Tống Y

Chương 300

Vậy thì tóm lại Đỗ Văn Hạo nghĩ thế nào về biến pháp? Tính đến thời hắn thì biến pháp đã tồn tại được hàng nghìn năm. Chỉ cần để ý đến lịch sử một chút là biết biến pháp cuối cùng cũng bị thất bại. Đó không phải là một lựa chọn đúng đắn mang tính lịch sử. Ngoài nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là bản thân biến pháp chưa phải là một chính sách hoàn thiện, việc thực thi nó cũng phát sinh nhiều điểm bất lợi ngoài dự tính. Chẳng hạn như việc các quan lại lợi dụng những chính sách của biến pháp để làm lợi cho bản thân. Rồi Vương An Thạch, cha đẻ của biến pháp lại là một người có thể nói là cao ngạo tự phụ. Những điều này nhiều khi không phải chỉ vài dòng trong sách lịch sử là có thể nói rõ cho thế hệ sau hiểu được.

Còn tính đến bây giờ thì biến pháp cũng đã tồn tại được hơn hai mươi năm. Rất nhiều vấn đề liên quan đến nó đã được các quan lại làm tấu chương bẩm báo cho Hoàng thượng. Những ngày vi hành trước đó lại càng giúp Hoàng thượng thấy rõ hơn thực tế của việc thực thi biến pháp ở trong dân chúng như thế nào. Nên có thể nói, giờ đây trong bụng Tống Thần Tông đã rõ hơn ai hết những ưu điểm cũng như khuyết điểm của biến pháp. Ngay lúc này đây, câu hỏi mà Tống Thần Tông đưa ra quả thật không phải là muốn tìm kiếm một đáp án cho nó, mà chỉ là thuận mồm mà thốt ra thôi.

Đỗ Văn Hạo trong nháy mắt tự nhủ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời câu hỏi này. “Không được hồ đồ” là những gì hiện ra trong đầu hắn. Không cần suy nghĩ nhiều cũng biết được lúc này hắn phải chịu hai tầng áp lực. Thứ nhất là không được để lộ ra rằng mình là người của tương lai, không được đề cập đến những vấn đề lịch sử vốn khá rõ ràng trong đầu hắn. Thứ hai, quan trọng hơn cả chính là việc hắn đang nói chuyện với Hoàng Thượng, mà Hoàng Thượng là ai cơ chứ? Có thể nói năng hồ đồ sao? Biến pháp mặc dù không thuận lợi, nhưng cũng đang là thứ mà ông ta hy vọng, nói linh tinh không hợp ý thì không biết cái đầu có còn trên cổ hay không.

Suy nghĩ cẩn thận một hồi, Đỗ Văn Hạo khom người nói: “Hoàng thượng, biến pháp là vấn đề quốc gia đại sự. Vi thần chỉ là một tiểu ngự y, đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến thang này thuốc kia. Đối với những chuyện chính sự như vậy, thật sự vi thần không dám to gan bình luận.”

“Trẫm hôm nay chính là muốn nghe quan điểm của một người không biết gì về chính sự như khanh. Khanh không phải lo lắng nhiều, cứ thoải mái nói những gì khanh nghĩ. Dù thế nào trẫm cũng sẽ thứ tội cho khanh”.

Đỗ Văn Hạo có chút sửng sốt. Nhưng kinh nghiệm đã bảo cho hắn không nên xúc động mà nói năng lung tung. Mặc dù hồi trung học hắn đã được học về biến pháp của Vương An Thạch và nghiên cứu, đánh giá về nó, nhưng đó là những kết luận trong quá trình hơn một ngàn năm, của rất nhiều các vị học giả nghiên cứu đi nghiên cứu lại vấn đề. Do đó, chắc chắn những nhận xét này đều sẽ rất khách quan và chính xác, nhưng Đỗ Văn Hạo cũng biết những lời này nói ra chắc chắn Tống Thần Tông sẽ không muốn nghe. Chẳng phải “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng” hay sao. Lời thật sẽ luôn là khó nghe, cho dù Hoàng thượng có xá tội cho tất cả những gì mà hắn nói ra thì Đỗ Văn Hạo cũng quyết định mình chẳng tội gì mà cao hứng đi sờ cái vuốt sắc của con cọp cho chuốc họa vào thân.

Nghĩ tới đây, Đỗ Văn Hạo bèn nói: “Hoàng thượng, vi thần thật sự không có nhiều hiểu biết về biến pháp nên không biết phải nói gì bây giờ?’

Tống Thần Tông chăm chú nhìn hắn trong chốc lát, “hừ” một tiếng rồi chỉ tay vào tấu chương nằm trên mặt đất nói: “vậy khanh thử xem qua cái tấu chương kia xem nào”.

“Vâng ạ”, Đỗ Văn Hạo tiến lên, khom lưng cúi xuống nhặt lấy tấu chương rồi chăm chú đọc. Đây là tấu chương mật về vấn đề quân bị đến từ thành đô phủ lộ nơi biên giới tiếp giáp với quốc gia Đại Lý. Tấu chương có nói người dân ở đó vì phản đối Thanh miêu pháp đã tạo biến. Quan phủ điều quân trấn áp khiến bạo dân phải lùi dần vào núi rồi tập hợp lại thành một nhóm loạn quân. Những cuộc chiến giữa nhóm loạn quân này với quan quân triều đình khiến dân chúng chết vô số, chưa kể đến gia súc vật nuôi… Thừa dịp này, các bộ tộc phiến loạn cũng tập hợp quân, liên tục gây phiền nhiễu khiến đời sống dân chúng vùng đó cũng như công cuộc dẹp loạn gặp vô cùng khó khăn.

Đỗ Văn Hạo xem xong thì khom người đặt lại bản tấu chương lên long án. Sau đó đứng khoanh tay im lặng không nói một lời.

Thấy Đỗ Văn Hạo cứ lặng im không nói gì, Tống Thần Tông cất tiếng: “khanh thấy thế nào?”

Đỗ Văn Hạo suy nghĩ một chút rồi kính cẩn nói: “dân chúng bình thường chỉ cần có chút cơm để ăn, nếu không bị đói sẽ không bao giờ đến mức gây biến tạo phản. Việc này chắc hẳn còn nguyên gì đó chứ không chỉ riêng vì Thanh Miêu pháp. Tuy nhiên việc đó chắc phải quy điều tra thì mới biết chính xác mà nói được. Vi thần không sống ở địa phương đó nên không dám nói bừa.

“Khen cho câu nói không điều tra thì không biết chính xác mà nói được của khanh! Nói cho cùng, khanh đã đi theo trẫm vi hành một thời gian, đối với Thanh Miêu pháp nhiều ít thì cũng đã biết qua. Chúng ta ở tận đây, để điều tra được rõ ràng không phải là điều dễ dàng. Trẫm muốn nghe những suy đoán của khanh về vấn đề này vậy. Trẫm đã nói hôm nay khanh cứ thoải mái nói những gì khanh nghĩ, trẫm hứa sẽ không trách phạt gì”.

“Đa tạ long ân của Hoàng thượng”. Đỗ Văn Hạo nghĩ nhanh, Hoàng thượng đã hai lần cho phép hắn thoải mái nói ra những suy nghĩ của mình chứng tỏ người cũng coi trọng hắn. Nếu hắn hết lần này đến lần khác từ chối không nói gì thì không phải sẽ làm Hoàng thượng mất hứng lắm sao. Nghĩ vậy, hắn nghĩ thêm một chút rồi nói: “vi thần cho rằng Thanh Miêu pháp về cơ bản là một chính sách tốt và tiến bộ, có thể tránh cho dân chúng phải chịu khổ trước những hành động cho vay nặng lãi, lại giúp triều đình có thể gia tăng nguồn thu, như vậy chẳng phải là nhất cử lưỡng tiện, song thắng hành động sao.

Tống Thần Tông mặt lộ vẻ mỉm cười, gật đầu nói: “Khanh coi như cũng có chút kiến thức về An Thạch biến pháp. Quả thật là biến pháp đã giúp cho quốc khố đầy lên thật. Nhưng khanh nói xem, nếu đây cũng là một chính sách tốt cho dân chúng thì sao họ lại không ủng hộ mà hết lần này đến lần khác, hết nơi này đến nơi khác phản đối dữ vậy?”

Đỗ Văn Hạo nghĩ thầm, biến pháp nếu như làm cho quốc khố gần đầy thì tất nhiên tiền đó từ đâu ra mà không phải là từ hầu bao của dân chúng. Trong khi dân chúng trước giờ phần lớn là vẫn đói nghèo, nhiều người thậm chí đến bát cơm cũng không có thì làm sao họ ủng hộ được cơ chứ. Tuy nhiên thật khó có thể tìm lời hợp lý để giải thích cho Hoàng thượng hiểu được nên Đỗ Văn Hạo quyết định phải chuyển đề tài: “lần trước, khi vi thần theo Hoàng thượng đi vi hành, vi thần từng cùng Vương An Thạch Vương đại nhân trò chuyện về biến pháp, nghe nói Thanh miêu pháp từng được Vương đại nhân xem xét, kiểm chứng và thông qua. Vương đại nhân cũng đã từng có lần áp dụng thí điểm về Thanh miêu pháp trong một vùng và được họ vô cùng hoan nghênh”.

“Không sai. Nhưng tại sao khi áp dụng trên cả nước thì lại kích khởi dân chúng phản đối như vậy?”

“Vi thần nghĩ rằng, khi áp dụng thí điểm tại một vùng, phạm vi áp dụng có thể nói là khá nhỏ nên những điểm tốt của Thanh miêu pháp được tận dụng rất tốt. Nếu có phát sinh vấn đề gì rắc rối thì ngay lập tức có thể giải quyết, khắc phục. Như vậy, biến pháp đã được thực thi đúng với ý tưởng ban đầu của nó, và tất nhiên là toàn ý tốt cho cả quốc gia lẫn người dân. Nhưng khi áp dụng mở rộng cho toàn đất nước thì không dễ dàng như khi áp dụng thí điểm cho một vùng. Nhiều nơi gặp khó khăn không thể giải quyết ngay, mỗi cùng lại giải quyết một kiểu khiến bắt đầu xuất hiện bất đồng giữa các vùng. Rồi những tham quan ô lại bắt đầu xuất hiện, mượn biến pháp để làm lợi cho bản thân, bóc lột của dân chúng. Điều này đã khiến Thanh miêu pháp bị biến dạng, không còn giữ được những ưu điểm như nguyên bản ban đầu.”

Đỗ Văn Hạo dự đoán những lời này sẽ không khiến Tống Thần Tông cảm thấy bất ngờ vì thể nào cũng có người tâu với Hoàng thượng rồi. Thật ra, quan lại trong triều hầu như ai cũng biết phương châm ban đầu của biến pháp là “Vi chi dĩ, hoãn nhi mưu chi” (sử dụng trước, trả dần sau) nhưng rồi Vương An Thạch vì quá nôn nóng với mục tiêu làm được cái gì đó nhân dịp năm mươi năm thanh lập đất nước Trung Quốc nên đã vội vàng mà bỏ qua quy luật làm việc tự nhiên, do đó Thanh Miêu pháp đã gặp phải tác dụng ngược.

Những lời này của Đỗ Văn Hạo nếu nói ra những ngày biến pháp mới bắt đầu được áp dụng chắc chắn sẽ khiến Tống Thần Tông vô cùng tức giận. Nhưng lúc này tình huống đã có sự thay đổi lớn. Nhất là khi Hoàng thượng đã có cơ hội được chứng kiến tận mắt những gì mà tác dụng ngược của biến pháp gây ra, chắc người sẽ cân nhắc cẩn thận hơn. Quả thật, Tống Thần Tông giật mình, mặt lộ vẻ hoài nghi chăm chăm nhìn Đỗ Văn Hạo rồi hỏi lại: “khanh nói rõ hơn một chút xem nào? Biến pháp đã bị biến đổi gây tác dụng ngược như thế nào?”

Những lời Đỗ Văn Hạo vừa nói chính là những đánh giá của các học giả đối với biến pháp mà hắn được học thời ở trung học. Giờ Hoàng thượng muốn hắn nói rõ hơn, quả thật chẳng còn cách nào khác nên hắn đành kiên trì nhớ lại những kiến thức đó, rồi cân nhắc từng câu chữ để nói với Tống Thần Tông: “lần vi hành trong dân chúng vừa rồi, thần nghĩ Hoàng thượng đã nhìn thấy phần nào vấn đề đó. Thanh miêu pháp ban đầu là cho phép dân chúng tự nguyện có vay hay không, nhưng khi áp dụng đã bị các quan lại biến thành ép buộc. Những người không muốn vay thì phải vay, những người muốn vay thì lại không được vay. Lãi suất cũng bị đội lên rất nhiều lần. Như vậy biến pháp không còn là một chính sách hỗ trợ cho dân chúng mà lại trở thành gánh nặng cho dân chúng mất rồi”.

Tống Thần Tông gật đầu đồng ý, trầm giọng nói: “Trẫm đã cho điều tra không ít quan lại như vậy, và đã trừng phạt rất nặng, theo ý kiến của ngươi tại sao làn sóng phản đối vẫn không ngừng?”

“Con người ta ai ai cũng hám lợi cả. Vì tiền bạc của cải thì chỉ cần biết việc gì có mang lại lợi nhuận là con người ta sẽ không ngại mà phạm luật. Dùng quyền lực quan lại đi kiếm tiền đối với quan lại từ xưa đến nay mà nói vẫn là cách kiếm tiền có thể coi là dễ dàng nhất, cho nên những quan lại có thể kháng cự lại mối lợi này có thể khẳng định là không có nhiều.

Tất nhiên những con người không có trái tim này luôn rất giàu có.”

“Cũng đúng. Thế khanh cảm giác được vấn đề lớn nhất của Thanh miêu pháp lúc này là gì?”

Thấy Hoàng thượng chăm chăm hỏi mình - một thái y trẻ tuổi - việc quốc gia đại sự như thế này, Đỗ Văn Hạo không khỏi cảm thấy rúng động trong lòng. Hắn muốn cân nhắc kỹ càng, nhưng rồi không hiểu sao hắn vẫn thốt lên: “quan thương sẽ khó có thể sáng suốt để phân định rạch ròi được hai chuyện đó”.

Tống Thần Tông trong lòng cảm thấy chấn động, chậm rãi hỏi: “Khanh nói vậy có ý gì?”

“Chính phủ nên là cơ quan kiểm soát các vấn đề kinh tế xã hội, chứ không nên tham gia trực tiếp”.

Đỗ Văn Hạo thật ra không có chuyên môn về kinh tế học nên kỳ thật, hắn không hiểu nhiều về các nguyên lý kinh tế. Nhưng ở trung học hắn đã được học về Kinh tế chính trị, lại sinh sống ở xã hội hiện đại nên những tin tức nóng, những nguyên lý nổi tiếng ngày ngày xuất hiện trên báo chí phần nào tác động đến hắn, khiến hắn không muốn nhớ cũng đã ghi dấu ấn trong đầu.

Đối với Đỗ Văn Hạo thì như vậy, nhưng với Tống Thần Tông, trước giờ ngài chưa bao giờ nghe qua những lời nói như vậy. Hoàng thượng ngạc nhiên mà hỏi lại: “Cái gì là chính phủ? Cái gì là cơ quan kiểm soát?”

“Chính phủ chính là quan phủ triều đình, là nha môn. Đơn giản mà nói, đối với các hoạt động kinh tế của quốc gia, triều đình nha môn nên là người giữ gìn trật tự, xây dựng và đưa ra những thể chế, quy tắc rồi kiểm tra việc áp dụng xem có đúng như đã đề ra hay không? Nếu như không có vấn đề gì, triều đình có thể an hưởng thái bình. Nếu như có chuyện thì phải đứng ra triệt để giải quyết, trừng phạt thẳng tay những kẻ vi phạm để người khác nhìn làm gương, không dám vi phạm tiếp. Nhưng dù gì thì triều đình cũng không được đứng ra trực tiếp buôn bán kinh thương. Nếu triều đình làm vậy, quan lại sẽ lợi dụng chức quyền mà vơ vét cho đầy túi tham, việc này lịch sử ngàn năm đã có nhiều minh chứng lắm rồi. Đương nhiên, cũng có trường hợp mà triều đình có thể kinh doanh buôn bán, khi đó phải tách quốc khố ra, thành lập bộ phận kinh doanh quốc doanh tự chủ hạch tính độc lập và cùng phải thiết lập nên công ty giám sát, kiểm tra cơ chế kinh doanh đó.

Đỗ Văn Hạo tuôn một tràng, lại sử dụng một số từ ngữ chỉ có trong xã hội hiện đại khiến Tống Thần Tông nghe xong mà thấy ong ong, không hiểu ra sao. Có vài chuyện như nha môn kinh thương hay quan viên lợi dụng chức quyền gì đó thì Hoàng thượng còn hiểu và cũng biết đó là bệnh chung của bất cứ triều đình nào mà chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Nhưng với đề xuất của Đỗ Văn Hạo thì ngài vẫn còn ù ù cạc cạc chưa hiểu đầu cua tai nheo gì, bèn cau mày hỏi lại: “Cái gì là công ty, cái gì là quốc doanh?”

“Công ty chính là một tổ chức cơ cấu chuyên môn về việc buôn bán, quốc doanh ngụ ý triều đình quan phủ làm ăn kinh doanh. Quan viên triều đình muốn kinh doanh phải tách ra độc lập thì mới không thể lấy quyền lực triều đình ra hậu thuẫn, tránh được tình trạng lạm dụng chức quyền mà ngư lợi”.

Thì ra là vậy. Đạo lý này nếu phân tích vậy thì Tống Thần Tông đương nhiên có thể hiểu rõ, nhưng là có một vấn đề mà Hoàng thượng nghĩ chưa ra, bèn hỏi luôn: “nhưng nếu không kiếm tiền thì làm sao lấp được đầy quốc khố?”

“Hoàng thượng, biến pháp ngay từ đầu có nêu rõ chỉ khi dân chúng an cư lạc nghiệp thì mới có thể quốc thái dân an”.

“Thì đương nhiên là vậy! Khanh có ý tưởng gì cụ thể hơn không?”

Tất nhiên là Đỗ Văn Hạo sẽ có ý tưởng, vì những điều này trong sách của hắn khi học ở trung học cũng đã có nói qua rồi. Tuy không nhớ hết tất cả những gì trong sách nói nhưng quả thực, nếu cần phải nói Đỗ Văn Hạo vẫn có thể nói được. Nhưng vấn đề là có nên dùng những kinh nghiệm đúc kết qua bao nhiêu năm của thế hệ tương lai để thay đổi quá khứ hay không? Đỗ Văn Hạo suy nghĩ một hồi rồi tự nhủ, nếu những điều hắn tiết lộ mà có thể giúp tu chỉnh biến pháp, đem lại những lợi ích thiết thực thì chắc nói ra một ít cũng không sao.

Đỗ Văn Hạo ho nhẹ một tiếng, nói: “Bẩm Hoàng Thượng, vi thần nghĩ rằng cái chưa được của Thanh miêu pháp chủ yếu nằm ở việc các quan lại thi hành nó không đúng với ý tưởng ban đầu, thậm chí còn biến hóa nó theo hướng có lợi cho bản thân. Chỉ cần các quan lại có quyền lực tham dự vào, họ sẽ vì lợi ích cá nhân mà làm sai biến pháp. Rồi cuối cùng đáng nhẽ là “huệ dân chính sách” (chính sách tốt cho dân) thì Thanh miêu pháp lại biến thành “hại dân chính sách! Cho nên, nếu muốn Thanh miêu pháp giữ nguyên như tư tưởng ban đầu, chỉ phát huy ưu điểm của nó thì phải tiến hành cải cách, phải tách quan lại khỏi việc kinh doanh. Nói cách khác, phải biến “quan làm kinh doanh” thành “dân làm kinh doanh”, đưa nó hoạt động theo những quy luật kinh tế của thị trường, từ đó mới có thể thực hiện song doanh được.”

Đỗ Văn Hạo liên tiếp dùng những thuật ngữ và kiến thức của kinh tế chính trị học hiện đại trong lời nói của mình khiến Hoàng Thượng lại càng trợn tròn mắt, câu hiểu câu không: “Khanh nói rõ hơn chút xem nào? Như thế nào để có thể cải cách biến pháp?”

“Quan phủ cùng quan buôn giờ phải tách biệt hẳn nhau ra. Đối với quan buôn thì phải tiến hành phân chế cải tạo!” Đỗ Văn Hạo cố gắng mãi mà vẫn không sao tìm được những từ ngữ thích hợp để có thể giải thích cho Hoàng Thượng nghe. Cái khái niệm quan buôn, ngay ở thời hiện đại còn khó tách bạch ra, nói gì tới thời cổ đại này. Hắn suy nghĩ một chút và thấy có khi cứ dùng các thuật ngữ hiện đại lại còn dễ hiểu hơn, bèn nói: “Quan buôn ở đây có thể hiểu là những quan lại có dính dáng đến chuyện tiền nong của quốc khố, có khả năng kiếm thêm tiền từ các nguồn của quốc khố. Những quan buôn này phải tách bạch ra so với các quan lại thực hiện nhiệm vụ cụ thể đơn thuần, không dính dáng tới vấn đề quốc khố.”

Lòng vòng một hồi, Đỗ Văn Hạo nhìn mặt của Hoàng Thượng thì cảm thấy mình cũng bị lây cái sự mù mờ từ ông ta. “Hoàng Thượng, đơn giản mà nói chính là đơn vị được giao việc cho dân vay vốn theo Thanh miêu pháp phải độc lập hoàn toàn với đơn vị phụ trách quốc khố, mà trước giờ thường là quan phủ thực hiện cả hai. Đồng thời phải cải cách phú thương, đưa vào khuôn khổ hoạt động. Quan buôn với phú thương có thể kết hợp hình thành nên một thứ, cứ gọi là xí nghiệp đi. Xí nghiệp sẽ tiến hành hoạt động cho vay trên cơ sở Thanh Miêu pháp, khi làm vậy họ sẽ thu được lợi nhuận cùng nhau hưởng. Lợi nhuận sẽ được chia trên cơ sở góp vốn của hai bên.”

Đỗ Văn Hạo lúc này đã mang khái niệm về mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần để giải thích về Thanh miêu pháp cho Tống Thần Tông nghe. Hắn nhìn vẻ mặt kinh ngạc của Tống Thần Tông, tiếp tục nói: “Cái gọi là xí nghiệp này phải thực hiện hạch toán độc lập. Tức là thế này, quan phủ cử ra một người, có thể là quan lại trong bộ máy của phủ đó, tham gia vào việc quản lý phần góp vốn của quốc khố. Người này phải tách bạch hoàn toàn với các nhiệm vụ, quyền lực khác trong hệ thống quan quyền, đảm bảo không tự tư tự lợi. Xí nghiệp có cả phần góp vốn của thương buôn, tư nhân. Phần góp vốn của quan phủ không được vượt qua một nửa. Có thể chia tất cả vốn của một xí nghiệp ra làm nhiều phần nhỏ, mỗi phần đại diện cho một đơn vị lợi ích, gọi là cổ phần. Mỗi cá nhân góp vốn được nhận số cổ phần tương đương với giá trị vốn mình góp. Cổ phần này còn đại diện cho tiếng nói của người góp với cả xí nghiệp. Mỗi khi có vấn đề lớn, sẽ tiến hành bỏ phiếu, rồi quyết định dựa trên quy tắc thiểu số phục tùng đa số. Như vậy, người góp nhiều vốn sẽ có nhiều tiếng nói, nhiều quyền lợi hơn.”

“Chờ một chút!” Tống Thần Tông thấy Đỗ Văn Hạo lại chuẩn bị nói tiếp liền giơ tay chặn ngay họng hắn lại: “Ngươi nói chậm một chút đi, trẫm nghe không rõ.” Đồng thời đi lại long án ngồi xuống, đưa tay vẫy vẫy ý bảo Đỗ Văn Hạo cũng ngồi xuống.

Đỗ Văn Hạo nhìn thấy ánh mắt đầy hứng thú và chờ mong của Tống Thần Tông thì gánh nặng trong lòng đã được giải khai. Hắn liền khom người tạ lỗi, rồi lễ phép ngồi xuống, nhưng cũng chỉ dám ghé ghé cái mông vào cái ghế. Trong đầu thì bắt đầu suy nghĩ thêm nên giải thích tiếp như thế nào. Suy nghĩ một hồi, hắn đem mọi kiến thức mà hắn còn nhớ về công ty cổ phần, rồi công ty trách nhiệm hữu hạn ra giải thích cho Tống Thần Tông nghe. Hắn cũng nói qua về việc tái cơ cấu, rồi chuyển đổi mô hình, cả về việc họp cổ đông lẫn mô hình quản lý trong công ty như hội đồng quản trị, ban giám đốc rồi các cấp trưởng phòng, ban giám sát. Biện pháp biểu quyết thường được dùng khi ra quyết định. Còn cả việc làm sao để thành lập nên những doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân rồi hợp doanh, cách nào thì hợp lý nhất để có thể áp dụng và quản lý những chính sách trong Thanh Miêu pháp.

Đỗ Văn Hạo mặc dù tốt nghiệp đại học về y khoa nhưng chuyên ngành pháp y. Trong số những môn học hắn được học ở trường ngoài những kiến thức chuyên môn về y dược, hắn còn được học những môn đại cương về luật dân sự hay luật công ty. Thêm nữa hắn cũng đã từng tìm hiểu qua về vấn đề này khi đi thi tuyển xin việc nên cũng có được những kiến thức cơ bản nhất.

Tống Thần Tông chăm chú lắng nghe những gì Đỗ Văn Hạo nói. Tuy chưa thật sự hiểu được ngay những gì hắn đang giảng giải nhưng chỗ nào không hiểu, Tống Thần Tông lại hỏi lại ngay, mải mê tìm hiểu đến mức thuốc đưa lên cũng không có động tay mà nâng lên uống. Hai người liên tục hỏi han, giảng giải, thoáng chốc đã nhiều canh giờ trôi qua và cuối cùng, Tống Thần Tông cũng hiểu được hết những khái niệm mới mà Đỗ Văn Hạo đã đưa ra đó.

Cuối cùng Đỗ Văn Hạo chốt lại: “Nếu áp dụng cơ chế phân luồng, thực hiện biện pháp hạch toán độc lập giữa những quan phủ và quan buôn thì sẽ tránh được việc quan lại triều đình lợi dụng chức quyền khi thực thi Thanh miêu pháp. Đồng thời cũng tránh được việc chia bè chia phái trong đội ngũ quan lại hay việc cấu kết làm liều ở những quan chức địa phương. Việc phân chia, xác định lợi tức cũng có thể linh loạt căn cứ trên thực trạng việc cất trữ lương thực và nhu cầu thị trường ở địa phương đó, tránh việc tạo cầu giả để đẩy lợi tức cao lên. Một việc hết sức quan trọng đó là phải tạo ra các cơ chế cho phép các địa phương có sự tự do nhất định trong phát triển. Bản thân những người dân, phú hộ, thương nhân của mỗi địa phương hay trên cả nước đều phải được quyền tự do cạnh tranh với nhau. Luật lệ đưa ra phải công bằng, bảo vệ quyền lợi của những người góp vốn, đặc biệt là với những xí nghiệp có cả phần vốn của quan phủ. Có như vậy mới thúc đẩy mọi người đồng tâm hiệp lực cùng phát triển xí nghiệp, tạo động lực cho mọi người dân phấn đấu làm giàu.”

Đối với Tống Thần Tông mà nói, đây là một cái quan điểm hoàn toàn mới, mới so với tất cả những gì đã từng xảy ra từ các thế hệ trước, mới cả với những gì mà ông ta có thể tưởng tượng được. Ngồi mấy canh giờ mới có cảm giác lờ mờ hiểu được những gì hắn nói, nhưng sau đó Tống Thần Tông vẫn phải trầm ngâm một lúc khá lâu rồi mới nói: “Biện pháp của khanh thực sự là rất mới lạ. Bất quá, Trẫm nghe nói khi dùng thuốc, chẩn bệnh khanh cũng vẫn hay có những phương pháp rất mới lạ, khác người, nên cũng không coi đây là điều gì đáng ngạc nhiên. Chỉ là, những quan điểm này quả thật là quá mới, ngay bản thân trẫm cũng chưa thể lĩnh hội ngay, nói gì tới những người khác.” (Mịa, lão này tự tin quá ta)

“Chính vì vậy, để thực hiện thì cần phải tuần tự như tiến. Trước tiên tiến hành thí điểm ở quy mô nhỏ, sau khi thành công thì mới mở rộng ra. Lúc đó mọi người đã nhìn thấy một mô hình thành công thì sẽ dễ bị thuyết phục hơn. Chỉ là chúng ta cần phải kiên nhẫn một chút mà thôi.” Đỗ Văn Hạo dường như đã tính trước tất cả những lo lắng của Tống Thần Tông.

Tống Thần Tông mỉm cười: “Ha ha, hôm nay khanh được phen giáo huấn trẫm nhỉ…”

Đỗ Văn Hạo kinh hãi vội vàng khom người nói: “Vi thần không dám! Vi thần chỉ là…”

“Không cần phải lo lắng thế. Khanh nói không sai, trẫm cũng đã chừng mực nào đó phát hiện ra biến pháp chỉ có những tác dụng nhất thời và trong ngắn hạn, có thể nói chỉ là giải pháp nhất thời. Các biện pháp trong đó cũng chưa được thực hiện một cách cương quyết, đúng với tôn chỉ: “vi chi dĩ, hoãn nhi mưu chi” (sử dụng trước, hoàn trả sau) mà trẫm thực sự đã đề ra. Ân khan bộ pháp thì cũng khá là tiên tiến, giúp trẫm sáng ra rất nhiều. Rất tốt. Giờ thì trẫm muốn biết thêm suy nghĩ của khanh biến pháp cũ, khanh cứ thoải mái nói xem nào”.

Đỗ Văn Hạo đang rất cao hứng nên suy nghĩ một chút rồi khom người nói: “Trước tiên phải nói về Mộ dịch pháp”

“Được. Trẫm nghe đây”

“Mộ dịch pháp quy định về việc thuê người. Hiện nay cần có biện pháp để các gia đình phú hộ, các địa chủ từ lớn tới nhỏ, từ kinh thành cho tới các địa phương khác, giải phóng các lao động làm thuê, những người làm nha hoàn, gia đinh, vân vân trong những nhà này. Cái này rất có thể cần các nguồn kinh phí từ triều đình, hỗ trợ cho các địa chủ, phú hộ. Cũng phải xuất tiền để hỗ trợ các gia đình nông dân gặp khó khăn về tài chính. Vấn đề này mặc dù nghe có vẻ không tốt, nhưng thực ra lại rất có lợi bởi người nông dân được giải phóng, sức lao động được tăng cao, năng lực làm việc cũng sẽ tăng cao. Sức dân được bồi dưỡng thì quốc gia có lợi. Có thể nói là nhất cử lưỡng tiện.”

Tống Thần Tông nghe vậy thì mỉm cười nói: “Vậy vì sao một chính sách nhiều lợi ích như vậy lại bị nhiều người phản đối, thậm chí có không ít người phản đối rất kịch liệt?”

“Khởi bẩm Hoàng Thượng! Mấu chốt chính là từ trước tới nay mọi người vẫn có tâm lý sợ bị thiệt. Việc giải phóng những nha hoàn, gia đinh không có việc trong các gia đình giàu có có thể không ảnh hưởng tới các gia đình này nhiều, nhưng nó cũng khiến họ bị thiệt thòi. Bản thân triều đình nếu có chính sách, có xuất ngân quỹ ra nhưng chưa chắc lúc đến tay họ thì được đúng như theo luật định.

Trên thực tế, có rất nhiều gia đình nghèo khó, bao gồm cả những hộ không có nam, những hộ chỉ có một nam, vân vân, đều muốn nhận được trợ giúp. Chính sách này nếu không làm cẩn thận sẽ không đạt hiệu quả. Việc quyết định hộ nào được giúp đỡ, hộ nào không, phân chia thế nào, vân vân, đều phải do các quan phụ mẫu địa phương quyết định. Thế nhưng chính sách lại không đề cập tới quyền lợi của các quan lại phụ trách việc này. Hơn nữa, ngân sách của các địa phương cần dùng vào rất nhiều việc, không biết cân đối thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nếu lợi ích không được đảm bảo, mà nghĩa vụ lại nhiều, các quan lại sẽ không muốn thực hiện.”

Khuôn mặt Tống Thần Tông trầm ngâm một lát rồi khẽ sáng lên, chậm rãi nói: “Tốt lắm, khanh hãy nói tiếp ý kiến của mình về các biến pháp khác trẫm nghe.”

“Dạ vâng! Tiếp theo thần xin nói về Dịch pháp. Các quan phủ phụ trách dịch ty đều được phép làm nhiệm vụ bình ổn giá cả, thu mua vật tư hàng hóa tích trữ. Lúc khan hiếm thì xuất ra để tránh tình trạng giá cả lên cao, lúc thừa thì xuất tiền mua vào kho để giá cả không đi xuống. Đồng thời việc bình ổn giá này của các quan phủ cũng nhằm hạn chế sự lũng đoạn thị trường của các thương buôn lớn. Nhìn chung, đây cũng là một biến pháp có nhiều lợi ích, nhưng là, nó giống với Thanh miêu pháp, không tách rời được quan lại và quan buôn. Quyền lợi tập trung quá nhiều ở một số người.

Nếu để cho các quan phủ nhúng tay vào vấn đề kinh tế thì sẽ có nhiều điều lo ngại. Lúc trước ở Đông minh huyện vi thần đã xem xét rất rõ ràng, vốn việc mua bán phải theo giá thị trường để đảm bảo quyền lợi của dân chúng, nhưng thực tế các quan lại đã tiến hành mua bán không công bằng, sử dụng quyền lực của mình để ép dân, mượn cơ hội để trục lợi. Cái này nhìn chung là bệnh của đa số quan lại, khó mà trách một ai đó được. Hơn nữa, vi thần vẫn cảm giác biến pháp này có chút không ổn.”

Tống Thần Tông không tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng giọng có chút tò mò: “Không ổn ở chỗ nào?”

“Dạ bẩm! Quốc gia thiết lập dịch ty, kỳ thật chính là nhằm mục đích đối phó với một số ít thương nhân có vốn lớn, chiếm thị phần chủ yếu, thực hiện các thủ đoạn lũng đoạn thị trường nhằm trục lợi cho mình. Sở dĩ quan phủ có thể làm việc này bởi trên thực tế đối mặt với quan phủ chính là đối mặt với triều đình, nên không ai có gan và dại dột mà dây vào cả. Thế nhưng khi quan phủ kinh doanh, can thiệp vào thị trường với vai trò không khác gì mấy so với một thương nhân lớn khác thì mọi chuyện lại trở nên không ổn. Vốn quan lại dịch ty phải đảm bảo cạnh tranh công bằng thì giờ lại trở thành một thương nhân quá lớn, quyết định hoàn toàn thị trường mà không ai dám phản đối và có thể can thiệp. Thưa Hoàng Thượng, độc quyền chính là địch nhân lớn nhất của phát triển kinh tế, có cạnh tranh thì mới có phát triển. Do đó, Dịch pháp nhìn từ khía cạnh này có thể nói là không thành công.”

Đỗ Văn Hạo nói một hồi trở nên vô cùng cao hứng, thao thao bất tuyệt, đến khi nói xong đoạn này mới chột dạ ngẩng đầu nhìn Tống Thần Tông. Hắn chỉ thấy sắc mặt ông ta đã trở nên xanh mét, tâm lý không khỏi lạnh run, chỉ sợ hứng khởi nhất thời của mình đã khiến cho Hoàng Thượng tức giận trong lòng, vội vàng thưa dạ: “Vi thần dại mồm nói bậy, kính bẩm Hoàng Thượng lượng thứ!”

Tống Thần Tông dừng lại một chút, rồi chậm rãi nói: “Không sao, trẫm đã nói, đêm nay khanh nói gì trẫm cũng xá tội cho khanh, không phải quá lo lắng như vậy. Hơn nữa, ngươi cũng không phải là nói bậy thiếu suy nghĩ. Trẫm nhận thấy từ trước tời giờ mỗi lời ngươi nói ngoài sự suy nghĩ sâu sắc còn khiến trẫm có cảm giác từng trải, lại có một tấm lòng độ lượng, yêu thương dân nghèo. Đỗ Văn Hạo à Đỗ Văn Hạo, khanh tuổi còn trẻ như vậy, y thuật đã đến bực đương kim ngự y trước đây, hơn nữa thuật trị quốc lại có nhiều điểm hơn người. Ha ha, không nghĩ ra bên người trẫm lại còn có một nhân tài đến bực này.”

Đỗ Văn Hạo thực sự không biết Tống Thần Tông nói những lời này xuất phát từ nội tâm hay chỉ là nói ngược những suy nghĩ trong lòng, kinh sợ nói: “Vi thần không dám nhận, vi thần thực chỉ có chút tài lẻ về y thuật, còn cái gì gọi là thuật trị quốc thì vi thần thật không dám nhận!”

“Ha ha, không cần phải khiêm tốn, khanh hãy nói thêm về các biến pháp khác cho trẫm nghe đi.” Tống Thần Tông khoát tay cười.

Nói mãi từ đầu tới giờ, nói ngược nói xuôi mãi cuối cùng xém chút nữa thành xôi hỏng bỏng không, cái đầu cũng không giữ nổi. Bây giờ đã tới nước này thì chỉ còn biết liều mình đánh cuộc một phen mà thôi. Vừa rồi cũng có thể coi như là thoát một phen hú vía, ngược lại còn được Hoàng Thượng khích lệ. Nhiệt huyết Đỗ Văn Hạo tự dưng trào lên, hắn cảm nhận được mình có thể đóng góp một chút cho biến pháp, cho quốc gia, cho dân tộc. Không chừng sau này còn có cái gọi là “Đỗ Văn Hạo biến pháp” gì đó có thể giúp Đại Tống trở thành một siêu cường trên thế giới. Cái này so với việc giúp đỡ một số hữu hạn bệnh nhân thông qua y thuật của mình thì lớn lao hơn không biết bao nhiêu lần. Nghĩ vậy, hắn khom lưng nói tiếp: “Thủy lợi pháp nông điền cùng với Thuế pháp đều là những biến pháp rất có lợi cho dân cho quốc gia. Hai biến pháp này nếu kiên quyết thi hành thì sẽ mang lại nhiều thành quả. Chỉ là, theo ngu ý của vi thần, thực hiện biến pháp này thì dân chúng cũng không thật sự có nhiều lợi ích.”

Theo như những gì Đỗ Văn Hạo nghe nói thì biến pháp này không thực sự được như mong đợi. Đương nhiên là với lợi thế của cả ngàn năm sau này, có người tổng kết cho hắn hưởng lợi mà thôi. Tống Thần Tông thực thi biến pháp Thủy lợi nông điền cùng với phương điền đích xác không được tốt. Đỗ Văn Hạo không phải là quan phủ, không phải là người thực thi các biến pháp, cũng không phải là người trực tiếp chịu tác động của các biến pháp này, nhưng hắn lại là người biết rõ những gì sẽ xảy ra sau này, và tất nhiên hắn có thể gợi ý cho Tống Thần Tông những điều mà người khác không thể gợi ý được.

Đỗ Văn Hạo nói tiếp: “Thưa Hoàng Thượng, Bảo giáp pháp có tác dụng không lớn bởi vì việc thực thi quá nghiêm khắc. Điều này mặc dù có tác dụng răn đe mọi người làm theo nhưng ngược lại khiến cho dân chúng có cảm giác mất an toàn, cũng ảnh hưởng tới cảm giác hạnh phúc, yên bình nên thực sự có thể nói là phản cảm với dân chúng.”

“Ừ, sao nữa?” Tống Thần Tông không hề tỏ thái độ gì.

Đỗ Văn Hạo nuốt một miếng nước bọt vào bụng, trái tim khẽ nhảy lên một tiếng, rốt cuộc chấp nhận liều một phen, chắp tay nói: “Hoàng Thượng, vi thần cho rằng để giải quyết triệt để vấn đề, ngoài việc khuyến khích dân chúng làm việc, kinh doanh, không bằng cho phép dân chúng và thương buôn của chúng ta buôn bán với ngoại quốc, lấy thêm nguồn thu từ ngoại quốc về cho ngân khố quốc gia.”

Ánh mắt Tống Thần Tông có chút động, nhưng cũng không phải là hờn giận, nhíu mày nói: “Ồ, vậy nên làm như thế nào?”

Đỗ Văn Hạo đáp luôn: “Khởi bẩm, nên thành lập những công ty quốc doanh chuyên làm nhiệm vụ buôn bán với nước ngoài. Triển khai thông thương với các nước như Đại Lý, Thổ mạc, Đại Liêu, thậm chí cả các nước Tây phục. Mua các sản vật của họ, đồng thời bán các đặc sản chúng ta có nhiều. Trước mắt, tốt nhất là thực hiện buôn bán với Cao Ly, Nhật Bản, tham gia cùng các tuyến thương mại của họ.”

“Cái này cũng không phải là một chủ ý quá mới mẻ.” Tống Thần Tông thản nhiên cười nói, “các triều đại trước đây cũng đã từng làm như vậy, ví dụ như con đường tơ lụa Tây Vực, không phải cũng là đồng dạng như khanh nói hay sao?”

Đỗ Văn Hạo điềm tĩnh lễ phép trả lời: “Dạ đúng, nhưng bất quá những cái này đều có quy mô quá nhỏ, hơn nữa hàng hóa buôn bán ra bên ngoài còn ít, chưa thực sự là những cái mà có thể bán được với giá cao.”

“Nghe lời này, có vẻ như khanh biết chúng ta có sản vật gì đó có thể bán ra bên ngoài với giá cao?” Tống Thần Tông lộ nét hứng thú.

Kể từ khi xuyên việt tới đây, trong đầu Đỗ Văn Hạo vẫn luôn luôn nghĩ tới việc làm một vài vật phẩm của xã hội hiện đại để kiếm tiền ở thời cổ đại này. Chỉ là hắn vẫn vô cùng bận rộn với việc hành y, chẩn bệnh, cấp thuốc cứu người, thời gian gần đây lại tất bật với các công việc trong triều nên căn bản không có thời gian cho ý tưởng đó. Bây giờ nhân dịp được nói chuyện với Hoàng Thượng, có cơ hội không chừng giúp được Đại Tống tăng cường quốc lực, nên vội khom người nói: “Dạ bẩm Hoàng Thượng, vi thần có một chút bí phương và phát minh có vài phần độc đáo, có thể dựa theo đó chế tạo ra các sản phẩm được xã hội hoan nghênh. Những sản phẩm này không những có thể tạo việc làm cho rất nhiều người trong xã hội, tạo thêm thu nhập cho dân chúng mà còn qua đó khiến cho ngân sách quốc gian được tăng cao nhờ việc thu thuế.”

Vẫn đang khom người nói nên Đỗ Văn Hạo không phát hiện lúc này Tống Thần Tông đã không còn nét cười nữa, ánh mắt trở nên lạnh lùng, khóe miệng còn chứa một tia châm chọc, thản nhiên nói: “Ồ, bí phương gì? Phát minh gì vậy? Có phải là dược phẩm không?”
Bình Luận (0)
Comment