Tiểu Sát Tinh

Chương 8

Lời nói của người đó đầy vẻ khiêu khích, nhưng Tỷ Hư đạo trưởng với Tinh Linh Tử là những nhân vật từng trải, nên nghe thấy người đó nói như vậy, chỉ lắc đầu gượng cười thôi. Duy có Ngọc Quài Bà Bà tính nóng như lửa không sao nhịn được, liền lên tiếng quát bảo:

- Xin Thẩm tiểu hiệp hãy ở lại gỡ sĩ diện cho chúng tôi chứ!

Tinh Linh Tử khẽ gọi:

- Sư muội…

Người chưởng môn muốn nói tiếp nhưng lại thôi, vì thấy Ngọc Quài Bà Bà đã trót nói như vậy rồi.

Nguyên Thông liền dừng chân lại đáp:

- Tiền bối muốn dạy bảo thế nào, Nguyên Thông cũng vui lòng tiếp ngay và không ngần ngại chút nào!

Lời nói của chàng quá sỗ sàng, muốn hòa giải cũng khó vì trước mặt đông đảo quần hùng hào kiệt của võ lâm như thế, đáng lẽ chàng không nên trả lời như vậy mới phải.

Ngọc Quài Bà Bà cười như điên như khùng một hồi, mới nói:

- Xin tiểu hiệp để khí giới ở trên lưng xuống, rồi theo đúng qui củ bổn phái mà ra lãnh lại.

Nguyên Thông tức giận đến đổi mày trợn ngược, hai mắt lóng lánh như nổ lửa, lúc này trông chàng không còn là một thư sinh nho nhã nữa.

Long Hổ Dị Cái thấy vậy trong lòng hoảng sợ, vội nói với Ngọc Quài Bà Bà rằng:

- Nguyên Thông ít tuổi có điều gì thất lễ, để ăn mày già này nhận lỗi hết.

Ngọc Quài Bà Bà chỉ lườm lão ăn mày già một cái, chứ không trả lời. Dị Cái tức giận vô cùng, liền mắng thầm: Mụ tưởng mụ giỏi lắm, hạ nổi nó hay sao?

Ông ta liền làm thinh, không can thiệp nữa.

Lúc ấy, thiếu niên tay cầm sáo ngọc xanh bỗng lướt tới trước mặt Nguyên Thông cười ha hả và nói với Ngọc Quài Bà Bà:

- Bà đã lầm rồi, bà có biết không?

Ngọc Quài Bà Bà ngơ ngác lui về phía sau một bước.

Thiếu niên đó lại nói tiếp:

- Nói thật cho bà hay, kẻ cướp cây sáo ngọc của Thẩm tiểu thư chính là tại hạ Đàm Anh đây.

Chàng vừa nói vừa giơ cây sáo ngọc lên, mỉm cười nói tiếp:

- Cây sáo này mới là của Thanh Sam Lão Nhân khét tiếng Thiên Sơn.

Thái độ và lời nói của Đàm Anh khiến ai trông thấy cũng phải tức giận. Nguyên Thông nghĩ đến sự hiểu lầm của Thanh Sam Lão Nhân với Bích Ngọc Tiên Tử chàng đã có ý muốn tìm cách hòa giải sự hiểu lầm đó cho nên chàng thấy Đàm Anh nói như vậy, trong lòng lại lo âu.

Chàng vội quay người lại nói với Đàm Anh rằng:

- Đàm Anh khéo đùa tiểu đệ thật.

Đàn Anh giận dữ, nghe thấy Nguyên Thông nói như vậy, mặt không thay đổi chút nào vẫn cứ tỏ vẻ lạnh lùng và nói tiếp:

- Ai đùa giỡn với thiếu hiệp nào? Chẳng lẽ Đàm Anh tôi sợ phái Võ Đang này hay sao?

Ngọc Quài Bà Bà đổ hết lửa giận lên đầu Đàm Anh liền quát lớn:

- Mi là cái thá gì? Mà dám ăn nói ngông cuồng như thế.

- Tôi không là cái thá gì thật, nhưng tại sao các người lại giữ không nổi cây sáo ngọc này.

- Có phải mi muốn sanh sự không?

- Tuy tôi không có ý như thế, nhưng cũng không hoàn toàn vô tâm.

Ngọc Quài Bà Bà càng tức giận hỏi tiếp:

- Tại sao, mi nói ai?

- Tại hạ không ưa các trò giải giới vào núi, một lệ luật hủ lậu của quí phái.

Nói xong, chàng không thèm đếm xỉa tới Ngọc Quài Bà Bà nữa, mà đến trước mặt Bách Ngu Thượng Nhân, chưởng môn phái Thiếu Lâm và hỏi:

- Như tiểu sinh vào thăm quí phái có phải giải giới như thế không nào?

Bách Ngu Thượng Nhân, niệm Phật trước, rồi mới trả lời:

- Cửa Phật xưa nay vẫn quảng đại, vô ngã vô tướng, tha hồ tiểu thí chủ tự do ra vào, không bị bắt buộc gì cả.

Đàm Anh lại quay lại hỏi hai người chưởng môn phái Côn Luân với Chung Nam:

- Còn quí phái có lệ luật cấm người mang theo khí giới vào núi không?

Người nào người ấy đều lắc đầu. Chàng ta quay đầu lại nói với Ngọc Quài Bà Bà:

- Tất cả các môn phái lớn khắp thiên hạ đều không có lệ luật bắt buộc người phải giải giới mới được vào núi, duy có một mình quí phái là phách lối hơn ai hết, coi thường thiên hạ anh hùng, vì vậy tiểu sinh mới không phục chút nào.

Lệnh giải giới mới được vào núi của phái Võ Đang này thi hành đã lâu, người trong thiên hạ không ai phản đối gì cả, nên phái Võ Đang cứ tiếp tục thi hành hoài. Lần này do một thiếu niên trẻ tuổi lên tiếng phản đối, tuy chảng ta người nhỏ, ít tuổi, lời nói không có giá trị bao nhiêu nhưng dù sao cũng gợi cho mọi người phải quan tâm đến vấn đề này.

Tĩnh Linh Tử thật xứng là người chưởng môn của một môn phái lớn, thấy chàng vô lễ như vậy ông ta vẫn tươi cười như thường và dịu giọng giải thích rằng:

- Đến Giải Kiếm Trì giải giới mới vào núi, lệ luật này không phải do bổn phái lập ra, mà do mỹ ý của các vị anh hùng các môn phái trên thiên hạ tự đặt ra để tôn kính Tam Phong tổ sư của bổn phái. Từ đó tới giờ cứ tương truyền như vậy chứ không phải là bổn phái khinh thường võ lâm mà tự phụ đặt ra lệ luật này. Mong các vị cao bằng cố hữu minh xét cho.

Quần hùng có mặt tại đó vốn dĩ là khán giả thôi, nên kông ai nói năng gì cả.

Đàm Anh chộp luôn lý do đó, không kiêng nể gì hết, nói tiếp:

- Được tiền bối chỉ giáo cho tiểu bối mới hay, luật lệ giải giới này là do những người tới thăm quí phái tự nguyện, chứ không phải quí phái bắt buộc phải không?

- Tiểu hiệp nói rất phải, tệ phái đâu dám bắt buộc như thế!

- Nếu vậy vừa rồi tiểu sinh đùa giỡn một chút, mà sao trưởng lão của quí phái lại giở mặt ngay, cho việc của tiểu sinh là sỉ nhục quí phái và định cậy người nhiều hà hiếp ít, muốn làm khó dễ Thẩm huynh.

Đàm Anh không còn coi ai vào đâu, cứ hăng hái nói, câu nào của chàng cũng sắc bén vô cùng nhưng chàng có biết đâu đã làm cho người phái Võ Đang công phẫn rất lớn. Tỷ Hư Đạo Trưởng, một cao nhân đắc đạo như vậy cũng phải lắc đầu thở dài mấy tiếng do những lời nói đúng sự thật và không phải là không có lý, nên người chưởng môn hổ thẹn, không biết dùng lời lẽ gì để giải thích. Đạo trưởng không ngờ lệ luật của bổn sơn bấy lâu nay, bây giờ bị người ta chỉ trích dữ dội như thế. Những người có mặt tại đó, thấy lời lẽ Đàm Anh đanh thép như vậy, chỉ sợ người phái Võ Đang không chịu để yên cho chàng ta thôi. Quả nhiên Ngọc Quài Bà Bà quát lớn:

- Thằng nhãi này ở đâu ra, đám làm nhục cả đến người chưởng môn của bổn phái? Hà Trạch Long mau ra bắt thằng nhỏ này, giam nó lại, chờ sư trưởng của nó đến đây nói chuyện.

Hà Trạch Long vâng lời nhảy ra, sự thật Ngọc Quài Bà Bà chưa lên tiếng sai bảo, y đã tực giận chịu không nổi, chỉ vì trước mặt sư trưởng không dám vô lễ đấy thôi, bây giờ được lệnh, y vội vàng nhảy ngay ra. Vừa nhảy tới trước mặt Đàm Anh, y đã quát lớn:

- Coi thế võ của ta!

Y vừa nói vừa múa kiếm nhắm Đàm Anh đâm luôn.

Đàm Anh cười nhạt một tiếng dồn hết công lực vào cây sáo giơ lên đỡ kiếm của đối phương. Chỉ một thế đỡ mà Trạch Long đã bật lại phía sau một bước.

Trạch Long liền dùng Thiên Cương kiếm pháp để đối phó, môn kiếm pháp này đã lừng danh khắp thiên hạ. Ngờ đâu, Đàm Anh chỉ giở có một thế võ ra đã đẩy lui được Trạch Long rồi.

Những người sành điệu chỉ thoáng trông cũng biết công lực của Đàm Anh cao siêu hơn Trạch Long rất nhiều.

Đàm Anh thắng thế xoay thế thủ thành thế công nên tấn công lia lịa.

Nhưng Trạch Long không hổ thẹn là đệ tử của một đại môn phái, bị đối phương tấn công tới tấp mà y vẫn điềm tĩnh chống đỡ chứ không có vẻ hoảng sợ chút nào. Nhưng y đỡ đến thế thứ 20 thì đã đuối sức.

Đàm Anh thét một tiếng, điểm cây sáo ngọc trúng ngay vào yếu huyệt của Trạch Long. Chàng họ Hà không sao cầm vững được thanh kiếm và người cũng lui về phía sau mấy bước.

Mọi người liền thở dài, thương tiếc cũng có, và khen ngợi cũng có.

Tĩnh Nguyên đạo trưởng chạy lại xem xét Trạch Long xem y có bị thương không, chỉ thấy chỗ kiên tỉnh huyệt bị điểm trúng một cái rất khẽ chứ không việc gì. Vị đạo trưởng này biết thủ pháp của Đàm Anh rất có mực thước, trong lòng kinh hãi thêm.

Trong lúc Tĩnh Nguyên đạo trưởng đang khám xét vết thương của Trạch Long thì Ngọc Quài Bà Bà không nghĩ mình là người bề trên ra tay đấu với một tiểu bối như vậy là không nên, đã múa chiếc quài bằng ngọc xông lại nhắm đầu Đàm Anh mà tấn công, mồm quát lớn:

- Không ngờ mi cũng có hai ba miếng võ đấy hãy tiếp quà của già này xem sao.

Nguyên Thông lo âu cho Đàm Anh, chỉ sợ chàng ta sẽ gây to chuyện thì phiền phức lắm, sau này mình còn mặt mũi nào mà gặp Thanh Sam Lão Nhân nữa. Chàng định ra tay ngăn cản, nhưng sực nghĩ lại bụng bảo dạ:

“Ta chỉ là người bị hai bên đè nén thôi, ta không nên làm những việc có thể bị mọi người chê trách?”

Vì vậy, mà chàng lại thôi, không dám ra tay trợ giúp Đàm Anh nữa.

Đàm Anh ít tuổi như vậy mà chỉ đấu có mấy chục hiệp đã đánh bại được Hà Trạch Long một cách dễ dàng khiến các đệ tử thứ hai của Võ Đang đều giật mình kinh hoảng.

Ngọc Quài Bà Bà vừa múa quài tấn công, mọi người chăm chú nhìn vào Đàm Anh. Ai cũng nghĩ hộ chàng ta không biết chàng sẽ dùng thế võ gì để giải thế quài như vũ bão ấy. Nhưng mọi người đã nghe thấy Đàm Anh quát lớn:

- Ngừng tay lại! Ngừng tay!

Nói xong, chỉ thấy người chàng thấp thoáng một cái, chàng đã lướt ra tránh khỏi thế quài và đã đứng trước Ngọc Quài Bà Bà rồi. Chàng giận dữ phùng mồm trợn mép mà nhìn thẳng vào mặt đối phương.

Ngọc Quài Bà Bà tưởng thế quài của mình thế nào cũng đánh trúng đối thủ dù tên thiếu niên bẻm mép này không chết thì cũng bị thương nặng.

Ngờ đâu đối phương chỉ nhún nhảy một cái đã tránh khỏi thế công của mình, nên bà ta vừa kinh hãi vừa tức giận nói tiếp:

- Tiểu tử không đánh cũng không được, quí hồ mi thúc thủ chịu để cho ta trói lại, bổn phái quyết không bạc đãi mi đâu, chờ sư trưởng của mi tới đây nói lại lúc ấy bổn phái sẽ tha mi liền.

Đàm Anh dùng giọng mũi “hừ” một tiếng rồi đáp:

- Ai bảo tôi sợ bào nào? Ngay đến lão đạo sĩ già của quí phái mà trước mặt gia sư cũng chả dám xưng hùng xưng bá huống hồ là bà.

Chàng nói lão đạo sĩ già là chỉ Tỷ Hư đạo trưởng.

Tỷ Hư đạo trưởng là người đức cao vọng trọng nghe lời nói xấc xược trong lòng tuy tức giận lắm nhưng cũng không để lộ ra ngoài nét mặt.

Đàm Anh nói xong, lại đổi giọng cười khì và nói tiếp:

- Tôi không giống người phái Võ Dang các người đâu, các người chuyên lấy thanh thế của môn phái mà dọa nạt người, vì vậy tôi không nói tên họ của sư phụ tôi ra bằng không bà lại hãi sợ không dám ra tay đấu nữa.

Sự thật tôi gọi bà ngừng tay là có lý do riêng, chứ bà đừng tưởng tôi sợ bà đâu.

Ngọc Quài Bà Bà tức giận vô cùng, chỉ muốn nuốt sống được chàng ta, vội nói:

- Tiểu cẩu có lời gì, nói mau đi.

Đàm Anh trả đũa ngay:

- Mụ già khốn nạn kia, không biết nếp tẻ gì hết, ta có lòng tốt mà mụ không hay. Mụ là một người trong Võ Đang cửu lão mà không hiểu được ý nghĩa lời nói của tại hạ hay sao? Người nhà võ thì nói võ, ra tay đấu với nhau tối kỵ nhứt là tức giận. Vừa rồi bà ra tay dùng toàn lực tấn công, bề ngoài xem thế công của bà thì rất oai mãnh kinh người nhưng bà dã phạm phải điều tối kỵ của võ gia bà có biết không? Nếu tôi không phải là người trung hậu, mà chỉ dùng một thế Tế Ngưu Vọng Nguyệt (Con Tê giác nhìn trăng) thì bà đã bị hủy ngay tại chỗ rồi. Cho nên tôi mới bảo bà ngừng tay lại điều hơi dưỡng sức, định tâm đã, rồi hãy ra tay đấu. Như vậy tôi chả có lòng tốt là gì?

Tuy chàng có lòng tốt thật, nhưng dùng vào lúc này thì lại khác hẳn. Tĩnh Hư đạo trưởng nghe Đàm Anh nói như vậy, ông ta thầm lo lắng, ông không hiểu thiếu niên này lai lịch ra sao, tại sao lên núi Võ Đang gây rối như thế? Chẳng lẽ danh dự của phái Võ Dăng ngày nay bị hủy bởi tay thiếu niên này chăng?

Ngọc Quài Bà Bà tức đến nổ đom đóm mắt, máu nóng đã sôi sùng sục, suýt tí nữa thì thở ra bên ngoài, giận dữ đáp:

- Ngày hôm nay, chỉ có cách là ngươi còn thì ta chết, ta còn thì ngươi chết.

Nói xong bà ta múa cây quài như gió xông lại tấn công.

Đàm Anh không thèm chống đỡ lại, nhảy lui về phía sau một trượng lớn tiếng nói tiếp:

- Trước mặt quần hùng của thiên hạ ở đây mà bà dám mặt dày mày dạn ra tay như thế, nhưng tôi thì không mặt mũi nào thừa cơ trả đũa như thế được.

Ngọc Quài Bà Bà đã biết thiếu niên này không phải tay tầm thường, mục đích của chàng ta là chọc tức mình để cho mình mắc hợm.

Mụ ta biết vậy, nên cố nén giận, nhìn Đàm Anh và lời nói bỗng thay đổi hẳn:

- Chủ em là hậu sinh khả úy, lão chịu chú đấy.

Tuy nói như vậy, nhưng trong lòng đau đớn không tả. Ngọc Quài Bà Bà nghĩ thầm:

“ Lần này, nếu ta không đánh nổi thằng nhỏ này phái Võ Đang chúng ta không còn đất mà đứng nữa”.

Đàm Anh tủm tỉm cười nói tiếp:

- Bà khéo nói lắm, nhưng tôi không muốn nhân lúc người ta lép vế mà ra tay đâu. Thôi được, bà muốn đánh thì ra tay di. Nhưng tôi còn có mấy câu này phải nói trước, bằng không khi thua bà lại oán trách.

Ngọc Quài Bà Bà làm thinh không dám trả lời nữa, vì biết mình không nói lại đối phương.

Đàm Anh vẫn ung dung nói tiếp:

Chúng ta đấu trận này, chỉ được đấu một trăm hiệp thôi, nếu trong trăm hiệp đọ bà giết nổi tiểu sinh, tiểu sinh không oán than gì hết. Nếu trong trăm hiệp đó tiểu sinh may mắn đắc thắng thì xin quí phái tiễn tiểu sinh xuống núi, bất cứ ai cũng không được sinh sự nữa. Nếu trong trăm hiệp đó đôi bên không phân thắng bại, thì chúng ta hẹn ngày khác đấu lại chứ ngày hôm nay chỉ đấu xong trận này là chấm dứt.

Ngọc Quài Bà Bà vội đáp:

- Già này hoàn toàn đồng ý.

Đàm Anh lại nói tiếp:

- Lời nói của bà có đủ giá trị hay không?

Ngọc Quài Bà Bà mặt đỏ bừng hậm hực đáp:

- Trước mặt người chưởng môn của bổn phái đệ tử nào dám không tuân.

- Chưởng môn của các người đâu?

Tĩnh Linh Tử nghe thấy Đàm Anh nói vậy, liền nói:

- Ý kiến của tiểu hiệp bổn phái không phản đối!

Đàm Anh rất khôn ngoan, mắng chửi phái Võ Đang một hồi, rồi còn xếp đặt sẵn con đường rút lui để khỏi bị đánh lén.

Nguyên Thông thấy vậy thán phục vô cùng, chàng đưa mắt nhìn chàng nọ luôn. Đàm Anh quay đầu lại cũng nhìn chàng tủm tỉm cười, cái cười của chàng đẹp vô cùng, đẹp như một nụ cười của mỹ nhân.

Ngọc Quài Bà Bà tái đấu với Đàm Anh, ánh sáng của quài và ánh sáng của sáo ngọc kết thành một khối khiến người đứng xem bên ngoài không sao nhận ra được ai là Ngọc Quài Bà Bà, ai là Đàm Anh nữa.

Ngọc Quài Bà Bà sức mạnh và võ công cao thâm hơn. Hơn nữa bà lại căm hận đối phương vô cùng, nên đã giở toàn lực ra tấn công, thế nào cũng nhằm nơi yếu hiểm của Đàm Anh đánh tới, không chút nể nang.

Đàm Anh liền giở địch pháp tuyệt nghệ của sư môn phối hợp với thân hình kỳ ảo. Chỉ thấy chàng tránh sang phải, né sang trái, như hồ điệp xuyên hoa vừa nhanh vừa đẹp. Nhất thời Ngọc Quài Bà Bà không làm gì nổi chàng.

Tỷ Hư đạo trưởng với các người chưởng môn phái trong thấy đấu pháp của Đàm Anh đều giật mình kinh hãi.

Tĩnh Linh Tử là chưởng môn của phái Võ Đang, thấy vậy rất lo âu liền khẽ nói:

- Y là môn hạ của Ngọc Tiêu Tiên Tử đấy!

Tỷ Hư đạo trưởng khẽ gật đầu một cái, vẻ mặt nghiêm nghị vô cùng. Ngọc Tiêu Tiên Tử với Tỷ Hư đạo trưởng là người cùng thời. Đạo trưởng còn nhớ tác phong của Ngọc Tiêu Tiên Tử năm xưa, có thể nói nàng ta ra tay rất ác độc và là một nhân vật rất khó đối phó, ai nghe danh cũng phải hoảng sợ.

Tỷ Hư đạo trưởng đã bị Ngọc Tiêu Tiên Tử đánh bại, nếu không nhờ được Thanh Sam Lão Nhân đứng ra hòa giải cho thì lúc ấy vị đạo trưởng này không biết xử trí ra sao?

Nhưng Ngọc Tiêu Tiên Tử qui ẩn đã lâu, tới giờ đã được năm mươi năm rồi Tỷ Hư đạo trưởng nhớ tới đó liền nghĩ thầm:

“ Thằng nhỏ này lời lẽ và võ công không khác gì Ngọc Tiêu Tiên Tử năm xưa, tuy nội công nó chưa đạt tới mức đại thành, nhưng chưa chắc thua Ngọc Quài Bà Bà. Nếu Ngọc Quài Bà Bà muốn thắng trận này, ít nhất phải đấu trên năm mươi hiệp mới thắng nổi. Vấn đề nghiêm trọng nhất lúc này không phải là sự thắng bại mà là sau khi trận đấu kết thúc, nếu Ngọc Quài Bà Bà bại tất nhiên phái của chúng ta mất hết sĩ diện mà dù có thắng đối phương đi chăng nữa, sư phụ của y là Ngọc Tiêu Tiên Tử có phải là tay vừa đâu?”

Vấn đề đó làm cho hai vị trưởng lão của phái Võ Đang nhức óc vô cùng.

Lúc ấy Ngọc Quài Bà Bà với Đàm Anh đã đấu trên chín mươi hiệp rồi. Thế sáo của Đàm Anh vẫn kỳ ảo vô cùng, nhưng vì nội lực hơi kém nên đã lép vế dần.

Còn Ngọc Quài Bà Bà càng đấu hăng, càng thắng thế, chỉ muốn giết chết đối phương mới nguôi giận, mặc dầu đối phương là ai, bà ta cũng bất chấp. Cho nên bà ta thấy Đàm Anh đã lép vế dần lại càng hăng thêm, quát lớn một tiếng, dồn hết sức lực vào hai cánh tay giở thế Độc Phách Hoa Sơn (một búa bổ núi hoa) ra nhằm đầu Đàm Anh tấn công xuống.

Lúc ấy Đàm Anh đang sử dụng thế Loan Điểm Xuân Thu (chấm bức xuân thu) tay phải cầm sáo ngọc, để ở trước ngực, chân trái hơi khuỵu về phía trước mình hơi nghiêng, nghĩa là cả người chàng đều nghiêng về phía trước. Chàng muốn tránh được thế Độc Phách Hoa Sơn này của Ngọc Quài Bà Bà không phải là chuyện dễ, nên bất đắc dĩ phải giơ cây sáo ngọc lên chống đỡ. Công lực của Đàm Anh có cao siêu hơn nữa cũng không thể nào chống đỡ nổi thế công đã tu luyện mấy chục năm của Ngọc Quài Bà Bà, nên sáo và quài vừa va đụng nhau, liền có một tiếng kêu keng rất lớn. Đàm Anh lui về phái sau năm bước, hộc ra một đống máu tươi ngồi phịch xuống đất.

Thấy Đàm Anh hộc máu, Tỷ Hư đạo trưởng với Tĩnh Linh Tử giật mình kinh hãi đồng thanh khẽ kêu:

- Nguy tai!

Ngay lúc ấy, phía đằng kia Nguyên Thông đã phi thân lên đỡ Đàm Anh dậy, để chàng ngồi xuống đấy và lập tức lấy một viên thuốc Hồi Thiên Tái Tạo Hoàn của ông ngoại chàng đã tốn nửa đời người mới luyện thành bỏ ngay vào trong mồm Đàm Anh và khẽ an ủi rằng:

- Đàm huynh mau vận công để dẫn thuốc chạy khắp mình sẽ khỏi liền. Huynh khỏi cần lo nghĩ gì hết, tất cả mọi việc đã có tiểu đệ đảm đương.

Đàm Anh lẳng lặng nghe theo lời chàng mà vận công.

Hồi Thiên Tái Tạo Hoàn của Diệu Thủ Nhân Y Bốc Kính Thiên quả thật là thuốc tiên, người hấp hối uống vào một viên có thể tăng thêm mười năm công lực, người bị thương nặng dù phổi và gan đã nát uống một viên cũng có thể cứu sống được, nghĩa là còn một chút hơi thở thuốc Hồi Thiên Tái Tạo Hoàn có thể cứu sống được.

Trong đời Diệu Thủ Nhân Y chỉ luyện được có hai mươi mốt viên thôi, thì đủ thấy thuốc này quí báu như thế nào.

Nhân Y rất cưng Nguyên Thông, nên lúc cháu ngoại hạ sơn, ông tặng luôn cho mười viên một lúc để cho cháu phòng thân và giúp đời. Thật ra vết thương của Đàm Anh tuy khá nặng nhưng chưa đến nỗi phải dùng đến Tái Tạo Hoàn, trong túi Nguyên Thông còn có thứ thuốc cứu thương khác, nhưng vì chàng quan tâm đến chủ nhân cây sáo ngọc trắng và muốn Đàm Anh khỏi ngay để đối phó với hoàn cảnh khó khăn, cho nên chàng mới hy sinh cho Đàm Anh uống viên thuốc quí báu như thế. Thuốc này đã tức khắc chữa khỏi vết thương của Đàm Anh và còn tăng thêm công lực hơn xưa. Chàng nọ ngẩng đầu lên tỏ vẻ cám ơn Nguyên Thông, miệng tủm tỉm cười với dáng điệu ngượng ngùng khẽ nói:

- Cám ơn Thẩm huynh.

Rồi chàng vung tay một cái nhảy ngay lên, mạnh mẽ như thường.

Tỷ Hư đạo trưởng với Tĩnh Linh Tử thấy vậy mới yên tâm.

Ngọc Quài Bà Bà đả thương Đàm Anh xong có vẻ ăn năn, bấy giờ thấy chàng nọ khỏe khoắn như thường và vẻ mặt kiêu ngạo, hình như coi võ thuật của bà không đáng kể, nên lửa giận của bà đã nguội lại bốc lên lại.

Đàm Anh là người kiêu ngạo vô cùng nay bị thua một thế trong lòng tức trợn mắt nhìn thẳng vào mặt Ngọc Quài Bà Bà có ý muốn tái đấu, nhưng lúc ấy quần hùng lại không quan tâm đến cuộc đấu tranh của hai người nữa mà chỉ muốn biết Nguyên Thông dùng thuốc gì chữa cho Đàm Anh nhanh chóng khỏi đến thế.

Người trong võ lâm ai mà chả lăn lộn trước mũi dao lưỡi kiếm, cho nên người nào người nấy đều quan tâm nhất ba vấn đề sau đây:

Một là võ công bí quyết.

Hai là bảo đao bảo kiếm.

Ba là linh dược cứu thương và tăng thêm công lực.

Ba thứ đó là những thứ mà các người trong võ lâm đều mong chiếm được dù có hy sinh tính mạng cũng bất chấp.

Khi Nguyên Thông lấy linh dược ra, những người ở gần đó đều ngửi thấy một mùi thơm kỳ lạ và ngửi xong ai nấy đều cảm thấy dễ chịu vô cùng. Trong đám đó có hai người trông thấy Tái Tạo Hoàn và cây sáo ngọc của Nguyên Thông đã nổi lòng tham ngay. Một là Tĩnh Nguyên đạo trưởng trong nhóm Võ Đang cửu lão, còn một người nữa là Hồi Xuân Thủ Dương Thái tuổi xấp xỉ 70, người gầy gò bé nhỏ, để bộ râu dê. Hai mươi năm trước Diệu Thủ Nhân Y ẩn cư ở Lư Sơn, tên tuổi của lão hiệp dần dần bị người giang hồ quên bẵng đi, bây giờ thiên hạ chỉ biết có Hồi Xuân Thủ Dương Thái thôi. Cái lọ đựng thuốc của Nguyên Thông làm bằng ngọc tía hình dáng rất kỳ lạ nên Hồi Xuân Thủ vừa trông thấy đã trố mắt nhìn và đang định lên tiếng hỏi. Còn Tĩnh Nguyên đạo trưởng cũng giỏi y lý và cũng được như tiếng Hồi Xuân Thủ, y cũng muốn biết linh dược của Nguyên Thông là thứ thuốc gì mà linh nghiệm đến thế. Nhưng y là đệ tử của phái Võ Đang lại ở trên đất nhà cho nên không tiện ra mặt.

Lúc ấy Dương Thái đã vượt qua mọi người đi tới giữa Đàm Anh và Ngọc Quài Bà Bà lên tiếng nói:

- u Dương Tiên Tử với Đàm Anh tiểu hiệp đã đấu đủ trăm hiệp rồi theo đúng như lời hứa thì hai bên thủ hòa và xin mời hai vị hãy vào nghỉ ngơi vì tiểu lão còn có một việc rất quan trong muốn lãnh giáo Thẩm tiểu hiệp.

Ngọc Quài Bà Bà đả thương Đàm Anh cũng là sự bất đắc dĩ chứ có phải bà ta không biết Đàm Anh có một người đỡ đầu rất lợi hại đâu. Nhưng đã cưỡi trên lưng hổ bà ta không sao xuống được, không riêng gì bà ta mà tất cả những người của phái Võ Đang cũng vậy không biết làm thế nào để giải quyết được cục diện này một cách tốt đẹp, nay thấy Hồi Xuân Thủ nói như thế chính là dịp may để bà ta dẹp trận đấu lại, nên bà vội tươi cười vái Hồi Xuân Thủ một cái rồi đáp:

- Dương đại hiệp có việc, già này đâu dám không nhường.

Nói xong, bà ta đưa mắt lườm Đàm Anh cái mới lui về một bên.

Đàm Anh trong thấy ông già bé nhỏ gầy gò và xấu xí như vậy trong lòng đã khinh thị, nhưng chàng là người rất khôn ngoan và rất biết lợi dụng thời cơ. Bây giờ chàng thấy có người đứng ra cởi trói vậy, tất nhiên chàng phải nhân dịp này rút lui ngay. Nhưng chàng vẫn tỏ vẻ hậm hực lườm lại Ngọc Quài Bà Bà và nói:

- Thế nào cũng có ngày Đàm Anh tôi rửa hận được một quài kia.

Nói xong, chàng hung hăng đi tới cạnh Nguyên Thông.

Sự thực lúc này công lực của chàng đã mạnh hơn trước, đủ để chống chọi với Ngọc Quài Bà Bà mà chàng không tự hay. Bằng không khi nào chàng lại chịu nhịn mà rút lui như thế.

Nguyên Thông thấy trong đám đông có một ông già bước ra kêu Ngọc Quài Bà Bà lùi sang một bên và nói là có việc muốn kiếm mình, chàng không hiểu dụng ý của đối phương là ác hay thiện, trong lòng đang thắc mắc thì Dương Thái đã lên tiếng nói:

- Thẩm tiểu hiệp làm ơn cho lão phu mượn cái lọ ngọc tía của tiểu hiệp.

Nguyên Thông giật mình bụng bảo dạ: Ông già này lại định sinh sự chăng?

Chàng liền trợn mắt nhìn ông và hỏi lại:

- Có phải tiên sinh thích cái lọ ấy không?

Trong đời Hồi Xuân Thủ chỉ có người cầu ông ta, chứ ông chưa hề cầu tới ai bao giờ nhất là giọng nói của Nguyên Thông lộ vẻ hằn học rõ ràng mắng ông ta là một tên bất lương nên ông vội đỡ lời ngay:

- Lệnh tổ Bạch Phát Tiên Ông là võ thánh đương thời đối với ai cũng khiêm hòa hết sức, lệnh tôn oai trấn Trung Nguyên, đã được gặp nhau mấy lần và là bạn chí thân của lão hán nữa, chẳng lẽ tiểu hiệp…

Chợt nhận thấy lời nói của mình không được tề chỉnh, nhất là ở chỗ đông đảo này, Dương Thái vội ngắt lời ngay.

Nguyên Thông là người rất tốt nhịn, nhưng chàng lại là người nghĩa hiệp có tính kiêu ngạo từ hồi còn nhỏ, chỉ sợ người khác đem ông và cha ra đè mình, nghe nói thế, chàng nổi giận, liền móc túi lấy cái bình ngọc tía ra trả lời ông già nọ rằng:

- Đây là lọ ngọc ở trong tay tôi, ông muốn xem thì cứ lại đây mà xem.

Dương Thái đã trông thấy rõ máu nóng của Nguyên Thông sôi sùng sục, giọng run run hỏi:

- Tiểu hiệp kiếm ở đâu ra cái lọ này thế?

Diệu Thủ Nhân Y đã căn dặn Nguyên Thông không được tiết lộ việc ấy cho một người nào hay, nên Nguyên Thông thấy Dương Thái hỏi, lúng túng không biết trả lời thế nào.

Đàm Anh nhìn sắc mặt của Nguyên Thông thay đổi luôn luôn biết ngay chàng có nỗi lòng riêng không thể nói cho ai hay được, chàng đảo tròn đôi ngươi một vòng, nghĩ ngay ra được một kế, bụng bảo dạ rằng:

“ Lúc này chính là lúc ta rút lui rất tốt”.

Chàng quyết định như vậy, liền vận nội công khiến đầu và mặt toát mấy hạt mồ hôi ra, tiếp theo đó chàng lại kêu hừ một tiếng và nói với Nguyên Thông:

- Không hiểu sao tiểu đệ thấy đầu óc choáng váng, trong người khó chịu hết sức, không biết Thẩm huynh có vui lòng hộ tống đệ một quãng đường không?

Nguyên Thông quay đầu lại trông thấy Đàm Anh vãi mồ hôi ra, giật mình kinh hoảng vội đáp:

- Được, Đàm huynh đi trước, tiểu đệ đi sau hộ tống cho.

Nguyên Thông vừa nói dứt, Đàm Anh đã nhún chân một cái chạy thẳng lên Tiên Nhân Độ ở trên núi luôn. Nguyên Thông thấy chàng ta đã đi được bốn năm trượng rồi, không kịp trả lời cho Dương Thái, vội phóng bước theo sau Đàm Anh.

Khinh công của hai người đều luyện đến mức thượng thặng nên chỉ thoáng thấy hai người đi nhanh như điện chớp, khiến tất cả những tay cao thủ có mặt tại đó đều kinh ngạc vô cùng.

Hồi Xuân Thủ vội lớn tiếng kêu gọi:

- Thẩm tiểu hiệp hãy khoan đã, lão hán có việc này xin thỉnh giáo tiểu hiệp.

Nói xong ông cũng rảo cẳng đuổi theo luôn.

Nguyên Thông làm như không nghe thấy gì hết, cứ tiếp tục cắn răng chạy theo Đàm Anh, khinh công của Dương Thái cũng cao siêu nhưng càng đuổi càng bị Nguyên Thông bỏ xa.

Ngọc Quài Bà Bà, Long Hổ Dị Cái, Tăng Bật với một bọn hiếu kì đuổi theo xem.

Sau cùng Tỷ Hư đạo trưởng chưởng môn của phái Võ Đang và chưởng môn các môn phái cùng Võ Đang trưởng lão cũng phải chạy theo sau để xem có sự việc gì xảy ra không.

Nói tóm lại, những người đuổi theo mỗi người có một ý nghĩ nhưng chỉ có Ngọc Quài Bà Bà với Dương Thái là muốn ngăn cản Nguyên Thông với Đàm Anh thôi.

Chỉ trong nháy mắt những người chạy phía trước đã tới Tiên Nhân Độ. Tiên Nhân Độ là một cái khe núi ở trên Ngọc Trụ Phong nhưng ngọn núi cách nhau chừng bốn mươi trượng, phái Võ Đang đã dùng một sợi dây thừng lớn từ ngọn núi bên này sang đến ngọn núi bên kia làm cái cầu vượt qua. Bên dưới là thung lũng sương mù quanh năm, không thấy đáy, cầu dây hai đầu căng ở giữa trũng nên gió to làm sợi dây đưa đi đưa lại nguy hiểm hết sức.

Đàm Anh với Nguyên Thông đi tới rìa núi Nguyên Thông nói:

- Đàm huynh nên chú ý hai mắt nhìn thẳng, hai cánh tay hơi giơ ra bình tĩnh mà qua sẽ không nguy hiểm gì hết.

Đàm Anh cười đáp:

- Không sao, lúc đệ đến là do con đường này đấy chứ.

Nguyên Thông nghe nói ngạc nhiên, nhưng đang lúc cấp bách không có thì giờ cho chàng suy nghĩ nên chàng chỉ giục Đàm Anh đi trước để mình đi đoạn hậu. Chờ Đàm Anh sang tới bờ bên kia rồi, chàng lẹ như con chim én tung mình nhảy lên 1 cái, khi hạ chân đã đứng ở chỗ cách xa năm trượng. Cũng may chàng nhảy chứ không đi bước một, vì chàng đứng lên trên sợi dây thừng thì Ngọc Quài Bà Bà với Dương Thái đã đi tới đầu dây. Dương Thái cuống lên dậm chân lia lịa lớn tiếng gọi:

- Thẩm tiểu hiệp, tôi là Hồi Xuân Thủ Dương Thái không có ác ý gì đâu, xin tiểu hiệp dừng chân lại nghe lão phu nói đã.

Tuy gió núi rất mạnh, nhưng Nguyên Thông vẫn nghe rõ từng tiếng một, nhất là hai chữ Dương Thái nên chàng ngừng chân và nghĩ thầm:

“ Chẳng lẽ y có ẩn tình muốn nói với ta chăng, lúc nãy đã chạy khỏi y, ta còn sợ y gì nữa”.

Nghĩ vậy chàng quay người lại thì đột nhiên có một luồng gió mạnh từ phía dưới thung lũng bốc lên, chặt đứt luôn quãng dây thừng ở chỗ cách chàng với Dương Thái. Thế là sợi dây của chàng đang đứng bị rơi xuống bên dưới ngay, dù chàng có khinh công tuyệt mức cũng không có mượn sức lấy sức được, vì thế Nguyên Thông rớt ngay xuống thung lũng.

Những người đứng bở bên bìa núi chỉ nghe thấy chàng la lớn một tiếng thê thảm rồi thì tiếng thét hãi hùng ấy tắt luôn.

Hồi Xuân Thủ với Ngọc Quài Bà Bà hai người trông thấy rõ ràng hơn ai hết. Hai người thấy Nguyên Thông bị rớt xuống dưới thung lũng và cuối cùng còn la lớn được một tiếng khiến hai người kinh hoảng và tưởng tượng như bản thân mình ngã xuống bên dưới vậy, vì thế cả hai cứ đứng ngẩn người ra như hai pho tượng.

Long Hổ Dị Cái tuy chưa chạy tới kịp nhưng ông đã trông thấy Nguyên Thông rơi xuống dưới thung lũng và cũng nghe thấy tiếng kêu thét của chàng nữa. Cảnh thảm khốc đó xảy ra ngay trước mắt dù ông ta là người trầm tĩnh đến đâu cũng phải ứa nước mắt anh hùng. Long Hổ Dị Cái giận quá, vận sức vào hai cánh tay thét lớn một tiếng, tiến lên quát mắt Dương Thái rằng:

- Hồi Xuân Thủ kia! Ngươi giỏi thực, ngươi là mặt người dạ thú. Ăn mày già này ngày hôm nay nhất định thí mạng với ngươi một phen.

Nói xong, ông ta múa chưởng tấn công Dương Thái ngay lập tức.

Nghe Dị Cái thét mắng, Dương Thái mới giật mình kinh hãi muốn quay người tránh cũng không kịp nữa đành phải vận sức vào song chưởng để chống đỡ nhưng sự thể xảy ra một cách quá đột ngột như thế làm sao mà vận sức kịp và chống đỡ sao nổi hai chưởng đã vận hết công lực tấn công của Dị Cái. Thế là Hồi Xuân Thủ bị đẩy bắn ra ngoài xa hơn trượng té lăn ra dất, máu miệng trào ra.

Đang lúc giận dữ, Dị Cái không nghĩ tới Hồi Xuân Thủ đã hết sức chống đỡ và cũng không nghĩ gì đến trái luật lệ giang hồ, lại xông lên tấn công thêm một chưởng muốn giết Hồi Xuân Thủ chết ngay tại chỗ mới nguôi cơn giận, vì ông ta đang yên trí Hồi Xuân Thủ bởi lòng tham lam định cướp vật báu đã ra tay ám hại Nguyên Thông. Ông có mặt ở đây mà không ra tay giết chết kẻ gian ác trả thù cho cháu yêu quí thì ông ta còn mặt mũi nào gặp lại người nhà họ Thẩm nữa. Nếu chưởng này còn đánh mạnh cái nữa thì Hồi Xuân Thủ sẽ vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời.

Ngọc Quài Bà Bà với Hồi Xuân Thủ cùng tới sườn núi, rõ ràng Hồi Xuân Thủ chưa hề hạ độc thủ, nhưng việc này dù cãi cũng không sao nói được.

Một chưởng của lão ăn mày đẩy Hồi Xuân Thủ bắn ra xa, đồng thời cũng làm cho Ngọc Quài Bà Bà kinh hồn.

Bà ta thấy chưởng thứ hai của Long Hổ Dị Cái tấn công tới, vội kinh hoảng la lớn:

- Ngụy huynh chớ có tấn công nữa!

Bà ta vừa nói vừa gượng giở sức ra chống đỡ mà vẫn bị bắn ra ngoài xa như thường.

Dị Cái đã khỏi bệnh cũ, công lực mạnh hơn trước nhiều, tấn công có hai chưởng đả thương luôn hai người, rồi như điên như khùng trong lòng vẫn chưa nguôi giận, lại múa chưởng thứ ba nhằm Hồi Xuân Thủ đánh tiếp.

- Ngụy huynh, xin hãy ngừng tay lại!

Tỷ Hư đạo trưởng đuổi theo tới vừa gọi vừa giơ tay áo lên dùng Thiết Tụ Thần Công (môn võ khiến tay áo cứng như sắt) để ngăn chưởng thứ ba của người ăn mày già.

Dị Cái thấy Tỷ Hư đạo trưởng ngăn cản mình tấn công, tức giận đến hai mắt trợn to như hai cái lục lạc, nhìn thẳng vào mặt Tỷ Hư đạo trưởng lớn tiếng nói:

- Lão đạo sĩ kia, bạn và môn hạ của đạo sĩ… tốt thật!

Lão ăn mày tức tối quá đến nỗi không cần biết đến Tỷ Hư đạo trưởng nên y mới lên tiếng mắng chửi như vậy. Tỷ Hư đạo trưởng cũng biết lão ăn mày rất trực tính, lúc này vì quá khích động, nên mới ra tay và mắng chửi bừa như thế, vì vậy lão đạo trưởng không chấp nhất cứ việc tiến lên cứu cho hai người bị thương kia trước. Thoạt tiên đạo trưởng lấy viên thuốc Ngọc Tuyết hoàn ra cho Dương Thái uống cho y khỏi thổ huyết nữa, rồi lão đạo trưởng ngồi xếp bằng tròn đỡ Hồi Xuân Thủ ngồi dậy, đưa bàn tay lên để vào bối tâm huyệt để cứu thương cho y.

Ngọc Tuyết Hoàn của phái Võ Đang là một thứ thuốc cứu thương rất linh nghiệm, lại được Tỷ Hư đạo trưởng dùng nội công cứu thương cho, nên không bao lâu Hồi Xuân Thủ đã đỡ nhiều, mặt đã hồng hào trở lại. Y ngẩng đầu nhìn Dị Cái, chỉ nói được mấy tiếng:

- Thẩm tiểu hiệp…

Rồi y không nói nữa, Tỷ Hư đạo trưởng thấy Hồi Xuân Thủ đã hồi tỉnh, có thể tự điều thức cứu thưong đựoc, nên ông ta thâu tay lại đứng dậy và hỏi Dị Cái rằng:

- Hai ngưòi có điều gì không nên không phải khiến lão đệ tức giân đến thế? Nếu bần đạo không ra tay cứu nhanh có phải Dương lão đệ đã hủy hoại rồi không?

Dị Cái đã nguôi cơn giận, nhưng trong lòng vẫn còn tức tối cười nhạt một tiếng, đáp:

- Hồi Xuân Thủ Dương Thái với đồ đệ quý báu của bạn không đuổi kịp Nguyên Thông lại giở độc thủ ra tấn công ngầm, chặt đứt sợi dây thừng bắt ngang qua hai ngọn núi, để cho Nguyên Thông rớt xuống vực thẳm. Hừ món nợ này phái Võ Đang của người phải chịu hết trách nhiệm.

Tỷ Hư đạo trưởng thấy nửa sợi dây thừng vẫn còn rung động, đầu óc bấn loạn, trợn mắt nhìn Ngọc Quài Bà Bà hỏi:

- Ngươi nói đi, tại sao lại làm thế?

Ngọc Quài Bà Bà hổ thẹn vô cùng, bèn đem câu chuyện kể lại cho Tỷ Hư đạo trưởng hay, dù lời nói của bà ta có thật đến đâu cũng không thể tin vì việc vừa xảy ra trước mắt mọi người.

Hiệp sĩ trẻ tuổi Tăng Bật nghe càng thêm đau lòng, cười nhạt mấy tiếng và nói:

Không ngờ phái Võ Đang lại là một tập đoàn tiểu nhân, ăn gian nói dối, độc ác vô cùng, trước mắt tất cả quần hùng mà dám hạ độc thủ ngầm giết hại người, rốt cục còn đổ tội cho người khác để định che lấp tai mắt của thiên hạ. Thật là vô sỉ.

Chàng vừa nói vừa nức nở khóc thành tiếng.

Bỗng lại có người lớn tiếng nói:

- Xin mời cẩu hùng của phái Võ Đang ra giải thích cho thiên hạ quần hùng hay tại sao lại ra tay giết hại Thẩm tiểu hiệp như thế?

Tỷ Hư đạo trưởng hổ thẹn đến đỏ mặt tía tai giận dữ nhìn Ngọc Quài Bà Bà lòng như lửa đốt. Sau lão đạo sĩ nhìn Bách Ngu thượng nhân người chưởng môn của phái Thiếu Lâm, mồm mấp máy như muốn nhờ phân trần giùm.

Bách Ngu thượng nhân quay đầu đi, niệm A Di Đà Phật, và chỉ khẽ phất tay áo bào một cái, quay người đi luôn.

Lúc ấy, các trưởng lão với chưởng môn các môn phái đều lẳng lặng rời khỏi núi Võ Đang. Tăng Bật thấy vậy dậm chân hậm hực nói:

- Từ nay trở đi, bổn tiểu hiệp này sẽ là tử thù của phái Võ Đang các ngươi.

Nói xong, chàng tức tối đi luôn.

Phái Võ Đang từ Tỷ Hư đạo trưởng trở xuống cho tới tiểu đồng ai nấy đều lắc đầu thở dài.

Lúc ấy, Hồi Xuân Thủ đã khỏe lại, y liền nói với Dị Cái:

- Ngụy huynh, đệ không trách huynh hạ độc thủ đánh đệ đâu, nhưng đệ không hiểu sao vừa rồi Thẩm tiểu hiệp lại không chịu trả lời cho đệ.

Dị Cái hãy còn tức giận, lạnh lùng đáp:

- Ai biết được tại sao y không trả lời, nhưng sao huynh cứ đuổi theo y hoài làm chi?

- Đệ muốn hỏi y xem cái bình ngọc tía lấy ở đâu ra, có thế thôi.

- Cái bình đó là vật của người khác, việc gì đến huynh mà cứ quan tâm như vậy?

- Cái lọ ngọc ấy là của ân sư tôi xưa kia, vị ân sư xa cách đã năm mươi năm nay không gặp nên đệ muốn hỏi cho biết.

- n sư của huynh là ai?

- Diệu Thủ Nhân Y Bốc Kính Thành chứ ai nữa.

Năm xưa Diệu Thủ Nhân Y có thâu hai người đồ đệ truyền thụ y thuật, một người là Hồi Xuân Thủ Dương Thái và một người Vương Kiếm tức là Tĩnh Nguyên đạo trưởng, một trong chín trưởng lão phái Võ Đang.

Lúc ấy hai người hãy còn trẻ tuổi theo Nhân Y mười năm và đã học được bảy tám thành y học của Nhân Y. Nhưng họ chỉ biết sư phụ là người giỏi y lý chứ không biết ông là người rất giỏi võ vào bậc tổ sư đương thời.

Sau tình cờ Dương Thái lượm được Thiên Tâm bí kíp đem ra luyện tập võ công mới được giỏi như bây giờ.

Còn Vương Kiếm thì gia nhập phái Võ Đang và bây giờ trở nên Tĩnh Nguyên đạo trưởng. Hai người này đều nhớ nhung Nhân Y nhưng khổ nỗi không gặp, nay Nguyên Thông cầm cái lọ ngọc tía của ân sư mình năm xưa nên Dương Thái mới đuổi theo cốt hỏi xem ân sư hiện giờ ở đâu? Chỉ có vậy thôi.

Lão ăn mày nghe nói lấy làm ngạc nhiên nhưng vẫn còn hoài nghi hỏi tiếp:

- Bốc lão tiền bối tuy y đạo thần thông thật, nhưng không bao giờ lại dạy một người giỏi võ mà có trái tim ác độc như bạn cả.

- Ngụy huynh, Bốc sư phụ chỉ dạy đệ y thuật thôi, còn võ công đệ học của người khác.

Dị Cái kêu ủa một tiếng, hậm hực nói tiếp:

- Nếu vậy, bạn càng đáng chết hơn nữa!

- Sao Ngụy huynh lại nói thế?

- Bạn có biết mẹ của Nguyên Thông là ai không?

Hình như Từ Hàn Ngọc Nữ Bốc Tú Lan, năm xưa vợ chồng Thẩm đại hiệp liên kiếm giang hồ đệ đã gặp vợ chồng Thẩm đại hiệp mấy lần…

Nói tới đó, y bỗng nghĩ tới lão ăn mày vừa hỏi mình một cách kỳ lạ nên y vội đổi giọng hỏi Dị Cái:

- Chẳng lẽ Thẩm đại hiệp là … muội tế?

Long Hổ Dị Cái liền quát lơn:

- Kể ra mi thông minh đấy.

Hồi Xuân Thủ bèn kêu lớn:

- Trời ơi…

Rồi y liền té ra chết giấc.

Nguyên Thông đang đi trên thừng treo ở trên cao, đột nhiên thừng đó đứt làm đôi. Chàng không ngờ người của phái Võ Đang lại tiểu nhân đến thế, vì sự xảy ra đột ngột chàng không kịp đề phòng, nên dù có khinh công tuyệt kỹ mà cũng không sao giở ra được, đành để cho rớt xuống.

Từ trên cao rớt xuống, tất nhiên tốc độ nhanh không thể tưởng tượng được. Khi Nguyên Thông định thần lại mới dồn hết chân lực ra cố lộn mấy vòng để cho người khỏi rớt nhanh nữa. Nhưng khi chàng vừa lấy được hơi, thì thoáng nhận thấy chỉ còn cách mặt đất lối mười trượng.

Cái rớt này ít nhứt cũng nặng hằng nghìn cân dù Nguyên Thông có xương đồng da sắt cũng tan xương nát thịt, nhưng Nguyên Thông đâu phải là người thường, khi nào chàng lại chịu bó tay chết như vậy.

Trong chớp nhoáng chàng đã nghĩ ra được một kế.

Chàng dồn hết chân lực vào cánh tay nhằm mặt đất đánh mạnh một chưởng. Chưởng lực của chàng va vào mặt đất, sức đó bắn chàng trở lên nhờ vậy đà rớt xuống mới chậm lại. Chàng thừa thế lộn luôn một vòng đầu trên chân dưới, để cho thân hình rớt xuống mặt đất.

Tuy vậy, chàng vẫn kêu “hự” một tiếng, và vì bị động chân quá mạnh ngã lăn ra mà chết giấc ngay tại chỗ, nhưng nhờ vậy mà khỏi chết. Cùng lúc ấy bên sườn núi có 1 đám mây đen từ từ rớt xuống cạnh chàng.

Thì ra đó là một ông già mặc áo màu đồng cổ. Ông ta vừa xuống đến nơi, giơ tay rờ ngực chàng xem thử. Thấy chàng không chết, ông ta liền kêu ủa một tiếng, cau mày lại rồi giơ hữu chưởng lên nhằm ngực chàng bổ xuống. Nhưng chưởng lực của y vừa sắp đụng vào người Nguyên Thông thì y bỗng thâu tay lại, rồi thò tay vào trong túi lấy ra gói bột màu trắng ra đổ vào mồm Nguyên Thông, y lại ngồi xếp bằng tròn chữa thương cho chàng. Nhờ ông già ấy dồn sức cứu chữa. Nguyên Thông mới tỉnh dần, ông già quái dị nọ không chờ chàng tỉnh hẳn, lại lấy một viên thuốc bao sáp ra, nhưng viên thuốc này vừa đắng vừa hôi nhét luôn vào mồm cho Nguyên Thông uống.

Nửa tiếng đồng hồ sau, mặt Nguyên Thông đã có một làn hắc khí bốc lên, ông già quái dị liền dùng chưởng hút hết làn hắc khí đó đi, xong đâu đấy ông ta thở nhẹ một tiếng khoan khoái.

Y đứng dậy, mặt tỏ vẻ hoài nghi hình như đang nghĩ ngợi gì. Nhưng giây phút sau, y lại ôm Nguyên Thông lên, chạy ngược dòng cái suối gần đó.

Ông già quái dị vừa đi khỏi đã có một người bí mật hiện ra chạy đến chỗ Nguyên Thông vừa té, cuối xuống đào ngay cái hố mà Nguyên Thông vừa dùng chưởng lực đánh trúng. Nhưng y thất vọng nói:

- Ta lại đến trễ một bước rồi.

Nguyên Thông tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong một cái hang bốc mùi mốc. Chàng chưa kịp suy nghĩ thì ngoài cửa động đã có tiếng chân người vào. Chàng gượng ngồi dậy nhưng các khớp xương trong người đau nhức như bị búa bổ. Chàng rất giỏi về y lý, nên chỉ xem xét một chút đã biết mình thoát chết. Nhưng không sao ngồi dậy nổi liền quay đầu nhìn ra phía cửa động. Chàng không ngờ người đi vào lại là một thiếu nữ tuyệt đẹp. Nàng mặc quần áo màu vàng trong mặt nàng ta quen lắm, hình như đã gặp ở đâu rồi. Nhưng bất ngờ chàng không nhớ ra nàng là ai.

Nàng đi tới gần Nguyên Thông lên tiếng lanh lảnh hỏi:

- Bạn ngủ năm ngày liền bây giờ đỡ chưa?

Nguyên Thông biết nàng ta hỏi mình chỉ gật đầu một cái, rồi hỏi lại:

- Có phải cô nương ra tay cứu tôi đấy không? Trông cô nương quen quen.

- Ông tôi cứu thiếu hiệp đấy. Tất nhiên chúng ta phải quen biết nhau, nếu không có thiếu hiệp thì tôi rút lui ra khỏi núi Võ Đang sao được.

Nguyên Thông ngắm nhìn nàng nọ một hồi mới sực nhớ ra, buột miệng nói:

- À, thế ra cô nương là chú em họ Đàm đấy? À, không Đàm cô nương…

Đàm Anh rất nghịch ngợm hỏi lại:

- Ai là cô nương nào?

- Có phải cô muốn tôi gọi cô là …. hiền muội phải không?

Thiếu hiệp thông minh thật!

Ngoài cửa động có giọng khàn khàn hỏi vọng vào:

- Thẩm tiểu hiệp đã tỉnh chưa?

Đàm Anh nghe ông hỏi vội chạy ra.

Nguyên Thông nghe tiếng nói của ông già có vẻ quen thuộc lắm, chưa kịp nghĩ ra là ai, thì ông ta đã cùng Đàm Anh bước vào. Chàng thấy ông già gầy gò, mặc áo bào lớn rộng màu đồng đỏ, đúng là kỳ nhân mình đã gặp ở cửa động Đạt Ma trên núi Thê Hà, liền vui vẻ chào hỏi:

- Tiểu bối rất lấy làm may mắn được gặp tiền bối ra tay cứu giúp, ơn này tiểu bối không dám nói đến báo đền, chỉ xin cảm tạ mà thôi.

Ông già họ Đàm hiền từ nói:

- Anh nhi tinh nghịch lắm, nếu không được tiểu hiệp can thiệp cho, nó thoát sao khỏi bàn tay của phái Võ Đang. Nếu không vì Anh nhi thì khi nào tiểu hiệp lại bị người ta ám hại như thế. Nói tóm lại, lão phải cảm ơn tiểu hiệp mới phải.

Anh nhi nhanh nhảu xen lời:

- Theo ý cháu thì không ai phải cám ơn ai hết, chúng ta coi như là huề.

- Tiểu muội nói như vậy ngu huynh xin tuân lệnh.

Đàm Anh bỗng trợn một bên mắt lên nghiêm nét mặt hỏi:

- Ai là tiểu muội của thiếu hiệp nào?

Nguyên Thông bị nàng trách, ngượng ngùng đáp:

- Tiểu sinh thất lễ xin cô nương lượng thứ.

Đàm Anh càng tức giận thêm, nũng nịu nói:

- Ông … xem y đấy, không chịu gọi cháu là muội muội mà cứ gọi là cô nương với tiểu muội hoài.

Nguyên Thông nghe nàng nói mới đỡ ngượng. Ông già họ Đàm cười ha hả, mắng cô bé:

- Con nhãi này trẻ con thật, không sợ người ta chê cười cho hay sao, hơi tí là hờn giận.

Nguyên Thông vội đỡ lời:

- Chắc tại tiểu bối nên Anh muội muội mới tức giận như thế.

Đàm Anh nghe thấy Nguyên Thông gọi mình là Anh muội muội tươi cười ngay, vội gọi:

- Nguyên đại ca!

Ông già lại lớn tiếng cười nói tiếp:

- Được lắm! Bây giờ cháu đã có Nguyên đại ca tài ba cao siêu như vậy, sau này thế nào cháu cũng gây nên nhiều tai hoại cho mà xem. Chú em, từ nay trở đi phiền chú quản thúc con nhỏ này hộ lão nhé.

Nguyên Thông hổ thẹn cúi đầu xuống, nói sang chuyện khác:

- Lão tiền bối không khác gì con rồng thần, lúc ẩn lúc hiện. Sau khi được gặp gỡ lão tiền bối tiểu bối ngu dại, nghĩ mãi không ra đại danh của lão tiền bối.

Ông già vuốt râu cười, nhưng không trả lời. Đàm Anh nhanh miệng đáp:

- Nguyên đại ca có một người ông là Võ Thánh, còn tiểu muội lại có một ông ngoại gọi là Nhất Quái trong võ lâm, cho nên có thể nói chúng ta xứng đôi lắm.

Võ Lâm Nhất Quái trợn trừng mắt lên nhìn cháu gái, nhưng lại cười ha hả.

Đàm Anh nghĩ ra liền ngượng ngùng cúi mặt.

Lúc này, Nguyên Thông mới nhớ ra Võ Lâm Nhất Quái Đàm Ký này năm xưa đã nổi danh ngang với ông mình. Chàng vội xin lỗi Nhất Quái:

- Thế mà tiểu bối không hay cứ thất kính hoài.

Nhất Quái thủng thẳng nói tiếp:

- Năm xưa, lão hành sự tính nết và thủ đoạn rất quái dị, sau khi qui ẩn mới hối cải nhưng đã muộn rồi. Lão định chết già trong núi nhưng còn đứa cháu gái mới ra đời này bắt buộc lão phải tái nhập giang hồ. Lần đầu gặp ở trên núi Thê Hà lão đã cảm thấy chú em là một người kỳ tài, nên có định tâm giúp đỡ ngầm, cho nên mới đem Anh Nhi theo dõi chú em là thế.

- Lão tiền bối có lòng với tiểu bối như vậy, tiểu bối rất lấy làm cảm ơn.

- Vết thương của chú em khá nặng. Xức thuốc Thiên Nhất tán của lão tuy mạnh, nhưng một thời gian ngắn chưa thể chữa cho chú em khôi phục ngay sức lực được, vì thế chú em mới phải nằm mê luôn mấy ngày.

Hôm nay chú nói nhiều quá rồi, hay nên nghỉ ngơi thêm thì hơn.

Nguyên Thông sực nhớ mình có đem theo Hồi Thiên Tái Tạo Hoàn, liền lấy một viên uống rồi ngồi xếp bằng tròn vận nội công để dẫn cho thuốc chạy quanh người.

Một lát sau, chàng đã thấy hết đau đớn và sức lực hồi phục dần.

Nhất Quái thấy Nguyên Thông nhỏ tuổi mà công lực thâm hậu đến thế trong lòng cũng phải kinh hoảng thầm. Ông ta vừa cười vừa nói với Đàm Anh.

- Nguyên đại ca của cháu đã luyện tới mức Tam Hoa Tụ Đỉnh, Ngũ Nhạc Triều Nguyên rồi, nếu cháu không nỗ lực học tập, thì cả việc môn đăng hộ đối cũng hỏng bét đấy.

Đàm Anh chỉ cười khì một tiếng không trả lời.

Một tiếng đồng hồ sau, Nguyên Thông đã đứng dậy được, không thấy có vẻ gì là người bị thương mới mạnh. Đàm Anh mừng rỡ vô cùng, nhưng nàng lại oán trách Nguyên Thông rằng:

- Nguyên đại ca dở lắm, sao không uống linh dược ngay cho chóng khỏi, làm cho ông cháu tiểu muội lo âu mất mấy ngày.

Nguyên Thông rớt xuống đất chết giấc đi rồi, làm sao mà biết lấy thuốc ra uống. Đàm Anh trách như vậy thật tức cười. Nguyên Thông không biết trả lời sao, chỉ gượng cười. Đàm Anh chợt hiểu ngay mình nói vô lý, nàng lại chữa thẹn:

- Anh này dở thật!

Rồi nàng như con chim én nhảy nhót mấy cái, đã biến ra ngoài.

Nguyên Thông đứng dậy vái chào Nhất Quái thưa:

- Tiểu bối xin cáo từ.

Nhất Quái ngạc nhiên hỏi lại:

- Bạn nhỏ giận Anh Nhi ư?

- Tiểu bối nghĩ đến các vị chưởng bối ở nhà, các vị ấy nghe tiểu bối rớt xuống vực thẳm thế nào cũng đau lòng lắm, nay tiểu bối may thoát chết lẽ dĩ nhiên là phải trở về báo cho các vị ấy hay mới phải.

- Đạo làm con phải làm như thế mới đúng, lão phu không tiện giữ bạn nhỏ ở lại, nhưng bạn nhỏ thân hành trở về Lư Sơn hay là nhờ người đem tin?

Nguyên Thông rầu rĩ đáp:

- Tiểu bối chưa trả được thù cha, không mặt mũi nào dám trở về định nhờ Ngụy bang chủ của Cái Bang đi hộ một chuyến.

- Lão phu có một điều này muốn nhờ tiểu hiệp, không biết tiểu hiệp có bằng lòng giúp cho không?

Lão tiền bối quá nặng lời, xin cứ việc dạy bảo. Nếu làm được, tiểu bối đâu dám chối từ.

- Lão phu ngẫu nhiên tìm thấy trong núi này có mấy cây linh dược hãn hữu. Lão định tới đó hái và bảo vệ những cây còn non. Nhưng lão e Anh Nhi ít tuổi tính còn bồng bột, chưa tiện ra đi, nếu được tiểu hiệp ở lại vài ngày trông nom nó hộ lão, thì lão đỡ khá nhiều sự phiền phức. Nơi này lớn rộng lắm, hình thế kỳ tuyệt và phức tạp. Tiểu hiệp muốn ngao du nơi nào cũng được. Còn sự bình yên của tiểu hiệp lão phu sẽ cho Cái Bang hay để nhờ họ đi báo tin giúp, tiểu hiệp khỏi phải quan tâm đến việc đó nửa.

Lời lẽ của ông già quái dị rất hợp tình hợp lý, dù Nguyên Thông cố chấp đến đâu cũng không thể chối từ được.

Bỗng Đàm Anh ở ngoài chạy vào báo tin:

- Tỵ Trần đạo sĩ của phái Võ Đang đem theo một tiểu yêu tinh khóc khóc, mếu mếu tới chỗ Nguyên đại ca té ngã tìm kiếm hoài.

Nguyên Thông nghe nói, hồi hộp hỏi:

- Thế ư?

Võ Lâm Nhất Quái liền đỡ lời:

- Tỵ Trần đạo sĩ dắt một cô bé tuổi trạc mười lăm mười sáu, đến chỗ tiểu hiệp bị té quanh quẩn ở đó mấy hôm liền.

Nguyên Thông đã biết nàng nọ là ai rồi, vội chạy ra ngoài động, vừa đi vừa nói:

- Để tiểu bối ra xem.

Đàm Anh nổi giận hỏi:

- Cô ta là ai?

Rồi nàng liền đuổi theo Nguyên Thông.
Bình Luận (0)
Comment