Tình Yêu Định Mệnh

Chương 8

Lúc ấy vào quãng tám giờ tối khi Rôbơc Stuya ra khỏi nhà Mina và chỉ có mình chàng trong phố cổ Tămplơ, vào thời đó khi đêm tối, còn vắng vẻ không như ngày nay; chàng thốt lên mấy tiếng có ý nghĩa ám chỉ hai con người mà chàng đã sát hại:

- Thế là hai rồi!

- Chàng không tính đến kẻ ở bờ sông Sen: kẻ ấy là sự trả giá ngay cho bạn chàng là Mêđa.

Đến trước toà thì chính tức là quảng trường Grevơ là nơi hành hình những kẻ bị kết án, chàng máy móc đưa mắt nhìn chỗ mà người ta quen dựng giá treo cổ, rồi chàng lại gần nơi đó. Chàng nói:

- Chính nơi nay, Anơ Đuybuôc sẽ phải chiu khổ hình nếu nhà vua không gia ân cho ông- Chàng nói thêm – Làm thế nào buộc nhà vua phải gia ân cho ông đây.

Sau những lời này, chàng rời xa.

Chàng vào trong phố Tanơri và dừng trước một cái cổng trên đó gắn tấm biển có những chữ sau:

“Vì thanh kiếm của vua Frăngxoa đệ nhất”

Một lát sau người ta tưởng chàng vào đấy nhưng đột nhiên chàng nói:

Thật là một sự điên rồ nếu bước vào quán này, trong mười phút nữa bọn lính xạ thủ sẽ tới đây…Không, hãy đến nhà Patric.

Chàng đi nhanh qua phố Tanơri và cầu Đức Bà, khi đi qua chàng nhìn vào nơi mà hôm trước chàng đã giết Duyliêng Fretsnơ; rồi sau khi rảo bước qua khu phố Xitê và cầu Xanh Mixen, chàng vào trong phố Batoa – Xanh – Ăngđrê.

Thế là chàng đã ở trong phố Tanơri, chàng dừng lại trước ngôi nhà treo biển như ngôi nhà thứ nhất, duy câu trên đó lại là:

“Vì cỏ gai xứ Êcôtxơ”.

Đây đúng là nơi ở của Patric Mafecsơn- chàng nói vừa ngẩng đầu nhận diện ô cửa sổ- Trên cao ấy, dưới mái nhà một căn buồng nhỏ là nơi anh lui tới những ngày bạn anh không có phiên gác ở điện Luvrơ.

Chàng cố sức để nhận ra ổ cửa sổ nhỏ nhưng cái mái nhà nhô ra đã cản tầm mắt chàng. Lẽ tất nhiên, chàng sẽ đẩy cánh cửa hoặc trong trường hợp bị đóng chặt, chàng sẽ lấy đốc kiếm hoặc báng súng gõ cửa thì đột nhiên cánh cửa ấy hẻ mở để lọt qua một người mặc quân phục lính xạ thủ của đội cận vệ người Êcôtxơ.

- Ai đó! - người lính xạ thủ hầu như hỏi chàng trai.

- Một đồng hương - người anh hùng của chúng ta trả lời bằng tiếng Êcôtxơ.

- Ồ! ồ! Rôbơc Stuya hả ? - người lính xạ thủ kêu lên.

- Chính mình đây, Patric thân mến.

- Nhưng sự ngẫu nhiên nào mà cậu lại ở trong phố và trước cửa phòng mình vào giờ này? - người lính xạ thủ vừa hỏi vừa chìa bàn tay cho bạn mình.

- Mình đến xin cậu giúp một việc, Patric thân mến ạ.

- Nói đi, chỉ có điều nói nhanh lên

- Cậu vội ư?

- Thật miễn cưỡng nhưng cậu hiểu cho, người ta ra lệnh triệu tập tại điện Luvrơ vào chín giờ rưỡi thế mà ở giáo phái Xanh Ăngđrê, chuông vừa đổ chín giờ, vậy mình nghe đây

- Việc là thế này, bạn thân mến ạ. Đạo luật mới đây đã đuổi mình khỏi quán trọ của mình.

- A! Ừ , mình hiểu rồi: cậu thuộc tôi giáo khác và cậu cần hai người Thiên Chúa giáo bảo lãnh chứ gì.

- Còn mình thì không có thì giờ tìm kiếm và có lẽ mình sẽ không tìm được những người như thế; vả lại, mình sẽ bị bắt giữ đêm nay nếu mình muốn lang thang trong các phố ở Pari. Cậu có muốn chia sẻ căn phòng của cậu với mình trong hai, ba ngày không?

- Trong hai, ba đêm nếu cậu muốn và ngay cả mọi đêm trong năm nếu điều đó làm cậu vui lòng; còn về ban ngày thì lại là chuyện khác.

- Tại sao thế Patric? – Rôbớc hỏi.

- Bởi vì - người lính xạ thủ trả lời với vẻ hết sức giấu niềm kiêu hãnh - từ khi mình không có niềm vui được gặp cậu, Rôbớc thân mến ạ, mình đã có may mắn làm một cuộc chinh phục.

- Cậu ư, Patric?

- Điều này làm cậu ngạc nhiên hử?- người lính xạ thủ nhún nhẫy hỏi.

- Chắc chắn là không, nhưng điều này không đúng lúc, thế thôi.

Rôbơc tỏ vẻ không sẵn sàng hỏi nhiều hơn chuyện này nhưng lòng tự trọng của người đồng hương của chàng không thấy được sự tính toán của chàng về điều thận trọng này.

- Có đấy, ông bạn thân mến ạ - anh nói tiếp - vợ một viên pháp quan ở pháp đình rất đơn giản là ban cho mình vinh dự là say mê mình và mình chờ đợi ngày này qua ngày khác, bạn thân mến ạ , mình có vinh dự được gặp lại nàng.

- quỷ tha ma bắt! – Rôbơc nói - thế thì cho rằng mình không nói gì hết, Patric ạ.

- Nhưng vì sao kia chứ! cậu coi sự tin cậy của mình là một sự từ chối hả? Mình giả thiết trung thực ấy, như ông Brăngtôm nói, bằng lòng trèo tới tận trần nhà của mình, nhưng lưu ý rằng đây là một giả thiết khi cậu đi khỏi thôi; trường hợp trái lại, cậu cứ ở nhà mình cho đến khi nào cậu thấy chán không muốn ở nữa: người ta không thể thu xếp tốt hơn đâu, cậu đồng ý chứ?

- Thật thế, Patric thân mến – Rôbớc nói, tỏ ra hết sức luyến tiếc phải từ bỏ kế hoạch của chàng; mình chấp nhận món quà của cậu với lòng biết ơn và chỉ chờ dịp đền đáp lại cậu món quà tương tự bằng bất cứ cách nào.

- Được! – Patric nói, - liệu giữa những người bạn, giữa những người đồng hương, giữa những người Êcôtxơ với nhau người ta lại nói chuyện ơn huệ được chăng? Đúng như thế. Này! Hãy khoan đã!

- Sao? – Rôbơc hỏi.

- Ồ! Một ý kiến! – Patric reo lên như chợt loé lên một ý tưởng.

- Có việc gì thế? Nào.

- Bạn ơi – Patric nói - cậu có thể giúp mình một việc lớn đấy.

- Một việc lớn gì ?

- Một việc hết sức lớn lao.

- Nói đi, mình sắn sàng làm theo ý cậu.

- Cảm ơn! Chỉ có điều…

- Nói rõ hết đi.

- Cậu có tin rằng chúng ta cùng tầm vóc chứ?

- Gần như thế.

- Khổ người như nhau chứ?

- Mình tin vậy.

- Hãy ra chỗ ánh sáng kia để mình ngắm cậu.

Rôbớc làm theo lời bạn.

- Cậu có biết rằng cậu có chiếc áo chẽn thật tuyệt vời không? – Patric mở banh áo choàng của bạn ra nói tiếp.

- Tuyệt đẹp không phải từ mô tả.

- Hoàn toàn mới đấy.

- Mình mới mua cách đây ba ngày.

- Hơi xẫm màu một chút, đúng thế - Patric nói tiếp – nhưng lại che được mắt mọi người.

- Cậu muốn nói gì thế?

- Mình muốn nói điều này, Rôbơc thân mến ạ, người đàn bà trong tâm tưởng của mình nhìn mình với con mắt thiện cảm bao nhiêu thì chồng nàng lại nhìn mình bằng con mắt khác bấy nhiêu. Cứ mỗi lần hắn nhìn thấy một lính xạ thủ cận vệ đi qua, hắn lại nhìn người ấy bằng con mắt đầy chua cay và, cậu có hiểu hắn sẽ nhìn mình bằng cặp mắt nào nếu hắn nhìn thấy bộ y phục này trên những bậc thang nhà hắn.

- Quả nhiên, mình hiểu rõ rồi.

- Hơn nữa, người đàn bà ấy đã cho mình lời khuyên – Patric nói tiếp – là đừng mặc bộ quần áo dân tộc mình đặt chân lên nhà nàng. Do đó mà vừa chập tối mình đã mơ màng một cách lương thiện là làm sao chiếm đoạt được một bộ quần áo nào có thể thay thế bộ quân phục của mình một cách tôt hơn: bộ y phục của cậu mặc dầu xẫm màu, nhưng với mình hầu như đạt được cái đích mà mình dự kiến. Vậy cậu hãy vì tình bạn cho mình mượn nó vào ngày mai; mình sẽ thu xếp cách nào để không cần đến nó vào những ngày tiếp theo.

Những lời nói cuối cùng của người Êcôtxơ biểu lộ sự tin cậy cao cả giữ họ với nhau như những đồng bào của họ đã và còn có sự tin cậy ấy là Rôbơc Stuya bật cười.

- Quần áo, tiền bạc và trái tim mình là của cậu,bạn thân mến ạ - chàng nói – tuy nhiên cần lưu ý rằng,có thể ngày mai mình đi ra ngài nên trong trường hợp mình đi ra ngoài thì bộ y phục này đối với mình là hơi cần thiết đấy.

- Quỷ thật! Đúng như nhà triết học cổ xưa đã nói, ta mang trên mình tất cả những gì mình có mà thôi.

- Lạy thánh Đuntan, điều đó thật đáng căm giận.

- Và làm mình thất vọng.

- thực tế, càng nhìn cái áo chẽn của cậu, mình càng cảm thấy là nó được may cho mình- Patric reo lên.

- Có nghĩa là một điều kì diệu – Rôbơc Stuya nói hầu như muốn đẩy bạn tới một lối thoát nào đó.

- Vậy không có cách nào khác để khắc phục trở ngại này sao?

- Mình không thấy cách nào cả, nhưng cậu là người giàu trí tượng, cậu hãy tự mình tìm xem.

- Có một cách – Patric reo lên.

- Cách gì?

- Ít ra là chồng nhân tình của cậu không cùng nỗi kính sợ các ông lính xạ thủ đội cận vệ người Êcôtxơ như chồng tình nhân của mình.

- Mình không có nhân tình, Patric ạ - chàng nói, vẻ u buồn.

- Vậy thì - người lính xạ thủ nói, chỉ theo đuổi việc thực hiện ý nghĩ của anh ta nên không quan tâm tới việc gì khác – trong trường hợp này, mọi y phục đối với cậu hẳn chẳng khác gì nhau cả.

- Hoàn toàn không khác nhau.

- Nếu vậy mình sẽ mặc y phục của cậu và cậu hãy mặc bộ y phục của mình.

Lần này, Rôbơc Stuya không mỉm cười nữa. Chàng hỏi như thể hoàn toàn không hiểu gì cả.

- Thế là thế nào?

- Cậu không kinh tởm khi khoác lên người bộ quân phục Êcôtxơ chứ?

- Không chút nào

- Thế thì, nếu cậu có việc cần thiết hệ trọng buộc cậu phải ra ngoài, cậu sẽ đi trong bộ quân phục của mình.

- Cậu có lý, đúng thế, không có gì đơn giản hơn.

- Hơn nữa nó sẽ cho cậu vào điện Luvrơ rất thoải mái.

Rôbơc run người vì vui thú; chàng mỉm cười nói:

- Đó là tham vọng của mình.

- Tốt lắm, hẹn ngày mai nhé!

- Hẹn ngày mai! – Rôbơc nắm bàn tay bạn nói.

- Patric ngăn chàng lại nói:

- Cậu còn quên một việc.

- Việc gì?

- Đúng là nó không thật có ích: đó là chìa khoá buồng mình.

- Thật thế, đưa đây – Rôbơc nói.

- Đây, chúc ngủ ngon, , Rôbơc.

- Chúc ngủ ngon, Patric.

Và hai chàng trai sau khi siết chặt tay nhau lần thứ hai,mỗi người đi về một ngả, Patric đi về hướng cổng điện Luvrrow, Rôbớc về hướng cửa của Patric.

Chúng ta hãy để người này vào điện Luvrơ đúng lúc đáp lệnh tập hợp buổi tối và hãy theo Rôbơc Stuya, sau khi lần mò qua hai , ba cửa, cuối cùng tìm được ổ khoá của Patric.

Mẩu nến còn lại cháy soi sáng toàn bộ căn phòng của người lính cận vệ trẻ tuổi. Đây là căn gác xép sạch sẽ, khá giống với những căn buồng nhỏ của sinh viên thời nay.

Đồ đạc trong phòng gồm một chiếc giường ngủ khá gọn gàng , một tủ chè nhỏ, hai ghế tựa nhồi rơm và một cái bàn trên đó, trong một bình gốm cao cổ, bấc của ngọn nến còn khói.

Rôbơc lấy một thanh củi cháy dở, thổi mạnh, cuối cùng có được ngọn lửa và chàng châm vào cây nến.

Sau đó chàng ngồi trước chiếc bàn nhỏ, áp trán vào hai tay, trầm ngâm suy nghĩ.

- Đúng rồi – chàng lùa bàn tay vào mái tóc như để gạt khỏi trán một vật nặng khủng khiếp rồi nói – đúng rồi, ta sẽ viết cho nhà vua.

Và chàng đứng lên.

Trên lò sưởi chàng thấy một lọ mực đầy và một cái bút nhưng chàng hết sức tìm kiếm, lục lọi ngăn kéo bàn và ba ngăn kéo tủ chè mà không thấy được bóng dáng một tờ giấy hoặc mảnh da thuộc để viết.

Chàng lại tìm nhưng hoài công: chắc hẳn bạn chàng đã dùng tờ giấy cuối cùng để viết thư cho bà pháp quan của anh ta rồi.

Chàng lại ngồi xuống, tuyệt vọng và nói:

- Ôi! chỉ thiếu một mảnh giấy mà ta không thể thử cách cuối cùng này rồi.

Thật vậy, chuông đã điểm mười giờ, những cửa hàng buôn bán thời ấy không mở cửa đến nửa đêm như thời nay: vậy sự bối rối của chàng là đích thực.

Lúc ấy, đột nhiên chàng nhớ tới bức thư của nhà vua mà chàng hiện giữ trong người, chàng lấy thư từ ngực ra và quyết định viết cho nhà vua vào mặt trái bức thư này.

Chàng lấy lọ mực và bút, viết bức thư sau:

Tâu bệ hạ.

Việc kết án pháp quan Đuybuôc là bất công và vô đạo.

Người ta làm mờ mắt hoàng thượng và buộc bệ hạ làm đổ máu trong sạch nhất cả vương triều của bệ hạ.

Tâu bệ hạ, một người kêu gọi bệ hạ giữa đám đông: bệ hạ hãy mở mắt nhìn các giàn hoả mà những kẻ có tham vọng đốt lên quanh bệ hạ, trên mọi điểm của nước Pháp.

Tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy lắng nghe những tiếng rền rĩ và than vãn đang dâng lên tại quảng trường Grevơ và dâng lên tới tận điện Luvrơ.

Xin bệ hạ hãy lắng nghe và nhìn. Khi bệ hạ đã nghe và nhìn hẳn bệ hạ sẽ tha thứ.

Chàng trai Êcôtxơ đọc lại lá thư và gấp theo hướng ngược lại, có nghĩa là trang mặt của lá thư nhà vua đã viết trở thành mặt trái lá thư của chàng gửi nhà vua và mặt trên trang mặt của lá thư của chàng trở thành tranh mặt của lá thư nhà vua.

- Giờ đây, - chàng lẩm bẩm – làm cách nào để đưa bức thư này vào điện Luvrơ được?

Chờ Patric đến ngày mai ư? Như vậy sẽ quá muộn. Vả lại Patric tội nghiệp sẽ bị bắt giữ như tòng phạm của ta mất. Ta phơi bày vấn đề khá nhiều khi chấp nhận việc anh cho ta cư trư. Làm gì đây?

Chàng đến cửa sổ tìm một ý nghĩ.Trong những trương hợp tuyệt vọng, người ta thường dễ dàng hỏi ý kiến những vật thể bên ngoài.

Chúng tôi đã nói là trời thật quang đãng đối với một ngày tháng chạp.

Rôbơc hỏi gió mát, trời cao và đêm yên tĩnh ý kiến về việc chàng cần làm.

Từ căn gác xép của Patric ở mỏm đá cao nhất của ngôi nhà, chàng nhận ra tháp canh ở lâu đài nhà vua.

Ngọn tháp gỗ ở lâu đài ấy gần như đối diện với tháp Netslơ và nhô lên giữa sân và sân trong điện Luvrơ, đột nhiên xuất hiện tuyệt đẹp trước chàng ánh sáng huyền ảo.

Nhìn cái tháp ấy, Rôbơc hầu như tìm được cách để chàng chuyển lá thư của chàng cho nhà vua; bởi vì sau khi nhét lại lá thư vào ngực, chàng tắt nến, lấy chiếc mũ dạ, khoác áo choàng và nhanh chóng xuống cầu thang.

Vài ngày trước đó, người ta vừa ra lệnh cấm mọi người đi đường và lái thuyền qua sông Sen kể từ năm giờ chiều.

Lúc này đã là mười giờ đêm, vậy không thể nghĩ đến việc đi đò.

Con đường duy nhất có thể đối với Rôbơc là trở lại bước chân cũ của chàng và đi ngược con đường mà chàng đã từ Grevơ tới.

Vậy là chàng đi lên hướng cầu Xanh Mixen, bỏ qua phố Bariơri ở bên trái để không liều mạng với lính tuần cảnh của hoàng cung và qua cầu Đức Bà vào trong mạng lưới các phố có thể đưa chàng đến điện Luvrơ.

Điện Luvrơ lổn nhổn những đá, sỏi và cột kèo từ triều Frăngxoa đệ nhất.

Người ta nói rằng đây là bên trong của một hầm đá hoặc một trong những lâu đài bỏ dở đang suy sụp trước khi xây dựng lại hơn là nơi ở của nhà vua Pháp.

Vậy thật dễ dàng trườn mình qua những khối đá mà điện Luvrơ bi vướng ngẽn cả bên ngoài lẫn bên trong.

Từ hòn đá này qua hòn đá khác, từ hố này qua hố khác, Rôbơc Stuya trườn dọc sông Sen đến cánh cổng lớn điện Luvrơ đối diện với con sông, theo chiều sâu chiếm toàn bộ khu đất mà hiện nay là bến tàu; rồi chàng đi dọc toà nhà tới Tháp Mới và thấy hai cửa sổ sáng đèn, chàng nhặt một hòn đá trong một cái hố, lấy miếng da thuộc bọc lại, tháo dải băng mũ buộc mảnh buộc mảnh da quanh hòn đá và lùi lại hai ba bước để lấy đà, ước lượng khoảng cách, ngắm như thể chàng nhằm nhả đạn rồi chàng ném hòn đá kèm mảnh da thuộc vào một ô cửa sổ sáng đèn ở tầng gác thứ nhất.

Tiếng kính cửa sổ vỡ và tiếng động xuất hiện trong buồng tiếp theo tiếng kính vỡ cho chàng biết lá thư của chàng đã tới và nếu lá thư không hề tới tay nhà vua thì đó không phải lỗi ở người viết.

- Tuyệt – chàng nói- Còn giờ đây hãy đợi; ngày mai ta sẽ biết, nếu bức thư của ta tạo được hiệu quả của nó.

Trong lúc rút lui chàng nhìn quanh để tin chắc là không hề bị chú ý; chàng chỉ nhìn thấy xa những lính tuần cảnh đi dạo với bước chân chậm dãi và mực thước của những lính canh.

Rõ ràng những lính tuần canh không hề chú ý gì.

Rôbơc Stuya lại qua chính con đường chàng đã chọn, trở lại thành phố Battoa - Xanh Ăngđrê, tin chắc rằng mình không bị một ai nghe và nhìn thấy chàng.

Chàng đã lầm; chàng đã bị hai người trông và nghe thấy chàng cách chàng năm mươi bước, trong góc tháp Mới, ẩn mình trong bóng tối do tháp che khuất, đang sôi nổi trò chuyện không phải để không nghe, không nhìn mà ít ra để không tỏ dấu hiệu là họ đã nghe và nhìn thấy.

Hai nhân vật này là hoàng thân Côngđê và đô đốc Côlinhi.

Chúng ta hãy xem đề tài gì trong câu chuyện có thể làm hai nhân vật nổi tiếng này quan tâm đến nỗi không tỏ ra e ngại những hòn đá mà người lạ ném vào cửa sổ điện Luvrơ vào cái giờ khuya khoắt trong đêm này.

V

DƯỚI CHÂN THÁP MỚI

Giờ đây – như Brăngtôm nói trong cuốn “Những thủ lĩnh quân sự” nổi tiếng của ông – chúng ta cần phải nói tới một thủ lĩnh quân sự rất vĩ đại, nếu không thì chẳng bao giờ nữa.

Chúng ta hãy làm như Brăngtôm; chỉ có điều chúng ta hãy công bằng đối với Gatspa đờ Côlinhi, lãnh chúa Satiông hơn là viên nịnh thần Ghidơ.

Trong hai cuốn sách khác của chúng tôi, chúng tôi nói nhiều về người bảo vệ Xanh Căngtanh nổi tiếng; nhưng các độc giả hẳn đã quên cuốn “ Hoàng hậu Macgô” và còn chưa biết cuốn “Chàng thị đồng của quận công đờ Savoa”: vậy chúng tôi thấy cần nói vài lời về ngày sinh, gia đình và tổ phụ của đô đốc như ta nói ngày nay.

Chúng tôi nhấn mạnh từ đô đốc vì đó là tước vị được biết của con người mà chúng tôi nói tới và thật hiếm khi người ta gọi ông bằng cái tên Gatspa đờ Côlinhi hoặc dưới cái tên gọi lãnh chúa hay đức ông Satiông vì tước vị đô đốc hãy hơn.

Gatspa đờ Côlinhi, sinh ngày 17- 2 -1517 ở Satiông – suya - Looinh, lãnh địa của gia đình ông.

Cha ông là quý tộc ở Brets, đã ở Pháp sau sự hợp nhất tỉnh ông vào vương quốc; ông giữ một cấp bậc cao trong quân đội của nhà vua và lấy tên là Satiông, trở thành chủ nhân của lãnh địa này.

Ông cưới Luidơ đờ Môngmôrăngxi, em gái vị đại thần mà chúng tôi có dịp nói nhiều tới ông này, đặc biệt trong cuốn truyện của tôi là “Atscaniô”, “ Hai chị em Đianơ” và “chàng thị đồng của quận công đờ Savoa”.

Bốn con trai của lãnh chúa Satiông: Pie, ÔđÊcôtxơ, Gatspa, và Đăngđơlô tức là các cháu của vị đại thần. Người con cả Pie, chết lúc năm tuổi. Người con thứ Ôđê vậy là được thừa kế giữ vinh dư của tước vị này.

Hai mươi năm sau cái chết ấy, vị đại thần có quyền sắp đặt chiếc mũ hồng y giáo chủ. Không một người con trai nào của ông muốn tước vị này, thế là ông tặng nó cho các con trai của em gái ông: Gatspar và Đăngđilô, cả hai sinh ra có khí chất chiến trận đã khước từ; Ôđê khí chất điềm tĩnh và trầm tư đã nhận.

Vậy là Gatspa trở thành chủ gia đình bởi lẽ cha ông chết vào năm 1512.

Vả lại chúng tôi đã nói tới những sự “ rèn luyện” của ông được thực hiện thế nào với danh nghĩa là bạn của Frăngxoa đờ Ghidơ và tình bạn nào đã gắn bó hai con người trẻ tuổi này tới lúc, về cuộc chiến đấu ở Răngđi, mỗi người đều đã làm được những chuyện phi thường có giá trị thì một luồng gió lạnh đã ẩn vào giữa họ. Quận công Clôđơ-đờ-Loren chết, quận công Frăngxoa và anh ông ta là hồng y giáo chủ đứng đầu phe Thiên Chúa giáo và họ cạn dự vào các công việc quốc gia thì sự lạnh nhạt ấy trở thành mối hận thù sâu sắc.

Trong thời gian ấy, dẫu bọn Đờ Ghidơ hận thù thì chàng trai Gatspa đờ Satiông đã trở thành một trong số người xuất chúng ở thời đại ông, đã tăng thêm tiếng tăm và được ca ngợi là Hiệp sĩ vũ trang, cũng như em ông là Đăngđơlô, được phong quận công Đăngghiêng và điều này xảy ra ngay trên chiến trường ở Xêridon là nơi mỗi người đạt được một lá cờ; ông được phong cấp đại tá vào năm 1544 rồi ba năm sau là thiếu tướng lục quân rồi cuối cùng là đô đốc.

Chính vào lúc ấy, để giúp cho em ông là Đăngđơlô mà ông đã yêu thắm thiết, ông đã từ bỏ chức vụ thiếu tướng lục quân.

Vào năm 1545, hai anh em cưới hai cô gái của gia đình quý tộc Lavan ở Brets.

Trong cuốn “ chàng thị đồng của quận công đờ Savoa” người ta gặp lại đô đốc trong cuộc vây hãm Xanh Căngtanh và ta thấy ông với ý chí kiên cường đáng kính đã bảo vệ từng viên đá của thành phố và bị bắt với vũ khí trong tay ở đợt giáp trận cuối cùng.

Chính trong thời gian bị cầm giữ ở Ăngve, một cuốn thánh kinh đã rơi vào tay ông và ông liền thay đổi tôn giáo.

Từ sáu năm qua, em ông là Đăngđơlô đã là tín đồ Canvanh.

Chức vụ đô đốc quan trọng tất nhiên đặt ông vào thủ lĩnh quân sự của giáo phái cách tân.

Tuy nhiên đúng là chưa có sự rạn nứt giữ hai phe phái, còn chưa có những sự ngược đãi, Đăngđơlô và anh ông, mỗi người vẫn giữ một vị trí ở triều đình do địa vị của họ đem lại.

“ Nhưng, như một sử gia đương thời nói, triều đình không có kẻ thù đáng lo ngại nhất”.

Được tạo hoá phú cho tính bình tĩnh, lòng quả cảm và sự không ngoan lạ lùng, hầu như ông được sinh ra để trở thành con người mà ông thực tế đã trở thành, tức là thủ lĩnh kiên nghị, ý chí bất khuất; mặc dầu thất bại nhưng ông luôn trở thành đáng ngại sau những thất bại của ông hơn kẻ thù của ông sau những thắng lợi của họ. Không đếm xỉa gì đến đẳng cấp của mình, cuộc đời ông coi chẳng ra gì, lúc nào cũng sẵn sàng hi sinh cho việc bảo vệ vương quốc hoặc thắng lợi của niềm tin của ông, ông gắn định mệnh chiến tranh những đức tính vững chắc của những công dân vĩ đại.

Giữa những thời kì bão tố ấy, tầm nhìn của cái đầu trong sáng này làm cho cặp mắt thật tươi tắn dịu dàng, ông như cây sồi lớn đứng thẳng giữa những cơn giông bão như những ngọn núi cao mà đỉnh vẫn yên lặng giữa bão tố, bởi vì cái đỉnh ấy chế ngự sấm sét.

Với cây sồi, mưa không thể làm trầy vỏ sần sùi của nó, gió không làm cong ngọn nó; muốn nhổ bật rễ nó lên, cần có một trận cuồng phong lật đổ hết mọi thứ.

Là núi, nó sẽ trở thành núi lửa và mỗi lần phun lửa, ngai vàng sẽ run rẩy, lung lay tận gốc và để lấp đầy miệng núi lửa ấy, dập tắt dung nham ấy, cần có một trận hông thuỷ thay đổi bộ mặt của đế quốc.

Cũng như vậy, hoàng thân Côngđê, với tinh thần năng động mạo hiểm, tham vọng , ông đã đưa chính bản thân mình để tham gia quân đội của nhà vua trong mười năm, dự hết chiến trận này đến chiến trận khác.

Hoàng thân Côngđê như chúng tôi đã nói là người nói chuyện với đô đốc. Chính Côlinhi nói chuyện với người đàn ông trẻ tuổi nổi tiếng này trong đêm 18 rạng ngày 19 tháng Chạp này, khuất mình trong bóng tối đổ nghiêng bởi Tháp Mới.

Ít ra chúng ta đã biết được vóc dáng hoàng thân Côngđê, chúng ta đã thấy ông vào quán “Ngựa tía” và chúng ta đã có thể, qua vài lời ông thốt ra, cho chúng ta một ý niệm về tính cách của ông.

Mong rằng giờ đây người ta cho phép chúng tôi dựa trên tính cách ấy và vị trí hoàng thân ở triều đình, đưa ra vài chi tiết cần thiết đối với chúng ta.

Ông Côngđê còn chưa tỏ rõ mình, nhưng ta linh cảm điều ông có thể làm, và điều dự đoán này đem lại một tầm quan trọng lớn lao cho ông hoàng trẻ tuổi đẹp trai này mới chỉ được biết qua những mối tình bay buớm và đại diện của ông là người, như người đương thời Đông Gioăng của ông, đã ghi vào các danh sách khổng lồ những mệnh phụ nổi tiếng của triều đình. Chúng tôi tin rằng đã nói về ông, một chàng trai hai mươi chín tuổi vào thời ấy. Đây là con trai thứ năm cũng là con út của Xaclơ buôcbông, bá tước Văngđôm, thuỷ tổ cận đại của mọi chi dòng họ Buốcbông.

Những người anh hùng của ông là Ăngtoannơ -đờ- Buôcbông, vua Navarơ và là cha đẻ Hăngri đệ tứ; Frăngxoa, bá tước Đăngghiêng; hồng y giáo chủ Saclơ đờ Buôcbông, tổng giám mục xứ Ruăng; và Giăng, bá tước Đăng ghiêng là người mà trước đó vừa bị giết tại trận chiến Xanh Căngtanh.

Vậy, Lui - đờ - Côngđê là con út của gia đình, cả tài sản chỉ là tấm áo choàng thanh kiếm và lưỡi kiếm còn giá trị hơn tấm áo choàng.

Thanh kiếm này hoàng thân đã rút ra một cách vẻ vang trong những cuộc chiến tranh của vua Hăngri đệ nhị và trong vài cuộc cãi lộn đặc biệt làm ông nổi tiếng về lòng dũng cảm sánh ngang với sự nổi tiếng mà ông đã làm như một người có nhiều vận may nhất là về mối tình bất định.

Câu châm ngốn sau hầu như được viết dành trước hết cho hoàng thân Côngđê: “Sự chiếm hữu giết chết tình yêu”.

Đúng là khi hoàng thân chiếm đoạt được rồi thì ông không còn yêu nữa.

Đó là điều rất quen biết trong số mệnh phụ xinh đẹp mà Brăngtôm đã viết cho chúng ta câu chuyện hoa tình, song le đó là điều lạ thường! So với các bà thì điều này tỏ ra không tạo nên một sự nhầm lẫn nào đối với những hứng thú của ông hoàng thật đa tình và thật tươi tắn mà người ta nói về ông theo thể thơ bốn câu sau:

Con người nhỏ bé này thật bảnh trai,

Luôn luôn ca hát miệng luôn cười,

Luôn luôn say đắm người yêu quý,

Điều xấu Trời thương giữ hộ rồi!

Như ta thấy với nhà thơ đã làm bốn câu thơ này, ý thơ xuất sắc hơn nhịp điệu, nhưng cuối cùng chúng đã cho một ý thật chính xác là Lui- đờ- Côngđê gợi được mối thiện cảm ở triều đình; chúng tôi vội kể ngay.

Vả lại quyển truyện của chúng tôi được ký là Alêchxăngđrơ Đuyma chứ không phải Rixơlê.

Mối thiện cảm này thật lớn lao giữa đô đốc và ông hoàng trẻ; đô đốc còn trẻ mới bốn mươi tuổi, yêu Lui-đờ-Côngđê như yêu một người em trai và về phần mình, hoàng thân Côngđê với tính cách hào hiệp và phiêu lưu, do bản chất chăm chú nghiên cứu sự bí mật của tình yêu hơn là lo lắng về những thắng lợi hoặc thất bại của tôn giáo, không bận tâm về Thiên chúa giáo mà vào thời ấy ông còn là một con chiên; hoàng thân Côngđê như một học sinh đối với người thày yêu mến, như một tai nghe ông đô đốc nghiêm khắc trong khi từ Xanh Ăngđrê, ông dõi mắt nhìn theo bước ngựa phi của một nữ kỵ sĩ yêu kiều trở về sau buổi đi săn, hoặc lắng nghe tiếng ca của một thiếu nữ từ đồng ruộng trở về.

Đây là việc xảy ra trước đó một giờ.

Đô đốc trong lúc ra khỏi điện Luvrơ là nơi ông đã tới chầu nhà vua trẻ, đã nhận thấy, với con mắt của nhà chỉ huy quen nhìn bóng tối, ở chân Tháp Mới có một người đàn ông khoác áo choàng, ngẩng đâu về phía bao lơn có hai cửa sổ sáng đèn, hầu như chờ đợi dấu hiệu hoặc đứng đó ra hiệu cho người ở trên gác. Đô đốc bản chất ít tò mò định đi về hướng phố Bêtixi là nơi có lâu đài của ông thì chợt có ý nghĩ tại sao vào cái giờ mà người ta tuỳ ý bắt giữ mọi người qua lại nhất là đến gần điện Luvrơ; thế mà có một người dám cả gan đi dạo trước cung điện nhà vua, cách bọn lính tuần tra có trăm bước, con người này hẳn là hoàng thân Côngđê.

Ông lại gần người này còn người này, cứ mỗi bước đô đốc tiến tới lại cố lùi vào bóng tối; đến cách hai mươi bước, đô đốc kêu lên với người này:

- Này! Hoàng thân!

- Ai đi đó?- hoàng thân Côngđê hỏi vì đúng là ông.

- Một người bạn – Đô đốc trả lời, tiếp tục tiến bước và mỉm cười với ý nghĩ về sự sáng suốt của mình là một lần nữa ông đoán đúng.

- A! A! Nếu tôi không nhầm thì đây là tiếng nói của ông đô đốc – hoàng thân nói đồng thời tiến lên vài bước để đến trước mặt người vừa gọi ông.

Hai người đàn ông này gặp nhau ở giới hạn của bóng tối, hoàng thân kéo đô đốc về phía mình đến nỗi cả hai lẫn vào bóng đêm.

- Thế nào, quỷ thật – hoàng thân nói sau khi thân mật và kính nể xiết chặt bàn tay đô đốc – làm sao mà ông biết tôi ở đây?

- Tôi đoán thế.

- A! Thật là giỏi! Thế nào mà ông lại có ý nghĩ này?

- Ồ! Thật đơn giản.

- Nào, hãy nói đi.

- Khi nhìn thấy một người nằm trong tầm nhìn của đội tuần tra, tôi thầm nghĩ chỉ có một kỵ sĩ ở nước Pháp mới có khả năng liều mạng để nhìn ngọn gió lay động rèm cửa của một người đàn bà đẹp và con người này chính là Điện hạ đấy!

- Đô đốc thân mến của tôi ơi, cho phép tôi được cảm ơn ông, trước hết vì ý nghĩ tuyệt hay của ông đối với tôi và sau đó xin chân thành khen ngợi ông: không thể có sự sáng suốt nào tuyệt vời hơn sự sáng suốt của ông.

- A! Đô đốc thốt lên.

- Tôi ở đây, đúng thế, để nhìn ô cửa sổ một căn buồng mà tại đây, không phải là một phụ nữ chỉ đẹp không thôi mà con người cầm giữ chân tôi ở đây, cách đây sáu tháng còn là đứa trẻ thì này là một thiếu nữ, nhưng là một thiếu nữ kiều diễm, một sắc đẹp hoàn hảo.

- Ông muốn nói tới tiểu thư Xanh Ăngđrê phải không?

- Đúng thế. Càng ngày càng đẹp, đô đốc thân mến ạ - Hoàng thân đáp – Và điều đó giải thích cho tôi sự hứng thú nào đã đẩy tôi kết bạn với ông.

- Vậy chính sự hứng thú đã đẩy ông đến việc đó hả? – Côlinhi hỏi.

- Vâng, rất lớn là đằng khác.

- Hứng thú nào? Hãy cho tôi biết tâm tư của ông, hoàng thân?

- Đó là, nếu tôi không coi ông là bạn, ông đô đốc ạ, thì có lẽ tôi đã coi ông là kẻ thù và lúc ấy tôi coi ông là kẻ thù không nguôi.

Đô đốc lắc đầu vì câu nói phỉnh nịnh của con người mà ông sắp đưa ra những lời trách cứ nên ông trả lời:

- Chắc hẳn ông không biết rằng tiểu thư Xanh Ăngđrê là vị hôn thê của ông Đờ Gioanhvin, con trai quận công Đờ Ghidơ chứ gì.

- Không những tôi không phải không biết chuyện này, ông đô đốc ạ, mà chính vì được tin về cuộc hôn nhân này làm tôi càng yêu tiểu thư Xanh Ăngđrê điên cuồng hơn, đến mức tôi có thể mạnh dạn nói rằng tình yêu của tôi đối với tiểu thư Xanh Ăngđrê chủ yếu đến từ lòng hận thù của tôi với bọn Đờ Ghidơ.

- Ái chà! Nhưng đây là lần đầu tiên, hoàng thân ạ, tôi nghe nói tới mối tình này,vì thông thường những mối tình của ông đối với ông coi như chim hoạ mi hót khi bay lượn. Vậy mối tình mới nảy sinh và chưa gây tai tiếng chứ?

- Không thật mới đâu, đô đốc thân mến ạ, trái lại nó đã được sáu tháng tuổi rồi.

- Chà, đúng thế sao?- đô đốc hỏi kèm theo là cái nhìn ngạc nhiên.

- Sáu tháng, vâng, hầu như ngày tiếp ngày, đúng thế! Ông có nhớ tới lá số tử vi mà mụ phù thuỷ già đã đoán cho ông Đờ Ghidơ, thống chế Xanh Ăngđrê và gã hầu của ông ấy ở lễ hội Lăngđi không? Theo tôi thì hầu như tôi đã nói rõ câu chuyện này với ông rồi.

- Vâng, tôi hoàn toàn nhớ rõ. Sự việc xảy ra trong cái quán trên đường từ Gônet đến Xanh Đơnits.

- Đúng thế, đô đốc thân mến ạ. Này! Chính từ cái ngày ấy đã đánh dấu mối tình của tôi bộc lộ với Xaclôttơ duyên dáng và, vì cái chết mà người ta tiên đoán cho tôi, đã đem lại cho tôi một sở thích khác thường đối với cuộc đời, kể từ ngày ấy tôi chỉ sống trong hi vọng được con gái thống chế yêu và tôi đã dồn hết tâm hồn để đạt cái đích ấy.

- Và không bất cẩn chứ, hoàng thân - đô đốc hỏi – ông được đáp trả chứ?

- Không, ông anh họ của tôi ạ, không; vì thế ông mới thấy tôi đứng chôn chân ở đây mãi.

- Và hỡi chàng hiệp sĩ đa tình là ông, ông chờ đợi người ta ném cho ông một bông hoa, một chiếc găng tay, một lời nói phải không?

- Xin thề,thật tình chẳng chờ đợi gì ở điều đó.

- Vậy thì ông chờ đợi gì?

- Chờ cho ánh sáng tắt đi và vị hôn thê của ông hoàng đờ Gioanhvin ngủ để đến lượt mình, tôi tắt ánh sáng của tôi và nếu cỏ thể tôi cũng ngủ luôn.

- Chắc hẳn đây không phải là lần đầu ông có mặt như thế này với giấc ngủ nhỏ của cô gái phải không, ông hoàng thân thân mến của tôi.

- Không hề là lần đầu, ông anh họ của tôi ạ, và sẽ không phải là lần cuối đâu. Đến nay, gần bốn tháng rồi, tôi giải trí vô tư như thế này đây.

- Tiểu thư Xanh Ăngđrê không biết gì cả chứ? - đô đốc hỏi, vẻ nghi ngờ.

- Nàng không biết, tôi bắt đầu tin như vậy.

- Như thế đâu còn là tình yêu nữa, hoàng thân thân mến; đó thực tế là tôn thờ sùng bái theo cách một số thủy thủ đã kể cho chúng ta nghe về sự tôn thờ thần tượng này.

- Cái từ ấy rất đúng, đô đốc thân mến ạ, đó thực sự là một sự tôn sung và tôi cũng cần phải là con chiên ngoan đạo để tôi hiến mình cho sự tôn thờ thần tượng này.

- Tôn thờ thần tượng là tôn thờ những hình ảnh, hoàng thân thân mến ạ, còn ông cũng không có ngay cả hình ảnh nữ thần của ông, có lẽ đúng chăng?

- Thật thế, không, không cả hình ảnh của nàng – hoàng thân trả lời ; nhưng ông mỉm cười đặt bàn tay lên ngực nói tiếp – hình ảnh của nàng ở đây và khắc thật sâu, xin thề tôi không cần một hình ảnh nào khác hình ảnh đang sống trong kí ức tôi.

- Vậy ông cứ hành động đơn điệu như thế đến giới hạn nào?

- Không giới hạn nào hết. Tôi đến đây như thế này chừng nào tôi còn yêu tiểu thư Xanh Ăngđrê. Tôi yêu nàng theo thói quen của tôi, chừng nào mà nàng chưa ưng thuận cho tôi chút gì và theo mọi khả năng có thể, nàng không thuận cho tôi thật sớm, điều mà nàng cần dành cho tôi để mối tình của tôi lâm vào thời kì giảm sút thì có thể tôi sẽ yêu nàng dài lâu.

- Con người ông đặc biệt làm sao, hoàng thân thân mến!

- Vậy ông muốn gì! Tôi như vậy đấy; đó là điều mà ngay bản thân tôi cũng không hiểu nổi mình; chừng nào mà một người đàn bà chẳng dành cho tôi cái gì thì tôi điên cuồng vì yêu, có thể đi đến giết chồng nàng, giết cả người yêu của nàng, giết nàng, giết cả bản thân mình, gây chiến vì nàng như Pêriclet đối với Atspaxi(Pêriclet: là diễn giả và chính khách nổi tiếng, người Aten; Atspaxi: nổi tiếng về sắc đẹp và trí tuệ, tình nhân và cố vấn của Pêriclet), Xêda đối với Ơnônê, Ăngtoan đối với Clêôpatrơ ( Xêda: là nhà độc tài La Mã; Clêôpatrơ: hoàng hậu Ai Cập, nổi tiếng về sắc đẹp đã chinh phục Xêda rồi Ăngtoan, bạn của Xêda) rồi thì, nếu nàng nhượng bộ…

- Nếu nàng nhượng bộ thì sao?

- Thế thì đô đốc thân mến ơi, bất hạnh cho nàng, bất hạnh cả cho tôi! Vòi nước của sự chán chường sẽ đổ lên sự điên dại của tôi và dập tắt nó.

- Vậy niềm lạc thú nào mà ông lại đứng canh trước ánh trăng này?

- Dưới những ô cửa sổ của một thiếu nữ xinh đẹp. Một niềm lạc thú lớn lao, người anh họ thân mến của tôi ạ. Ôi! Ông không hiểu được điều đó đâu, ông , con người nghiêm trang và qủa cảm đặt mọi niềm hạnh phúc của ông trong thắng lợi một cuộc chiến hoặc chiến thắng của lòng tin của ông. Còn tôi, thưa ông đô đốc, đó là chuyện khác: chiến tranh đối với tôi chỉ là sự yên bình giữa hai mối tình , mối tình cũ và mối tình mới. Thực tình tôi tin rằng Chúa đã sinh ra tôi ở đời chỉ để yêu và tôi không tốt về điều gì khác. Vả lại đó là luật của Chúa. Chúa đã phán bảo chúng ta yêu tương lai của chúng ta như bản thân chúng ta. Này! Con chiên xuất sắc là tôi đây, tôi yêu tương lai của tôi hơn bản thân mình, chỉ có điều tôi yêu tương lai trong nửa đẹp nhất của nó, dưới hình thức dễ chịu nhất của nó.

- Vậy sau lễ hội Lăngđi, ông đã gặp lại tiểu thư Xanh Ăngđrê ở đâu và khi nào không?

- A! đô đốc thân mến, đó là cả một câu chuyện dài và, ít ra ông hãy quyết định, dù câu chuyện của tôi có tầm phào, ở lại cùng tôi chí ít là nửa giờ với tư cách là người bà con mà ông đối với tôi, thì tôi khuyên ông đừng vật nài để mặc tôi với những cơn mơ màng của tôi và cuộc đối thoại của tôi với mặt trăng và những ngôi sao, mà đối với tôi còn kém rực rỡ hơn ánh sáng ấy mà ông thấy lấp lánh qua những ô cửa sổ vị thần của tôi.

- Người em họ thân mến của tôi ơi - đô đốc cười và nói - Đối với tương lai, tôi có những dự định về ông mà ông cũng không hề e ngại; đó là tôi thích thú nghiên cứu ông dưới mọi bộ mặt; bộ mặt ông tỏ cho tôi hôm nay không chỉ là bộ mặt mà là mặt ngoài. Nào, ông hãy mở ra cho tôi mọi cánh cửa của ông. Nào, khi tôi muốn có chuyên với đích thực. Côngđê, với vị chỉ huy vĩ đại, ta thấy qua cái cửa đó tôi có thể vào được và khi ấy đáng lẽ là người anh hùng mà tôi tìm kiếm thì tôi chỉ thấy một Hecquyn quanh quẩn theo bước chân của Ophan( Hecquyn: vị thần Hi lap, theo thần thoại Latinh là con của Giuypite và Alơmen, có sức mạnh phi thường, cưới Omphan, hoàng hậu xứ Lyđi sau khi buộc Hecquyn đi quanh quẩn bên chân nàng.), một Samsông ngủ trên đùi Đalila ( Sambông: quan toà nổi tiếng về sức khỏe nhờ bộ tóc, yêu và cưới Đalila- một danh kĩ và bị Đalila phản bội,cắt tóc trao cho Philitstanh), chúng ta thấy cánh cửa qua đó tôi phải ra đi.

- Có nghĩa là tôi phải nói tất cả sự thật với ông hả?

- Tất cả.

- Như một kẻ xưng tội?

- Hơn thế.

- Tôi xin báo trước với ông rằng đây thực sự là một bài thơ.

- Những câu thơ đẹp nhất của Viêcgiliuyts Marô hẳn không phải cái gì khác những bài thơ sao.

- Vậy tôi xin bắt đầu.

- Tôi nghe ông đây.

- Ông hãy ngăn tôi lại khi ông chán nghe nhé.

- Tôi xin hứa với ông như vậy, nhưng tôi tin là tôi sẽ không ngắt lời ông.

- A! Ông đúng là một nhà chính trị vĩ đại và cao cả.

- Ông có biết rằng, ông hoàng của tôi, ông đã có vẻ giễu cợt tôi rồi phải không?

- Tôi ư? A! Ông có biết rằng khi ông nói với tôi những điều này, người ta làm tôi nhảy qua một vực thẳm chứ?

- Vậy nói đi.

- Đó là vào tháng chín vừa qua,sau buổi đi săn mà các ông Đờ Ghidơ hiến cho toàn thể triều đình trong khu rừng Mơđông.

- Tôi nhớ là đã được nghe mặc dầu tôi không ở đấy.

- Vậy ông hãy nhớ rằng, sau buổi đi săn ấy, bà Catơrin cùng với mọi thị nữ của bà,một phi đội bay của bà như người ta gọi thế,liền đến lâu đài của ông Gôngđi ở Xanh Clu,hẳn ông nhớ chứ vì ông đã ở đây phải không?

- Hoàn toàn đúng.

- Này! Ở đấy, nếu sự chú ý của ông không bị chuyển hướng bởi những đề tài nghiêm trọng, hẳn ông còn nhớ tới bữa ăn nhẹ, một thiếu nữ với vẻ đẹp của nàng đã thu hút sự chú ý của triều thần, đặc biệt là tôi: đó là tỉểu thư Xanh Ăngđrê.Sau bữa ăn nhẹ, trong một chuyến đi chơi trên sông đào, một thiếu nữ, bằng tinh thần của nàng đã khêu gợi sự chiêm ngưỡng của mọi quan khách được mời dự và đặc biệt vẫn là tôi: đó là tỉểu thư Xanh Ăngđrê. Cuối cùng tại buổi khiêu vũ, mọi cặp mắt đặc biệt là mắt tôi, quay nhìn một thiếu nữ nhảy mà vẻ duyên dáng không ai sánh kịp đã làm cho mọi cặp môi nở nụ cười, mọi tiếng trầm trồ cất lên ca ngợi, mọi cặp mắt nhìn chiêm ngưỡng, vẫn là tiểu thư Xanh Ăngđrê. Ông nhớ chuyện đó không?

- Không.

- Càng hay!Bởi vì nếu ông nhớ chuyện ấy, sẽ thật vô ích để tôi kể cho ông nghe chuyện đó. Ông hẳn hiểu rõ ngọn lửa nhen nhóm trong trái tim tôi ở quán “Ngựa tía” thì ở Xanh Căngtanh đã trở thành một ngọn lửa dày vò! Do đó mà kết thúc buổi khiêu vũ, trở về căn phòng dành cho tôi là dãy phòng đầu, thay cho việc tôi đi nằm nhắm mắt và ngủ thì tôi lại ra đứng ở cửa sổ, nghĩ tới nàng và chìm đắm trong cơn mộng mơ êm dịu. Tôi hoàn toàn đắm chìm ở đó bao thời gian tôi không nhớ gì hết thì, qua tấm rèm mà những ý tưởng yêu đương trải qua trước mắt tôi, tôi tin có một sinh vật động đậy gần như siêu hình, như cơn gió bấc lùa qua lay động tóc tôi; thật như cái gì đó như làn hơi cô đọng, một bóng trắng hồng lướt qua những lối đi của khu vườn và đúng thế, đứng dừng lại trước cửa buồng tôi và dựa vào thân cây mà tán lá đến quét lòng ghen tuông thầm kín của tôi. Tôi nhận ra, đúng hơn là tôi đoán rằng nàng tiên tuyệt đẹp trong đêm nay không ai khác tiểu thư Xanh Ăngđrê và rất đúng lúc sắp nhảy qua cửa sổ để nhanh chóng đến với nàng và mau lẹ ngã vào chân nàng thì một bóng thứ hai, kém hồng và kém trắng hơn bóng đầu, nhưng hầu như cũng nhẹ nhàng vượt qua khoảng trống chia cắt lối đi bên này với bên kia. Cái bóng này rõ ràng là nam giới.

- A!A! - đô đốc lẩm bẩm.

- Cũng đúng như tiêng kêu của tôi lúc ấy – Côngđê nói- nhưng những mối nghi ngờ bất công ấy vừa nảy sinh trong tâm trí tôi về đức hạnh tiểu thư Xanh Ăngđrê không lâu; bởi vì cả hai bóng người này bắt đầu ríu rít và tiếng nói của họ vọng tới tận chỗ tôi qua những cành cây và những khoảng thời gian ngắn của ghen tuông, cũng như tôi đã nhận ra những diễn viên ở dưới chân tôi hai mươi bước chân, tôi đã nghe rõ những lời họ nói.

- Những diễn viên đó là ai?

- Những diễn viên đó là tiểu thư Xanh Ăngđrê và gã thị đồng của cha nàng.

- Vậy có vấn đề gì?

- Thật đơn giản là vấn đề một buổi đi câu vào sáng ngày hôm sau thôi.

- Một buổi câu à?

- Đúng, ông anh họ của tôi ạ, tiểu thư Xanh Ăngđrê mê câu cá đến cuồng nhiệt.

- Để sửa soạn chỉ cho một buổi đi câu mà, vào nửa đêm hoặc một giờ sáng; một thiếu nữ mười lăm tuổi và một chàng thị đồng trẻ mười chín tuổi đã hẹn hò gặp gỡ nhau qua khuôn viên ấy hử?

- Tôi cũng đã nghi ngờ chuyện ấy, thưa ông đô đốc thân mến ạ, và tôi nói rằng chàng thị đồng trẻ ấy tỏ ra rất ngán ngẩm khi, chắc chắn có một hi vọng khác chợt đến thật sôi sục tràn đầy thì gã nhận được từ chính tiểu thư Xanh Ăngđrê là nàng chỉ hẹn gặp gã với yêu cầu gã kiếm hai chiếc cần câu, một cho nàng, một cho gã, với những chiếc cần câu ấy ,nàng mời gã có mặt trên sông đào vào hồi năm giờ sáng. Lời yêu cầu này khó hiều đối ngay cả với gã thị đồng trẻ nên gã nói:

- Nhưng thưa tiểu thư, nếu chỉ riêng ý định đòi hỏi tôi một chiếc cần câu mà tiểu thư bảo tôi đến đây với một việc thật đơn giản đến thế thì thật vô ích để làm một việc bí mật thật lớn thế này.

- Chính anh đã lầm, Giắc ạ - thiếu nữ trả lời - từ khi lễ hội bắt đầu tôi thực sự được phỉnh nịnh, bị săn đón, bị vây quanh bởi biết bao kẻ nịnh hót và thật bất hạnh nếu tôi đề nghị anh tìm một cần câu và ý định này bị lộ thì sáng này vào lúc năm giờ, ba phần tư các đức ông ở triều đình gồm cả ông đờ Côngđê sẽ chờ tôi ở bờ sông đào, điều mà, hẳn anh nghĩ rõ rằng sẽ làm cho lũ cá sợ hãi hoảng loạn đến nỗi tôi sẽ không câu được con bống mú nào chứ. Đó là điều tôi không muốn, tôi muốn ngày mai chỉ có riêng anh kết bạn với tôi thôi, anh thật đoảng vị, ta sẽ thực hiện một buổi câu tuyệt vời.

- Ô! Vâng, thưa tiểu thư – chàng thị đồng trẻ nói – Ô! Vâng, tôi là một kẻ đoảng vị.

- Thế là thoả thuận rồi nhé. Giắc, đúng năm giờ đấy.

- Tôi sẽ ở đấy lúc bốn giờ, thưa tiểu thư, với hai cần câu.

- Nhưng anh sẽ không được câu trước tôi mà không có tôi.Giắc hiểu chứ?

- Ô!Tôi xin hứa với tiểu thư là đợi tiểu thư.

- Tốt. Vì sự khó nhọc của anh, hãy nắm lấy bàn tay tôi đây.

- A! thưa tiểu thư – chàng thị đồng reo lên, lao vào bàn tay xinh xắn ấy và phủ lên đó những nụ hôn.

- Thật đẹp!- Lúc này thiếu nữ rút bàn tay ra nói – Tôi cho phép anh hôn nó mà không lắc mạnh nó. Nào, Tốt lắm! Chúc ngủ ngon , Giăc! Vào năm giờ ở bên bờ sông đào nhé.

- A! Tiểu thư đến đấy khi nào tiêủ thư muốn, thưa tiểu thư, tôi sẽ có mặt ở đó, tôi xin hứa với tiểu thư.

- Anh hãy đi đi, đi đi!- tiểu thư Xanh Ăngđrê giơ bàn tay ra hiệu và nói.

Chàng thị đồng tuân lời ngay không một lời đáp lại như một thần hộ mệnh vâng lệnh pháp sư mà y lệ thuộc.

Gã biến mất sau đó một giây.

Tiểu thư Xanh Ăngđrê ở lại sau gã một lúc, rồi tin chắc không có gì làm xáo động sự yên tĩnh của màn đêm kể cả sự cô đơn của mảnh vườn, đến lượt nàng biến mất, tin rằng không bị ai nghe và nhìn thấy.

- Ông có tin chắc, hoàng thân thân mến, con người lắm mưu chước ấy không đoán ra ông có mặt ở cửa sổ của ông chứ?

- A! Người anh họ tốt bụng của tôi ơi, đó là việc ông sắp tước đi của tôi những ảo mộng đấy.

Lúc này, ông hoàng lại gần đô đốc:

- Này, ông thật là một nhà chính trị sâu sắc, có những lúc tôi không xét tới chuyện này.

- Chuyện gi?

- Rằng nàng đã trông thấy tôi và rằng chiếc cần câu ấy, buổi đi câu ấy, cuộc hẹn vào năm giờ sáng ấy đã chỉ là một màn hài kịch.

- Nói tiếp đi!

- Ồ! Tôi không bao giờ phủ nhận khi có một trò lừa dối của đàn bà - hoàng thân nói - và non trẻ nhất, ngây thơ nhất là đàn bà thì tôi thú nhận ít hơn; nhưng ông hãy thừa nhận rằng, đô đốc thân mến ạ, nếu thật như thế thì đây là một con người cực kì khôn ngoan.

- Tôi không nói với ông điều trái lại.

- Ông nên hiểu rõ rằng, ngày hôm sau, vào hồi năm giờ, tôi đã nấp ở vùng quanh sông đào lớn. Gã thị đồng đã giữ lời hứa. Gã ở đấy trước lúc mặt trời mọc. Còn Xaclôttơ xinh đẹp xuất hiện như một vầng dương trước khi mặt trời mọc một lúc và những ngón tay hồng hào của nàng đã lấy từ tay Giắc một chiếc cần câu đã mắc mồi sẵn. Một lát sau tôi tự hỏi vì lẽ gì nàng cần một người bạn câu, nhưng tôi sớm hiểu rằng những ngón tay thật xinh xắn không thể sờ vào những con vật kinh tởm mà nàng buộc phải gỡ khỏi lưỡi câu và nếu gã thị đồng không ở đó thì tránh sao cho nàng cái công việc nặng nhọc ghê tởm ấy là phải gỡ cá khỏi lưỡi câu; thế rồi buổi đi câu ấy kéo dài đến bảy giờ, thiếu nữ xinh đẹp và thanh lịch chỉ còn niềm vui và niềm vui này hẳn thật lớn, bởi vì, sự thật là hai con người trẻ trung ấy đã có một bữa cá rán thật ngon.

- Còn ông, ông được cái gì ông hoàng thân mến của tôi.

- Một cơn xổ mũi dữ dôi bởi vì tôi đã ngâm chân dưới nước và một tình yêu mãnh liệt mà ông sẽ thấy ở những bước tiếp sau.

- Và ông tin rằng cô bé lắm mồm miệng ấy không biết có ông ở đấy chứ?

- Này! Lạy Chúa! Ông anh họ của tôi! Có thể nàng biết tôi ở đấy; nhưng thật sự khi giật con cá của nàng về phía mình, nàng vòng cánh tay thật duyên dáng và khi lại gần bờ sông, nàng vén tà váy mới đỏm dáng làm sao, cánh tay và cái đùi ấy làm cho tôi tha thứ hết thảy vì nếu nàng biết tôi ở đấy thì lúc ấy, chính vì tôi mà nàng tỏ mọi vẻ duyên dáng đáng yêu ấy chứ không phải với gã thị đồng bởi vì tôi ở bên phải nàng và chính nàng vòng cánh tay phải để lộ đùi phải ra. Tóm lại, đô đốc thân mến ạ, tôi yêu nàng, nếu nàng ngây thơ; nhưng nếu nàng làm dáng thì còn tồi tệ hơn: tôi tôn thờ nàng! Ông phải thấy rằng dù cách này hay cách khác thì tôi vẫn khổ tâm.

- Từ thời gian này ư?

- từ thời gian này, ông anh họ của tôi ạ, tôi đã nhìn thấy cánh tay đẹp đẽ ấy, được nhìn lại cái đùi ấy từ xa mà không bao giờ có thể gặp lại nữ chủ nhân của những kho báu tuyệt đẹp ấy mà, khi nàng nhân ra tôi ở phía nàng này, tôi phải công nhận quyền này của nàng, thì nàng lại lẩn trốn sang phía khác.

- Vậy việc tháo gỡ mối tình si câm lặng này sẽ là thế nào?

- Này! Lạy Chúa tôi! Hãy hỏi kẻ nào thông thái hơn tôi, ông anh họ thân mến ạ, bởi vì nếu mối tình si này là câm lặng như ông vừa nói đó thì nó đồng thời vừa điếc vừa mù, có nghĩa là nó không nghe được lời khuyên nào và nó không nhìn, nhất là không muốn nhìn ngoài cái giờ hiện tại.

- Tất nhiên, hoàng thân thân mến ạ, trong một tương lại nào đó, ông phải hi vọng một phần thưởng cho sự nô dịch gương mẫu này chứ?

- Tất nhiên, nhưng trong một tương lai thật xa mà tôi không dám nhìn vào nó nữa.

- Thế thì hãy tin vào tôi, đừng nhìn vào đó nữa.

- Tại sao thế ông đô đốc?

- Bởi vì ông sẽ không thấy gì hết ở đó cả và điều đó sẽ làm ông nản chí.

- Tôi thật sự không hiểu ông.

- Này! Lạy Chúa! Tuy nhiên thật dễ hiểu, nhưng về điều này, cần phải nghe tôi.

- Ông hãy nói đi, ông đô đốc.

- Ông chờ đợi một điều gì, hoàng thân thân mến.

- Khi có quan hệ với tiểu thư Xanh Ăngđrê thì tôi chờ đợi mọi chuyện.

- Tôi sắp nói với ông sự thật không quanh co, ông hoàng thân mến của tôi ạ.

- Thưa ông đô đốc, từ lâu đối với ông tôi vẫn có lòng yêu kính mà người ta coi như đối với người anh cả và lòng chân thành mà người ta có đối với một người bạn. Ông là người duy nhất trên đời mà tôi thừa nhận có quyền khuyên nhủ tôi. Chính ông nói rằng còn khá xa mới thâu tóm được sự thật từ miệng ông, vậy tôi khiêm nhường khẩn cầu sự thật ấy. Ông hãy nói đi.

- Cám ơn hoàng thân! – đô đốc trả lời với tư cách là người hiểu rõ những ảnh hưởng mạnh mẽ mà những chuyện tình ái có thể có và vì thế, con người này gắn một tầm quan trọng nghiêm khắc với những việc mà, ở người khác hơn người em của vua Nava, ông đã coi là những chuyện tầm phào - Cảm ơn, vì ông đã cho tôi quyền lợi thật đẹp thì đây là sự thật trần trụi: tiểu thư Xanh Ăngđrê không yêu ông, ông hoàng thân thân mến của tôi ạ; tiểu thư Xanh Ăngđrê sẽ không bao giờ yêu ông cả.

- Ông sẽ không hề ít nhiều là một nhà chiêm tinh chư? Thư ông đô đốc. Và vấn đề cho tôi một lơi tiên đoán ác độc ấy, liệu ông đã mạo hiểm hỏi vì sao về sự toan tính của tôi không?

- Không, nhưng ông có biết vì sao cô ta sẽ không yêu ông chút nào không? - đô đốc nói thêm.

- Thế nào mà ông lại muốn tôi biết điều đó vì tôi sẽ làm tất cả để được nàng yêu cơ mà.

- Cô ta sẽ không yêu ông bởi vì cô ta sẽ không bao giờ yêu ai cả, cả chàng thị đồng trẻ ấy cũng chẳng hơn gì ông: đó là một trái tim khô cằn, một tâm hồn nhiều tham vọng. Tôi biết cô ta từ lúc còn rất nhỏ và không có khoa học chiêm tinh mà ông gán cho tôi vừa rồi thì tự bản thân cũng đoán trước là một ngày nào đó cô bé sẽ đóng một vai trò trong cái toà nhà lớn đồi bại này đang ở trước mắt chúng ta.

Rồi bằng một cử chỉ hết mực khinh miệt, đô đốc trỏ vào điện Luvrơ.

- A! A! – ông Côngđê kêu lên – Đây là phương diện khác, với nó tôi chưa hề nhìn thấy.

- Chưa đến tám tuổi mà cô ta đã chơi trò tài nữ với vai Anhet Soren ( Anhet Soren: sinh ra ở Ruaren được mệnh danh là mệnh phụ Sắc đẹp, ái phi của Xaclơ đệ nhất) hoặc phu nhân Đetstăngpơ, những bạn nhỏ của cô bé đội lên đầu cô một chiếc vương miện bằng bìa và reo lên: “tiểu hoàng hậu muôn năm”. Này! Cô ta đã giữ trong những cuộc đời thiếu nữ của cô ta cái kỉ niệm về vương quyền thời thơ ấu. Cô ta cho rằng cô ta yêu ông Đờ Gioanhvin, vị hôn phu của cô ta ư: cô ta nói dối đấy! Cô ta làm ra vẻ thế thôi, ông có biết tại sao không? Bởi cha ông đờ Gioanhvin là ông Đờ Ghidơ, người bạn cũ của tôi nay là kẻ thù mãnh liệt của tôi, sẽ là vua nước Pháp nếu người ta không ngăn ông ta lại.

- A! quỷ tha ma bắt! ông tin chắc như vậy chứ, ông anh họ của tôi.

- Thật sự, hoàng thân thân mến ạ: vì lẽ gì mà tôi kết luận mối tình của ông đối với nàng thị nữ xinh đẹp của hoàng hậu là mối tình khổ sở mà tôi khẩn cầu ông sớm giải thoát đi.

- Đó là ý kiến của ông phải không?

- Tự đáy lòng mình tôi đưa ra cho ông đấy.

- Còn tôi, ông anh họ của tôi ạ, tôi bắt đầu để nói với ông rằng tôi chấp nhận ý kiến đó như nó đã được đưa ra.

- Chỉ có điều là ông sẽ không làm theo nó phải không?

- Ông muốn sao, đô đốc thân mến của tôi, người ta không phải làm chủ được những sự việc ấy.

- Tuy nhiên, hoàng thân thân mến, qua quá khứ ông hãy xét tương lai.

- Thế thì, vâng, tôi xin thú nhận rằng cho đến nay nàng không biểu lộ một mối cảm tình thật mãnh liệt đối với kẻ đầy tớ của ông.

- Và ông nghĩ rằng điều đó không thể kéo dài à. A! Tôi biết rằng ông có ý kiến tốt đẹp của chính bản thân ông thôi, ông hoàng thân mến ạ.

- Này, đúng thế, đó sẽ là cho những kẻ khác một mảnh đất quá rộng để miệt thị chúng ta hơn là tự miệt thị mình. Nhưng không thể như vậy. Sự âu yếm mà nàng không có đối với tôi, khốn thay, ông chỉ có thể ngăn tôi không có sự âu yếm đối với nàng. Điều đó làm ông nhún vai đấy. Ông muốn làm gì ở đây! Liệu tôi có được tự do yêu hay không yêu không? Nếu tôi nói với ông rằng: “ông đã giữ hai nghìn người chống lại năm hoặc sáu mươi nghìn tên Flamăng và Tây Ban Nha của hoàng thân Êmanuye – Filibe và của vua Philip đệ nhị: thì này! Đến lượt ông phải làm cuộc bao vây ấy; có ba mươi nghìn người trong vị trí mà ông chỉ huy có mười nghìn quân”; liệu ông có từ chổi công hãm Xanh Căngtanh không? Không phải không?...vì sao? Bởi vì do thiên tài của ông đã biểu lộ trong chiến tranh, ông có niềm tin chắc là không có vị trí nào mà không thể chiếm được đối với những con người quả cảm. Thế thì tôi, ông anh họ thân mến ạ, có lẽ tôi tự khoe khoang chăng, nhưng tôi tin có khoa học được thử thách của tình yêu, như ông có thiên tài được thử thách trong chiến tranh và tôi nói với ông rằng: “Không có vị trí nào không chiếm được cả”, ông đã cho tôi ví dụ về chiến tranh, đô đốc thân mến của tôi ạ, hãy cho phép tôi được cho ông ví dụ trong tình yêu.

- A! hoàng thân ! hoàng thân ! Ông đã là một thủ lĩnh quân sự vĩ đại biết bao, nếu trong những ham muốn xác thịt đã đặt tình yêu trong trái tim ông thì những niềm say mê cao cả cũng đặt được thanh kiếm vào tay ông.

- Ông muốn nói tới tôn giáo phải không?

- Vâng, hoàng thân ạ, đội ơn trời là Người muốn làm cho ông thành người của chúng tôi, do đó là một trong số người của Người!

- Ông anh họ thân mến của tôi -Côngđê nói với sự vui vẻ thường nhật của ông, nhưng thực ra trong lúc để lộ niềm vui này, ý chí của một người đàn ông mà không có vẻ như vậy luôn suy nghĩ về vấn đề đó – có lẽ ông sẽ không tin điều này nhưng về tôn giáo, tôi có những ý kiến ít ra cũng quyết định ngang với tình yêu.

- Ông muốn nói gì? - đô đốc ngạc nhiên hỏi.

Nụ cười của hoàng thân biến mất khỏi đôi môi ông và ông nghiêm chỉnh nói tiếp:

- Tôi muốn nói rằng, ông đô đốc, tôi có tôn giáo của tôi cho tôi, niềm tin của tôi cho tôi, lòng từ thiện của tôi cho tôi, rằng tôi không cần sự can thiệp của ai cả và chừng nào ông không thể chứng tỏ cho tôi, người anh họ thân mến của tôi ạ, rằng giáo lí mới của ông tốt hơn giáo lí cũ, ông hãy đau khổ tin rằng tôi bảo tồn tôn giáo của cha mẹ tôi, chí ít là nó không làm tôi ngẫy hứng thay đổi để chơi cho ông Đờ Ghidơ một vố.

- Ôi! hoàng thân! hoàng thân! Liệu có phải như vậy mà ông sắp tiêu phí những kho báu sức lực, tuổi thanh xuân và trí thông minh mà Chúa vĩnh hằng đã ban cho ông, và ông sẽ không biết sử dụng những thứ đó vào lợi ích lớn lao chăng? Cái mối hận thù bản năng của ông đối với các ông Đờ Ghidơ ấy liệu không phải là lời báo trước của Chúa chứ? Ông hãy xác định, hoàng thân, nếu ông không chiến đấu chống lại những kẻ thù của Chúa thì ít ra ông hãy chiến đấu chống những kẻ thù của nhà vua chứ?

- Được - Côngđê nói – đó là ông quên mất, ông anh họ của tôi ạ, rằng tôi có một ông vua của tôi như tôi có một Chúa trời của tôi; Đúng là Chúa của tôi càng lớn lao bao nhiêu thì ông vua của tôi càng nhỏ bé bấy nhiêu. Vua của tôi, đô đốc thân mến ạ , chính là vua Nava, ông anh tôi. Đó là ông vua thực sự của tôi. Vua nước Pháp đối với tôi chỉ là ông vua nuôi, một lãnh chúa không có thực quyền.

- Đó, ông lại tránh né vấn đề rồi, hoàng thân, nhà vua ấy, tuy nhiên ông đã phải chiến đấu vì ông ấy.

- Nhưng tôi chiến đấu cho mọi nhà vua theo tính cách thất thường của tôi như tôi yêu mọi người đàn bà theo ngẫu hứng của tôi.

- Vậy thì, hoàng thân thân mến, không thể nói chuyện nghiêm chỉnh với ông về bất cứ chuyện gì về đề tài này phải không - đô đốc nói.

- Có chứ - hoàng thân trang trọng trả lời – vào một thời điểm khác chúng ta sẽ nói tới những vấn đề ấy, ông anh họ thân mến của tôi ạ , và tôi sẽ trả lời những vấn đề này. Tôi coi tôi là một kẻ cực kì khổ sở và như một công dân bình thường; hãy tin ở tôi, nếu tôi chỉ dâng hiến toàn bộ cuộc đời tôi cho độc một việc là phục vụ các bà mệnh phụ. Tôi biết rằng tôi có những bổn phận phải làm tròn, ông đô đốc ạ, và trí thông minh, lòng dũng cảm và sự không ngoan, những tặng vật quý báu này mà tôi hưởng lộc của Chúa trời không chỉ để cho tôi hát những bản tình ca dưới những bao lơn. Nhưng xin ông hãy kiên nhẫn, ông anh họ tốt bụng và người bạn tuyệt vời của tôi ạ, hãy để cho những ngọn lửa đầu tiên của tuổi thanh xuân này bốc đi đã, ông hãy nghĩ rằng tôi còn chưa ba mươi tuổi. Quỷ quái thật, thưa ông đô đốc, thiếu vắng một cuộc chiến tranh, tôi cần sử dụng năng lực của tôi vào việc gì đó chứ. Vậy hãy tha thứ cho tôi cuộc phiêu lưu này và tôi chưa chấp nhận lời khuyên của ông đối với tôi. Hãy cho tôi niềm vui về việc mà tôi sẽ đề nghị với ông.

- Hãy nói đi, hỡi tâm hồn điên dại- đô đốc thân tình nói – và Chúa muốn rằng lời khuyên của tôi đối với ông mang lại cho ông điều ích lợi nào đó

- Thưa ông đô đốc- Hoàng thân Côngđê nắm lấy bàn tay người anh họ nói – Ông là một vĩ tướng vĩ đại, một nhà chiến lược lớn lao, nói không ngoa là con người đứng đầu về chiến tranh ở thời đại chúng ta: ông hãy nói cho tôi biết là ông coi vấn đề này như thế nào, ở vào địa vị tôi chẳng hạn, để xâm nhập vào nhà tiểu thư Xanh Ăngđrê vào giờ này, tức là nửa đêm để nói với nàng rằng ông yêu nàng.

- Tôi thấy rõ, hoàng thân thân mến- đô đốc nói – ông thực sự được lành mạnh khi ông biết con người mà ông có chuyện với người ấy. Đó là giúp ông về sự điên rồ của ông cho tới khi sự điên rồ ấy chuyển thành lí trí chứ gì. Thế thì ở vào địa vị của ông…

- Suỵt! – Côngđê vừa nói vừa lui vào bóng tối.

- Sao thế?

- Bởi vì tôi thấy hình như có gì đó như kẻ si tình thứ hai đang lại gần cửa sổ.

- Đúng thế- đô đốc nói.

Và theo gương Côngđê, ông biến vào trong bóng tối do bóng tháp đổ xuống. Thế là cả hai bất động, kìm nén hơi thở. Họ trông thấy Rôbơc Stuya lại gần, nhìn thấy chàng nhặt hòn đá, lấy mảnh giấy bọc lại và cả hòn đá và mảnh giấy được ném qua cửa sổ sáng đèn.

Rồi họ nghe thấy tiếng kính vỡ.

Rồi họ nhìn thấy người lạ mà họ coi là kẻ si tình và kẻ này không hề kém hơn thế và họ nhận ra người ấy bỏ trốn và biến mất sau khi tin chắc quả “tạc đạn” do mình ném đã đi đến đúng địa chỉ của nó.

- A! thực tình! - hoàng thân Côngđê nói – ông anh thân mến ơi, tôi xin khất ông về lời khuyên cho một dịp khác,còn hôm nay tôi xin cảm ơn ông về lời khuyên ấy.

- Thế là thế nào?

- Bởi vì tôi đã hoàn toàn tìm được cách của tôi.

- Cách gì?

- Này! Chính thế! Thật đơn giản, cánh cửa bị vỡ ấy là cánh cửa nhà thống chế Xanh Ăngđrê và chắc chắn nó bị vỡ không phải do thiện ý.

- Thì sao?

- Thì tôi ra khỏi điện Luvrơ, tôi nghe thấy tiếng động do cái cửa sổ ấy gây ra khi vang lên tiếng kính vỡ, tôi sợ đó là kết quả của bọn âm mưu nào chống thống chế và quả thật, dù đêm đã khuya, tôi không thể cưỡng nổi và tôi trèo lên để hỏi ông ấy thực sự có điều bất hạnh nào đã xảy ra đến với ông, đó không phải là lợi ích lớn lao mà tôi đem đến cho ông ấy sao?

- Điên! Điên! Điên! Ba lần điên – Đô đốc nói.

- Tôi xin ông lời khuyên, ông bạn, ông cho tôi một lời tốt đẹp chứ?

- Vâng.

- Lời khuyên nào?

- Là không hề đến đấy.

- Nhưng ông biết đấy, kẻ đó, chính là người đầu tiên, và tôi muốn nói với ông rằng tôi không muốn theo đuổi nó.

- Thế thì được, chúng ta hãy đến nhà thống chế Xanh Ăngđrê.

- Ông đến cùng tôi chứ?

- Hoàng thân thân mến ạ, khi người ta không thể ngăn một kẻ điên làm những chuyện rồ dại của y và người ta yêu kẻ điên ấy như tôi yêu ông thì cần phải góp nửa phần trong sự điên rồ ấy để thử rút ra trong đó một lời tiên đoán tốt nhất cỏ thể được.

- Đô đốc thân mến của tôi, ông hãy nói với tôi chúng ta cần trèo qua lỗ hổng nào, qua phát súng hoả mai nào để ông và cơ hội đầu tiên, tôi sẽ không đi theo ông đâu mà đi trước ông đấy.

- Chúng ta hãy đến nhà thống chế.

Và cả hai người đi về phía cổng vào điện Luvrơ, tại đây, sau khi nói khẩu lệnh, đô đốc bước vào, theo sau là hoàng thân Côngđê.
Bình Luận (0)
Comment