Tiệm Trà Sữa Của Tôi Toàn Là Dân Nằm Vùng Hệ Liệt

Chương 148


Cổng rào vang lên tiếng chuông báo.

Cậu giúp việc bèn nhanh chân chạy ra coi ngó.

An Kỳ khoan thai chắp tay đi sau lưng; anh tính nếu đúng là người của nhà hàng tới giao đồ thì anh sẽ ra tiếp, còn nếu không phải thì để cậu Nhân đuổi khách hộ.

Đầu bếp và hai người phụ bếp mau mắn bày biện bàn ăn.

Các món ăn khai vị hãy còn dư hơn phân nửa, nhóm đứng bếp bèn đem cất để tối cho lũ mèo hoang ăn.

Các món ăn mà cậu Út nhà họ Vệ đặt cũng không có gì cao sang quá thể: một thố cơm chiên Dương Châu, một cặp gà nướng muối ớt, mấy ký tôm hùm đất sốt Cajun, năm con cua hấp bia, năm tô súp tóc tiên và năm phần gỏi rau tiến vua.

Vì biết một trong ba người ấy phải lái xe nên cậu không đãi bia.

Trong lúc ăn uống, Vệ Minh kể cho họ nghe những mẩu chuyện về quãng thời gian nằm viện của mình.

Với giọng nói trầm ấm, rõ và thanh, mạch truyện mà cậu ta thuật lại trở nên cuốn hút hơn hẳn.

Thấy chồng và nhóm người kia ngừng ăn để theo dõi câu chuyện của mình, cậu bèn gắp cho mỗi người một cái đùi gà nướng muối ớt.

Vệ Minh mở điện thoại, bật danh sách nhạc yêu thích lên để ra hiệu tạm ngừng cuộc trò chuyện.

Nhưng âm nhạc lại khơi gợi chủ đề cho bộ ba kia cất giọng bàn luận.

- Có phải tình khúc "Uống nước bên bờ suối" của đôi uyên ương Lê Uyên Phương không? - Phan Hoài Việt khẽ khàng hỏi.

- Phải.

- Vệ Minh vừa đáp, vừa gắp cái phao câu gà vào trong chén của mình.

An Kỳ đang gỡ thịt trong mai cua và mấy cái càng.

- Trời sinh một cặp.

Không rõ Trần Cảnh Chiêu ám chỉ ai, nhưng tự dưng trong lòng đôi vợ chồng trẻ cảm thấy vui vui.

Trần Cảnh Chiêu múc thêm cơm chiên Dương Châu, rồi thấp giọng tâm tình:
- Tiếng hát nức nở nó khác, tiếng hát rên rỉ, than khóc, kể lể nó khác.

Nhiều cô ca sĩ thời nay ráng giả bộ nức nở mà không thành công, đâm ra tự biến màn trình diễn của mình thành "nhạc đám ma".

Vệ Minh nói:
- Như cô Lê Uyên đấy, khi song ca với chú Phương, cô đã dốc hết tình cảm với người chồng vào trong từng câu, từng chữ.

Cô nức nở, giãi bày, chứ không phải là rên rỉ hay riết rống khóc than.

Tiếng lột vỏ tôm vang lên "tanh tách...", tiếng dùng kềm bẻ càng cua kêu "rôm rốp", tiếng muỗng đũa va vào tô, dĩa, chén, thố "keng keng",...!Ngoài kia sóng biển vỗ rì rào, loài chim biển nào đó vừa buông lơi chuỗi âm thanh thánh thót của mình giữa thinh không quang đãng.

Vệ Minh ăn xong vài muỗng súp tóc tiên, cậu dõi mắt nhìn chậu sứ hồng trên lan-can hiên nhà, rồi cất giọng bình phẩm:
- Có thể với nhiều người ông Anh Khoa không ca hay bằng các bạn đồng nghiệp như Tuấn Ngọc, Duy Quang, Tuấn Vũ, Jo Marcel, Tuấn Anh, Vũ Khanh,...!nhưng về khoản hát truyền cảm thì chắc chắn ông ấy không bao giờ thua sút các bạn.

Ông ấy hát với tâm thế như mình là nhân vật chính của ca khúc vậy.

Và một điều đáng quý là ông ấy luôn luôn hát đúng lời bài hát mà nhạc sĩ đã dày công sáng tác.

Tỷ như trong "Bài không tên số Bảy" của nhạc sĩ Vũ Thành An chẳng hạn, câu cuối là "Bao giờ đời sẽ vơi", nhưng có nhiều danh ca lại hát nhầm thành "Bao giờ đời sẽ vui"; và cả chữ "Ư" trong hai câu "Sẽ nâng niu đời nhau ư?" và "Sẽ cho nhau đời nhau ư?", rất nhiều danh ca khi hát đã bỏ qua chữ này và đã làm mất đi hình thức câu hỏi của chúng.

Ông ấy là một trong những ca sĩ hiếm hoi hát đúng lời "Bài không tên số Bảy".

- Tôi thích nghe "Bài không tên cuối cùng" do ông Anh Khoa trình bày, còn "Bài không tên cuối cùng tiếp nối" thì tôi chọn ông Tuấn Ngọc.

- Trần Cảnh Chiêu vừa gắp một đũa rau, vừa nói.

Đặng Xương Tuyết góp lời:
- Nói đến chuyện chép nhạc mới nhớ, mỗi bận trích dẫn nhạc của ông Trần Thiện Thanh, tôi không biết nên để lời Một hay là lời Hai, thậm chí là cả lời Ba...!
- Trần Thiện Thanh và nhóm nhạc Lê Minh Bằng có hàng trăm bút hiệu, nếu như không tra cứu chắc tôi cũng không biết đó là bài do họ sáng tác mất.

- Vệ Minh lắc đầu cười trừ.

Đoạn hỏi.

- Anh có biết xuất thân của các nữ ca sĩ trong nhóm Tiếng Tơ Đồng không?
- Bà Quỳnh Giao là hoàng tộc triều Nguyễn, tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang.

Bà Như Thủy là em gái ruột của ông Trần Thiện Thanh.

Bà Mai Hương là con gái của ông Phạm Đình Sỹ, cụ là anh ruột của Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung và Phạm Đình Chương.

Và bà Tuyết Mai là người vợ đầu của ca-nhạc sĩ Duy Khánh.

- Toàn là nữ lưu kiệt xuất không nhỉ? - An Kỳ cất giọng trầm trồ.

- Phải.

Câu chuyện lại ngưng ngang một cách đột ngột.

Tiếng sóng biển khỏa lấp bầu không khí im ắng nơi bàn ăn ê hề các món ngon mọi miền.

- Patio nhà hai người có hướng nhìn đẹp thật.

- Đặng Xương Tuyết rút khăn giấy để sẵn trong hộp trên bàn ra lau miệng.

- Tòa nhà này là quà sinh nhật của tôi.

- Ánh mắt Vệ Minh nhuốm màu hoài niệm.

Hình như cậu ta toan nói điều chi nhưng bị ý nghĩ nào đó chặn đứng lại nên thôi.

An Kỳ thấy vợ mình chợt trở nên trầm mặc thì gắp vào chén cậu một cái phao câu gà.

- Tôi không sao đâu.

Cảm ơn cưng.

Mãi đến hơn một giờ trưa thì tiệc mới tàn.

Thức ăn ở trên bàn đã hết sạch, nên nhóm phụ việc trong nhà dọn dẹp đỡ vất vả.

Đôi vợ chồng biểu họ vào nhà vệ sinh rửa tay rửa mặt rồi hẵng ra về.

Trần Cảnh Chiêu và Vệ Minh đều hiểu và biết bản thân không bị đối phương dẫn dắt theo ý đồ mà bên kia đã vạch sẵn từ trước.

Việc pháp y Cảnh tới nhà cậu chứng tỏ rằng cậu không hề dính dáng gì tới thứ mà anh ta cần tìm kiếm để công bố trước ánh sáng, bởi vì chẳng có ai ngu tới nỗi tới nhà nghi phạm hỏi thẳng và ngồi ăn uống tự nhiên vậy cả.

Và việc cậu Út nhà họ Vệ kể đúng những gì mà Trần Cảnh Chiêu cần xác minh đã giúp anh có thêm cơ sở để tìm kiếm chứng cứ vạch mặt kẻ thủ ác.

Chiếc xe Mazda màu trắng sữa lấp lánh dưới muôn vạn tia nắng chói chang của một ngày hè oi ả.

Bây giờ mà chui vào ngồi liền là sẽ bị "thui chín" ngay.

Phan Hoài Việt dặn hai người bạn mở giùm bốn cánh cửa xe để bên trong bớt hầm và thoáng khí hơn.

Đợi chừng mười lăm phút sau, anh thầy vào xe trước khởi động máy, rồi mới kêu hai người kia vào trong xe ngồi.

Khi bốn cánh cửa vừa đóng lại, anh thầy liền bật máy lạnh lên.

- Ăn no buồn ngủ quá...!- Trần Cảnh Chiêu vươn vai ngáp dài.

Đặng Xương Tuyết mở sách ra đọc.

Anh chọn cuốn "Chưa tắt nụ cười" của nhà văn Nguyễn Sỹ Nguyên đem theo đọc.

- Anh Tuyết này...!
- Hửm? - Đặng Xương Tuyết chỉnh kính mắt.

Trần Cảnh Chiêu nhìn anh bạn ký giả thông qua kính chiếu hậu treo trên trần xe:
- Nếu như có kẻ đổ thừa vì bài viết của anh mà tính danh của nhân vật trong bài gặp nguy hiểm thì anh sẽ ứng phó sao?
- Vậy nếu có kẻ cầm dao giết người thì anh có bắt luôn người bán dao không? Họ chỉ bán dao với những mục đích sinh hoạt đời thường như làm đồ nghề, làm vườn, làm bếp,...!Anh mua dao của người ta rồi anh nổi nóng hay nổi máu điên lên chém hay giết người, tới chừng bị kết án thì bù lu bù loa lên là tại có người bán dao nên tôi mới hại người.

Tương tự vậy, anh đọc bài viết của tôi rồi nổi tính xấu đi "khủng bố tinh thần" hay giở trò lừa lọc nhân vật trong bài thì đó là tội lỗi của anh, tôi đâu có can hệ gì ở đây.

Có thời điểm bị phe thủ ác phát hiện danh tính mà tài khoản Facebook của Trần Cảnh Chiêu bị "dội bom" bằng tin nhắn và bình luận rác.

Anh cười khinh bọn chửi thuê đó, rồi ung dung sống tiếp như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Nếu ai cũng "câm" hết thì Đất Nước này sẽ đi về đâu?
- Tôi mang ơn anh lắm đấy anh Tuyết...!
- Mang ơn chuyện gì?
- Anh làm luật sư đứng cãi cho phe Ác thì chắc chắn bọn tôi sẽ vất vả lắm đấy.

Bởi anh tranh biện rất hợp tình hợp lý, có đầu có đuôi, nên tôi nhất thời không thể bắt bẻ anh được.

Đặng Xương Tuyết lắc đầu và cười xòa, đoạn cúi mặt đọc sách tiếp.

- Sao tự dưng anh cười vậy? - Trần Cảnh Chiêu hỏi.

- Tôi nhớ tới bài thơ "Nhất định thắng" của cụ Trần Dần, bạn rất thân của cụ Phùng Quán, Hữu Loan và Bùi Giáng.

- Đọc chơi một đoạn đi anh.

Đặng Xương Tuyết ngâm nga:
"...!Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
Máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm?"
- Nếu như tôi nhớ không lầm thì "nhờ" bài thơ này mà cụ "được" sắc phong danh hiệu "phản động" và bị bắt đi "học tập cải tạo" chung lứa với cụ Phùng Quán và cụ Hữu Loan phải không? - Phan Hoài Việt nhếch miệng cười buồn.

Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.

Một trang sử bị giấu kín và bôi lệch bấy lâu nay.

- Phải.

- Đặng Xương Tuyết lấy thẻ giấy kẹp vào giữa hai trang sách, rồi khui chai nước suối ra uống.

Trần Cảnh Chiêu lại che miệng ngáp dài.

Cả đêm hôm qua anh ta dành trọn thời gian trực ở nhà xác, nên giờ buồn ngủ vô cùng.

- Ba vị sĩ phu Bắc Hà thứ thiệt bị đày ải nơi rừng thiêng nước độc chỉ vì dám nói lên chính kiến của mình.

- Đặng Xương Tuyết rũ mắt cười buồn.

- Mà tôi thấy bài thơ "Nhất định thắng" đâu có nghiêng về phe đối lập với chế độ cụ ấy đương theo đâu mà vu cho cụ cái danh "Phản động"?
Phan Hoài Việt bật xi-nhan trái để chuẩn bị rẽ vào làn trái.

Anh chạy thêm một đoạn đường mới dận ga và rẽ trái, sau đó anh nói:
- Cụ Trần Dần đã dùng dao lam cắt cổ tự sát để tỏ rõ lòng trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn theo.

Có người nhắn tin cho Đặng Xương Tuyết, chắc là người của tòa soạn nhắc nhở về thời hạn nộp bài, nên anh ta mới hồi âm ngay lập tức.

Ấy là sự dự đoán của anh thầy.

Thấy ánh mắt chàng ký giả đang hướng về mình, Phan Hoài Việt trở lại bình luận tiếp, bởi anh biết đây là dấu hiệu khuyến khích ai đó nói chuyện của anh ta:
- Thế là kể từ giờ phút ấy, cụ Bùi Giáng có thêm ba người bạn "bất bình thường": Phùng Quán, Hữu Loan và Trần Dần.

Có lẽ các bạn thiết của cụ Bùi Giáng đã học theo cụ, rũ sạch mọi thứ để sống trong Cõi Thơ không có mùi máu lửa chiến tranh, không có xung đột tư tưởng chính trị và không có những lời tuyên truyền mị dân lật lộng vốn đã giẫm nát cuộc đời không biết bao nhiêu người trai đất Việt.

Họ gặp nhau một cách ngẫu nhiên, ra về cũng bất định, luận thơ tùy hứng.

Nhưng sao tôi thấy các cụ còn tỉnh hơn khối kẻ bút nô trên đời này.

Đặng Xương Tuyết bỗng cao hứng đặt thơ:
"Bút nô ở lại một bầy
Đày người chí sĩ đi làm xa phu
Văn chương phải rõ lòng son
Chứ đâu có phải ton ton bợ người."
Phan Hoài Việt liếc mắt sang phía Trần Cảnh Chiêu rồi cười nói:
- Cũng hệt như pháp y Cảnh vậy.

Khi anh ta đứng về phía Công Lý, bọn người trong bóng tối sẽ tìm đủ mọi cách chém trộm anh ta.

Chúng có thể công kích anh ta bằng những lời lẽ sâu mọt, bẩn thỉu nhất, hòng làm tay anh ta run, chí anh ta sờn, mắt anh ta mờ mịt, để bản giám định biến hóa theo ý chúng.

- Cụ Phùng Quán từng viết bài thơ "Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng", trong đó có một đoạn như sau:
"...!Nhưng là nhà văn và xạ thủ
Tôi biết
Khó vô cùng bắn trăm phát trúng cả trăm
Và càng khó hơn
Viết trọn một đời văn
Giòng đầu thẳng ngay như giòng cuối
Khi bàn tay đã đuối
Khi tấm lòng đã mỏi
Khi con mắt bớt trong
Khi dũng khí đã nguội..."
Phan Hoài Việt vặn núm xoay trên bảng điều khiển để tăng thêm mức lạnh.

Rồi khẽ khàng nói:
- Cụ Hữu Loan khi nghe tới chuyện bài thơ "Màu tím hoa sim" của mình được các nhạc sĩ bên phe đối lập phổ nhạc thì vô cùng kinh ngạc.

Cụ còn ngạc nhiên hơn khi thấy công chúng ở đó đón nhận bài thơ và đón chào cụ vô cùng nhiệt liệt, trái ngược hẳn với thái độ ở nơi chôn nhau cắt rốn của cụ...!
Đặng Xương Tuyết gật đầu thật mạnh.

- Nếu không tin những gì tôi nói, trên mạng đầy rẫy tài liệu về cụ Hữu Loan và câu chuyện xoay quanh bài thơ "Màu tím hoa sim", cũng như danh mục các bài hát phổ nhạc từ thơ của cụ.

- Anh có cho sinh viên của mình biết về vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm không?
- Có.

Tôi bắt các trò phải biết để tự nghiệm lấy lý do tại sao tôi lại khác thường hơn so với những ông thầy công xưởng kia.

Tôi quyết không kêu gọi các trò ấy phải tôn thờ bất kỳ ai, tin tưởng theo chủ nghĩa nào và yêu thích ai đó để lấy lòng tôi.

Tôi quyết dạy các trò ấy cách chấp nhận sự thật trong dòng chảy lịch sử nước nhà, dám phản biện và bắt lỗi khi tôi nói sai, nói nhầm, tự do thể hiện tư tưởng, chính kiến và ngôn luận của mình, và còn rất nhiều điều nữa mà tôi sẽ quyết làm cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, tất cả tựu trung lại đều theo câu "Nhân bản - Khai phóng - Dân tộc".

Trần Cảnh Chiêu trở mình, hình như anh ta tưởng đang nằm trên chiếc giường nệm thơm mùi tổ ấm nên tính day mặt vào "vách" cho đỡ chói mắt.

Đầu anh ta va vào cửa sổ xe nghe một cái "Cốp".

- Anh có sao không anh Cảnh? - Phan Hoài Việt bật cười.

- Thấy cả một nùi sao luôn.

Phan Hoài Việt bật bản nhạc "Tám điệp khúc" do "Chim vàng Mỹ Tho" Hoàng Oanh trình bày lên nghe.

Cô và cô Thái Thanh, cô Thanh Thúy, cô Phương Hồng Quế là một trong những bậc anh thư trung trinh với lý tưởng đã chọn.

- Bài này bác Nhật Trường và bác Duy Khánh hát hay lắm.

- Đặng Xương Tuyết đưa mắt nhìn cảnh vật qua ô cửa sổ trái.

Phan Hoài Việt vừa ngó dáo dác kiếm chỗ đậu xe, vừa hỏi Đặng Xương Tuyết:
- Anh nghĩ sao về thể loại hồi ký chiến tranh hả anh Tuyết?
- Có nhiều kẻ lấy dẫn chứng từ những cuốn hồi ký do người sống trong thời kỳ đó viết ra để bảo vệ luận điểm của mình, nhưng bọn họ đã quên phứt rằng, chưa chắc những gì ghi lại trong cuốn hồi ký ấy bảo đảm tính khách quan và trung thực.

Nói đơn giản dễ hiểu, tỷ dụ như người ghét ăn kem khi viết về kem sẽ toàn moi móc tác hại của nó đối với cơ thể; và ngược lại, một người thích ăn kem khi viết về kem sẽ toàn nêu mặt tốt của nó.

Anh phải tìm được một người trung lập viết về kem thì mới bảo đảm mình không bị dắt mũi theo ý đồ của người viết.

Phan Hoài Việt kêu chàng ký giả giải thích quan điểm vừa nêu.

- Có nhiều cuốn hồi ký thiên về thân Tả, thân Hữu, cực Tả, cực Hữu, thân Cộng Sản, thân Tư Bản, nghiêng về phe này và ngả về phe nọ,...!thế thì sao đem nó ra làm dẫn chứng cho được? Nên đối với tôi, hồi ký chỉ là một dạng tài liệu tham khảo và dành để đối chiếu xem phe nào nói láo, phe nào nói thật.

Mỗi lần đọc xong một cuốn hồi ký, tôi lại lập mốc thời gian để kiểm chứng những gì mà ông tác giả cuốn hồi ký này viết với ông tác giả khác viết.

Ngoài ra, còn phải xem xét đến khía cạnh tình hình chính trị thời đó mới nắm bắt được quan điểm của người viết và hành động của mỗi bên có hợp tình hợp lý hay là không, cũng như có trung thực và khách quan không.

Trần Cảnh Chiêu chợt ú ớ mấy tiếng không rõ nghĩa, làm hai người bạn ngó nhau cười khúc khích.

- Lấy một dẫn chứng cụ thể, anh có nhớ vụ ông nào ngụy tạo bằng chứng để nhận mình là tác giả của ca khúc "Nỗi lòng người đi" không? - Thấy anh thầy gật đầu xác nhận, Đặng Xương Tuyết mới nói tiếp.

- Ông ta bảo sáng tác ra ca khúc khi đang ngồi trên boong tàu vừa đàn vừa hát tiễn biệt người yêu.

Nhưng có rất nhiều tấm hình đã chụp lại được quang cảnh nhốn nháo của đoàn người di cư từ Bắc vào Nam trên chuyến tàu mà ông ta đề cập, thì làm sao ông ta có thể ung dung ngồi đàn hát giữa bốn bề là biển người đang chen chân, xô đẩy nhau trên tàu được.

Và tôi thách ông ta và người yêu có thể nghe rõ tiếng nói của nhau trong khung cảnh hỗn loạn, xô bồ ấy, chứ đừng nói chi là ngồi đàn với chẳng hát.


- Tôi còn nhớ năm đó anh đã chửi một ông nhà văn là đồ khốn nạn.

Mà khốn nạn thật, viết hồi ký láo toét để tuyên truyền mị dân.

- Anh nghĩ sao mà "bà mẹ Cách mạng" ấy có thể dùng chân không băng rừng lội suối đưa cơm cho ổng chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ cho quãng đường gần ba mươi cây số.

Tôi đọc tới đó cứ ngỡ ổng miêu tả "Wonder Woman phiên bản Việt" không ấy chứ.

- Đặng Xương Tuyết ngừng nói để hớp một ngụm nước suối.

Đoạn cất giọng bình phẩm.

- Ông ta chưa hề đặt chân tới vùng đất đó thì làm sao mà biết địa hình chính xác được.

Vậy mà cũng dám ghi thể loại hồi ký chiến tranh.

- Vậy theo anh nên ghi thể loại gì?
- Khoa học - Viễn tưởng.

Bởi vì phe cánh của ông ta được tâng bốc như biệt đội Siêu Anh hùng của Marvel vậy.

Còn phe đối lập thì ông ta hạ bệ và mạt sát hết mức có thể, trong khi tôi tra cứu những tài liệu khác và rút ra kết luận cá nhân sau quá trình kiểm chứng - so sánh thì họ tài giỏi và có đạo đức hơn ông ta gấp một vạn lần.

Trần Cảnh Chiêu xen vào một câu trước khi tiếp tục chìm vào giấc ngủ ban trưa:
- Anh thấy ai là người có thể viết hồi ký chiến tranh trung thực nhất?
- Là nhạc sĩ Lê Dinh.

Tuy cụ rất mực trung thành với chế độ và lý tưởng mà mình đã chọn, song không bao giờ che giấu những khuyết điểm của chế độ đó, và dám thẳng thắn vạch mặt những kẻ bất tài và ăn cháo đá bát ở trong hàng ngũ chế độ đó.

Đọc những bài viết theo dạng phiếm luận của cụ hay lắm, bởi nó luôn giúp cho tôi có thêm cái nhìn đa chiều và trung thực về lịch sử nước nhà.

Trần Cảnh Chiêu khoanh tay ngủ khò.

Phan Hoài Việt và Đặng Xương Tuyết bèn giúp anh ta chỉnh lại ghế ngồi để ngả lưng cho thoải mái, rồi rủ nhau đi nhờ nhà vệ sinh ở một quán cà-phê hạng sang trong khu vực này, dĩ nhiên hai người sẽ mua đồ uống để đỡ ngại hơn.

Phan Hoài Việt "đi" trước, Đặng Xương Tuyết vào sau, hai người phải luân phiên như vậy nhằm giữ chỗ ngồi và "canh" đồ uống đã đặt.

Tưởng rằng chỉ mất nửa tiếng đổ lại, ai ngờ quán đông nên phải nán lại thêm nửa tiếng nữa.

Trong lúc chờ đợi, hai người lắng tai nghe ca khúc "Chăn vịt ở phương Nam" qua phần trình bày của đôi song ca Châu Đình An - Khánh Ly.

Phan Hoài Việt cảm thán:
- Giọng của nhạc sĩ Châu Đình An khá giống bác Duy Quang nhỉ?
- Phải.

Thêm một điểm chung nữa là, cả hai bác vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ.

- Tiếc là bác Duy Quang mất đi khi tuổi đời hãy còn quá trẻ.

- Này, thầy Việt.

- Ơi?
- Tôi thấy bài thơ "Chăn vịt ở phương Nam" của thi sĩ Mường Mán mà được biên soạn vào sách Quốc Văn thì tuyệt biết mấy.

Nội dung rất hay, giàu tính gợi hình và không kém phần sâu sắc.

Tôi không thích để cho trẻ em nước mình học về lòng thù hận, ăn miếng trả miếng hay chém giết dã man.

Tôi muốn sắp nhỏ gieo vào hồn những vần thơ ngọt ngào như cây kẹo sữa, rót vào tim những lời văn thấm đẫm cái tình Quê Hương - Đất Nước, và tập hát những khúc ca giàu lòng nhân ái và thương xót thế gian.

Điều mà tôi mong muốn có phải quá cao xa diệu vợi không?
Phan Hoài Việt không đáp.

Người thầy trẻ tuổi quay mặt qua hướng khác để lau khô giọt lệ vừa chảy xuống bờ má xương xương.

- Nhiều kẻ được tôn xưng là nhà văn, mà nói chuyện toàn chửi tục chửi thề, ai góp ý thì nói "những người nói chuyện đạo lý thường sống như...", nhưng tôi chưa thấy những người đó sống như lời họ nói, mà toàn thấy cái miệng của kẻ phát ngôn ra câu đó đã đầy rẫy cái thứ mà họ đem ra ví von, mai mỉa.

- Bởi, ăn nói tục tĩu thì dễ lắm, chứ nói cho người ta tâm phục khẩu phục thì rất là khó.

- Đặng Xương Tuyết gật gù.

- Anh có ghét Trịnh Công Sơn hay Vũ Đức Sao Biển không?
- Mỗi lần nhắc tới hai con người ấy, tôi chỉ thích nói về tài năng, chứ còn đời tư thì chẳng khác nào "cá hồi ngược dòng".

- Anh biết Bùi Giáng đã từng nhận xét nhạc Trịnh thế nào không?
- Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng.

Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi.

- Ai biết được cụ thương hay ghét Trịnh Công Sơn.

Riêng tôi thì không bao giờ ưa ông ta.

Có tiếng nhân viên đọc số hóa đơn của họ, Phan Hoài Việt bèn xung phong đi lấy.

Hai người sải bước thật mau ra xe như muốn chạy trốn cái nắng gắt gao trên đầu.

Cũng may là anh thầy kiếm được chỗ đậu xe gần quán nên không gặp cảnh nhọc công đi xa.

- Anh ta ngủ mất đất rồi.

Để ly trà ở đây đi anh Tuyết...!
- Về nhà hén?
- Ờ, nhưng để tôi đi đổ xăng cái đã...!Không nên để xăng hụt quá mới đổ vì rất dễ làm nóng máy và mau hư động cơ...!
Cậu Ba móc mương bồi đất suốt ba ngày mà vẫn chưa hoàn thành xong "công tác"; da dẻ cậu đen nhẻm như cái ống khói trong gian bếp nhà má cậu, trái ngược hẳn với vẻ ngoài "công tử Bạc Liêu" của anh trai.

Thấy một mình làm không xuể, cậu bèn rủ thằng Hai xuống làm chung cho vui.

Thế là cái hố đất xíu xiu có thêm một người đứng chen chân với cậu mà hì hục làm việc.

Hai cha con làm từ khi mặt trời hãy còn phảng phất hơi lạnh của sương đêm cho tới lúc Chính Ngọ.

Nội sợ hai cha con cảm nắng nên ra hối thúc vô nhà nghỉ tay ăn cơm.

Đại gia đình vừa mới ăn cơm xong thì xe của bọn họ đã tới trước cổng nhà.

Phan Hoài Việt chưa kịp bóp kèn thì con Phidel đã sủa vang báo hiệu.

Không đầy mười phút sau, con trai lớn của cậu Hai lật đật chạy ra mở cổng rào cho họ.

Trần Cảnh Chiêu cáo lỗi về phòng ngủ một lát.

Hai người bèn đi xuống nhà bếp ngồi chơi với đại gia đình.

- Tôi nói thiệt nghen, cần chi tập thể hình cho tốn kém, xuống đây ở với tôi ba tháng tôi dẫn đi mần ruộng, đắp vồng đất, hái dừa, đốn chuối, chăm bón cây ăn trái, móc mương bồi đất, đặt trúm,...!là bảo đảm có cơ bụng liền.

Tôi thấy mấy cậu trai trên Xì-Gòn phải leo cái gì, à, núi giả để tăng cơ, về đây leo dừa một tuần thôi là cơ bắp cuồn cuộn mà lại có tiền công nữa chớ.

Nhìn sang thằng con lớn của mình, cậu Ba cười nói:
- Thấy nó hôn? Mới mười mấy tuổi đầu mà đã cao vượt ngưỡng mét bảy ba, tất cả là nhờ nó siêng năng làm lụng sớm hôm đó đa.

- Ờ, đúng đó.

Tao bấm cho nó một quẻ sang năm thằng Ba Chiêu đứng dưới nách nó.

- Nội vỗ vai đứa cháu trai mà cười nói.

- Thầy Việt nhìn vậy mà leo dừa giỏi dữ hén.

- Anh Hai của Trần Cảnh Chiêu lên tiếng.

- Dân miệt Kiến Hòa mà anh.

- Trời, nhắc tới Bến Tre mới nhớ.

Vợ tôi muốn ăn bánh phồng sữa mà không biết đặt ai tin cậy mua giùm.

- Người Bến Tre có hai câu: "Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc" và "Kẹo chuối Yến Hương, còn kẹo dừa thì nên mua ở Thanh Long".

Riêng về bánh phồng sữa thì anh muốn mua ở lò nào cũng được.

Thấy trời bớt nắng, hai cha con cậu Ba lại ra móc mương bồi đất, rồi rủ nhau đi tát đìa.

Nội biểu phải ăn hết chén sương sáo mới cho ra ngoài đó làm việc, nên hai cha con đành phải nán lại ăn cho nội vui.

Bà Trần xách mớ cá trê xuống sàn nước mần sạch, còn cô Bưởi thì ngồi trên cái ghế gỗ sơ chế nguyên liệu.

- Nhiều người đi quay clip mà lại vô duyên hỏi bí quyết của chủ quán, con thấy không đặng má à?
Bà Trần gật đầu đồng ý với con dâu, rồi quay sang bình phẩm với hai người khách của đại gia đình:
- Nhiều lần cô đọc bình luận thấy nhiều ông tay tổ, nấu món gì cũng kêu dễ ẹt nên khỏi cần ra quán ăn mua chi cho mắc, mà tức cười gần chết.

Nếu nói như mấy ổng chắc người ta đã dẹp lớp học làm bánh, trường dạy nấu ăn và pha chế đồ uống từ tám đời vương rồi.

Trên đài đang phát ca khúc "Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi" do Anh Khoa trình bày, bà Trần vui miệng hát theo vài câu, rồi kể:
- Bản nhạc "Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi" do nhạc sĩ Lam Phương viết ra để nhắn nhủ tới người trong mộng đã theo chồng.

Với câu hát "Nhiều đêm chăn gối bên người không quen biết, trong tim em có thấy như cô đơn" như một lời hờn mát mà ông dành cho cô Minh Hiếu.

Cả ông và ông Trần Thiện Thanh đều bị xuống tinh thần nặng nề sau đám cưới của cổ.

Con Phidel nằm dài thè lưỡi dưới tán cây vú sữa, ánh mắt của con chó già ấy trông về phía cây hạnh sai trái.

- Có người cho rằng cả hai vị nhạc sĩ tài hoa nho nhã kia chỉ thuộc dạng tương tư bên lề, chứ không ai là người yêu cũ của cô Minh Hiếu hết.

Nhưng có người lại nêu lên một chi tiết đầy nghi vấn rằng nếu như hai người thực sự chỉ là anh em đồng nghiệp với nhau thì tại sao cho đến tận lúc ông ấy qua đời bà vẫn không chịu hát bài "Hoa trinh nữ"? Trong khi đó bà lại hát bài "Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi" của ông Lam Phương xuyên suốt từ lúc trẻ cho tới khi về già?
"Ào."
Bà Trần giội sàn nước tanh tưởi mùi máu cá, rồi dùng vòi nước xịt rửa mặt sàn sạch sẽ.

Vừa đổ nước lau nhà xuống mặt sàn, bà vừa nói:
- Nhưng thật mừng là hai vợ chồng bà Minh Hiếu đã sống hạnh phúc với nhau tới già, dù thời cuộc thịnh hay suy, thành hay bại, họ vẫn không lìa bỏ nhau.

Phan Hoài Việt hỏi:
- Dạ, bác còn thích ai hát bản "Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi" nữa không?
- Anh Nguyễn Hưng có hát bài này nhưng không biết có phải là do cách hòa âm phối khí hay không mà nghe ngang ngang.

Ngoài anh Anh Khoa ra, tôi còn thích anh Duy Quang và cô Ngọc Lan hát song ca nữa.

Ăn xong chén sương sáo, Đặng Xương Tuyết rủ Phan Hoài Việt ra ngoài mé sông Gành Hào hàn huyên với mình; thấy Trần Cảnh Chiêu ngủ say quá nên hai người không nỡ đánh thức.

Bọn họ lấy báo cũ lót ngồi cho đỡ dơ mông quần.

- Anh biết cụ Trần Dần và cụ Phan Khôi đã nói gì về văn chương không?
- Biết chứ.

- Và anh có buồn khi nhìn lại thực tại quả đúng như những gì mà các cụ đã nói không?
- Buồn chứ.

Anh có nghe thấy tiếng gì không?
Phan Hoài Việt cố lắng tai nghe, nhưng chẳng có gì ngoài tiếng lau xào xạc theo cơn gió bạc màu.

- Tôi biết chắc thứ mà anh đang nghe không phải là âm thanh gió đùa ngọn lau.

- Phải.

Cứ hễ mỗi lần bị những kẻ trái tư tưởng rủa xả và miệt thị trên văn đàn, tôi thường khép mắt lại, mường tượng đến khuôn mặt của những chí sĩ yêu Nước và khát khao khai phóng văn chương quê nhà như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Biểu Chánh, Trần Dần, Phan Khôi,...!tự dưng tôi hết còn cảm thấy đơn độc và muốn bỏ cuộc nữa.

Thế hệ trẻ bây giờ mà bắt họ ngồi phân tích tư tưởng trong văn chương và quan điểm trong chính trị của các cụ ấy ắt số người làm được chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Mà nếu có thể làm được đi chăng nữa thì cũng chỉ biết dựa trên những gì mà "ai đó" mớm sẵn, rồi a-lê ông này xấu, ông kia tốt như một con vẹt, không có lấy một chính kiến riêng.

Và bước đường cùng, tức là khi bí ý, họ chỉ biết ú ớ kêu lên hai chữ "Phản động".

Thiết nghĩ họ nên bỏ thời giờ ra đọc tài liệu về vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm để hiểu hai chữ ấy khiên cưỡng thế nào.

Hai người lặng ngắm hoàng hôn trên dòng sông Gành Hào.

Trên chiếc cảo đang neo đậu gần chỗ hai người ngồi bỗng phát ra hai bản nhạc do Duy Khánh trình bày, một là "Ngày đá đơm bông" và hai là "Sớm muộn tôi cũng về".

- Rốt cuộc bác Duy Khánh cũng không về.

- Đặng Xương Tuyết ném một hòn đá nhỏ xuống mặt sông.

- Cô Thái Thanh cũng vậy...!À mà này.

- Hửm?
- Anh có tính xuất bản sách nữa không?
- Mỗi lần tôi ra sách, là có một toán người đứng bán bánh canh trước cổng nhà trọ tôi ở...!
- Anh có biết người đàn ông được in hình trên tờ mười ngàn Yên của Nhật Bản là ai không?
- Biết.

Tôi đã từng đọc qua cuốn "Khuyến học" của ông ta.

Nhà tư tưởng Fukuzawa Yukuchi - Phúc Trạch Dụ Cát.

- Một con người có cuộc đời đầy tranh cãi và thực sự rất đáng để khâm phục.

- Trên đời này làm gì có một người chính khách hay nhà tư tưởng nào hoàn mỹ.

Tự huyễn hoặc người chính khách mà mình hâm mộ, quý mến là hoàn mỹ chẳng khác nào tự đẩy bản thân vào cái hố "Vỡ mộng".

Nhiều kẻ ngộ lắm, hễ mình nói lên khuyết điểm của ông chính khách mà họ cuồng si là họ lập tức cuống cuồng chửi tục và chỉ phun ra một câu hỏi ngô nghê "Có làm được như người ta không mà dám ý kiến ý cò?".

Tới chừng tôi đưa ra được chứng cớ chắc chắn về chỗ sai sót của ổng, thì lớp thì nín thinh, số thì chửi tôi "Phản động" và "Muốn chống phá chế độ".

Ủa rồi tôi sai chỗ nào? Bộ tôi sai ở chỗ "Nói có sách, mách có chứng" sao?
- Anh sai ở chỗ tự vạch mắt cho họ thấy Sự Thật.

Anh sai ở chỗ đưa gậy cho họ đi.

Và anh sai ở chỗ đã dám đánh thức họ dậy trong khi họ đang ngủ mê.

Sau câu nói của Phan Hoài Việt, hai người rơi vào bể trầm mặc.

Vẳng bên tai hai người lúc bấy giờ là ca khúc "Anh trước Tôi sau" do Duy Quang trình bày.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết tặng bài hát này cho người bạn thiết đã tử trận.

- Anh này...!Tại sao anh lại gật đầu khi tôi nói nên đọc tài liệu về cụ Hữu Loan và bài thơ "Màu tím hoa sim"? Không phải anh không thích thể loại Hồi ký sao?
- Bởi vì tôi đã nắm chắc được những gì viết ở trong ấy là Sự Thật, dựa trên sự quan sát tình hình chính trị thời ấy và tìm hiểu vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, tất cả dữ kiện ở ba bên đều trùng khớp nhau tới bảy mươi lăm phần trăm và chỉ sai lệch ở một vài tiểu tiết nhỏ không đáng bận tâm.

Cộng thêm chuyện cụ Hữu Loan khi kể về quãng đời mình không hề nói xấu bên nào hay bênh vực bên nào; mắt thấy, tai nghe và miệng nói ra sao thì thuật lại y như vậy, nên tài liệu về cụ thường rất đáng giá để tham khảo.

Ai sai thì cụ nói sai, ai đúng thì cụ khen đúng, không có biện minh hộ cho phe nào hết.

- Anh có bao giờ vì người ta khác tư tưởng chính trị và quan điểm sống mà đâm ra không ưa không?
- Nếu mà tôi thực sự là con người như vậy, thì tôi đã không bao giờ giới thiệu nhạc của Trịnh Công Sơn, Vũ Đức Sao Biển, Phạm Thế Mỹ hay về văn thơ của các cụ Trần Dần, Hữu Loan, Phan Khôi, Phùng Quán, Lê Đạt,...!Đời tư của những người muôn năm cũ ấy tốt hay xấu, sai hay đúng, mù quáng hay xán lạn; hết thảy anh phải tự nhìn nhận, quán chiếu và rút ra kết luận riêng cho mình.

Đừng bao giờ bị lệ thuộc vào tiếng nói của bên thắng cuộc hay kẻ sĩ có uy tín, anh phải tự làm chủ lấy tư duy và sở kiến của mình.

Trời đột ngột chuyển dông.

Đôi vợ chồng đương ngồi trên chiếc cảo buột miệng kêu Trời, rồi thì chồng thúc vợ, vợ giục chồng kéo nhau lên bờ đi tìm chỗ trú ẩn an toàn.

- Đi coi trường Tiểu Học ở vùng này ra sao không?
- Ừm, thì đi, đi coi mình đã bỏ lỡ quãng đời ấu thơ như thế nào.

- Đặng Xương Tuyết vỗ vai người bạn hiền.

Họ tính đi viếng chùa Mẹ Nam Hải ngay bây giờ, nhưng vì muốn có hướng dẫn viên nên đành hoãn lại, đặng đợi Chúa Nhật rủ Trần Cảnh Chiêu đi chung.

Nếu như anh ta vì vấn đề khác biệt tôn giáo mà không đi chung được thì họ sẽ thực hiện y theo kế hoạch cũ.

Ngôi trường Tiểu Học mà họ viếng thăm có một dãy lớp học nằm sát với một đoạn đường của con hẻm ngoằn ngoèo, hẹp té.

Hai người sóng vai nhau đi dọc theo đoạn đường ấy, trên tay mỗi người cầm một cây dù màu vàng nắng.

Họ nói với nhau bằng những âm thanh thì thầm như tiếng giọt mưa vỡ trên mái ngói lớp học.

Họ nghe thấy bài hát "Tuổi thần tiên" do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vang lên ở một lớp học nằm ở phía cuối dãy, lòng nao nao nhớ đến những năm tháng hồn nhiên đã vụt mất.

Tắp vào một quán bán thức ăn chơi ở khúc ngoặt của con hẻm để mua vài xâu hồ lô gà thơm thơm, lạ miệng, hai con người phong trần "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi" lại sóng vai nhau đi tiếp.

Hai cây trứng cá ướt đẫm nước mưa, những trái trứng cá tròn vo, căng bóng, phủ trên mình lớp da màu xanh hoặc đỏ trông như những bóng đèn nhấp nháy trên cây thông Giáng Sinh.

- Anh có từng ăn trứng cá chưa?
- Rồi.


Tuy không ngon nhưng rất bổ dưỡng.

Nghe đâu nó được thu mua để làm chất điều chế thuốc.

- Phan Hoài Việt ngoẻo đầu nhìn một góc khuất trong tàng cây trứng cá.

Hình như nơi ấy có tổ chim cư ngụ thì phải?
Một cô gái đang ngồi rửa chén thuê cho một tiệm hủ tíu bò kho, thấy hai người đàn ông cứ đứng xớ rớ cạnh cây trứng cá hoài thì buột miệng hỏi:
- Dạ, hai anh ơi, có cần tui giúp chi không?
- Thưa, xin lỗi đã làm phiền cô.

Tại tôi lâu thấy lại cây trứng cá quá nên ngó chơi vậy thôi, chớ bụng dạ không có ý gì cả.

- Ủa, té ra anh ở nước ngoài mới dìa hả?
- Đâu có.

Thưa, tôi ở trên Sài Gòn.

- Ủa, bộ ở trển đốn hết rồi hả anh?
- Thưa, chắc cũng sắp rồi.

- Tiếc há.

Mấy thứ này dùng làm thuốc được mà, sao người mình hổng nhân giống nhỉ? Rồi cả cây nhàu, cây điều, cây gấc,...!nữa.

Trời ơi, gặp có ông nào bên Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp biết hướng dẫn bà con nước mình cách trồng trọt thì vừa làm giàu cho xứ sở, vừa tăng thêm chất điều chế thuốc cho Quê Hương mình nữa.

- Thảo ơi, mày rửa chén xong chưa mà ngồi đó đía hoài vậy con?
- Dạ, con bưng rổ chén sạch vô liền đây!
- Xin...!Xin lỗi cô cho tôi hỏi chút.

- Đặng Xương Tuyết sấn tới trước một bước.

- Cô tên chi?
- Dạ, tui tên Thảo.

Hình như sực nhớ ra chuyện chi hệ trọng lắm, cô gái có lối nói chuyện quởn xo ấy thôi cười, rồi quày quả bưng rổ chén sạch chạy tốc vô bếp.

Hai người về nhà khi trời đã nhá nhem tối.

Nội báo trước tối nay cả nhà ăn cơm trễ nên họ mới dám đi thong dong như vầy.

- Cơm chưa chín nghen mấy đứa.

- Nói xong, nội gọt khoai lang tiếp.

- Dạ.

- Bây ăn canh kiểm được hôn?
- Dạ được.

- Tao sợ tụi bây ăn hổng quen nên đợi tụi bây dìa hỏi lại cho chắc cú.

- Nội cười móm mém nom hiền thật hiền.

- Bưởi ơi, bưng rổ khoai xuống nấu nè con.

- Trời, nội gọt khoai chi cho đau lưng vậy? Sao hổng kêu con một tiếng để con làm giùm cho?
- Mệt bây quá! Tao còn trẻ nha...!Chê tao già tao bỏ ăn cơm à.

Hai người thay phiên nhau vào buồng tắm trong khách phòng tắm gội và thay trang phục.

Ăn diện chỉnh tề và lau khô đầu tóc xong, hai người mới rời khỏi phòng.

Khi đi ngang qua phòng của pháp y Cảnh, họ thấy có ánh sáng trắng khoảng hở phía dưới của cánh cửa phòng.

Chưa ai kịp gõ cửa kêu anh ta thì anh ta đã mở cửa phòng bước ra và rủ họ theo mình xuống nhà sau ngồi nói chuyện chơi; tuyệt nhiên không hờn trách họ chuyện đi chơi mà không rủ mình.

Trần Cảnh Chiêu mời hai người lên bộ ngựa ngồi với mình và bà nội.

Nội liền sai cô Bưởi đi lấy mâm bánh kẹo và pha trà thơm đãi đằng hai người khách của đại gia đình.

Bốn người đang nói chuyện vui vẻ thì ông Trần bỗng nhiên hỏi Phan Hoài Việt và Đặng Xương Tuyết:
- Mấy cậu có biết vụ 1979 không?
- Dạ có.

- Thằng Tàu tổng chỉ huy trận đó là cháu bảy đời của Hứa Thế Hanh, kẻ đã bị vua Quang Trung đánh cho tan tác năm 1789.

Vì thế hệ trẻ bây giờ không chịu tìm hiểu Lịch Sử nước nhà nên tôi quen lối gặp thanh niên nào cũng đều phải mở miệng nhắc cho nhớ vụ này.

Có ai nhìn thấy đôi mắt ngấn lệ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu khi thốt lên câu nói dân mình ngu quá lợn nên mới để cho đám cường quyền nhũng nhiễu Quê Hương không?
Có ai nhìn thấy nét bần thần của danh tướng Phạm Ngũ Lão khi ngài mải lo việc cứu quốc đến độ lưỡi giáo đâm vào đùi cũng chẳng biết đau?
Có ai nhìn thấy sự đau khổ của cụ Hồ Biểu Chánh và cụ Petrus Trương Vĩnh Ký khi buộc phải làm việc cho thực dân Pháp để mượn thế phổ cập chữ Quốc Ngữ và khuyến học cho xứ An Nam này không?
Có ai nhìn thấy khuôn mặt lúc uống thuốc độc tuẫn tiết của đại thần Phan Thanh Giản không?
Có ai nhìn thấy được sự bất khuất của cụ Phan Bội Châu trong thời gian bị nhốt ở ngục tù không?
Chợt ông Trần bật bản nhạc "Sống sót trở về" do Duy Quang trình bày, rồi lại bộ ngựa ngồi dựa tường đọc báo.

"...!Sống sót trở về, Linh mục dựng gác chuông
Chúa giáng ơn lành cho bổn đạo bốn phương
Sống sót trở về, nơi thờ Phật ngát hương
Tiễng mõ chen vào lời Thượng tọa xót thương..."
- Những bài hát như thế này mới xứng đáng được đặt vào sách Quốc Văn và dạy Nhạc cho sắp nhỏ.

- Nội dõi đôi mắt đã mờ yếu ra bụi hoa lài mọc dưới cây mít Tố Nữ.

- Tao rất mừng vì mấy đứa cháu của tao hổng có đứa nào học thói dùng ngôn ngữ mạng.

Cái tiếng "đé*" có gì đẹp mà dùng nó thay thế chữ "không", "hổng", "nỏ" và chẳng" hổng biết.

- "Cái miệng nó xinh thế.

Chỉ nói điều hay thôi." Hầu như ai cũng được dạy bài khi mới chập chững vào vườn trẻ.

Nhưng rồi lớn lên hiếm ai thực hiện được.

- Bà Trần góp lời.

- Bạn bè hay...!- Nội liếc cô Bưởi, rồi tủm tỉm cười.

-...!vợ chồng dùng chữ đó thì được.

Chớ không quen không biết mà bạ đâu cũng dùng thì chẳng khác nào tự hạ thấp văn hóa của mình.

Đặng Xương Tuyết ngước đôi mắt dài xếch lên nhìn khoảng không đầy sét giăng trước mặt:
- Có nhiều kẻ hay hỏi cháu rằng, "Mày lên tiếng thì cũng có thay đổi được gì đâu mà ham nói quá vậy?".

Nhưng chí ít ra, sau này cháu có chết, cháu sẽ đứng trước mặt hồn thiêng sông núi nước Nam mà dõng dạc nói: "Con đã không lặng thinh trước những bất công và sai quấy trên Quê Hương mình, con đã dám lên tiếng, con đã không bỏ̀ mặt Tổ Quốc và Dân Tộc con."
Từng câu, từng chữ trong ca khúc "Tám điệp khúc" vọng về trong tâm trí gã văn sĩ điên.

Và câu cuối cùng của mỗi đoạn nhạc trong tác phẩm ấy đã khắc họa rõ hết thảy nỗi lòng của gã.

Phan Hoài Việt góp lời:
- Có những kẻ lập luận hết sức ngu dốt, rằng thua cuộc thì phải ngậm miệng lại, giờ chẳng lẽ thằng Tàu thắng cuộc thì nó nói diều nói quạ gì cũng nghe theo sao? Đó là một câu lập luận trống rỗng và đầy tính chất ngụy biện thường phát ngôn từ miệng những kẻ dốt Sử một cây.

Lúc nào cháu cũng khuyên học trò không bao giờ được sử dụng câu này trong khi tranh biện vì chỉ tổ chứng tỏ mình bị đuối lý nên phải vin vào "cái cây mục" đó.

- Rất tiếc, đa số giới trẻ bây giờ không biết tranh biện, chúng chỉ biết cãi bướng, nói bừa, chụp mũ lung tung và văng tục bẩn thỉu mỗi khi rơi vào tình trạng đuối lý.

Nói chúng ghét, chứ bắt chúng trích dẫn một câu từ miệng mấy người nổi tiếng trên mạng thì dễ, còn kêu chúng trích dẫn thơ văn và tư tưởng chính trị của các bậc chí sĩ yêu Nước thì thôi khỏi phải nói, hầu như không có đứa nào làm được hết.

Ông Trần nói xong, chỉ tay vào cái gạc-măng-rê cũ kỹ, mà hồi trước từng dùng làm sóng chén, hiện thời bên trong cất hơn một chục đầu sách về truyện Dã sử và Chính sử Đại Việt; như "Nam Ông mộng lục" của Hồ Nguyên Trừng, "Vũ trung tùy bút" của Nguyễn Dữ, "Đại Việt Sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, "Việt điện u linh tập" do nhiều tác giả viết sách,...!
- Tôi bắt sắp nhỏ phải đọc mỗi ngày...!Linh! Vua nào mặt sắt đen xì?
- Dạ, là Mai Hắc Đế.

- Thuận, ai là người đã đem giống cây bắp về cho nước Nam ta?
- Dạ, là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

- Chiêu, ai là người đã nói câu "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém thuồng luồng ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, phá ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người"?
- Dạ, là Bà Triệu - Triệu Thị Trinh.

Ông Trần hãnh diện ra mặt.

Con trai lớn của cậu Ba không hay biết màn kiểm tra miệng trong gian bếp, nên "hồn nhiên" lại ngó nồi canh kiểm.

- Tín, ai là người đã nói câu "Chừng nào người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây"?
- Dạ, là anh hùng Nguyễn Trung Trực của thời kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Quê ổng ở đâu?
- Dạ, ở Kiên Giang.

- Thằng Hai tính chuồn đi đâu? Lại đây cho ba hỏi con, "Từng nghe: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo...", là trích dẫn từ đâu và của ai?
- Dạ, là "Bình Ngô đại cáo" của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi.

- Con dâu!
- Dạ?
- Ai là người đầu tiên nhảy dù ở nước ta?
- Dạ, là ông tổ nghề thêu Bùi Công Hành.

Trong lúc bị đám Tàu bày kế nhốt ở trên đài cao, ông đã lấy hai cái lọng làm dù nhảy xuống đất.

- Tốt.

- Đoạn ông Trần quay qua cười nói với chàng ký giả và anh thầy.

- Miệng nói yêu Nước mà sử sách nước nhà không thuộc thì sẽ bị coi là kẻ yêu Nước không trọn vẹn.

Đó là gia quy của cái nhà này.

- Thôi lại đây ăn cơm với nội.

- Nội vừa trải tấm mủ trên mặt bộ ngừa, vừa cười mím mím.

Bà Hai và bà Ba phụ nhau bày biện bàn ăn.

Bữa nay cả nhà sẽ ăn canh kiểm, cá trê chiên xù chấm nước mắm gừng, bông bí xào tỏi, sườn xào chua cay, cút khìa nước cốt dừa và gỏi bồn bồn trộn lỗ tai heo.

Bản nhạc "Tám điệp khúc" được hợp ca bởi các giọng hát Nhật Trường, Hồng Phúc, Nhật Bằng, Quỳnh Giao và Ánh Tuyết vang lên trong không gian rả rích tiếng mưa.

- Mai tôi làm đám giỗ cho các chiến hữu một thời cùng mình lấy ba-lô làm gối, lấy màn sao làm mùng và lấy đất Mẹ làm chiếu nghỉ lưng.

Khẩn xin hai cậu ở nhà một bữa để cùng tôi làm đám giỗ cho tụi nó.

Năm nay có thêm người tổ chức nữa, chắc hương hồn tụi nó vui lắm...!
Ngoài cửa bỗng vang lên tiếng nhấn chuông inh ỏi, con Phidel đang gặm sườn liền bỏ ăn phóng ra sủa um sùm.

Người đàn ông ấy đã ngoài sáu mươi tuổi, trên tay phải cầm một cây dù màu xanh than và trên người mặc một chiếc áo mưa cùng màu.

Còn nơi tay trái thì xách đùm đùm đề đề mấy bọc thức ăn thơm nức mũi, ông Trần đoán là thức ăn vì hương thơm của nó quá đỗi rõ ràng.

- Anh là ai?
- Vệ Thu.

Đồng đội cũ của mày đây.

Ông Trần bàng hoàng đứng chết trân.

Rồi như sự cảnh giác thức thời tỉnh dậy, ông bèn đọc những câu mật hiệu mà trung đội ông đã từng đặt ra.

Người khách lạ đáp không sai một chữ.

Hai người sóng vai nhau đi dưới màn mưa tầm tã.

Vài ánh chớp lóe lên làm rực sáng một vùng trời.

Sấm nổ vang rền trên thinh không mờ mịt mây mù.

- Mày...!thiệt là mày hôn đó?
- Nó đó.

- Vệ Thu giơ túi đựng mấy hộp đựng các món hải sản đã chế biến lên cho thằng chiến hữu mũ nâu xem.

- Tao hùn.

Nếp nhà xưa nay đã được trang hoàng cho hợp thời hợp thế.

Một cảm giác vừa quen vừa lạ se sẽ len vào hồn Vệ Thu.

Ông xin phép bạn mình cho mình được thắp ba nén nhang thơm.

Mùi nhang trầm đưa hai người về một thuở xa xăm vĩnh viễn không quay trở lại...!
Nội ngó sững Vệ Thu một lúc lâu mà vẫn chưa thể tin vào mắt mình.

- Má.

Nội lấy khăn chậm nước mắt, rồi mếu máo kêu cô Bưởi lấy chén bới cơm cho Vệ Thu ăn.

Sau đó ngoắc ông ngồi xuống gần mình.

Cả má lẫn con đều đã mang gương mặt đầy nếp nhăn, mái tóc bạc trắng và tay chân yếu ớt, lụm cụm.

Vệ Thu cúi thấp đầu xuống cho má nuôi vò đầu như ngày nào ông còn khoác màu áo lính.

Đoạn giục mọi người mau mở các hộp thức ăn ra để ăn liền kẻo nguội mất ngon.

Do Vệ Thu là chiến hữu của ba, hai đàng lại không qua lại với nhau hơn mấy mươi năm trời, nên ngoại trừ nội ra, những người khác không ai muốn mở miệng nói chuyện khi ông chưa hỏi tới.

- Cậu Tuyết.

- Dạ?
- Tôi có thể nhờ cậu soạn content được không?
- Thưa ông, tôi có thể biết tên của dự án trước khi nhận lời không? Bởi tôi không muốn viết bài quảng bá cho những kẻ hà hiếp và bóc lột dân lành.

Vệ Thu bật cười:
- Hiếm khi thấy người nào nói thẳng như cậu...!Phần đông toàn hỏi tiền nong nhiều hay ít.

Chẳng ai bận tâm đến chủ thuê tâm tính thế nào.

Nào, ở đây không có sẵn rượu, tôi rót nước ngọt thay rượu mời cậu nghen.

Mấy đứa con của cậu Ba và cô Bưởi lâu lâu mới được ăn mấy món hải sản hảo hạng nên gắp ăn vô cùng "mạnh tay".

Thấy họ ăn ngon miệng như thế, Vệ Thu lưu giữ điểm này trong tâm trí để ngày sau biết thứ mà mua đãi đại gia đình người chiến hữu chí thân.

Mai ông sẽ mua sầu riêng, thân già xách mấy "trái mìn" ấy dám chừng cụp nốt mấy đốt xương sống còn lành lặn, nên ông để đám cận vệ xách giùm.

Ông Trần lịnh cho thằng Hai đi lấy cây guitar mà chỉ những dịp trịnh trọng ông mới đem ra biểu diễn.

Ông hát lại bản "Bình ca 2 - Sống sót trở về" của nhạc sĩ Phạm Duy:
"...!Sống sót trở về, tên cường đạo lau kiếm
Xé áo giang hồ, xin chèo đò trên bến..."
- Âm nhạc cũng phản ảnh một phần trình độ của thế hệ đó ra sao.

Nghe nhiều nhạc Vàng sẽ biết Lịch Sử có được viết đúng sự thật hay là không...!- Nội lấy muỗng múc thịt trong mai cua, đôi mắt đã không còn tinh tường nữa bỗng trở nên rực sáng.

-...!Tao nói chúng ghét chớ nhạc nhẽo bây giờ ít có bài tao nghe mà cảm thấy ưng cái bụng.

Ông Trần vừa lể ốc vừa bình phẩm:
- Nếu sợ gặp phiền phức thì đừng cố hát nhạc Vàng.

Đã hát thì phải tôn trọng nội dung của nhạc sĩ, đừng có chơi cái kiểu thay lời đổi tựa hòng lách luật.

Tay thì cầm tiền, thân nhận danh tiếng từ sản phẩm trí tuệ của người ta, miệng thì uốn éo hát sai lời, con người như vậy coi có được không?

- Nhưng nếu họ nói rằng người nhà nhạc sĩ đã đồng ý thì sao ba? - Trần Cảnh Chiêu nêu ý kiến.

Ông Trần phản bác:
- Chừng nào đích thân ông nhạc sĩ ấy xác nhận hoặc giả người nhà còn lưu giữ tờ nhạc có bút tích của ổng thì tôi mới tin.

Rất nhiều trường hợp người nhà nhạc sĩ thỏa hiệp với người sửa lời bài hát để được nhận tiền, nên đương nhiên khi lên sóng họ phải nói người sửa lời đó hát đúng.

Vệ Thu góp lời:
- Như nhiều tên bạn đểu của nhạc sĩ Giao Tiên đó, tự mạo nhận là người nhà hoặc chính là nhạc sĩ để ký tên bán bản quyền bài hát cho các trung tâm băng-đĩa nhạc...!Tới chừng ông lên Sài Gòn thì mới hay mình đã bị cướp mất tên tuổi.

Và cũng tới chừng đó người hâm mộ ông mới té ngửa ra rằng đây mới đúng là ông.

Không những thế, còn rất nhiều trung tâm băng-đĩa nhạc còn đổi tên ca khúc của ông và đề tên tác giả khác thay vì ông, mà cứ khất lần khất lữa tiền nhuận bút.

- Hát chơi một bản đi mậy.

Vệ Thu ngẫm nghĩ một đỗi, mới thủng thẳng đồng ý.

Ông và người chiến hữu song ca bản "Đa tạ" của nhạc sĩ Anh Việt Thu, một trong những bài hát đã làm nên tên tuổi ca-nhạc sĩ Duy Khánh.

Rồi thì "Nhớ người thương binh" của Phạm Duy, "Tám điệp khúc" của Anh Việt Thu, "Bốn màu áo" của Anh Thy,...!
Tiếng hát của họ át đi tiếng mưa dông ngoài trời.

- Mình hát một bài cho qua nghe đi mình...!- Ông Trần khều vợ.

Bà Trần cất giọng ngậm ngùi hát "Con đò đưa xác" của Ngọc Bích.

Bà đặc biệt yêu thích cô Hoàng Oanh và Thanh Thúy trình bày ca khúc này.

Chồng bà che mặt bật khóc theo từng điệu rung của bà.

Tới hơn mười một giờ đêm, trời mới chịu tạnh mưa.

Ánh trăng nép mình sau một cụm mây xám xịt, vẽ những đường ánh sáng vào thinh không gió lạnh.

Bóng cây ngoài vườn đổ những vệt xiên xẹo, u tối vào mặt đất ẩm ướt.

Vệ Thu hẹn sáng mai sẽ quay lại, còn giờ thì ông phải trở về nhà nghỉ ngơi.

Dù muốn dù không ông cũng phải chọn nơi khác mà ở vì trong nhà không còn dư phòng trống hay đủ sạch sẽ, ngăn nắp để ông có thể an giấc ngủ qua đêm.

oOo
An Đình Luận xem lại hồ sơ y tế của mình, vừa xem vừa nghe bản nhạc "Yesterday When I was young" do Roy Clark trình bày.

Ông mới đi viếng mộ của những người chiến hữu năm cũ ở nghĩa trang Tử sĩ Quốc Gia, trong lòng buồn thương khôn xiết, bởi họ đã gắn bó suốt với tuổi thanh xuân của ông, biết bao nhiêu kỷ niệm đã qua, biết bao nhiêu tháng ngày đã trở thành dĩ vãng.

- Ngài Luận, đi ăn trưa chưa?
Sau lần hút chết ấy, tâm tính của Trương Tử Kỳ thay đổi hẳn.

Y không còn thích bỡn cợt quá đáng hay bông đùa một cách "mặn mòi".

Cách đi đứng cũng đã được sửa lại, nhìn y bây giờ mới thật xứng danh với chức vụ đảm đương, còn hồi trước thì không khác chi đám ma cô lông bông, đểu giả.

- Sao cậu không còn liên lạc với cháu trai tôi nữa?
- Xong rồi.

Chấm dứt rồi.

Thưa ngài.

- Tại sao?
- Tôi nghĩ đó không phải là tình yêu.

Đó chỉ là sự cảm nghĩa mà thôi.

Thương vì ngoại hình, mến vì cử chỉ, lưu luyến vì tiếng nói, tất cả đều có lý do nên đó không phải là tình yêu đích thực.

An Đình Luận và Trương Tử Kỳ ghé vào một quán ăn bình dân để dùng cơm trưa.

Quán ăn nhỏ xinh, nằm ở góc đường Đoàn Thị Điểm - Hồ Xuân Hương, bán từ lúc mười giờ rưỡi sáng đến một giờ sáng.

Hai người lựa một bàn ở ngoài hàng ba, đâu lưng với con đường Hồ Xuân Hương rợp bóng me xanh.

Thấy tướng Luận ngồi xem thực đơn đã lâu mà vẫn chưa gọi món, con trai chủ quán bèn lân la xin giới thiệu các món ăn đặc sắc gia truyền, sẵn tiện kiếm cớ làm quen với tổng tư lệnh luôn.

Trong lúc ngồi đợi cơm phần, Lê Đức Hoàng chống cằm ngó quanh quất cho đỡ nhàm mắt.

Cái tật tía lia khiến hắn cảm thấy rất khó chịu khi phải giữ im lặng lâu hơn một tiếng.

Tuy thế hắn không vô duyên đến nỗi lắng tai nghe trộm câu chuyện của bất kỳ ai.

- Anh ơi.

- Hửm?
- Dạ, khách vô đông quá nên bọn tôi làm không xuể, đơn hàng của anh chắc phải trễ thêm nửa tiếng nữa...!
- Được mà...!Được mà...!
Đợi cho anh nhân viên quay lưng đi, Lê Đức Hoàng mới lấy điện thoại gọi cho Tống Ngạn.

- Gọi cho tao làm gì vậy?
- Nói cho đỡ ngứa miệng chứ chi.

- Mày câm một chút hổng được sao?
- Hông.

Rốt cuộc Tống Ngạn phải "hầu chuyện" với thằng bạn cho tới khi lấy cơm.

Do bận "tám", hắn chẳng hề hay biết rằng tướng Luận đang nhìn mình.

Hắn và vị tổng tư lệnh đã từng quen biết với nhau trong một cơ duyên kỳ lạ: Số là hôm ấy chiếc xe hơi của ông bị gài đinh, nên khi quẹo cua nó đã "đưa" ông xuống vách đá.

Thời đó điện thoại không thịnh hành vì quá đắt đỏ, lại thêm vùng đó còn ban sơ nên ít người sinh sống, ông đã tưởng mình sẽ mất máu và kiệt sức tới chết thì bỗng gặp được kỳ tích.

Một đứa trẻ chăn bò thuê đang đi hái mấy trái cây dại ăn cho đỡ đói đã phát hiện ra ông, nó không cần ba chân bốn cẳng chạy đi tri hô như ông tưởng, mà chỉ cần đứng tại chỗ bắt tay làm loa thông báo.

Tiếng hét của nó không khác chi tuyệt chiêu "Sư tử hống" trong mấy phim kiếm hiệp Tàu.

Nông dân bỏ mần ruộng hò nhau chạy lại giúp đỡ ông, bà con nhiệt tình đến độ ông bình sinh chưa từng biết khóc cho ai cũng phải rơi lệ vì cảm khái ơn đức của họ.

Sở dĩ ông nhận ra cậu ta ngay tức khắc là nhờ...!cái miệng móm sọm ấy, đáng ra sau khi nhận được số tiền hậu tạ của ông thì gia đình nên đưa cậu ta đi niềng răng mới phải, sao lại để cho khuôn mặt nó "vũ như cẩn" thế này không biết.

- Ủa anh ơi?
- Dạ?
- Tui đâu có dặn mấy món này.

- Tại...!có khách đặt rồi hủy nên bọn tôi tặng ngẫu nhiên cho...!
- Vậy hả? Hì, cảm ơn nghen.

- Lê Đức Hoàng vội vàng xách lấy vì sợ anh ta đổi ý.

Lê Đức Hoàng thơi thới xách tám túi đồ ăn ra bãi giữ xe.

Vừa máng mấy túi nylon đựng đồ ăn, hắn vừa nghe tình khúc "Linh hồn tượng đá" do Anh Tú trình bày.

Đấy là bài hát mà hắn rất yêu thích nên nán lại nghe cho đến khi hết nhạc mới chịu về.

Thấy có người đồng sở thích với mình, con trai chủ quán bèn tăng âm lượng thêm một chút và phát lại lần nữa.

Bản nhạc "Linh hồn tượng đá" được nhóm nhạc Lê Minh Bằng viết sau lần gặp gỡ ba cô gái Mai - Bích - Dung ở Vũng Tàu.

Các ̀ông gặp ba cô gái mặc áo dài ở Bãi Trước.

Ông Minh Kỳ là người đề xướng và kiêm luôn việc mời các cô lên xe của nhóm ông, do ông Anh Bằng và ông Lê Dinh ngại ngùng nên cứ đùn qua đẩy lại mãi mà không ai chịu bước xuống bắt chuyện với các cô.

Vì ông Anh Bằng và ông Minh Kỳ đã ngồi ở băng trước (xin nói thêm, ông Anh Bằng là người lái xe), nên ba cô gái vào băng sau ngồi với ông Lê Dinh; cô Mai ngồi cạnh ông Lê Dinh, cô Bích ngồi giữa cô Mai và cô Dung, còn cô Dung ngồi ngoài cùng cạnh cửa sổ.

Qua lời kể của các cô thì các cô là sinh viên đang theo học một trường trên Sài Gòn, hôm nay xuống Vũng Tàu để tìm con sứa về học thí nghiệm.

Có lẽ cảm mến các cô, nên các ông ngỏ lời mời các cô dùng bữa ở Bãi Sau với nhóm mình, các cô liền vui vẻ ưng thuận.

Để kỷ niệm lần hội ngộ ấy, ngoài viết nên tình khúc này, các ông còn ký tên tác giả là Mai Bích Dung, ghép từ tên riêng của các cô lại với nhau.

Sau khi sáng tác xong, ông Anh Bằng tìm tới trường mà các cô đang theo học trao tặng cho mỗi cô một tờ nhạc có đính kèm chữ ký của mình và hai người bạn thiết.

Mua xong một hộp gà ác hầm sâm, Anzu tức tốc tới nhà giam thăm cháu trai.

Con gái của bà đã liên lạc với một luật sư nổi tiếng trong nước, còn chồng của nó sẽ về nước sớm hơn hạn định để lo liệu chuyện nhà.

Ban nãy Anzu có thấy tướng Luận và thanh tra Richard, song bà không bận tâm đến họ.

Anzu nhìn thấy đứa cháu trai hốc hác thấy rõ chỉ sau một tuần ở tù mà bà vẫn giữ nguyên khuôn mặt "Linh hồn tượng đá".

- Bà có mua cho cháu một phần gà ác hầm sâm.

- Bà...!
- Cháu biết không? Trên đời này ngu dại nhất là kết giao với đám bút nô.

Trước hay sau, sớm hay muộn, chúng cũng đem cháu ra thí mạng để lập công với chủ thuê.

- Cháu không tin.

Tụi nó tốt với cháu dữ lắm...!
- Và giờ này thì tụi nó ở đâu?
Thấy sắc mặt của cháu trai hiện rõ vẻ bất mãn, Anzu thôi đóng vai "bà của Quàng Khăn Đỏ":
- Nghe tôi dặn một câu này.

Tụi nó hỏi cái gì cũng tuyệt đối không được hé răng một tiếng.

Chúng chắc chắn sẽ ghi âm lại, rồi chỉnh sửa để làm bằng chứng kết tội cậu.

Thời đại bây giờ tân tiến lắm, chỉ cần chúng thu được giọng nói của cậu, chúng sẽ tha hồ...!
Cháu trai của ta không dám hé răng một tiếng.

Cậu ta ngồi im re mà nhìn người bà rất mực thương yêu mình với tâm trạng sợ sệt kỳ lạ.

- Cậu nên nhớ kỹ một điều.

Tôi từng sống chung chạ với giới xã hội đen, mà vẫn còn giữ được mạng sống lẫn tài sản cho mình thì việc liệu sự của tôi không bao giờ sai đâu.

- Bà...!
- Sao?
- Dạ, bà còn chuyện chi giấu...!
- Tốt nhất cậu không nên biết...!Canh còn nóng, mau ăn đi.

Trước khi bạn tù của cậu dùng nó thay cho "dầu gội đầu".

Viên cảnh sát đưa Anzu rời khỏi phòng thăm nuôi.

Anh thấy bà ta cầm một tấm ảnh úp xuống thì ngỏ ý muốn xem.

Bà liền đưa ngay lập tức.

Trong hình là một người con gái hãy còn rất trẻ đang ngồi bó gối trên mui xe Cadillac, vừa nhìn là đã biết ngay đây là hình chụp của bà thời còn thanh xuân vì ánh mắt và tác phong giống nhau như lột.

Để ý kỹ hơn, anh ta thấy một người đàn ông tóc bạch kim ngậm tẩu thuốc đang ngồi ở vị trí lái xe.

Anzu biểu anh ta trả lại tấm ảnh.

Vừa cất nó vào trong chiếc xắc tay, bà vừa chúc anh ta vài câu tốt lành, rồi ra ngoài bãi đậu xe lên taxi đến điểm hẹn kế tiếp.

Đó là một quán cơm của người Hẹ, nằm trong một con hẻm nổi danh "lò luyện thi" bao đậu; cái quán cơm của ông lão giang hồ bỗng chốc trở nên lạc lõng giữa bốn phương tám hướng toàn thành phần trí thức và mở miệng ra là chêm ngoại ngữ.

Nhưng nhờ thế mà quán ông lão ít bị cạnh tranh.

- Tôi cần gặp ông chủ của các cậu...!Tôi tên là Mai Tuyết Lệ.

Không đầy mười mấy phút, một cụ ông từ trong nhà chống gậy bước ra mừng bà.

- Em gái.

- Phải, em đây.

- Có phải cháu trai của em đã bị bắt rồi phải không? Anh nghe đám "rau má" với "giá sống" bàn chuyện ỏm tỏi hồi hôm qua.

Anzu mệt mỏi gật đầu.

- Được, anh sẽ nhờ mấy đứa cháu "nâng khăn sửa túi" cho nó.

Bỗng dưng ông lão lịnh cho sắp nhỏ bật bản nhạc "Mai" do Elvis Phương trình bày, một bài hát gắn với nhiều kỷ niệm một thời tung hoành ngang dọc của hai người.

- Mai.

- Em đang nghe đây...!
Tới tận bây giờ chưa ai có thể chắc chắn cô Mai là ai, vì người mến chuộng nhạc Vàng hãy còn phân vân giữa hai cô Mai tài sắc vẹn toàn: Phượng Mai và Thanh Mai.

Nhạc sĩ Quốc Dũng vẫn chưa xác nhận câu chuyện cô Phượng Mai tự nhận mình là nàng thơ trong ca khúc này là thực hay hư, nên câu trả lời tiếp tục rơi vào ngõ cụt...!
Anzu chợt trao cho ông cụ giang hồ già yếu ấy một gói quà.

Cụ liền mở ra xem.

Bên trong là một keo cao thuốc trị đau nhức xương khớp do đích thân bà sao chế.

- Xin lỗi vì tới khi sắp chết em mới thực hiện được lời hứa với anh.

- Kiếp sau làm em gái ruột anh nghen?
- Dạ được, thưa anh Hai.

Âu Dương Thuần Nhã đưa mắt nhìn Anzu một đỗi, rồi hỏi người bạn của mình:
- Bà ta quen mặt nhỉ?
- Ờ, cũng có đôi chút...!
Ngồi chuyện trò với anh Hai tới một giờ chiều, Anzu mới cáo từ ra về.

Trong lúc đợi chiếc xe Uber tới đón mình, bà mua ủng hộ cho anh Hai mấy món ăn có giá cao nhứt trong thực đơn.

Chiếc xe Uber tới rước bà thuộc hãng Toyota, dòng Highlander, xe mới toanh đến đáng ngạc nhiên, bởi bà chẳng nghĩ ai lại chịu chơi đến độ như vầy.

Người tài xế là nữ giới, nói giọng miền Tây, rất dễ thương và duyên dáng.

Ngồi nghe bản nhạc "Forever" do Stratovarius trình bày một đỗi, Anzu mới bắt chuyện với cô bé đáng tuổi cháu mình.

Nhờ sự thân thiện giữa hai bên mà quãng đường đi bỗng ngắn hơn đáng kể.

"Xịch."
Có ai đó đứng đợi bà dưới mái hiên của lớp dạy đàn, hình dáng và khuôn mặt trông rất giống một người, một người tình năm cũ.

Bà vội trả tiền taxi, rồi hấp tấp bước xuống xe.

Người đứng trước mặt Anzu không phải là cậu trẻ, mà là bản sao hoàn hảo của cậu ấy, Hác Đăng Khôi - Hác Vũ Quân.

- Bà là mẹ của con đúng không?
- Phải.

Tôi là mẹ ruột của cậu, người đã không nuôi dưỡng cậu suốt ba mươi năm nay.

Cho nên tôi không có tư cách nhận tiếng "Mẹ" từ cậu.

- Mẹ có bị tiểu đường không?
- Thời may tôi chưa bị.

- Vậy con mời mẹ đi ăn kem nhé?
- Cậu giống hệt như cậu ta...!
- Giống thế nào?
- Lần đầu tiên lãnh lương, muốn rủ tôi đi ăn kem, mà cậu ta lại mời như thế này: "Chị có sợ mập không?" Tôi ngạc nhiên hỏi lại: "Sao Khánh hỏi thế?" "Bởi nếu chị sợ mập thì tôi khỏi mời chị đi ăn kem, thay vào đó, tôi sẽ dẫn chị đi ăn bò bía với uống nước mía hạnh." Nói rồi cậu ta xòe cho tôi xem ba tờ tiền mệnh giá một trăm đồng, đó là công sức đi phụ hồ cả tháng nay của cậu ta, hèn chi mà tôi thấy cậu ta gầy rộc và đen nhẻm đi, khắp người thì trầy trụa và bầm tím đủ hình thái.

Nói xong, Anzu mời Hác Đăng Khôi ngồi xuống băng ghế đá dựng cạnh bậc tam cấp.

Miền Nam mưa nắng thất thường, đôi khi thấy vòm trời mới trong như đôi mắt cô gái xuân thì nhìn đời đầy kỳ vọng bỗng chốc chỉ sau một khắc đã hóa thành vần vũ mây đen.

Nhờ có mái hiên rất rộng mà hai người không bị mưa tạt ướt.

- Tôi và cậu ta thành một đôi ắt sẽ thành một cặp "Khánh kiệt Nước mắt - Khánh Lệ".

- Điện thoại của Anzu chợt báo có tin nhắn, bà xin lỗi Hác Đăng Khôi, rồi mở máy lên xem.

Cậu trẻ gửi cho bà liên khúc "Make you feel my love - Chasing Pavements" do danh ca Adele sáng tác, còn người cất giọng chính là cậu ấy.

Một món quà sinh nhật ý nghĩa nhất trong những năm cuối đời của bà.

- Màu mắt của cậu rất giống cậu ta...!
Hác Đăng Khôi miết mí mắt trái của mình, như thể đang ngầm phân xem câu nhận xét của bà ấy đúng hay sai.

Nhưng lần đầu tiên gặp tổng thống, trông thấy đôi mắt nâu ươn ướt lụy tình của ông là gã đã thừa biết mình đích thực con ruột.

- Tôi là gái giang hồ, đã tính không vướng mắc chuyện máu mủ ruột rà hay người thương - người ghét, song vẫn vỡ kế hoạch...!
- Sao mẹ không hỏi con tên gì?
- Hác Đăng Khôi, Hác Vũ Quân và Triệu Kiếm Phong, trong ba cái tên ấy cậu quyết định sống theo cái tên nào?
- Con vẫn chưa chắc chắn về quyết định của mình...!
- Cậu ta tuy mắc chứng lụy tình, song về phương diện ấy lại vô cùng quyết đoán và cứng rắn.

- Phương diện ấy là phương diện nào hả mẹ?
Anzu không đáp, chỉ nhếch miệng cười buồn mà nhìn màn mưa trắng xóa trước mặt.

Cơn mưa Tình Ái đã nhấn chìm không biết bao nhiêu kẻ lụy tình vào những trận cảm sốt bất tận.

Trong mắt những kẻ ngoài cuộc, bà là kẻ đáng ghét, là con bà đàng điếm mất nết; nhưng trong mắt cậu ấy, bà là người chị đáng yêu, là người tình muôn kiếp mang đến hạnh phúc cho kiếp người biến chuyển khôn lường.

"...!Thân em rồi hoang phế, lê theo thời gian giông gió
Thôi cũng đành cúi xuống, cho mộng đời thoát đi..."
Bản nhạc "Bài không tên số Bảy" của nhạc sĩ Vũ Thành An chợt văng vẳng trong tâm trí bà.

Vì mối tình đầu mà cụ đã sáng tác ra mười bài không tên bất hủ, còn cậu trẻ...!
- Cậu có muốn ăn cơm tôi nấu thử không?
- Dạ được.

Bây giờ thì cậu ta mới chịu "Dạ" với bà.

Nãy giờ toàn nói chuyện trỏng không, cộc lốc.

Cư xá mà cậu trai ấy sinh sống hết sức yên tĩnh.

Buổi chiều có thể tản bộ trên vỉa hè râm mát bóng phượng, ngắm dòng sông Sài Gòn hiền hòa nhuộm màu hoàng hôn đẹp đẽ.

Đi mỏi chân thì ngồi xuống băng ghế đặt dưới một gốc phượng, rồi ngồi thưởng thức một món ăn hàng và nhâm nhi ly nước mía ngọt mát.

Hai mẹ con kẻ trước người sau thinh lặng như đã hòa vào cái bóng của riêng mình.

Một xe bán cóc ổi - mía ghim đang phát bài "Phượng hồng" do Duy Quang trình bày lên nghe đỡ buồn; có một thai phụ đang được chồng dìu đi, nhìn theo hướng họ chỉ trỏ thì đích đến chắc là xe hàng của bà thím.

"Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa Hè của tôi đi đâu?"
- Cậu sống ở đây một mình hay là...!
- Dạ một mình.


"Đinh."
- Mời mẹ vào.

Thang máy ở đây sao chạy chậm rì.

Hay sự ngột ngạt giữa hai người đã làm thời gian ngưng trệ nhỉ?
"Đinh."
Hác Đăng Khôi ngạc nhiên ra mặt khi thấy cửa nhà không khóa.

Anh ta thận trọng bước vào trong nhà dò xét, bà cũng thủ sẵn cái bình bông để đập vào đầu kẻ đột nhập nếu lỡ như xảy ra chuyện bất trắc.

- A, hai mẹ con về rồi.

Hai người ú ớ, à ồ mãi mà không thành lời.

- Nào, xuống đây xem tôi bày biện tiệc sinh nhật cho chị ra răng.

Anzu ngắm nghía bàn tiệc thịnh soạn một đỗi, rồi quay qua hỏi cậu trẻ:
- Học ở đâu mà giỏi thế?
- Hồi ở bên Mỹ tôi làm phụ bếp, nên giờ mới nấu nướng ra trò như thế này.

Hác Đăng Khánh đẩy dĩa đựng bánh sinh nhật sang phía Anzu, đoạn tuyên bố:
- Chúc mừng sinh nhật chị nha.

- Sao không mời ông già đất Thần Kinh?
- Cho thầy đứt gân máu à?
Hai chàng mật vụ nhớ tới khuôn mặt như lúc Tỉ Can liều chết can vua của Lạc Tương Giang mà nhìn nhau cười ngặt nghẽo.

- Không sợ bị phát hiện à?
- Kệ, sang năm là bị truất phế rồi.

Vui được giờ nào thì cứ vui giờ đó.

Há chị há?
- Tại sao "là bị" mà không phải là "bị"?
Hác Đăng Khánh nhún vai.

Đoạn hối bà mau chắp tay cầu nguyện rồi thổi tắt nến.

Anzu nhìn người đàn ông nhỏ hơn mình hai chục tuổi, rồi nhìn sang đứa con đáng bằng tuổi em trai của cha, bà chắp tay nguyện rằng kiếp sau xin hãy cho gia đình nhỏ của bà được đoàn tụ.

Hác Đăng Khôi ngây người nhìn cha mình, gã giờ mới hiểu tình yêu đích thực ra sao...!
oOo
Phạm Thành Nhân nhận được lệnh chuyển phòng, liền hồ hởi thu dọn đồ đạc rồi quải ba-lô đi theo viên cai ngục.

Các bạn tù cũ vẫy tay chào tạm biệt, nhìn vẻ quyến luyến của họ mà cậu cảm thấy thương thương, cảm thấy xao xuyến trong lòng đến lạ.

Căn phòng giam mà cậu sẽ "nương thân" trong khoảng thời gian này được đánh số 44, nhìn thoáng qua qua không khác nào chữ H kiểu, với con mắt kẻ giàu trí tưởng tượng thì nó lại hao hao băng đá công viên nhìn từ phía sau hay cái cầu thang có tay vịn.

Trong phòng có ba chiếc giường tầng, mỗi cái cách nhau chừng nửa mét.

Trên trần gắn quạt trần tám cánh và ở giữa mỗi lối đi của chiếc giường số Hai treo một cây quạt xoay mới toanh, hình như mới vừa gắn thôi.

Hai ông Ôn Thần ấy cao gần mét tám, dáng vẻ rắn rỏi, ngôn từ thô lỗ và tục tằn, nhưng ánh mắt của hai người dưới cái nhìn của Chúa và Phật thì còn có thể cứu rỗi được.

Người nói tiếng Nam xưng "Anh Hai", còn người nói giọng Bắc thì xưng "Anh Cả".

Anh Hai nằm giường số Một, còn anh Cả chọn giường số Ba sát cửa sổ.

- Dạ, cho em hỏi chút.

Sau hai anh kẻ Bắc người Nam mà kết nghĩa kim bằng hay vậy?
Anh Hai biểu cậu ngồi xuống cái giường ở chính giữa, rồi húng hắng giọng một đỗi mới chịu kể lại:
"Mày biết bố mày là ai không?"
Anh Hai phun ngụm nước súc miệng xuống bồn rửa mặt, rồi mới quay qua thoi cho anh Cả một đấm vào bụng.

Đoạn nắm cổ áo anh Cả mà gằn:
"Tao đánh cho mày hết về đất Bắc gặp bố mày luôn."
Hai bên lao vào đánh nhau một trận sinh tử, rồi bị cai ngục xách đầu mỗi thằng vào phòng biệt giam.

Nhờ một cơ duyên dài dòng mà họ chuyển thù thành bạn, tuy rằng hai thằng vẫn khắc khẩu và đánh nhau đều đều như cơm bữa.

- Quen nhau kiểu này hình như không được vui cho lắm...!
- Vui c** tao chứ vui.

- Hai người đồng thanh nói, rồi quay sang liếc háy đối phương.

- Dạ, mấy anh biểu em ngủ ở đâu?
- Qua dãy giường kia nằm đi.

Tao không muốn ai nằm trên đầu tao hết.

- Nằm dưới chỗ tao nè.

- Anh Hai ngoắc cậu ta lại.

- Anh ơi, anh ơi.

- Sao?
- Sao anh Cả hổng nằm trên như anh?
- Cho nó té lòi bản họng hay chi? Thằng đó có tật ngủ mê, ý là nằm chỗ thấp mà vẫn bị bầm dập mình mẩy hoài.

- E hèm...!
Anh Cả đằng hắng xong, liền quay mặt vào vách cho dễ ngủ.

Phòng này yên tĩnh hơn phòng giam cũ của cậu.

Có lẽ vì chỉ vỏn vẹn ba người, không phải chung lộn với hàng tá người như ở chỗ kia.

Ánh trăng mờ hắt vào ô cửa sổ thông hơi bé xíu trên bức tường loang màu hoen ố của dòng chảy thời gian rền rĩ.

Tiếng dế tự do vọng vào tai cậu như đang ra rả châm biếm cái thói "cẩu nô tài" mà cậu từng có trong quá khứ.

Cậu thiếp đi trong hai hàng nước mắt mặn đắng tình đời.

Âm thanh cuối cùng mà cậu nghe trước khi chìm vào cõi Mộng là tiếng ngáy như bò rống của hai ông Ôn Thần trẻ tuổi.

...!
Tiếng chuông báo hiệu nghe hệt như tiếng trống thúc quân ra trận.

Không khí yên tĩnh của buổi đêm nhanh chóng thay bằng sự ồn ào của một ngày mới.

- Xuống dưới kia lấy đồ ăn sáng rồi ra nông trường trồng cải.

- Anh Hai cúi mặt xuống thông báo.

Phạm Thành Nhân la "Á" một tiếng vì trông thấy khuôn mặt "ngược đầu" của anh Hai, làm gã anh Cả ôm bụng cười chảy nước mắt.

Nhờ có sự hộ tống của hai ông Ôn Thần mà việc xếp hàng lấy cháo của Phạm Thành Nhân không gặp chuyện gì khó chịu.

Tô cháo nước nhiều hơn gạo và thịt, rau hành thì được một nhúm; ai có "phiếu bé ngoan" thì được thưởng cho cái trứng chần.

Tự nhiên cậu thèm một ly cà-phê Starbucks.

Sau bữa sáng, giám thị đưa họ ra một bãi đất màu mỡ, xanh um màu cải.

Số cải này nằm trong khẩu phần của họ, nên mỗi tù nhân đều ý thức giữ gìn từng tấc đất, diệt trừ từng mầm mống sâu bọ, cỏ dại.

Chú giám thị nhìn thân hình "Triệu Phi Yến" của Phạm Thành Nhân một đỗi khá lâu mà vẫn chưa chịu giao cây cuốc để cậu ta đi làm việc, bởi chú sợ oắt con này sẽ lăn đùng ra đất bất tỉnh nhân sự sau nửa tiếng phơi đầu cuốc đất ngoài nắng.

"Càng nhìn em, yêu em hơn và yêu em mãi..."
Chú giám thị trừng mắt liếc kẻ hát nhạo chú.

Anh ta đang đứng núp sau lưng thằng bạn mà cười ngặt nghẽo.

- Đứa nào vừa hát "Tình bơ vơ" của Lam Phương ra đây ngay lập tức, tao cho mày thành "lam lũ" luôn.

Anh ta tỉnh bơ bước lên nhận.

Hai chân đứng nhịp tới nhịp lui như đang nhảy Disco.

Thấy cái dáng đứng cợt nhả của anh ta, cơn giận của viên giám thị càng tăng cao dữ dội, chú quát "Nghiêm", rồi ra lệnh đi lau dọn nhà vệ sinh ngay lập tức.

- Ghẹo chả chi vậy?
- Nắng thấy mẹ tao luôn, tao vô nhà tắm lau chùi còn khỏe hơn dang nắng với tụi mày.

- Chỗ đó gớm thấy bà mà mày lại "yêu thích".

Gã tù nhân có "cái miệng không ngủ yên" thơi thới xách "đồ nghề" đi theo viên giám thị.

Hai người vừa mất hút sau khúc ngoặt hành lang, đám tù nhân xúm xít lại hỏi han Phạm Thành Nhân.

- Làm việc!!! Tính làm Gia Cát Khổng Minh bày mưu lập kế đào tẩu hả?
- Đ* má mày khó như chó...!Đứng nói chuyện cũng không cho nữa...!- Một gã trong bọn ngửa mặt chửi đám lính canh.

Phạm Thành Nhân chẳng hiểu tại sao họng súng lại không khiến cho gã ta chịu quy phục luật lệ nhà giam.

- Mau làm việc thôi.

- Anh Cả đẩy Phạm Thành Nhân vào một vuông đất mềm dễ cuốc, rồi kêu thằng bạn theo mình kiếm vuông đất khác.

Chưa kịp khoác áo nhà binh thì Phạm Thành Nhân đã phải khoác áo nhà tù.

Đây là do cậu ngu dại rước về, chứ không phải là vụng dại gây ra.

Cậu trút hết nỗi căm phẫn bản thân xuống lòng đất hôi mùi phân bò, quai hàm cậu bạnh ra, cặp mắt long lên sòng sọc, mười đầu ngón tay miết mạnh lên cán cuốc tới xung huyết.

Thấy cậu làm việc hăng hái quá mức, đám bạn tù xầm xì vài lời, rồi cũng cắm mặt làm việc tiếp.

"Hoét."
Viên giám thị thổi còi ra hiệu cho tù nhân xếp hàng để trả lại nông cụ cho mình.

Mọi sự đương êm đẹp, chú tinh ý trông thấy mười đầu ngón tay của cậu đỏ bầm như bị dập móng, liền lo lắng hỏi:
- Nếu không trụ nổi thì tôi sẽ chuyển cậu qua khu vực làm đồ thủ công - mỹ nghệ.

Phạm Thành Nhân gượng cười cảm ơn, rồi thấp giọng nói con trụ được thưa chú.

Viên giám thị có nghe phong thanh rằng cậu ta giết người, nhưng chú trộm võ đoán rằng với thân hình "cuốn theo chiều gió" ấy thì việc vật một ông sếp to béo xuống sàn nhà rồi ghì chặt để cắt cổ là chuyện bất khả thi.

Nhưng chú đâu có ngu dại mà đi đóng góp ý kiến với sở điều tra, đã không làm ơn mà còn khiến vợ con và ba mẹ gặp chuyện bất trắc nữa.

Sau giờ cơm trưa, hai Ôn Thần hộ tống Phan Thành Nhân về phòng.

Bữa cơm có món cá chiên khá ngon nên cái miệng đã quen thói kén ăn của cậu đỡ vất vả trong việc tiếp nhận nó.

- Ủa, mày là ai? - Anh Cả vừa rót nước uống vừa hỏi.

Phòng của gã và hai người kia có thêm một tù nhân.

Người này mặt anh minh thần võ như Đức Thánh Trần, tác phong không hề giống dân ba đá như bọn họ.

- Lương Hảo.

Lương Hảo nói đoạn, ôm gói đồ của mình đặt vào cái giường tầng số Hai.

- Ủa sao mày vô đây? - Tới lượt anh Hai lên tiếng.

- Tôi được chuyển qua đây.

Hết.

- Ê bọn tao làm bảo mẫu một đứa thôi nghe.

Hai thằng là hổng có được đâu đó.

- Mày thích đọc sách?
- Phải.

- Thôi, qua giường tao mà nằm.

Nằm ở đó tối hù sao thấy chữ đọc được.

- Cảm ơn anh.

Lương Hảo ngồi tựa lưng vào thành giường đọc cuốn "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử".

Nét thiện lương nơi anh đối lập hoàn toàn với vẻ ngoài du đãng của hai gã trai trạc tuổi.

Chiều xuống, màn tắm tập thể khiến cho cậu trai nhà giàu cảm thấy ngường ngượng, nhưng cũng phải bấm bụng ráng chịu.

Đám tù nhân không hề có động tác khiếm nhã hay bạo hành cậu; bọn họ như trẻ nít được dịp trốn nhà tắm mưa, bởi trên khuôn mặt ai nấy đều lộ vẻ mừng vui và hạnh phúc thấy rõ.

Có đôi khi cách tìm lại lương tri cho một con người lầm lạc là hãy để người ấy được sống lại khoảnh khắc ấu thơ trong sáng đã qua...!
Lương Hảo thấy Phạm Thành Nhân đứng trong một góc mà lấm lét nhìn xung quanh thì chợt thấy tồi tội.

Anh tiến đến đứng chắn cho cậu ta lau mình mẩy và mặc quần áo.

Đợi khi nghe thấy tiếng cảm ơn nhỏ xíu như muỗi kêu mới xê ra chỗ khác cho cậu ta về phòng.

Đêm nay trăng quầng, báo hiệu hôm sau nắng to.

Ngoài trời lặng gió.

Trên trời quang đãng, chi chít sao xa.

Đám ếch nhái thi nhau hò hét trong những vũng lầy nơi vườn cải xanh mướt.

Phạm Thành Nhân lột luôn cái áo tù.

Cậu vo tròn nó rồi đặt kế gối nằm.

Vừa làm vừa than:
- Trời nóng nực quá...!
Lương Hảo bật bản nhạc "Gió lạnh đêm Hè" do Thanh Thúy trình bày lên, rồi cười hỏi:
- Giờ mát chưa?
- Rởn tóc gáy luôn.

- Cậu trai kéo mền cao tới tận cổ.

- Chưa đủ đô.

- Anh Cả trề môi.

Đợi cho bài hát kết thúc, Lương Hảo mới phát ca khúc "Đừng bỏ em một mình" do Thanh Lan ca.

Rồi bồi thêm bản "Yêu tinh tình nữ" của Thái Hiền.

- Sao mày trùm mền vậy? - Anh Hai cù vào lòng bàn chân thằng nhỏ mắc tù oan.

- Mấy anh làm ơn làm phước tắt nhạc được hôn?
- Nghe nốt bản "Như giọt sương khuya" của ông Anh Khoa ca cho đủ bộ.

- Thôi thêm ông "Liêu trai chí dị" đó nữa thì tôi hết dám đi "xả bụng".

- Phim "Như giọt sương khuya" hay lắm.

Nhưng kết thúc thật buồn, thật đắng.

- Lương Hảo nói đoạn, anh hòa theo giọng của người ca sĩ được mệnh danh "tiếng hát khói sương".

Để kết thúc chương trình "Sầu muộn", Lương Hảo phát ca khúc "Mắt lệ cho người" do Ngọc Lan ca cho đám bạn tù nghe.

Nghe được hơn nửa bài, cựu cảnh sát cất giọng trầm buồn:
- Nhạc sĩ Từ Công Phụng sáng tác bản "Mắt lệ cho người" dựa trên một bài thơ sầu khổ, và cụ vô cùng ngạc nhiên khi biết nội dung của bài thơ ấy hoàn toàn có thật.

Sau khi chương trình thơ nhạc mà cụ cộng tác phát sóng, cụ đã nhận được một bức thư của thính giả bên mình gửi qua, trong thư kể lại mối tình lâm ly bi đát của hai nhân vật chính trong bài thơ.

Gặp lại nhau sao nhiêu năm xa cách, đôi bạn thiết ngày nào là hai đứa trẻ thiếu thời nay đã trở thành hai người tù chính trị.

Ông A ra tù trước ông B, nên ông B mới nhờ ông A đưa chiếc vòng đeo tay bằng vỏ đạn có khắc hình bông điên điển về cho người thương ở quê nhà giùm ông.

Nhưng hỡi ôi khi tới nơi, thì cô gái ấy đã dọn đi nơi khác tự bao giờ, ông A đành cất nó vào hành trang vượt biển sang Hoa Kỳ...!
- Rồi hai người đó có gặp lại nhau hông? Mày kể lẹ lên coi...!
- Ít lâu sau, cụ Từ Công Phụng lại nhận được một lá thư có địa chỉ trong nước.

Người trong thư tự xưng là bạn của ông A, và thông báo rằng ông A đã gặp lại ông B...!Ông B bị mù hai mắt, sống bằng nghề hành khất và hát rong trên một bến cảng.

Người yêu cũ của ông B có tìm tới, nhưng ông B nhất quyết không chịu nhận mình là người mà bà ấy đã từng yêu; "Tôi không phải là người cô muốn tìm lại, chắc người giống người mà thôi", ông B khước từ.

Thuyết phục mãi mà ông B không chịu "nhìn" mình, bà đành quay lưng đi về, bao nhiêu u sầu đều hằn hết trên gương mặt luống tuổi.

Đằng sau lưng bà, ông B ôm đàn mà hát nghêu ngao như người mất trí, bởi ông B biết bà mà theo ông sẽ khổ suốt phần đời còn lại nên đã đem khối tình ấy chôn chặt trong tim.

Uống xong hớp nước lọc ngọt trong, Lương Hảo mới thủng thẳng nói tiếp:
- Nếu muốn đọc kỹ thêm chi tiết, có thể tra cứu theo từ khóa "Mắt lệ cho người - Câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ".

- Ờ, mai tao ghé thư viện mượn máy truy cập coi chơi.

- Anh Hai nói đoạn, quay mặt hướng xuống tấm chiếu ngủ khò.

Lương Hảo bật đèn học tiếng Anh, Phạm Thành Nhân bèn xin qua học chung.

Hai người to nhỏ "tụng bài" cho nhau nghe.

Ngày còn được tự do không biết quý trọng, suốt ngày thích dán mắt vào mạng xã hội xem thiên hạ cự cãi về mấy chuyện "lông gà vỏ tỏi" ở giới giải trí, Đất Nước thế nào thì phủi tay làm ngơ, người nghèo đói ngoài đường không bố thí một cắc nhưng rất thích "chia sẻ" mấy clip từ thiện.

Mới nghĩ tới đó thôi mà Phạm Thành Nhân đã cảm thấy mắc cỡ hết sức.

Cậu hoàn toàn có thừa khả năng để góp phần thay đổi và điểm tô Quê Hương - Dân Tộc, song lại chọn lối sống "rùa rút đầu" để được yên thân yên phận.

Ấy thế mà cậu cũng có được yên thân yên phận như ý muốn đâu, bởi không dám bài trừ và tố cáo cái ác mà giờ đây chúng đã vịn vào cái hèn của cậu để hãm hại cậu.

Nhưng nếu ở tù vì tội "Tổ Quốc trên hết" như cụ Phan Bội Châu thì cậu sẽ lấy làm hãnh diện lắm, bởi cậu sẽ hiểu được câu thơ mà cụ Nguyễn Công Trứ từng viết: "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả.

Anh hùng hào kiệt có hơn ai."
Đang ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ, Phạm Thành Nhân bỗng nghe tiếng của Lương Hảo:
- Tôi từng quen một người, trước ngày ông ấy ra tòa làm nhân chứng tố giác ổ tham nhũng, ông ấy đã ngồi hát cho bà ấy nghe bài "Lạy Mẹ con đi" của nhạc sĩ Anh Bằng.

Bởi ông ấy biết mình rất có thể sẽ bị thủ tiêu trên đường đi đến đó.

Nói đoạn, Lương Hảo cho Phạm Thành Nhân nghe ca khúc ấy qua phần trình bày của ca-nhạc sĩ Duy Khánh.

Trong lúc ấy, anh ta sắp xếp lại sách vở vào trong cái ba-lô hoa văn nhà binh của mình.

Phạm Thành Nhân nghe được nửa bài, cơn buồn ngủ kéo đến nên về giường nằm ngủ.

Lương Hảo nghe nốt bản nhạc, rồi mới chịu tắt đèn đi ngủ.

Anh cũng cởi trần mà ngủ như đám bạn tù chung phòng.

Toàn bộ quạt trong phòng đều cài số cao nhất, nhưng vẫn không đủ xua đi cơn oi nồng cố hữu của mùa Hè..

Bình Luận (0)
Comment