Tống Y

Chương 138

Các dược đường Trung y không đóng cửa ăn tết, nhưng mấy ngày tết đại phu không tọa đường khám bệnh, chỉ có trường hợp cấp cứu mới cần đến đại phu. Những người bệnh nhẹ không đến khám bệnh vào ngày ba mươi tết hoặc ngày mùng một. Họ không chỉ sợ ảnh hưởng đến việc ăn tết của đại phu mà còn sợ phải chịu một năm không may mắn.

Việc mua trang bị phòng dịch và bột tam thất của Cao tướng quân vẫn được tiến hành theo đúng như kế hoạch. Đối với Kim sang dược bột tam thất bên quân dược chuyển nguyên liệu đến, Đỗ Văn Hạo chỉ việc nghiền thành bột và đóng vào bình. Vì vậy đơn đặt mua một vạn bình bột tam thất của Cao tướng quân chưa hết năm đã bàn giao toàn bộ. Cao tướng quân lại vừa phái người đến đặt hàng lần thứ hai, vẫn là một vạn bình.

Việc chế tạo y phục cách ly và mặt nạ phòng độc rất thuận lợi. Mỗi một đợt trang bị làm xong, Binh bộ đều bí mật phái người đến chở đi. Đỗ Văn Hạo không biết cuộc chiến vi khuẩn với Tây Hạ tiến triển ra sao, Cao tướng quân không thông báo cho hắn, mà hắn cũng không tìm hiểu.

Đỗ Văn Hạo đang cùng Bàng Vũ Cầm nói chuyện với Chiêm mẫu thì Anh Tử chạy vào nói: “Thiếu gia, tiểu nhị ngoài tiền đường nói có bệnh nhân nặng, hắn hỏi thiếu gia có xem bệnh không?”

“Xem! Bệnh nặng thì phải xem! Xảy ra chuyện gì?”

“Nô tỳ không rõ lắm”.

Đỗ Văn Hạo vừa nghe nói liền bảo Tuyết Phi Nhi đến chăm sóc Chiêm mẫu còn hắn vội vã cùng Bàng Vũ Cầm chạy ra tiền đường. Đội trưởng đội hộ vệ Hô Duyên Trung luôn theo sát Đỗ Văn Hạo cũng ra đó. Ở tiền đường có hai tiểu tử đang đỡ một lão hán ngồi ở ghế. Đỗ Văn Hạo vội hỏi: “Ta là đại phu tọa đường. Ngươi bị bệnh gì vậy?”

Đứa lớn trong hai tiểu tử nói: “Nhà chúng cháu ở góc phố phía trước. Sáng nay phụ thân cháu khó thở, chân tay tê cứng, sau đó nôn mửa. Chúng cháu cứ tưởng tối hôm qua thức khuya bị cảm lạnh nên không để ý. Không ngờ sau một lúc hai mắt phụ thân cháu trợn ngược. Chúng cháu vội đưa đến đây. Đại phu, ngài xem bệnh cho phụ thân cháu đi”.

“Đỡ ông ấy nằm xuống”.

Sau khi lão hán nằm xuống Đỗ Văn Hạo hỏi: “Lão nhân gia, người bị làm sao?”

“Tê cứng…..chân tay. Toàn thân tê cứng….”.

“Toàn thân tê cứng? Đỗ Văn Hạo rùng mình. Hắn hỏi lại: “Còn bị sao nữa?”

“Khó thở……… Rất buồn bực, nóng như lửa đốt. Lại buồn nôn nữa……” Nói tới đây lão hán bắt đầu ậm ọe muốn nôn ra. Hai đứa con ông ta vội đỡ ông ta dậy. “ Ọa’ một tiếng, lão hán nôn ra một ít dịch đờm dạng bọt biển lẫn thức ăn chưa tiêu hóa hết, thịt, cơm.

Sau khi bắt mạch, xem lưỡi, Đỗ Văn Hạo trầm ngâm suy nghĩ: Nôn mửa, toàn thân tê cứng, bụng nóng như lửa đốt, phản ứng này của dạ dày có thể do trúng độc cấp tính.

Đỗ Văn Hạo hỏi lại: “Triệu chứng xảy ra từ lúc nào?”

“Từ lúc ngủ dậy”.

“Sau khi ngủ dậy ngươi có ăn gì không?”

“Có uống canh gà và ăn mấy miếng thịt gà”.

“Từ lúc nào?”

Lão hán lại bắt đầu nôn ra. Người con trả lời thay: “Chúng cháu thức đón giao thừa đến tận bình minh. Từ bình minh đến giờ mới hết một canh giờ”.

Nếu là ngộ độc thức ăn, đến giờ vẫn chưa quá một canh giờ, dạ dày vẫn chưa kịp tiêu hóa. Đỗ Văn Hạo hỏi lại: “Có ăn hoặc uống cái gì khác nữa không?”

Người con trai nói: “Không ăn gì khác. Chuyện gì xảy ra vậy? Có phải do con gà không? Sức khỏe phụ thân cháu không tốt, sáng sớm nay làm thịt một con gà mái cho phụ thân bồi bổ sức khỏe. Sao lại xảy ra chuyện này cơ chứ?”

“Vẫn chưa biết nguyên nhân có phải là từ con gà không. Một trong hai người các ngươi quay về nhà bưng nồi thịt gà lại đây cho ta xem qua một chút”.

Sau đó Đỗ Văn Hạo bảo Bàng Vũ Cầm đi chuẩn bị một thùng nước muối. Đỗ Văn Hạo bảo người con còn lại của lão hán đổ nước muối cho lão hán uống. Sau khi uống hết mấy bát to nước muối, lão hán bắt đầu nôn ọe, trong dạ dày có gì lại nôn ra hết. Sau đó lại tiếp tục uống.

Lúc này người con lão hán đã chạy về bưng nồi thịt gà quay lại, để trên mặt đất.

Đỗ Văn Hạo ngồi xổm, hắn dùng đôi đũa gẩy nhẹ thịt gà trong nồi. Đột nhiên mắt hắn sáng lên. Hắn gắp từ trong nồi ra một viên thuốc: “Đây là cái gì vậy?” Hắn đưa viên thuốc vào môi rồi liếm thử, hắn nhíu mày nhổ xuống đất rồi hỏi: “Phụ phiến?”

Người con lớn của lão hán nói: “Đúng vậy phụ thân cháu bị mắc bệnh thấp khớp rất nặng. Đại phu kê cho một đơn thuốc. Ông ấy nói nấu Phụ phiến cùng với một con gà thì có thể chữa được chứng ôn tán hàn thấp”.

Đỗ Văn Hạo lại tìm trong nồi, hắn tìm ra được mấy miếng Phụ phiến nữa. Hắn thở dài nói: “Không được nấu Phụ tử với thịt gà như thế này. Phụ tử rất độc. Nếu như pha chế không đúng cách thì chỉ cần mấy mảnh nhỏ cũng đủ lấy mạng người. Các ngươi làm ăn xằng bậy như thế, trúng độc là đương nhiên”. ( Phụ tử là một loại củ )

Người con nóng nảy hỏi: “Đại phu, vậy phải làm gì bây giờ?”

“Yên tâm, phụ thân ngươi trúng độc cũng không nặng lắm, hơn nữa lại phát hiện kịp thời. Ta trước tiên làm cho ông ấy nôn ra sau dùng Sanh khương, Cam thảo, Khố tham giải độc. Không có chuyện gì đâu”.

Hai người con trai vội cuống quýt khom người tạ ơn.

Đỗ Văn Hạo cầm bút viết đơn thuốc rồi giao cho hộ vệ làm tiểu nhị lấy thuốc. Trong lúc chờ sắc thuốc, lão hán nọ đã uống hết một thùng nước muối để rửa sạch dạ dày và ruột. Sau đó Đỗ Văn Hạo lại cho lão hán uống hết một chén thuốc rồi hắn bảo lão hán nằm yên trên giường để hắn theo dõi.

Rửa ruột làm cho triệu chứng tê cứng giảm bớt. Sau khi uống thuốc cảm giác tê cứng hoàn toàn biến mất. Mạch đập khôi phục lại bình thường. Các triệu chứng hoàn toàn biến mất, thần trí cũng khôi phục bình thường.

Hai người con trả tiền, nói cám ơn và dìu phụ thân ra về.

Bàng Vũ Cầm hỏi: “Tướng công, phụ tử nguy hiểm như vậy, tại sao còn dùng nó làm thuốc?”

“Dược liệu đa phần đều có độc. Nhưng dù là độc dược hạng nhất thì cũng có tác dụng. Ví dụ như Xuyên ô, Mã tiền tử, Thảo ô cũng là loại kịch độc, nhưng rất nhiều phương thuốc phải dùng đến chúng, không thể thiếu được. Vấn đề quan trong là bài từ độc tính của nó như thế nào. Chúng có thể được dùng trong các bệnh nặng rất hiệu quả”.

Bệnh tình của Chiêm mẫu đã ổn định. Đỗ Văn Hạo không có nhiều việc nên hắn ngồi ở tiền đường đọc y thư.

Đầu năm mới nếu không phải là bệnh nặng thì không ai đến khám bệnh, mọi người rất nhàn nhã. Hai hộ vệ tiểu nhị ngồi lơ đãng sau quầy thuốc. Bàng Vũ Cầm ngồi bên cạnh Đỗ Văn Hạo cùng hắn sưởi ấm, may cho Đỗ Văn Hạo chiếc áo choàng lông thú.

Đội trưởng đội hộ vệ Hô Duyên Trung không ngồi sưởi ấm, ông ta ngồi ở ghế bên cạnh, hai tay khoanh trước ngực, hai mắt nhắm lại như ngủ gật. Nếu để ý quan sát thì sẽ thấy mỗi khi có người dừng lại hoặc hỏi thăm trước cửa, đôi mắt híp của ông ta lại hiện lên tinh quang.

Trên đường phố, người đi lại đông đúc. Người lớn, trẻ nhỏ mặc quần áo mới đi chúc tết người thân, bằng hữu. Mấy người Đỗ Văn Hạo mới đến đây, lại ẩn cư nên không có bằng hữu đến chúc tết.

Đỗ Văn Hạo đang chăm chú xem y thư thì chợt nghe tiếng hỗn loạn ngoài phố, âm thanh hò hét của một nam tử truyền tới. Người trên phố đều kêu lên: “Người điên! Người điên! Tránh ra đi!”.

Bàng Vũ Cầm hoảng sợ, buông tấm áo xuống. nàng ôm chặt tay Đỗ Văn Hạo nhìn ra cửa với vẻ căng thẳng.

Một tiểu tử khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, vóc người gầy gò, ốm yếu, trên người mặc độc một cái khố, thân trên ở trần, hai cánh tay gầy vung vẩy. Nó chạy đến trước cửa dược đường thì đột nhiên dừng lại, miệng nói làu nhàu cái gì đó, mắt liếc vào trong dược đường một cái rồi nó cười hì hì, đôi chân trần giẫm lên phiến đá lát đường màu xanh đi vào bên trong đường.

Thủ lĩnh hộ vệ Hô Duyên Trung thoáng chốc đã lắc người đứng chắn trước tiểu tử gầy gò kia, hai tay hắn giang ra: “Không được vào! Về nhà đi! Đừng chạy lọan trên phố nữa!”.

Tiểu tử nọ chỉ tay vào Hô Duyên Trung cười khúc khích rồi nó quay người vừa chạy vừa nhảy dọc theo phố. Vừa chạy được mấy bước, nó vô tình giẫm lên một miếng băng, trượt chân ngã sõng soài xuống mặt đường, tứ chi hướng lên trời, đầu đập xuống đất ngất đi.

Người đi lại trên phố quây lại xem, thì thào bàn tán, chỉ trỏ xem náo nhiệt.

Đỗ Văn Hạo nghe động tĩnh ồn ào bên ngoài liền bước ra cửa xem.

Hắn thấy tiểu tử điên ngã bất tỉnh vội vàng chạy tới xem xét. Đỗ Văn Hạo thấy nó đã ngất xỉu. Hắn vừa xua tay đẩy dãn người ra vừa bắt mạch, chăm chú nghe mạch rồi trầm giọng nói: “Nó bị ngã không việc gì nhưng bệnh điên của nó thì hết sức nguy hiểm. Chỉ sợ………” Đỗ Văn Hạo quay đầu nói với Bàng Vũ Cầm: “Nàng mau vào nhà lấy hộp thuốc ra đây”.

Hộp thuốc nhanh chóng được đưa đến. Đỗ Văn Hạo lấy kim châm và bông. Hắn bảo hai hộ vệ tiểu nhị đè tiểu tử điên, sau khi hắn châm kim vào các huyệt vị tương quan để tiêu độc, thì châm vào các huyệt tha túc lâm khấp, thần môn, nội quan và thái trùng để tâm thần thoải mái, an thần định chí.

Một lát sau tiểu tử điên tỉnh dậy, nó bò dậy muốn bỏ chạy. Đỗ Văn Hạo đè nó xuống và hỏi: “Nhà ngươi ở đâu. Người nhà đâu?”

"Nhà? Hì hì, nhà của ta? Hì hì ôi…hì hì, mẫu thân ta khóc! Hì hì... ..."

Đỗ Văn Hạo thấy tiểu tử nói rời rạc như vậy, nghĩ chắc không thể hỏi được người nhà của nó. Hắn liền quay sang hỏi những người hiếu kỳ đang vây quanh: “Có ai biết nhà của nó không? Bệnh của nó rất nặng, phải nhanh chóng chữa trị”.

Người vây xung quanh đều lắc đầu. Một người thợ đóng giầy ở đối diện với dược đường cúi đầu quan sát kỹ rồi cau mày nói: “Hình như nó là con của Phùng thẩm, tên là A Đại”.

“Ồ, vậy đại thúc có biết nhà của Phùng thẩm ở đâu không? Ai đó hãy chạy đi tìm người nhà của nó đi, bệnh của nó rất nặng”

Người thợ đóng giầy nói: “Nhà của nó ở cách đây mấy phố, nó chỉ còn có mỗi mẫu thân. Bây giờ mẫu thân nó chắc chắn đang đi nhặt rác, buổi tối mới về”.

Bàng Vũ Cầm nói chen vào: “Ôi bà mẹ này thiệt là. Sao lại yên tâm để đứa con điên loạn ở nhà một mình vậy? Nó chạy lăng nhăng, nếu gặp phải chuyện gì thì hối hận không kịp”.

Người thợ đóng giầy nghiêng đầu suy nghĩ rồi nói: “Không nghe nói A Đại bị điên bao giờ. Bình thường ta hay gặp nó đi theo mẫu thân đi nhặt rác ngoài phố. Lúc trước ta có nghe nói nó hay bị đau bụng. Sao hôm nay lại bị điên thế? Chẳng lẽ bệnh này làm cho điên khùng? Hắn đưa tay vỗ vỗ vào má A Đại: “A Đại! A Đại, cháu làm sao vậy?”

A Đại không trả lời câu hỏi, nó chỉ nói: “Cháu muốn uống nước”.

Người thợ đóng giầy mang nước từ bên cửa hàng của mình đến: “Nước đây, uống đi!”.

A Đại uống một ngụm nước rồi lại ói ra. Nó thở hổn hển nói: “Lạnh quá, cháu muốn uống nước nóng”.

“Trong đường có nước nóng!” Đỗ Văn Hạo nói với người thợ đóng giầy: “Phiền ngươi đi tìm mẫu thân của nó, nói với mẫu thân nó một tiếng rằng con bà ấy đang ở Phù Vân đường, bệnh rất nặng. Ta đang xem bệnh cho nó. Bệnh của nó không thể trì hoãn được”.

“Được, được! Ta thay mặt mẫu thân của nó đa tạ đại phu. Ta lập tức bảo người đi tìm mẫu thân của nó!”.

Đỗ Văn Hạo gật đầu rồi nói với Hô Duyên Trung: “Đem nó vào trong đường”.

Tiểu nhị hộ vệ ở bên cạnh cõng A Đại trên lưng đi vào trong Phù Vân đường, đặt nó nằm trên giường.
Bình Luận (0)
Comment