Tiếng Người

Chương 6

Buổi sáng hôm sau, trong lúc chuẩn bị quần áo để lên phòng họp, bất giác Duy nghĩ anh phải ăn mặc nghiêm chỉnh hơn mọi khi.

Anh nhìn đống áo quần mang theo; tất cả đều nhàu nhĩ vì anh đã không treo chúng lên từ hôm đến. Anh nhặt một chiếc áo sợi thô dài tay màu trắng và quần bò. Rồi anh vào nhà tắm, cẩn thận cạo râu và nhìn mình trong gương.

Hạnh phúc chắc chắn để lại dấu ấn của nó trên mặt người. Nó xóa những quầng thâm, những hốc và vòm. Im lặng cũng để lại dấu ấn trên da thịt. Những thời khắc thả lỏng của bốn năm qua đã là phẳng da thịt anh. Đôi mắt anh từ bao năm vẫn một màu đen như thế, nhưng ánh nhìn đã trầm xuống. Đường xương hàm không còn bạnh ra thành hai lưỡi mác rõ rệt như trước mà chìm xuống, biến vẻ khắc khổ trên khuôn mặt mà cha anh thường gọi là “quý tộc” thành sự trầm mặc.

Buổi sáng đó, công ty chia thành từng nhóm nhỏ để thảo luận. Người đàn ông đi cùng cô gái mặc áo đỏ hôm qua đến ngồi vào nhóm của Duy. Anh ta mặc áo len mỏng cổ lọ màu đen bên trong, bên ngoài là suit dạ với hàng cúc đồng lớn có hai chữ B khắc nổi, lồng vào nhau. Duy nhìn vào tấm giấy trên ngực áo của anh ta. Tên: Hoàng. Anh ta chìa tay ra trước:

- Tôi nghe nói về anh rất nhiều.

Anh ta nói giọng Bắc pha miền Nam. Duy chìa tay ra bắt lại. Sau đó, buổi họp bắt đầu.

Chủ trì nhóm của anh là “chú Thành”, một người đàn ông gần 60 tuổi, phó giám đốc chi nhánh miền Bắc. Một người mà ai cũng quý và không ai sợ. Trong 10 người ngồi quanh bàn, ba người phụ nữ chủ yếu cười và vuốt phẳng quần áo. Những người đàn ông còn lại thủng thẳng. Hoàng xung phong làm thư ký cho nhóm.

Sau 10 phút, vị trí trưởng nhóm và thư ký đã âm thầm hoán đổi. Hoàng không hề làm gì đặc biệt. Anh ta chỉ ngồi thay từ ngữ. Anh ta nói những câu đại loại:

- “Làm khách hàng hài lòng tối đa”… Nhưng thế nào là “tối đa”? Mình nên đổi thành “Nâng cao năng lực khách hàng”.

- Chú Thành, chú thấy cụm từ “Tăng cường chia sẻ giữa nhân viên và lãnh đạo trong công ty” thế nào? Con thấy hơi suồng sã quá. “Chia sẻ” rất là chung chung. Chia sẻ cái gì? Mình phải nhấn mạnh thẳng vào quá trình ra quyết định trong công ty ha chú? Nhân viên phải có quyền tham gia nhiều hơn, đúng không chú? Có thể viết “Tăng cường vai trò nhân viên trong quá trình ra quyết định”? Hay là “Tăng cường tính dân chủ trong quy trình ra quyết định?” Chú nghĩ sao?

- Phải gom mấy mục này lại… Gom thành “Quan tâm tới đời sống tinh thần và gia đình của nhân viên”.

- Vân vân…

Cứ như vậy. Các đồng nghiệp của anh nói, Hoàng biên tập. Tất cả đều hăng hái; như thể đây là công việc sáng tạo quan trọng bậc nhất.

Duy im lặng. Anh đã nhìn thấy cái này ở đâu? Y hệt như thế này. Một nhóm người ngồi quanh bàn. Những tiếng nói văng ra lộn xộn; một người khác tóm lấy chúng, cắt gọt, quét sơn, và nẹp chúng lại. Cũng là những từ ngữ tương tự như thế này. Cũng sự hào hứng tan chảy một cách nhiệt thành như thể họ đang sáng tạo một kiệt tác. Anh đã nhìn thấy cái này ở đâu? Ở đâu?

Một cảm giác ơn ớn không rõ ràng chạy thành sóng khắp người anh. Những ý nghĩ và cảm giác chờn vờn. Anh cố túm lấy chúng để cột lại. Vô ích.

Thuyết trình bắt đầu vào giờ thứ hai. Nhóm của anh lên sau cùng. Hoàng là người đại diện. Anh ta khéo léo lách qua những chiếc bàn để đi lên khoảng trống trước hội trường. Cái dáng cao lớn, tự tin trong bộ đồ đen bắt người ta phải nhìn và ngầm ngưỡng mộ.

Một vài giây im lặng kéo dài; rồi bài thuyết trình được mở màn bằng một câu pha trò. Quanh anh, những tiếng cười rộ lên. Sự ơn ớn trên da anh càng rõ hơn. Và khi Hoàng bắt đầu nói, hai tay vung lên một cách tự tin, mắt nói, miệng nói, thân người nói, thậm chí cả những khoảnh khắc im lặng tuyệt đối chính xác cũng là một cách nói thì Duy nhận ra nguồn gốc cơn ớn lạnh của mình: Hoàng trông giống hệt như anh hồi 17 tuổi – lớp trưởng và cán bộ Đoàn xuất sắc ở Đại học Xây dựng, triển vọng và tương lai của trường cũng như của dòng họ Nguyễn Phước.

Tuổi 17.



Xung quanh anh, hơn 100 con người còn lại trong phòng đều đang dán mắt vào Hoàng. Miệng họ cười; mắt họ ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ như những luồng sáng chiếu ra từ ánh mắt, bay thẳng về phía Hoàng. Chúng đan thành một cái lưới nhún. Những cô gái trẻ đổ người về phía trước, một tay chống cằm, mắt mơ màng. Những người già mím môi trầm mặc. Cả cái này nữa – anh cũng đã biết. Anh biết cả cảm giác của Hoàng khi đứng ở trên kia: một mình trước hàng trăm người, một mình làm chủ một khoảng không hẹp về diện tích nhưng trải ra vô tận vì sự lâng lâng.Từ đâu đó trong cái khoảng không lâng lâng vô tận ấy, óc anh bắt đầu nhặt lên những mối dây. Trí não như một người quăng chài ngủ quên đột nhiên tỉnh dậy hối hả kéo tấm lưới đã chìm dưới nước từ lâu. Với mỗi động tác kéo, ngôn từ âm thầm hiện ra như những con cá chết qua đêm mắc cứng trên mắt lưới:

- Cười (2 giây sau, Hoàng cười)

- Dừng lại (2 giây sau, Hoàng dừng lại)

- Từ từ ngẩng lên, nhìn bao quát khắp phòng (Hoàng đã ngẩng lên, bắt đầu nhìn bao quát khắp phòng)

- Nhìn từng người một, không được để sót một ai (Anh mắt Hoàng bắt đầu lia đến anh)

- Ngừng, hỏi xem có ai thắc mắc không (Có ai có thắc mắc gì cứ tự nhiên phát biểu ha? – Hoàng nói)

- Pha tro hoặc danh ngôn (“Sophocles, một trong ba tác giả vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại từng viết…”)

- Bóng gió về bản thân (“Tôi nhớ, lúc ba tôi còn đang làm với bác Liên, ba tôi hay kể chuyện bác Liên…”)



Hai mươi phút trôi qua. Đến lúc Hoàng kết thúc phần thuyết trình, tiếng vỗ tay dậy lên. Hoàng cười, trịnh trọng cúi chào. Một tay anh ta đặt lên ngực áo trái. Anh ta cúi lâu hơn quy tắc thông thường chừng 5 giây. Những tiếng vỗ tay vì thế mà kéo dài thêm 10 giây. Bài học thứ n: Mình bày tỏ sự chân thành với người khác trong 5 giây, người khác sẽ tán thưởng mình lâu gấp đôi.

Duy nhìn quanh. Vĩnh viễn từ đây, cái tên và khuôn mặt của Hoàng đã được tạc vào một chỗ nào đó trong đầu những người ngồi quanh anh. Chỉ cần một cử động chính xác vào một thời điểm chính xác! Điều này – và vô vàn những bài học khác – cha anh đã âm thầm nói với anh từ năm anh 7 tuổi. “Miễn là có, dù chỉ một người ở xung quanh, con không bao giờ được sơ suất. Con phải nhớ thiên hạ dễ bỏ quên nhưng không bao giờ, không bao giờ bỏ qua”. Anh đã nhớ và đã âm thầm thực hành nó như một thứ bản năng thứ cấp trong suốt những năm cấp 2, rồi cấp 3, rồi năm đầu ở Đại học Xây dựng, thậm chí cả ở Moscow; cho đến lúc anh thấy mình chỉ có một mình ở New York, khi không một ai để ý anh mặc gì, nói gì, làm gì, từ đâu tới và sẽ đi về đâu.

Vào giờ giải lao ngay sau đó, Duy đứng trong hành lang kín đáo quan sát Hoàng. Anh biết quanh anh, rất nhiều cặp mắt khác cũng dõi theo Hoàng.

Hoàng đứng một mình. Rồi anh ta bước tới chiếc ghế sưởi nắng ngay cạnh bể bơi của resort. Tiếp đó: (1) Thong thả ngồi xuống; (2) Duỗi dài người trên ghế; (3) Từ từ châm thuốc lá; (4) Nhả khói chậm rãi. Bài học thứ n+1: Khi đến thời điểm củng cố sự nổi bật, phải đứng ở chỗ mà người khác có thể nhìn thấy.

Chỉ ba phút sau, giám đốc công ty và trưởng đại diện văn phòng phía Nam tiến tới gần Hoàng. Họ châm thuốc cho nhau và cười lớn trong lúc nói chuyện. Tiếng cười đánh động những bóng người túm tụm trong hành lang. Họ liếc về phía Hoàng. Một cách tự động, những đám đông cứ hình thành dần quanh chỗ Hoàng. Bài học thứ n+2: Một cái cười lớn với một người có quyền sẽ tác động nhiều hơn cả năm cười đùa với những người dưới mình.

Buổi chiều trôi qua. Hoàng đi từ chỗ này sang chỗ khác, kéo theo sự huyên náo. Dường như ai cũng muốn lớn tiếng quảng bá về mối quan hệ thân thiết này. Hoàng không vội vàng. Anh ta nói chuyện với người này, hỏi chuyện người kia, châm thuốc cho người khác, nghiêm trang, cung kính với người khác nữa. Bài học thứ n+n: Phải đối xử với từng người như thể họ là một cá thể đặc biệt và có tầm quan trọng đặc biệt với mình.

Vào lúc nghỉ uống trà giữa buổi chiều, Hoàng đứng ngay cạnh anh. Hoàng cất tiếng trước:

- Tôi muốn nói chuyện riêng với anh từ sáng mà bây giờ mới có dịp.

Anh cười mỉm thay câu trả lời.

- Ba anh và ba tôi biết nhau đấy – Hoàng nói tiếp.

- Anh biết cha tôi?

- Biết chứ. Ai mà không nghe tiếng viện sĩ Nguyễn Phước Trọng Khiêm? – anh ta nhấn mạnh chữ “viện sĩ”.

- Ba anh và ba tôi trước còn đi bộ đội cùng nhau. Hình như ở chiến trường Nam Lào.

- Cụ nhà anh là…? – anh lịch thiệp hỏi lại.

- Ba tôi nghỉ hưu năm ngoái rồi, nhưng trước đó thì ba tôi làm trợ lý cho bác Liên.

- Anh họ Lê?

- Vâng.

Anh chợt nghĩ đến người đàn ông thấp mặc comlê đen và ngồi với chân không chạm đất trong phòng khách nhà anh. Cái người ngồi chắp tay trước bụng, miết hai ngón cái vào nhau trong lúc anh rót trà và mắt phải liên tục nháy. “Chú Phương” – cha anh gọi người đó như vậy.

- Thế thì tôi gặp ba anh ở nhà tôi rồi – anh nói từ tốn và nhìn dáng người cao to của Hoàng.

- Ủa, vậy hả? Anh gặp ba tôi bao giờ?

- Tôi không nhớ rõ; lúc đó tôi còn nhỏ.

- Tôi có nghe ba tôi kể chuyện gia đình anh. Ổng ngưỡng mộ ba anh lắm. Ổng bảo trong họ Nguyễn Phước thế hệ ba anh thì ba anh là người xuất sắc nhất nhưng lại dứt khoát không chịu ra chính trường. Hình như cụ từ chối lên Bộ Giáo dục rất nhiều lần.

- Vậy à?

Anh nhớ lại cái nhìn của cha anh lúc họ gặp lại ở sân bay. Và cả cái bóng lớn của ông trong phòng khách suốt những năm anh còn nhỏ.

- Anh vào công ty lâu chưa? – Duy đổi câu chuyện.

- Sáu tháng…

- Trước anh làm ở đâu?

- Tôi mới đi tu nghiệp nước ngoài về.

Vừa lúc đó, chuông điện thoại của Hoàng đổ. Anh ta xin phép rồi rút điện thoại ra nghe.

- Em hả?

Anh ta tự động đi cách ra một quãng. Từ khoảng cách không xa lắm, Duy thấy Hoàng cười to, thỉnh thoảng lại xuống giọng thì thầm.

Mấy phút sau, Hoàng quay lại chỗ anh, khuôn mặt vẫn còn cười mỉm.

- Bà xã tôi – Hoàng thanh minh – Hỏi xem mấy giờ vào ăn tối.

Anh ta lắc đầu, cười cười. Duy nói:

- Khi nào anh ra Hà Nội thì đến chơi với cha tôi.

- Thật vậy hả, có làm phiền cụ không? Tôi vẫn mongó lúc được gặp cụ vì ba tôi ca ngợi quá chừng.

- Hôm nào anh ra thì nói với tôi, tôi dẫn đến gặp ông cụ. Tôi đoán ông cụ sẽ quý anh hơn cả tôi.

Anh nói rồi quay trở vào bàn. Cả phòng họp chỉ có một mình anh. Các đồng nghiệp của anh vẫn túm tụm từng nhóm bên ngoài. Anh nghe rõ tiếng cười của Hoàng vọng vào. Anh lấy bút bi nguệch ngoạc phác những vòng tròn bánh xe lên một tờ giấy trắng. Anh cẩn thận vẽ các nan hoa thật thẳng và đều. Rồi anh vẽ những bông cúc và những hình lập phương nhỏ đan chéo vào nhau.
Bình Luận (0)
Comment