Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 58

Bữa tối, Giang thái phu nhân cười hỏi: “Hoa hồng lộ là do hoàng thượng thưởng cho sao? Sao lại không thấy thẻ vàng đâu? Đúng là đồ trong cung, mùi hương rất nồng đậm.”

Cứ tới lễ tết, hoàng đế đều sẽ ban thưởng một ít thứ cho hoàng thân quốc thích và các đại thần, mùa hè thì kem anh đào, mùa đông thì thuốc mỡ cho môi hoặc mặt, các dịp lễ thì rau thịt rượu, cũng không phải là quá đắt hay quá quý giá, chẳng qua là tỏ ý thân cận coi trọng. Từ khi Lâm Yến kết thúc nhiệm kỳ bên ngoài rồi trở lại kinh thành làm thiếu doãn phủ Kinh Triệu tới giờ, mấy thứ này được ban rất thường xuyên.

“Không phải là của hoàng thượng thưởng.” Lâm Yến múc cho bà nội một bát cá, vừa cẩn thận gắp tiêu trong đó ra vừa nói: “Ngẫu nhiên được chút hoa hồng, vứt đi thì tiếc, cho nên nhờ quán rượu Thẩm Ký ngâm giúp chút mật hoa.”

Lâm Yến dừng một chút, lại tiếp: “Thẩm cô nương không chê phiền phức, còn giúp chúng ta chưng thêm cả hoa lộ.”

Giang thái phu nhân cười nói: “Thảo nào! Ta cứ nhủ sao không thấy thẻ vàng đâu. Thì ra bây giờ các cô nương vẫn còn lưu hành trò chưng hoa lộ này sao? Tay nghề của Thẩm cô nương tốt thật đấy. Lúc ta còn trẻ, mấy tỷ muội thân thiết cũng thích làm cái này, mùa xuân thì hoa nhài, mùa hè thì hoa hồng, mùa thu hoa quế, có người còn chưng cả hoa mơ, nói là mùi rất thơm.” Giang thái phu nhân đang kể chuyện lúc còn là khuê nữ.

“Lúc ông nội ngươi đang làm quan ở Hàng Châu, ta từng thử chưng chung mấy loại hoa với nhau, cũng rất được, lúc đó tặng cho thân thích hảo hữu, gọi là “bách hoa lộ”.” Còn đây là chuyện sau khi thành hôn.

“Sau này nhiều chuyện bận rộn, mấy thứ này cũng ít làm dần, mẫu thân của ngươi thì…” Giang thái phu nhân ngừng lời, cười nói: “Mấy chuyện xa xưa từ thuở nào thế này thì lại nhớ rõ lắm, sáng nay ăn cái gì thì lại không nhớ được, cái bệnh hồ đồ của ta cũng thật là lạ lùng.”

Lâm Yến đưa bát tới, hòa nhã nói: “Từ lúc ngài đổi toa thuốc tới giờ có vẻ đã khá hơn nhiều, mà có nhớ sáng nay ăn gì hay không thì cũng đâu cần phải sốt ruột.”

“Có nhớ được bữa sáng hay không thì đương nhiên là không cần sốt ruột, nhưng không nhớ được người không nhớ được việc thì lại không tốt. Nếu như ta mà khỏe thì cũng có thể ngắm giúp ngươi một nàng dâu.”

Lâm Yến rũ mắt xuống, mỉm cười: “Việc này không cần vội.”

Giang thái phu nhân lắc đầu không đồng tình.

Lâm Yến dùng đĩa nhỏ đưa cho bà nội một chiếc bánh ú mới bóc một nửa – thứ này khó tiêu, chỉ để cho bà cụ nếm thử một chút, Đoan Ngọ lại sắp đến rồi, đây là lần đầu tiên chưng bánh ú trong năm nay.

Nhìn đĩa bánh ú, Giang thái phu nhân đột nhiên nói: “Đại lang nhà ta cẩn thận tỉ mỉ như vậy, tướng mạo cũng tốt, chả lẽ còn sợ không cưới được cô nương tốt hay sao?”

Mấy người vú già đều sửng sốt, sau đó bật cười, ngay cả Lâm Yến cũng cười.

Nhìn đứa cháu trai khôi ngô tuấn tú đã trưởng thành của mình, Giang thái phu nhân vừa thấy hơi chua xót lại vừa vui mừng, trong lòng khe khẽ thở dài một hơi, cũng cười lên.

Ăn cơm xong, Giang thái phu nhân lại dặn dò “cẩn thận đường trơn” lần nữa, Lâm Yến đáp lời, hành lễ đi ra, đứng dưới mái hiên lồng guốc mộc, nâng ô lên, ra khỏi viện của bà nội, chậm rãi trở lại thư phòng.

Trận mưa lúc chạng vạng tối khiến việc làm ăn của Thẩm Ký hẩm hiu không ít, vừa mới qua giờ tuất đã không còn bóng người nữa.

Bốn người dọn dẹp một chút, Vu Tam hỏi: “Tối nay ăn món gì?” Cho dù có là đầu bếp giỏi cỡ nào thì cũng có lúc không biết nấu món gì.

Thẩm Thiều Quang cười nói: “Không phải que xâu mới đặt để nướng thịt đã được đưa đến rồi sao? Ta thấy hôm nay vẫn còn thừa chút thịt, chúng ta làm thịt nướng luôn đi!”

Vu Tam nhíu mày: “Không phải còn có bếp lò chuyên để nướng thịt sao? Phải hai ngày nữa mới đưa tới được.”

Thẩm Thiều Quang cười nói: “Đồ ngốc! Lấy chậu than để sưởi hồi mùa đông ra dùng tạm là được.”

Vu Tam: “…”

Biết cô nương là một người đã muốn là phải làm luôn, huống hồ bên cạnh còn có một A Viên đã đi tìm chậu than, Vu Tam chỉ có thể đi cắt thịt, ướp thịt.

Thẩm Thiều Quang cũng đi giúp một tay, chờ Vu Tam cắt xong rồi thì dùng các loại bột hồ tiêu, muối, đường, nước tương, rượu vàng, bột súng để ướp lên, bột thì là thì tới lúc nướng mới rắc lên.

Thời này thì là được gọi là an tức hồi hương, cũng giống như câu kỷ tử và sơn tra, đều được mua từ hiệu thuốc, nghe nói là có tác dụng lưu thông khí huyết và khai vị, trừ hanh giảm đau. Có trừ hanh giảm đau được hay không thì Thẩm Thiều Quang không biết, nhưng khai vị thì chắc chắn là có, rắc lên thịt nướng thì có thể tăng ba mươi phần trăm hương vị.

Đáng tiếc rằng người anh em thân thiết của nó là ớt còn chưa có, nếu không thì thật đúng là hương bay vạn dặm, đủ khiến người một phường phải hít hà.

Thẩm Thiều Quang nhìn ra màn mưa bên ngoài ô cửa sổ, năm nay đúng là siêng mưa thật, nếu như không phải do trời mưa thì đã có thể ăn thịt nướng ở ngoài sân, như vậy thì tuyệt biết bao, nướng trong phòng thì sẽ hơi bám mùi…

Cũng khéo thật, thịt ướp vừa xong, rau cũng vừa chuẩn bị xong thì mưa dần ngớt, thậm chí chân trời còn ló ra vài ngôi sao nho nhỏ.

Thẩm Thiều Quang xách hết bàn, chậu than, thịt, rau ra ngoài sân.

Vừa mới mưa xong, hơi nóng bị thổi lui, gạch lát sân cũng được nước mưa rửa sạch. Lấy chiếu trúc trước kia trải trong tiệm ra, bày bàn, bên cạnh bàn đặt mấy cái bồ đoàn, Thẩm Thiều Quang còn lấy cả túi dựa ra, vừa phe phẩy quạt vừa xem Vu Tam nướng thịt.

A Viên không đợi nổi, ngồi cạnh đó cầm búa đập vỡ hạt óc chó ăn tạm lót bụng. Thẩm Thiều Quang thỉnh thoảng vươn tay ra, A Viên sẽ chia cho nàng vài hạt.

Thẩm Thiều Quang đột nhiên cảm nhận được chút ý tứ “Màu tối thềm trời như nước mát, nằm trông ả Chức gặp chàng Ngâu”, chẳng qua của người ta là đêm Thất Tịch, của mình thì còn chưa tới Đoan Ngọ, chỗ người ta thì trong vắt thanh tịnh, chỗ mình thì toàn là mùi thịt nướng… “Nến soi bức họa, lạnh đêm thâu”*, có phải là nên mang bức bình phong mà Lâm phủ tặng ra bày cho hợp với tình hình không?

* Trích “Thu tịch” (Đêm Thất Tịch) của Đỗ Mục, bản dịch của Trần Trọng San.

Nhưng Thẩm Thiều Quang nghi rằng “bình phong” trong bài thơ không phải là kiểu bình phong giá lớn đặt dưới đất mà là bình phong gối đầu giường, nào là “Gối trúc cuộn chăn làm bức bình phong”, nào là “Đầu giường có bức bình phong đậm sắc thu”, hay là “Vách thô, gối đá, giường tre, mỏi tay, buông sách giấc hè đắm say*”

* Lần lượt trích từ “Cảm hoàng ân – Trên gối” của Lý Cương, “Chúc ảnh dao hồng – Tùng song ngọ mộng sơ giác” của Mao Bàng, “Hạ nhật đăng xa cái đình” của Thái Xác [tác giả]. Câu cuối lấy từ bản dịch của Ngô Văn Phú.

Bình phong gối đầu là một thứ riêng tư, hình gì cũng có thể vẽ lên đó, có cuốn truyền kỳ viết rằng trên bình phong gối đầu của thư sinh vẽ một mỹ nữ đang đi bộ*… Thẩm Thiều Quang cười thô tục, có lẽ bình phong gối đầu của thư sinh này là cùng bộ với Phong Nguyệt bảo giám** trong Hồng lâu mộng.

* Tham khảo “bình phong gối đầu” trong “Di Kiên chí” của Hồng Mại thời Nam Tống. [tác giả]

** Chỉ nhân vật Bảo Ngọc, một kẻ phong lưu đa tình.

Nghĩ tới bình phong, đương nhiên không thể tránh khỏi nghĩ tới người tặng bình phong, không biết trên bình phong gối đầu của Lâm thiếu doãn vẽ cái gì nhỉ?

Vị Lâm thiếu doãn này khiến Thẩm Thiều Quang hơi khó xử. Thẩm Thiều Quang biết đồ ăn trong quán mình ngon, nhưng có ngon tới mức khiến con cháu nhà danh gia vọng tộc quen ăn ngon mặc đẹp lại am hiểu rộng rãi như thiếu doãn phủ Kinh Triệu coi nơi đây thành nhà ăn luôn không?

Lại còn quà đáp lễ khách sáo quá mức như vậy, lần đầu tiên thì không nói làm gì, khi đó vừa đúng lúc nàng mua nhà, nhưng lần này…

Nhưng ngoài cái này ra thì lại không có điểm nào khác thường nữa.

Lâm thiếu doãn là người lý trí như vậy, có tài mạo có gia thế như vậy, chắc cũng không đến nỗi đi yêu nàng chứ?

Thẩm Thiều Quang tự bật cười trong bụng, tự đa tình là bệnh, cần phải trị! Biết đâu chỉ là người ta lắm tiền, lễ nghi chu toàn thì sao? Danh gia vọng tộc xem trọng đủ thứ linh tinh, thói quen gì mà không có?

Vương Tử Du còn nửa đêm tuyết rơi ngồi thuyền đi tìm bằng hữu, đến cửa nhà rồi lại đi về cơ mà, nếu Đới An Đạo mà nghĩ nhiều thì đã cho rằng tiểu tử này có tình cảm bí mật gì đó không thể nói với mình rồi*.

* Vương Huy Chi, tự Tử Du, là nhà thư pháp, con trai thứ năm của thư thánh Vương Hy Chi. Đới Quy, tự An Đào, là ẩn sĩ thời Đông Tấn, là nhà bác học đa tài, đồng thời là nhà tạo hình mỹ thuật, nhà điêu khắc, cả đời không làm quan, kiên quyết từ chối lời xin gặp của Vũ Lăng Vương và Vương Huy Chi trong đêm tuyết.

Lại thử nghĩ từ góc độ khác, cho dù Lâm thiếu doãn thật sự có chút ý tứ với mình thì sao? Hôn nhân không môn đăng hộ đối thì tỷ lệ hạnh phúc quá nhỏ. Hôn nhân cũng giống như mua lại và sáp nhập một công ty, ở giữa liên quan tới sự hợp tác trên nhiều phương diện như tài sản, nhân sự, thật sự không phải là một bên “hữu tình” thì có thể đảm bảo hợp tác suôn sẻ và đôi bên cùng có lợi lâu dài.

Nghĩ tới “hữu tình”… Thẩm Thiều Quang cười một cái, đời này của A Tề đã đủ quanh co gập ghềnh rồi, bây giờ không cần phải vì hôn nhân mà lao vào một cơn sóng cả khác nữa, cứ quanh quẩn nơi phố phường với thịt nướng bánh mì như thế này cũng rất tốt.

Thẩm Thiều Quang ngửa đầu nhìn ánh sao trên bầu trời, chờ tới lúc già rồi không biết mình có hối hận vì lúc còn trẻ không thử làm thiêu thân dũng cảm lao đầu vào lửa một lần như Sở cô nương hay không, hoặc là không thử tùy hứng như Phúc Tuệ trưởng công chúa vậy…

Nghe thấy tiếng nói “lang quân cẩn thận dưới chân”, nàng nghiêng đầu sang, nhìn thấy Lâm thiếu doãn đang đứng ở cửa viện.

Thẩm Thiều Quang: “…”

A Xương cười xòa: “Nô đi ra đằng trước lấy rượu, vừa khéo thấy Lâm lang quân tới…”

Cho nên ngươi dẫn hắn ra sau hậu viện nhà mình luôn? Thẩm Thiều Quang biết khuyết điểm của A Xương, cứ thấy “quý nhân” là lúng ta lúng túng.

Thôi bỏ đi, đã tới rồi thì ở lại thôi.

“Nếu lang quân không chê thì mời ngồi xuống ăn chút thịt nướng.” Thẩm Thiều Quang đứng lên cười nói.

Lâm Yến gật đầu: “Quấy rầy rồi.”

Đời này Lâm Yến còn chưa từng làm chuyện “phi lễ” kiểu buổi tối vào trạch viện của nữ tử như vậy, hơi thiếu tự nhiên, nét mặt lại càng có vẻ nghiêm túc hơn.

Thẩm Thiều Quang nhìn hắn, rõ ràng là tới ăn chực thịt nướng, thế mà mặt mũi chẳng khác nào đi mở hội nghị thường vụ.

Vu Tam chẳng hề tỏ thái độ gì, đưa xâu thịt dê, xâu thịt gà, xâu thịt ba chỉ, xâu đậu phụ bánh mì rau cải đã nướng xong cho A Xương, A Xương lần lượt đặt lên một cái khay lớn bưng lên cho khách và cô nương nhà mình, lại không biết có cần phải gỡ ra cắt thành miếng nhỏ giúp khách hay không, Lâm Yến hòa nhã nói: “Để ta tự làm là được rồi.”

Phần còn lại nướng xong thì Vu Tam tự cầm, lại bưng một khay bánh mì, dẫn A Xương, xách A Viên trở về phòng mình ăn.

Thẩm Thiều Quang cười nói với Lâm Yến: “Mời lang quân dùng, chớ có khách khí.”

Lâm Yến mỉm cười gật đầu: “Đa tạ rượu thịt của cô nương.”

Vốn còn muốn phục chế một bữa chè chén ngồi ghế xếp nhai thịt nướng tới tận đêm, cuối cùng lại biến thành một bữa tiệc xã giao. Thẩm Thiều Quang cũng không tiện cầm cả xâu lên miệng gặm, đành phải lột thịt cho vào trong đĩa, cầm đũa gắp lên ăn – cảm thấy mùi vị nó cũng khác đi.

Lúc này mà “ăn không nói” thì bầu không khí quá ngượng ngập, Thẩm Thiều Quang ăn chút thịt, uống một hớp rượu, bắt đầu bắt chuyện: “Than củi hôm nay không tốt, vẫn nên dùng than từ củi thông thì nướng lên mới có mùi thơm của thông, hoặc là dùng than từ gỗ cây ăn quả, gỗ cây táo, nướng lên sẽ có vị thơm ngọt.”

“Nếu không có những loại than củi này thì nhặt ít quả thông đặt trên than cũng được.” Thẩm Thiều Quang lại nói.

“Đây là cách làm trong cung sao?” Lâm Yến cười hỏi.

“Trong cung đâu cần tốn công như vậy? Đây là biện pháp của một vị tiên sinh họ Lương nghĩ ra.” Thẩm Thiều Quang rất tin tưởng Lương Thực Thu tiên sinh, nghĩ bụng tới Tết Trùng Dương đi chơi có thể lên núi nào có rừng thông tìm thử một ít.

“Chỉ thế này đã ăn rất ngon rồi.” Lâm Yến hơi rũ mắt, nhìn bàn ăn trước mặt, mỉm cười nói.

Thẩm Thiều Quang híp mắt cười, Lâm thiếu doãn càng ngày càng biết khen.

Thẩm Thiều Quang lại nói: “Còn chưa tạ ơn bức bình phong do quý phủ đưa tới, thái phu nhân thực sự quá khách khí.”

“Hôm nay bà nội ta mới khen hoa lộ do cô nương chưng, nói là “vị đậm mà hương lại thuần”, cô nương cũng chớ khách khí.”

Thấy hắn nói rất thản nhiên, Thẩm Thiều Quang nghĩ có lẽ thật sự là do mình đã nghĩ nhiều rồi, lập tức trở nên vui mừng hẳn: “Chỉ là căn nhà tranh đơn sơ của ta mà lại đặt một món đồ thanh lịch tao nhã như vậy thì đã làm hỏng mất cái đẹp của nó.”

Lâm Yến nhìn cây đào trước cửa sổ, dàn mây xanh biếc leo khắp tường, bên kia thì rau xanh chen chúc, mỉm cười nói: ““Sau thềm rợp bóng du liễu, trước sân xanh lá đào lê”, có gì xấu xí?”

Ha ha, quả nhiên mỗi người văn nhân đều mang trong mình giấc mộng ẩn sĩ, ở nhà cao cửa rộng thì nhớ cái thú vui rau vườn cá củi, xa trong chốn giang hồ thì lại thèm áo bào tím đai lưng ngọc, chậc chậc…

“Thiếu doãn là bậc trí thức thanh lịch tao nhã, người phàm tục như ta sao có thể sánh bằng.” Thẩm Thiều Quang cười đáp.

Lâm Yến liếc nhìn khuôn mặt tươi cười của nàng, nghĩ một đằng nói một nẻo, mồm mép tinh quái!

Nghĩ tới “tinh quái”, Lâm Yến lại cúi đầu uống một hớp rượu, khóe mắt thoáng nhìn thấy khuôn mặt tươi cười kia bị ánh đèn qua tấm chao đèn bằng lụa đỏ hắt lên, nhìn tưởng chừng như đào lê ngượng ngùng.
Bình Luận (0)
Comment