Tiệm Tạp Hóa Cấm Nuôi Hổ Đói

Chương 2

Từ khi bắt đầu ghi nhớ được sự việc, Hàng Du Ninh đã quen biết Hứa Dã.

Nhưng không phải ở đây mà là ở một thành phố nhỏ vùng Đông Bắc xa xôi nghìn dặm, nơi bốn mùa đều có gió Bắc lạnh lẽo.

Năm Hàng Du Ninh chào đời, bố mẹ cô đã gần bốn mươi tuổi, họ đã có một trai một gái, đã quyết định không sinh thêm nữa, nhưng rồi lại có cô.

Ở Đông Bắc có một câu nói, khi hai vợ chồng sau nhiều năm bất ngờ có một cô con gái, đó là "báu vật nuôi gia đình" mà Bồ Tát ban tặng, phụng dưỡng hai người và giúp cho cả gia đình thịnh vượng.

Nhưng Hàng Du Ninh sinh non, lúc sinh ra còn chẳng nặng bằng một chú mèo con, sau đó là chuỗi ngày tháng bệnh tật liên miên, bệnh vặt mãi mới khỏi được thì bệnh nặng lại ập đến, vét sạch vốn liếng của cả nhà.

Hơn nữa, từ nhỏ cô đã ngơ ngác, luôn chậm chạp hơn người khác, ba tuổi rồi mà nói năng vẫn không rõ ràng.

Trương Thục Phân lo lắng, nói rằng nên đưa cô cho một gia đình giàu có nuôi, vì gia đình không nuôi nổi cô.

Bố cô, Hàng Tầm, mỉm cười hiền hậu và nói: "Người mệnh lớn thường khó nuôi. Ngay cả khi Hoàng đế chào đời, trong phòng sinh còn có yêu quái nữa mà!"

Khi đó ông ấy làm đội trưởng Đội Cảnh sát, lẽ ra ông ấy phải là một người thô kệch rắn rỏi, nhưng ông ấy lại có phong thái của một trí thức thời xưa, tính cách ôn hòa nhưng một khi ông ấy đã cho là đúng thì ông ấy sẽ không dễ thay đổi suy nghĩ.

Trương Thục Phân ghét chăm con nhất, khi Hàng Du Ninh bị sốt không thể rời bố mẹ, ông ấy đưa cô đến đồn cảnh sát. Lúc ấy là thời kỳ đặc biệt, đồn cảnh sát rất hỗn loạn, Hàng Du Ninh nằm thu mình trong chiếc áo khoác của bố như một chú mèo con, nếu không nhìn kỹ thì không ai nhận ra.

Ấn tượng đầu tiên của cô về thế giới này chính là đám đông.

Dòng người đi qua đi lại, hầu hết đều giống như bố cô, mang hơi ấm và ánh sáng dịu dàng.

Nhưng giữa những người đó, luôn có một số người lạnh băng, ánh mắt như loài sói trong truyện, phần lớn trên tay họ đều đeo còng sắt.

Khi đó cô không biết điều đó có ý nghĩa gì.

Mà hồi ấy Hứa Dã là trùm của đám trẻ con trong khu.

Anh cầm cây thương, dẫn một đám nhóc hò hét ầm ĩ chạy loạn khắp nơi, còn thi đua xe đạp với một nhóm con trai, liều mạng lao xuống từ dốc cao, trèo cây chọc tổ ong vò vẽ, mọi người trong khu đều không thích anh. Có một ông già biết xem tướng số trước khi dựng nước, lén lút nói: "Thằng nhóc nhà họ Hứa này, sinh ra đã mang số mệnh phải vào tù rồi."

Hứa Dã và Hàng Nhã Phỉ học cùng lớp. Hàng Nhã Phỉ là đại đội trưởng có ba vạch trên vai, ngay cả người không sợ trời không sợ đất như Hứa Dã cũng bị cô ấy xách lên như xách một con gà con.

"Hứa Dã! Đi gọi mấy thằng con trai kia đi dọn vệ sinh!"

"Hứa Dã! Thu hết bài tập cho tôi!"

"Hứa Dã! Tôi phải đi làm bảng tin, cậu trông em gái giúp tôi một lát!"

Lúc đó các nhà trẻ xung quanh đều đã đóng cửa, khi Hàng Du Ninh không bị ốm, cô chỉ ngồi ngẩn người ở nhà. Trương Thục Phân sợ cô bị ngốc nghếch nên bắt Hàng Nhã Phỉ dẫn em gái ra ngoài chơi.

Hàng Nhã Phỉ là đại đội trưởng, bận rộn tổ chức các hoạt động học sinh, làm người nối nghiệp cách mạng đấy!

Vì thế cô ấy giao em gái cho Hứa Dã.

Hứa Dã rất sẵn lòng, vì chăm sóc trẻ con không phải tham gia họp lớp, mà anh thì ghét họp lớp lắm.

Hứa Dã đạp chiếc xe đạp Phượng Hoàng của bố mình, đặt Hàng Du Ninh ngồi lên thanh ngang, lao khắp đường phố. Anh và đám bạn tung cô lên trời rồi đỡ, thi xem ai tung cao hơn. Họ vẽ thêm ria mép cho cô, đóng giả làm một vị tướng Nhật...

Hàng Du Ninh rất thích Hứa Dã, vì anh mua hai hào kẹo mạch nha sẽ cho cô ăn một miếng. Không giống anh trai chị gái của cô, chỉ biết nói: "Ngồi yên đi! Đừng làm ảnh hưởng đến việc học của tao!"

Hôm đó, Hứa Dã đi đến khu phố khác để tìm người chơi trò "đập thẻ", cũng dẫn cô theo.

Thứ dùng để đập là những tấm thẻ hình tròn in đủ loại hoa văn. Nếu bạn có thể đập bay thẻ của đối thủ, bạn sẽ lấy được thẻ của họ. Trong đám trẻ con Đông Bắc, ai có nhiều thẻ thì sẽ được coi là giỏi.

"Ninh Ninh, hôm nay anh sẽ thắng cho em một trăm cái!"

Hàng Du Ninh gật đầu, giờ đang là tháng Chạp, gió lạnh buốt thổi tới làm mặt đau rát, nhưng cô vẫn cảm thấy rất vui. Hứa Dã cử mãnh tướng ra, đập bay thẻ của đối phương, rất vui, đám bạn reo hò hoan hô hay ủ rũ buồn bã, cũng rất vui.

Cô cảm giác như chính mình cũng đang tham gia vào trò chơi này vậy.

Thực tế thì cô chỉ nằm gọn trong vòng tay của Hứa Dã, ngơ ngác nhìn họ.

Hứa Dã rất mê trò này, dù đã có vài người đứng dậy rời đi, anh vẫn tiếp tục chơi.

Hàng Du Ninh thấy lạnh, cô nói với Hứa Dã: "Anh Tiểu Dã ơi, em muốn về nhà."

"Đợi một lát, anh thắng hết thẻ của bọn họ rồi đưa em về."

Răng cô va cầm cập vì rét, cô ngẩng đầu nhìn lên bầu trời.

Bầu trời mùa đông mang màu xanh ngọc cực kỳ trong, ánh tà dương rực cháy, trong ngọn lửa ấy hiện lên nhiều gương mặt, những gương mặt mà cô từng thấy trong đồn cảnh sát, có gương mặt dữ tợn, có gương mặt ủ rũ, có gương mặt đau khổ...

Dần dần, ngọn lửa trên trời càng cháy mạnh hơn, cô cảm giác như cơ thể mình cũng đang bốc cháy cùng nó. Liệu cô có biến thành một ngôi sao không...?

Trời đã tối đen, lũ trẻ trên phố đều đã về nhà ăn cơm, chỉ còn lại Hứa Dã và một cậu bé lớp lớn hơn đang kiên quyết phân thắng bại dưới ánh đèn đường.

Mãi đến khi Hàng Nhã Phỉ chạy tới, giẫm nát tấm thẻ của Hứa Dã, anh mới bừng tỉnh khỏi cơn cuồng nhiệt.

Sau đó, có một đôi tay muốn bế Hàng Du Ninh lên từ trong lòng anh, Hứa Dã định giành lại theo phản xạ, nhưng bị một bàn tay khác kéo sang một bên.

Trong cái lạnh âm 20 độ của mùa đông Đông Bắc, Hàng Du Ninh co ro người lại, mặt đỏ bừng, gọi mãi không tỉnh lại.

Lúc hơn năm giờ, Hàng Nhã Phỉ về nhà ăn cơm, Trương Thục Phân hỏi em gái đâu, Hàng Nhã Phỉ chỉ nói cô đang đi chơi với Hứa Dã, Hứa Dã sẽ đưa cô về sau. Chuyện này cũng thường xuyên xảy ra.

Hai mẹ con ăn cơm tối xong, bật đài radio lên, nghe đến mê mẩn.

Mãi đến bảy giờ, Hàng Tầm về nhà, hỏi con gái đâu, Trương Thục Phân mới giật mình vỗ đùi.

Lúc này, Hàng Nhã Phỉ đã tìm khắp nơi nhưng không thấy Hứa Dã đâu cả.

Đó là tháng Chạp lạnh nhất ở Đông Bắc, trời vừa mới tối, gió rét như dao cắt. Hàng Du Ninh mặc chiếc áo bông cũ của chị, không chắn gió được, cũng không giữ ấm được.

Đó là lần ốm nặng nhất của Hàng Du Ninh, bệnh viện nói cô sẽ không qua khỏi, bảo gia đình tranh thủ lúc cô còn chưa tắt thở mà chuẩn bị quần áo cho cô.

Chuẩn bị quần áo ở đây có nghĩa là khi chôn cất mặc cho cô bộ đồ mới, vì người chết rồi thì cơ thể cứng lại, rất khó mặc quần áo.

Những người lớn tuổi trong khu đều nói rằng, có thể Hàng Du Ninh mang số mệnh "mệnh đồng tử" (*), cô phải trở về trời làm tiên, nếu bố mẹ cố giữ cô lại trần gian thì sẽ chỉ làm hại cô thôi.

(*) Mệnh đồng tử: một mê tín phong kiến ​​trong dân gian. Đồng tử ở đây là đứa trẻ con bên cạnh các vị thần tiên. Người ta cho rằng, bất kể nam hay nữ, đó những người thường xuyên mắc phải những căn bệnh không rõ nguyên nhân sẽ khó tìm được bạn đời, kết hôn muộn, cứ đính hôn hoặc kết hôn sẽ bị bệnh tật hoặc chấn thương.

Trương Thục Phân về mua quần áo mới để khâm liệm, khi quay về mới phát hiện Hàng Tầm đang ngồi ngoài cửa phòng bệnh khóc.

Ông ấy từng ra chiến trường, từng giết người, là một người đàn ông cao to mạnh mẽ, thế mà giờ khóc như một đứa trẻ.

Trương Thục Phân chợt có một suy nghĩ kỳ lạ: Nếu người gặp chuyện không may là Kiến Thiết hay Nhã Phỉ, Hàng Tầm sẽ không khóc như vậy.

Bọn trẻ giống bà ấy hơn, cũng giống những đứa trẻ ở khu này, đều là những sinh linh nhỏ bé, hồn nhiên và vui vẻ trên mảnh đất đen này.

Chỉ có Hàng Du Ninh, từ ngoại hình, tính cách, đến sự yên lặng không hợp với những người xung quanh, cô giống Hàng Tầm y như đúc.

Điều kỳ lạ hơn nữa là cô chưa bao giờ rời khỏi Đông Bắc ngày nào nhưng giọng nói của cô lại có chút âm điệu phương Nam rất khó nhận ra - đó là giọng quê nhà của Hàng Tầm.

Đối với Hàng Tầm, cô không chỉ là con gái mà còn là người bầu bạn. Bao năm qua, ông ấy luôn cảm thấy cô đơn ở mảnh đất Đông Bắc này.

Giờ thì niềm an ủi ấy cũng mất rồi.

Mũi Trương Thục Phân cay cay. Bà ấy thương con gái mình, cũng thương bố của nó.

Thật ra người đáng thương nhất không phải là chính bà ấy sao? Đứa con mà bà ấy mang nặng đẻ đau chỉ sống được năm năm, còn người chồng kết hôn với bà ấy hai mươi năm rồi mà từ đầu đến cuối vẫn luôn có một khoảng cách với bà ấy.

Lúc này, Hàng Nhã Phi hô lên: "Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ nhìn đi, mắt của Ninh Ninh đang động kìa!"

Cô ấy vội lao tới, nắm lấy tay em gái, hét lên: "Hàng Du Ninh! Em dậy đi! Nếu em không nghe lời, chị sẽ không bao giờ dẫn em đi chơi nữa!"

Cô ấy là đại đội trưởng xuất sắc nhất, chưa từng gây ra rắc rối nào lớn như vậy.

Cô ấy cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một người không có em gái.

Con ngươi trong đôi mắt nhắm nghiền của Hàng Du Ninh chuyển động rồi từ từ mở ra. Cô ngơ ngác nhìn căn phòng bệnh xa lạ, đây là đâu? Cuối cùng, ánh mắt dừng lại trên Hàng Nhã Phỉ, đó là chị gái.

Cô nhỏ giọng gọi một tiếng: "Chị."

Gương mặt nhợt nhạt hiện lên một nụ cười, đôi mắt cong cong, trông rất vui vẻ.

Cuối cùng Hàng Du Ninh đã sống sót, bộ đồ được chuẩn bị để khâm liệm cho cô trở thành bộ quần áo mới của cô vào dịp Tết, cô rất vui, đây là lần đầu tiên cô mặc quần áo mới.

Đến ngày thứ ba, ông Hứa dẫn Hứa Dã đến thăm.

Ông Hứa là một cựu quân nhân thời cách mạng, trẻ con có thể nghịch ngợm nhưng nhân phẩm thì nhất định không được sai sót.

Ông ấy đánh gãy hai sào tre, gặp vợ chồng Hàng Tầm, ấp úng hồi lâu chỉ thốt ra một câu: "Tôi làm ông nội... không còn mặt mũi nào gặp Ninh Ninh!"

Hứa Dã cúi đầu ủ rũ, nói: "Chú Hàng, cô Trương, cháu xin lỗi. Cháu không cố ý đâu ạ."

Anh dập đầu xuống đất, một lúc lâu không dám ngẩng lên.

Cô Trương đứng cạnh không nói gì, chú Hàng rất ôn hòa bảo: "Lại đây, xem em gái đi."

Hứa Dã bước tới, Hàng Du Ninh có gương mặt nhợt nhạt, nhìn anh với đôi mắt sáng ngời, cười như một bông hoa đang hé nở.

Cô chìa cái bát nhỏ mà mình giấu ra, nói: "Anh Tiểu Dã, em để dành cho anh này."

Thời đó, đào vàng đóng hộp là món rất hiếm, chỉ khi nào ốm đau bố mẹ mới mua cho.

Hàng Du Ninh ăn một miếng rồi thôi, tự mình tính, miếng này cho mẹ, miếng này cho chị, miếng này cho anh Tiểu Dã.

Hàng Tầm nói: "Ninh Ninh, con muốn nói gì với anh không?"

Lúc này Hàng Du Ninh mới nhận ra, cô nói: "Anh Tiểu Dã, em không sao rồi. Anh đừng buồn."

Cô nói tiếp: "Anh dẫn em đi chơi vì anh tốt bụng, người tốt làm việc tốt nhưng kết quả không như ý cũng không thể trách người tốt được."

Hứa Dã vuốt v e mái tóc mềm mại của cô, trên người Hàng Du Ninh luôn thoang thoảng mùi thuốc bắc, hòa lẫn với hương thơm của kem dưỡng da trẻ em, rất dễ ngửi.

"Xin lỗi... Ninh Ninh, anh đã không bảo vệ được em."

"Lần sau anh sẽ bảo vệ được..." Hàng Du Ninh chợt nhớ ra điều gì, rụt rè hỏi: "Anh Tiểu Dã, lần sau anh còn dẫn em đi chơi nữa không?"

Người lớn đều bật cười, Hứa Dã thì không.

Trong lòng anh khó chịu cực kỳ, anh thà rằng chú Hàng đánh mình một trận, thà rằng Ninh Ninh không bao giờ thèm quan tâm đ ến anh nữa, chứ không muốn cô ngoan ngoãn như thế, điều này làm trái tim anh quặn đau.

Sau khi từ bệnh viện trở về.

Hứa Dã lấy hết "thẻ" của mình ra, một đống lít nhít, chất đầy một hộp bánh quy.

"Có ai cần cái này không? Nếu không thì tôi vứt hết nhé!" Anh đứng giữa sân hét lên.

Tiền Tiểu Lý phấn khích, lắp bắp hỏi: "Anh Tiểu Dã, anh thật sự không cần nữa sao!"

Hứa Dã phất tay, đặt hộp sắt xuống đất, lũ trẻ ùa tới tranh giành nhau.

Từ đó về sau, Hứa Dã không bao giờ động vào đập thẻ nữa.

Anh cũng không động vào bất cứ thứ gì khiến mình bị nghiện.

Bình Luận (0)
Comment