Tiệm Tạp Hóa Cấm Nuôi Hổ Đói

Chương 5

Hàng Du Ninh biết sớm muộn gì Hứa Dã cũng sẽ được thả ra, cô tin chắc anh không thể là tên khốn nạn chuyên theo dõi phụ nữ.

Nhưng cô cũng không ngờ anh được thả ra nhanh như vậy.

Hứa Dã hỏi: "Đêm hôm rồi, em ra ngoài làm gì?"

"Cô ấy chạy đến nhà em, muộn quá rồi, em sợ cô ấy gặp chuyện."

Cô không nhắc đến giọng đàn ông mua thuốc lá. Ở thị trấn phía Nam có vô số con sông nước cuồn cuộn chảy xiết, chỉ cần bước hụt một cái là rất dễ gặp nguy hiểm.

Hứa Dã nhìn cô Lục rồi nói: "Em lo chuyện người khác, không sợ mình gặp chuyện à?"

Anh chỉ về phía đầu hẻm: "Nếu bà ấy kéo em đến đây, đột nhiên không còn điên nữa, giữ chặt em lại, mà lúc ấy có một người đàn ông xuất hiện...”

Hàng Du Ninh nhìn về phía đó theo phản xạ, đầu hẻm tối om, chỉ có thể thấy vài nhành cỏ dại đung đưa trên mái nhà.

Đột nhiên! Có một người bước ra từ trong bóng tối!

"Mẹ ơi, mẹ chạy đi đâu rồi!"

Đó là con trai của cô Lục, khuôn mặt cậu ấy hiện đầy vẻ lo lắng, giọng khàn đặc rồi.

Cậu ấy nhìn về phía Hàng Du Ninh, cả hai đều cảm thấy quen mặt. Dù gì tiệm tạp hóa Thục Phân cũng chỉ cách đây hai con phố, có thể họ từng gặp nhau khi mua đồ, nhưng chẳng nhớ nổi tên nhau.

Hàng Du Ninh giải thích: "Tôi mở tiệm tạp hóa, cô ấy chạy đến nhà tôi tìm người, khuya quá rồi, tôi sợ gặp nguy hiểm."

“Cảm ơn chị, em mới lơ đi cái mà bà ấy đã chạy xa vậy rồi, làm em lo muốn chết.” Chắc chàng trai vẫn đang đi học, người mướt mồ hôi, cúi người xuống, rồi do dự nhìn sang Hứa Dã.

Hàng Du Ninh nói: “Đây là anh tôi.”

Chàng trai vội vàng đáp: “Em cảm ơn anh chị, khuya quá rồi, mai hai người qua nhà em ăn bát chè rượu nếp nhé.”

Cậu ấy nói tiếp: “Mẹ ơi, chúng ta về nhà thôi.”

Cô Lục cũng mệt rồi nhưng vẫn lẩm bẩm: “Mẹ đi đón chị con mà.”

Chàng trai kiên nhẫn dỗ dành: “Về thôi mẹ, chị con ở nhà chờ chúng ta rồi.”

Hàng Du Ninh nhìn theo bóng lưng hai mẹ con dần dần chìm vào trong bóng tối.

"Bọn họ không phải người xấu." Cô nói.

"Ai cũng có thể là người xấu." Hứa Dã đáp: "Kể cả anh."

Hàng Du Ninh ngẩng đầu lên nhìn Hứa Dã, cô quá nhỏ gầy, bóng của anh có thể bao phủ cô hoàn toàn.

Nhưng cô chẳng thể nhìn rõ gương mặt anh, màn đêm yên tĩnh đến nỗi chỉ có thể nghe thấy tiếng nước chảy róc rách của con sông gần đó.

Cô bỗng nhớ về đêm khuya nhiều năm trước.

Cửa nhà mở toang, ánh đèn chập chờn trong gió. Bức ảnh đen trắng của Hàng Tầm đặt ở giữa phòng khách, ông ấy mỉm cười hiền hòa với những người đến dự đám tang.

Lúc đó, Hàng Kiến Thiết phải xuống nông thôn làm việc, không kịp về chịu tang. Hàng Nhã Phỉ là người quỳ bên cạnh canh đèn chong, đáp lễ với khách.

Ở gian trọng, Trương Thục Phân ngồi gấp tiền giấy, hồn bay phách lạc. Các dì các cô ngồi khóc cùng bà ấy, thỉnh thoảng nhỏ giọng bàn tán: "Đúng là tạo nghiệp mà, chú Hàng tốt như vậy, sao lại gặp chuyện như thế chứ!”

"Thật kỳ lạ, sao cái kẻ điên kia lại ra ngoài đúng lúc như vậy chứ?"

Hàng Tầm chết ngay trước cửa nhà mình.

Một kẻ điên chạy ra khỏi bệnh viện, gõ cửa từng nhà một. Nếu không ai mở cửa, gã cứ gõ mãi, còn khi có người mở cửa, gã cứ thế chém xuống chẳng nói lời nào.

Gã đi trong hành lang, đúng lúc chạm mặt Hàng Tầm vừa tan làm về.

Ông ấy bị đâm mười chín nhát dao, máu me be bét khắp người, bò về cửa nhà mình, dùng lưng chặn cửa.

Vì con gái út của ông ấy bị ốm và đang ở trong nhà, ông ấy vẫn muốn bảo vệ cô đến giây phút cuối cùng.

"Bình thường mà nói, đừng nói một kẻ điên, có mười kẻ điên chú Hàng cũng xử đẹp được.” Một người phụ nữ nói nhỏ: "Nhưng đúng lúc đó chú ấy vừa bị thương ở cánh tay, cứ như thể chuyện này... nhắm vào chú ấy vậy."

"Đừng nói bậy!" Bà Triệu là người từng trải, vội vàng quát bảo mọi người không được nghĩ linh tinh.

Nhưng một lát sau, nhân lúc không ai nhìn, bà ấy nhỏ giọng nói với Trương Thục Phân: "Thục Phân, cô phải cẩn thận hơn, trên đời này, loại người nào cũng có.”

Trương Thục Phân hoang mang rối loạn, gật đầu một cách miễn cưỡng.

Gió đêm thổi cuốn tiền giấy bay lên không trung, đã hai giờ sáng rồi.

Hàng Du Ninh ngồi ở trước cửa cầu thang như một con mèo, thẫn thờ nhìn về phía trước.

Đâu đó có tiếng chó sủa, hai bóng người chậm rãi đi tới từ phía xa.

Hàng Du Ninh dán mắt vào hai bóng người ấy, đột nhiên đứng phắt dậy, quay đầu muốn đóng cửa.

Nhưng cô chưa kịp đóng, một bàn tay đặt lên vai cô.

"Ninh Ninh đúng không?" Một người đàn ông nở nụ cười, để lộ tám chiếc răng trắng đều tăm tắp: "Chú là chú họ của cháu, cháu còn nhớ chú không?"

Người phụ nữ đứng bên cạnh cũng cười tươi nhìn Hàng Du Ninh, nụ cười của cả hai giống hệt nhau, từ độ cong của khóe miệng cho đến những chiếc răng trắng lộ ra, cả đôi mắt vô cảm nữa.

Trong bóng tối, hai khuôn mặt tươi cười giống hệt nhau lẳng lặng nhìn Hàng Du Ninh.

Cô muốn hét lên, muốn khóc, nhưng thực tế, cô chỉ nghệt mặt ra, không nhúc nhích, nhìn chằm chằm hai người đó.

"Cậu là... Kiến Quân phải không? Ôi, đi xa thế." Trương Thục Phân nghe thấy tiếng động, đi ra, gượng cười chào hỏi: "Đây là em dâu đúng không?"

"Chị dâu.” Người đàn ông gọi một tiếng, mắt đã đỏ hoe: "Nhận được cuộc gọi, em ngây người luôn... Em không ngờ..."

Cả hai được mời vào nhà, thắp hương cho Hàng Tầm, sau đó vào phòng trong trò chuyện với mọi người.

Mà từ đầu đến cuối Hàng Du Ninh vẫn đứng bất động tại chỗ, khi Hàng Nhã Phỉ muốn gọi cô đi ngủ mới nhận ra đứa em gái vốn hiền lành trầm tính của mình, lúc này lại mang ánh mắt sắc bén, hung dữ, như một con mèo xù lông lên.

Hàng Tầm là trẻ mồ côi, chỉ có một đứa em họ ở Bắc Kinh, bình thường không qua lại mấy.

Lần này nghe được tin, anh ta dẫn vợ đi từ xa tới.

Em họ khéo ăn nói, giúp đỡ chạy trước chạy sau như anh em ruột, người vợ cũng biết làm, mấy cô mấy dì làm mãi không hết việc, một mình cô ta lo liệu xong xuôi.

Trong lòng Trương Thục Phân vô cùng cảm kích, dặn dò các con phải tiếp đãi chú thím họ thật tốt. Hàng Nhã Phỉ thì không sao, nhưng không hiểu vì sao Hàng Du Ninh cứ trốn đi thật xa.

Sau khi tang lễ kết thúc, họ chuẩn bị đi về.

Đêm đó, cô em dâu bảo em họ về khách sạn trước, nói rằng hai chị em dâu muốn nói chuyện riêng với nhau.

Họ nằm trên giường, cô em dâu nói: "Chị dâu, nói thật với chị, mình sống trên đời này chỉ sống vì con cái thôi."

Trương Thục Phân nghĩ rằng đó là lời an ủi vì bà ấy vừa mất chồng, chỉ lúng túng gật đầu.

Cô em dâu tiếp tục: "Không giấu gì chị, em và Kiến Quân đã kết hôn gần hai mươi năm rồi mà vẫn chưa có con. Cuộc sống như vậy thật sự chẳng có chút hy vọng gì cả."

Cô ta cười, cuối cùng đi thẳng vào vấn đề: "Giờ chị chỉ có một mình, nuôi ba đứa con cũng chẳng dễ dàng gì. Nếu có duyên, chị có thể cho em nhận nuôi một đứa."

Trương Thục Phân ngẩn người, hỏi: "Ý em là..."

Cô em dâu vội vàng nói: "Chị dâu, nếu chị không muốn thì coi như em chưa nói gì. Từ lâu chúng em đã định nhận nuôi một đứa ở ngoài để sau này nó phụng dưỡng bọn em, nhưng sợ nhỡ đâu lại rước phải một đứa ăn cháo đá bát thì chẳng phải tội sao? Em thật sự thích cách đối nhân xử thế của hai đứa con gái nhà chị, chúng rất ngoan ngoãn."

Trương Thục Phân không thể không dao động.

Đó là Bắc Kinh, họ đều là nhân viên chính thức. Nếu con gái được nhận nuôi, có thể sau này sẽ có cơ hội vào nhà máy, trở thành dân Bắc Kinh.

Điều quan trọng nhất là khi Hàng Tầm còn sống, cuộc sống của bọn họ đã rất khó khăn. Bây giờ bà ấy trở thành một góa phụ, thật sự không biết làm thế nào để nuôi nấng ba đứa con.

Ngày hôm sau, Trương Thục Phân gom phiếu mua thịt, mua một cân thịt lợn, gói sủi cảo nhân cải thảo và thịt lợn cho các con ăn.

Trương Thục Phân vốn rất ki bo trong chuyện ăn uống, ngay cả Hàng Kiến Thiết cũng nhìn chằm chằm, ăn hết cái này đến cái khác, ngấu nghiến như hổ đói.

“Ma đói ám vào con đấy à!” Trương Thục Phân dùng đũa gõ một phát, mắng: “Chừa cho em gái con ăn nữa!”

“Con không ăn.”

Hàng Nhã Phỉ không ăn miếng nào, chỉ nhìn Hàng Du Ninh, ánh mắt không rõ là thương hại hay vui mừng.

Hàng Du Ninh không nhận ra điều đó, sủi cảo rất ngon, béo múp, cắn một miếng thôi mà vị thịt tỏa ra đầy miệng, cô ăn rất ngon lành.

Đến cái thứ năm, cô dừng lại, lén nhìn mẹ rồi lại nhìn chị.

Trương Thục Phân dùng đũa gõ lên đầu cô: "Ăn cho tử tế, có tật xấu gì vậy?"

Đó là thói quen từ nhỏ của Hàng Du Ninh, cô luôn rất đói nên khi có món ăn ngon, cô thường không nhịn được mà giấu một ít. Trương Thục Phân luôn tức giận khi phát hiện ra những món ăn bị giấu dưới gối cô, ví dụ như miếng hồng khô ăn dở, bánh mì nướng vừng được gói trong khăn tay, hay những quả lê đã khô quắt.

Hàng Du Ninh xoa đầu, không dám giấu nữa, chỉ nói: "Mẹ ăn đi ạ, con không ăn nữa đâu."

Trương Thục Phân gắp cho cô một cái nữa, nói: "Ăn đi, ăn cho no... ngồi tàu cho ngoan.”

Bình Luận (0)
Comment