Sủi cảo chín rồi, Lâm Y Y nhìn trung tâm mua sắm ảo thu hồi một đĩa với giá 3 điểm thưởng. Mặt không đổi sắc, cô đưa cho mấy người chủ quán trọ mỗi người một bát, rồi lại múc một bát lớn đưa cho Thanh Thủy, sau đó cô ôm số sủi cảo còn lại vừa ăn vừa khổ não.
Mặc dù giá này tốt hơn trước một chút, nhưng cộng thêm giá thành của thịt vào thì cũng không kiếm được gì. Nếu đem sủi cảo như vậy ra ngoài bán, việc buôn bán đúng là sẽ đỡ hơn một chút. Nhưng chừng đó vẫn không đủ.
Lâm Y Y thấp thoáng cảm thấy mình còn có thể làm tốt hơn, cô cũng không biết cô lấy tự tin đó ở đâu ra, nhưng cô cứ có trực giác như thế.
Lật đọc lại tác phẩm của những các đồng nghiệp khác trong trung tâm mua sắm ảo, Lâm Y Y ngẫm nghĩ từng cái một, cho đến khi xem lần thứ ba, đột nhiên Lâm Y Y phát hiện, trong số rất nhiều bánh sủi cảo hấp, chiên này, cô không thấy có sủi cảo gạo.
Đúng, sủi cảo gạo!
Khoảnh khắc đó, Lâm Y Y như gạt được lớp lá cản cuối cùng sang một bên, suy nghĩ của cô trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Chính là sủi cảo gạo, đó là sủi cảo gạo mà mỗi khi đến Thanh Minh, ông ngoại đều làm cho cô ăn.
Khác với bánh bao luộc ở miền Bắc và bánh bao hấp ở Giang Nam, sủi cảo gạo có lẽ là một món ăn độc đáo ở Giang Tây. Vì gạo được xay thành bột, độ dính kém hơn bột mì, cho nên vỏ sủi cảo cũng sẽ dày và to hơn.
Năm đó, có một gói biểu tượng cảm xúc lan truyền trên mạng, với dòng chữ “Tôi có thể đến nhà bạn ăn sủi cảo không, chỉ một cái thôi”, và chiếc sủi cảo khổng lồ trong hình là sủi cảo gạo hấp.
Nói làm là làm, Lâm Y Y lập tức đi mua nguyên liệu.
Sủi cảo gạo được làm từ bột gạo, bình thường gói với thịt muối là ngon nhất. Ở đây gần như không có ai bán bột gạo, thịt muối thì Lâm Y Y cũng không có. Vì thế cô đến cửa hàng lương thực mua gạo trước, sau đó nhờ ông chủ nghiền thành bột. Sau đó cô lại đến cửa hàng thịt, ông chủ hàng thịt thường ướp muối hoặc sấy khô phần thịt còn sót lại, do đó xác suất mua được thịt muối sẽ cao hơn.
Vận may của cô cũng không tồi, đến cửa hàng thịt mua được một miếng thịt muối mà ông chủ ướp khi đón Tết năm ngoái. Thịt được ướp muối không giống với thịt sấy, thịt sấy được sấy khô, mất hết dầu mỡ, thịt muối được ướp ngâm, dầu mỡ vẫn còn trong đó, bỏ vào nồi hấp, có vị mặn và thơm.
Bột với thịt đã chuẩn bị xong, Lâm Y Y đem hấp theo phương pháp làm sủi cảo gạo trong trí nhớ của cô. Còn về rau tề, cũng được làm vỏ sủi cảo.
Sau khi sủi cảo gạo rau tề được hấp chín, lớp vỏ sủi cảo gạo dày bọc thịt có vị mặn và thơm, khi cắn một miếng, nước trong nhân trào ra ngoài, rất giống với hương vị trong trí nhớ của Lâm Y Y.
Sủi cảo ông ngoại làm lúc đó, cô có thể ăn liền một lúc bốn cái. Ăn xong, khóe miệng toàn là dầu, liếm liếm môi, toàn là mùi thịt.
Chỉ tiếc là, từ sau khi ông ngoại qua đời, cô không còn được ăn nữa.
Nép mình bên bếp lò, ăn những hương vị quen thuộc ở thế giới xa lạ này, Lâm Y Y cảm thấy trong lòng mình có một niềm khao khát khó tả.
Hai cái bánh sủi cảo xuống bụng, Lâm Y Y chính thức bắt đầu làm việc.
Sủi cảo gạo thế này chắc chắn không đủ rồi. Nhược điểm lớn nhất của sủi cảo gạo là vỏ quá dày, một cân sủi cảo thì có chín lạng là vỏ rồi, nếu vỏ quá dày thì sẽ dễ bở, mất vị. Nhưng nếu quá mỏng, sủi cảo hấp sẽ dễ bị nứt, hơi nước tràn vào, mất hết vị ngon.
Cho nên phải nghĩ cách để cho vỏ sủi cảo gạo trở nên có sức dãn hơn, để sủi cảo mỏng hơn một chút.
Khác với bột mì thông thường, bột mì thông thường có thể để lên men sau khi trộn, trong khi bột gạo được hấp và luộc bằng nước sôi nên không lên men được, độ dính kém hơn rất nhiều. Lâm Y Y đã cân nhắc đến các phương pháp khác, chẳng hạn như thêm dầu, hoặc trộn vào gạo nếp, nhưng không có cách nào hiệu quả, độ dính hoặc là quá mạnh, hoặc là làm cho mùi vị vốn có của sủi cảo gạo biến mất.
Sau nhiều lần thử đi thử lại nhưng không có kết quả, Lâm Y Y nhìn bột thô trong bát và nhớ lại những gì mình đã học trước đây.
Lúc trước khi sư phụ làm bánh bao thịt cua, vỏ bánh bao mỏng đó cũng có thể làm ra được hiệu quả gần như trong suốt, còn cả bánh trứng, cũng trong và dàn đều, nhưng hình như ông ấy chưa bao giờ lo vỏ sẽ bị vỡ. Còn sợi mì thì mỏng gần như sợi râu, bên trong đã bỏ gì thế nhỉ?
Nước tro?
Không không, trong sủi cảo gạo sẽ không bỏ cái này, đó là để bỏ vào bột mì.
Lâm Y Y ngồi sang một bên, đột nhiên nhớ đến món đặc sản của sư phụ – bánh thịt bò.