Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 47

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tháng giêng là tháng lễ hội, qua mồng bảy ngày Người được vài ngày là tới lập xuân, sau đó nữa là Tết Thượng Nguyên kéo dài suốt ba ngày ba đêm.

Ở thời này, tiết lập xuân có phong tục ăn đĩa xuân. Cái được gọi là đĩa xuân chẳng qua là dùng bánh bột mì cuốn rau để ăn.

Ở thời đại chẳng có nhà kính trồng rau như hiện giờ, khi mà nhiệt độ không khí xuống âm độ thì “rau xuân” nói cho đúng chẳng qua chỉ là một từ mang tính tượng trưng, phần lớn rau dùng để cuốn đều là các loại cải củ, cải thảo, hành được bảo quản qua mùa đông, kể cả ở trong cung thì cũng chỉ là thêm một ít rau cần, cọng tỏi non hay rau hẹ mà thôi.

Có thể có được một ít rau xanh trái mùa thật đúng là một chuyện khiến người ta vui mừng. Giống như mùa hè thích ban thưởng sữa bò ướp lạnh, cứ tới ngày lập xuân, hoàng đế đều phải ban thưởng đĩa xuân cho hoàng thân quốc thích và các đại thần để bày tỏ sự ưu ái. Ngự sử Chu Phụng Khanh có con trai đúng ngày lập xuân, lại vừa khéo được ban thưởng đĩa xuân, thế là đặt tên cho con trai là A Bàn, nghe có phần giống phong cách của Khổng Tử khi lấy tên cho con trai là “Lí”.

* “Bàn” nghĩa là đĩa; “Lí” nghĩa là cá chép.

Đĩa xuân dùng để ban thưởng trong cung được làm rất cầu kỳ. Rau được cắt thành sợi cực nhỏ, xếp riêng thành từng màu đỏ, trắng, xanh, vàng; bên cạnh đặt bốn, năm loại nước tương ăn kèm như tương mì, tương hẹ, thịt băm; lại có một đĩa riêng để đặt bánh bột mì, khác với bánh xuân kiểu nướng thời hiện đại, ở thời này bột làm bánh có thêm trứng gà, muối bột, dầu vừng trộn đều với nhau rồi đổ thành, vừa thơm vừa mềm.

Lúc trước còn ở trong ngự thiện phòng, Thẩm Thiều Quang có thể ăn được ba cái bánh cuốn to kiểu này, lại thêm một bát canh thịt dê.

Mặc dù bây giờ không có rau xanh trái mùa như thế nhưng cũng không còn bị trói buộc, Thẩm Thiều Quang liền thử phục chế món bánh xuân của thời hiện đại, còn về phần không đủ rau xanh thì… bù thịt vào thôi.

Trước tiên hãy nói về thứ bánh này, bánh đổ tuy làm nhanh nhưng bánh nướng dai hơn, thích hợp để cuốn đồ ăn hơn. Dùng nước nóng trộn bột mì, chia mì làm hai phần, ở giữa phết dầu, cán mỏng ra, đặt vào chảo gang đáy bằng rồi nướng với lửa nhỏ.

Các loại rau cũng không có gì mới mẻ, củ cải, cải thảo, hành bỏ vỏ, chỉ chọn phần non rồi cắt thành sợi nhỏ, thế là xong đĩa rau sống. Đồ ăn chín thì có các loại như trứng gà rán mỏng, giá xào, miến sợi, đậu phụ cắt sợi xào.

Tiếp nữa là các loại thịt, chân giò muối kinh điển, dạ dày lợn, gà xông khói, thịt muối tương, thậm chí là cả tai lợn má lợn, tất cả đều cắt sợi, đặt vào đĩa, người nào thích cái nào thì tự lấy là được.

Lúc ăn thì lấy hai lá bánh, bên trong phết nước tương, bỏ sợi hành, sợi củ cải, bỏ các loại thịt, bỏ trứng gà, mầm giá vào giữa, cuốn thành một cuộn, thế là có thể há miệng ra gặm.

* Bánh xuân của Thẩm Thiều Quang phỏng theo “bánh tráng” của Lương Thực Thu. Về rau xanh và đĩa xuân ở thời Đường có tra xét tư liệu nhưng không xác thực, có chi tiết tự suy luận. [tác giả]

Món đĩa xuân kiểu này vừa mở bán đã được nhiệt liệt hoan nghênh. Mặt bàn bày đầy từng đĩa từng đĩa, đủ mọi màu sắc, mùi thơm nức mũi, nhà bình thường làm đĩa xuân ăn làm gì có ai cầu kỳ đến độ có thể xưng là xa hoa như thế này? Mà quan trọng là giá cả cũng không đắt, dù sao thịt lợn cũng rất rẻ. Mà quan trọng hơn nữa là nó ngon thật, vốn dĩ chỉ là một món ăn cho đúng với phong tục ngày lễ, thế mà lại thành mỹ vị thật sự.

Món đĩa xuân vừa mở bán ngày đầu tiên đã bắt đầu đắt khách, dù đã qua lập xuân rồi nhưng cũng không ít người nghe tiếng tới nếm thử; ban đầu chỉ là ăn trong quán, sau lại có không ít người muốn mua về hoặc thậm chí là tặng cho người khác. Bán cho tới qua Tết Thượng Nguyên, mặc dù hơi trở ngại một chút nhưng Thẩm Thiều Quang cảm thấy chắc chắn sau lễ sẽ vẫn còn người liên tục tới ăn, dù sao thì vào tháng hai, tháng ba chính là mùa rau xuân, tới lúc đó thì bánh xuân mới thật là ngon.

“Tới lúc đó không thể dùng cải thảo với củ cải được, đổi thành hẹ xanh với trứng gà, cải bó xôi với miến sợi, thịt thái sợi với rau dền, nếu thêm một ít dưa chuột nữa thì món bánh xuân này…” Thẩm Thiều Quang vừa nặn bánh trôi vừa mặc sức tưởng tượng với A Viên.

A Viên nuốt nước bọt, tiếp lời: “Món bánh xuân này ta có thể ăn được tám, chín cuộn.”

Thẩm Thiều Quang: “…”

Thẩm Thiều Quang nhìn phần eo của A Viên: “A Viên à, ngươi đã từng nghe câu “Tháng hai ba bốn không giảm béo, tháng sáu bảy tám chỉ bi thương” chưa?”

A Viên lắc đầu rất dứt khoát: “Chưa nghe!”

Phía sau có tiếng phì cười, không cần ngoảnh đầu lại cũng biết là Vu Tam.

A Viên nghĩ ngợi một chút: “Chờ ăn xong đĩa xuân có cải bó xôi với dưa chuột rồi ta sẽ giảm.”

Thẩm Thiều Quang gật đầu, có cái hạn là được.

Phía sau có tiếng nói thản nhiên: “Chờ tới lúc ăn dưa chuột rồi thì ngươi đã ăn “đĩa hạ” rồi, sợ là tháng sáu bảy tám định sẵn phải bi thương rồi.”

A Viên tức giận trừng mắt nhìn Vu Tam, không thèm nói nữa.

Thực ra vừa rồi Thẩm Thiều Quang lỡ miệng mới nói vậy, bởi lẽ ở thời hiện đại, dưa chuột là thứ rất phổ biến, mỗi lần cuốn bánh xuân thì chắc chắn đều có.

Thẩm Thiều Quang quay đầu lườm cảnh cáo Vu Tam, nói đùa dỗ A Viên: “Thực ra mùa xuân cũng có dưa chuột, chỉ là hiếm có mà thôi. Lại nói lúc tiền triều…”

Chỉ cần nhắc tới “tiền triều” thì tức là cô nương đang chuẩn bị kể chuyện xưa, A Viên và A Xương đều vội vàng vểnh tai lên nghe, ngay cả Vu Tam cũng nhẹ tay hơn.

“Tết một năm nọ, thánh thượng muốn ăn dưa chuột, phái hoạn quan ra ngoài tìm mua. Giữa trời đông giá rét như vậy thì đi đâu mua được? Ấy thế mà lại tình cờ gặp được một người đang cầm hai quả dưa chuột đứng bán ở Đông Thị. Hoạn quan vui mừng quá đỗi, liền hỏi giá bán thế nào. Người bán dưa kia nói, năm mươi lạng bạc một quả, hai quả một trăm lạng.”

A Viên và A Xương đều há hốc mồm.

“Hoạn quan chê đắt, tới hè thì hai đồng mua được tận mấy quả. Người bán dưa nói, nếu chê đắt thì đừng có mua, ta giữ lại ta ăn. Nói xong thì thật sự cắn một quả nhai rau ráu.”

A Viên và A Xương càng há miệng lớn hơn nữa, A Xương lẩm bẩm: “Năm mươi lạng bạc cứ như vậy mà bị ăn mất…”

“Hoạn quan sốt ruột, sợ hắn ăn luôn quả còn lại, vội vàng lấy bạc ra muốn mua, nào ngờ người bán dưa kia lại nâng giá, quả còn lại bán một trăm lạng.”

Vu Tam nhếch mép lên, biết ngay là cô nương kể chuyện ắt phải có bẫy, quả nhiên…

“Hoạn quan lại chê đắt, người bán dưa kia nói “Nếu chê đắt…”, hoạn quan nghe được mấy chữ này thì vội vàng đưa tiền cho hắn, mua quả dưa chuột còn lại.”*

* Bắt nguồn từ “Vân Hương nói chuyện cái ăn” của Đặng Vân Hương, không rõ có xuất xứ cũ hơn hay không. [tác giả]

A Viên và A Xương cười ha ha, Vu Tam cũng bật cười, cúi đầu nặn bánh tiếp.

Thời này, Tết Thượng Nguyên còn chưa phải là thời mà bánh trôi nước thống trị toàn thiên hạ, mọi người ăn cháo thịt, mì tằm, bánh sợi hấp, bánh ngọc lương. Nào cháo, nào bánh hấp, bánh chiên, các loại thức ăn loạn chiến.

Đã loạn thế rồi thì cũng không sợ loạn thêm nữa, bánh trôi cũng phải hiện diện cho người ta biết mặt. Thẩm Thiều Quang cũng chỉ làm bánh trôi nhân vừng đen kinh điển, cũng đề cử cho các thực khách tới ăn cơm ngày Tết Thượng Nguyên.

Người thời này khá thiên vị đồ ngọt, đại đa số thực khách đều vui vẻ đón nhận món bánh trôi, ví dụ như Lâm thiếu doãn.

Tết Thượng Nguyên bỏ lệnh cấm đi đêm suốt ba ngày, không đóng cửa phường, toàn thành tha hồ vui chơi, “nhà nhà thắp đèn, nơi nơi sênh ca”. Người người nhà nhà vui chơi ăn uống trong phạm vi lớn suốt thời gian dài như vậy, trị an là một vấn đề lớn.

Cứ mỗi dịp này, trong kinh thành đều sẽ điều động rất nhiều cơ quan như Kim Ngô, Kinh Triệu để tránh các sơ suất lớn – còn mấy chuyện lặt vặt như tỳ nữ nhà ai bỏ trốn với người khác, nhà ai có trộm bị mất mấy đồng bạc thì khó mà tránh khỏi.

Lâm Yến là thiếu doãn phủ Kinh Triệu, là một trong những người phụ trách chủ chốt, phải trực suốt hai ngày liên tục, tới ngày thứ ba rốt cuộc cũng được nghỉ ngơi một chút. Ban đầu thì định ở nhà với bà nội – Giang thái phu nhân tuổi tác đã cao, chân tay lại không được tốt, mùa đông không thể ra khỏi cửa, không thể nào đi xem hoa đăng.

Nhưng thái phu nhân lại nhất quyết đuổi hắn ra ngoài: “Tết Nguyên Tiêu thì ra ngoài đi dạo một lát đi, cầu trừ tà ma, cầu phúc kiện thân.”

Lâm Yến không nỡ làm trái tấm lòng yêu thương của bà nội, đành phải cười đồng ý, định ra ngoài dạo quanh phường một vòng, ngắm cảnh một chút rồi về với bà nội.

Người ngắm hoa đăng trong phường không nhiều như tưởng tượng, bởi vì hôm nay đã là ngày thứ ba, nhiều người đã ngắm chán cảnh gần, rủ nhau đi chơi xa hơn, ví dụ như tới cửa An Phúc xem đạp ca*, tới Sùng Nhân Phường ở phụ cận xem tạp kỹ.

* Đạp ca là một điệu múa truyền thống của Trung Quốc, bắt nguồn từ thời nhà Hán và vô cùng thịnh hành vào thời Đường. Sở dĩ có tên gọi “đạp ca” là vì điệu múa này thường miêu tả cảnh du xuân đạp thanh thời cổ đại (đạp), và người ta vừa múa vừa hát cùng lúc (ca).

Không còn phải chen chúc chật chội nữa, Lâm Yến thấy đi dạo thế này tính ra cũng khá thú vị. Đứng ở đầu đường nhìn phía trước, hoa đăng treo dọc hai bên đường, sĩ tử chơi đoán đố đèn, tỳ nữ vây quanh cô nương nhà mình, tiểu đồng xách đèn lồng chạy đi chạy lại… Ngày lành cảnh đẹp, phồn thịnh yên vui.

47 đố đèn

* Đoán đố đèn (hay đố đèn) là một hoạt động vui chơi truyền thống của Trung Quốc vào lễ hoa đăng ngày Tết Nguyên Tiêu. Người ta viết câu đố trên giấy rồi dán lên đèn hoặc treo dưới đèn để người đi ngắm hoa đăng giải đố.

Đi thêm vài bước nữa thì nhìn thấy quán rượu Thẩm Ký.

Lâm Yến chậm rãi đi tới, ngẩng đầu nhìn hoa đăng treo trước cửa quán Thẩm Ký. Đèn thì chỉ là đèn hình trống thông thường, nhưng hoa thắng dán trên đó lại rất mới lạ, là hình hoành thánh, ngọc tiêm diện, gà nướng, xâu thịt các loại.

Lâm Yến không khỏi bật cười.

Vén rèm đi vào trong quán thì liền nghe được Thẩm cô nương đang cười nói: “Cái này gọi là bánh trôi mỹ nhân. Ngài nhìn xem, vỏ bánh này vừa trắng vừa mềm, có phải rất giống khuôn mặt của cô nương xinh đẹp không?”

Bà lão dẫn cháu nội tới ăn bánh ngọt bật cười thành tiếng: “Tên này đặt đúng lắm!”

Thẩm Thiều Quang chẳng qua chỉ đang nói đùa vậy thôi, lỡ như thi nhân nào ăn được món “bánh trôi mỹ nhân” này rồi làm bài thơ khen ngợi, người đời sau miêu tả mỹ nhân lại thêm một kiểu so sánh “da như vỏ bánh trôi” thì chẳng phải là tội lỗi của nàng lớn lắm sao.

Nghe tiếng mở cửa, Thẩm Thiều Quang ngẩng đầu lên, mỉm cười chào hỏi: “Lâm lang quân Tết Thượng Nguyên cát tường.”

Dáng vẻ tươi cười hiền hòa của Thẩm cô nương cùng với hoa thắng sống động ngoài cửa,  thêm cả danh xưng “bánh trôi mỹ nhân” này chính là lời giải thích tốt nhất cho cái được gọi là trong ngoài bất nhất. Cũng may Lâm Yến đã quen, cũng mỉm cười đáp: “Chủ quán Tết Thượng Nguyên cát tường.”

“Lâm lang quân có muốn nếm thử một ít bánh trôi nếp của quán bọn ta không? Bánh nhân vừng đen, vừa ngọt vừa thơm.”

Lâm Yến gật đầu: “Cũng được.”

Bánh trôi rất nhanh chín, chỉ một lát sau đã được bưng lên bàn.

Lâm Yến cầm thìa múc một cái, nhẹ nhàng cắn ra, đúng là mùi vị không tệ, rất ngon miệng.

Đôi bà cháu ngồi ở phía trong ăn xong đi ra ngoài: “Bà ơi, vị lang quân này cũng đang ăn mỹ nhân.”

“Không phải là mỹ nhân mà là “bánh trôi mỹ nhân”.” Bà lão dạy cháu trai.

“Thế cái gì là mỹ nhân?”

“Cô nương chủ quán này chính là mỹ nhân.”

Đứa bé gật đầu: “Cô nương rất ngon.”

Thẩm Thiều Quang đang thu dọn bát đĩa: “…”

Lâm Yến đang cắn dở chiếc bánh trôi: “…”

Thôi bỏ đi, lời con nít không chấp làm gì. Thẩm Thiều Quang bưng bát đũa vào bếp rửa.

Lâm Yến hơi mất tự nhiên liếc mắt nhìn theo bóng lưng Thẩm Thiều Quang, bỏ nửa cái bánh trôi trắng bóc nhân vừng đen ở trong thìa vào miệng, vị ngọt lan tràn giữa răng môi. Lâm Yến uống một ngụm nước canh, sắc mặt bình tĩnh trở lại, cái thứ trong ngoài bất nhất này thật sự có phần giống…

Thẩm Thiều Quang rửa bát xong, bưng một cái hộp nhỏ đi ra, bỏ vào trong đó mấy cái bánh trôi. Thấy Lâm Yến đã ăn hết bát bánh trôi: “Đã nhiều ngày không gặp thái phu nhân, không biết thái phu nhân có khỏe không? Đây là một ít bánh trôi nếp còn sống, nhân bánh giống nhau, chỉ là cách làm có hơi khác, phiền mang về cho thái phu nhân nếm thử.”

Lâm Yến cám ơn Thẩm Thiều Quang, muốn nói với nàng chuyện về mấy quyển sách của cha nàng, nhưng đề tài này hơi đột ngột, giữa ngày lễ vui vẻ thế này mà lại nhắc tới chuyện buồn bã như thế, Lâm Yến cũng không biết phải mở lời thế nào.

Thẩm Thiều Quang nhướng mày, tùy ý kiếm một đề tài: “Hôm nay trong phường ít người, mọi người đều đã tới cửa An Phúc xem đạp ca cả rồi, sao Lâm lang quân lại không đi xem?”

Thẩm Thiều Quang nghĩ bụng, với tính cách trầm lặng của vị này thì tám phần là một trạch nam, cho nên không thích ra ngoài đi lại, đương nhiên cũng có thể là dân tăng ca bán sức, những ngày toàn thành ăn chơi thả cửa thế này, thiếu doãn phủ Kinh Triệu như hắn lại chẳng được nghỉ ngơi, nói chưa chừng còn phải tăng ca mấy ngày, vất vả lắm mới rảnh rỗi một chút, hẳn là không thích chen lấn vào mấy chỗ đông người nữa.

“Hoa đăng trong phường cũng rất đẹp.” Lâm Yến mỉm cười nói.

Thẩm Thiều Quang gật đầu, đột nhiên cười hỏi: “Lúc trước ở cửa An Phúc, sao lang quân lại bỏ qua cho ta? Lúc đó ta còn tưởng là sắp bị đưa tới Lạc Dương cơ đấy.”

Trước kia Thẩm Thiều Quang cảm thấy có lẽ là hắn sợ gây rắc rối, sợ rước phải phiền phức, nhưng sau đó tiếp xúc với hắn, đặc biệt là lần trước nghe được cuộc nói chuyện của Lý tướng công với vị Lâm thiếu doãn này, biết lúc hắn còn giữ chức thấp đã từng làm chuyện tương tự như cha nàng ở kiếp này từng làm, như vậy chắc chắn không phải là kẻ nhát gan khéo đưa đẩy.

Đương nhiên là vận may của hắn rất tốt, hoặc cũng có lẽ là vì chức quan của hắn thấp, không chọc giận hoàng đế, không rước phải họa sát thân.

Cho dù là lý do nào đi chăng nữa thì suy đoán trước đó cũng không đúng, vừa rồi nhắc tới cửa An Phúc, Thẩm Thiều Quang đột nhiên muốn hỏi câu này.

Lâm Yến nhếch miệng: “Thánh thượng thả cung nhân ra khỏi cung là làm việc đức, là muốn bớt đi tiếng oán niệm chốn hậu cung, cô nương có mưu lược, cớ gì không thành toàn cho cô nương?”

Nghĩ ngợi một lúc, Thẩm Thiều Quang bật cười, cúi đầu thi lễ với hắn: “Đa tạ lang quân nhân hậu hiền lành.”

Lời cảm ơn này trong hư có thật, trong thật lại có hư, như bàn tay cầm cành liễu phất phơ của các cao nhân trong truyền kỳ. Lâm Yến bật cười, không biết mồm mép nàng thế này là từ nhỏ đã vậy hay là được tôi luyện trong cung.

Nếu đã nhắc tới chuyện ở cửa An Phúc, Lâm Yến cũng thuận thế tiếp lời: “Năm mới quét dọn nhà cửa, tìm được một ít sách của lệnh tôn ở trong nhà. Hôm khác ta sẽ cho người đưa tới cho cô nương.”

Thẩm Thiều Quang ngạc nhiên ngước mắt lên, gật đầu nói cảm ơn, vừa rồi còn vui vẻ hoạt bát, giờ bỗng chốc trở nên trầm lặng.

Lâm Yến muốn an ủi nàng vài câu, nhưng suy cho cùng thì cũng không quen thân, mà nỗi đau mất người thân thì không phải vài câu an ủi thường thường là có thể vơi bớt được, nhưng nếu bây giờ mà đứng lên nói cáo biệt ra về hay nói cái khác thì lại không thích hợp, thế là chỉ có thể ngồi yên lặng cạnh nàng.

Vu Tam, A Viên, A Xương từ bên ngoài về, vừa nhấc rèm lên đã chứng kiến cảnh tượng như vậy, dưới ánh đèn, lang quân nghiêm cẩn và cô nương xinh đẹp yên lặng ngồi đối diện nhau.

Mới hôm nay cô nương còn chọc ghẹo gì mà “Nguyệt thượng liễu tiêu đầu, nhân ước hoàng hôn hậu*” cơ đấy. Vu Tam lại liếc mắt nhìn Lâm Yến, tính ra thì cũng ra dáng…

* Trích “Sinh tra tử – Đêm Nguyên Tiêu” của Âu Dương Tu, dịch nghĩa là: Mặt trăng nhô lên ngọn cây liễu, người hẹn sau lúc hoàng hôn.

“Cô nương, lầu đèn đó cao tận mấy trượng, treo tận mấy trăm cái đèn…” A Viên kích động khoe khoang.

Thẩm Thiều Quang quay đầu cười hỏi: “Thật sao? Nghe nói là có luân đăng quay được, có thật không?”

47 lập xuân
Bình Luận (0)
Comment