Tôi Là Ê-Ri

Chương 2

Tôi còn nhớ có lần trên đường đi học về tôi ghé mua một que kem vị dâu. Tôi vừa đi vừa ăn cho đến khi về tới nhà. Tình cờ gặp đúng lúc anh tôi đang ở nhà. Vừa nhìn thấy tôi, anh ta không nói không rằng, lôi tôi lại đánh túi bụi không biết bao nhiêu mà kể. Tôi vẫn còn không biết mình đã làm gì sai. Anh ta vừa đánh vừa quát: Mày thích đú đởn phải không? Đi học tại sao phải tô son?

Tôi không hiểu. Tôi nói tôi không tô son. Môi tôi đỏ là do tôi ăn kem. Vậy mà anh ta vẫn không tin, bảo tôi nói dối hòng thoát tội. Tôi không hiểu sao anh trai tôi lại phát khùng đến vậy? Anh ta không thể phân biệt được đâu là son môi đâu là kem hả? Tóm lại là tự nhiên tôi bị đánh oan. Lúc đánh, anh tôi rất tức giận, không thèm dùng roi mà dùng tay chân đấm đá túi bụi. Tôi cũng không cãi lại, để mặc cho anh đánh thỏa thích. Lúc đó, tôi cảm thấy anh trai đánh tôi như đánh trâu, đánh bò chứ không phải con người nữa. Bị đánh nhiều làm tôi trở nên lì lợm, không còn biết sợ là gì nữa và dần tích thành nỗi oán hận. Tôi đã từng nghĩ “Cứ đánh đi! Đến một ngày, nếu tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi sẽ phản kháng. Tôi sẽ trả thù!”.

Lần nào từ nước ngoài về bố cũng mua rất nhiều quà cho chúng tôi. Đứa nào cũng vui mừng vì được ăn táo, ăn sô-cô-la, bởi nếu bố không mua cho thì mấy mẹ con tôi cũng không bao giờ có cơ hội được ăn. Bố thường về nhà nghỉ ngơi khoảng một tháng, sau đó phải quay trở lại Ả Rập làm việc. Tôi không biết ở Ả Rập bố phải làm việc vất vả như thế nào, chỉ tưởng tượng trong đầu, bố ở nước ngoài chắc chắn sẽ sướng lắm, nơi đó chắc đẹp lắm. Bởi “nước ngoài” là thiên đường, có thức ăn ngon, cuộc sống cũng sung sướng. Bố tôi thường nói ở Ả Rập lúc nóng thì rất nóng, nhưng cũng có lúc lạnh không thể chịu được, mà bố thì phải làm việc ngoài trời. Anh trai thường bắt chúng tôi viết thư cho bố mỗi tuần một lần. Trong thư tôi chỉ viết mỗi chuyện duy nhất đó là tiền bạc, rằng tôi muốn có cái này, tôi muốn có cái kia như búp bê, đàn ghi-ta hay một cây bon-sai thật đẹp đặt trong phòng để ngắm. Tôi biết sẽ chẳng khi nào tôi được nhận những món quà đó nhưng tôi vẫn viết như thế bởi vì không biết phải viết cái gì khác. Tôi rất giận bố. Ông chưa từng làm cho tôi điều mà tôi mong muốn. Tôi không hiểu tại sao bố lại không thể mua chúng cho tôi bởi chúng đâu có nhiều nhặn gì.

Tôi vẫn nhớ, lần nào bố đi chúng tôi cũng phải ra sân bay tiễn. Có lần tôi đã nói với bố rằng tôi rất muốn được ra nước ngoài làm việc giống như bố vì tôi thích được lên máy bay. Nhưng bố lại nói rằng đừng nói vớ vẩn, chỉ cần tôi chăm chỉ học tập là được. Bố tỏ ra không hài lòng vì điều đó. Còn tôi rất giận bố và cảm thấy như mình mất mặt, như thể bố đang tỏ ra coi thường tôi. Khi đó tôi đã nghĩ: “Được rồi! Sẽ có một ngày con ra nước ngoài cho xem”. Trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc được lên máy bay, bay đi đâu cũng được hoặc lên máy bay rồi bị rơi xuống cũng mặc kệ, miễn là được ngồi trên máy bay. Tôi cũng không hề quan tâm đến chuyện công việc làm gì cũng mặc chỉ cần được đi máy bay. Đó là suy nghĩ kiểu trẻ con và cũng là suy nghĩ rất ngớ ngẩn!

Bố làm việc ở nước ngoài không có nghĩa là chúng tôi được hưởng cuộc sống thoải mái mà ngược lại vẫn thiếu thốn như trước vì bố vẫn mải mê cờ bạc. Điều đó khiến tôi luôn nghĩ rằng gia đình tôi chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có thể có được một cuộc sống sung sướng vì bố làm việc ở nước ngoài đã gần mười năm rồi, vậy mà chúng tôi vẫn sống trong cảnh đói nghèo.

Thời gian đầu mới đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập, bố tôi mang sổ đỏ đi cầm cố lấy tiền làm chi phí. Ông hy vọng đi làm có tiền lương sẽ chuộc lại. Nhưng mọi việc không như suy tính, chúng tôi bị người ta lừa chiếm mất đất, không thể chuộc lại được nữa.

Lên lớp tám, gia đình tôi mới chuyển nhà từ Wat Thung Khru đến ở nhờ nhà chú Rơn, em trai của bố ở Bang Sue. Chú sống cùng vợ và ba cô con gái. Nhà chú Rơn vốn đã rất nhỏ, giờ cộng thêm chúng tôi ngôi nhà càng thêm chật trội. Nhưng vì gia đình tôi đã bị mất nhà nên không còn cách nào khác. Tôi phải ngủ cùng với hai chị và mẹ trong một căn phòng rất nhỏ, rộng chừng một mét và dài hơn ba mét, khi ngủ vô cùng gò bó. Anh tôi phải ngủ dưới sàn nhà cùng với một người bà con nữa.

Tôi phải chuyển khỏi trường Phuttha Bucha Wittayakom khi đang học dở lớp tám, tìm một ngôi trường mới ở Bang Sue để học tiếp. Tôi chuyển trường khi đang giữa năm học nên phải chạy vạy mới xin được vào học tiếp lớp tám ở trường Sanphawut Bamrung, một trường tư thục của bộ đội. Vì là trường tư nên học phí cao hơn so với trường công nhưng dù sao vẫn tốt hơn việc phải học lại từ đầu. Ở đó, tôi quen thêm rất nhiều bạn mới. Tôi chỉ thích chơi với bọn con trai, rất ghét chơi với con gái, nhất là những đứa chăm học. Bọn chúng rất rách việc và tẻ nhạt. Ngoài ra còn bởi vì tôi thích được đối mặt với những thử thách. Tôi có rất nhiều bạn nam, bạn nữ tôi chỉ chơi thân với duy nhất bốn đứa nhưng đứa nào cũng rất quậy.

Tôi đi học chưa được bao lâu thì khó khăn đã kéo tới. Một là không có tiền học phí, hai là không có tiền tiêu hàng ngày. Sách vở cũng phải mua mới. Giáo viên ngày nào cũng nhắc đóng tiền khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ, đến tiền ăn trưa hàng ngày cũng không có. Có những ngày đi học tôi chẳng có nổi đồng nào trong túi. May mà trường gần nhà nên không mất tiền xe nhưng cũng phải đi bộ khá xa. Hôm nào có tiền thì ngồi xe, thỉnh thoảng ngồi thuyền, giá vé khoảng một bạt. Đồ ăn trưa ở trường thì được ngày nào biết ngày đó. Tôi thường vay tiền các bạn để mua cơm, với bọn con trai chuyện tiền nong cũng thoải mái hơn. Tôi còn đến vay tiền của giáo viên chủ nhiệm và lần nào cô cũng cho vay. Cô chưa từng từ chối hay đòi tiền của tôi dù chỉ một lần. Thế là cô cũng hiểu tôi hơn và hiểu tại sao tôi lại không có tiền đóng học phí.

Thời gian đó tôi không đến ở với ông bà Lek ở Wat Khru Nai như trước. Một phần vì đã lớn, một phần vì từ Bang Sue đến Wat Khru Nai cũng khá xa. Tôi nợ tiền ăn trưa của cô giáo nhiều đến mức nhiều hôm tôi không dám đến trường. Tôi nói với mẹ nhưng mẹ cũng không có tiền. Còn anh trai tôi đang học đại học Ramkhamhaeng, có thể hôm đi hôm bỏ mà không bị đuổi học. Chị Chiếp cũng phải tìm trường mới, cũng là trường tư thục. Còn chị Cày không đi học tiếp vì chị muốn thế. Thời gian còn đi học, chị ấy rất hay trốn học nhưng dẫu sao chị cũng là người không thông minh, không thích học hành. Tôi cũng hay trốn học nhưng là vì không có tiền đóng học, ngại với bạn bè vì cứ phải xin chúng mãi. Nhưng bọn bạn tôi chẳng khi nào than vãn cả. Đứa nào cũng thích tôi đi học. Ngày nào mà tôi nghỉ học là bọn chúng lại than thở lớp học yên tĩnh quá.

Sau đó không lâu, mẹ tôi cũng tìm được cách kiếm tiền mới bằng việc bán bánh. Mẹ làm bánh gạo, bánh hấp và bánh đậu đựng trong thúng, gánh đi bán rong trên khắp các ngõ phố. Tôi thấy thương mẹ lắm. Thời gian đầu mới đi bán, về đến nhà bánh vẫn còn đầy nguyên, không bán được là bao nhưng mẹ vẫn cố gắng chăm chỉ đi bán đều đặn. Sau khi bán khoảng một tuần, mẹ bắt đầu có khách. Trước đó mẹ rời khỏi nhà lúc tám giờ sáng và về đến nhà vào buổi chiều tối, giờ thì bán đến mười, mười một giờ trưa đã được về nhà nghỉ ngơi. Bánh mẹ làm rất ngon, ai ăn cũng thích nên bán rất chạy. Chúng tôi vì thế cũng có tiền đi học. Tôi cũng lấy bánh mang đi ăn ở trường hoặc bán cho các bạn lấy tiền ăn cơm trưa. Bố thì vẫn vậy, có tháng gửi tiền về có tháng không vì ông vẫn ham chơi cờ bạc như trước.

Năm lớp chín, cuộc sống của tôi bắt đầu có chút thay đổi. Tôi nhận làm thuê cho một cửa hàng vào ngày thứ bảy, chủ nhật để lấy tiền tiêu vặt. Đó là một quán cơm gà. Họ trả tôi mỗi ngày tám mươi bạt để vừa phục vụ đồ ăn, vừa rửa bát. Tôi rủ chị gái thứ hai đến làm cùng. Còn anh tôi thì quay ra làm nghề xe ôm. Bình thường, anh tôi là một người rất hay xấu hổ. Khi chở khách, anh ấy thường đội mũ bảo hiểm và không khi nào bỏ ra vì sợ người ta sẽ nhận ra mình. Đó là chuyện rất bình thường đối với một thanh niên mới lớn.

Chị gái thứ hai tên Chiếp không khi nào giúp đỡ, chia sẽ bất kỳ gánh nặng nào trong gia đình, dù là nhỏ nhất. Chị ấy chỉ quan tâm đến mỗi việc tìm các cô gái làm người yêu. Có thể bởi chị chưa bao giờ ý thức được rằng gia đình mình không có tiền, bố mẹ phải làm việc vất vả thế nào. Còn chị gái thứ ba tên Cày là người rất ngoan, giúp mẹ làm mọi việc, chị đã bỏ học. Chị Cày rất chăm chỉ, nhận làm thêm bất cứ việc gì miễn là có tiền. Làm được bao nhiêu tiền chị đưa hết cho mẹ. Chị Cày là người rất đáng thương. Trông chị không được nhanh nhẹn như các anh chị em khác trong gia đình, khá ngoan và cũng hay dỗi, hay tự ái. Nhưng chị ấy yêu thương mọi người. Tôi cũng giống chị, nhận làm thuê đủ mọi việc. Chủ nhật hàng tuần tôi thường phải dậy từ rất sớm để đi bán nước dạo thuê tại sân vận động The Royal Turf Club[4] . Thu nhập rất tốt. Họ trả cho tôi mỗi ngày ba, bốn trăm bạt. Với tôi tại thời điểm đó thế đã là rất nhiều.

[4] Sân đua ngựa nổi tiếng ở Bangkok, Thái Lan.

Thời gian đó, tôi bắt đầu có người yêu. Đó là một cậu bạn cũng là học sinh như tôi nhưng mỗi đứa học một trường. Tuy nhiên đó chỉ là tình yêu kiểu trẻ con. Tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ làm “chuyện ấy” với cậu ta. Giống như chạy theo trào lưu, tôi thấy các bạn có người yêu nên cũng muốn có theo. Nhưng tôi cảm thấy người mà tôi cho là người yêu đó không thích nhiều như tôi thích cậu ta. Có lẽ do tôi không phải là đứa xinh đẹp, đã hơi nam tính, trông lại còn khá giống con trai. Quên không nhắc đến, cậu ta tên là Nói. Tôi cảm thấy khi mình thích ai đó thì hầu như tôi thích người ta nhiều hơn vì như đã nói, tôi không phải là người xinh đẹp, không giống với các bạn của tôi. Bọn nó đứa nào cũng xinh xắn, đáng yêu. Lũ bạn tôi thường là ba, bốn đứa con gái cùng thích một đứa con trai. Vì tôi là đứa xấu nhất nên chúng nó toàn trêu “Này, tao có nhiều rồi, tao nhường cho mày đấy”.

Tôi thấy thật đáng xấu hổ, mất hình tượng khi bị bọn nó nói như thế và nghĩ rằng: “Được rồi! Sẽ có ngày bọn con trai quay lại thích một mình tao thôi. Cứ chờ mà xem!”.

Khai giảng lớp chín, Ót - con trai của chú lại đến chơi nhà tôi như mọi năm. Lần này gặp Ót, tôi thấy cậu ta có nhiều thay đổi, trông có vẻ ra dáng thanh niên hơn vì cậu ta đã vào đại học hay trung cấp gì đó và còn lớn hơn tôi hai tuổi. Lần này gặp nhau cậu ta có ánh mắt rất lạ, nói năng giống như đang tán tỉnh tôi vậy, khiến tôi cảm thấy ngượng ngùng. Thỉnh thoảng, cậu ta còn nắm tay tôi nữa. Bản thân tôi lúc đó có cảm giác lạ lùng chưa từng thấy. Thời gian nghỉ giữa kỳ, tôi đến thăm ông bà ở Wat Khu Nai như thường lệ và Ót cũng đi theo. Ban đêm, tôi ngủ lại nhà ông bà còn Ót đến nhà chị Sỉ-pray ngủ. Lúc này Sỉ-pray đã ra dáng là một thiếu nữ, mặt mũi trông cũng xinh xắn hơn tôi rất nhiều. Tôi nghĩ rằng Ót chắc chắn thích chị Sỉ-pray và có lẽ cậu ta đã thích chị ấy từ lâu lắm rồi.

Một hôm, tôi xin phép ông bà đến nhà chị Sỉ-pray ngủ. Hôm đó trong màn có tôi, chị Sỉ-pray, Ót và bác Chang, mẹ của chị Sỉ-pray. Cả bốn người cùng ngủ chung một giường nhưng đến khoảng bốn giờ sáng thì bác Chang dậy đi chợ Pak Khlong[5] mua rau về bán lại ở chợ Wat Khru Nai. Khi bác Chang đã đi chợ, tôi thấy Ót nằm ôm chị Sỉ-pray. Cậu ta còn thơm vào má chị ấy nữa. Tôi cảm thấy rất sợ khi nhìn thấy cảnh đó. Tôi phải giả vờ như đang ngủ rất say. Dù vẫn là trẻ con nhưng tôi biết hành động đó nghĩa là như thế nào. Trong lòng cũng cảm thấy buồn khi Ót làm như vậy. Chúng tôi đều là chị em họ, tại sao lại đi thích nhau? Bản thân chị Sỉ-pray rất hiền lành. Sỉ-pray cũng giống chị Cày của tôi, không đi học. Chị ấy nghỉ học từ năm lớp sáu. Còn Ót, tôi nhận thấy cậu ta là kẻ từng trải, nhất là những chuyện về phụ nữ.

[5] Pak Khlong: Chợ chỉ bán rau và hoa quả ở Bangkok, Thái Lan.
Bình Luận (0)
Comment