Trăng Lạnh Như Sương

Chương 18

Kính Thân Vương đã hơi có cảm giác say, chàng đang không vui, chỉ có cứ ôm nỗi buồn bực mà uống rượu. Rượu Tửu Kính trong cung đặc mà nhuyễn, không giống với cái chất cay mà gắt như mũi dao nhọn của thứ rượu vùng phía Bắc Trường Thành.

Tiệc tùng nhạc nhẽo đã lên đến đoạn cao trào, tiếng dây đàn bật lên cấp bách liên tục vang  bên tai, chỉ cảm thấy phiền nhiễu không chịu nổi. Chàng vừa uống hai chén, đã cảm giác men rượu đột ngột xông lên, bèn đứng dậy đi ra. Ra tới hậu điện, mới biết đêm đã lạnh như nước, hơi lạnh thấm vào trong quần áo, ở bên ngoài tấm mành lụa còn trông thấy vài bóng đom đóm lập lòe, tựa như mấy đốm sáng lướt qua.

Chàng nhanh chóng bị tiếng côn trùng kêu chi chít ngoài kia dẫn dắt, bước xuống bậc thềm, chỉ thấy cung điện trùng trùng nối tiếp, đêm tĩnh tựa trong thơ.

“Vương gia.”

Chàng quay đầu lại, bắt gặp một gã nội quan, chắc khoảng hơn mười tuổi là cùng, cười hì hì hành lễ:

“Nô tì kính gặp Thập Nhất gia.”

Không đợi chàng trả lời, liền đi đến bên cạnh, Kính Thân Vương vốn đang không muốn gặp tên nội quan nào, cũng không nói gì. Nội quan kia đưa tay đỡ lấy cánh tay chàng, nói:

“Đêm khuyu gió rét, kính mong Vương gia giữ gìn thân thể.”

Kính Thân Vương chợt thấy lòng bàn tay cồm cộm, hình như là đã bị nhét vật gì vào, đang kinh ngạc thì gã nội quan đã thi lễ, khoanh tay rút lui.

Kính Thân Vương nhìn chung quanh không một bóng người, lúc này mới đưa tay lên, thì ra trong tay là một tấm khăn đội đầu  xếp thành hình vuông rất khéo léo. Nếp gấp của khăn cực tinh tế, phần chóp như ý được gấp cự kỳ rắc rối, mở ra thì trong có một mẩu giấy hoa mai nhạt màu, được bọc ở giữa là một hạt sen. Nương theo ánh đèn chiếu ra từ song cửa sổ hậu điện, đã thấy trên giấy viết “Mưa sa gió táp vỡ nhụy vàng/Phòng thúy đưa hương cành hợp hoan“. Nét chữ mềm mại, hình như chính là bút tích của con gái. Tim chàng bỗng thót lên, đập thình thịch, hốt nhiên nghĩ đến người thiếu nữ hái hoa sen trên thuyền hôm ấy, che tay áo cười chúm chím, mắt đẹp ngoái nhìn, quả tim trong ngực chỉ thiếu điều muốn nhảy ra khỏi cuống họng.

Quả nhiên bên dưới còn có một dòng chưc cực nhỏ “Vừa gặp quân tử, lòng nào không vui? Đợi chàng nơi đường hẻm Trường Canh, chỉ nguyện lòng chàng thấu lòng ta.”

Lòng chàng thì đã ngổn ngang, chỉ không biết cô gái áo xanh kia thân phận ra sao. Thực ra ngày ấy nàng vận trang phục thiếu nữ, nhưng trong cung, cho dù là một cung nữu tầm thường, bản thân là Vương gia, hẹn ước vụng trộm như thế  cũng quả thật chẳng còn ra thể thống gì.

Gió đêm dịu dàng, cảm giác man mát, hương thơm trên giấy thư kia phảng phất đưa tình, dường như đưa thấu tận tim can con người. Không khỏi nhớ đến cặp mắt nọ, làm thu trong vắt, làm người ta hồn xiêu phách lạc mà tim đập chân run. Lúc này ca thổi đã mơ hồ, có tiếng nói cười loáng thoáng truyền ra từ điện trước, phỏng chừng Ngô Chiêu nghi lại vừa đàn tấu một khúc, dĩ nhiên cũng dẫn theo một tràng hưởng ứng vang dội... náo nhiệt như thế, mà trong đình này lại chỉ có mỗi trăng mờ sao thưa, chính mình cũng chỉ là một cái bóng cô độc, in trên nền gạch bóng sáng ngời.

Trong lòng chàng nóng lên, gặp nhau một lần nào có ngại gì!

Nghĩ như vậy, lập tức bước xuống bậc thềm. Chung quanh yên ắng không tiếng động, chàng bước rất nhẹ, cửa Thùy Hoa vốn có hai gã nội quan đứng canh, thấy chàng đi ra thì khom mình hành lễ, bị chàng xua xua tay không ngừng.

Dáng vẻ thì như là đang bước nhàn tản bộ, lần theo dãy tường cao cao, đi thẳng một mạch về hướng tây. Bất giác đi rất xa, vòng qua một bức tường, đã thấy một cái lối giữa, nơi đây một bên là tường cung cao cao, một bên còn lại chính là cung Trường Canh, cho nên cái lối đi vừa hẹp vừa dài này được gọi là đường hẻm Trường Canh.

Bóng đêm thực sự đã dày, chỉ nghe tiếng côn trùng vào thu kêu rin rít, trên trời sao sáng như thủy ngân, ánh sao không ngớt sà xuống bên mái ngói như ánh ngọc lưu ly. Xa xa tuy có một vài đốm đèn, song mọi âm thanh đều bị đình chỉ trong cái tĩnh mịch, không hề nghe nửa tiếng người nói chuyện.

Chàng đứng đợi rất lâu, sau cùng thấy một bóng đèn như sao, dần dần bước lại gần, trong lòng cảm thấy vui vẻ. Cầm đèn đến chỉ là một cô gái trẻ tóc mai trái đào, cũng không nói một câu, chỉ gật đầu với chàng một cái ý ra hiệu, đoạn đưa đèn dẫn lối.

Chàng theo cô ta đi xuyên qua con hẻm, đi dọc theo tường cung một hồi lâu. Trong bóng tối không phân biệt được phương hướng, chỉ cảm giác vừa băng qua một cánh cửa nách, cuối cùng lại vượt một con đường quanh co, rốt cuộc cũng thấy được mái hiên cung điện trùng trùng, một góc mái cong tà tà như chọc vào màn đêm.

Bước qua một cánh cửa hẹp rồi lại ra phía sau một tấm bình phong mà trong phòng vẫn chưa đốt đèn, hình như là một gian phòng nhỏ[1] nằm chếch bên điện.

Loại phòng nhỏ này xưa nay là phòng trực đêm của nội quan hoặc cung nữ. Cô gái kia dẫn chàng vào phòng, thi lễ xong liền cầm đèn lặng lẽ thối lui. Nhìn ánh đèn leo lắt những tia cuối cùng cũng dần biến mất đằng sau cánh cửa, trong lòng chàng bỗng nổi lên một nỗi bất an. Chóp mũi đã bắt được một làn hương thoang thoảng kéo đến, đích thị là loại hương đốt trong lò sưởi mà trong cung thường dùng, bên tai lại nghe thấy có tiếng bước chân lộn xộn, rồi có người bước vào trước điện. Nghe âm thanh tà áo quét sàn sàn, dường như là không chỉ có một người.

Chàng không khỏi kinh ngạc.

Tiếng con gái vừa đi lại vừa trò chuyện, cách hơi xa nên nghe không rõ. Bất chợt loáng thoáng có tiếng gọi “Nương nương” đập vào tai khiến chàng cả kinh, trước mắt bỗng nhiên sáng ngời, thì ra đã có người vén mành đem đèn tiến vào. Một ánh đèn đột nhiên bừng sáng như vậy, chói mắt vô cùng, không thể không đưa tay lên che con mắt, đã nghe thấy có người hốt hoảng kinh hãi mà quát:

“Ở đâu ra một tên điên lớn mật, lại dám xông bừa vào buồng ngủ của nương nương thế này?”

Lòng chàng chợt trùng xuống, chỉ cố hết sức mà mở to hai mắt, mới thấy đèn lồng sáng như tuyết. Cầm đèn là một người ăn mặc trang phục nữ quan, theo ánh sáng còn có thể thấy một vị mỹ nhân yêu kiều, vốn đã dỡ hết trang phục, chỉ khoác một tấm áo choáng trắng muốt, tóc mây chảy dài như ngọc đen nhánh, hơi rối, buông xõa trên mặt đất. Cả người nàng tựa như chạm khắc từ băng ngọc, ẩn hiện ánh hào quang lộng lẫy, Nữ quan cầm đèn đã tiến lên, ý như muốn làm bức ngăn cách.

Chàng kinh ngạc đến mức bật thốt lên:

“Là cô...”

Nhưng lập tức phát hiện, mỹ nhân thanh lệ này và cô gái hái hoa sen ngày đó có khí chất hoàn toàn khác nhau. Thiếu nữ hái sen mặc dù  dung mạo giống hệt người này, song hành vi cử chỉ lại tựa như bóng hoa chập chờn, tình nhàn ý hạ, mà người trước mắt thì tĩnh lặng như nước hồ sâu, kề cạnh một bên là mảnh rừng băng giá. Trong thoáng chốc chỉ cảm thấy hoang mang, mà bóng hình trước mắt thì như thật như huyễn, nhất định không phải là thiếu nữ hái sen rồi!

Mỹ nhân thanh lệ ấy khẽ nhíu mày, vẫn chưa nói một câu nào, ngoài cửa đã nghe có tiếng vỗ tay, nữ quan thảng thốt kinh hoàng, chỉ kịp nói:

“Nương nương, Hoàng Thượng tới!”

Đến mới thực là nhanh, miệng nàng không khỏi nhếch một nét cười lạnh.

Hoàng Đế đã vào đến cửa điện, nội quan cầm ngọn đèn sáng rực càng ngày càng gần, một vòng ánh sáng bủa vây quanh Hoàng Đế mà tiến vào hậu điện, mà nội quan dẫn đầu là Triệu Hữu Trí rốt cuộc đã cảm nhận được sự bất thường, nhanh chóng ngừng bước, Hoàng Đế cũng dừng lại. Nhưng vừa bước qua tấm bình phong, tất thảy đều không có cách nào che giấu được nữa, Hoàng Đế lập tức nghi nghi hoặc  hoặc  nhìn hai người bọn họ.

Dường như là có người thầm hít vào một hơi, sắc mặt Hoàng Đế ở dưới ngọn đèn hình như đã bắt đầu đen lại, cảm thấy không  thể nào tin nổi một màn trước mắt, cho nên hỏi:

“Ngươi làm sao lại ở chỗ này? Đây là cái chuyện gì?”

Kính Thân Vương chỉ buộc quỳ sụp xuống, không thể nói lời nào, Như Sương thì chẳng buồn nhúc nhích, vẫn đứng nơi đó, cười mà như không.

“Nói mau!”

Hoàng Đế đã giận tím mặt.

“Đây là cái chuyện gì?!”

Kính Thân Vương đã sớm đổ mồ hôi lạnh ròng ròng, biết rõ mạng mình hôm nay khó giữ, chỉ có thể liên tục dập đầu, gắng gượng nói:

“Thần đệ...”

Lại không thể thốt ra được chữ nào nữa.

Hoàng Đế tức đến phát run, quay ngoắt sang, con mắt tóe lửa nhìn Như Sương. Mà Như Sương thì hờ hững, nói:

“Bất luận thần thiếp nói cái gì, Hoàng Thượng đều cũng sẽ không tin. Hôm nay thần thiếp bị người ta hãm hại, cũng không còn lời nào để nói.”

Ngực Hoàng Đế phập phồng dữ dội, hô hấp dồn dập. Triệu Hữu Trí thấy tình hình không ổn, chỉ kêu lên:

“Hoàng Thượng!”

Hoàng Đế đã nổi điên:

“Người đâu! Truyền Dịch đình lệnh!”

Triệu Hữu Trí lại kêu:

“Hoàng Thượng!”

Đây là chuyện gièm pha trong cung đình, liên quan đến thể diện, Hoàng Đế mặc dù đang trong cơn thịnh nộ, song vẫn biết là lão đang nhắc nhở bản thân, chuyện như  vầy  tuyệt không thể để truyền ra ngoài. Mặc kệ xử lý thế nào, vạn vạn lần cũng không thể để cho bên ngoài biết được, bằng không có khác nào đem vua ra làm trò hề cho thiên hạ!

Khai triều đã ba trăm năm đến nay, trong cung cấm cũng chưa hề xảy ra một vụ bê bối đến thế... Hoàng Đế hung dữ lườm Kính Thân Vương một cái, bỗng muốn giết người, song gần như ngay lập tức đè xuống:

“Kính Thân Vương trong tình trạng sau khi say rượu, trước mặt vua đánh mất oai nghi, nói ra những lời ô uế với Hoàng Thượng, phải chịu giam giữ tại Bắc Uyển, từ nay về sau nếu không có chiếu chỉ cấm không được bước qua cửa Uyển nửa bước!”

Đây là giới cấm, Triệu Hữu Trí không khỏi thở phào một hơi, nhắc nhở Kính Thân Vương:

“Mau mau tạ ơn!”

Kính Thân Vương thì còn đang bất động đến cứng đờ ở đó, Hoàng Đế nhìn chàng trừng trừng, giống như chỉ muốn dùng ánh mắt mà xoáy hai cái lỗ trên người chàng. Triệu Hữu Trí nháy mắt ra hiệu, lập tức có nội quan tiến lên, ấn Kính Thân Vương dập đầu một cái, đoạn rời đi. Giữa điện im ắng không một tiếng động, lúc này chỉ nghe thấy âm thanh đồng hồ nước chảy, một giọt rơi xuống đánh tách một cái, qua một hồi lâu, lại tiếp một giọt, nghe như tiếng mưa rơi.

Hoàng Đế rốt cuộc mở miệng nói:

“Thục phi Mộ thị tố tiết không đoan, ngay hôm nay tước bỏ phong vị, phế làm thường dân, giam cầm trong cung Vĩnh Thanh.

Con ngươi đen nặng nề của nàng nhìn chàng, vẫn bình lặng như nước, Hoàng Đế cả giận nói:

“Còn không mau lôi ra ngoài!”

Nội quan lúc này mới lấy dũng khi tiến lên kéo nàng, nàng thản nhiên nói:

“Ta tự mình đi được!”

Nàng vẫn mặc bộ đồ ngủ, chân trần bước theo nội quan xuống bậc thềm, đi thẳng không buồn ngoảnh lại.

Sáng sớm hôm sau Dự Thân Vương mới biết được tin tức, trong cung cấm vốn bị giấu kín đến giọt nước cũng không lọt. Chàng chỉ biết Kính Thân Vương sau khi uống rượu thất lễ, va chạm với Hoàng Đế, cho nên bị giáng chức, vì vậy bèn nhân trước lúc lâm triều một mình thỉnh gặp, ý muốn cầu tình giúp Kính Thân Vương. Nhưng đứng đợi hầu ngoài cửa Nghi Môn rất lâu, vẫn chưa được triệu kiến, đến tận đầu giờ Thìn, Hoàng Đế vẫn không chịu cho khởi triều. Đợi thêm một lát, mới nghe Tiểu Hoàng Môn truyền chỉ lâm triều, lúc này mới hay thì ra tối hôm qua Tình phi lâm bệnh qua đời.

Tình phi đã bao năm nay mắc bệnh trầm kha, cho nên chuyện chết vì bệnh cũng không khiến người ta bất ngờ, theo lệ cũ trong cung thì sẽ hạ chiếu chỉ xuống cho bộ Lễ, mệnh làm lễ truy phong Thụy hiệu(danh hiệu sau khi chết), việc này cũng đều đã trong dự liệu. Một điều kỳ lạ chính là, buổi chiều lại có thêm một ý chỉ, khiển trách Thục phi Mộ thị tố tiết không đoan, “Mặc dù cai quản lục cung, lại còn nảy sinh lòng ghen tỵ”, đối với một Tình phi bệnh lâu năm đã “Không thể quan tâm được nhiều hơn” lại còn động tí là “làm ra vẻ bề trên”, cho nên phế truất phong vị, giáng làm thường dân, giam cầm trong cung Vĩnh Thanh.

Cái này thì quả thực là vượt xa dự đoán, bởi Hoàng Đế yêu quý Như Sương, chiều chuộng còn vượt ngoài quy chế, vì chuyện phong phi mà tranh chấp cùng quần thần, làm Trình Phổ tức giận mà đổ bệnh một thời gian. Có ai ngờ một Tình phi lâu nay thất sủng, lại có thể vì cô mà phế truất Thục phi Mộ thị, thực đúng là một cử chỉ khiến người khác bất ngờ.

Cũng vì đó mà không quá mấy ngày, từ triều đình đến dân chúng lần lượt nổi lên những lời đồn đại, truyền nhau rằng, Tình phi chết chính là do Thục phi Mộ thị hãm hại, cho nên Hoàng Đế cuối cùng đã đem nhốt vị “phi tần hồ ly tinh” họ Mộ vào lãnh cung.

*********************************

Mới đầu Dự Thân Vương cũng không để ý đến mấy lời đồn đãi này lắm, xưa nay người ta vốn tỏ vẻ khinh thường với Thục phi Mộ thị, cho nên vui sướng khi thấy người gặp họa, mượn chuyện Tình phi mà thêu dệt đủ điều bịa đặt. Không ngờ qua một vài ngày nữa, nội dung đồn đại lại dần thay đổi, ai ai cũng nói Thục phi bị phế chính là vì tư thông với Định Vịnh – em trai cùng mẹ của Hoàng Đế, mà Tình phi lại phá hỏng cuộc hội ngộ của hai người, cho nên bị Thục phi họ Mộ  sai kẻ đi đầu độc hòng giết người diệt khẩu, Hoàng Đế nổi trận lôi đình đã phế truất Thục phi, giam lỏng Kính Thân Vương.

Một khoảng thời gian, giữa phường buôn phố chợ bàn tán như đã tường tận lắm, mượn bữa trà dư tửu hậu, lại càng kháo cho nhau nghe thêm mười phần sinh động. Luôn luôn có khoảng dăm ba người tụ tập lại, đợi hầu bàn mang trà đến, còn chưa trò chuyện được mấy chữ, rốt cuộc vẫn là hoặc chủ hoặc khách sẽ có người lôi ra cái chuyện “Thiên hạ đệ nhất nực cười” này ra. Lại là Kính Thân Vương cùng Thục phi bí mật ước hẹn như thế nào, Tình phi tự mình đưa hoa lại vô tình bắt gặp hai người ra sao, Thục phi thẹn quá hóa giận ra sao, rồi cử nội quan tâm phúc bí mật bỏ độc vào cháo hại Tình phi như thế nào, mà Hoàng Đế thăm hỏi Tình phi lúc lâm chung, cuối cùng biết được chân tướng thì nổi giận đùng đùng suốt đêm tuyên triệu Dịch đình lệnh(bộ phận xét xử)...

Đầy đủ tình tiết tỉ mỉ như thể tai nghe mắt thấy, chuyện bê bối trong cung đình đến bực này dĩ nhiên sẽ làm cho người ta hiếu kỳ không thôi, người nói thì nước miếng bay vèo vèo, người nghe thì tấm tắc lấy làm hay.

Dự Thân Vương phải hơn tháng sau mới biết được ngọn nguồn, bởi vì thân phận của chàng tôn quý, hơn nữa lại có quan hệ cực kỳ thân thiết với Hoàng Đế, cho nên không ai dám đề cập đến chuyện này trước mặt chàng. Nhưng cuối cùng thì miệng lưỡi thế gian như nước sôi lửa bỏng, quả thực giấu giếm không được. Dự Thân Vương bấy giờ mới biết bên ngoài lại có mấy kiểu “Chuyện châm biếm” như thế, không khỏi lấy làm buồn lòng.

Vốn còn đang đợt lũ mùa thu trên sông Mẫn, vỡ đê cũng không ít hơn bốn chục địa điểm, ba châu mười lăm huyện cùng hàng vạn khoảnh (khoảng 6 6667hecta/1 khoảnh) ruộng phì nhiêu đều chìm ngập trong biển nước, mấy vạn dân tị nạn trôi dạt khắp nơi, rày đây mai đó, thậm chí còn phát sinh cả dịch bệnh, luôn phải cấp bách điều động lượng thực cùng thuốc men đi cứu trợ thiên tai.

Mà cuối thu thì ngựa béo, bộ phận quân Kỷ Nhĩ Mậu lại thừa dịp xuống nam, quấy nhiễu vùng quan ải Định Lan. Nguyên là hằng năm vào những ngày này đều có quân du thủ du thực đến xâm phạm, quân phòng thủ nhất thời sơ suất, lại để cho gián điệp trà trộn vào trong quan ải Định Lan, hơn mười gián điệp nửa đêm khuya khoắt đồng loạt phóng hỏa, quân dân toàn thành ồ ra dập lửa không kịp, trong một đêm rốt cuộc cả thành Định Lan bị đốt cho xơ xác tiêu điều.

Quan ải Định Lan chính là vùng cửa khẩu tây bắc được triều đình chú trọng nhất, gặp biến cố bất ngờ, tức tốc điều động quân đội đóng ở Hạc châu và Phồn châu lên bắc viện trợ, kịch chiến cùng kỵ binh của Kỷ Nhĩ Mậu đã lâu ngày, thế nhưng vẫn không thể nào phân chia cao thấp.

Mắt thấy đã không thể không điều tiếp bắc doanh đi cứu viện, cái gọi ‘loạn trong giặc ngoài’ chính là đây, ngay cả cuộc đi săn thú mùa thu theo lệ của Hoàng Đế cũng đều phải hoãn chưa biết đến khi nào. Mà Dự Thân Vương thân là tổng đương việc lớn quốc gia thì đã mấy ngày qua chưa hề chợp mắt, lại nghe thế gian đồn đãi mấy “chuyện châm biếm” như vậy, lập tức cảm thấy đầu váng mắt hoa, gắng gượng bám lấy bàn mà đứng lên, chỉ nói:

“Thay thường phục.”

Vẻ mặt đã trở lại như thường.

“Đi Thượng Uyển.”

Nguyên là bệnh dịch tràn lan, Hoàng Đế mấy ngày qua bị nhiễm gió lạnh, cho nên đã di giá đi Thượng Uyển dưỡng bệnh. Nội quan đại thần đều không hộ tống theo, cũng may ngựa phi như bay chỉ nửa ngày là đến nơi, xa xa đã trông thấy một hàng cây phong đỏ rực màu lửa, như bốc cháy cả một góc trời, thấp thoáng sắc đen ngọc lưu ly liên tục nhô lên hạ xuống, quả là một cảnh sắc thiên thu say đắm lòng người đất Thượng Uyển.

Tây Trường kinh khí hậu ôn hòa, hơi thu đậm đà trong màu lá phong đỏ chính vào đúng tháng chín, song, loại Hỏa Phong của Thượng Uyển thì khác hẳn các giống cây bình thường, mới tháng bảy mà lá đã đỏ như thiêu, cho nên mới nói: phong Thượng Uyển chính là một thắng cảnh kỳ quan, xưa nay vốn là nguồn cảm hứng cho biết bao thi từ ca phú của các bậc nho gia lão học.

Tinh thần của Hoàng Đế cũng không tồi, chỉ có vóc dáng hơi hao gầy, khoác tấm áo kép ngồi trên đài Thính Ba, nhìn xem bọn tiểu thái giám đang dựng giàn hoa cúc, đứng hầu phía sau vẫn là hái giám ban Ti Lễ Triệu Hữu Trí.

Thấy Trình Viễn dẫn Dự Thân Vương tiến vào, Hoàng Đế có vẻ rất hào hứng:

“Nghe nói đệ đang khủng hoảng ngập đầu, làm thế nào còn có thời gian rảnh rỗi mà đến thăm ta?”

Dự Thân Vương chỉ hành lễ mà không lên tiếng, Hoàng Đế mệnh cho Trình Viễn đỡ dậy, cười nói:

“Nhìn xem đệ gầy đến mức này, quả thực làm trẫm đâu lòng quá. Có chút việc nhỏ, cứ giao cho bọn đầy tớ làm là được rồi, phải biết tự chăm sóc bản thân chứ.”

Dự Thân Vương lúc này mới nói:

“Thần đệ có một yêu cầu hơi quá đáng, nhưng vẫn thỉnh Hoàng Thượng y chuẩn.”

Hoàng Đế hỏi:

“Chuyện gì?”

“Bắc doanh đang gấp rút đi tiếp viện quan ải Định Lan, thế nhưng lại chưa có người cầm quân, thần đệ thỉnh Hoàng Thượng đặc xá tội lỗi cho Thập Nhất đệ, để đệ ấy dẫn binh mà đi.”

Hoàng Đế thoáng biến sắc, nhưng trong nháy mắt đã cười:

“Võ tướng cả triều đình, tại sao lại chỉ muốn mình nó đi?”

“Thập Nhất đệ tuy là phạm lỗi lớn, nhưng vẫn là anh em cùng một mẹ sinh ra với Hoàng Thượng, mong Hoàng Thượng xét tình Hiếu Di Hoàng thái hậu, bỏ qua cho cậu ta một lần này.”

Hoàng Đế không đáp, trong phút chốc cả gian nhà thủy tạ (nhà xây trên mặt nước) trở nên yên ắng, chỉ nghe bên dưới đầm sen cuối mùa ngẫu nhiên “tách” một tiếng, chắc hẳn là một chú ếch còn chậm chạp chưa tấp bùn ngủ đông vừa nhảy vào trong nước. Hoàng Đế nhìn gợn sóng đang dần dần lan rộng đến xuất thần:

“Có bộ phận nào gây khó dễ, đệ cứ nói.”

Một “chuyện châm biếm” thiên hạ như thế, làm sao mà đem ra nói cho Hoàng Thượng nghe? Dự Thân Vương vẫn im lặng nhíu mày, có vẻ lập lờ:

“Kỳ thực là tính tình Thập Nhất đệ vốn giãi đãi, Hoàng Thượng cũng biết người ngoài... Huống hồ xử lý Thập Nhất đệ như vậy, không tránh khỏi bên ngoài có điều bàn tán.”

Hoàng Đế hỏi:

“Bàn tán cái gì?”

Dự Thân Vương thấy giấu giếm không được nữa, vả lại trong triều đình, chỉ e ngoài bản thân mình ra, cũng tuyệt không có hoàng thân quốc thích nào dám báo cáo lại với Hoàng Thượng, vì vậy bèn đem những lời đồn đãi tấu lại một cách giản lược nhất. Chàng đã cố tránh nặng tìm nhẹ, làm như nói bâng quơ, vậy mà vẫn khiến Hoàng Đế tức giận đến phát run lên, đứng phắt dậy, bước xuống khỏi ghế ngồi, đi đi lại lại hai vòng quanh nhà thủy tạ.

Dự Thân Vương thấy chàng nóng nảy, vội hỏi:

“Tứ ca, chuyện này nhất định là xuất phát từ bọn tiểu nhân có dụng tâm sâu kín, cố tình đi gieo rắc làm vấy bẩn danh dự cao quý của Tứ ca, xin người đừng để trong lòng. Thần đã mệnh cho binh mã cửu thành âm thầm bí mật điều tra, tìm cách ngừng mọi lời đồn đãi lại.”

Hoàng Đế tuy giận dữ mà lại cười:

“Hay, hay lắm.”

Chàng ngước mắt, nhìn về phía một mảnh hồ hiu quanh với những đóa sen đã tàn:

“Làm cho người ta truyền đại những lời như vậy, quả thực là thông minh đấy. Muốn dùng cách này mà bức ta phải thả Định Vịnh, khôi phục lại vương tước, đoạn sẽ giao phó trọng trách cho nó, hoặc sẽ phải giao nộp binh quyền, đổi lại trong dân gian sẽ không còn bàn tán về chuyện anh em ta có hiềm khích? Hừ, đáng tiếc, trẫm sẽ không để cho hắn được toại nguyện.”

“Lão Thất, đệ về kinh trước đi.”

Khóe miệng Hoàng Đế khẽ nhếch:

“Về phần ai lãnh binh đi Định Lan, trẫm sẽ tìm được một người tốt hơn... Duệ Thân Vương Định Trạm thuở nhỏ tinh thông binh pháp, võ nghệ dũng mãnh, hẳn nên để cậu ta lĩnh quân bắc doanh đi chi viện cho Định Lan đi.”

“Tứ ca.”

Hoàng Đế khẽ cười lạnh:

“Hắn đã cho rằng ta sẽ không dễ dàng giao binh quyền vào trong tay hắn, cho nên mới nghĩ xuống tay với Định Vịnh, hay thay một kế “Dương đông kích tây” này. Ha, cho rằng trẫm không dám sao, trẫm mới cho hắn biết thế nào là “gậy ông đập lưng ông”.

Bắc doanh chính là do một tay Dự Thân Vương khéo tổ chức dạy dỗ mà nên, toàn bộ binh tốt sĩ quan, hết thảy đều trung thành đáng tín nhiệm, vả lại vùng tây bắc đều là sa mạc hoang vu, triều đình chỉ cần nhanh chóng cung cấp lương thảo, nhất định đại quân sẽ không xảy ra biến cố gì.

Nghe những lời kia của Hoàng Đế, trong lòng Dự Thân Vương cũng đã thông hiểu mấy phần. Hoàng Đế hơi hơi nheo con mắt, vẻ mặt như thờ ơ:

“Về phần Định Vịnh, muốn thả liền thả đi, đồng thời sẽ cho nó đeo thêm tội ban sai, cùng đại quân của Duệ Thân Vương đi trưng thu lương thực.”

Trưng thu lương thực là một loại khổ sai chẳng khác nào khoai nóng bỏng tay.

Vì lũ quét hoành hành mà mùa vụ ở Lưỡng Châu vốn có tiếng “Gặt hái thành thục, thiên hạ sung túc”, năm nay đột nhiên lại gặp tai họa bất ngờ ít có, rốt cuộc đến một hạt thóc cũng không thu được. Dân tị nạn ào ào đổ lên bắc, sống lang thang bất định, dọc đường chết vì bệnh tật nhiều vô kể, còn đem ôn dịch mà lây lan đến cả những châu quận khác ở phía bắc. Các châu ở đất bắc vội vàng thi hành công tác phòng chống dịch bệnh, lại còn phải kiêm thêm việc phân phối lương thực đến vùng phía nam hòng cứu trợ thiên tai, quan lại cùng bách tính đều khốn khổ không sao kể xiết.

Mà tình hình chiến sự nơi quan ải Định Lan ngày càng căng thẳng, đại quân sắp tới sẽ tạm rút, trưng thu thuế ruộng cấp bách lửa xém lông mày, lại càng như trăm cân còn đổ thêm cân. Kính Thân Vương thì tính tình vốn cẩu thả lại cục cằn, điều cậu ta đi trưng thu lương thực, chỉ e cậu chàng sẽ làm mất lòng cho bằng hết toàn bộ đại quan tướng soái nơi biên cương mới thôi.

Qua một hồi trao đổi bàn bạc, Dự Thân Vương hành lễ cáo lui, Hoàng Đế bỗng gọi chàng lại:

“Lão Thất.”

Dự Thân Vương dừng bước, Hoàng Đế lại ngừng một chút, mới từ đôi môi mỏng nặn ra một câu:

“Cung Vĩnh Thanh, đệ gia tăng thêm người chú ý, đừng để cho nàng chết mất.”

Nhỡ mà Như Sương bị phế làm thường dân mà còn gặp chuyện gì ngoài ý muốn, rồi lại bị đồn đãi ra ngoài, chắc chắn lần này sẽ là một truyền thuyết cho rằng Hoàng Đế thẹn quá hóa giận mà “giết người diệt khẩu”, cái này có lẽ cũng sẽ là một kế hoạch về sau của Duệ Thân Vương, cho nên Hoàng Đế mới cố ý dặn dò như vậy.

Dự Thân Vương đáp:

“Thần đệ tuân chỉ.”

******************************************

[1] Nguyên bản “vũ phòng”: hai dãy nhà làm ở hai bên, nhà giữa gọi là vũ
Bình Luận (0)
Comment