Tiệm Tạp Hóa Cấm Nuôi Hổ Đói

Chương 22

Thật ra, Hàng Du Ninh vẫn luôn lờ mờ cảm nhận được rằng nửa cuộc đời sau của mẹ cô sẽ đè nặng lên vai mình. Nhưng mẹ cô chưa bao giờ nói ra, cô cũng chưa có cơ hội để bày tỏ mình có bằng lòng hay không.

Năm đó, sau khi bị cặp vợ chồng tự xưng là cô chú họ đưa đi, Hàng Du Ninh còn một cơ hội được nhận nuôi nữa.

Đó là bác cô, Lai Phụng Minh.

Lai Phụng Minh được đưa đến nhà họ vào mùa đông năm Hàng Tầm chết. Lúc đó gia cảnh đã suy tàn, cửa sổ bị vỡ mà không được sửa, gió rít qua khe hở. Bữa tối, Trương Thục Phân chỉ nấu một nồi canh cải thảo với đậu phụ đông lạnh, không có tí dầu nào, chỉ bỏ thêm một miếng chao.

Có năm cái bánh ngô, hai cái cho Hàng Kiến Thiết vừa trở về, ba cái để dành cho anh ấy mang đi.

Ba mẹ con ăn cháo còn thừa từ hôm trước.

Hàng Nhã Phỉ vốn ăn ít, bắt đầu chú ý đến vóc dáng, ăn xong đứng dậy đi học tiếng Anh.

Hàng Du Ninh thì ngày nào cũng đói, bát cháo không thể làm dịu cơn đói cồn cào của cô, một miếng rau cô ngậm trong miệng rất lâu không nỡ nuốt.

Đúng lúc đó, có người gõ cửa. Đó là cô Trang của ban quản lý khu phố, cô ấy dẫn theo một người phụ nữ.

Cô Trang nói: "Đây là đồng chí Lai Phụng Minh, giám đốc nhà máy nhựa số ba Giang Nam, đến đây tìm họ hàng."

Lai Phụng Minh hoàn toàn khác với bây giờ. Bà ấy cắt tóc ngắn gọn gàng, mặc bộ đồ công nhân màu xanh thẫm, mang phong thái mạnh mẽ của một nữ lãnh đạo.

Đôi mắt đó giống như mắt cáo, ánh nhìn đầu tiên hướng tới bức ảnh đen trắng đặt ở giữa căn phòng, bà ấy sững sờ rất lâu mới nhìn về phía gia đình ngồi ở bàn ăn, nhẹ nhàng nói: "Em là đồng chí Trương Thục Phân phải không? Chào em."

Trương Thục Phân không nói gì, hai người phụ nữ cứ nhìn nhau trong nửa phút, rồi Trương Thục Phân như bừng tỉnh từ giấc mơ, trên mặt lộ vẻ ngạc nhiên vui mừng: "Chị là... chị gái của lão Hàng? Thật không ngờ, còn có ngày gặp lại."

Hai người đối chiếu thông tin trước mặt cô Trang rồi ôm nhau khóc nức nở.

Nhưng khi cô Trang đi về, hai người lại rơi vào im lặng.

Trương Thục Phân không hiểu vì sao mà cứ như mất hồn, đến cả khi Hàng Du Ninh lén li3m đáy bát cũng không bị mắng.

Lai Phụng Minh chỉ ngồi trên ghế sô pha, cầm cốc trà mà không nói lời nào.

Một lúc lâu sau, Trương Thục Phân gượng gạo cười: "Chị mà đến sớm ba tháng là vừa kịp gặp em họ, chị biết cậu ấy mà, đúng không?"

Lai Phụng Minh nói: "Cậu ấy không có em họ."

Cả căn phòng đều sững sờ, Trương Thục Phân vội giải thích: "Sao lại không? Kiến Quân! Mắt nhỏ, môi dày, răng chỉa lộn xộn ấy!"

Lai Phụng Minh nhỏ nhẹ nói: "Người đó không phải là em họ của cậu ấy, tôi cũng không phải chị ruột của cậu ấy. Cậu ấy không cha không mẹ, được bố tôi nhặt được bên bờ sông Tiền Đường. Lúc đó, sóng lớn sắp ập đến nên bố tôi đặt tên cậu ấy là Lai Triều."

Đôi đũa trong tay Trương Thục Phân rơi xuống đất.

Bà ấy như quay về một đêm hè rất nhiều năm trước, khi bà ấy mới sinh Hàng Du Ninh, bất ngờ Hàng Tầm rất vui vẻ, chủ động muốn đặt tên cho đứa bé.

Tên Nhã Phỉ và Kiến Thiết đều do bà ấy đặt, ông ấy cười hiền hậu nói: "Em thích là được."

Lần này, ông ấy nói: "Con gái út tên là Du Ninh nhé, vừa thong dong, vừa bình yên mà sống một đời."

Trương Thục Phân phì cười: "Gì thế, U Linh? Thà gọi là Hàng Quỷ còn hơn!"

Hàng Tầm không ngẩng đầu lên, vẫn nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn của đứa bé và cười nói: "Đó là trong Kinh Thi, hối hối kỳ minh, quân tử du ninh (*), từ nhỏ tôi đã nghĩ nó rất hợp để đặt tên cho con gái."

(*) Hối hối kỳ minh, quân tử du ninh: Chỉ khi ban đêm tĩnh lặng thanh bình, người quân tử mới có thể yên lòng.

Một giây sau, căn phòng rơi vào im lặng, cuộc trò chuyện ấm áp hiếm hoi giữa hai người bị cắt đứt đột ngột.

Hàng Tầm nói ông ấy là con trai của một người lái thuyền, sau đó bố mẹ qua đời, ông ấy nhập ngũ và theo đơn vị đi khắp nơi, cuối cùng đến Đông Bắc lập gia đình.

Ông ấy biết chữ khi học vỡ lòng ở bộ đội, nhưng ông ấy đọc “Kinh thi” từ nhỏ, viết bút lông rất đẹp.

Ông ấy nói gia đình ông ấy nghèo nhưng nhìn thế nào trông ông ấy cũng không giống người nhà nghèo, không cần nghĩ kỹ cũng có thể nói trà Long Tỉnh trước kia uống ngon hơn, tổ yến rán cùng bách hợp có thể tiêu đờm, khỏi ho.

Trương Thục Phân biết ông ấy có bí mật nhưng bà ấy không đoán ra được, thời đại đó, bà ấy cũng không dám đoán.

Nhưng trước giờ bà ấy không ngờ ngay cả tên của ông ấy cũng là tên giả.

Trong lúc Trương Thục Phân hoảng hốt, Hàng Nhã Phỉ đứng lên, nói: “Bà nói linh tinh! Bố tôi là quân giải phóng! Là cảnh sát! Dựa vào đâu mà bà nói bố tôi không phải là bố tôi!”

Lai Phụng Minh nói: “Tổ tiên nhà tôi được gọi là Tiểu Yến Thanh, môn võ mà Lai Triều luyện là bộ quyền Tiểu Yến Thanh, chắc hẳn cũng dạy lại cho mấy đứa.”

Hàng Nhã Phỉ bỗng nghẹn lời, Hàng Kiến Thiết vô thức quay sang nhìn Hàng Du Ninh, thấy cô đang rướn cổ cố gắng ăn bánh của mình, anh ấy vội vàng nhắc nhở: “Cho em no chết luôn!”

Lai Phụng Minh hiểu ra, cười nói: “À, không dạy hết, chỉ dạy cho đứa con mà cậu ấy thích nhất, đúng không?”

Hàng nhã Phỉ tức muốn tăng xông: “Bà nói nhăng nói cuội gì đấy hả! Bố tôi cũng dạy cho tôi! Tôi không muốn học thôi!”

Lai Phụng Minh tiếp tục nói: "Nhà chúng tôi ở một thị trấn nhỏ tên là Tưởng Gia Lý ở Giang Nam. Sau đó, chiến tranh nổ ra, chúng tôi chạy nạn, kết quả là lạc mất nhau. Kể từ lần ấy đã ba mươi năm trôi qua."

Trương Thục Phân nói: "Anh ấy chưa từng nhắc đến, cũng không nói sẽ quay lại tìm..."

Lai Phụng Minh đáp: "Vào thời kỳ đó, nhắc thế nào? Ngay cả tên thật, cậu ấy cũng không dám nói với em."

Câu này vốn chẳng có ý gì, nhưng mặt Trương Thục Phân đỏ bừng lên ngay lập tức.

Hai vợ chồng đã kết tóc se duyên với nhau suốt ba mươi năm, vậy mà bà ấy không hề biết gì về ông ấy cả.

"Cậu ấy không có em họ. Người em nói là học trò của bố chị, tên là Tưởng Lai Sinh, là một tên đáng chết, hôm trước còn đến hỏi vay tiền chị. Nhờ vậy chị mới biết địa chỉ của các em."

Trương Thục Phân bừng tỉnh khỏi nỗi tiu nghỉu, ngạc nhiên nói: "Kiến Quân? Nhưng cậu ấy nói cậu ấy đang làm công nhân ở Bắc Kinh, còn có một người vợ nữa..."

"Cậu ta có thư giới thiệu không?"

Trương Thục Phân chết lặng.

Lai Phụng Minh không che giấu được sự cay nghiệt vốn có từ lúc sinh ra, nói: "Em nên kiểm tra kỹ xem trong nhà có mất thứ gì không. Cậu ta là một kẻ nghiện m@ túy, lúc lên cơn có thể bán cả con ruột của mình."

Cả nhà đều im lặng, đồng loạt quay sang nhìn Hàng Du Ninh. Cô đang vùi đầu ăn miếng bánh trong bát của Hàng Kiến Thiết.

Chuyến này Lai Phụng Minh đến mang theo nhiều đồ tốt, nào là củ sen Giang Nam, thịt hun khói, trà Long Tỉnh, một gói đường quế hoa, năm cục xà phòng, một bình rượu gạo và hai hộp bột mạch nha Thượng Hải.

Trương Thục Phân vốn nhỏ mọn, nhưng lần này lại từ chối một cách cương quyết: "Chị à, thời buổi này nhà ai cũng khó khăn, bọn em không ăn quen những thứ này, chị mang về đi."

Lai Phụng Minh nói: "Cô không biết nghĩ à, tôi phải ngồi tàu hỏa mấy ngày liền, cô nghĩ tôi sẽ mang những thứ này về sao?"

Trương Thục Phân lôi thái độ kiêu ngạo của một cô bán hàng trong trung tâm bách hóa ra, nói: "Em đâu có bảo chị mang đến."

Hai người phụ nữ đều để lộ bản chất thật của mình: một người cay nghiệt, một người đanh đá, không ai nhường ai.

Hàng Du Ninh nhìn người này rồi người kia, sau đó quay đầu bỏ chạy.

Cô chạy đến chỗ mẹ không nhìn thấy, lén lau nước mắt.

Cô biết như vậy không có tiền đồ, nhưng cô đói quá, đói đến mức đầu óc quay cuồng, đói đến nỗi chỉ muốn nhét tất cả đồ ăn ngon vào miệng. Cô không hiểu tại sao mẹ lại không nhận.

Hàng Nhã Phỉ tìm thấy cô, lần này, chị gái không mắng mỏ mà lại lau nước mắt cho cô và dỗ dành: "Chúng ta không thèm, sau này chị sẽ cố gắng kiếm tiền, mở một tiệm tạp hóa cho em, ngày nào chúng ta cũng có kẹo ăn."

Hàng Du Ninh sụt sịt nói: "Nhưng tại sao mẹ không nhận chứ?"

"Em nghĩ mà xem, nếu người mình ghét nhất cho mình đồ ăn, em có nhận không?"

"Em có nhận!"

"Em chỉ biết ăn thôi!" Hàng Nhã Phỉ véo cô một cái, nói: "Mẹ trọng sĩ diện lắm!"

Hàng Du Ninh vẫn không hiểu, chuyện đó liên quan gì đến sĩ diện? Cô chỉ nhận ra rằng mẹ cô rất ghét bác cô.

Ghét đến mức nào? Khi đó, nhà họ đã không đủ khả năng nấu một bữa cơm trắng không lẫn nước, nhưng Trương Thục Phân vẫn bắt Lai Phụng Minh mang hết đồ đã mang đến về.

"Con em, em tự nuôi. Dù Trương Thục Phân này không có tài cán gì, em vẫn còn lòng tự trọng!"

Nhưng một năm sau, Trương Thục Phân gọi điện cho Lai Phụng Minh bằng số bà ấy đã để lại, nói: "Chị ơi, nể mặt lão Hàng, chị cứu Ninh Ninh nhà em, được không?"

Lúc đó mắt bà ấy đỏ hoe, không quan tâm đối phương không hề nhìn thấy, bà ấy quỳ xuống đất, dập đầu liên tục: "Chị hãy dẫn con bé đi đi, em xin chị, em cầu xin chị!"

Bình Luận (0)
Comment