Trầm Vụn Hương Phai

Chương 50

Nắp nồi nhấc mở, cùng lúc một mùi hương thơm nức mũi tràn ngập khoang thuyền. Nhan Đàm nhìn đám sủi cảo chìm chìm nổi nổi trong nồi mà đến khổ não. Vốn dĩ cứ tưởng bọn họ ở lại ăn cùng, vì vậy đã làm nhiều thêm phần của hai người, bây giờ nhiều sủi cảo đến như vậy ai ăn cho hết đây? Nàng chầm chậm ngoái đầu lại, trông thấy tên thích khách đang co ro vào một góc trong khoang thuyền, miệng liền cười toe: “Đã nấu dư ra nhiều thế này, thôi thì cho ngươi ăn hết vậy.”

Thích khách kia mặt mày trắng bệch, sợ sệt dè dặt đáp: “Không cần đâu, ta vẫn là không nên làm vấy bẩn thức ăn do cô nương nấu…”

Nhan Đàm múc một bát sủi cảo đẩy tới trước mặt Dư Mặc, lại quay đầu sang nhìn y, từ từ xị mặt xuống: “Ngươi có vẻ rất sợ hãi… Không lẽ nhìn ta rất đáng sợ, dọa cho ngươi mất hồn hả?”

Thích khách tức thì kịch liệt lắc đầu: “Cô nương trời sinh mỹ mạo, xinh đẹp không chê vào đâu được!”

“Vậy ngươi đang sợ cái gì?” Nàng dùng muỗng múc một chiếc sủi cảo đưa tới sát miệng y, “Ta thấy ngươi run ghê vậy, e là đến muỗng cũng cầm không vững. Thôi vậy đi, ta đút ngươi ăn có chịu không?”

Sắc mặt tên thích khách kia càng thêm trắng nhợt, miệng cà lăm cà lắp: “Nhưng, nhưng mà thịt, thịt ở trong này…”

Nhan Đàm ồ một tiếng dài, tháo ngay mảnh vải trắng quấn quanh chân y ra: “Ngươi tự mình coi thử đi, có chỗ nào mất bớt miếng thịt?” Nàng nhoẻn cười bảo: “Nào, mở miệng, tay nghề của ta khá lắm đó.” Tên thích khách nhìn nhìn chân mình, đoạn nhắm nghiền hai mắt, dáng vẻ cam chịu nuốt trộng chiếc sủi cảo xuống cổ họng.

Nhan Đàm nhìn y lom lom không rời: “Mùi vị có ngon không?”

Tên thích khách nọ lập tức tán tụng: “Ngon, ngon lắm!” Lúc này cứ cho là đút thức ăn cho lợn y cũng khen ngon, huống hồ chiếc sủi cảo này vỏ mỏng nhân nhiều lại mọng nước, nêm nếm vừa phải, y dĩ nhiên càng khen không tiếc lời, trong lòng còn nơm nớp lo sợ Nhan Đàm nổi giận lên sẽ thực sự lấy thịt của mình băm làm nhân bánh. Nhan Đàm cười híp mắt: “Vậy ăn thêm cái nữa nha.” Nàng cứ đút hết chiếc này đến chiếc khác, trong lúc bản thân cũng không hay biết đã đút sạch hết số sủi cảo nấu dư ra trong nồi.

Dư Mặc nhìn nhìn bọn họ, lại nhìn nhìn chiếc sủi cảo trên muỗng, lặng thinh không thốt nửa lời.

Nhan Đàm cười hỏi: “Ngươi tên là gì? Ta cũng đâu thể kêu ngươi ‘ê’ hoài được có phải không.”

Tên kia miệng đang nhét đầy sủi cảo, vội nhồm nhoàm đáp: “Báo… Báo Tử.”

Nhan Đàm duyên dáng nhoẻn cười: “Vậy ngày mai tới lượt xíu mại nha? Xíu mại ngon nhất mà ta từng ăn là ở Đồng Thành, cũng không biết có thể nấu ra mùi vị giống như vậy không nữa.”

Báo Tử buột miệng hỏi: “Là xíu mại của ông lão họ Hoàng bán trong ngõ hẻm Dương Liễu ở Đồng Thành?”

“Phải đó phải đó, thì ra ngươi cũng từng ăn qua hả.”

“Món miến đúc chưng thịt (1) ở đó cũng ngon cực, không kém gì xíu mại của ông ấy.”

Nhan Đàm rất chi hớn hở, cười tươi như hoa để lộ lúm đồng tiền trên má: “Đúng rồi đúng rồi, khi đó ta mỗi sáng sớm đều đến xếp hàng để mua, tới trễ là ông ấy bán hết veo.”

Dư Mặc đặt bát xuống, khẽ đằng hắng gọi: “Nhan Đàm.”

Nhan Đàm tức khắc quay đầu nhìn hắn. Dư Mặc nhạt giọng cất lời: “Ta thấy ngươi hôm nay quậy phá bấy nhiêu cũng đủ rồi.” Nhan Đàm ngoan ngoãn gật đầu, xê dịch ngọn đèn dầu tới vị trí thích hợp: “Sơn chủ, người bây giờ chuẩn bị đọc sách có phải không? Nhan Đàm sẽ không làm phiền người đâu.”

Báo Tử lí nhí hỏi: “Cô nương cũng sợ người này như vậy?”

“Ta sợ lắm chứ, sơn chủ người một khi đã nổi nóng, bất kể là ai cũng sẽ trở thành tám khúc chặt rời trôi sông…”

Báo Tử rùng mình một cái, ngậm miệng không nói gì nữa.

Dư Mặc lườm nàng cái rồi giở sách ra bắt đầu đọc, lúc chuyển trang không nhịn được ngẩng đầu lên xem thử Nhan Đàm đang làm gì. Nàng đã dùng yêu thuật biến ra một bộ xúc xắc, đang cùng với Báo Tử đổ xúc xắc cược tiền xu, bên cạnh là một chồng nhỏ đồng xu đã thắng được, xem ra vận may đang phất như diều gặp gió. Dư Mặc tay kẹp chặt lấy quyển sách, miệng gằn giọng gọi: “Nhan Đàm!”

Nhan Đàm giật thót, xúc xắc trượt khỏi tay rơi xuống sàn, mặt hướng lên trên của cả ba viên đều là một nút. Báo Tử phá lên cười to: “Ba con một, ta làm cái, ăn trọn! Mấy đồng xu này lại trở về với ta rồi.”

Dư Mặc xoa xoa thái dương: “Ta thấy ngươi là muốn bị vác đi chôn mới vui chứ gì…”

Nhan Đàm kinh hãi tái mét mặt mày, loạng choạng bổ nhào sang phía cạnh bàn: “Nhan Đàm không đổ xí ngầu nữa đâu, cũng không chọc người nổi giận nữa, tuyệt đối đừng vác Nhan Đàm đi chôn mà…” Dư Mặc vỗ vỗ tấm đệm kế bên mình: “Ngươi sang đây ngồi, cấm có kì kèo trả giá gì nữa.”

Nhan Đàm chu chu môi, dáng bộ không cam tâm nhích người tới ngồi cạnh hắn. Nàng âm thầm liếc mắt sang nhìn quyển sách Dư Mặc đang đọc, là Phục Hi thuật số, hay cho hắn mấy thứ khô khốc như vậy mà cũng đọc được.

Không còn Nhan Đàm đổ xúc xắc cùng, Báo Tử chỉ đành thui thủi một mình tay trái cược với tay phải, đổ được một lúc thì đã cảm thấy vô vị, bèn thu người vào một góc ngáy rền, ngủ mất tiêu luôn.

Nhan Đàm chống cằm ngồi yên một lúc, cuối cùng hai mắt cũng đã từ từ sụp mí trong tiếng ngáy khò khò của Báo Tử. Nàng chập chờn ngủ hết một lúc thì chợt giật mình tỉnh giấc. Đèn dầu đã tắt, khoang thuyền bấy giờ chỉ còn một mảng đen ngòm. Nàng đang gối đầu trên vai Dư Mặc, chắc là ban nãy trong lúc nhắm mắt mơ màng đã ngã vào người hắn, mà cũng lạ lùng thay hắn chẳng đẩy nàng ra. Nhan Đàm rón rén xê dịch cơ thể, Dư Mặc khẽ nhíu nhíu mày, chiếc cằm cọ nhẹ vào đỉnh đầu nàng.

Nhan Đàm sẽ sàng nhích người ra ngoài, kéo chiếc chăn lông đặt bên cạnh sang nhẹ nhàng đắp lên người hắn. Nàng thận trọng từng chút một chìa tay sang chạm nhẹ cái vào rèm mi của Dư Mặc, giọng nói tràn ngập cảm thông lầm bầm: “Ta biết người nhìn thấy vị hoa tinh cô nương kia trong vòng tay kẻ khác nhất định rất đau lòng. Ta không giỏi an ủi người khác lắm nên cũng chẳng có cách nào, nhưng ta cảm thấy Bách Linh sẽ cho được người hơi ấm…”

Trời sáng, thuyền neo lại ở bến đò bên sông, mà cách bến đò không xa chính là Vu trấn.

Nhan Đàm nhìn dân chúng mới sáng sớm đã ngược xuôi quẩy gánh ra chợ, không khỏi lấy làm lạ bảo: “Chẳng lẽ hôm nay là ngày đặc biệt gì ư, đúng là náo nhiệt.”

Báo Tử bấm ngón tay tính hết một lúc: “Hôm nay là mùng ba tháng năm, mùng năm tháng năm là tết Đoan Ngọ còn gì.”

Nhan Đàm miệng ừm một tiếng, đoạn lẩm bẩm: “Là tết Đoan Ngọ…”

Mồng năm tháng năm là ngày dương khí trong trời đất hưng thịnh nhất, phàm giới có tập tục ăn bánh ú và đua thuyền rồng, nhưng với loài yêu bọn họ mà nói, đây là ngày khó cầm cự nhất trong năm. Nàng tu vi thâm hậu nên dĩ nhiên không sợ, nhưng dù gì vẫn là cảm thấy trong người không được dễ chịu cho lắm.

Có điều vì để hòa vào không khí lễ hội, bánh ú dịp tết Đoan Ngọ vẫn là phải ăn.

Nhan Đàm mua gạo nếp, lá để gói bánh, thịt muối và hạt dẻ rồi đưa hết thảy cho Báo Tử xách. Lúc đi ngang qua một sạp bán táo, bước chân của Dư Mặc khựng lại thấy rõ. Nhan Đàm giật mình, lập tức lên tiếng: “Công tử, người thấy chỗ quýt bên kia thế nào?” Quýt chỉ cần lột vỏ là ăn được, táo thì gọt vỏ xong còn phải cắt thành từng miếng nhỏ, Dư Mặc hắn dĩ nhiên không sợ phiền, nhưng nàng thì lại muốn đỡ được việc nào hay việc nấy.

Báo Tử ngây ngô bảo: “Quýt ăn nhiều dễ bị nóng trong người.”

Nhan Đàm lạnh lùng đốp lại: “Ăn kèm với bánh đậu xanh vừa hợp.”

Dư Mặc gõ chiếc quạt nan vào lòng bàn tay, nhàn nhạt cất giọng: “Thế thì quýt vậy.”

Nhan Đàm nhoẻn cười, hai mắt sáng rỡ, hàm răng trắng tinh: “Công tử, người thật tốt.” Báo Tử bị ghét bỏ, chỉ còn biết lủi thủi xách giỏ lót tót theo sau.

Dư Mặc thấp giọng: “Hai ngày nữa là đến Đoan Ngọ, e là chúng ta không kịp trở về Da Lan sơn cảnh, ngươi liệu mình có cầm cự nổi không?” Nhan Đàm chẳng mấy để tâm: “Dĩ nhiên, Nhan Đàm cũng không phải lần đầu tiên trải qua Đoan Ngọ.”

Dư Mặc cười khẽ, đầu mày đuôi mắt đong đượm dịu dàng: “Ngươi bây giờ nói vậy, đợi đến hôm đó khó ở trong người đừng có mà khóc lóc với ta.”

Nhan Đàm tức thì cảm thấy rất chi mất mặt, bèn dẩu dẩu môi: “Ta còn lâu mới khóc á!”

Báo Tử chỉ chỉ quầy bán miến đúc: “Miến đúc chưng thịt…” Dư Mặc lạnh lùng lườm y một phát, Báo Tử tủi thân rùng mình cái, im thin thít lui về sau hai bước.

Nhan Đàm cắn đũa nhìn Báo Tử cuồn cuộn nhét chỗ miến đúc chưng thịt trong đĩa vào mồm, miệng ráo riết hỏi: “Sao sao?” Báo Tử không đợi nuốt kịp cho hết chỗ miến trong miệng, nhồm nhoàm đáp: “Ngon, còn ngon hơn của ông lão họ Hoàng kia nữa…”

Nhan Đàm nhấc mở một góc lồng hấp, gắp ra một chiếc xíu mại bốc khói nghi ngút: “Đây, nếm thử cái này.”

Báo Tử đưa miệng đến gần tay nàng cắn lấy chiếc xíu mại, nhai nhai vài cái: “Ngon lắm, món này cũng hết chỗ chê.”

Dư Mặc vò chặt quyển sách trên tay, trang giấy vốn đang phẳng phiu bất ngờ xuất hiện một lằn nhăn nhúm.

“Nhan cô nương, cô nương tốt bụng cho ta thêm một cái nữa được không?” Báo Tử chảy nước miếng nhìn chằm chằm chiếc lồng hấp.

Nhan Đàm lại dùng đũa gắp một chiếc xíu mại, thổi qua cho bớt nóng rồi đưa tới trước miệng y: “Đây, coi chừng phỏng…”

Dư Mặc đặt quyển sách trên tay xuống, đứng thẳng người dậy, một phát túm lấy cổ áo của tên Báo Tử kia xách phắt dậy, lôi xềnh xệch y ra phía đầu thuyền. Báo Tử dốc sức giẫy giụa, thế nhưng Dư Mặc dường như không có chút cảm giác nào, mắt cũng không buồn liếc lấy một cái tiếp tục kéo y ra ngoài. Nhan Đàm rối rít túm lấy ống tay áo hắn khẽ lay: “Sơn chủ, người không phải định liệng y xuống sông đó chứ?”

Dư Mặc điềm nhiên cất lời: “Phải thì đã sao?”

“Thuyền đã rời bờ sông rồi, nếu đem y ném xuống nước bắt phải bơi ngược trở về thì tội nghiệp y biết mấy. Có phải không hả, Báo Tử?”

Báo Tử rối rít gật đầu.

“Nếu ta vẫn cứ khăng khăng muốn ném y xuống?”

Nhan Đàm cân nhắc thiệt hơn, không do dự bước ngay sang tránh đường: “Vậy người ném đi.”

Báo Tử tuyệt vọng nhắm hai mắt lại.

Một tiếng tõm vang truyền vào từ ngoài khoang thuyền, Dư Mặc nhấc rèm bước vào, làm như chưa hề xảy ra việc gì phủi phủi tay áo, đoạn ngồi lại xuống cạnh bàn, cầm sách lên tiếp tục đọc.

Nhan Đàm vểnh tai lắng nghe động tĩnh bên ngoài, rón rén chìa tay ra định vén rèm dòm thử mấy cái, chợt nghe Dư Mặc khẽ đằng hắng một tiếng từ phía sau, nàng tức khắc rụt tay về, nghiêm chỉnh đặt mông ngồi xuống: “Sơn chủ, chắc người cũng đói rồi có phải không?”

Dư Mặc khẽ đặt sách xuống. Nhan Đàm lập tức bưng thức ăn dọn lên chiếc bàn thấp, động đũa gắp món ăn cho hắn: “Sơn chủ, người thích ăn bánh ú nhân gì? Ngọt hay là mặn?”

Dư Mặc ngẫm thoáng rồi đáp: “Nhân mặn.”

Nhan Đàm gật gù: “Nhan Đàm cũng thấy nhân mặn ngon hơn.”

Lễ hội ở chốn phàm giới, phong vị của vài lần hiếm hoi từng trải qua quả thực không tồi.

Mồng năm tháng năm, tết Đoan Ngọ.

Ngày hôm nay, con thuyền nhỏ của bọn họ vừa khéo trôi dạt đến lạch Hoán Hoa (2).

Nhan Đàm sáng sớm thức dậy đã thấy bức bối trong người, ngồi ở đầu thuyền một lúc lại càng cảm thấy đầu váng mắt hoa. Dư Mặc thấm ướt chiếc khăn tay vào trong nước, vắt khô rồi đưa sang cho nàng: “Thế nào, cảm thấy rất nóng?” Nhan Đàm đầu óc đã quay mòng mòng, cũng không buồn chìa tay sang nhận lấy, chỉ nghiêng đầu lại gần tay hắn cọ nhẹ cái vào chiếc khăn, miệng làu bàu: “Chỉ là cảm thấy không được khỏe lắm, cả người uể oải…”

Dư Mặc nhìn nàng, đoạn dùng khăn tay giúp nàng lau sơ qua mặt, thấp giọng cất lời: “Năm nào ngày này cũng như vậy cả, gắng gượng một chút rất nhanh là sẽ qua thôi.” Ngón tay của hắn man mát chạm vào mặt rất dễ chịu. Nhan Đàm lầm bà lầm bầm: “Tại sao người không có lấy tẹo khó chịu nào hết vậy…”

Dư Mặc khẽ bật cười, âm giọng trầm thấp êm tai: “Bây giờ đã cảm thấy đỡ hơn chút nào chưa?”

Nhan Đàm vực dậy tinh thần, chống con thuyền nhỏ sang đến bến đò, đang định loạng choạng bò vào khoang thuyền thì chợt nghe thấy cách đó không xa có người hét to: “Cứu mạng, cứu với… brừừừ, cứu, cứu mạng…” Từ dưới lạch ngoi lên một chiếc đầu, mới chưa bao lâu thì đã lại chìm trở xuống. Nhan Đàm nheo mắt nhìn sang, thấy đó là một đứa trẻ độ khoảng mười tuổi, lập tức định trèo khỏi thuyền chạy sang cứu người.

Dư Mặc giơ tay ra cản nàng lại, nhạt giọng cất lời: “Bộ dạng ngươi đã như vậy thì an phận một chút đi, để ta lát nữa đỡ phải cứu đến hai người.” Hắn bước chân xuống lạch, từ từ lội sang nơi đứa trẻ kia đang bị đuối nước. Nhan Đàm ngả sấp người vào mạn thuyền quan sát Dư Mặc, cảm thấy dáng vẻ không việc gì này của hắn căn bản là đang tỏ ra mạnh mẽ. Luận yêu pháp thì Dư Mặc hơn nàng một bậc, nhưng luận tu vi bọn họ thực ra kẻ tám lạng người nửa cân, nàng cảm thấy không được khỏe, Dư Mặc làm sao dễ chịu cho được?

Dư Mặc cuối cùng đã sang đến đó, vươn tay ra tóm lấy đứa trẻ kia. Cậu bé giãy giụa mấy cái, quấn chặt lấy cánh tay hắn bám rịt không buông. Dư Mặc dứt khoát nhanh gọn dùng tay một phát chém ngất đứa trẻ, đọan kéo theo nó vào bờ. Nhan Đàm trông thấy đòn này của hắn cũng cảm thấy sau cổ mình đau nhói lên cái. Hai người vừa lên đến bờ, hãy còn chưa kịp đứng vững thì một nữ tử con nhà nông đã chạy xộc tới chộp lấy tay Dư Mặc: “Đa tạ công tử đã cứu đệ đệ ta, đại ơn đại đức của công tử tới chết không quên…” Đoạn nàng ta buông Dư Mặc, lại giật phắt lấy cậu bé kéo sang, đét mạnh lên người nó mấy phát liền: “Cho đệ nghịch phá này, cho đệ xuống nước chơi nữa này… Cứ khăng khăng không chịu nghe lời…” Cậu bé kia vốn đã bị Dư Mặc đánh ngất, thế mà mới đó đã bị tỉ tỉ nhà mình nện cho tỉnh dậy, rống khóc rền trời.

Nhan Đàm cảm thấy buồn cười, ôm một bộ y phục sạch bước tới sau lưng Dư Mặc: “Công tử, người vẫn ổn chứ?”

Dư Mặc nhìn nàng, khuôn miệng chậm rãi nở một nụ cười, ý cười như làn huân phong khẽ sượt qua má: “Vẫn ổn.”

Nhan Đàm trông thấy gương mặt mỉm cười của hắn, trong lòng không khỏi nhủ thầm, có lẽ Dư Mặc thật sự là một người rất dịu dàng.

Nữ tử tên Liên Tâm kia dẫn hai người bọn họ về nhà mình, vì nhà nằm trong bóng râm nên độ mát mẻ bỏ xa trên thuyền. Nhan Đàm đặt bộ y sam khô sạch trên chiếc bàn gỗ cũ kĩ, sau đó khép cửa phòng lại đứng ở bên ngoài. Tiểu quỷ vừa được vớt dưới nước lên kia đang bị tỉ tỉ mình rượt đuổi chạy loạn khắp sân, vừa nhìn thấy Nhan Đàm liền chạy như bay đến nấp sau lưng nàng, không dám thò đầu ra nữa.

“Đệ còn núp hả, có giỏi thì cứ núp mãi luôn đi đừng có ló mặt ra nữa!” Liên Tâm nổi giận đùng đùng xắn cao tay áo, “Đệ có biết bà ngoại sức khỏe không tốt, không thể để bị chọc cho tức giận không hả, đã lớn ngồng như vậy rồi mà chỉ biết có gây họa là giỏi!”

Nhan Đàm mỉm cười bảo: “Liên Tâm cô nương, trẻ con phải dạy từ từ mới được.” Nàng xoay người lại, giọng điệu mềm mỏng: “Ta kể đệ nghe một câu chuyện có chịu không? Ngày xưa có một con sơn yêu, chuyên môn ăn thịt những đứa trẻ không vâng lời. Nó có rất nhiều rất nhiều thủ hạ, đi đến đâu nghe ngóng được có trẻ em không vâng lời thì sẽ lập tức bắt về, đầu tiên cắt tai của mấy đứa trẻ đó xuống nhắm rượu, dù sao thì người lớn có nói gì mấy đứa trẻ đó cũng không thèm nghe, có tai dùng để làm gì cơ chứ…”

Gương mặt nhỏ nhắn của cậu nhóc chuyển trắng nhợt, run run chạy sang nấp sau lưng tỉ tỉ mình.

Cửa phòng phía sau cót két bật mở, Dư Mặc bước ra, miệng không khỏi khẽ phì cười: “Nhan Đàm, ngươi lại nghịch loạn nữa rồi.” Hắn thay vào chiếc ngoại bào xanh nhạt, nhoáng cái đã biến thành một công tử thanh tao nho nhã.

Nhan Đàm dùng ngón tay gõ gõ cằm, không quên chớp lấy thời cơ tán tụng: “Công tử, công tử con nhà quyền quý đều yêu thích sắc xanh phóng khoáng này, nhưng không ai mặc vào lại hợp như người đây.”

Dư Mặc giơ tay véo nhẹ lên đỉnh mũi nàng, khẽ thở dài bảo: “Nhan Đàm, đến lúc nào ngươi mới bỏ được cái tật gặp người nói tiếng người, gặp quỷ nói tiếng quỷ (3) đây hả?”

Nhan Đàm khép miệng im re: Phàm nhân thường nói làm người khó, nàng đây lại cảm thấy làm yêu còn khó hơn, lời không dễ nghe thì không thể nói, lời dễ nghe thì vừa ra khỏi mồm đã bị bài xích, thiệt tình nan giải quá đi.

Liên Tâm cười bảo: “Cũng gần đến giữa trưa rồi, hai vị nán lại dùng bữa cơm đi, cơm trưa còn là do bà ngoại ta đích thân xuống bếp nữa đó.” Nàng ta không đợi đối phương đồng ý thì đã hai tay mỗi tay nắm lấy một người: “Tay nghề của bà ngoại ta tuyệt lắm, đảm bảo hai vị nếm qua một lần sẽ còn nhớ mãi không thôi.”

Nhan Đàm nghe thấy nàng ta nói vậy, cảm thấy khá ư là có hứng thú.

Bọn họ bước vào gian chính, nhìn thấy một bà lão tóc bạc phơ đang bày bát đũa. Nhan Đàm không khỏi nghĩ thầm, bà lão này tuổi tác xem ra cũng đã lớn lắm rồi, chắc cũng phải đến bằng mớ lẻ trong đám tuổi của nàng, vậy mà còn phải bươn chải nuôi nấng hai chị em họ, quả là không dễ dàng gì.

Lúc bước tới cạnh bàn, Nhan Đàm đã tức thì trông thấy ngay chính giữa bàn là một bát cá đù vàng nấu với cải chua. Tết Đoan Ngọ, trừ ra bánh ú thì cá đù vàng cũng là món không thể thiếu.

Mà trong những việc Bách Linh đã tụng đi tụng lại ít nhất mười lần, thì có một việc chính là: Không cần biết đó là cá chưng, nướng, chiên hay được bắt từ sông, lạch hay biển, vẫn cứ là một điều luật, tuyệt đối không được dọn lên trước mặt sơn chủ. Mà nàng đã lại ngấm ngầm nghe ngóng được một điều nữa, chân thân của Dư Mặc chính là cá. Xét cho cùng thì trông thấy thi thể đã được nấu chín của đồng loại mình bị bày ra mâm đặt ngay trước mặt, lại còn phải giương mắt nhìn người ta nhai nuốt bọn họ, cảm giác nào cũng đều quả thực rất khủng khiếp.

Nhan Đàm không nhịn được liếc mắt sang lén dòm Dư Mặc, chỉ thấy hắn thần sắc bình thản, cứ như Thái Sơn có đổ sập xuống trước mặt thì hắn cũng chẳng mảy may biến sắc.

Chú thích:

(1) miến đúc chưng thịt: miến đúc thường được làm từ tinh bột đậu xanh, khoai lang hoặc gạo, cho thêm lượng nước thích hợp khuấy đều thành hỗn hợp sệt, nấu sôi rồi để nguội cho đặc lại. Có hai cách dùng chính là dùng nguội (với nước sốt ớt, lá kinh giới, dầu mè, giấm thơm, muối nhuyễn, nước ép tỏi…) và rán áp chảo (với dầu, muối, hành lá, gừng…).

(2) lạch Hoán Hoa: một con lạch nổi tiếng nằm ở Thành Đô ngày nay. Tương truyền thời nhà Đường có một nữ tử con nhà nông họ Nhậm, một ngày nọ trong lúc giặt quần áo bên bờ sông thì gặp một tăng nhân qua đường lở loét khắp người, tăng nhân này bị trượt chân té xuống mương, cà sa dính đầy bùn sình nên phải cởi ra xin cô gái giặt giúp. Nàng ta vui vẻ nhận lời, cùng lúc tăng bào được giặt, dưới sông không ngừng nổi lên vô số những đóa hoa sen ngũ sắc phủ đầy. Từ đó về sau người đời gọi nơi cô gái giặt áo là Bách Hoa đàm (đầm trăm hoa), nhánh sông nhỏ kia là Hoán Hoa khê (lạch rửa hoa) và cô gái nọ là Hoán Hoa phu nhân.

(3) gặp người nói tiếng người, gặp quỷ nó tiếng quỷ: (thành ngữ) tùy cơ ứng biến, gió chiều nào theo chiều nấy
Bình Luận (0)
Comment