Tiết Ngọc - Bùi Ý - Mễ Hoa

Chương 1

Năm ta mười ba tuổi, nhờ bà mối giới thiệu, cha ta dẫn ta tới Đại Miếu Thôn, gả vào Bùi gia.

Nói dễ nghe thì là "làm mai", nói thật lòng thì là "bán con gái".

Bùi gia đưa năm lượng bạc, cha ta hớn hở cầm lấy rồi lập tức xuống huyện thành lăn lộn ở sòng bạc.

Trong nhà Bùi gia, Bùi thím sức khỏe yếu, Đại Lang thân thể cũng không khá hơn, ngoài ra còn có một tiểu cô ba tuổi và một Thái mẫu tuổi đã xế chiều.

Họ mua ta, thứ nhất là chuẩn bị để làm dâu cho Đại Lang sau này, đợi ta đến tuổi cập kê sẽ chính thức gả; thứ hai là để có người lo giặt giũ, nấu ăn, chăm sóc người già và người bệnh trong nhà.

Bùi gia ở huyện Vân An vốn từng là nhà khá giả.

Bùi lão gia lúc trẻ từng gánh hàng rong, lăn lộn khắp nơi, sau lại sang Dự Châu học nghề làm tào phớ từ một sư phụ già. Tay nghề tinh thông, ông trở về mở quán bán tào phớ tại huyện thành, vài năm sau mở được cửa hàng đàng hoàng, sinh ý phát đạt, còn thuê cả tiểu nhị giúp việc.

Cho đến khi ông đổ bệnh qua đời.

Bùi thím sinh hai trai hai gái. Khi sinh tiểu cô thì bị hàn nhập thân, từ đó sức khỏe yếu hẳn, lại từng cùng chồng thức khuya dậy sớm làm buôn bán, ép mình gắng gượng, tay chân thành ra mắc bệnh tê dại, cả ngày đau lưng nhức gối.

Đại Lang thì từ nhỏ đã thể nhược, vốn mang chứng bất túc, sau lại nhiễm thêm bệnh ho lao.

Khi cha hắn vừa m. t, Đại Lang miễn cưỡng dựng lại nhà bếp, tự mình bán tào phớ bên đường. Nhưng không gánh nổi, cửa hàng cũng vì thế mà tiêu tan.

Cũng may, trong nhà vẫn còn chút của cải cũ để sống qua ngày.

Khi Đại Lang đến tuổi làm mai, vì bệnh tật, đại phu đã nói khó qua khỏi, lại còn dễ lây truyền. Người bình thường chẳng ai dám gả con gái vào.

Nhưng nhà ta thì khác. Mẹ ta m. t sớm, còn cha ta là một kẻ nghiện cờ bạc, tính người chẳng khác gì cặn bã.

Ta mười ba tuổi về làm dâu Bùi gia, một ngày cũng không được nghỉ ngơi. Giặt giũ, nấu cơm, chăm sóc Thái mẫu, đắp thuốc xoa bóp cho Bùi thím, dỗ tiểu cô ba tuổi đi ngủ… tất thảy đều một tay ta lo liệu.

Đêm khuya, khi Đại Lang còn thức đọc sách dưới đèn, ho khan không ngừng, ta lại đi nấu nước củ cải đem lên cho hắn uống.

Mỗi lần như thế, hắn luôn áy náy bảo:

“Tiểu Ngọc, ngươi vất vả rồi, nghỉ ngơi sớm đi thôi.”

Ta chỉ cười đáp:

“Không mệt đâu, Đại Lang ca. Ở nhà trước kia, ta còn phải vào núi đốn củi, ra đồng cuốc đất nữa kìa. Ngày nào cũng bận như thế, thành thói quen rồi.”

Khi đó, Đại Lang mười bảy, từng theo học tư thục, là một thiếu niên nho nhã, hiền hậu, rất thích đọc sách.

Hắn đã dự huyện thí và phủ thí để lấy bằng đồng sinh, chỉ tiếc vì thân thể yếu nên không thể tiếp tục dự viện khảo.

Người đọc sách lúc nào cũng khiến người khác ngưỡng mộ. Từ hắn, ta học được cách viết tên mình, cũng biết thêm không ít chữ nghĩa.

Hai năm sau, khi ta tròn mười lăm tuổi, Bùi thím tặng ta một chiếc vòng ngọc, nói rằng muốn lo chuyện hôn sự giữa ta và Đại Lang.

Ta không phản đối. Nhưng Đại Lang lại không đồng ý.

Lúc ấy hắn đã bệnh nặng lắm rồi, thường chưa nói xong một câu đã ho ra máu.

Hắn nói với thím:

“Thân thể con, con hiểu rõ. E là chẳng còn bao lâu nữa. Xin đừng làm hại Ngọc Nương. Trong lòng con, nàng như tiểu muội ruột thịt vậy.”

Bùi thím nghe xong ngất lịm, tỉnh lại rồi hỏi ta:

“Ngọc Nương, con vẫn muốn gả cho Đại Lang chứ?”

Ta vừa lau nước mắt vừa gật đầu:

“Lúc trước mua con về, chẳng phải cũng vì để gả cho Đại Lang ca sao?”

Thím ôm lấy ta khóc nức nở:

“Ngọc Nương à, đừng trách ta. Cả nhà ta giờ chỉ trông vào con thôi…”

Cuối cùng, ta thành thân với Bùi gia Nhị Lang.

Không đúng, phải nói là Bùi Nhị Lang thay mặt Đại Lang bái đường với ta. Vì lúc ấy, Đại Lang đã yếu đến mức không xuống giường nổi.

Hai năm ở Bùi gia, đó là lần đầu tiên ta gặp Nhị Lang.

Hắn lớn hơn ta hai tuổi, tướng mạo đoan chính, dáng vẻ như ngọc thụ lâm phong.

Ngay từ khi còn sống, cha hắn đã gửi hắn vào quân doanh.

Luật pháp Đại Sở quy định, nam tử đủ mười lăm tuổi là có thể tòng quân, áp dụng theo chế độ ba năm cày ruộng một năm lính, bất kể giàu nghèo sang hèn, đến hai mươi tuổi đều phải ghi danh với quan phủ.

Đa phần gia đình có con bị chọn đi lính đều kêu trời khóc đất, sợ con mình ra trận bỏ mạng.

Nhưng Bùi Nhị Lang lại không như thế.

Chưa đến mười lăm tuổi, cha hắn đã tìm người lo liệu, làm giả tuổi khai sinh, tìm cách đẩy hắn vào quân ngũ.

Không trách cha hắn tàn nhẫn. Bởi từ nhỏ Bùi Nhị đã chẳng giống người thường. Không thích đọc sách, suốt ngày chơi với đám lưu manh ngoài thành, mưu mẹo, lừa lọc, gây bao chuyện rắc rối.

Tiểu Đào khi năm tuổi còn đang nghịch đất chơi bùn, thì Bùi Nhị đã biết trộm gà nhà hàng xóm, hái rau, lấy trái cúng trong chùa.

Tóm lại là một kẻ cố tình làm càn, gây sự khắp nơi.

Một lần, hắn bặt vô âm tín suốt thời gian dài, nửa đêm đột ngột trở về, người bê bết máu, đứng bên giường cha mà nói:

“Con lỡ tay đánh ch .t người rồi, phải làm sao bây giờ?”

Bùi lão gia sợ hãi, lập tức đem hơn nửa gia sản đi đút lót quan nha, vài tháng sau liền sắp xếp cho hắn nhập ngũ, mong hắn từ đây tu tâm dưỡng tính.

Lúc ta thành thân với Đại Lang, thì Nhị Lang vừa mới từ quân doanh về sau bốn năm chinh chiến.

Thiếu niên ấy mày kiếm mắt sắc, sống mũi cao, môi mỏng, mắt sâu ánh lên vẻ lạnh lùng ngạo nghễ. Hoàn toàn khác với nét nhu hòa của Đại Lang.

Dưới sự sắp đặt của Bùi thím, hắn khoác hỉ phục thay ca bái đường với ta. Hắn chỉ mím môi, không giấu nổi vẻ lúng túng, miễn cưỡng hành lễ.

Đêm đó, Đại Lang không qua khỏi. Máu tuôn như trút, đỏ thẫm cả khăn, không gì cầm nổi.

Bình Luận (0)
Comment