Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ

Chương 1

Xuân đã qua từ lâu, nhưng cái lạnh cuối xuân bất chợt lại ùa về. So với chút hơi thở mong manh của mùa xuân, những cơn gió lạnh lẽo cùng nhiệt độ thấp khiến người ta cảm giác như mùa đông vẫn còn vương vấn.

Máy sưởi trong xe đang hoạt động. Uông Tễ dùng mu bàn tay áp lên khuôn mặt hơi nóng bừng, sau đó hé cửa sổ một khe nhỏ. Sáng nay vừa có trận mưa, không khí giờ đây ẩm ướt. Anh nhìn về phía dãy núi xa xa mờ ảo trong mây mù, cảm nhận tim mình đập nhanh hơn từng nhịp.

“Còn một hầm nữa thôi… Cuối cùng cũng về tới rồi.” Anh lẩm bẩm, những chữ cuối như hòa tan vào làn sương mờ mịt.

Tài xế tưởng anh đang nói chuyện, liền hồ hởi đáp: “Hầm này qua xong chạy thêm vài phút nữa là xuống cao tốc. Cậu muốn đi đâu? Nếu về thị trấn, tôi có thể chở thẳng về nhà luôn.”

Lời nói kéo Uông Tễ trở về thực tại. Anh lắc đầu cười nhẹ: “Không cần đâu, xuống cao tốc tìm chỗ nào tiện thì thả tôi xuống là được. Tôi không về thị trấn, tôi về Vân Lĩnh.”

“Ồ, vậy còn xa đấy! Cậu về thăm họ hàng à?” Tài xế liếc nhìn qua gương chiếu hậu, thấy người thanh niên ngồi sau có vẻ ngoài ấm áp, nho nhã.

“Ừ, về quê nhà.”

Nhưng không phải để thăm họ hàng, mà để về trồng trọt.

Khi vừa xuống khỏi cao tốc, Uông Dịch Dương đã đợi sẵn ở trạm xe buýt gần lối ra.

Thấy Uông Tễ kéo vali bước tới, bao lời trách móc anh không có nghĩa khí, tới thành phố lại không gọi mình ra đón như những người bạn thân đúng nghĩa chỉ kịp trôi qua đầu lưỡi. Nhưng cơ thể nhanh hơn lời nói, cậu ta vội bước tới ôm chầm lấy Uông Tễ.

“Cuối cùng cũng gặp lại nhau!” Cậu ta vỗ nhẹ vai Uông Tễ, giọng xúc động.

Uông Tễ cười, vỗ vai đáp lại. Hai người đã hơn một năm không gặp, lần gần nhất cũng chỉ là một buổi ăn vội chưa đầy hai mươi phút ở quán lẩu gần công ty Uông Tễ tại Thượng Hải.

Hôm ấy, trong khi Uông Dịch Dương đang cay xè với viên bò viên tự làm, phải đi lấy ngay hai bát thạch rau câu lạnh, thì Uông Tễ đã đặt đũa xuống để nhận một cuộc điện thoại công việc.

Cái ôm chân tình giữa hai người tại trạm xe buýt thu hút ánh nhìn tò mò của mọi người xung quanh. Trong ánh mắt dò xét của các cô chú lớn tuổi, Uông Dịch Dương nhanh chóng rụt tay lại: “Đi thôi, lên xe! Kiếm gì ăn sáng đã rồi về nhà.”

Huyện Nguyệt Lâm là một thị trấn nhỏ bốn bề núi non bao quanh. Trước đây, nơi này nghèo xơ xác, sau nhờ khai thác tiềm năng du lịch từ phong cảnh non nước hữu tình mà kinh tế phát triển lên không ít.

Bữa sáng ở thị trấn không có gì cầu kỳ. Sau khi đỗ xe, Uông Tễ và Uông Dịch Dương chọn đại một quán ăn sáng nhỏ để lót dạ.

Sáng cuối tuần, mới hơn tám giờ rưỡi, thị trấn vẫn còn ngái ngủ, trên phố người qua lại uể oải lười nhác.

Tránh chiếc xe điện loạng choạng với túi bánh bao treo lủng lẳng ở tay lái, hai người bước vào quán và tìm một chiếc bàn trống.

“Chủ quán, cho hai bát mì vịt hầm, thêm trứng ốp la và đậu phụ khô nhé!” Uông Dịch Dương gọi món.

Chủ quán nhanh nhẹn đáp lời. Uông Tễ suy nghĩ một chút rồi nói thêm: “Cho tôi thêm một xửng bánh bao hấp.”

Cũng không phải vì gì đặc biệt, chỉ là túi bánh bao kia với lớp dầu bóng bẩy trong túi nylon rung rinh nãy giờ trông quá thơm.

Quán nằm ngay cổng khu dân cư nên rất đông khách. Các bàn gỗ đã kín chỗ.

Ở bàn bên cạnh là một cặp vợ chồng dắt theo đứa con nhỏ. Cô bé trông chừng đang tuổi mẫu giáo, tóc tết hai bím, cột bằng dây nơ bướm màu hồng, trên nơ còn gắn cả hạt lấp lánh. Cô bé ngoan ngoãn dùng đũa gắp bánh bao chấm giấm, bất ngờ bị nước sốt nóng bắn lên làm mặt nhăn nhó. Người mẹ vội lấy khăn giấy lau miệng cho con, trong khi người cha vừa cười vừa dùng điện thoại chụp lại cảnh này.

Cách đó không xa, một đôi trẻ tuổi cũng đang ngồi ăn sáng. Họ khoác áo ngoài nhưng bên trong vẫn mặc nguyên đồ ngủ, chắc là cư dân trong khu, vừa thức dậy đã xuống tìm gì đó ăn. Cô gái một tay vén hờ mái tóc, tay kia cầm thìa múc tàu hũ ngọt. Chàng trai thì vừa xem livestream game vừa ăn mì, ăn được vài đũa liền đặt xuống: “Để anh qua tiệm tạp hóa mua dây buộc tóc cho em.”

Cô gái phụng phịu: “Không cần, buộc dây làm tóc có nếp, rối hết cả.”

“Ba ngày rồi em chưa gội đầu, nay lại thứ bảy, chắc chắn cũng chẳng gội, tóc có rối thêm chút cũng đâu sao.”

“Cút đi!”

Ở góc quán, hai ông bà già tóc bạc trắng đang yên lặng ăn sáng. Trên bàn của họ là hai bát cháo đậu đỏ, một đĩa dưa muối nhỏ, hai quả trứng trà và hai chiếc bánh bao nhân rau.

Hai người từ tốn ăn hết phần của mình, rồi lấy ra một xấp tiền mặt được gấp gọn gàng, đặt vào hộp tiền trên quầy. Bà chủ quán nhìn họ, cười nói: “Hôm nay hai ông bà lại đi dạo hả? Trời mưa, đường trơn lắm đấy.”

Hai ông bà cười hiền hậu: “Không đi dạo đâu, ra chợ mua chút đồ, trưa nay các con về ăn cơm.” Nói rồi, họ sóng vai bước ra ngoài.

Uông Tễ nhìn theo bóng lưng họ, bất giác mỉm cười. Nhịp tim dồn dập suốt buổi sáng cũng dần chậm lại, mang theo cảm giác yên bình.

Uông Dịch Dương vừa định hỏi anh tự dưng cười ngớ ngẩn cái gì thì bà chủ quán đã bưng mì và bánh bao lên bàn.

Uông Tễ vội vươn tay đón: “Cảm ơn chị.”

“Cẩn thận nóng đấy,” bà chủ căn dặn, “giấm và ớt có trên bàn, còn dưa muối thì ở góc kia. Đậu đũa và củ cải đều là nhà tự muối, cứ lấy thoải mái, không tính tiền.”

“Chị chu đáo quá.” Uông Tễ vừa nói vừa rút hai đôi đũa từ ống, đưa một đôi cho Uông Dịch Dương.

Bà chủ quán nhìn anh một lát, cười bảo: “Chàng trai, lần đầu tới đây phải không?”

Uông Tễ ngẩng đầu lên, hơi ngơ ngác: “Dạ?”

Uông Dịch Dương xen vào, cười nói: “Wow, bà chủ, quán đông khách thế này mà chị còn nhớ rõ từng người luôn hả? Không ngờ đó nha!”

Bà chủ bật cười: “Cậu đẹp trai thế này, lại ăn nói nhẹ nhàng lịch sự. Chỉ cần cậu tới một lần là tôi nhớ ngay. Sau này tôi phải ưu tiên, gắp thêm vài miếng tiết vịt vào tô cho cậu.”

“Ông chủ, bà chủ khen thế không ghen hả?” Uông Dịch Dương giả bộ trêu, lớn tiếng gọi về phía bếp.

Ông chủ đang kéo mì bật cười sảng khoái.

Uông Tễ hơi đỏ mặt, cúi đầu tập trung vào bát mì nóng hổi trước mặt.

Tô mì vịt thoạt nhìn nước trong veo, nhưng khi nếm lại cực kỳ đậm đà, vị thịt vịt thơm lừng ngấm trong từng giọt nước dùng. Sợi mì làm tay dai và mịn, thấm đẫm nước súp, vừa đưa vào miệng là đủ xua tan cái se lạnh của buổi sáng mưa.

Uông Dịch Dương vừa húp mì xì xụp, vừa nhai đầy phấn khích, trong khi Uông Tễ bị nước nóng làm bỏng, phải há miệng hít hà cho nguội bớt.

Anh lấy một đĩa nhỏ, tự pha nước chấm cho bánh bao. Nhiều giấm, ít ớt. Nhân tiện, anh cũng pha luôn một phần cho Uông Dịch Dương.

Uông Dịch Dương học theo, vờ cúi đầu cung kính: “Cảm ơn anh đại.”

Ngay lập tức, cậu ta bị Uông Tễ dùng đũa gõ nhẹ vào tay.

Uông Dịch Dương cười xòa: “Anh đúng là đi làm lâu quá rồi, nói năng kiểu dân văn phòng bám riết không bỏ được!”

Uông Tễ cầm một chiếc bánh bao căng tròn, đáp lời: “Làm dân văn phòng gần chục năm, muốn thay đổi cũng chẳng dễ.”

Anh học xong sớm, tốt nghiệp thạc sĩ lúc mới 23 tuổi, sau đó vào làm ở công ty lớn. Giờ đã 32, gió sương mười năm qua đã để lại dấu ấn trong tâm hồn, nhưng chưa kịp chạm đến vẻ ngoài trẻ trung như sinh viên của anh.

Cẩn thận cắn một miếng nhỏ trên chiếc bánh bao, anh hút phần nước thịt bên trong, vị thơm béo đậm đà lan tỏa khiến anh nheo mắt hài lòng. Khi nước đã hết, anh nhúng vỏ bánh vào nước chấm đầy giấm và dầu ớt rồi ăn gọn trong một miếng.

Dù đã vào độ tuổi sắp trung niên, Uông Tễ vẫn giữ được nét trẻ trung. Sự từng trải chỉ mài giũa nội tâm, chứ không nỡ khắc lên khuôn mặt anh.

Tô mì và xửng bánh bao đều được hai người ăn sạch sẽ, không để lại chút gì. Thanh toán xong, họ bước sang siêu thị bên cạnh.

Căn nhà ở quê của Uông Tễ từ lúc ông nội anh mất ba năm trước đã để không. Bố mẹ Uông Dịch Dương, nghe tin anh về, mấy ngày nay đã lo thu dọn giúp. Điện, nước, mạng, và gas đều được nối lại, nội thất và đồ gia dụng đầy đủ, vệ sinh cũng đã xong. Anh chỉ cần mua thêm vài món đồ sinh hoạt là có thể ở ngay.

Hai người đẩy ra hai xe hàng đầy ắp, chất đống lên xe rồi lái về Vân Lĩnh.

Con đường đèo vòng quanh núi, một bên là vách đá, một bên là vực sâu. Ngày mưa, núi non chìm trong làn sương dày, mây mù quấn quanh, tựa như tranh thủy mặc.

Uông Tễ tựa đầu vào cửa xe, trầm tư nhìn ra ngoài. Trong bầu không khí tĩnh lặng, Uông Dịch Dương liếc anh một cái, lên tiếng hỏi: “Sao vậy? Hối hận rồi à?”

Uông Tễ lắc đầu: “Không hối hận.”

Uông Dịch Dương cười: “Hối hận cũng là chuyện bình thường. Dù sao đó cũng là Thượng Hải, thành phố lớn lại còn làm ở công ty lớn. Tiền kiếm được nhiều hơn mấy năm của tụi này. Không chỉ ở quê, mà ngay cả đám bạn cấp ba của tụi mình, ai mà không ghen tị chứ?”

Uông Tễ cười khẽ: “Thật sự không hối hận.”

Anh dùng đầu ngón tay vẽ nguệch ngoạc trên cửa kính, rồi nghiêm túc nói: “Quá mệt mỏi rồi, muốn nghỉ ngơi một thời gian.”

Hai tuần trước, cấp trên của anh, Amanda, đã gọi anh lên.

Uông Tễ gia nhập công ty từ khi tốt nghiệp đã chín năm. Ban đầu, dù học ngành kỹ thuật tại một trường danh tiếng, anh lại được xếp vào vị trí không thuộc chuyên môn. Từ nhân viên cấp P5, anh mất ba năm để lên P6, rồi thêm ba năm nữa lên P7. Mọi thứ diễn ra nhanh chóng nhưng không hề dễ dàng, bởi anh phải đánh đổi bằng cả sức khỏe lẫn thời gian.

Thế nhưng, từ đó anh không thể tiến xa hơn. P8 được coi là “trần nhà” của người bình thường, và anh chỉ cách nó một bước chân. Thế nhưng, ba năm ở P7, cơ hội thăng tiến và tăng lương như xa vời. Chuyển bộ phận cũng là điều bất khả thi. Trong khi đồng nghiệp cùng cấp liên tiếp thăng tiến, anh buộc phải thừa nhận bản thân đã lạc lối giữa chặng đường, dù xuất phát điểm không hề thấp.

Liên tiếp năm ngày tăng ca, từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, Uông Tễ không biết mình đã uống bao nhiêu ly espresso. Nhìn đôi môi đỏ thắm của Amanda mấp máy, anh không còn nghe rõ cô ta đang nói gì.

Có lẽ vẫn là những lời quen thuộc: học cách nhìn sắc mặt lãnh đạo, muốn thăng chức thì phải nắm bắt từng cơ hội.

Anh cảm thấy mình như một cục pin đã cạn sạch năng lượng. Ngay trong giây phút cuối cùng trước khi “hết hạn sử dụng” anh nghe thấy Amanda nói rõ ràng: “Uông Tễ, chúng ta hiện tại giống như đang ngồi trên một đoàn tàu cao tốc. Hoặc là anh nắm bắt cơ hội và nhảy lên tàu, hoặc sẽ bị bỏ lại phía sau, chỉ còn biết hít khói tàu mà thôi….”

Kết quả kiểm tra sức khỏe tuần trước không khả quan. Đặt tay lên ngực, cảm nhận nhịp tim bất thường, Uông Tễ đã quyết định: anh chấp nhận trở thành “người bị bỏ lại”

Vân Lĩnh là một ngôi làng nhỏ thuộc một xã trên núi. Cả xã không lớn cũng chẳng giàu có, chỉ có ba thôn nằm sát nhau.

Uông Tễ và Uông Dịch Dương lái xe đến ủy ban xã trước, rồi từ đó tiếp tục đi thêm khoảng mười phút nữa để lên núi.

Dọc đường toàn là nhà dân, nhưng chỉ đến khu vực gần ủy ban xã mới thấy có cửa hàng và trường học. Trước đây Uông Tễ không để ý, giờ quan sát kỹ, anh nhận ra con phố nhỏ này tuy không lớn nhưng đủ loại dịch vụ. Tuy nhiên, vì là vùng nông thôn, các cửa hàng đều nhỏ bé; siêu thị lớn nhất ở đây cũng chỉ có ba mặt tiền.

“Ở quê nhà nào chẳng có ruộng, sao vẫn có người bán rau thế nhỉ?” Uông Tễ tò mò.

“Bây giờ ở quê cũng không phải nhà nào cũng trồng rau đâu,” Uông Dịch Dương đáp, liếc nhìn anh. “Nhiều người đi làm xa, ruộng đất bỏ không đầy.”

“Chẳng hạn như ruộng nhà anh?” Uông Tễ cười khẽ, xoay cổ cho bớt mỏi, trong đầu bắt đầu nghĩ cách khai hoang lại.

“Thế anh thật sự định trồng rau hả? Muốn ăn thì cứ qua vườn nhà em mà hái, rau còn dư đầy đấy.”

“Đã nói là về quê làm nông, lát nữa anh sang nhà chú thím mượn ít hạt giống với cây con.”

Uông Dịch Dương chỉ cười, nghĩ anh nói chơi, bèn gật đầu: “Được chớ.”

Làng Vân Lĩnh dựa lưng vào núi, trước đây chia làm ba đội sản xuất, sau cải cách được phân thành ba tổ. Tên gọi các tổ rất đơn giản, từ chân núi lên lần lượt là Hạ Lĩnh, Trung Lĩnh, và Thượng Lĩnh.

Nhà của Uông Tễ và Uông Dịch Dương đều nằm ở Thượng Lĩnh.

30 năm trước khi ông nội của Uông Tễ còn làm bí thư Đảng ủy xã, rất nhiều người khuyên ông chuyển nhà xuống chân núi, kể cả bố của anh, Uông Vân Giang. Dù sao đất ở đó cũng là của nhà nước, chuyển xuống vừa gần đường vừa khỏi phải ngày ngày leo núi lội bùn. Nhưng ông nội là người chính trực, không muốn đụng đến một cây kim sợi chỉ của công, huống chi là đất đai. Vì chuyện này, Uông Vân Giang từng tranh cãi gay gắt với ông cụ, mãi đến khi ông được điều lên huyện công tác và được cấp nhà ở mới ngừng phàn nàn.

Chiếc xe men theo con đường bê tông chạy lên núi. Những ngôi nhà mái ngói tường đất của làng quê từ vài năm trước giờ đã được thay bằng những căn nhà tự xây hai, ba tầng. Làng ít người, nên mỗi nhà đều có sân riêng, không sát vách ai.

Càng gần đến đỉnh núi, số nhà càng thưa thớt, chỉ lác đác ẩn mình sau những tán cây và bụi hoa.

Nhà của Uông Tễ nằm ở phía trên. Xe chạy qua cổng nhà Uông Dịch Dương trước.

Ba mẹ của Uông Dịch Dương, biết hai người sắp về, đã sớm kê ghế ngồi chờ dưới mái hiên. Thấy xe đến, họ vội chạy ra đón.

“Ôi trời, thằng Tễ về thật rồi à?”

“Chà, càng lớn càng đẹp trai nhỉ!”

“Chào chú Uông, chào thím Uông.” Vừa bước xuống xe, Uông Tễ đã bị đôi vợ chồng xoay một vòng xem xét kỹ lưỡng. Đến khi anh lấy từ xe ra rượu thuốc và quà biếu, lại bị “trách yêu” vì tốn tiền.

Ở làng này họ Uông rất nhiều, tính ra nhà của Uông Tễ và Dịch Dương còn là họ hàng thân thích.

Có lẽ vì Uông Dịch Dương đã báo trước, nên chú thím hoàn toàn không hỏi Uông Tễ lý do về quê hay định ở bao lâu, chỉ liên tục rót trà, mang ra đĩa trái cây mời anh.

“Trái cây vẫn là mua từ Tết, nhưng toàn loại ngon cả đấy. Thím tính cân thêm ít kẹo Kim Ti Tước với Thỏ Trắng, mà chú nhà bây bảo kẹo đó rẻ tiền, giờ bọn trẻ không thích ăn nữa.” Thím vừa nói vừa đặt đĩa trái cây trước mặt anh, không nhịn được liền đưa tay vuốt mái tóc anh một cách trìu mến, “Bây gầy đi rồi.”

Mưa nhỏ tí tách rơi từ mái hiên xuống nền đá xanh trong sân, tạo thành những âm thanh đều đều. Uông Tễ ngoan ngoãn cúi đầu, mỉm cười đáp: “Cháu không gầy, chỉ là quần áo làm thím tưởng vậy thôi.”

Anh cười, tiếp lời: “Mà chú nói sai rồi, cháu vẫn thích ăn Kim Ti Tước với Thỏ Trắng lắm. Hồi bé cháu không biết đã ăn bao nhiêu ở nhà chú thím nữa.”

Uông Dịch Dương chen vào: “Phải rồi, mà nửa số đó là của em đấy. Hồi nhỏ anh tròn như cục bột, nhìn ngoan ngoãn, ông bà nội chia kẹo cũng cho anh hai viên, em chỉ được một viên.”

Cả bốn người nghe vậy đều bật cười, nhưng nghĩ đến ông bà đã khuất, bỗng dưng lại cảm thán trước dòng chảy thời gian.

Bầu không khí trầm mặc trong giây lát, cuối cùng chú Uông lên tiếng: “Để chú ngày mai xuống chợ xã mua cho bây mấy cân kẹo Kim Ti Tước với Thỏ Trắng.”

Sau khi uống một cốc trà nóng, Uông Dịch Dương lái xe đưa Uông Tễ về nhà thu xếp đồ đạc. Thím Uông đi theo nhắc: “Thằng Tễ này, trưa bây sang nhà thím ăn cơm nhá. Thím làm món ngon bồi bổ cho bây. Gầy quá rồi!”

“Dạ được ạ.” Uông Tễ hạ cửa kính xe đáp lời, mái tóc đen mềm mại bị gió thổi bay loạn.

Xe đi thêm một đoạn, rẽ qua khúc cua, Uông Tễ đã thấy mái nhà của mình.

Đó là căn nhà hai tầng có sân, xây dựng bằng vật liệu tốt nhất. Năm ấy, anh bỏ ra hai năm tiền lương để xây căn nhà này, không để cha anh Uông Vân Giang động tay vào việc gì, mọi thứ đều làm theo ý ông nội.

Ông nội cả đời sống đơn giản, đến lúc tuổi già, được đứa cháu xây cho căn nhà khang trang như thế, cả xã không ai là không khen. Thời gian đó, mỗi tối ông đều vui vẻ tự rót thêm một chút rượu. Nhưng đến khi phải nằm viện ở Thượng Hải, mỗi lần Uông Tễ tan làm đến thăm, ông vẫn mãi nhắc về ngôi nhà mới mà đứa cháu dựng lên cho mình.

Xe từ từ tiến gần, hình dáng căn nhà dần hiện rõ. Trong sân, cây anh đào và trà đỏ vẫn nở hoa, những bông hoa xinh đẹp sáng rực lên trong màn mưa lất phất.

Uông Tễ chuyển vali và cả đống túi lớn từ cốp xe vào phòng khách. Uông Dịch Dương hiểu anh có việc cần làm, tinh ý lái xe quay về nhà.

Ngôi nhà đã được chú thím Uông dọn dẹp tươm tất, ngay cả chăn ga gối đệm trong tủ cũng đã được giặt sạch, phơi khô và trải lên giường.

Phòng của ông nội anh nằm ở tầng một, từ sau khi ông mất, mọi đồ đạc trong phòng vẫn được giữ nguyên. Đầu giường vẫn còn hai chiếc rương gỗ cổ là sính lễ của bà nội anh năm xưa.

Bà nội mất sớm, nhưng trong ký ức của anh, cứ cách hai ngày, ông nội lại lau bụi trên rương một lần. Mùi gỗ cũ khi trời mưa luôn phảng phất hương ẩm đặc trưng. Ngửi thấy mùi này, Uông Tễ bỗng cảm thấy bình yên.

Uông Tễ mở vali và các túi đồ, sắp xếp mọi thứ vào đúng chỗ. Chổi và cây lau nhà được mang ra sân, dầu, gạo, muối, đường và bát đũa được xếp vào bếp, nước giặt và sữa tắm được đặt gọn trong phòng vệ sinh. Sau khi mọi thứ đã đâu vào đấy, anh cầm theo hộp bánh ngọt và chai rượu vừa mua ở siêu thị, đi dọc theo con đường nhỏ phía sau nhà lên núi.

Ở quê không có nghĩa trang công cộng, người mất đều được chôn trên núi. Uông Tễ bước qua con đường đất ướt lầy lội, đến trước mộ ông bà nội. Anh bày bánh ngọt và rót rượu lên trước mộ, vừa thở dốc nhẹ nhàng vừa nói nhỏ:

“Đã lâu rồi cháu không về, suýt thì leo không nổi.”

Những tán cây trên núi rung rinh trong làn gió, tạo thành âm thanh xào xạc. Mưa phùn làm ướt vai áo anh, những giọt nước đọng lại trên hàng mi, tạo nên một màn sương mỏng.

Anh vươn tay lau sạch bùn đất bám trên bia mộ, rồi ngẩng đầu lên, nhìn vào bức ảnh của người anh yêu quý nhất trên thế gian, nở một nụ cười dịu dàng.

Xa xa, những ngọn núi ẩn hiện mờ ảo trong làn sương xanh. Làn gió trong lành từ khe núi thổi qua, làm tung những sợi tóc lòa xòa trên trán anh. Khóe mắt đỏ hoe ánh lên chút ấm áp, hòa lẫn với những nếp nhăn mềm mại của nụ cười hiếm hoi.
Bình Luận (0)
Comment