Tối Chân Tâm

Chương 73

Tới hôm Giao thừa, Nhan Tử La bị Bách Hợp gọi dậy sớm.

“Sớm thế này gọi ta dậy làm gì?”, Nhan Tử La hỏi, còn chưa tỉnh ngủ. Theo quy tắc mọi năm, Dận Chân và Nạp Lạt thị sẽ vào cung đón Tết sớm. Còn đám vợ bé bọn nàng chẳng qua cũng chỉ nằm dài buồn bã trong phủ.

“Chủ nhân, năm mới thời tiết mới, dậy sớm chút đi mà!” Bách Hợp vừa cười vừa đặt y phục trước mặt nàng.

“Nói cũng phải. Ồ, nha đầu, đợi để lấy tiền mừng tuổi của ta phải không?”, Nhan Tử La cười hỏi.

“Vâng ạ, vì vậy nô tỳ mới cả gan gọi người dậy chứ”, Bách Hợp cũng cười đáp.

“Nói mấy câu cát tường một chút nghe xem nào, nếu hay, sẽ thưởng nhiều”, Nhan Tử La gây khó dễ.

“Nô tỳ chúc chủ nhân mọi việc như ý, mãi mãi trẻ trung!” Bách Hợp chớp chớp mắt.

“Mọi việc như ý thì được rồi, mãi mãi trẻ trung? Thế thì chẳng phải sẽ trở thành yêu quái hay sao?”, Nhan Tử La cười mắng, chọn một chiếc vòng tay mà nàng thấy đẹp nhất đưa cho Bách Hợp.

“Chủ nhân, cái này… quý giá quá, nô tỳ không dám nhận”, Bách Hợp không cầm.

“Cầm lấy đi, tích lại làm của hồi môn, nhân lúc chủ nhân ngươi còn có tí tiền.” Nhan Tử La nhét chiếc vòng vào tay Bách Hợp, “Đi đi, gọi họ vào cả đây”.

Ám Hương, Sơ Ảnh và bọn a hoàn, tổng cộng bốn người mỗi người được thưởng một chiếc nhẫn vàng. Những tiểu nha đầu khác mỗi người được thưởng một dây tiền. Người này người nấy đều vui mừng hỉ hả đi ra.

Đang bận thì trong cung có người mang đồ đến, họ mang mấy chiếc hộp nhỏ tặng cho Nhan Tử La.

“Không ngờ, vẫn còn có người nhớ phát tiền mừng tuổi cho ta!” Nhan Tử La cầm một chiếc hộp nhỏ lên, mở ra xem, là một viên ngọc Như ý trong suốt tinh khiết, cảm giác cầm trên tay rất thích. Lần lượt mở ra xem một lượt, đều là ngọc cả, vòng ngọc, nhẫn ngọc, dây ngọc.

“Chủ nhân, toàn là ngọc thượng hạng, xem ra các vị chủ nhân trong cung vẫn còn rất yêu thương người!”, Bách Hợp vui mừng nói.

“Chắc ta phải đốt mấy đời hương! Ha ha!” Nhan Tử La xem xong, bảo Bách Hợp cất đồ đi.

Vừa qua giờ Thìn, Nữu Hỗ Lộc thị đến, bọn nha đầu theo sau tay bưng hai chiếc hộp lớn. Nhan Tử La vội đứng dậy mời nàng ta ngồi, bảo Bách Hợp nhận quà, rồi thưởng cho đám nha đầu. Ngồi một lúc, hai người cũng đến chỗ Cảnh Thị, Niên thị chơi, tặng quà, cứ thế lằng nhằng đến tận chiều mới xong.

Sau bữa cơm tối, Nhan Tử La gọi Bách Hợp và bọn nha đầu ra chơi bài còn mình ôm khay hoa quả ngồi bên cạnh xem náo nhiệt. Qua giờ Tí, xong khoảnh khắc đón giao thừa, Bách Hợp dẫn đầu bọn a hoàn khấu đầu trước Nhan Tử La, Nhan Tử La lại thưởng cho bọn họ một ít tiền, rồi bảo họ về phòng đi ngủ. Bách Hợp hầu nàng rửa mặt chải đầu, Nhan Tử La lại không ngủ được.

“Chủ nhân, sao người không ngủ?”, Bách Hợp đang thu dọn.

“Ăn nhiều quá, bụng căng tức. Bách Hợp, ngươi mang trà đặt lên bàn cho ta”, Nhan Tử La nói.

“Chủ nhân, bình trà đang ngâm trong nước ấm, người uống thì cứ gọi nô tỳ một tiếng”, Bách Hợp nói.

“Bách Hợp à, ngươi cứ hầu hạ ta như thế, ta thật không nỡ gả ngươi đi”, Nhan Tử La cười nói.

“Chủ nhân, nô tỳ cũng nói rồi mà, nô tỳ không lấy lấy chồng”, Bách Hợp nghe nàng nói nhiều rồi, giờ mặt không còn đỏ nữa.

“Không lấy chồng? Để ta phải nuôi ngươi cả đời à? Thế không được, ngoài số tiền mua quan tài, ta còn phải giữ lại chút ít để dưỡng lão chứ. Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, phải đi đâu để tìm một lang quân như ý cho ngươi đây? Haizz, Bách Hợp, hồi ở nhà ngươi không có người bạn thanh mai trúc mã hay một hai người huynh đệ kết nghĩa nào à?”, Nhan Tử La lại ngồi dậy.

“Chủ nhân, người mau ngủ đi!” Bách Hợp bất lực trừng mắt nhìn nàng một cái.

“Nha đầu ngươi thật là, giờ to gan rồi, còn dám trừng mắt lườm cả chủ nhân nữa. Xem ta sẽ gả ngươi cho một kẻ xấu xí kì quái!” Nhan Tử La cười hi hi.

“Ai da, chủ nhân, người hãy tha cho nô tỳ đi mà!” Bách Hợp quay người đi ra.

Sáng mùng một, Bách Hợp bưng đĩa sủi cảo chạy đặt lên bàn, Nhan Tử La liếc mắt nhìn một cái, chau mày: “Có thể không ăn thứ này không?”.

“Chủ nhân, thứ này phải ăn tới Mười lăm cơ. Người mau ăn đi, ăn xong rồi, còn tới thỉnh an Tứ gia và Phúc tấn nữa.”

“Biết rồi!” Nhan Tử La ăn hai cái sủi cảo rồi không ăn nữa. Chuẩn bị y phục để đi thỉnh an.

Dận Chân mặc trường bảo hoa văn màu đỏ, Nạp Lạt thị lại mặc váy đỏ phớt, khoác áo choàng màu tím. Các trắc phúc tấn, thiếp khác đều mặc những bộ y phục có màu sắc tươi sáng. Thỉnh an xong, hai người bọn họ đều ban thưởng. Nhan Tử La ngồi cạnh Nữu Hỗ Lộc thị, bộ dạng cung kính khiêm nhường.

Thỉnh an cũng đã thỉnh an rồi, quà cũng nhận rồi, Nhan Tử La đang nghĩ có thể rút lui thì lại nghe Lý thị nói: “Hôm nay là mùng Một tết, buổi tối, mời Phúc tấn và các tỷ muội qua chỗ ta chơi bài, không biết tỷ tỷ có cho phép?”.

“Được đấy, dù sao cũng đang là Tết, chúng ta nên tập trung cho vui vẻ.” Nạp Lạt thị đã nói như vậy, người khác đương nhiên không dám có ý kiến khác. Thế là ai về nhà nấy.

Nghe nói ngày này trong phủ sẽ không có người lạ tới, chỉ là vương công phủ đệ tự tới chúc tết lẫn nhau. Nhan Tử La tránh trong phòng cũng không được yên tĩnh.

Đến tối, ăn xong “bữa cơm đoàn viên”, Nạp Lạt thị dẫn đầu đám vợ bé của Dận Chân tới chỗ Lý thị, chơi cho tới gần sáng mới tàn cuộc. Nhan Tử La sớm đã sắp không mở nổi mắt.

Những ngày như vậy kéo dài tới tận mùng Năm mới dần dần ngừng lại.

Qua mùng Năm, Nạp Lạt thị đưa mấy vị trắc phúc tấn vào cung thỉnh an Đức phi. Nhan Tử La còn tiện thể đến Đồng Thuận trai thăm Thông quý nhân, Mẫn Chỉ và đứa bé. Nàng chuẩn bị cho đứa trẻ một chiếc vòng vàng khá lớn. Mẫn Chỉ mấy lần mở miệng định hỏi, nhưng đều bị Nhan Tử La nói lảng sang chuyện khác.

Đến mùng Mười, Nhan Tử La cố ý tới thỉnh an Nạp Lạt thị muộn hơn bình thường. Tiện thể nói với Nạp Lạt thị việc mình muốn chuyển về biệt viện. Nạp Lạt thị có chút kinh ngạc.

“Muội muội vì sao lại thế? Có phải ta có chỗ nào không chăm sóc chu đáo, khiến muội muội phải ấm ức không?”, Nạp Lạt thị hỏi.

“Không phải, Phúc tấn, người đừng hiểu nhầm. Muội về đây hai năm nay, Phúc tấn đã chăm sóc muội còn chu đáo hơn tỷ ruột, muội vô cùng cảm kích. Chuyển về đó sống… là muội có nguyên nhân của mình.”

Nhan Tử La nhìn thấy sắc mặt Nạp Lạt thị dịu xuống mới nói tiếp: “Muội có lẽ đã sống quen ở biệt viện rồi, tính cách tùy tiện, hai năm nay đã làm không ít việc khiến Tứ gia và người khó xử, muội muội thấy rất áy náy trong lòng. Hơn nữa, hai năm sống trong phủ, bệnh lớn bệnh nhỏ mãi không dứt, lại thêm phiền phức. Vì vậy muội mới muốn chuyển về biệt viện”.

“Muội muội, ta có câu này không biết có nên hỏi hay không?”, Nạp Lạt thị nói.

“Xin Phúc tấn cứ hỏi”, Nhan Tử La đáp.

“Muội muội có phải vì chuyện của Bích La, lòng không vui không?”, Nạp Lạt thị thận trọng hỏi.

“Phúc tấn, Bích La cho dù có không hiểu biết thế nào cũng hiểu đạo lý sống hòa thuận giữa tỷ muội với nhau. Hơn nữa, Bích La chưa từng làm việc gì khiến muội không vui, muội muốn chuyển ra ngoài sống cũng không liên quan gì tới muội ấy. Chỉ là muội muốn quay về đó thôi”, Nhan Tử La trả lời.

“Muội muội, chuyện này ta vẫn không thể đồng ý được, đợi sau khi ta hỏi ý kiến Tứ gia rồi hẵng nói”, Nhan Tử La nói.

“Phúc tấn, Tứ gia đã đồng ý rồi ạ” Nhan Tử La nói xong, Nạp Lạt thị bèn ngẩng đầu nhìn nàng, ánh mắt thoáng hiện vẻ kinh ngạc.

“Muội muội nói thật không?”, Nhan Tử La truy hỏi. Nhan Tử La gật gật đầu.

“Sao…”, Nạp Lạt thị cụp mắt, bưng trà lên khẽ nhấp một hớp.

“Vì vậy, Tử La định mấy ngày này sẽ chuyển đi”, Nhan Tử La nói tiếp.

Nạp Lạt thị trầm ngâm hồi lâu mới nói, “Việc này, muội đã quyết định rồi?”.

“Vâng, thưa Phúc tấn”, Nhan Tử La gật đầu.

“Ta biết rồi. Nếu muội thật sự muốn quay về đó, thì cứ về sống một thời gian cũng được rồi lại quay về!”, Nạp Lạt thị khẽ khuyên.

“Chuyện đó hẵng bàn sau, đa tạ Phúc tấn. Tử La xin cáo từ ở đây.” Nhan Tử La đứng dậy.

“Muội muội, qua Mười lăm hãy đi!”, Nạp Lạt thị kéo tay nàng nói.

“Vâng.” Nhan Tử La đáp xong, nhún người hành lễ rồi đi ra.

“Tứ gia đã ra ngoài chưa?”, Nhan Tử La hỏi Bảo Nguyệt.

“Có lẽ chưa, nghe nói Hoằng Quân a ca không khỏe, chắc người đang ở chỗ Lý phúc tấn”, Bảo Nguyệt đáp, ngập ngừng hồi lâu rồi do dự nói, “Chủ nhân, đang yên đang lành sao Nhan phúc tấn lại muốn chuyển ra ngoài?”.

“E là trong lòng không được vui!”, Nạp Lạt thị đáp, rồi dặn dò Bảo Nguyệt: “Chuyện này đừng cho người khác biết vội”.

“Vâng, nô tỳ biết ạ”, Bảo Nguyệt đáp.

Bắt đầu từ chiều ngày Mười hai, Nhan Tử La hơi sốt, má đỏ lựng. Bách Hợp vội vàng đi bẩm báo với Nạp Lạt thị, mời thái y, sắc thuốc, uống hai ngày thuốc vẫn không thấy chuyển biến. Vì vậy ngày Mười lăm, Nhan Tử La vốn phải phụng chỉ vào cung xem đèn đành cáo ốm.

Trong hoàng cung, tuyết rơi rất dày, trên hành lang treo rất nhiều các loại đèn lồng được viết câu đố, Khang Hy dẫn đầu đám vương công đại thần vừa đi vừa giải đố, có câu giải được mà có câu cũng không giải được, thỉnh thoảng lại có phần thưởng được chuyển xuống. Mọi người đều biết, chẳng qua là tím thú vui mà thôi. Suốt dọc đường, đến một góc hành lang, thấy chỉ treo một chiếc đèn bát giác lớn, tám mặt đều viết câu đố, đều là những câu đố hết sức đơn giản, những nhân vật được đoán là trong Thủy Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa. Khang Hy hào hứng, xem xong liền cười, hỏi Lý Đức Toàn: “Đây là đèn lồng của ai?”.

Lý Đức Toàn vội đi lên phía trước nhìn, sau đó hỏi thái giám đứng ở hành lang, thái giám đó nói là của Khuynh Thành cách cách. Khang Hy quay đầu lại nói: “Các ngươi cũng xem đi. Lý Đức Toàn, đi, gọi Cách cách lại đây”. Lý Đức Toàn vâng dạ rồi đi. Đám vương công đại thần lần lượt tiến về phía trước để xem câu đố.

Một lúc sau, Lý Đức Toàn dẫn Khuynh Thành đến, Khuynh Thành thoải mái thỉnh an Khang Hy.

“Nha đầu, đèn lồng này là của con sao?”, Khang Hy hỏi.

“Vâng, bẩm Hoàng gia gia. Người xem rồi ạ?”, Khuynh Thành nghiêng đầu hỏi.

“Xem rồi, xem Hoàng gia gia đoán có đúng không nhé? ‘Đông qua xuân tới’, chắc là Thì Thiên. ‘Qua cổ tới kim’, chắc chắn là Sử Tiến. ‘Thưởng phạt phân minh’ vẫn là Pháp Chính, ‘Bốn mặt cỏ rậm’ là Chu Thương. ‘Ngu Công dời núi’ có lẽ là nói đến Lỗ Trí Thâm? ‘Chính là gió lạnh rét căm căm’ nói tới Phương Lạp. ‘Quân đen thua rồi’ đương nhiên là Bạch Thắng. ‘Khổng tước thu cánh’ đây là Quan Vũ? [1], Khang Hy trả lời từng câu từng câu một.

[1] Thì Thiên, Sử Tiến, Lỗ Trí Thâm, Phương Lạp, Bạch Thắng là các nhân vật trong truyện Thủy Hử. Còn Pháp Chính, Chu Thương, Quan Vũ là nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa.

“Không chơi nữa, Hoàng gia gia đoán đúng hết rồi”, Khuynh Thành bĩu môi nói.

“Nha đầu, đều do con nghĩ ra cả sao?”, Khang Hy hỏi.

“Không phải ạ, là ngạch nương con dạy”, Khuynh Thành trả lời thành thật, ngạch nương của nó đã nói, dưới gầm trời này chỉ có hai người không thể lừa được, một là Hoàng gia gia, hai là a ma.

“Con đã đọc Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử rồi à?”, Khang Hy cầm tay nó hỏi.

“Vâng, ngạch nương kể cho con nghe.” Khuynh Thành vẫn rất thành thật.

“Ồ?” Ánh mắt Khang Hy lướt qua người Khuynh Thành, nhìn về đứa con thứ tư của mình. “Nha đầu thích người nào nhất?”

“Triệu Tử Long và Trương Phi. Vốn con cũng rất thích Chu Du và Quan Vũ nữa”, Khuynh Thành nhếch cái miệng nhỏ lên đáp.

“Tại sao?”, Khang Hy cầm tay Khuynh Thành vừa đi vừa hỏi.

“Triệu Tử Long hữu dũng hữu mưu lại nghĩa khí, Trương Phi đơn giản trung thực đáng yêu, dám yêu hám hận. Chu Du thì, ngạch nương con nói ông ta nhỏ nhen, vì vậy mới bị tức mà chết, hơn nữa ông ấy còn yêu bản thân mình, giống như chim khổng tước vẫn thích xòe đuôi vậy. Còn Quan Vũ, rất trọng nghĩa khí, có điều hơi ngốc”, Khuynh Thành nói.

“Ồ, thế à!” Khang Hy gật đầu ra chiều suy nghĩ.

“Dạ!” Khuynh Thành giật tay khỏi tay Khang Hy, lại đi tìm đèn lồng khác. Đến chỗ hành lang nối, gió thổi tuyết bay vào, rơi lên khắp người khắp đầu bọn họ. Khang Hy chắp tay đứng dưới hành lang, nhìn hoa tuyết bay lượn rợp trời.

“Vạn tuế gia, tuyết rơi, mời người di giá xuống dưới”, một vị vương gia nói.

“Có làm sao đâu! Ồ, Lý Đức Toàn, sai người đưa nha đầu về cung Vĩnh Hòa, trời tuyết lớn, đừng để nó nhiễm lạnh”, Khang Hy dặn. Lời vừa dứt, Khuynh Thành người đầy tuyết chạy quay lại.

“Con chạy đi đâu thế này?” Khang Hy đích thân giúp nó phủi tuyết trên người.

“Hoàng gia gia, người đến xem, trên những cái cây đằng kia có tuyết, thật giống như ‘thiên thu vạn thụ lê hoa khai’[2]”.

[2] Dịch nghĩa: Ngàn cây lê điểm trắng trời nở hoa.

“Nha đầu còn biết ‘thiên thu vạn thụ lê hoa khai’nữa à?” Khang Hy để mặc Khuynh Thành dắt mình đi, đằng sau cả hàng dài đại thần vội vàng nối gót.

“Biết ạ, là bài thơ do Sầm Than viết khi xuất tái, Bạch tuyết ca tống Vũ phán quan quy kinh. Con còn học thuộc rồi cơ”, Khuynh Thành tự tin đầy mình nói.

“Vậy, đọc cho trẫm nghe xem, nếu thuộc làu làu, có thưởng, nếu không thuộc, thì phải phạt”, Khang Hy nói. Khuynh Thành đảo đảo mắt, gật đầu đồng ý, nghĩ một lúc rồi bắt đầu đọc to.

“Cũng là do ngạch nương con dạy sao?”, Khang Hy lại hỏi.

Khuynh Thành gật gật đầu, “Vâng, mấy hôm trước tuyết rơi, ngạch nương dạy con, ngạch nương còn khen Khuynh Thành có tài vịnh nhứ”. Tiểu nha đầu bộ dạng rất đắc ý.

“Ồ, còn dạy gì nữa?”, Khang Hy hỏi.

Khuynh Thành nghĩ một lúc rồi đọc hết những bài được học ngày hôm đó cho Khang Hy nghe.

“Nha đầu hôm nay đọc thơ rất hay, nha đầu muốn được thưởng gì nào?”, Khang Hy cười, hỏi.

“Vẫn là xin ngọc cho ngạch nương?”

Khuynh Thành lắc lắc đầu. “Không cần nữa ạ, ngạch nương không bao giờ đeo trang sức, lấy nữa cũng chỉ mang cất vào hòm thôi. Ừm, Hoàng gia gia, có thể đợi Bảo bối nghĩ xong rồi tới nói với người không?”, Khuynh Thành hỏi Hoàng thượng.

“Thế sao được, chỉ được phép nghĩ bây giờ. Nếu con không nghĩ ra, Hoàng gia gia chọn cho con, thế nào?”, Khang Hy vuốt râu hỏi.

“Dạ? Hoàng gia gia… nhưng nếu thứ mà người thưởng con không thích thì sao?”, Khuynh Thành lập tức hỏi lại, không thể để Hoàng gia gia đắc lợi được.

“Đồ mà Hoàng gia gia thưởng, con xem có ai dám trả lại không?”, Khang Hy cố ý trầm giọng xuống.

“Hoàng gia gia, vậy thì người phải chọn một thứ mà con thích ấy, nếu không… con cũng không ngại gì mà không…”, Khuynh Thành nghiêng đầu nói.

“Hoàng gia gia phong con làm công chúa có được không?”, Khang Hy hỏi, sau đó quét mắt một lượt, nhìn thấy những đôi mắt đang mở to hết cỡ của đám vương công đại thần, thái giám cung nữ, đúng như dự liệu của mình.

“…” Khuynh Thành chớp chớp mắt, ra chiều rất bối rối.

“Ồ? Không thích?” Khang Hy nhéo mắt, vờ cười.

Khuynh Thành vội vàng lắc đầu, sau đó nói, “Không phải, mà là, Hoàng gia gia, làm công chúa có phải sẽ sống trong cung không? Khi nhớ ngạch nương có thể về nhà không? Có thể ra ngoài chơi không?”.

Tất cả mọi người có mặt lúc ấy đều nín lặng.

“Có thể.” Giọng điệu Khang Hy nghe có vẻ buồn bã, phong bao nhiêu phi tử, công chúa, Cách cách, mệnh phụ, chỉ có đứa cháu gái này của ông là người đầu tiên không vui vì được sắc phong.

“Vậy thì con thích, đa tạ Hoàng gia gia.” Khuynh Thành cười ngọt ngào.

“Ừm, sau này phải cho ra dáng công chúa đấy. Đừng có nghịch ngợm linh tinh.” Khang Hy dắt tay Khuynh Thành, nhìn đám “tượng đá” xung quanh một lượt rồi khẽ nói: “Nha đầu luôn nói mình là bảo bối Khuynh Thành, Hoàng gia gia sắc phong con làm Hòa Thạc Bảo công chúa, thích không?”.

“Thích ạ”, Khuynh Thành đáp, sau đó cười hi hi hỏi một câu: “Hoàng gia gia, vậy có thể bảo họ mang pháo hoa đến cho công chúa chơi không?”. Vì câu nói này mà Khang Hy xém chút hối hận tới mức thu lại phong hiệu công chúa của con bé. Xem ra bò có dắt đến tận Tử Cấm Thành thì vẫn cứ là bò, Khang Hy thầm than trong lòng.

“Lý Đức Toàn, ông bảo bọn họ đi lấy pháo hoa lại đây cho ta được không?” Khuynh Thành chạy đi kéo tay Lý Đức Toàn làm nũng.

Lý Đức Toàn nhìn nhìn Khang Hy, Khang Hy bất lực nói: “Được rồi, cùng đi xem vậy!”.

Thế là cả đoàn người lại lục tục kéo nhau đi về phía hậu hoa viên.

Buổi tối hôm ấy, tất cả mọi phủ đệ lớn bé có thể đếm được trong kinh thành đều biết Cách cách con vợ lẽ trong phủ Tứ bối lặc được phong làm Hòa Thạc công chúa. Đáng tiếc, mẹ của Hòa Thạc công chúa lại đang ở trong trạng thái ẩn cư nên hoàn toàn không biết. Tới ngày Mười sáu, Nạp Lạt thị đích thân đến nói với nàng. Người nào đó đang sốt mê man khi ấy cũng phải phụt cả nước miếng ra, Nạp Lạt thị lại cho rằng nàng quá kích động. Cũng chẳng trách, trong chốc lát, con gái người ta đã hoàn toàn vượt lên so với những Cách cách khác trong phủ của các vị A ca, hơn họ một bậc rồi. Thật vinh dự, không chỉ nàng, mà lần này phủ Bối lặc cũng được vinh dự theo, còn không nữa, tối hôm qua phần thưởng đã đến rồi.

“Muội muội vui cũng là lẽ thường tình, lần này Khuynh Thành đã khiến muội muội được nở mày nở mặt”, Nạp Lạt thị cười nói.

“Khụ… khụ khụ… là… Phúc tấn, đúng là muội nên vui… nên vui sao? Đây là thế đạo gì thế này? Một nha đầu như vậy cũng có thể được sắc phong làm công chúa, lẽ nào các Cách cách trong phủ đệ của các A ca đều kém hơn nó sao? Không thể nào?”

“Muội muội cũng nên chú ý dưỡng bệnh đi. Ta thấy, Hoàng thượng sắp triệu kiến muội muội đấy, chỉ ngày một ngày hai nữa thôi”, Nạp Lạt thị nhắc nhở.

“Vâng! Phúc tấn…” Nhan Tử La cười không được tự nhiên lắm.

“Được rồi, tin cũng đã báo xong. Không làm phiền muội muội nghỉ ngơi nữa, ta đi trước đây.” Nạp Lạt thị đứng dậy, Nhan Tử La cũng vội đứng dậy, đích thân tiễn Nạp Lạt thị ra đến tận cửa, nhìn thấy nàng ta đi xa rồi mới vịn cánh tay Bách Hợp quay vào.

Vừa vào phòng đã thấy đám a hoàn từ lớn tới nhỏ đều quỳ mọp cả xuống.

“Hết Tết rồi, không có tiền thưởng nữa đâu, đứng lên cả đi.” Bách Hợp đỡ nàng ngồi xuống ghế, tự mình cũng đi đến trước mặt nàng quỳ xuống.

“Chúng nô tỳ chúc mừng chủ nhân”, bọn a hoàn đồng thanh nói. Nhan Tử La bất lực trừng mắt lườm.

“Đứng lên cả đi! Ta biết rồi!”, Nhan Tử La nói với giọng chẳng mấy nhiệt tình, tiếp tục lẩm bẩm: “Từ trong ổ gà vẫn có thể có phượng hoàng bay ra”, nói xong lại ngẫm nghĩ, hình như nói thế không đúng, cho dù Khang Hy không phong nó làm công chúa, sau này cha nó lên làm hoàng đế, nó cũng là công chúa. Xem ra, đây thật sự là một cái ổ phượng hoàng. Ha ha. Đáng tiếc, mẹ phượng hoàng lại là gia cầm!

“Bách Hợp, đi, mang ít tiền lại đây, ta thấy lát nữa sẽ cần dùng đến”, Nhan Tử La dặn. Đúng là một năm hao tiền tốn của, cũng may từ xưa tới nay nàng rất ít tiêu tiền lung tung bừa bãi. Nha đầu đáng chết, nó làm công chúa, thế mà lại khiến mẹ nó phải mang tiền để dành mua quan tài ra thưởng cho người ta.

“Vâng, nô tỳ biết rồi ạ. Chủ nhân. Người hãy trang điểm thật xinh đẹp, đây là chuyện vui ngất trời”, Bách Hợp, Ám Hương nói.

“Trang điểm? Thôi bỏ qua đi, bộ dạng này mà trang điểm chẳng phải dọa chết người khác sao? Hơn nữa, cũng phải cho người ta cái cớ mà bới móc chứ”, Nhan Tử La nói. Trang điểm hay không trang điểm thì cũng đều khiến người ta bới móc, đám phụ nữa kia nếu thấy ai đó không thuận mắt, thì kiểu gì cũng sẽ bới ra được sai sót của người ấy. Huống hồ Nhan Tử La nàng đã “thất sủng” lâu như thế rồi, bỗng chốc vận may rớt xuống, ai thấy mà không giận cho được?

Quả thật, không lâu sau, các trắc phúc tấn và các thiếp đều lần lượt đến “chúc mừng”, trong lời nói của họ đều có dao có búa, cũng may Nhan Tử La đã sớm chuẩn bị tâm lý, ngoài mặt thì cười nhưng trong lòng không cho những lời chúc tụng của họ là thật. Mãi mới tiếp đón xong. Đến chiều, Nữu Hỗ Lộc thị mới đến. Vừa vào cửa chưa nói gì đã cười.
Bình Luận (0)
Comment