nên trong cái hóa giải có phần sát thủ. Người ta đánh, mình đỡ. Trong cái đỡ có phần phản kích.

- Đúng hoàn toàn. Cháu thử đánh ta một chiêu xem.

Mỹ-Linh phát nhẹ một chiêu đánh vào thượng tiêu Tự-An. Ông bật tay đỡ. Nàng à một tiếng:

- Thiền-công Tiêu-sơn truyền sang phái Đông-a, tổ Trần Tự-Viễn biến đổi đi, dùng cái sức người đánh mình, quay trở lại đánh người, lại thêm vào lực giải ma chướng của kinh Thủ-lăng-nghiêm bao gồm phong lôi, thủy hỏa, vân vũ, nhật nguyệt, thổ mộc. Cho nên sát thủ kinh người, rất khó hóa giải.

- Giỏi. Cháu thông minh thực. Thiền công Vô chúng sinh tướng hơi giống Thiền công Vô nhân tướng. Có điều nó phức tạp hơn. Vô nhân tướng thì lực phát ra đơn thuần. Tòan thân chỉ có một lực đạo. Còn Vô chúng sinh tướng có thể chia người ra làm nhiều khu khác nhau. Như bị đối phương đánh, vận khí ra vai, chịu đòn, hóa giải lực đối phương. Trong khi tay phải, tay trái cũng có thể phát ra lực đạo khác nhau tấn công, phản kích và hóa giải ngoại lực.

Tự-An ngừng lại hỏi:

- Khi cháu hiểu biết được như vậy là đi vào hạnh đại giác rồi đó. Vậy còn Vô-thọ giả tướng ?

- Thiền công vô thọ giả tướng lại khác. Đối thủ đánh mình, cơ thể mình thu nhận chân khí vào người, rồi truyền xuống đất, làm biến đi. Hoặc giả người này đánh mình. Mình chuyển lực đó sang giúp người khác, hoặc đánh người khác.

- Đúng như thế. Thiền-công Vô ngã tướng bao gồm uy lực của cả ba lọai trên. Nó có thể hóa giải lực đạo đối phương đánh. Nó cũng có thể chia người thành nhiều lực khác nhau. Chỗ hóa giải, chỗ phản công, chỗ nghinh lực, chân tay chia thành nhiều lực đạo khác nhau. Mình cũng có thể thu nhậân chân khí đối thủ vào cơ thể chuyển ngược lại đánh đối thủ. Chuyển sang giúp người khác và chuyển xuống đất.

Trần Tự-An lắc đầu cười:

- Như vậy Thiền công vô ngã tướng đâu có đáng kể là vô địch? Cái vô địch là khi đối thủ đánh mình. Bao nhiêu lực đánh ra mình thu vào người hết làm của mình. Nó nhân từ ở chỗ đối thủ đánh mình mới bị mất. Còn không đánh mình lại không sao. Lực đối thủ đánh mình, mình thu mất, người đối thủ trở thành trống rỗng, tê liệt, phải tập luyện ít nhất nửa tháng mới phục hồi được.

Đỗ Lệ-Thanh thở dài:

- Như vậy từ Thanh tiểu thư cho đến Công-chúa, Quận-chúa trong người đều có Vô ngã tướng thần công. Thế mà không biết xử dụng, cũng giống như người có kho tàng mà không biết. Kính xin đại hiệp dạy cho các vị thiếu niên này cách vận chân khí, từ nay không còn sợ Nguyên-Hạnh nữa.

Tự-An gật đầu:

- Đương nhiên như vậy. Đại thể ba người giống nhau. Nhưng Mỹ-Linh luyện tập thần công âm-nhu của phái Long-biên, thiên về nhu nhiều hơn. Còn Bảo-Hòa luyện thần công dương cương do Trần Năng để lại hợp với nội công Cửu-chân, Tản-viên thiên về dương cương. Nếu Bảo-Hòa luyện được cả nội công âm nhu của Long-biên sẽ trở thành Đào Kỳ thứ nhì. Còn Thanh-Mai lại khác. Đầu tiên nó luyện nội công của phái Đông-a vốn có sát thủ. Bây giờ vượt ra ngòai tất cả bốn tướng, chưởng pháp có sức phản công kinh khủng.

Đại hiệp Trần Tự-An vốn tự hào kiến thức võ học của mình mênh mông. Ông không câu nệ giữ cho con cháu, đệ tử. Ai thắc mắc ông cũng sẵn sàng chỉ dẫn. Trong hơn tháng qua ở Thiên-trường mà anh em Thiệu-Thái, Mỹ-Linh được ông chỉ bảo cho, nội lực họ gia tăng đến chỗ không tưởng tượng nổi.

Phái Đông-a hiện do ông làm chưởng môn. Dưới ông có bốn tôn sư Vũ Anh, Hoàng Hùng, Phạm Hào, và Trần Kiệt. Họ đều là sư đệ của ông. Võ công, tuổi tác suýt sóat ông. Mỗi người ở một trang riêng. Họ cũng thu nhận và dạy nhiều đệ tử.

Một hôm, ông đang đàm đạo võ công với các sư đệ cùng luyện võ cho con cháu, đệ tử, thì tráng đinh giữ cổng phi ngựa vào trình ông một danh thiếp kính cẩn thưa:

- Trình trang chủ, có một đoàn người ngựa xưng là Thiên-sứ Tống triều, Bình-nam vương, quản Khu-mật-viện, Thái-úy phụ quốc đến xin gặp.

Thanh-Mai nói lớn:

- Bố! Bọn Triệu Thành đến đấy. Bố có tiếp không?

Vũ Anh cầm danh thiếp lên coi. Ông gật đầu:

- Phải tiếp .Y dùng lễ võ lâm. Ta không thể chối được.

Ông quay lại truyền cho đệ tử:

- Mau đánh trống họp đệ tử ở võ đường, cùng chuẩn bị trà, nước đãi khách.

Thanh-Mai tuy là con của chưởng môn phái Đông-a, nhưng địa vị trong phái của nàng rất nhỏ. Nàng thuộc loại đệ tử trẻ tuổi đời thứ nhì. Trong khi phụ thân nàng có bẩy đại đệ tử, võ công, tuổi tác, kiến thức bỏ xa nàng. Đệ tử thứ bẩy Ngô An-Ngữ, xuất chính, được bổ nhiệm quản Khu-mật-viện Trường-Yên, tức cơ quan đầu não của an ninh, quốc phòng từ Thiên-trường tới biên giới Chiêm-thành.

Nàng biết trong cuộc tiếp khách này có liên hệ đến vận mệnh Đại-Việt. Từ xưa đến giờ, Thiên-trường ngũ kiệt vốn không ưa triều đình. Chỉ vì xưa sáng tổ Trần Tự-Viễn học nội công với phái Tiêu-sơn, và chính ngài dạy là tổ ngoại công phái này, nên bố nàng phải nghe lời chưởng môn phái Tiêu-sơn, tha cho Lý Công-Uẩn tội cướp ngôi vua họ Lê. Thiên-trường ngũ kiệt lại thân thiết với Hồng-Sơn đại phu. Nếu nay họ biết ông là Lê Long-Mang, con trai Lê Hòan đã được Tống hứa giúp đỡ đòi lại ngôi vua, sẽ đại bất lợi cho triều Lý. Mà người bất lợi nhất lại không ai khác Khai-quốc vương, đang cầm vận mệnh đất nước. Người mà nàng yêu thương vô bờ bến.

Nàng đưa mắt nhìn Mỹ-Linh, Bảo-Hòa. Cả ba như cùng thông cảm với nhau. Vạn nhất, Thiên-trường ngũ kiệt lại hứa giúp Hồng-sơn đại phu, thực hỏng bét. Nàng phải làm gì bây giờ? Trong buổi tiếp khách này, nếu nàng đưa Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh ra, không chừng Thiên-trường ngũ kiệt lại nghi ngờ bố nàng tư vị con gái. Vì vậy nàng bàn:

- Bây giờ thế này. Tôi lấy y phục, để Thiệu-Thái, Bảo-Hòa cùng Mỹ-Linh giả làm đệ tử phái Đông-a. Nếu tôi không gọi đừng nên xuất hiện. Chỉ để mình tôi đối phó là được rồi. Còn Đỗ phu nhân, xin hóa trang thành một phụ nữ trồng hoa, quét dọn phòng họp.

Năm người thay quần áo, vào đại sảnh đường. Võ sinh trưởng tràng đứng điều khiển. Hội trường đông có hơn ngàn người, mà không một tiếng động.

Một lát, có tiếng ngựa lốc cốc. Bọn Triệu-Thành tới. Hai bên giới thiệu, chào hỏi khách sáo, rồi Vũ Anh mời khách tới phòng hội. Ông hướng vào đám đệ tử nói:

- Hôm nay phái Đông-a hân hạnh được tiếp Bình-nam vương của nhà Đại-Tống cùng các tôn sư võ nghệ Trung-quốc.

Rồi ông giới thiệu từng người một. Cuối cùng ông hướng vào Minh-Thiên:

- Không biết đại sư giá lâm có chi dạy bảo?

Nghe Vũ Anh hỏi, Triệu Thành chửi thầm:

- Bọn Thiên-trường ngũ kiệt thực ngang ngược cùng tận. Rõ ràng ta làm trưởng đoàn, chức tước, quyền lực nghiêng Trung-nguyên. Mà nó không đếm xỉa tới. Nó hỏi Minh-Thiên, ra cái điều dùng lễ võ lâm, không coi ta vào đâu. Bọn này cũng không coi Lý Công-Uẩn ra gì. Ta không thể dùng quyền lực với chúng. Thảng hoặc làm mất lòng chúng, chúng giết ta, triều đình có hỏi tội bọn họ Lý, cũng vô ích.

Nghĩ vậy, y đưa mắt nhìn Minh-Thiên, ngụ ý:

- Sư phụ cứ trả lời chúng đi.

Minh-Thiên chỉ Triệu Thành:

- Bần tăng theo Vương-gia sang sứ Giao-chỉ cùng Chiêm-thành. Vốn mộ danh qúi phái, nên trên đường đi qua Thiên-trường vào bái yết Thiên-trường ngũ hùng.

Triệu Thành hướng Vương Duy-Chính gật đầu. Vương Duy-Chính vẫy tay. Năm người từ ngoài đội năm cái mâm phủ lụa hồng đem vào, trịnh trọng để trước bàn Thiên-trường ngũ kiệt. Triệu Thành chắp tay hướng Trần Tự-An:

- Cô gia được thánh Thiên-tử ủy nhiệm cho đi khắp nơi, mời các anh hùng, hào kiệt ra giúp nước. Năm trước đây, đã mở Anh-hùng đại hội ở Biện-kinh. Cô gia tuyển được một võ trạng cùng bảng nhãn, thám, hoa, tiến sĩ tổng cộng ba mươi hai người. Thiên tử đã trao trọng quyền cho các vị đó. Cô gia thấy quận Giao-chỉ là nơi rồng nằm, hổ phục, nhân tài thực nhiều, thế mà trong ba mươi hai vị, không vị nào người Giao-chỉ cả. Cho nên cô gia tâu lên Thiên tử, cho mở Thiên-hạ anh hùng đại hội vào ngày rằm tháng tám năm tới, để võ lâm Giao-chỉ có thể tham dự.

Vương Duy-Chính trịnh trọng cầm thiếp mời đưa cho Trần Tự-An. Y nói:

- Với tài của đệ tử qúi phái. Tôi e rằng cái chức trạng nguyên khó phái nào tranh nổi.

Vương Duy-Chính mở những tấm lụa che năm cái mâm ra. Trong mâm đầy vàng, bạc, châu báu cùng lụa, gấm:

- Đây, chút lộc của Thiên-tử ban cho quí phái.

Hoàng Hùng đứng dậy:

- Vương gia nói như vậy có ba điều không đúng. Điầu thứ nhất Vương gia miệt thị Đại-Việt chúng tôi là một quận huyện của qúi quốc. Nước tôi với quí quốc cương vực đã phân từ mấy ngàn năm, tiếng nói có khác, phong tục dị biệt. Thế mà vương gia miệt thị một điều quận Giao-chỉ, hai điều quận Giao-chỉ, chẳng hóa ra khinh người lắm ư?

Ông ngừng lại, nói lớn:

- Điều sai thứ nhì là phái Đông-a chúng tôi không dính dáng gì với triều đình Đại-Việt. Anh em chúng tôi, buông tay vui với cỏ cây. Ngay thời Lê còn. Sau trận Bạch-đằng vua Lê phong tước vương cho sư phụ chúng tôi. Người không nhận. Há nay chúng tôi lại đi tranh cái chức trạng nguyên của người Trung-nguyên sao? Điều thứ ba, chúng tôi là con dân Đại-Việt, không công trạng gì, mà Tống thiên tử lại ban thưởng. Chúng tôi không giám nhận.

Vương-duy-Chính cười lớn:

- Tôi nghe Thiên-trường ngũ kiệt kiến thức hơn đời, mà sao không biết nhìn sự thực? Hồi trước, Lê Hòan tiến cống xưng thần, được thiên triều dung cho coi quận Giao-chỉ. Từ đấy lễ cống không thiếu. Vừa rồi đây nhân Lê Long-Đĩnh ác độc, chết đi không con. Đáng lẽ phải lập em Đĩnh là Lê Long- Mang tước phong Nam-quốc vương mới phải, chứ có đâu Lý Công-Uẩn dùng sức mạnh cướp ngôi? Thánh thiên tử muốn hưng diệt, kế tuyệt, nên tạm thời phong cho Lý Công-Uẩn quyền nhiếp chính. Nay Bình-nam vương đã tìm được Nam-quốc vương, thiên triều sẽ phong chức tước vương cho y, bấy giờ Đại-Việt mới có thể thành một nước.

Thiên-trường ngũ kiệt trước đây có giao hảo với Lê Long-Mang rất hậu. Nay nghe ông còn tại thế thì mừng lắm, Vũ Anh hỏi:

- Nam-quốc vương hiện ở đâu?

Vương Duy-Chính đáp:

- Vương gia hiện danh vọng, võ công cao bậc nhất Giao-chỉ, mà ân đức trùm Lĩnh-nam, Hoa-hạ. Đó là... Hồng-Sơn đại phu.

Vũ Anh không tin:

- Có thực không?

Vương Duy-Chính cười ha hả:

- Thiên-trường ngũ kiệt đều biết mặt Nam-quốc vương cả. Vì vậy từ khi nhà Lê mất, Vương gia tránh không muốn giáp mặt các vị là tại sao? Vì muốn mưu phục hưng. Các vị không tin, cứ đến Vạn-thảo sơn trang gặp Hồng-Sơn đại phu sẽ biết thực hư ngay, chứ có khó gì đâu?

Triệu Thành tiếp:

- Võ đạo phái Đông-a có hai điều quan trọng. Một là diệt kẻ ác, bảo vệ người cô .Hai là trọng tình bạn. Trước đây Lê Hoàn từng kết bạn thân của cố chưởng môn Đông-a. Cố chưởng môn Đông-a từng suất lĩnh thiên hạ cứu Lê Hòan trong trận Bạch-đằng, khiến ai cũng kính phục. Đến đời Thiên-trường ngũ kiệt lại kết bạn với Lê Long-Mang. Thế mà Mang bị kẻ mạnh Lý Công-Uẩn cướp ngôi, trong khi Thiên-trường ngũ kiệt không vì tình bạn mà báo thù, cũng chẳng ra tay nghĩa hiệp cứu người yếu thế. Tôi nghĩ có lẽ các vị không biết Mang còn sống. Chứ không phải các vị sợ Lý Công-Uẩn mạnh.

Vương Duy-Chính thấy Thiên-trường ngũ kiệt có vẻ chuyển tâm. Y thêm:

- Người ta đồn năm vị anh hùng phái Đông-a nể vì chưởng môn phái Tiêu-sơn, Vạn-hạnh thiền-sư, mà lờ đi cho Lý Công-Uẩn, đệ tử của ông ta diệt họ Lê. Như vậy phải Đông-a vì sợ Vạn-Hạnh, mà quên tình cố cựu.

Y cười nhạt:

- Đông-a đường đường một phái lớn, thế mà lại phải tuân lệnh mấy ông sư ăn thịt chó thì chán thực.

Phạm Hào hỏi:

- Vậy tôn ý Vương-gia thế nào?

- Còn thế nào nữa? Cô trở về chuyến này thượng biểu lên Thiên-tử, phong chức tước cho Lê long-Mang. Bắt Lý Công-Uẩn trở về vị thế võ quan. Nếu Uẩn không chịu, Hồng-Sơn đại phu sẽ suất lĩnh mấy ngàn đệ tử kéo về Thăng-long. Đại binh thiên tử theo hai lộ Quảng-đông, Quảng-tây ép vào. Nhất định Uẩn phải chịu thoái vị. Nếu phái Đông-a giúp Mang, ắt Uẩn phải khuất phục, Thiên-binh khỏi kéo sang nữa.

Ngồi dưới hàng đệ tử, Bảo-Hòa chửi thầm bọn Triệu Thành sảo quyệt:

- Bọn này đáng chết thực. Một là chúng bảo tại vua Lý cướp ngôi nên Đại-Việt bị coi như một quận. Muốn Đại-Việt thành một nước, phải do vua Lê. Thứ nhì chúng biết phái Đông-a thương dân, nên dọa nếu không giúp Lê-long-Mang, quân Tống mới không kéo sang. Lời lẽ đầy uy hiếp. Được ta thử xem phái Đông-a phản ứng ra sao?

Trần Kiệt gật đầu:

- Vấn đề trọng đại này, chúng tôi chưa dám quyết định. Xin để anh em chúng tôi có thời giờ đi Vạn-thảo gặp Lê Long-Mang. Thứ nhì chúng tôi cần bàn tính kỹ đã. Hôm nay các vị tới đây, xin mời dùng chút ít thổ sản lấy thảo. Bây giờ chúng ta tạm tam ngưng.

Bỗng có tiếng lộp cộp rất nhanh. Hai con ngựa đến trước đại sảnh đường thì ngừng lại. Thanh-Mai nhìn ra, suýt nữa nàng bật lên tiếng kêu. Vì hai người đó là Tự-Mai và Tôn Đản. Tự-Mai xuống ngựa chạy lại hành lễ với bốn vị sư thúc, rồi nó ôm lấy Trần Tự-An:

- Bố! Con đã về này. Bố có khỏe không?

Chị em Thanh-Mai được phép bố cho theo bản sư Tịnh-Huyền du lịch. Ông tưởng mươi ngày hay nửa tháng sẽ về. Nào ngờ hai người đi liền năm trời. Tuy vậy ông cũng nhận được thư Tịnh-Huyền viết về rằng các con ông theo hòa thượng Huệ-Sinh. Ông vốn nể vì vị sư huynh kết nghĩa này về đạo đức. Nay nghe hai con ông du lịch với người, điều ông cầu mà không được. Khi Thanh-Mai bị bọn Triệu Huy bắt đi, đệ tử của ông là Ngô An-Ngữ có cho người đưa thư báo cho ông biết. Nhận được thư, ông cười đệ tử mình ngây thơ. Bởi tuy ngồi ở nhà, ông cũng biết đó chẳng qua mưu của Khai-quốc vương, ông chẳng lo nghĩ gì. Lúc Thanh-Mai trở về tường thuật mọi sự, ông càng cười, vì đã nhìn rõ mọi sự.

Ông nghe Thanh-Mai nói Tự-Mai biến mất cùng Khai-quốc vương. Ông không rõ Khai-quốc vương mang Tự-Mai theo làm gì? Bây giờ thình lình thấy Tự-Mai cùng trở về với một thiếu niên ngang tuổi. Ông biết nó tên Tôn Đản. Ông bẹo tại con:

- Thằng này hư qúa. Đi chơi quên cả bố rồi.

Tôn-Đản cũng hành lễ với Thiên-trường ngũ kiệt.

Tự-Mai chỉ vào Triệu-Thành:

- Bố! Bố giết chết thằng mặt lưỡi vầy này đi. Nó khinh khi con với chị Thanh đấy bố. Nó bảo võ công nhà ta học lóm võ công Thiếu-lâm đó bố.

Tự-Mai chỉ vào mặt bọn Triệu Anh, Triệu Huy:

- Bố ơi, hai thằng này là quân trộm cắp. Nó sang Đại-Việt lục lọi, khoét tượng Tương-liệt đại vương ra. Chúng nó còn giam chị Thanh với Nguyên vào nhà tù, vu cho tội ăn trộm vàng của chúng. Chúng nó giam chị Thanh dưới hầm đá một tháng, rồi trói lại bỏ trên xe đem đi khắp nơi.

Trần-Kiệt vốn tính nóng như lửa, ông lại thương yêu Thanh-Mai rất mực. Ông hỏi Tự-Mai:

- Cháu nói thực hay đùa?

Thanh-Mai kính cẩn nói:

- Thưa sư thúc, em cháu đâu dám nói đùa. Các vị đây ỷ vào sứ đoàn Thiên-sứ đập phá đền thờ Tương-liệt đại vương tìm di thư thời Lĩnh-Nam. Tìm không thấy, họ vu cho bọn cháu ăn trộm, để có cớ lục lọi khắp nơi trong đền.

Hoàng Hùng hỏi Triệu Thành:

- Xin vương gia dạy cho một lời. Đệ tử phái Đông-a nhà tôi không dễ gì để cho người ta lăng nhục như thế đâu.

Triệu Thành nghe Hoàng Hùng hỏi, y ớn da gà nghĩ thầm:

- Bọn Đông-a này nghe nói võ công cao không biết đâu mà lường. Thế lực chúng cực lớn. Chúng lại sống ngoài vòng cương toả của luật pháp triều Lý, thành ra chúng đâu cần biết thiên triều ? Ta mà không khéo, e bỏ xác tại đây chứ không chơi đâu.

Nghĩ vậy, y chối biến:

- Tự lúc đầu chúng tôi không biết Thanh cô nương với em Tự-Mai là đệ tử phái Đông-a nên có chỗ hiểu lầm. Mong đại hiệp đừng chấp.

Tự-Mai trợn mắt lên:

- Nói láo. Ông nói láo. Khi bọn Tung-sơn tam kiệt đánh thằng Đản này, định giết chết nó, gọi nó bằng tiếng thằng cẩu Nam-man. Chị Thanh can thiệp. Các người thấy võ công chị Thanh đã hỏi chị có phải đệ tử phái Đông-a không? Chị Thanh nhận là con của bố đàng hoàng. Thế mà các người còn vô phép. Như vậy các người còn chối sao?

Phạm-Hào gật đầu:

- Phái Đông-a nhà ta vốn không ưa triều Lý. Không ưa triều Lý nhưng chúng ta vẫn gốc là con Rồng cháu Tiên. Chúng ta quyết không để cho bất cứ ai gọi chúng ta bằng danh tự Nam-man, Cẩu-Việt.

Ông hất hàm hỏi Triệu Anh:

- Tung-sơn tam kiệt! Các vị nhục mạ phái Đông-a, còn có chỗ châm chước. Các vị nhục mạ giòng giống Việt, thực không thể tha thứ. Còn các vị đục tượng Tương-Liệt đại vương, qủa tình coi anh hùng võ lâm Đại-Việt không ra gì nữa.

Nói rồi ông hít hơi, vận sức phóng một chỉ lên trời. Chỉ đó trúng cành cây khô to bằng cổ tay. Rắc một tiếng, cành cây gẫy đôi, rơi xuống đất.

Triệu Thanh đưa mắt nhìn bọn tùy tùng, tự nghĩ:

- Vạn nhất xẩy ra động thủ, ta e bên mình khó toàn mạng về Trung-thổ.

Vũ Anh tiếp:

- Đền thờ anh hùng nước ta tượng trưng khí thiêng sông núi. Kẻ nào đụng đến, chúng ta quyết không tha. Tung-sơn tam kiệt đã là cái gì mà đến Đại-Việt coi như chỗ không người?

Vương Duy-Chính thấy Thiên-trường ngũ kiệt sát khí đằng đằng. Y kinh hoảng nghĩ:

- Tung-sơn tam kiệt hành sự bất cẩn. Giá lúc trước giết tươi mấy đứa nhỏ này đi có phải yên không? Làm thế nào bây giờ?

Triệu Thành kính cẩn chắp tay tạ lỗi:

- Cô gia quản thúc bầy tôi không nghiêm, để chúng phạm tới tiểu thư cùng công tử. Cô gia thành thực xin tạ lỗi. Đợi trở về Trung-nguyên, cô gia sẽ nghiêm trị. Theo luật triều Lý, chúng đáng bêu đầu. Tuy niên luật triều Lý có chỗ châm trước, cho chuộc tội. Vậy cô gia xin chuộc gấp mười lần.

Mục đích của Tự-Mai sao tỏ cho bố với các sư thúc biết sự bang bạnh, vô phép của bọn Tống, cùng làm cho chúng tởn mặt phái Đông-a. Nay hai điều đó đã đạt được. Nó nghĩ:

- Mình có nói gì chăng nữa cũng không khiến bố với các sư thúc giết bọn này. Hay hơn hết lấy vàng của chúng, cho dân nghèo. Mình phải nói nhanh. Bằng không bố bắt tụi nó chịu nhục rồi cho đi thực rất uổng.

Nghĩ vậy nó nói:

- Được. Tôi muốn các vị tạ lỗi theo luật Trung-quốc, chứ không theo luật Việt.

Triệu Thành tưởng Tự-Mai còn trẻ con. Y khinh thường:

- Vậy chú em bảo phải chuộc như thế nào?

Tự-Mai chỉ vào chị:

- Chị tôi có phải thiên kim tiểu thư không?

Triệu Thành vốn say Thanh-Mai ngay từ lúc mới gặp. Y nói:

- Không phải thiên kim mà đáng vạn kim.

Tự-Mai gật đầu:

- Chị tôi đáng vạn kim. Thanh-Nguyên còn nhỏ tuổi hơn đáng giá năm nghìn kim. Như vậy cộng chung vạn rưởi. Các vị phải bồi thường danh dự một vạn rưởi lạng vàng đúng.

- Được, cô gia sẽ bồi thường như chú em đòi. Còn chú em, không lẽ chú em cũng muốn thành con gái, để được bồi thường ngàn vàng? Chú làm gì có cái ngàn vàng mà đòi bồi thường?

Tự-Mai cười:

- Sao lại không. Tôi ư... đáng giá mười vạn vàng.

Tất cả mọi người cười ồ lên. Triệu Thành lắc đầu:

- Có luật nào mà giá cậu lại đắt như vậy?

- Luật do Khổng-tử đặt ra.

Triệu Thành cười:

- Nếu cậu nêu được bằng chứng nào, giá cậu gấp mười Thanh tiểu thư tôi xin bồi hoàn như cậu nói.

Tự-Mai vỗ tay:

- Nhất ngôn ký xuất, Tứ mã nan truy. Xin Vương-gia cho biết câu này có phải Khổng-tử nói không nào "Nhất nam viết hữu. Thập nữ viết vô."

Triệu Thành gật đầu:

- Đúng.

Tự-Mai thấy Triệu Thành trúng kế, nó cười lớn:

- Tôi là nam. Một tôi coi như có. Chị tôi là gái, dù mười người cũng coi như không có. Tôi nói giá tôi gấp mười chị tôi là nói rẻ đó. Vì tôi có hơn hẳn mười không. Chị tôi đáng giá vạn kim, tôi đáng giá mười vạn lượng vàng. Tổng cộng mười một vạn, năm ngàn lượng. Mau đem vàng nộp. Bằng không nộp đầu Tung-sơn tam kiệt.

Bọn Triệu Thành không cười được nữa. Chúng đưa mắt nhìn nhau. Vương Duy-Chính nói:

- Hiện tại đây chúng tôi không đủ vàng. Tôi tạm đưa năm nghìn lượng, rồi sẽ cho người đem sang sau.

Tất cả những gì Tự-Mai nói, Trần Tự-An biết có người đứng sau nó xui dục. Tuy vậy sự xui dục đó không quá đáng. Ông đoán người xui đó không ai khác hơn Khai-quốc vương Lý Long-Bồ. Ông cũng muốn để cho tụi Tống bớt hống hách. Ông lờ đi cho con kiếm chuyện với chúng.

Tự-Mai gật đầu:

- Cũng được, nhưng Vương-gia phải viết văn tự khất nợ.

Nó quay lại hô:

- Đem bút mực ra đây.

Nữ tỳ mang bút mực ra. Cùng chẳng đã, Triệu Thành cầm bút viết:

Bình-nam vương, quản Khu-mật-viện. Thái-úy phụ quốc Đại-Tống thiếu Trần gia mười một vạn lượng vàng. Triệu Thành ký.

Tự-Mai đưa văn tự cho Vương Duy-Chính:

- Phiền Vương đại nhân làm chứng dùm.

Vương Duy-Chính cầm bút viết:

Đại-Tống Tiến-sĩ, Kinh-lược-sứ Quảng-Tây lộ. Tước Văn-tín-hầu Vương Duy-Chính làm chứng.

Tự-Mai lại đưa cho Dư Tĩnh:

- Phiền đại nhân cũng làm chứng cho.

Dư Tĩnh cầm bút viết:

Đại Tống Tiến-sĩ, Kinh-lược-sứ Quảng-Đông lộ. Tước Uy-đình-hầu Dư-Tĩnh làm chứng.

Bọn Triệu Thành, Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh chửi thầm:

- Thằng lỏi con láu cá. Một mai quân Đại Tống chỉ ngọn cờ xuống Nam. Ta sẽ bắt mi băm vằm ra làm nghìn mảnh, đem đầu bố con mày làm cái bầu đái vào cho hả giận.

Điều mà Triệu Thành lo lắng lớn nhất từ khi đến Thiên-trường là phái Đông-a bắt y phải trả lại tập giấy Quách Quỳ sao bộ Lĩnh-Nam vũ kinh cùng bộ Dụng binh yếu chỉ. Còn tiền bạc, hay gì gì chăng nữa, y cũng không cần. Y hơi ngạc nhiên rằng bộ Lĩnh-nam vũ kinh thực quý báu vô cùng. Mà sao phái Đông-a không đòi lại? Y đâu biết rằng phái Đông-a tự hào võ công vô địch thiên hạ, nên không cần phải luyện tập võ công khác.

Hơn nữa Trần Tự-An biết rằng tin bọn Triệu Thành lấy được bộ Lĩnh-nam vũ kinh khắp giang hồ đều biết. Cứ để cho bọn chúng đem về. Võ lâm Đại-lý, Mông-cổ, Tây-hạ, Kim, Liêu và cả Đại Tống sẽ tìm bọn y mà tranh dành. Để cho bọn y đi. Có nghiã là y đi dần đến qủi môn quan. Ví dù y có giữ được, mà kiếm đâu ra người đọc được chữ Khoa-đẩu? Ví dù có tìm ra người đọc được chữ Khoa-đẩu mà không có bản đối chiếu thuật ngữ khi luyện cũng bị tẩu hỏa nhập ma mà chết.

Ăn uống xong, bọn Triệu Thành từ tạ lên đường. Dư Tĩnh nói với Trần Tự-An:

- Trần đại hiệp. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Đại hiệp nên vì tình bằng hữu mà giúp Lê Long-Mang. Tại hạ nghĩ nếu Đại Việt được cai trị bởi một trong Ngũ-long, y đạo trùm hòan vũ thì hay biết bao. Còn như để cho Lý Công-Uẩn cai trị, Đại-Việt vĩnh viễn là quận Giao-chỉ, mà Thiên-triều chắc sẽ đem quân sang hỏi tội. Chiến tranh xẩy ra, khó biết những gì bất lợi cho dân Việt. Chỉ cần một hành động của qúi phái mà trung hưng được triều Lê, làm sáng võ đạo Đại-Việt, lại tránh được chiến tranh. Mong qúi phái quyết định càng sớm càng tốt.

Thanh-Mai nhìn bọn Triệu Thành vượt sông ra đi. Chợt nàng để ý thấy đôi chim ưng bay trên trời, thì mỉm cười:

- Mi chạy đâu cho khỏi bàn tay Khu-mật-viện Đại Việt.

Thanh-Mai hỏi Tự-Mai:

- Đêm hôm ấy em với anh hai cùng Đản đi đâu? Từ hồi đó đến giờ chị không được tin gì cả.

Tự-Mai khoan thai kể.

oOo

Đoạn dưới đây thuật việc đang đêm Lý Long-Bồ, Tôn Đản, Trần Tự-Mai tự nhiên biến mất.

Đêm hôm ấy, chờ cho mọi người ngủ say, Tôn Đản bò đến bên Tự-Mai:

- Này chú mày dậy đi. Chúng ta rủ anh cả thăm "âm phủ".

Tự-Mai sẽ bò dậy. Hai đứa đến bên Lý Long lay chàng:

- Chúng mình thăm âm phủ đi. Em chuẩn bị đồ sẵn rồi. Chúng ta cần mang đá lửa với bổi theo, để còn soi, xem cho rõ. Bổi cần bọc giấy dầu để không bị ướt.

Lý Long không ngờ hai đứa trẻ lại có đởm lược như vậy. Ai lại giữa đem khuya dám lặn xuống sông, chui vào hang đá ngầm, thực gan lớn hơn trời. Chàng sẽ bò dậy, lấy than viết mấy chữ để lại cho sư phụ, rồi đeo kiếm, mang hành lý theo hai người em kết nghĩa.

Tôn Đản nói:

- Ban nãy chỗ đông người, lại giữa rừng hoang, em phải nói dối rằng không biết động Xuân-Đài ở đâu. Chứ thực sự em tìm ra từ lâu rồi. Em vào đó chơi hòai.

Nó tiếp:

- Nhà em nghèo thực. Bố em phải giữ đền, kiếm cơm sống, bữa no bữa đói, nhưng em không vì miếng ăn mà bán rẻ tổ tiên. Em đã dẫn bố em vào động nhiều lần. Võ công bố em dạy em chính là võ công bố em học ở trong động đấy. Năm trước có bọn người Đại-lý qua, nói rằng nếu em chỉ cho họ động Xuân-đài ở đâu họ sẽ cho một trăm lượng vàng. Chỉ cần một lượng vàng thôi, nhà em sẽ thoát khỏi cảnh đói khát, khổ sở. Nhưng bố em vẫn chối không biết.

Lý Long hỏi:

- Sao đêm nay em dẫn anh đi. Như vậy bố có buồn không?

- Không. Sáng hôm qua, bố nói sẽ vào tai em rằng, động Xuân-đài chứa biết bao cơ mật, tâm huyết của tổ tiên. Em nên theo sư bà đi lễ, rồi hé cho bà biết. Bây giờ em cho anh biết cũng thế. Hồi nãy giữa chỗ đông người, em giả bộ không biết gì về bóng núi in thành người bắn tên. Sợ tụi Tống nghe trộm.

Lý Long phục người em kết nghĩa minh mẫn, biết đề phòng gian nhân. Chàng nắm tay Tôn Đản kéo lại gần hỏi:

- Có phải em theo dấu của bóng người dương cung dưới trăng mà tìm ra không?

- Đúng thế. Đầu tiên bóng hiện ra ngay bờ sông. Bọn em tìm không ra. Cuối cùng em mạo hiểm lặn xuống dưới nước. Lặn thực sâu, thấy có hang lớn. Bọn em theo hang vào trong, thì ra đầu hang ở dưới sâu, rồi dần dần lên cao. Em lần theo hang đi. Đi ước khoảng hơn năm trăm bước thấy có ánh sáng mặt trời. Em tìm ra ánh sáng do cái lỗ giữa vách núi thẳng đứng chiếu vào. Mà lỗ đó đúng là chỗ mũi tên của bóng người cầm cung bắn.

Tới bờ sông, Tôn Đản trườn người xuống trước. Lý Long với Tự-Mai trườn theo. Tôn Đản nói:

- Em lặn trước. Anh hai với Mai lặn theo, nhớ bám sát, e không bị lạc.

Tôn Đản đã lặn nhiều lần, nó thuộc lòng đường đi. Lặn khỏang mấy chục bước nó trồi lên. Trong hang tối xòe bàn tay ra không nhìn thấy gì, thế mà Tôn Đản vẫn đi như trên đường cái quan.

Lý Long nói:

- Em đánh lửa lên. Anh muốn nhìn hang một chút.

Tôn Đản lấy bổi, đánh lửa lên. Ánh sáng ngọn bổi tuy nhỏ, nhưng trong hang đầy thạch nhũ, phản chiếu long lanh như muôn ngàn vì sao lấp lánh. Tôn Đản đi trước dẫn đường. Trên đường đi có nhiều bộ xương người. Có bộ trong tư thế ngồi. Có bộ trong tư thế nằm. Bên cạnh mỗi bộ xương đều có vũ khí. Lý Long cầm lấy vũ khí coi. Trên vũ khí đều có khắc tên người.

Chàng nói:

- Đúng rồi. Khi sức cùng lực kiệt. Bà Triệu cùng một số nghĩa binh rút vào đây, rồi cùng tử tiết. Vì vậy giặc Ngô tìm không thấy vết tích.

Đi một quãng nữa, có ánh sáng trên đỉnh cao chiếu xuống. Lý-Long nói:

- Đúng như nhận xét của Đản. Chỗ ánh sáng chiếu kia là lỗ thủng, nơi mũi tên của hình dương cung chĩa vào.

Trong hang bây giờ rộng dài ước hơn trăm bước. Tôn-Đản chỉ vào vách núi nói:

- Nơi đây có bia khắc nhiều chữ. Em không hiểu chữ gì?

Lý Long soi bổi lại nhìn. Chàng gật đầu:

- Chữ Khoa-đẩu. Em không hiểu cũng phải. Để anh đọc cho mà nghe.

Chàng cất cao giọng đọc:

Ta sinh ra vốn là con một Lạc-hầu vùng rừng núi Mê-linh. Lúc còn thơ ấu, đêm đêm thường thấy song thân than khóc không nguôi vì cái hận vong quốc. Người luôn dạy ta tuy phận gái, nhưng cũng phải nghĩ đến phục quốc.

Năm ta mười lăm tuổi, thì gặp ân sư. Lúc đầu người dạy cho ta nội công phái Tản-viên. Sau lại dạy y thuật. Ta nằn nỉ mãi, người mới dạy võ công, nhưng không thu nhận ta làm đệ tử.

Năm mừơi tám tuổi, vu qui làm dâu họ Hùng. Chồng ta giòng dõi vua Hùng. Thân phụ chàng cũng làm lạc hầu. Chàng theo học võ với Lĩnh-Nam thuần chính hoàng thái hậu.

Lý Long hỏi:

- Các em có biết người tạc bia này là ai chưa?

Tôn Đản lắc đầu. Tự-Mai nói:

- Em biết rồi. Bà họ Trần tên Năng. Chồng bà tên Hùng Bảo, đệ tử của ngài Hoàng Thiều-Hoa.

Lý Long gật đầu:

- Đúng. Để anh đọc tiếp.

Chàng lại đọc:

Ta được sư thúc của trượng phu tức Bắc-bình vương Đào Kỳ hết lòng chỉ dạy. Võ công ta do đấy tiến đến chỗ không ngờ. Sư thúc giúp ta thống nhất các trang động Nam Mê-linh.

Tại đại hội anh hùng ở hồ Tây ta được sư phụ nhận làm đệ tử. Người dốc túi truyền võ công cho ta.

Trong lần tùng chinh Trung-nguyên, ta gặp Bồ-tát Tăng-gỉa Nan-đà. Ngài truyền cho ta Vô-ngã tướng Thiền công nhà Phật. Ta đem hợp Thiền-công với nội công dương cương của Tản-viên, thành một thứ võ công mới. Trước đây sư phụ dạy ta Phục-ngưu thần chưởng đương cương. Sư thúc Đào-Kỳ dạy ta Phục-ngưu thần chưởng âm nhu. Ta chỉ luyện thành phần dương cương của sư phụ. Còn phần âm nhu dù ta cố luyện cũng không kết qủa. Ta trộn lẫn Thiền-công với nội công dương cương Tản-viên, vô tình thành một lọai Phục-ngưu thần chưởng mới.

Sư phụ với sư thúc Đào Kỳ chế ra Lĩnh-nam chỉ cùng cách vận công bằng kinh mạch. Người dạy cho ta. Ta học cũng thành. Ta dùng Phục-ngưu thần chưởng với Lĩnh-nam chỉ đánh thắng các anh hùng Trung-nguyên, giúp vua Trưng bảo vệ Lĩnh-Nam.

Nhưng than ôi, trời không chiều người. Đất Lĩnh-Nam còn sinh ra sư thúc Lê Đạo-Sinh. Người tham danh lợi cá nhân bỏ đại nghĩa. Vua Trưng bị người dùng vạn tên bắn tại Cẩm-khê.

Giữa lúc đó ta cùng trượng phu trấn vùng Yên-lãng. Mã Viện đem đại binh đến đánh. Ta đành rút vào rừng tiếp tục chiến đấu.

Tháng tám, nghe tin sư thúc Đào Kỳ cùng phu nhân tuẫn quốc ở Long-biên. Ta với trượng phu đi đường thượng đạo vào cùng Cửu-chân vương Đô Dương tiếp tục cuộc chiến. Tháng tư năm sau, Cửu-chân vương cùng vương phi tuẫn quốc. Ta với trượng phu đem tráng đinh ẩn vào đây.

Biết rằng ngày một ngày hai, chúng ta cũng tuẫn quốc, cho nên ta khắc bia này, để lại học thuật cho đời sau khỏi bị mai một.

Yên-Lãng công chúa.

Trần Năng.

Lý Long, cùng Tự-Mai, Tôn Đản qùi xuống hướng vào bia lậy tám lạy.

Lý Long khấn:

- Đệ tử Lý Long-Bồ, Tôn Đản, Trần Tự-Mai thành kính khấu đầu trước Công-chúa điện hạ. Anh em đệ tử nguyện đem hết sức mình nối chí vua Trưng cùng công chúa.

Lý Long đọc tiếp bia. Chàng nói:

- Phía dưới ghi chú khẩu quyết luyện Phục-ngưu thần chưởng, nội công dương cương của phái Tản-viên. Thiết-kình phi chưởng cùng nội công của phái Cửu-chân. Bên cạnh đó một tấm bia khác khắc khẩu quyết luyện nội công bằng kinh mạch, cùng Lĩnh-Nam chỉ. Cuối cùng một tấm bia nhỏ dạy luyện Vô-ngã tướng thiền công phối hợp với nội công dương cương Tản-viên và phương pháp vận hành bằng kinh mạch.

Đến đó bổi tắt hết. Lý Long-Bồ vốn không có nhiều tham vọng thành anh hùng vô địch. Chàng bảo hai sư đệ ngừng bàn truyện. Ba anh em ôm nhau nằm ngủ.

Hôm sau, trời vừa sáng. Ánh sáng chiếu qua lỗ hổng trên núi, làm Tự-Mai giật mình thức dậy. Nó thấy Lý Long đang dùng một thứ bút đặc biệt viết trên miếng giấy. Nó không hiểu, hôm qua bằng cách nào sư huynh của nó mang giấy theo trong khi lặn dưới nước mà không ứơt. Chàng viết đầy trang giấy, rồi hú lên một hồi lanh lảnh. Phút chốc có hai con chim ưng theo lỗ hổng trên vách núi bay vào. Chàng bỏ thư vào ống tre cột dưới chân chim, lại hú lên một tiếng. Chim theo lỗ hổng bay ra ngòai.

Tự-Mai hỏi:

- Sư huynh, có phải sư huynh viết lệnh sai chim ưng đem đi cho quân vây bắt bọn Triệu Thành không?

Lý Long gật đầu:

- Đúng, anh gửi lệnh về cho Khu-mật-viện. Ở đây sẽ ban lệnh cho tiết độ sứ Đinh Ngô-Thương. Thương cử người theo hộ tống bọn Triệu Thành.

Tôn Đản vỗ tay reo:

- Như vậy anh bỏ tù lỏng bọn chúng rồi. Thế là từ đây đến biên giới Chiêm-thành, chúng không dẫy được. Ai bảo chúng bang bạnh nói láo rằng bị trộm làm chi. Em nghĩ, anh không cần cho người canh chúng. Để cho chúng tự do hành động, mình sai người theo dõi, biết hết âm mưu chúng.

Lý Long cười:

- Như vậy vẫn chưa hay. Bọn chúng thuộc những người mưu trí tuyệt vời. Cho nên muốn lừa chúng, ta phải giả làm ngu hay tạo cho chúng tưởng mình ngu. Anh cho người hộ tống chúng. Chúng tưởng anh đã đề phòng. Anh lại cử bọn gian tế của chúng là Đàm Toái-Trạng, Nguyễn Khánh theo hộ tống chúng. Chúng sẽ cười anh ngu, tự do hành động. Trong khi đó anh theo dõi chúng, như vậy bao nhiêu mưu gian đều lộ ra hết.

Lý Long bảo Tôn Đản:

- Thân phụ hiền đệ không biết chữ Khoa-đẩu. Ông chỉ theo đồ hình trong này mà luyện võ công Cửu-chân. Bây giờ sư huynh đọc khẩu quyết, hướng dẫn cho em luyện, chắc chắn sẽ thành công. Tự-Mai cũng luyện thử xem sao.

Chàng đọc kỹ khẩu quyết rồi giảng giải cho hai sư đệ. Tôn Đản luyện rất dễ dàng. Còn Tự-Mai luyện được một lúc, nó thấy trong người nội tức chạy ngược kinh mạch. Nghĩ rằng dẫn khí sai. Nó luyện một lần nữa. Hiện tượng trên vẫn tái diễn. Nó ngừng lại suy nghĩ:

- Bố ta thường nói, nội công, ngoại công phái Cửu-chân do Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung chế ra, khắc chế võ công Trung-nguyên, tức khi phát chiêu phải lấy hữu lấy sắc làm trọng. Trong khi nội công của phái Đông-a của ta lấy không lấy vô làm căn bản. Vì vậy ta luyện nội công Cửu-chân, thành giữa sắc với không, giữa hữu với vô hỗn loạn, chân khí chạy ngược cũng phải.

Nó ngừng lại, nhìn Lý-Long, thấy sư huynh cũng đang ngỡ ngàng. Nó đem ý kiến trên trình bày. Lý Long gật đầu:

- Sư đệ nói đúng.

Trong lòng chàng nảy ra sự cảm phục đại hiệp Trần Tự-An. Ông quả xứng đáng đại nhân tài võ học, dạy con đến như thế e hơn hẳn sư phụ chàng. Chàng đọc khẩu quyết luyện nội công dẫn khí bằng kinh mạch, cùng Tự-Mai luyện. Quả nhiên chàng luyện thực dễ dàng. Thoáng một cái, chàng đã luyện thành công vòng Tiểu-chu-thiên, rồi Đại-chu-thiên.

Tự-Mai kinh ngạc, đặt câu hỏi:

- Người xưa chép võ công, thường ghi bằng thuật ngữ đặc biệt. Sau đó lại đặt ra một bài quyết giải thích những mật ngữ đó. Bài quyết chỉ dạy cho đệ tử, con cháu. Như vậy người ngoài có đọc được cuốn phổ cũng vô ích. Thế sao Công-chúa Yên-Lãng không dấu diếm như thường lệ, mà chép đầy đủ, để anh em mình luyện thành?

Tôn Đản cười khúc khích:

- Tự-Mai thông minh thì thực thông minh, nhưng tinh tế thì lại thiếu.

- Em thiếu tinh tế ở chỗ nào?

- Công chúa Yên-Lãng chẳng chép bằng thuật ngữ đặc biệt đấy sao? Những đoạn anh cả đọc lên, Đản không hiểu gì. Anh cả phải giảng. Trong khi đó Tự-Mai hiểu hết. Thuật ngữ công chúa dùng đều nằm trong kinh Phật.

Lý Long công nhận Tôn Đản có lý. Chàng gật đầu:

- Thâm ý của Công-chúa khi chép võ công, muốn rằng sau này con cháu trong nhà, hoặc đệ tử nhà Phật có duyên luyện sẽ thành. Anh với Mai cùng thông kinh Phật, mà hiểu. Trong khi Tản chưa thuộc kinh, anh phải giảng, mới luyện được.

Tự-Mai nhẩm lại một đoạn khẩu quyết:

- Khí tụ về đơn điền. Bỏ ra ngoài Ngũ-uẩn. Vận khí phân tán khắp người. Từ từ xua đuổi Lục-tặc. Sau đó dung hoà thủy hoả.

Nó mỉm cười:

- Ừ nhỉ! Người thường làm sao biết Ngũ-uẩn là gì? Lại càng không hiểu Lục-tặc cùng phương pháp xua đuổi chúng. Cuối cùng phải biết cái "thủy hỏa" trong kinh Thủ-lăng-nghiêm khác với thủy hoả của ngũ hành. Cũng may mình với anh cả đều có cao tăng chỉ dậy. Thâm ý của công chúa Yên-Lãng hiện rõ ràng: Chỉ đệ tử Phật-gia mới hiểu được Vô-ngã-tướng thiền công.

Ba anh em luyện võ đến trưa, Tôn_Đản ngừng lại nói:

- Đói quá rồi. Kiếm gì ăn đã chứ?

Tự-Mai bàn:

- Anh em mình phải rời khỏi đây, mới kiếm ra thực phẩm.

Tôn Đản vỗ vai Tự-Mai:

- Anh cả ở đây. Còn chúng mình ra sông bắt cá. Ta sẽ dạy sư đệ võ công bắt cá bằng hai tay.

Tôn Đản cùng các bạn nô đùa, lặn dưới nước riết rồi thành một môn võ công. Nó có thể lặn đuổi bắt cá bằng tay như bắt cóc trên cạn. Nó chỉ cho Tự-Mai những chiêu thức đặc biệt bắt cá, rồi hai đứa trở xuống bờ sông.

Hơn giờ sau, hai đứa trẻ bắt được một con cá hồng, hai con cá ngừ khá lớn. Khi chúng nó mang cá lên, đã thấy mùi thơm bốc vào mũi. Chúng thấy Lý Long đang đốt lửa nướng hai con gà rừng. Tôn Đản đùa:

- Anh cả có phép tiên hay sao mà bay ra ngoài bắt gà rừng đem nướng ?

Lý Long cười:

- Có gì lạ đâu. Các em đi bắt cá, thì anh gọi hai con chim ưng của anh vào, sai chúng bắt gà. Rừng Chung-chinh đầy gà, chúng chỉ nhào xuống một cái, là chụp được hai con đem vào đây. Anh vặt lông, đốt củi lên nướng. Bây giờ nướng cá của các em nữa, anh em chúng mình có bữa tiệc gồm sơn hào, hải vị.
Bình Luận (0)
Comment