Thung Lũng Ma

Chương 2

- Allô, ông Linh hả?

Tôi nhận ra tiếng của Mạnh. Gớm, hôm nay cu cậu ăn nói chững chạc thế... Chả bù mọi khi, mỗi lần nhắc ống điện thoại lên là một điều này Ma Cỏ, hai điều này ma cô... là những tên thân tình mà bạn hữu thường dùng để gọi đùa tôi.

Tôi cũng lấy giọng nghiêm chỉnh để trả lời:

- Dạ, tôi nghe đây.

Bên kia, Mạnh chậm rải, nói:

- Này, ông cụ mất rồi...

Có lẽ đây là một tin mừng chăng?

Ba của Mạnh bị hôn mê đã hơn năm tháng nay. Bạn bè ai cũng ái ngại cho gia đình hắn. Ông cụ sống dở, chết dở làm cho con cái mệt vô cùng. Trong những ngày này, bệnh nhân chỉ sống nhờ những phương tiện trợ sinh y khoa như máy hô hấp, những bịch nước biển được truyền liên tiếp... Nếu lấy những dụng cụ y khoa này ra, bệnh nhân sẽ trút hơi thở liền. Nằm nhà thương vừa tốn phí, anh em Mạnh lại phải thay phiên nhau túc trực săn sóc ngày đêm, nhiều khi nhỡ dở cả công ăn việc làm... mà tình trạng cụ lại hoàn toàn vô vọng, chỉ nằm chờ chết thôi. Tuy nhiên, không ai dám quyết định để bác sĩ thôi cung cấp phương tiện trợ sinh để cụ ra đi. Tôi cũng đã vào thăm cụ nhiều lần, trông thực tội nghiệp. Bây giờ, được tin cụ mất, tôi thực tình thấy đáng mừng... Nhưng chẳng lẽ lại nói: "Tao chia vui với mày nhé!" sao? Vì thế, tôi cũng lấy giọng trang trọng, nói:

- Mạnh, mình gửi lời chia buồn cùng gia đình bên đó nhé.

Giọng Mạnh buồn buồn:

- Cảm ơn Linh.

- Cụ hiện nằm ở đâu?

- Ở nhà đòn Mission đường Reed đó.

- Biết rồi. Tối nay tôi sẽ lại đó với cậu.

Mạnh như nhớ ra điều gì, hỏi:

- Khuya nay cậu có rảnh, ở lại muộn một chút với tôi được không? Chã là mình phụ trách canh xác cụ tối nay. Mấy ông anh chưa xin phép sở làm...

Tôi không ngần ngại nhận lời liền:

- Được chứ. Ăn tối rồi tôi tới ngay.

Bảy giờ tối, tôi tới nhà quàn Mission trên đường Reed. Ông cụ vừa mới mất, chưa phát tang, nên Mạnh vẫn còn vận y phục bình thường. Quan tài nằm ở đầu phòng, giữa những hàng nến mới thắp, vài bình bông của gia đình đặt quanh cụ. Khách khứa chỉ mới lưa thưa vài ba người rất thân tình. Vì thế, độ tám giờ tối, đã không còn ai thăm viếng. Căn phòng quàn xác trở nên rộng rãi, trống vắng.

Mạnh đang lúi húi xếp lại mấy vòng hoa vừa được gửi tới. Lúc này tôi mới có dịp tiến lên bên quan tài nhìn kỹ lại xác cụ. Ở đây, kỹ thuật tẩm liệm thực giỏi. Họ bơm xác bằng thuốc khiến mặt mày người chết hết hốc hác, tô son điểm phấn nên da dẻ trông thực hồng hào, tươi nhuận hơn cả lúc còn sống. Đầu tóc chải tươm tất... Ông cụ vận một bộ com-lê mầu xanh nhạt, thắt chiếc cà-vạt đỏ tươi, to như con khô mực. Kiểu cà-vạt này tuy bây giờ đã lỗi thời, nhưng rất thịnh hành vào thập niên bảy mươi. Chính tôi cũng còn giữ một chiếc kỷ niệm mang từ Việt Nam mà thời đó được coi là rất "mốt". Nhưng cà-vạt này ai thắt cho cụ lại quá ngắn, đầu nó hơi cong lên, thêm cái mầu đỏ chót, thành ra trông như cái lưởi thè ra của một con quái vật.

Mấy cháu của Mạnh cũng đã về nốt, ở đây chỉ còn hai chúng tôi. Hai đứa đồng ý nên ở lại tới chín giờ, để xem còn ai tới nữa không. Mình cũng phải thông cảm cho khách, vì công việc làm ăn, giờ giấc khác thường ở đây, nên không ai giống ai cả, tiện lúc nào họ tới với mình là quí rồi.

Mạnh ra dấu cho tôi, khẽ nói:

- Mình ra ngoài cho mát, Linh. Ai tới, mình vào cũng được.

Hắn lặng lẽ khép hờ cửa phòng, rồi kéo tay tôi đi. Giữa mùa hè, trời về đêm, khí hậu vẫn nóng nực. Mạnh ra xe, lấy một xách bia hộp và gói khô mực. Chúng tôi ra chiếc ghế đá ở một góc bãi đậu xe, nhâm nhi trò chuyện.

Đêm chưa khuya lắm, nhưng ở góc phố này đã vắng xe đi lại. Ánh đèn vàng vọt ngoài lộ không đủ chiếu sáng tới tận chỗ chúng tôi ngồi.

Tính Mạnh rất ồn ào và hay nói đùa nhất trong đám bạn bè. Nhưng hôm nay hắn lại im lặng khác thường. Dĩ nhiên, nhà có đám, ít nhất cũng phải giữ vẻ nghiêm trang chứ... không người ngoài lại phê bình.

Mọi khi mà ngồi thế này là chúng tôi chuyện nổ như pháo rang. Nhưng bây giờ thì hầu như thiếu cả điều để nói.

Không, hình như Mạnh đang muốn nói gì đây. Anh chàng hỏi một câu thực ngớ ngẩn:

- Này Linh, trong tập Ma Cỏ, có truyện nào thực không?

Tôi cũng đã từng nghe nhiều người hỏi tôi câu này, nhưng tôi luôn luôn cho là những câu hỏi đùa thôi. Không ngờ đêm nay, trong cái không khí ma chay, tại khuôn viên một nhà quàn, thằng bạn thân lại hỏi một câu nhạt như vậy. Nhưng tôi không dám chế riễu hắn, chỉ hỏi ngược lại:

- Thí dụ như truyện nào?

- Đôi giầy nâu chẳng hạn...

Tôi cười, trả lời lấp lửng:

- Chưa xảy ra cho tôi... nhưng có thể xảy ra cho người khác... Biết đâu.

Mạnh không cười theo, nói:

- Mà không cứ là đôi giầy, cũng có thể là vật khác...

- Đúng thế.

Mạnh như không để ý tới lời tôi, hỏi:

- Cậu có thấy cái cà-vạt ông cụ đang thắt không?

Hỏi, nhưng không đợi tôi trả lời, hắn nói liền:

- Ông cụ cũng mua nó ở một garage sale đó.

Chết bỏ xoáy mấy anh chị bán garage sale rồi... Tôi nhớ cách đây mấy hôm, Phạm Lễ đùa, đề nghị với tôi: "Em sẽ mang cuốn Ma Cỏ của anh tới mấy anh bán xe cũ, để nghị mấy ảnh mua đứt bản quyền cuốn sách này, không tui tái bản, phổ biến rộng rãi là nghề bán xe cũ của mấy anh... bị dẹp luôn. Sau đó, mình lại đưa tới mấy anh dealer xe mới, gạ bán, các anh nên mua thực nhiều để... phát không cho khách hàng... họ sợ mua xe cũ là các anh cứ tha hồ mà bắt chẹt để bán xe mới. Thế là anh em mình ăn hai mang... giầu lớn!!!". Ý anh muốn nói tới truyện "Cái Xe".

Tôi đang suy nghĩ miên man về câu nói đùa của nhà phê bình thời thượng của San Jose thì Mạnh nói tiếp:

- Ông cụ được mấy bữa thì đau, nên chưa dùng tới. Con cháu nhà anh hai thấy ông nội mua đồ cũ garage sale về, nói đùa: "Ông nội đọc Ma Cỏ của chú Linh rồi mà còn dám mua đồ cũ à?". Ông cụ cười: "Ông ấy chỉ dọa con nít thôi".

Tôi cười thầm trong bụng... Không ngờ cuốn sách của tôi gây nhiều chuyện vậy.

Mạnh tiếp:

- Hôm vào bệnh viện, lần đầu tiên ông cụ thắt cái cà-vạt đó. Nhưng khi nhập viện thì cũng cởi nó ra, để trong chiếc hộp biscuit Petit Beure cùng với những đồ lặt vạt như kính, khăn mùi-soa, kéo cắt móng tay v.v... Cái hộp này bệnh viện họ giữ cùng với bộ đồ mặc lúc vào đây.

Im lặng một lúc, Mạnh cao giọng:

- Bằng này tuổi, lại đang ở thời đại nguyên tử, vệ tinh, mình đâu có thể tin nhảm. Nhưng nhiều cái không tin không được. Thời gian cụ hôn mê, tụi này thay phiên nhau ở lại qua đêm với cụ. Thường là ngủ ngoài phòng đợi, mỗi khi có việc mới vào phòng cụ thôi. Thấy tình trạng vô vọng của cụ, không biết kéo dài tới chừng nào, vừa tốn kém, vừa vất vả cho mọi người. Vì thế, tuần trước bệnh viện đề nghị với tụi mình nên đưa cụ về nhà, rồi thuê máy và y tá tới săn sóc hơn là cứ để cụ ở đấy.

Mạnh đổi lại thế ngồi, thở dài:

- Mấy anh em tụi này bàn với nhau, sau cùng thỏa thuận đưa cụ về nhà anh hai. Bà chị dâu tôi không đi làm, các cháu cũng đã lớn, nên có thể săn sóc cụ dễ hơn. Còn mấy đứa tôi thay phiên nhau tới giúp đỡ anh chị hai thêm tay thêm chân.

Lời Mạnh trở nên rất thành thực:

- Linh này, mình không thấy được đôi giầy nâu của cậu, nhưng cái cà-vạt của ông cụ mình thì gở thực đấy.

Tôi thốt giật mình. Mạnh nói tiếp:

- Cái đêm trước khi cụ được về nhà, tôi trực trong phòng cụ suốt đêm. Tôi kê cái ghế dựa gần cửa sổ để ngả lưng và trông chừng cụ. Vì sáng mai cụ xuất viện, nên đồ đạc của cụ được bệnh viện trả lại. Cái hộp biscuit trong có cái cà-vạt thì để ngay trên trốc cái bàn kê cạnh đầu giường cụ.

Một chiếc xe chạy vút qua đường Reed khiến Mạnh ngưng câu chuyện. Bốn bề trở lại yên lặng. Mạnh kể tiếp:

- Đêm hôm đó, ngồi nhìn tình trạng sống dở, chết dở của cụ, mình buồn vô cùng. Ông Trời thực oái oăm. Nếu không muốn cho cụ sống nữa thì "dứt" cụ đi cho rồi. Đây lại cứ dây dưa... một cách quái đản như vậy. Nếu rút các đồ trợ y kia ra thì cụ đi liền. Nhưng ai nỡ làm vậy chứ? Bây giờ, đưa cụ về nhà cũng là cả một vấn đề... Đêm đó, hầu như y tá không còn ra vô phòng cụ nữa. Vì thế, tôi cũng ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chập chờn trên chiếc ghế dựa, bỗng tôi giật mình choàng dậy vì một tiếng động lớn. Bừng tỉnh, trong phòng mờ mờ sáng, tôi thoáng thấy có gì động đậy ở trên chiếc bàn nhỏ ở đầu giường cụ. Tôi vùng đứng dậy, bật vội đèn sáng, rồi đến quan sát. Thực lạ, chiếc nắp hộp bánh biscuit bị rớt xuống đất, gây nên tiếng động mạnh làm mình thức giấc. Nhưng điều tôi lấy làm lạ nhất là đầu cái cà-vạt đỏ như có ai kéo ra khỏi chiếc hộp, nửa trong nửa ngoài. Mình cúi xuống nhặt chiếc nắp nộp, ấn chiếc cà-vạt vào trong rồi đậy nắp lại. Tôi mang cái hộp để vào trong tủ ở cuối phòng, rồi đóng thực chặt cánh cửa tủ. Tôi coi như là một sự tình cờ nào đó, nên cũng quên đi. Ngày hôm sau, tôi phải đi làm, nên gia đình anh hai dọn đồ và đưa cụ về nhà. Những ngày kế tiếp, vì bận việc nên tôi quên khuấy đi cái hộp bánh biscuit trong có đựng chiếc cà-vạt đỏ.

Mạnh ngưng lại, lấy bao thuốc ra, mở nắp, chìa cho tôi lấy một điếu. Chúng tôi châm lửa hút thuốc. Bãi đậu xe lúc đó vắng vẻ như bãi tha ma. Chắc không còn ai tới vào giờ này nữa. Nhưng Mạnh lại không nhắc tới chuyện ra về, tôi chắc câu chuyện còn có đoạn kế tiếp.

Rít liền mấy hơi thuốc, ánh lửa hồng của đầu điếu thuốc chiếu lên mặt Mạnh, lộ một vẻ đăm chiêu ít khi thấy ở một con người vui nhộn như hắn. Tôi ngồi nghe mà phục tài kể chuyện của Mạnh. Nếu hắn viết ra được, chắc chắn sẽ khá hơn truyện của tôi nhiều.

Qua mấy phút trầm tư, Mạnh kể tiếp:

- Này Linh, những thắc mắc của tôi là ở đoạn sau. Nó làm cho mình băn khoăn cả mấy bữa nay.

Tôi thực không thể đoán được hắn đang nghĩ gì thì Mạnh đã kể tiếp:

- Buổi sáng hôm kia, lúc sắp sửa đi làm thì được chị hai báo tin cụ đã "đi". Tôi bỗng thở phào... cảm thấy nhẹ nhõm... Thương cụ thực, nhưng cũng mừng cho cụ, cả cho mọi người trong gia đình. Tôi bình tĩnh lái xe tới thăm cụ. Anh hai làm "shift" thứ hai ban đêm nhưng cũng đã về trước khi tôi tới. Khi vào buồng cụ, y tá khẩn cấp đã tháo tất cả dụng cụ trợ y và đang mang dần ra xe. Nhân viên y tế ở đây họ làm việc thực mau lẹ và đúng lúc. Xác cụ đã được đặt nằm ngay ngắn trên giường, mình bận sơ mi trắng, cổ đeo chiếc cà-vạt đỏ trông chững chạc như lúc còn sống. Tôi hơi ngạc nhiên vì nhân viên y tế cho biết chừng trên dưới một giờ nữa, nhân viên nhà đòn sẽ tới nhận xác cụ về để tắm rửa và làm các thủ thuật tẩm liệm trước khi cho vào quan tài để thân nhân và khách đến thăm viếng. Bỗng tôi chú ý tới cái hộp bánh biscuit để ở trên cái tủ nhỏ cạnh đầu giường, và nắp đã mở. Tôi hỏi, đứa cháu gái nói lấy ra để ở đó từ tối hôm trước vì định mượn cái cắt móng tay trong đó. Tôi chợt nhớ tới cái đêm trong bệnh viện, cái nắp hộp cũng bị mở ra, rớt xuống đất và cái cà-vạt "bò" ra khỏi hộp. Nó định đi đâu đây? Nó định bò lên cổ ông cụ sao??? Nhân lúc mọi người ra ngoài, tôi đến gần quan sát kỹ chiếc cà-vạt. Tôi để ý thấy lưỡi của cụ thè ra khỏi hai hàm răng, tím ngắt. Tôi bạo tay lật cổ áo sơ mi, giật thót người khi thấy chiếc cà-vạt thắt rất chặt quanh cổ của cụ. Có thể vì sự xiết chặt đó mà lưỡi của cụ mới thè ra và bị tắt thở... để rồi cụ "đi" luôn. Ai làm cái chuyện kinh khủng, ác đức này? Nhà anh chị hai chỉ có ba người lớn, anh chị ấy và đứa con gái... khó có thể nghi ngờ cho họ. Tôi kín đáo nới lỏng nút cà-vạt ra đến cỡ bình thường.

Lòng thực nghi hoặc, gặp anh hai ở "family room" thấy vắng người, tôi hỏi bâng quơ:

- Anh thay đồ cho thầy đấy à?

- Không... có lẽ chú ba. Chú ấy qua đây trước khi anh về...

Anh ba tôi đã đi luôn với nhóm y tế để lo thủ tục chôn cất. Tôi không tiện hỏi chị hai, vì chị là người yếu đuối lại rất nhát gan nên chẳng thể dự phần vào chuyện ghê gớm như vậy.

Mạnh châm thêm điếu thuốc khác, rít mấy hơi liên tiếp rồi hỏi, giọng rất khẩn thiết:

- Cậu thấy được vấn đề rồi chứ gì? Mình hơi nghi cho hai ông anh... Đến khi gặp ông ba lúc trưa, tôi làm ra vẻ vô tình, hỏi: "Anh về lúc nào mà còn kịp thay đồ, thắt cà-vạt cho thầy vậy?". Nhưng ông ấy lắc đầu, bảo: "Anh bận với mấy người của bệnh viện nên đâu có thì giờ lo chuyện đó. Chắc anh hai làm đấy".

Mấy hôm nay, tôi cứ thắc mắc hoài... Nhớ tới truyện Đôi Giầy Nâu của cậu trong cuốn Ma Cỏ, tôi đã nghĩ đến thủ phạm chính là cái cà-vạt quái gở kia... nên hết nghi cho hai ông anh. Biết đâu, nếu cái đêm cuối cùng trong bệnh viện, mình không tỉnh thức thì nó đã bò lên thắt cổ ông cụ chết rồi...

Trong tình thế này, tôi cũng nói xuôi:

- Ừ, thực đấy...

Mạnh yên lặng rất lâu để hút hết điếu thuốc, rồi vùng đứng dậy:

- Thôi, chúng ta về, Linh. Dù sao, cũng giải quyết xong cái tình thế nan giải của tụi này...

Tôi thầm nghĩ... có lẽ mấy ông này phải... cảm ơn cái cà-vạt ma kia... Tuy nghĩ thế là bất nhẫn, nhưng thực tế là như vậy...

Người nhà đòn thoáng hiện ra ở góc sân... như một bóng ma khiến tôi giật mình. Thực mâu thuẫn... tay viết chuyện ma... mà lại nhát gan hơn ai hết!

Nhưng ngay đêm hôm sau đó, trời đã rất khuya, Mạnh gọi điện thoại cho tôi. Tôi hơi ngạc nhiên nhấc ống nghe... Đầu dây bên kia, giọng Mạnh rất khẩn trương và đầy vẻ lo lắng:

- Linh, chiều nay, lần cuối cùng mình nhìn ông cụ trước khi đóng áo quan... thì bất chợt để ý thấy trên cổ ông cụ, cái cà-vạt đâu mất tiêu rồi... Bỏ mẹ, nó đi đâu rồi hở cậu?

- Đi đâu? Đi đâu? Cậu hỏi thế thì bố ai trả lời nổi?
Bình Luận (0)
Comment