Tiệm Tạp Hóa Cấm Nuôi Hổ Đói

Chương 26

Một tháng sau, vết thương của Hàng Du Ninh gần như đã lành, Tưởng Gia Lý cũng đã trở lại dáng vẻ bình yên như trước.

Mọi người vẫn bận rộn ăn uống, đi làm, mua thức ăn, cãi nhau, cây gậy tre vắt ngang ngoài cửa sổ vẫn treo đầy quần áo được mang ra phơi, những đứa trẻ vẫn chạy nhảy trong ngõ hẹp không biết mệt mỏi.

Đôi khi Hàng Du Ninh cảm thấy hoảng hốt, như thể chuyện Tiểu Nam bị giết chưa từng xảy ra, cô ấy vẫn là một trong hàng vạn cô gái vội vã đi qua tiệm tạp hóa, gia đình Cố A Phúc vẫn đang sống cuộc sống của mình ở bến phà Kê Minh.

Cô chỉ không nhìn thấy họ mà thôi.

Đó chính là điểm tuyệt vời của thị trấn nhỏ ở Giang Nam: bất kỳ nỗi sợ hãi, đau đớn hay buồn bã nào... đều sẽ được gột rửa bởi dòng nước chảy dưới cây cầu nhỏ, trở nên bình lặng đến mức bạn dần dần quên đi những ngày tháng khắc sâu trong tâm trí.

Hứa Dã cũng như một giấc mơ, anh không còn xuất hiện nữa.

Cuộc sống của Hàng Du Ninh đã trở lại như cũ.

Mỗi sáng, cô dậy lúc bốn giờ, ra bờ sông tập võ, trên đường về, cô thường đi qua bến phà, đúng lúc gặp những người nông dân dưới quê chèo thuyền đến bán rau, lá còn đọng sương, củ sen vẫn bám bùn.

Họ đã rất quen thuộc với cô bé này, chào hỏi: “A Ninh, hôm nay có mua củ niễng không?”

“Có ạ!”

Sau khi mua rau xong, Hàng Du Ninh trở về nhà, cửa hàng tạp hóa cũng đã mở cửa, âm thanh của chương trình tin tức trên radio vọng ra, Trương Thục Phân đang quỳ trên sàn nhà dọn dẹp...

Khi mọi thứ đã sắp xếp ổn thỏa, Hàng Du Ninh cũng đã nấu xong bữa sáng. Họ đặt một cái bàn ở cửa tiệm tạp hóa để ăn, trước cửa có một cây bưởi vàng, tán lá dày xanh thẫm, chỉ cần có làn gió nhẹ thổi qua là lá rơi lả tả.

Sau bữa sáng, Trương Thục Phân tới hợp tác xã cung ứng và tiếp thị để nhập hàng, thường thì Hàng Du Ninh sẽ vừa ở quầy trông tiệm, vừa học bài chuẩn bị cho kỳ thi đại học, nhưng tiếng ve kêu quá gây buồn ngủ, thường làm cô ngủ gật.

Hàng Du Ninh không cảm thấy cuộc sống như vậy có gì không tốt. Cô không có tham vọng hay ước mơ gì quá lớn lao, chỉ cần tối hôm đó có củ niễng xào với thịt nạc, cô đã thấy vui vẻ từ tận đáy lòng.

Nhưng rõ ràng Trương Thục Phân lại không nghĩ như cô.

Sau khi tập võ về, cô cảm thấy có điều gì đó không ổn.

Những bác trai bác gái ngồi hóng mát, các anh chị đi làm, những ông bố bà mẹ nấu ăn, dường như họ đều lén lút nhìn cô, thậm chí còn mỉm cười như thấu hiểu.

Hàng Du Ninh bị nhìn chằm chằm đến phát ớn, nghi ngờ có gì đó dính trên mặt, cô lén lút lau đi mấy lần.

“Chị ơi!”

Ở đầu ngõ, Tráng Tráng nhà bà Hồ đứng đó, cậu nhóc mập mạp bĩu môi, mặt mày giận dữ, những đứa trẻ khác trốn sau lưng, che miệng cười trộm.

Hàng Du Ninh hỏi: “Có chuyện gì vậy?”

Hồ Tráng Tráng ngượng nghịu một lúc mới nói: “Chị ơi, chị đừng chơi với người dưới quê, chân họ đen sì!”

“Gì cơ?”

“Đúng vậy!”

“Bọn em không đồng ý!”

“Không xứng với chị đâu!”

Có rất nhiều cái đầu nhỏ thò ra từ những nơi ẩn nấp, ủng hộ lời của Hồ Tráng Tráng.

Cuối cùng Hàng Du Ninh cũng hiểu ra, cô quay người định chạy đi, nhưng đã không kịp nữa.

“Về rồi đấy à! Mau vào đi, mau vào đi! Người ta đợi lâu lắm rồi!”

Trương Thục Phân kéo cô vào trong tiệm tạp hóa.

Bên trong, dì Tiểu Phượng ngồi trong tiệm, bên cạnh là một chàng trai trẻ, to khỏe cường tráng, mặt rất đen.

Hàng Du Ninh chỉ cảm thấy máu trong người dồn ngược lên não, cô tức giận muốn điên lên, nhưng lại không biết phải làm sao.

Cô đành đi pha trà.

Cô vặn nắp hộp trà một cách mạnh bạo, sức lực như thể muốn vặn đứt đầu một người nào đó.

Dì Tiểu Phượng nói: "Thục Phân, ở nhà máy nhựa, thân với tôi nhất, rất thẳng thắn thoải mái và là người giỏi làm việc nhất."

Dì Tiểu Phượng lại nói: "Nhà cô ấy đến từ Đông Bắc, người thành phố đấy, bố của A Ninh là cảnh sát, còn là liệt sĩ."

Chàng trai không nói gì, Hàng Du Ninh cũng không nói gì.

Dì Tiểu Phượng và Trương Thục Phân nhìn nhau, dì Tiểu Phượng tiếp tục nói: "Đừng thấy tiệm tạp hóa nhỏ mà coi thường, vỏ ốc có thể xây cả tu viện đấy, kiếm được không ít tiền đâu!"

Trương Thục Phân nói: "Tôi dự định mở rộng kinh doanh, mua thêm một căn nhà, mở tiệm ở tầng dưới, tầng trên làm phòng tân hôn."

Chàng trai cúi đầu nhìn mũi giày của mình, khẽ nói như muỗi: "Cũng được lắm!"

Dì Tiểu Phượng thở phào nhẹ nhõm, lớn tiếng nói: "Trưa ở lại đây ăn cơm nhé! A Ninh! Dẫn Hải Sinh đi dạo đi cháu."

Hàng Du Ninh không muốn tí nào, nhưng cô không muốn ở đây hơn, đành lề mề đứng dậy, đứng cạnh chàng trai, không nói gì hết.

Trương Thục Phân vô mông cô một phát, mắng: "Thoải mái lên cho mẹ!”

Hàng Du Ninh dẫn chàng trai ra bờ sông, suốt đoạn đường, vô số ánh mắt bí mật dõi theo họ, có người pha trò, có người quan tâm, cũng có người chế giễu.

Bà Hồ cực kỳ không vui, nói với mọi người: "Thục Phân thiếu chín chắn quá, sao lại dẫn về nhà, danh tiếng của con gái hỏng hết rồi."

Con dâu của bà ấy cười khẩy nói: "Sốt ruột muốn cho người khác biết lắm rồi, ý là con gái bà ta vẫn có người muốn lấy đấy."

Cô ta và Trương Thục Phân tranh giành một cái đầu cá lớn nhưng cô ta không giành được, vì thế mà giữa hai người có hiềm khích lớn.

Mặt trời gay gắt, trên sông Tiền Đường chỉ lác đác vài chiếc thuyền, Hàng Du Ninh và chàng trai đều im lặng không nói gì.

Hàng Du Ninh cố gắng sắp xếp từ ngữ trong đầu, cô không muốn hẹn hò.

Không có lý do cụ thể nào, cô mơ hồ cảm thấy rằng khi một người kết hôn, cuộc đời người đó coi như "ấn định".

Cô cũng không biết tương lai của mình sẽ ra sao, nhưng cô không muốn "ấn định" cả đời với một người đàn ông.

Tuy nhiên, cô rất sợ làm tổn thương đối phương.

Cô lo lắng chàng trai này đã nghe thấy câu nói ngớ ngẩn của Hồ Tráng Tráng - thật ra, với người dân thành phố, Tưởng Gia Lý cũng được coi là "nông thôn", mỗi lần cô vào nội thành, cô đều lo sợ bị người khác coi thường.

Hàng Du Ninh lấy hết can đảm, cuối cùng cũng mở miệng nói: "Tôi đã từng đến thôn Nam Triều, thật sự rất đẹp."

Ý cô muốn nói là thôn Nam Triều rất đẹp, cô không muốn ở bên cậu ta không phải vì cậu là người dưới thôn.

Nhưng câu nói lại ngập ngừng khiến ý nghĩa dường như biến thành "Thôn Nam Triều rất đẹp, tôi rất muốn lấy chồng về đó”.

Mặt Hàng Du Ninh đỏ bừng, cô chỉ muốn tự đấm mình một phát.

Cuối cùng chàng trai cũng mở miệng, đây là câu dài đầu tiên mà cậu ta nói từ khi đến.

Cậu ta nói: "Lúc đầu tôi cứ nghĩ chị em kén rể."

Câu thứ hai là:

"Ngoại hình của em và chị em không giống nhau."

Hàng Du Ninh ngây người.

...

Từ nhỏ Hàng Du Ninh đã luôn nghe lời mẹ.

Bao gồm cả việc mẹ bảo cô nghỉ học, cũng như việc mẹ luôn có thói quen coi cô như một loại thứ phẩm.

Ngày cô nghỉ học, Trương Thục Phân hỏi cô: "Có phải con hận mẹ lắm đúng không, bố con thiên vị con như vậy, người phải nghỉ học đáng lẽ không phải là con."

Lúc đó, Trương Thục Phân đã uống một chút rượu gạo, trong mắt lấp lánh như có nước mắt.

Hàng Du Ninh không nói gì, rất lâu sau, cô duỗi bàn tay nhỏ ra nhẹ nhàng nắm lấy tay của Trương Thục Phân, nói: "Bố thiên vị con, nhưng mẹ là người đã nuôi con khôn lớn."

Khi đó Trương Thục Phân ôm lấy cô, khóc nức nở, nói: "Con gái của mẹ ngoan quá, con ngoan, con ngoan."

Cô luôn sẵn lòng nghe theo lời mẹ, nếu gia đình này cần một người hy sinh, cô sẵn sàng trở thành người đó.

Cô mãi mãi không quên cảnh tượng mẹ cầm điện thoại, nước mắt đầm đìa, quỳ lạy Lai Phụng Minh ở đầu dây bên kia.

Cảm giác giống như một lưỡi dao sắc bén đâm thẳng vào tim cô

Rồi năm này qua năm khác, vết thương ấy càng sâu thêm.

Sau khi họ rời khỏi Đông Bắc và chuyển đến đây, Lai Phụng Minh nói rằng nhà máy không còn vị trí nào, chỉ có nhà ăn thiếu một người chăm lợn.

Trương Thục Phân là kiểu người thà tối không đi ngủ cũng phải giặt sạch và ủi phẳng quần áo, bà ấy đã sống sạch sẽ, có thể diện cả đời.

Thế nhưng trong những ngày đó, bà ấy phải sống ngay bên cạnh chuồng lợn cả đêm lẫn ngày, ngày ngày dọn dẹp chuồng, chân giẫm lên phân lợn dính nhớp, mỗi khi bước ra, bà ấy suýt thì ói cả mật ra.

Hàng Du Ninh cắn chặt môi nhìn, chỉ cảm thấy nhát dao đó lại sâu thêm, gần như bén rễ vào sâu trong linh hồn cô.

Cô chưa bao giờ kể với Trương Thục Phân rằng, mấy năm sau khi họ đến Tưởng Gia Lý, vào một tiết Thanh Minh nào đó, bác cô đã dẫn cô lên núi để tảo mộ.

Đó là một ngọn núi hoang vắng, có thể nhìn thấy ba dòng sông gặp nhau, dây leo mọc um tùm, những ngôi mộ hoang nối tiếp nhau.

Trong đó có một ngôi mộ được dọn dẹp rất sạch sẽ, chỉ có bia mộ bị phủ một chút bụi.

"A Ninh, cháu lau đi."

Hàng Du Ninh nghe lời, cô tưởng đó là mộ của "ông nội" đã qua đời.

Nhưng trên đó viết "Lai Phụng Minh".

"Mộ của vợ yêu Lai Phụng Minh".

Hàng Du Ninh lùi lại một bước, hoang mang quay đầu lại, thấy Lai Phụng Minh nheo đôi mắt hồ ly của mình, đáp lại cô bằng một nụ cười đầy ẩn ý.

"Sau này bác quay lại đây tìm ông ấy, phát hiện ra bia mộ này." Bà ấy nhẹ nhàng vuốt v e những chữ khắc trên bia, nói: "Ông ấy tưởng bác chết rồi, thật ngốc."

Có thứ gì đó trong lòng Hàng Du Ninh sụp đổ, cô chỉ cảm thấy đầu váng mắt hoa.

Đối với cô, Hàng Tầm không chỉ là "bố".

Ông ấy gần như là hiện thân của "chính nghĩa".

Nhưng ở đây, trên ngọn núi hoang vắng không ai biết đến này, mười năm trước, ông ấy đã viết ra những tâm sự không thể công khai của mình.

Sau đó ông ấy quay về, lạnh nhạt với mẹ cô cả đời.

Hàng Du Ninh cảm thấy có lỗi với mẹ mình, việc cô yêu thương bố nhiều hơn càng khiến cô cảm thấy có lỗi với mẹ gấp bội.

...

"Nhưng con không muốn kết hôn... Con không muốn bị người khác chọn tới chọn lui giống như một món đồ." Đây là lần đầu tiên Hàng Du Ninh cãi nhau với mẹ, mắt cô đỏ hoe, trông giống như một con thỏ tức giận.

Trương Thục Phân nói: "Chọn tới chọn lui thì sao chứ? Có người chọn là tốt lắm rồi, con không có công việc đàng hoàng, đến khi tuổi tác lớn, xin người ta chọn người ta cũng không thèm chọn nữa!"

Hàng Du Ninh không biết nói gì, chỉ cảm thấy bức bối, cô biết dù nói gì Trương Thục Phân cũng sẽ không hiểu.

Trương Thục Phân cũng không muốn hiểu, sau khi suy nghĩ một lúc, bà ấy nói tiếp: "Không sao, đợi bác con về, mẹ sẽ bàn với bà ấy, cháu gái của giám đốc nhà máy, xem họ còn gì để nói nữa!"

Nghĩ đến việc phải nhờ cậy Lai Phụng Minh, bà ấy cau mày, hơi không vui.

Hàng Du Ninh bỗng nhớ ra điều gì đó, vội vàng nắm lấy tay Trương Thục Phân, nói: "Mẹ! Con muốn thi đại học! Mẹ cho con thi đại học trước nhé!"

Trương Thục Phân cảm thấy như bị xúc phạm, hất tay cô ra: "Mẹ nói cho con biết, Hàng Du Ninh! Con đừng có mà gây chuyện!"

"Con thật sự muốn học đại học!"

Thật ra Hàng Du Ninh không thích học tập, những kiến thức cô học từ thời cấp hai đã trả hết cho thầy cô từ lâu rồi.

Nhưng bây giờ, việc học đại học như cọng rơm cứu mạng duy nhất, giúp cô tạm thời thoát khỏi số phận - một số phận bị sắp đặt, bị chà đạp.

"Mày học đại học cái chó má gì chứ mà đi học đại học!" Trương Thục Phân nổi giận: "Mày thi toán được 17 điểm, trường đại học nào nhận mày! Mày đâu phải người học được! Với lại mày đi rồi, ai trông tiệm? Để tao mệt chết à?"

Trương Thục Phân nhìn vẻ mặt đờ đẫn của Hàng Du Ninh, lại dịu giọng: "Chị mày nói rồi, sau này kinh tế sẽ càng ngày càng tốt hơn, sau khi mày kết hôn, chúng ta sẽ mở rộng cửa hàng, lắp mấy quầy kính giống như ở thành phố, thêm cả chồng mày nữa, chúng ta làm ăn đàng hoàng, chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền!"

"Học hành cái gì, nghe mẹ đi, mẹ lại hại mày chắc?”

Hàng Du Ninh nhìn vẻ mặt phấn khởi của Trương Thục Phân, cuối cùng cũng cảm thấy tuyệt vọng.

Cô không thể bỏ mẹ, cũng không thể phá tan ngóng trông về tương lai của mẹ… Tiếp tục tranh cãi thì kết quả sẽ là thua cuộc.

Trên đời này, thứ khó thoát khỏi nhất không phải là xiềng xích, mà là tình yêu.

Nhưng cô nhớ đến lời bố cô từng nói: "Ninh Ninh thông minh như thế, sau này tương lai rộng mở lắm đây.”

Cảnh sát Dư từng nói: "Cháu thật sự rất thông minh, cũng rất dũng cảm."

Nhưng dường như cuộc đời của cô đã định sẵn thế này rồi, trở thành vợ của ai đó, đứng sau quầy hàng.

Cứ mơ màng ngơ ngác sống hết cả đời.

Bình Luận (0)
Comment