Tống Y

Chương 127

“Chủ ý này tốt!”

Bàng Vũ Cầm vỗ tay nói, ngoái đầu nhìn lại phía Đỗ Văn Hạo:

“Có được không?”

Đỗ Văn Hạo cười nói:

“Ngươi nói được thì là được! Cứ như vậy đi.”

Lâm Thanh Đại vội nói:

“Không không, một mình ta lại chiếm một nửa, vậy không được!”

Đỗ Văn Hạo nói:

“Được rồi đừng tranh cãi nữa, chưởng quỹ ba chúng ta bỏ phiếu quyết định, hai bọn ta có hai phiếu, ngươi một phiếu, hai so với một, thiểu số phục tùng đa số, phải nghe lời bọn ta!”

Lâm Thanh Đại cười cười:

“Được rồi, có điều không thể chia hết toàn bộ, ngoài tiền mua dược phô ra, còn phải giữ một phần vốn để lưu động. Như thế này đi, ngoại trừ tiền mua dược phô, xuất ra tiền hoa hồng là một vạn, còn lại để lưu động. Được không?”

Đỗ Văn Hạo và Bàng Vũ Cầm nhìn nhau rồi cùng gật đầu tán thưởng.

Đỗ Văn Hạo lúc này mới gọi Cổ Vượng Long, Hô Duyên Trung và Tân Cửu Nương tới gặp mặt mọi người, rồi tiếp tục lên đường.

Bởi vì tất cả bệnh dịch đã bị quân đội phong tỏa cách ly, cho nên dọc đường đi xe trâu của bọn họ trải qua vô số trạm kiểm soát. Có lệnh bài của Hô Duyên Trung, trên đường không hề gặp trở ngại đáng kể, nhưng xe trâu cũng phải trải qua nhiều phen phun thuốc trừ độc.

Bởi vì chế tạo Thất Bảo Tán cần vị thuốc chính là bột Tam Thất, ở triều Tống còn chưa sử dụng, không người nào biết cũng không chỗ nào cung cấp, cho nên Đỗ Văn Hạo dừng lại ở trên đường, dẫn mọi người lên núi đào bới một ít, giao nguyên dạng cho Cổ quản gia để hắn phái người đưa tới kinh thành cho Dược Hành ở cấm vệ quân phái người phụ trách đào bới. Vì đề phòng lộ bí mật, Đỗ Văn Hạo còn đào thêm mấy chục loại dược liệu còn chưa phổ biến ở triều Tống, một loạt đưa đi.

Đi một mạch không nói chuyện gì, chưa hết một ngày đã tới phủ Khai Phong ở kinh thành.

Từ cửa sông Hoàng Hà ở phía Nam vào thành, băng qua cổng Bảo Khang, qua chùa Đại Tướng Quốc, Điềm Thủy phồn hoa, cuối cùng bọn Đỗ Văn Hạo đi tới khu vực Đông Thập Tự náo nhiệt ở phía đông thành, dừng xe trước một dược phô lớn.

Dược phô này so với Ngũ Vị Đường lớn hơn một chút nhưng ở chốn kinh thành phồn hoa này thì chỉ được xem là một cửa hiệu nhỏ. Trên cửa chính của dược phô có một bảng hiệu ghi “Phù Vân đường”. Bảng hiệu có chút cũ kỹ, xem ra dược phô này tuổi tác không thấp. Có điều cái tên này rất phù hợp với thân phận bọn họ hiện giờ. Thân như phù vân, phiêu bạc kinh thành.

Cao tướng quân để Đỗ Văn Hạo đảm nhiệm chức chưởng quỹ của dược phô. Thương vụ mua bán này do quản gia Cổ Vượng Long đứng ra thực hiện. Số tiền bỏ ra là hai vạn sáu nghìn quan tiền, mua đứt dược phô, kể cả trạch viện phía sau.

Bởi vì mục đích chính là mai danh ẩn tích cho nên Đỗ Văn Hạo đổi họ của mình đi, tên cũng đổi, sửa lại gọi là “Văn Thủy Cáo”. Tên mấy nàng Lâm Thanh Đại cũng đều sửa đổi.

Cổ quản gia tìm chưởng quỹ đương nhiệm của dược phô để cùng Đỗ Văn Hạo ký văn tự mua bán. Hai bên sau khi đọc lại các điều khoản, cùng đồng ý mới ký tên vào văn khế.

Sau khi thủ tục mua bán hoàn tất, tiền cũng thanh toán xong, Cổ quản gia dẫn bọn Đỗ Văn Hạo đi xem toàn bộ dược phô và trạch viện phía sau. Trạch viện này ở kinh thành chỉ tính là bình thường nhưng so với ở huyện thành thì lớn hơn nhiều.

Ngoài một cửa chính thẳng ra đường lớn, dược phô này còn có một cửa khác thông với Điềm Thủy hạng náo nhiệt. Hai bên cửa là hai tòa sư tử uy vũ bằng đá, tường gạch xanh cao hơn hai trượng bao quanh toàn bộ trạch viện, phía sau bức tường bên ngoài đại viện là nơi người làm và các hộ vệ ở, còn có phòng bào chế dược liệu và kho dược liệu.

Ở phía trong có một số tiểu viện riêng biệt, nhưng để thuận tiện cho vấn đề an toàn, đồng thời cũng vì mọi người không quen sống buồn tẻ, nên tất cả đều dọn đến khu viện chính cùng Đỗ Văn Hạo. Đỗ Văn Hạo ở phòng chính, Lâm Thanh Đại và Anh Tử ở gian phòng bên trái, Bàng Vũ Cầm và Tuyết Phi Nhi ở gian phòng bên phải. Hô Duyên Trung và Tân Cửu Nương làm tùy tùng nên cũng dọn đến ở khu viện chính, còn lại toàn bộ hộ vệ ở khu bên ngoài.

Nha hoàn cùng tôi tớ đều được Cổ quản gia lựa chọn kỹ càng, phân vào ở trong trạch viện. Toàn bộ dược phô cũng đã được dọn dẹp ngăn nắp sạch sẽ, không cần bọn Đỗ Văn Hạo phải lo nghĩ nữa.

Cách thức chế tạo y phục cách ly cùng mặt nạ phòng độc, linh kiện và nguyên liệu để bào chế nước sát trùng, kể cả lọ sứ chứa Thất Bảo Tán, Đỗ Văn Hạo đã viết lại hết từ lúc đi trên đường, giao cho Cổ quản gia, để hắn phái người đi trước một bước, đến kinh thành đặt hàng. Bọn họ tới kinh thành sau khi mua dược phô, đã đặt mua linh kiện và nguyên liệu tốt, kể cả dược liệu bị cấm cũng phái người tìm kiếm, ngay sau đó bí mật đưa đến trạch viện của Đỗ Văn Hạo.

Phần lớn thời gian chế tạo trang bị và nước khử trùng là dồn vào việc mua linh kiện và nguyên liệu, công việc của bọn Đỗ Văn Hạo cũng không nhiều, quá trình lắp ráp chủ yếu do các hộ vệ giả dạng làm tiểu nhị hoàn thành, bọn Đỗ Văn Hạo chỉ khống chế phân đoạn quan trọng nhất — phối chế nước thuốc và nước khử trùng.

Nước thuốc khử trùng bởi vì phải vận chuyển đến tận tiền tuyến, nếu sau khi pha xong nước thuốc lại phải trải qua một đoạn đường dài như vậy thì vừa mất thời gian vừa mất sức, lại ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng. Chính vì vậy, bọn Đỗ Văn Hạo sau khi phối xong dược liệu, dùng đá nghiền thành bột phấn, khi được vận chuyển tới tiền tuyến chỉ cần pha thêm nước là có thể sử dụng được ngay. Cách làm này không những bảo toàn được phương pháp, công thức pha chế thuốc, thuận tiện vận chuyển mà còn gia tăng công hiệu sử dụng.

Mặc dù Cao tướng quân dặn dò không được sử dụng kỹ thuật phẫu phúc chữa thương để tránh khoa trương quá mức khiến cho gian tế của quân địch chú ý, nhưng Đỗ Văn Hạo vẫn cho đặt mua đầy đủ dụng cụ giải phẫu, bông băng giải phẫu, toàn bộ các loại nước khử trùng và gây tê, trang phục, găng tay, khăn phẫu thuật, còn đặt làm cả nồi áp suất dùng để khử trùng.

Dùng da động vật đã lọc hết mỡ, tẩm thêm một số dược liệu tẩy trùng rồi dán kín xung quanh tường trong phòng là đã có được một gian phòng giải phẫu đạt yêu cầu. Để ứng phó với trường hợp có ca bệnh nặng vào buổi tối, ánh sáng chính là vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết. Ở đây Đỗ Văn Hạo đã sử dụng một loại đèn đặc biệt sử dụng thuốc pháo làm nguyên liệu đốt để tạo ra ánh sáng mạnh và lâu dài đồng thời thiết kế thêm một số gương đồng để tăng cường độ sáng.

Trên đường Đỗ Văn Hạo đã nói cho Cổ quản gia chuyện muốn cùng Bàng Vũ Cầm thành thân, cho nên vừa tới kinh thành, Cổ quản gia liền bắt tay ngay vào lo liệu chuyện này.

Cổ quản gia rất quen thuộc đối với kinh thành, cũng hiểu rõ những điều lệ phong tục lễ cưới ở đây. Tuy nhiên do hoàn cảnh đặc thù hiện nay, Cổ quản gia chỉ thực hiện những tục lệ bắt buộc cơ bản nhất, lão cho mời một bà mối, treo dải lụa hồng trước cửa, còn những thứ lằng nhằng như hộ tống kiệu hoa đều bỏ đi hết. Quan trọng nhất chính là chọn một ngày hoàng đạo để thành thân.

Lâm Thanh Đại bảo nàng không cần nha hoàn hầu hạ, dù sao Anh Tử trong khoảng thời gian này săn sóc tận tình cũng khiến Đỗ Văn Hạo rất vừa ý, liền chính thức giao Anh Tử cho vợ chồng Đỗ Văn Hạo làm thiếp thân nha hoàn.

Mấy ngày nay kể từ khi tới kinh thành, ngoại trừ Đỗ Văn Hạo tọa đường xem bệnh, những người khác đều là cửa chính không ra cửa phụ cũng không tới. Thời cổ đại có một điểm rất lợi đó là không có máy ảnh, TV, báo chí, inte, cho nên ngoại trừ hàng xóm, không ai nhận biết được người kia là ai. Bởi vậy, Hoàng thượng mới có khả năng cải trang ra ngoài, lãnh đạo quốc gia thời hiện đại cũng không có biện pháp nào làm được, vừa ra khỏi cửa đã bị người ta nhận ra. Đỗ Văn Hạo mặc dù ở huyện Đổng Đạt danh nổi như cồn, nhưng mà, cũng chỉ có ít người gặp qua hắn, những người khác chỉ là biết danh của hắn mà thôi, cho dù có gặp ngay trước mặt cũng không biết được. Hơn nữa, sinh ý của dược phô Phù Vân đường này cũng tương đối thấp, một ngày hiếm lắm mới có vài người bệnh tới xem. Cho nên, Đỗ Văn Hạo thay tên đổi họ ngồi ở nhà xem bệnh mấy ngày này, gió êm sóng lặng, không người nào nhận ra hắn chính là danh y am hiểu thần kỹ Hoa Đà kia. Cũng may bọn họ bây giờ căn bản không kinh doanh vì tiền nên cũng không lấy làm buồn phiền chuyện này.

Việc tìm bà mối cuối cùng cũng đã xong.

Tham gia hôn lễ chỉ có mấy nàng Lâm Thanh Đại cùng với quản gia, hộ vệ, tôi tớ trong trạch viện, khách mời cũng chỉ có hậu viện Ngự Lâm Quân kiêu kỵ binh Văn thống lĩnh dẫn theo hai phó thống lĩnh tham gia mà thôi.

Bàng Vũ Cầm mặc bộ đồ cô dâu đỏ thắm, trùm kín mặt bằng một chiếc khăn đỏ. Trong tiếng ồn ào của mọi người, Đỗ Văn Hạo cũng một thân y bào đỏ rực, một dải lụa hồng buộc quanh lưng, sánh vai cùng Bàng Vũ Cầm đi vào đại đường. Người chủ trì xướng lễ, hai người cầm lụa hồng bái thiên địa. Đến lúc bái phụ mẫu cao đường, hai người chỉ có thể hướng về phía huyện thành dập đầu.

Sau tiệc rượu, Văn thống lĩnh và một phó thống lĩnh uống say bí tỉ cáo từ về trước.

Trong sự ồn của chúng nữ, Đỗ Văn Hạo vén khăn đỏ che mặt Bàng Vũ Cầm. Tuyết Phi Nhi cùng Anh Tử la hét nhao nhao đòi hai người vào động phòng. Đỗ Văn Hạo cũng hơi say, cười nói:

“Lúc này sắc trời còn sớm, như vậy mà ép chúng ta lên giường ngủ, thì còn gì là nhân đạo nữa đây? Dù gì cũng là lần đầu tiên tới kinh thành, nghe nói kinh thành rất phồn hoa, chúng ta mấy ngày nay cũng buồn chán ở trong phòng chưa đi đâu cả. Hay là, nhân tiện đêm nay đang vui vẻ, tất cả cùng nhau đi ra ngoài dạo chợ đêm xem hoa đăng được không? Trước tiên phải mừng năm mới đã, chúng ta còn chưa sắm đồ tết. Ý các ngươi thế nào?”

Bàng Vũ Cầm vỗ tay:

“Hay quá, hay quá! Hôm nay là hai mươi tư tháng chạp, sẽ có viết câu đối, chúng ta sao không dạo chợ đêm, mua vài bộ câu đối trở về dán cho náo nhiệt?”

Anh Tử cũng nói:

“Còn cả đốt pháo nữa! Lễ mừng năm mới mà không đốt pháo thì không thể gọi là mừng năm mới được.”

Lâm Thanh Đại nói:

“Đúng vậy, chúng ta cũng nên mua sắm một ít đồ tết, bây giờ sắc trời còn sớm, như vậy thì đi dạo chơi đi, chỉ là đừng chậm quá, tránh cho người ta động phòng hoa chúc chậm trễ.”

Bàng Vũ Cầm đỏ mặt xấu hổ, liếc trộm Đỗ Văn Hạo một cái.

Thủ lĩnh hộ vệ Hô Duyên Trung vẫn cảm thấy như vậy không quá an toàn, nhưng Cao tướng quân đã dặn dò, Đỗ Văn Hạo chỉ cần không ra khỏi kinh thành, tất thảy hành động đều tự do. Tuy nhiên, chỉ sợ mấy mỹ nữ quá xinh đẹp này sẽ gây chú ý, ông ta liền đề nghị mấy nàng cải thành nam trang.

Đề nghị này chiếm được sự tán đồng của chúng nữ, đổi thành nam trang đi dạo phố lại càng tự do thoải mái, vì vậy cũng thay đổi trang phục, đi theo Đỗ Văn Hạo ra cửa. Hô Duyên Trung cùng Tân Cửu Nương dẫn theo mấy hộ vệ cũng mặc thường phục đi theo.

Cổ quản gia dẫn đường, mọi người ra khỏi cửa, dọc theo đường lớn Đông Thập Tự đi tới phố ở cửa phía nam hoàng thành.

Kinh thành quả nhiên phồn hoa, huyện thành Đổng Đạt nho nhỏ còn lâu mới có thể sánh bằng, giờ này trời đã tối, hai bên đường đều treo đèn lồng đỏ, dọc theo đường đi chiếu sáng trưng. Trên đường người đi như thoi đưa, đến đến đi đi, mặc áo gấm, tốp năm tốp ba, nói nói cười cười rất là náo nhiệt.

Đi ngang qua một cửa hàng châu báu lụa là, Đỗ Văn Hạo dẫn theo Bàng Vũ Cầm đi vào, mua một chuỗi dây chuyền trân châu vô cùng xa xỉ đeo cho Bàng Vũ Cầm, khối trân châu trợn mịn, tỏa ra ánh sáng nhu hòa, hòa cùng vẻ đẹp rạng ngời của Bàng Vũ Cầm càng khiến nàng trở nên mỹ lệ hơn.

Đỗ Văn Hạo lại mua cho Tuyết Phi Nhi một vòng ngọc xanh biếc, cũng là ở mức giá người thường khó mơ tới, làm tín vật kết bái huynh muội, hắn cũng giúp nàng mang vào tay, Tuyết Phi Nhi hài lòng cười toe toét mãi mới đưa miệng trở lại trạng thái bình thường được.

Hai bên đường treo đầy đèn lồng, mặc dù gió mùa đông lạnh đến thấu xương, nhưng du khách vẫn rộn ràng đi lại, khung cảnh rất náo nhiệt.

Bên cạnh có không ít tự quán bán câu đối xuân. Cả bọn tìm một tiên sinh thư pháp mua mấy bộ câu đối cầm theo. Tuyết Phi Nhi la hét muốn ăn quà vặt ở quán ven đường, mấy người liền chọn một quán ngồi xuống.

Còn chưa kịp ăn, phía sau một lão hán đẩy xe chở nước tới, nói với với chủ quán:

“Đại ca, có nước không?”

“Có có! Chờ một chút!” Rồi một người từ bên cạnh quán ăn xách một thùng nước rửa chén lớn đi ra, đổ vào thùng sắt ở trên xe chở nước của lão hán.
Bình Luận (0)
Comment