Tiên Ấn

Chương 136

Thiên Vi Phủ tọa lạc trong một mảnh phúc địa tại Đông Phượng Lân.

Tòa thành này chiếm giữ diện tích khoảng một trăm vạn mét vuông, tiên dân tụ tập lên tới mấy chục vạn, phía bắc thông với Cửu Khúc Hà, phía nam tiếp giáp với Thanh Ô Sơn, phía đông vươn tới Cảnh Lan Lĩnh, lân cận với Thiên Cứu Phủ, đối diện với Cửu Dương tiên viện, địa thế rộng rãi, hoàn cảnh lại thích hợp, bốn phương thông suốt, quả là một trong số ít những tòa thành phồn vinh nhất ở Đông Phượng Lân.

Ở trong thành, một tòa lâu vũ sừng sững giữa không trung, bốn phía xung quanh đều có tiên binh canh gác, bảo vệ vô cùng chặt chẽ, đại khí trang trọng, làm cho người khác không dám khinh nhờn.

Nơi này chính là phủ đệ của Thiên Vi Phủ chủ Nguyễn Kinh Niên.

Nguyễn Kinh Niên, Thiên Tiên cửu phẩm... Tử Tiêu Cung... Tuổi thật bảy ngàn tám trăm... Tiên quan tam phẩm... Thiên Vi Phủ chủ.

Tiên quan tam phẩm đại biểu cho điều gì?

Có lẽ trong mắt của Tiên tông đại phái thì chức vụ này chẳng tính là gì, nhưng trong mắt của tiên dân bình thường thì nó đại biểu cho quyền uy, là sự tồn tại cao cao tại thượng, là người đứng đầu một phủ, quản hạt và nắm giữ kế sinh nhai của hơn mười vạn tiên dân trong phạm vi của mình.

Ở Tiên Giới, quan niệm tôn ti đã hình thành từ thời thượng cổ tới nay, vì vậy tiên tịch cũng phân chia rất rõ ràng.

Có năm loại tiên tịch bao gồm Quan, Sĩ, Thương, Dân, Nô được định ra để phân biệt. Từ khía cạnh nào đó mà nói chính là để cân bằng thế lực của các nơi, hơn nữa còn thể hiện được sự ưu việt của kẻ mạnh.

"Nô" tịch đa số đều là Tán tiên, hoặc là những người phạm phải trọng tội, không có chút địa vị hay quyền lợi nào ở trong Tiên Giới, sống hay chết của họ đều nằm trong tay của người khác.

"Dân" tịch chính là những người tuy thân gia sạch sẽ nhưng lại không môn không phái.

Những người này đều có tư chất kém cỏi, không có hi vọng bước lên đại đạo, hơn nữa lại không có môn phái để nương nhờ nên chỉ cầu mong một hoàn cảnh yên bình để sinh sống. Vì thế thông thường họ sẽ phụ thuộc vào các tiên thành hoặc các gia tộc lớn, nhờ đó sẽ được bảo hộ ở trong phạm vi mà tiên thành quản lý.

Dĩ nhiên, quyền lợi phải đi kèm với nghĩa vụ, mà nghĩa vụ của tiên dân chính là hàng năm sẽ phải cống nộp cho tiên thành một khoản tiên thạch, ngoài ra còn phải phục tùng vô điều kiện những mệnh lệnh do tiên thành ban hành, ví dụ như tuyển mộ binh lính, xây dựng tường thành.... Tất nhiên tài nguyên của Tiên giới có hạn nên tranh đấu giữa các tiên thành là điều không thể tránh khỏi. Đối với hiện tượng này thì cho dù là Tử Tiêu Cung cũng không thể hoàn toàn can thiệp mà chỉ có thể mắt nhắm mắt mở để mặc nó phát triển trong phạm vi nhất định là được.

Nếu đem ra so sánh thì "Thương" và "Sĩ" khá là tự do và không chịu quá nhiều ước thúc.

"Thương" lấy chuyện kinh doanh buôn bán làm gốc, mặc dù địa vị không cao nhưng có nhiều điểm được ưu đãi, ví dụ như được tự do di chuyển giữa các châu, được quyền buôn bán tự do trong tiên thành. Hơn nữa bọn họ rất được hoan nghênh, bởi vì sự có mặt của bọn họ đại biểu cho lợi ích và tài phú.

"Sĩ" thì đa số là đệ tử của các Tiên tông, chia làm chín đẳng, căn cứ vào quyết định và khảo hạch của Tiên tông đại phái và do Tử Tiêu Cung ghi vào danh sách. Một khi trở thành tiên sĩ thì không cần phải nộp tiên thạch lên trên, cũng không cần phải tuân thủ dụ lệnh mà tuân theo sự điều động của Tiên tông. Có thể nói tiên sĩ muốn làm gì thì làm, thậm chí khi làm việc không cần để ý tới Tử Tiêu Cung. Vì vậy, sự tồn tại của tiên sĩ làm cho Tử Tiêu Cung đau đầu vô cùng, hơn nữa lại là căn nguyên của tai họa.

Trong năm loại tiên tịch thì "Quan" tịch có quyền lợi lớn nhất. Quan tịch do Tử Tiêu Cung sắc phong quan phẩm, thống trị mọi công tác trong Tiên giới, quản lý sự vụ của tiên dân. Cho dù quan tịch nhỏ nhất là nhất phẩm cũng được hưởng đãi ngộ không hề tầm thường, vô luận là tiên thạch hoặc pháp bảo, chỉ cần tu vi phù hợp là có thể nhận lấy bổng lộc tương ứng ở Tử Tiêu Cung, không hề thua kém so với Tiên tông.

Tử Tiêu Cung dù vị thế yếu hơn nhưng cuối cùng lại có danh phận đại nghĩa mà không ai có thể dao động. Cho dù tiên sĩ vô cùng cường đại có bất mãn với tiên quan cũng không thể tùy ý đánh giết, nếu không sẽ bị quy kết tội danh. Vì thế, thế lực của Thái Nhất Tông tuy vô cùng mạnh mẽ nhưng làm việc vẫn phải dựa vào phủ chủ các nơi mới có thể thuận lợi dễ dàng được.

Chỉ từ điểm này mà nói thì quan tịch đã thể hiện được lợi ích của nó.

Từ ý nghĩa nào đó mà nói thì hai giới tiên phàm có quan niệm đồng nhất với nhau.

Không khí bên ngoài phủ đệ vô cùng nghiêm trang nhưng bên trong lại tràn ngập hoa thơm chim hót, cảnh tượng đẹp đẽ vô cùng.

Ở trong hoa viên dưới đình viện có một nam tử trung niên áo trắng đang ngồi cùng bảy cô gái xinh đẹp, vừa thưởng thức trà luận đạo, vừa phong hoa tuyết nguyệt (*), thỉnh thoảng truyền đến một loạt tiếng cười trong trẻo, có thể nói là không khí hài hòa, tiêu dao tự tại. Bọn họ chính là Thiên Vi Phủ chủ Nguyễn Kinh Niên cùng mấy vị phu nhân của hắn.

Tu hành là vì cái gì? Tất nhiên là vì trường sinh.

Trường sinh là vì cái gì? Tất nhiên là vì cực lạc.

Tu hành gần tám ngàn năm, Nguyễn Kinh Niên đã sớm nhìn thấu thế gian vô thường nên cuộc sống an nhàn đã thành thói quen của hắn.

Có người nói hắn không có chí tiến thủ nữa, cũng có người nói hắn hoang dâm vô độ, đắm chìm trong quyền lợi và sắc đẹp. Nhưng Nguyễn Kinh Niên lại nghĩ bất kể là tu hành hay là trường sinh cũng đều vì tự tại và vui vẻ, nếu đã như vậy tại sao có thể bỏ qua niềm vui.

Trên thực tế, trong lòng Nguyễn Kinh Niên cũng hiểu rõ, hắn vốn không phải là người có thiên tư siêu việt, có thể tu luyện tới Thiên tiên cửu phẩm đã là vô cùng may mắn, muốn tiến thêm một bước nữa cơ hồ là chuyện không thể. Nếu vậy, đối với một người chỉ còn hai ngàn năm thọ nguyên như hắn mà nói, nếu hao phí tâm lực để truy cầu một cơ hội vô cùng nhỏ bé không bằng tận hưởng những thời khắc trong hiện tại. Ít nhất là hắn đã từng vui vẻ!

Đây là một người "rộng rãi", có cách nhìn đối với cái chết vô cùng khoáng đạt, nhưng đối với lợi ích lại xem trọng vô cùng. Có mưu lược, biết tiến biết lui, hiểu được nên lấy hay nên bỏ, cho nên Nguyễn Kinh Niên có thể trụ vững ở Thiên Vi Phủ này mấy ngàn năm, ngay cả tứ đại gia tộc quyền quý như thế cũng phải kính lễ ba phần.

"Khởi bẩm chủ thượng, bên ngoài có người cầu kiến, tự xưng Thiên Cơ Minh Tinh chủ... Còn có bái thiếp."

Ở bên ngoài đình viện có một hạ nhân kính cẩn dâng lên một tấm thiệp màu đen, bên trên viết ba chữ “Thiên Cơ Minh” thật to màu vàng.

"A, Thiên Cơ Minh Tinh chủ tìm bản phủ làm gì?"

Nguyễn Kinh Niên đứng lên từ trong lòng của mỹ nhân rồi cầm thiệp quan sát một chút, ngay sau đó nét mặt lộ vẻ trầm tư:"Không sai, đây chính là bái thiếp của Thiên Cơ Minh, bất quá bản phủ chưa từng có liên hệ gì với Thiên Cơ Minh, bọn họ đột nhiên tới tìm làm gì. "

...

Dừng một chút, Nguyễn Kinh Niên bĩu môi khinh thường nói: "Hừ hừ, rõ ràng là một đám cường đạo bậy bạ, lại còn học đòi người khác gửi bái thiếp tới đây, giả bộ khách khí, cố lộng huyền hư, quả thật là buồn cười. Cũng được, các ngươi lại dám to gan lớn mật tới gặp bản phủ, nếu không gặp ngươi một lần lại cho rằng bản phủ sợ các ngươi hay sao. Bản phủ cũng muốn nhìn xem, các ngươi muốn giở trò gì, Thiên Vi Phủ không phải là nơi các ngươi muốn đến thì đến, muốn đi thì đi! "

Nói xong, mắt của Nguyễn Kinh Niên đảo lộn một vòng rồi nói với hạ nhân:"Được rồi, ngươi dẫn bọn họ tới thiên sảnh và nói với họ rằng ta sẽ tới sau. Ngoài ra, gọi Tôn tổng quản tới gặp ta, nhớ kỹ không được để lộ bất cứ tin tức gì."

"Dạ, tiểu nhân biết! "

Tên hạ nhân khẽ rùng mình một cái, lên tiếng trả lời rồi lui ra.

"Ai, thật là mất hứng! Các vị phu nhân, các ngươi cứ tiếp tục a, bản phủ đi thay quần áo để gặp khách, một lát sẽ trở về."

Nguyễn Kinh Niên nhéo nhéo hai má của mỹ nhân bên cạnh rồi sau đó cười lớn đi ra khỏi đình viện.

Cùng lúc đó, tứ đại gia tộc của Thiên Vi Phủ trước sau nhận được truyền tin từ ngoài ngàn dặm tới.

Tin tức trên đó bao gồm tất cả mọi chuyện phát sinh ở chợ Cảnh Lan và đấu nô trường, kể cả chuyện Nguyễn Hằng và đám người Âu Phù Nhạc bị Thiên Cơ Minh bắt đi.

Trong nhất thời, tứ đại gia tộc vô cùng tức giận, Thiên Vi Thành phong vân biến sắc.

(*) Phong hoa tuyết nguyệt là gì? Phong hoa tuyết nguyệt là gió mát trăng thanh, hai kẻ nhà lành, làm chuyện mát mẻ)
Bình Luận (0)
Comment