Tịch Mịch

Chương 36

Vừa vào tháng Ba là đến thời điểm của hoa y[1]. Vì Tết Vạn thọ sắp đến nên người người trong cung đều phải thay sang y phục mãng bào. Đông Quý phi bị ho từ đầu xuân, tinh thần không tốt nên chỉ hơi nghiêng người nhìn các cung nữ kiểm lại y phục mới mà Nội vụ phủ mới trình lên. Ai ai cũng vui mừng, mồm năm miệng mười ồn ã: “Chủ nhân, người xem, mấy cuộn này đều là hàng dệt Tô Châu mới cống năm nay, thêu tinh tế và sống động hơn hẳn hàng thêu Hồ Nam, Tứ Xuyên.”

[1] Hoa y hay còn gọi là áo mãng bào, chỉ y phục có thêu hình mãng xà.

Đang lúc cười nói náo nhiệt thì Đức Tần và Đoan Tần tới. Đoan Tần vừa vào cửa đã cười, nói: “Tỷ tỷ đã khỏe rồi sao? Hôm nay trông sắc mặt tỷ rất tốt.” Nhìn thấy gấm lụa có màu sắc rực rỡ, muôn màu muôn vẻ bày la liệt trên tràng kỷ, nàng ta bèn cười. “Nhìn số gấm vóc này, muội tưởng là tỷ sắp mở cửa hàng tơ lụa ấy chứ!”

Đông Quý phi hơi rướn người lên, bình thản đáp: “Đã phiền muội muội phải lo lắng rồi. Đồ này đều là do Nội vụ phủ dâng lên, Hoàng thượng phái người đem đến để tỷ chiếu theo lệ mà chia cho lục cung. Các muội đến rất đúng lúc, chọn trước đi!”

Đoan Tần cười, đáp: “Sao Quý phi tỷ tỷ lại nói như vậy chứ? Tỷ quản lý lục cung, làm gì có chuyện chúng muội kén cá chọn canh? Tỷ chỉ bộ nào muội sẽ lấy bộ đó.”

Đông Quý phi đang định đáp lời, không ngờ lại ho một trận. Cung nữ vội đi lên cầm khăn hầu hạ. Đức Tần thấy nàng ho đến mức mặt mày đỏ bừng thì khuyên: “Tỷ tỷ phải giữ gìn sức khỏe. Thời tiết bây giờ lúc nóng lúc lạnh, rất dễ bị ốm.”

Đông Quý phi uống trà xong mới đỡ hơn một chút, chỉ tay về phía tràng kỷ. “Theo quy định xưa nay, vị trí tần được một cuộn hoa văn mãng xà, vải dệt kim, lụa Đoạn Khố mỗi loại hai cuộn. Các muội thích hoa văn gì thì tự tới chọn đi!”

Đúng lúc nói chuyện thì có cung nữ bước vào bẩm báo: “Nghi chủ nhân đến thỉnh an chủ nhân ạ!”

Đức Tần cảm thán: “Hôm nay đúng là trùng hợp, cứ như đã hẹn trước vậy.”

Nghi Tần đã bước vào phòng. Thời tiết ấm áp, nàng mặc một bộ áo kép dài bằng gấm màu xanh hoa văn phúc thọ, bên ngoài mặc một chiếc áo không tay màu nâu nhạt. Đoan Tần cười. “Mọi người nhìn thấy muội ấy cũng sẽ muốn ăn mặc đẹp như muội ấy vậy.”

Nghi Tần cung kính thỉnh an Đông Quý phi. Đông Quý phi sai người đỡ nàng đứng dậy, ban cho ngồi. Vì thấy trên chiếc áo ngoài màu nâu nhạt của Nghi Tần có một hàng khuy bằng trân châu, từng viên, từng viên tròn trịa lấp lánh, Đoan Tần than lên một tiếng “ôi”. “Mấy hạt trân châu Đông Bắc trên áo của muội muội thật là đẹp, là Hoàng thượng mới ban thưởng sao?”

Vừa nhắc tới, Đông Quý phi liền ngẩng lên nhìn. Nghi Tần đáp: “Đây đâu phải trân châu Đông Bắc. Nếu là trân châu Đông Bắc thật thì dù muội có mượn gan hùm cũng chẳng dám dùng làm khuy áo.”

Đoan Tần cười khẽ. “Hóa ra là kiến thức của ta nông cạn, cũng không tinh mắt nên nhìn nhầm rồi.”

Nghi Tần vốn chẳng ưa gì Đoan Tần nên cũng không đáp lời.

Đông Quý phi lệnh cho ba người chọn vải. Hai vị Đức Tần, Nghi Tần đều không quan tâm nhiều đến chuyện này, chỉ có Đoan Tần là chọn tỉ mỉ, kĩ càng. Nghi Tần chợt bật cười một tiếng. Đức Tần bèn hỏi: “Muội muội cười gì vậy?”

Nghi Tần đáp: “Muội cười Đoan tỷ tỷ vừa nói là không tinh mắt, đúng như vậy thật. Có chỗ này thôi mà nâng lên đặt xuống một hồi vẫn chưa chọn xong.”

Đoan Tần không khỏi tức giận nhưng lại e ngại Nghi Tần mới sinh được một vị a ca, hơn nữa gần đây ngày nào Hoàng đế cũng lật thẻ tên nàng ta, có thể thấy nàng ta đang được Hoàng đế vô cùng sủng ái. Đoan Tần không dám làm gì, đành miễn cưỡng cười cười. “Nghi muội muội thật là khéo miệng.”

Biết Đông Quý phi bận bịu nhiều việc nên ba người ngồi thêm một lát rồi đứng dậy cáo từ. Đông Quý phi bỗng gọi: “Nghi muội muội đợi đã, tỷ vẫn còn việc cần phiền muội.”

Nghi Tần đành ở lại. Đông Quý phi cân nhắc một hồi rồi nói: “Mấy ngày nữa là Tết Vạn thọ rồi, vị chủ nhân ở Trữ Tú cung rất đáng thương. Người của Nội vụ phủ đều là kẻ xu nịnh, chưa hẳn không dám bắt nạt người ta. Nếu như tỷ gọi muội ấy đến hoặc là phái người đưa tới thì lại quá rõ ràng, khiến người ta sinh ghét. Phiền muội muội vậy, muội tiện đường ghé qua đưa cho nàng ta vài cuộn.”

Nghi Tần nghĩ một lát mới hiểu Đông Quý phi đang nhắc đến Lâm Lang. Tuy chỉ gặp qua ở Nam Uyển nhưng khi Đông Quý phi vừa nhắc đến, nàng đã nhớ ngay người có khuôn mặt như ngọc bên cây bích đào hôm đó, bóng dáng thướt tha mà hờ hững, lạnh nhạt ấy khắc sâu vào lòng người. Nàng đáp “vâng”, sai người cầm mấy cuộn gấm rồi xin cáo từ.

Nàng ở Trường Xuân cung, cách Trữ Tú cung không xa nên đi thẳng đến đó. Ban đầu Lâm Lang ở góc phía đông nhưng vì nơi đó chật chội nên mới đổi sang phía tây noãn các. Cẩm Thu đang ngồi thêu thùa ở hành lang, thấy Nghi Tần thì vội bỏ xuống, tới thỉnh an. Nghi Tần hỏi: “Chủ nhân của ngươi đâu?”

Cẩm Thu không biết có chuyện gì nên trong lòng có chút bất an, đáp: “Chủ nhân đang đọc sách ở trong phòng ạ.” Nàng ta vừa nói vừa vén rèm.

Nghi Tần thấy trong phòng rộng rãi, sáng sủa, rất sạch sẽ. Cuối giường có đặt một chiếc bàn hoa lê lớn, Lâm Lang mặc áo kép bằng gấm màu xanh ngọc, hoa văn lá trúc ẩn hiện, trên đầu chỉ cài một chiếc trâm bằng ngọc bích để vấn gọn mái tóc đen nhánh, mượt mà. Nàng đang cúi đầu viết chữ, nghe tiếng bước chân thì ngẩng mặt lên. Lâm Lang thấy Nghi Tần tới thì không hề ngạc nhiên, chỉ thong thả buông bút xuống.

Nghi Tần sai người đem cuộn gấm lên. Lâm Lang cảm tạ một tiếng rồi sai Cẩm Thu nhận lấy, cũng không có vẻ khác thường, dường như mấy cuộn gấm vóc này cũng chỉ là vải trắng đơn thuần trong mắt nàng vậy. Nghi Tần nghe người ta bàn tán sau lưng rằng nàng được sủng ái đã lâu, châu báu quý hiếm cài trên đầu, đeo trên tay nhiều không đếm xuể, giờ nhìn thấy nàng như thế này, dường như không hề quan tâm đến những thứ như vậy, trong lòng Nghi Tần không khỏi kinh ngạc.

Nghi Tần nhìn thấy trên giấy viết dày đặc chữ, không biết là chữ gì, càng không hiểu thế nào là kiểu chữ Khải nhỏ nhắn, mềm mại, chỉ thấy chữ nào chữ nấy ngay ngắn đẹp đẽ, liền hỏi: “Muội viết gì vậy?”

Lâm Lang đáp: “Là bài Xuân phú của Dữu Tử Sơn.” Biết Nghi Tần không hiểu nên nàng dừng một chút rồi nói: “Chính là bài thơ về mùa xuân.”

Nghi Tần thấy chiếc lư hương trên bàn đang đỏ lửa, khói lặng lẽ bay lên, luẩn quẩn, vấn vít. Vẻ mặt Lâm Lang bình thản, mờ ảo ẩn hiện như làn khói từ lư hương kia. Tay áo có một mùi hương xa lạ, âm thầm nhưng như muốn thấm vào tận xương tủy.

“Muội đốt hương gì vậy? Thơm quá!” Nghi Tần hỏi.

“Chỉ là hương Trầm Thủy bình thường thôi.” Ánh mắt nàng nhìn ra xa, thấy trăm hoa đua nở phía ngoài rèm thì bất giác thở dài một hơi, khẽ đọc: “Hồ trong hơn gương, hương thơm chẳng bằng hoa.” Thấy Nghi Tần chăm chú nhìn mình, Lâm Lang cười cười, giải thích: “Câu này chỉ là tả cảnh thôi, không có ý gì.”

Nghi Tần cảm thấy Lâm Lang là người nhẹ nhàng, nhã nhặn. Dường như cảnh xuân tươi đẹp và muôn hoa cùng đủ loại chim muông đằng sau tấm rèm kia đều là vô hình. Xưa nay Nghi Tần là người cởi mở, thẳng tính, bây giờ đứng đối diện với Lâm Lang như đứng trước hồ nước mùa thu, yên lặng gợn sóng. Không hiểu sao nàng bỗng thấy không vui.

Từ Trữ Tú cung trở về Trường Xuân cung, sau một giấc ngủ trưa, Nghi Tần thấy trời nắng đẹp nên sai người phơi áo lông để chuẩn bị cất vào rương hòm, đợi đến ngày hạ chí lại đem ra phơi lần nữa. Đang lúc soát đồ thì cung nữ chợt vui mừng bẩm: “Chủ nhân, Hoàng thượng đến.”

Hoàng đế đã đi qua cửa thùy hoa, xung quanh có hơn chục thái giám cận vệ. Nghi Tần vội tới tiếp giá. Lễ nghi ngày thường chỉ là thỉnh an một cái, nàng nói: “Thỉnh an Hoàng thượng!”

Hoàng đế đích thân đỡ nàng đứng dậy, miệng cười, nói: “Ngày dài hơn, trẫm vừa ngủ trưa dậy nên ra ngoài đi dạo một lát.”

Nghi Tần đi theo Hoàng đế vào trong điện. Hoàng đế ngồi lên tràng kỷ, đã có cung nữ dâng trà lên. Nàng thấy trong điện đều là mùi tanh của y phục từ da nên ra lệnh: “Đốt đàn hương đi!”

Hoàng đế bèn cười, nói: “Xưa nay nàng không thích mấy loại hương đấy, sao hôm nay lại dùng đến vậy?”

Nghi Tần đáp: “Vừa rồi mới thu dọn lại y phục lông, thần thiếp chỉ sợ trong phòng có mùi.”

Qua rèm cửa, Hoàng đế thấy cây đỗ quyên, sơn trà ở hành lang đang nở hoa rất đẹp, màu sắc rực rỡ, sáng bừng một khoảng, liền mở miệng ngâm: “Hồ trong hơn gương, hương thơm chẳng bằng hoa.”

Nghi Tần liền đáp: “Câu này thần thiếp biết, là bài Xuân phú của Dữu gì gì đó Sơn.”

Hoàng đế ngạc nhiên. “Dữu Tử Sơn – Dữu Tín, tự Tử Sơn.” Lại hỏi: “Nàng đọc Xuân phú của ông ấy sao?”

Nghi Tần cười rất tươi. “Thần thiếp đâu có đọc mấy câu thơ nho nhã như vậy, chẳng qua là vừa nãy có đến Trữ Tú cung, trùng hợp được nghe Vệ Thường tại đọc câu này…” Tuy nàng thẳng tính nhưng cũng rất nhanh nhạy, chưa nói xong đã biết mình lỡ miệng. Lén nhìn sắc mặt Hoàng đế, thấy không có gì khác lạ nên nàng cười cười, nói tiếp: “Hoàng thượng từng đồng ý với thần thiếp là sẽ cùng thần thiếp đi thả diều. Hoàng thượng nói lời vàng ý ngọc thế mà lại chẳng cho phép.”

Hoàng đế cười, hỏi: “Trẫm không cho phép lúc nào?”

Nghi Tần bèn sai người đem diều tới. Tiểu thái giám hiếm hoi lắm mới nhận được ý chỉ như thế này, có thể cười nói tùy thích, vừa chạy vừa reo hò, bắt đầu thả diều từ trong viện. Hoàng đế cho phép kẻ trên người dưới trong Trường Xuân cung được xem thỏa thích nên nhất thời có cả đám cung nữ vây quanh y cùng Nghi Tần ở hành lang. Từng con diều bay lên, dần dần bay lên cao mãi. Một con diều có cánh như một con ngỗng trời bay cao nhất, xa nhất, nhìn lên trông giống hệt một con ngỗng trời thật.

Hoàng đế đứng khoanh tay ở đó, ngẩng lên nhìn con diều. Trời nắng đẹp, bầu trời chỉ có vài gợn mây. Nghi Tần vốn là người hay nói cười, lúc này cũng reo hò ầm ĩ, giọng nói líu lo như những hạt trân châu rơi xuống khay ngọc. Mấy cung nữ, thái giám chẳng ai không ham vui, ngươi một câu ta một câu, người này bảo chiếc kia bay cao, người kia nói chiếc này bay xa, tranh nhau nói cười ồn ã. Nghi Tần càng lúc càng cảm thấy vui vẻ, chỉ chỉ mấy con diều đang bay trên trời cho Hoàng đế xem. Hoàng đế cũng thuận miệng đáp lại vài tiếng, ánh mắt vẫn không chớp, luôn nhìn chăm chú vào con diều đang bay xa nhất kia.

Trên trời chỉ có vài gợn mây, gió vừa thổi vào khiến nó gần tan hết. Ngẩng đầu đã lâu nên có chút chóng mặt. “Tầng mây vạn dặm, núi tuyết phủ dày, bôn ba lẻ bóng vì ai?” Vào mùa này, làm sao có ngỗng trời được chứ? Một chú ngỗng đơn độc lẻ loi. “Trời nam đất bắc, sát cánh bao mùa ấm lạnh?” Nhìn kĩ lại mới nhận ra là con diều. Diều bay cao như vậy, xa như vậy nhưng cũng bị giữ bởi một sợi dây. “Niềm vui hoan lạc, nỗi khổ chia lìa, cũng bởi si tình nam nữ.” Đến một vật vô tri cũng muốn bay theo tiếng gọi của tự do.

Cẩm Thu thấy nàng đứng nơi đầu gió thì khuyên: “Chủ nhân đứng lâu rồi, nên quay về phòng nghỉ ngơi thôi.”

Lâm Lang lắc đầu. “Ta không mệt.”

Cẩm Thu ngẩng đầu, thấy trên trời cao có mấy con diều đang bay thì cười vui vẻ. “Nếu chủ nhân thích thì chúng ta cũng làm vài chiếc rồi thả… Tiểu Đặng làm diều giỏi nhất, dù là hình người hay chim muông cũng có thể làm giống y như thật vậy. Nô tỳ đi gọi hắn tới làm cho chủ nhân một chiếc.”

Lâm Lang khẽ thở dài. “Không cần đâu.”
Bình Luận (0)
Comment