1
Khi Lai Phụng Minh về già, bà đã không thể nhớ nổi khuôn mặt của Lai Triều.
Bà chỉ nhớ những buổi sáng thời thiếu nữ, khi hơi nước của vùng Giang Nam bao trùm mọi thứ, có ai đó luyện võ trở về, bước đi trên con đường lát đá xanh vang lên tiếng động nhẹ nhàng.
Cô cực kỳ ghét sự vui vẻ ấy, bèn hé cửa sổ ra, lườm anh một cái.
Dù anh có phấn khởi đến đâu cũng điều chỉnh cảm xúc ngay lập tức, đứng ngay ngắn ở đó, gọi: “Cô cả.”
Sau đó anh chạy vụt đi như làn khói.
Khi cô rửa mặt xong, trên bàn đã bày sẵn bữa sáng. Đồ ăn của gia đình giàu có ở Giang Nam rất tinh tế: nem rán được làm từ măng thái sợi, mầm hẹ, thịt sợi, bánh bao áp chảo, măng khô hấp với thịt nguội…
Còn anh thì đứng bên cạnh ông Lai, tóc sau gáy còn ẩm ướt, thoang thoảng mùi bạc hà mát lạnh, chắc anh ta có thói quen tắm vào buổi sáng.
Lai Phụng Minh ghét bố mình nhất, Lai Triều xếp thứ hai.
Nhà họ Lai là một dòng họ lớn ở Giang Nam, cha truyền con nối hàng trăm năm, cũng có rất nhiều chi, đến chi của ông Lai thì chỉ được xem là một gia đình giàu có nhỏ.
Dù vậy, họ vẫn phải giữ thể diện của gia tộc lớn, sống trong khu nhà lớn, nuôi đến cả chục người người giúp việc, vú nuôi, ngay cả tẩu thuốc của ông cũng làm bằng vàng.
Bố của cô là một cậu ấm quần là áo lượt, nhưng trong số cậu ấm thì ông ấy cũng không tệ lắm, ông ấy không thích đá gà hay cược chó, ông ấy thích luyện võ.
Việc luyện võ này bao gồm mời sư phụ, đặt mua vũ khí, tài trợ các "đại hội võ lâm", quanh năm suốt tháng hở ra là có người trong giang hồ đến nương nhờ, ăn chùa uống chùa mấy tháng, khi đi còn phải mang theo một túi bạc.
Tài sản trong nhà cứ thế dần dần tiêu tán.
Nhưng đó chưa phải là điều làm cô ghét bố mình nhất.
Bố cô không có con trai, tạm xem cô như con trai mà nuôi, dạy cô đánh quyền, dùng kiếm, khinh công, ông ấy nói rằng đây là một môn phái lâu đời, gọi là Tiểu Yến Thanh, chú trọng thân pháp nhẹ nhàng, bắt buộc phải tập luyện từ nhỏ.
Tất nhiên, cô cũng không bị bó chân.
Lúc đó bó chân đã bị bãi bỏ từ lâu, nhưng một số gia đình quyền quý vẫn còn giữ tục lệ này. Một cô gái không học cầm kỳ thi họa, lại học võ, ai mà muốn lấy cô chứ?
Ban đầu, Lai Phụng Minh coi việc này là sự xem trọng của bố dành cho mình.
Nhưng thực chất, đó chỉ là một sự hiểu lầm. Bố cô chỉ tùy hứng thôi, ông ấy muốn dạy con cái học võ, hoàn toàn không hề nghĩ đến sống chết của cô sau này.
Ông ấy vừa dạy, vừa ép mẹ cô sinh con.
Sinh một đứa, không giữ được, sinh đứa nữa, chết yểu. Lại sinh thêm đứa nữa, cả mẹ lẫn con đều không còn.
Lai Phụng Minh nhớ cái bụng mỏng như tờ giấy của mẹ mình, cũng nhớ bàn tay nhỏ xíu mềm mại của em gái, còn chưa kịp ấm lên trong tay cô thì đã trở thành một nấm mồ nhỏ bé.
Cô hận bố mình, nhưng người Trung Quốc coi trọng đạo lý quân thần cha con, cô không thể hận.
Cô chỉ có thể trút nỗi căm hận lên Lai Triều.
Lai Triều là đứa trẻ mà bố cô nhặt được ở bờ sông Tiền Đường. Mỗi ngày bố cô đều thức dậy vào giờ Dần ba khắc để luyện võ, nhìn thấy một đứa trẻ nằm trên bờ sông, đó là một cậu bé.
Thế hệ của Lai Phụng Minh đều được đặt tên theo chữ “Phụng”. Những em trai và em gái đã chết yểu của cô được đặt tên là Lai Phụng Xuân, Lai Phụng Hiểu… nhưng bố cô lại đặt tên cho đứa trẻ ấy là Lai Triều.
Ý là con nuôi chỉ là con nuôi, dù thế nào cũng không giống con ruột.
Nhưng khi Lai Phụng Minh mười tuổi, mẹ cô qua đời, bố cô hoàn toàn từ bỏ hy vọng có một đứa con trai, ông ấy bắt đầu nuôi dạy Lai Triều như con ruột.
Ông ấy tự mình dạy võ, mời thầy dạy vỡ lòng… Đứa bé gầy gò, tầm thường ấy bỗng chốc trở thành báu vật của cả nhà họ Lai.
Tất cả những thứ đó đều đánh đổi bằng việc Lai Phụng Minh mất mẹ.
Đương nhiên cô không thích anh, thậm chí hận anh đến tận xương tủy.
Nhưng vào thời điểm đó, cô còn việc quan trọng hơn cần phải làm.
Đó là “quản lý gia đình”.
Nhà họ là chi đã tách ra từ lâu, bố cô lại không giỏi kinh doanh, còn ham phô trương lãng phí, khiến cả gia đình rơi vào tình trạng miệng ăn núi lở, đương nhiên phải có người tính toán chi li.
Từ năm mười tuổi, Lai Phụng Minh đã bắt đầu quản lý gia đình. Cô lo liệu việc người đến thăm hỏi trong gia đình, nhận hay đuổi người giúp việc, mọi thứ đều ngăn nắp rõ ràng. Dù chiều cao còn không bằng quầy hàng, cô đã bắt đầu xem sổ sách của các cửa hàng trong nhà.
Chỉ có điều, cô còn quá nhỏ, đôi khi người khác không nghe lời cô, mà bố cô lại thường xuyên ba phải, không đứng về phía cô.
Lúc đó, cô sẽ phải nhờ đến Lai Triều.
Lai Triều có tính cách rất ôn hòa, không làm mất lòng ai, nhưng vì một câu nói của cô, anh xông lên ngay lập tức, đập nát cả cửa hàng, đến nỗi có người đàn ông đứng tuổi bước ra trừng mắt nhìn anh.
Nhưng anh không sợ, vì anh giỏi võ, anh đứng chắn trước mặt cô, vẫn không chắn hết được, cứ như một ngọn núi nhỏ.
Sau này, khi kinh tế gia đình thực sự khó khăn, để tiết kiệm chi phí, cô đã cắt giảm phần lớn người giúp việc, giao hết các công việc chạy tới chạy lui cho Lai Triều.
Lai Triều chưa bao giờ phàn nàn. Anh luôn cung kính và khiêm tốn, phục vụ bố cô hút thuốc, uống trà, đổ bô ban đêm, anh còn phải đi học, lần nào cũng đứng nhất lớp, về nhà bị cô sai bảo, cũng không có một lời oán thán.
Cô ghét anh.
Nhưng có lần đi làm việc, cô tình cờ ngang qua trường anh vào giờ tan học. Cô nghĩ một người học giỏi, tính tình ôn hòa như anh hẳn sẽ được thầy cô và bạn bè yêu quý.
Không ngờ, một đám trẻ con vây quanh anh, liên tục gọi "A Nhặt!", "Nhặt được đứa con trai làm người hầu!"
Anh cúi đầu bước đi, khi bị xô đẩy mạnh thì ngẩng đầu lên, mỉm cười.
Nụ cười ấy như đang cầu xin, ý như: "Cậu xem tôi thế này rồi, thôi đừng bắt nạt tôi nữa nhé, hì hì."
Lai Phụng Minh ra hiệu dừng xe.
Cô bước xuống: “Mấy đứa nhãi con dám mở miệng nói bậy gì đấy hả! Nhà họ Lai là chỗ để tụi mày nhiều chuyện hả? Không muốn sống nữa phải không? Từng đứa một qua đây, tao sẽ đến tận nhà hỏi người lớn nhà tụi mày xem ai dạy dỗ ra cái thứ như mày!"
Cô chửi một tràng làm đám trẻ ngớ người rồi chạy biến.
Lai Phụng Minh cúi nhìn Lai Triều. Đôi mắt anh sáng rực, nhìn cô cười, nụ cười lần này thoải mái hơn hẳn.
“Sao không đánh trả hả?” Cô đanh mặt hỏi.
“Tôi không muốn gây rắc rối cho ông chủ và cô chủ.”
“Ông già ấy còn gây rắc rối lớn hơn cả cậu!” Cô trừng mắt nhìn anh: “Lần sau đứa nào bắt nạt cậu thì đánh trả! Nghe chưa?”
Anh mỉm cười, khẽ đáp: “Nghe rồi ạ thưa chị.”
“Cậu gọi tôi là gì?” Cô lại trừng mắt.
“Cô chủ!”
Thế còn tạm được.
Hôm ấy trời đổ mưa, lần đầu tiên Lai Triều cùng ngồi xe kéo với Lai Phụng Minh về nhà. Trên đường, thấy có người bán bánh gạo hấp, cô còn mua một phần cho anh và dặn anh không được mách với ông chủ.
Mưa bụi tạt vào mặt, lành lạnh, nhưng trong lòng lại ấm áp và vững lòng.
2
Không lâu sau, Lai Triều không còn bị bắt nạt nữa.
Anh kết bạn với một người kỳ lạ, cậu ấm nhà họ Cố, tên là Cố Kỳ Hành.
Cố Kỳ Hành có đôi mắt mà tròng trắng nhiều hơn tròng đen, không nghe rõ lời người khác nói, tính tình hung hăng, ngang ngược nên chẳng ai thích chơi với cậu ta.
Chỉ có Lai Triều thân thiết với cậu ta.
Dần dần, Lai Phụng Minh nhận ra hầu hết những ai từng bắt nạt Lai Triều đều gặp xui xẻo.
Một số người "vô tình" xúc phạm Cố Kỳ Hành, Cố Kỳ Hành đánh người chẳng biết kiêng dè, còn được gia đình hết sức chiều chuộng.
Những kẻ thích bắt nạt người khác đó hoặc phải chuyển trường, hoặc như biến thành người khác, khúm núm ngồi ở hàng cuối cùng của lớp.
Những người khác cũng gặp xui xẻo dưới nhiều hình thức khác nhau.
Còn Lai Triều, vẫn là một "quý ông nhỏ" ôn hòa và lễ độ, không ai có thể bắt bẻ được gì.
Chỉ có Lai Phụng Minh nhìn thấy tất cả.
Cô càng ghét anh hơn.
Cô biết anh là con nuôi, để tự bảo vệ mình không thể thiếu đôi chút mưu mô.
Nhưng cô vẫn ghét cậu ra vẻ đáng thương nhưng thực tế cái gì cũng có.
Còn cô, bề ngoài là cô cả nhà họ Lai, thấy ai ngứa mắt thì đá cho một phát.
Nhưng thực tế cô mới mười sáu tuổi mà đã có hai rãnh cười sâu ở khóe miệng vì lo nghĩ. Từ khi lên mười, cô đã sống trong nỗi ám ảnh một ngày nào đó nhà họ Lai sẽ không có cơm để ăn.
Bây giờ, cửa hàng đang thua lỗ, phải nuôi người giúp việc, phải cho Lai Triều đi học, còn phải đề phòng những ý tưởng đột xuất của ông Lai, người luôn thu nhận những mấy học trò không ra gì.
Cô mắng chưởng quỹ thậm tệ, tính toán chi li với người giúp việc, đối đầu trực diện với ông Lai, nước bọt bắn cả lên mặt ông ấy.
Cô dốc hết tâm sức nhưng chẳng ai thấu hiểu.
Còn Lai Triều, anh chẳng cần làm gì mà thứ gì cũng có.
Nỗi căm ghét ấy lên đến đỉnh điểm khi Lai Triều được gửi lên thành phố học.
Ngày anh đi, cả nhà đều ra tiễn, ai cũng hy vọng anh sẽ có tương lai xán lạn, gánh vác gia đình này.
Chỉ riêng Lai Phụng Minh viện cớ không khỏe, không ra tiễn.
Một mặt, cô hiểu rằng từ nay trong nhà và cả trấn này, cô sẽ không còn ai để dựa dẫm, cũng mất một người thật lòng đối xử tốt với cô, còn là người duy nhất.
Mặt khác, cô cũng oán hận, hận cả ông Lai lẫn Lai Triều.
Dựa vào đâu mà anh được ra ngoài học, theo đuổi tri thức, tương lai còn có thể du học nước ngoài?
Còn cô phải quanh quẩn trong căn nhà phủ đầy rêu xanh này, tính đống sổ sách mãi không tính ra được.
Anh là con nuôi, suốt ngày tỏ ra đáng thương, nhưng thứ gì tốt đẹp anh đều có.
Còn cô là cô chủ mà chẳng có gì.
Nước mắt thấm ướt gối lụa, cô tự hỏi, con gái thì sao?
Cô nhất định phải xuất sắc hơn người!
3
Nhưng cô chưa kịp xuất sắc hơn ai đã bị ép lấy chồng.
Danh tiếng của Lai Phụng Minh đã lan rộng, còn nhan sắc của cô không mấy nổi bật, nhà giàu không lọt mắt, còn nhà nghèo thì không dám trèo cao, nên tìm nhà chồng cũng không dễ.
Nhưng điều đó chẳng quan trọng, trời sinh ra kẻ điếc rồi cũng sẽ có người câm phối ngẫu.
Nhà họ Tưởng có một đứa con trai, không làm việc đàng hoàng, thích qua lại với gái làng chơi, nghiện thuốc phiện nặng, nhưng gia cảnh khá giả. Bà chủ nhà họ Tưởng muốn tìm một nàng dâu mạnh mẽ để quản thúc con trai mình.
Đương nhiên, Lai Phụng Minh không đồng ý, nghe nói gã đó bị lở loét giang mai khắp người, thậm chí lở đến tận bắp đùi.
Bố cô nói: “Con gái lớn thì sớm muộn cũng phải lấy chồng.”
Cô đáp: “Vậy con sẽ tìm một người về ở rể!”
“Ở rể? Chỉ có những nhà không có con trai mới phải làm thế, còn bố có con trai!”
Hồi trẻ đánh võ với người ta bị tổn thương xương cốt, ông Lai nói chuyện không còn mạnh mẽ hùng hổ nữa.
Lại Phụng Minh đáp: “Đúng! Đó là con trai bố, chẳng liên quan gì đến con!”
Cô đập đồ, quay người bỏ đi.
Thật ra, cô biết nhà họ Lai chẳng còn đủ sức để chờ đến ngày Lai Triều thành danh, của hồi môn của cô giống như cơn mưa đến đúng lúc.
Nhưng cô không cam lòng.
Cô không cam lòng khi bao năm qua bận rộn lo hết việc trong việc ngoài lại thành làm mướn không công.
Nhà họ Tưởng không tách hộ, cả một gia đình lớn sống với nhau, dù thế nào thì quyền quản lý gia đình cũng chẳng đến lượt cô.
Cô không cam lòng sau này chỉ nhận một khoản tiền rồi sống qua ngày trong căn nhà kín cổng cao tường ấy.
4
Bỏ trốn là điều không thể.
Nhưng cô có thể lên thành phố thăm Lai Triều, thăm em trai không phạm pháp chứ?
Vượt qua cây cầu dài bắc trên đầu sông Tiền Đường, ngồi xe buýt là vào thành phố.
Cô ghét Lai Triều, nhưng lại thích vào thành phố.
Trong thành phố không có mùi ẩm ướt mục nát của thị trấn nhỏ, có những tòa nhà to cao sáng sủa, kính trên nhà thờ thì đủ sắc màu.
Cô cũng thích trường học của Lai Triều, sạch sẽ, sáng sủa. Họ mặc kiểu áo Trung Sơn chỉnh tề bước ra, trong đó chàng thiếu niên cao ráo nhất, điển trai nhất chính là Lai Triều.
Ánh nắng mặt trời trải khắp mặt đất như mảnh vàng vụn, anh chạy về phía cô, mặt mày rạng rỡ tươi tắn, nhưng khi còn cách cô ba, năm bước thì anh dừng lại, lễ phép gọi một tiếng: "Cô chủ."
Họ vào ký túc xá của anh, bà Trương bận rộn lấy đồ mang cho anh ra, nào là quần áo dày, cá khô phơi từ nhà, chăn mới...
Cô hỏi: "Ở đây có ai bắt nạt cậu không?"
Anh đáp: "Không thể nào, các bạn đều rất tốt với tôi."
Cô hừ một tiếng, cúi đầu nghịch đồ dùng học tập của anh. Cô biết, anh vốn là người có mưu mẹo.
Bà Trương ra ngoài phơi đồ.
Họ ngồi đối diện nhau, cô ngẩng đầu lên, chạm phải mắt anh, dưới ánh nắng chiều ba giờ, đôi mắt thiếu niên trong sáng, nhiệt liệt.
Cô bỗng nhớ đến hồ sen ở quê nhà, khi muốn hái hoa sen, cô phát hiện nước hồ bị nắng chiếu nóng, nóng từ đầu ngón tay lan đến tận đáy lòng.
"Cậu nhìn tôi làm cái gì!" Cô la lên.
Anh vội cúi đầu, không nói gì thêm.
Bà Trương quay lại, trong ký túc xá lại vang lên tiếng người, tiếng ve kêu, âm thanh của đồ vật di chuyển, dường như khoảnh khắc không khí ngưng đọng vừa rồi chỉ là ảo giác.
Anh lại nói: "Cô chủ, để tôi đưa cô đi dạo nhé."
Bà Trương ở lại ký túc xá dọn dẹp đồ đạc cho anh.
Anh đưa cô đi dạo trên con đường Diên Linh náo nhiệt nhất trong thành phố, ngắm những tấm kính màu rực rỡ của nhà thờ, vào rạp chiếu phim Liên Hoa xem phim. Cô cảm thấy không hay bằng kinh kịch, toàn là người nước ngoài, lại không có chuyển động.
Anh còn đưa cô đến một nhà hàng Tây để ăn bít tết.
Khi đã già, cô vẫn còn nhớ nhà hàng đó, nó có rèm cửa sổ làm bằng nhung dày nặng, trên khăn trải bàn trắng muốt có một chiếc khăn màu đỏ. Tại sao lại đặt khăn nhỉ? Cô muốn hỏi, nhưng lại không dám thể hiện ra ngoài, sợ người ta nghĩ cô quê mùa.
Đúng lúc đó, nhân viên phục vụ mang đ ĩa bít tết vang xèo xèo tới, ra hiệu cô che chắn một chút.
Che chắn? Che cái gì?
"Cô chủ...”
Trong khoảnh khắc cô còn đang ngẩn ngơ, Lai Triều không nói nhiều, đứng dậy, cầm chiếc khăn đỏ che trước mặt cô, vì thế mà những giọt dầu b ắn ra từ đ ĩa bít tết được chặn lại.
Cô nhìn anh, không biết từ lúc nào, anh đã trở thành một chàng thanh niên đẹp trai, lạnh lùng, không còn là đứa trẻ cố tỏ ra mình là người lớn nữa.
Nhưng anh vẫn đứng trước mặt cô.
Lai Triều nghĩ cô giận nên nói: "Thật ra đều là những quy tắc vô nghĩa thôi, người nước ngoài cũng chẳng ăn như vậy."
Cô bực dọc nói: "Ai quan tâm họ ăn ra sao."
Thật ra cô rất vui, cô thích tiếng đàn violin ở đây, thích bộ dao nĩa màu bạc sáng loáng, thậm chí cả Lai Triều, lúc này là một chàng sinh viên đẹp trai cùng dùng bữa với cô, cũng làm cô có cảm tình.
Sau bữa ăn, Lai Triều còn gọi thêm cho cô một phần bánh nhung đỏ.
Cô thích đồ ngọt.
Nhưng bao năm qua, chỉ có một mình anh nhớ điều đó để lấy lòng cô.
Nước mắt cô bất ngờ rơi xuống, để che giấu, cô cúi đầu ăn bánh.
Đương nhiên Lai Triều hiểu tại sao. Tháng nào anh cũng về nhà, ông chủ đã kể cho anh chuyện cô chủ sắp lấy chồng.
Anh chỉ tinh ý không nhắc đến, vì muốn cô nhẹ lòng hơn, ít nhất là vào buổi tối này, chỉ có tiếng violin, bánh nhung đỏ, hương cà phê.
Không ai ngờ, ngay lúc ấy, đèn vụt tắt.
Nhà hàng Tây sáng sủa quá mức bỗng chốc chìm vào bóng tối, tiếng nhạc đột ngột im bặt, tiếng la hét của phụ nữ, tiếng giày cao gót vang lên.
Và cả những tiếp xúc da thịt thoảng qua, hương thơm ấm áp, xúc cảm như dòng điện chạy qua.
Rất nhanh sau đó, nhà hàng thắp nến, quản lý ra xin lỗi và muốn tặng mỗi người một cốc kem.
Lai Phụng Minh đứng lên và nói: "Chúng ta đi thôi."
Lai Triều ngồi im, nhìn chiếc cốc đối diện, in vết son của cô, càng thêm mơ hồ mập mờ trong ánh nến.
Lai Phụng Minh bước ra khỏi nhà hàng trước mà không quay đầu lại.