Khi xây nhà, Uông Tễ vẫn giữ lại bếp củi truyền thống bên cạnh bếp ga hiện đại trong căn bếp của mình. Nhưng hầu như chẳng mấy khi anh đụng đến củi lửa, thường chỉ dùng bếp ga cho nhanh.
Hôm nay, một mình nấu ăn, anh mang chảo đáy bằng ra, định làm ít bánh hành dã chiến.
Chảo vừa quét một lớp dầu mỏng, anh vo bột thành những miếng cỡ lòng bàn tay rồi bỏ vào chiên. Khi hai mặt bánh vàng rộm, thơm lừng, anh gắp ra dĩa.
Bánh hành mới ra lò giòn rụm bên ngoài, mềm mịn bên trong, cắn đến đâu là nghe hương vị béo thơm của lạp xưởng lan tỏa đến đó.
Uông Tễ bưng dĩa bánh ra khỏi bếp, định bụng ngồi trong sân vừa ăn vừa ngắm cảnh. Ngoài trời không mưa không nắng, một buổi sáng yên bình. Vừa cắn một miếng bánh, anh lại nhớ đến Phù Tô – người vừa gặp hôm trước.
“Phù Tô…”
Anh thầm lặp lại cái tên, nghĩ mãi không thôi. Tên vừa hay, người lại đẹp, nhưng tính cách thì quả thật lạnh lùng.
Ban đầu anh muốn hỏi về thiết kế sân vườn nhà người nọ, xem hắn thuê đội nào trong huyện làm, để mình cũng chỉnh sửa sân nhà, trồng thêm ít cây cảnh và đặt một cái bàn đá cho mát mẻ vào mùa hè. Nhưng nghĩ đến vẻ lãnh đạm của Phù Tô, anh lại thôi, chắc nhờ Uông Dịch Dương hỏi thăm giúp thì hơn.
Uông Dịch Dương là em họ anh, đang làm ăn phát đạt ở huyện thành. Nhà hàng của cậu ta lúc nào cũng đông khách, một phần nhờ tính cách xởi lởi của cậu ta, phần khác nhờ món ăn ngon. Uông Tễ nhớ rõ ngày khai trương, anh còn đến chúc mừng, gửi phong bì đỏ và hoa.
Hôm qua, Uông Dịch Dương vừa về quê rồi lại chạy xe về huyện thành. Trước khi đi, cậu ta còn giúp Uông Tễ làm vài việc vặt.
Buổi sáng hôm sau, một chiếc xe hơi chạy lên núi, dừng trước nhà Uông Tễ. Hai người trên xe bước xuống, đẩy cổng sân đi vào.
Ở quê không ai quen khóa cổng hay gõ cửa. Nếu đến chơi, cứ tự nhiên vào nhà, tìm chỗ ngồi rồi gọi chủ nhà là được. Vào mùa hè, khách đến còn có thể tự hái trái cây trong sân để ăn.
Khi Uông Tễ nghe thấy tiếng người từ trên núi, anh liền vội vàng chạy về. Trong sân nhà mình, đã có hai người đàn ông đứng chờ.
“Cậu em, nhà này của cậu à?” Người lớn tuổi hơn lên tiếng hỏi.
“Dạ, là nhà cháu,” Uông Tễ đáp, “Hai chú cứ tự nhiên ngồi, để cháu vô bếp pha trà.”
Anh vào bếp. Trong sân, người đàn ông trẻ hơn khẽ nói với cha mình: “Ba, cái ông kia nói chuyện nghe dễ chịu ghê… giống mấy người làm dịch vụ ấy.”
“Im coi!” Uông Thiệu Quân phẩy tay, cho cậu con trai một cái tát nhẹ. “Người ta học thạc sĩ, làm công việc văn hóa, mày phải học hỏi chút đi.”
Hai cha con nói qua lại vài câu thì Uông Tễ bưng trà ra.
Uông Thiệu Quân cầm lấy ly trà, nhìn đôi giày còn dính chút bùn của Uông Tễ rồi hỏi: “Cậu em, bận gì mà chân dính bùn vậy?”
“Dạ, không bận gì đâu chú,” Uông Tễ cười, “Cháu lên núi sau nhà hái ít bồ công anh dại, đem về phơi khô làm nước uống.”
“Bồ công anh tốt lắm. Bà nhà tôi trước bị nóng trong người, uống nước bồ công anh vài lần thấy dễ chịu hẳn.”
Nói xong chuyện bồ công anh, Uông Thiệu Quân liền nhắc: “Hôm qua thằng Dương nó về tiệm kể cậu đã về quê. Tôi nghe mà không tin. Cậu chắc không nhận ra tôi, nhưng tôi với ông nội cậu thì thân lắm. Trước đây nhà tôi nghèo, ông nội cậu hay giúp đỡ. Nhà tôi với nhà cậu cũng là bà con xa đấy, gọi cậu một tiếng cháu trai chắc không sai đâu nhỉ?”
“Dạ, chú khách sáo quá,” Uông Tễ mỉm cười đáp.
Thấy anh thân thiện như vậy, Uông Thiệu Quân không khỏi xúc động: “Tôi nghe thằng Dương nói cậu giờ là cổ đông công ty lớn, chỉ cần ở nhà nhìn máy tính là kiếm được tiền. Tốt quá! Ông nội cậu mà biết cậu về đây chắc cũng vui lắm. Đúng là quê mình vẫn hơn.”
Uông Tễ nghe vậy chỉ biết cười ngượng, tai hơi đỏ lên, không biết đáp sao.
Uông Thiệu Quân lại quay sang nhìn con trai mình mà thở dài: “Đều họ Uông, mày mà được một nửa như cậu ấy thì tao mừng biết mấy, từ nhỏ đến lớn, vừa thấy sách vở là mệt rã rời. Năm ngoái thi đậu cao đẳng nghề sửa xe ở huyện, giờ đi làm ở xưởng sửa chữa rồi.”
Uông Thanh đang đứng ngẩn ngơ dưới tán cây anh đào trong sân, không ngờ câu chuyện bỗng dưng chuyển sang mình. Cậu liếc nhìn Uông Tễ – người đàn ông dáng vẻ văn nhã, gương mặt thanh tú, trông giống hệt kiểu người học hành nhiều. Có chút ngại ngùng, Uông Thanh bấu chặt lấy ly trà trong tay.
Uông Tễ nhìn cậu, mỉm cười dịu dàng, như một làn gió xuân mát lành: “Học một nghề kỹ thuật cũng tốt mà. Thời buổi này, chỉ cần có nghề nghiệp ổn định để sống là quý rồi.”
Nghe vậy, Uông Thanh thả lỏng hơn hẳn. Uông Thiệu Quân cũng bật cười vui vẻ. Dù ông ngưỡng mộ Uông Tễ có tương lai sáng lạn, nhưng vẫn tự hào về đứa con trai của mình – hiếu thảo, hiểu chuyện, lại chẳng khi nào ngồi không. Rảnh rỗi là rửa rau, phụ mẹ, hoặc theo cha đi giao hàng. Với ông, như Uông Tễ nói, có một nghề để kiếm sống đã là điều đáng quý. Gia đình ông chẳng mong cầu gì to tát, chỉ hy vọng mọi người được sống bên nhau, yên vui và hạnh phúc là đủ.
Sau đôi ba câu trò chuyện phiếm, họ bắt đầu nói đến việc chính. Uông Thiệu Quân đứng dậy, chỉ vào chiếc xe tải nhỏ chở đầy đồ: một vài thùng giấy lớn và chiếc xe máy nhỏ được buộc chặt bằng dây thừng.
Hôm qua, Uông Tễ đã nhờ Uông Dịch Dương giúp hai việc. Một là tìm xe tải nhỏ để chuyển các kiện hàng anh gửi từ thành phố về quê. Hai là mua giúp một chiếc xe máy ở huyện thành.
Chiếc xe máy là thứ Uông Tễ mới nảy ra ý định mua hôm qua. Trước đây ở Thượng Hải, anh đã bán chiếc xe cũ của mình vì không cần dùng đến. Về quê tuy không cần xe hơi, nhưng vẫn cần một phương tiện nhỏ để đi chợ hoặc làm việc lặt vặt. Nhìn chiếc xe máy mà Uông Dịch Dương chọn giúp, Uông Tễ không khỏi bật cười – kiểu dáng có phần hơi hài hước.
Uông Thiệu Quân và con trai nhanh chóng dỡ chiếc xe máy xuống rồi khiêng các thùng hàng vào nhà. Uông Tễ lấy tiền ra định trả công, nhưng Uông Thiệu Quân kiên quyết từ chối: “Chút việc cỏn con vậy mà bây cũng tính tiền với chú à? Sau này cần gì cứ gọi chú một tiếng. Bây mới về quê, thiếu thốn gì cứ nói chú lo cho.”
Không thể lay chuyển được, Uông Tễ đành lưu lại số liên lạc của Uông Thiệu Quân. Anh vào nhà, lấy ra hai bao thuốc lá và một túi bánh ngọt mang ra: “Thuốc này là loại tốt, cháu không hút thuốc, nhưng mua sẵn để trong nhà phòng khi cần. Chú giúp cháu chuyển đồ không công, hai bao thuốc này coi như thay lời cảm ơn, chú cứ nhận đi.”
Uông nhìn qua nhãn hiệu, hơi giật mình: “Loại này đắt đỏ lắm!”
“Chú giúp cháu, cháu tặng chú ít thuốc hút có sao đâu. Coi như cháu tròn bổn phận làm cháu trai.”
Do dự một lúc, cuối cùng Uông Thiệu Quân cũng cười tươi, nhận lấy. Ông vốn chẳng mấy khi mua loại thuốc xịn như vậy cho mình.
Sau đó, Uông Tễ đưa túi bánh ngọt cho Uông Thanh: “Chỗ anh không có món gì phù hợp cho trẻ con. Em mang bánh này về cho cô với ông bà trong nhà ăn thử nhé.”
Uông Thanh nhìn cha mình nhận thuốc, cũng đưa tay nhận bánh, nhỏ giọng đáp:
“Em mười sáu tuổi rồi, đâu phải con nít nữa…”
Uông Thiệu Quân đứng bên cười: “Anh mày lớn hơn tụi bây cả chục tuổi, trong mắt ảnh mày không phải con nít thì là gì?”
Uông Thanh liếc nhìn Uông Tễ, ánh mắt không giấu được vẻ kinh ngạc.
Sau khi tiễn hai cha con, Uông Tễ rửa sạch chén trà rồi lên núi sau nhà hái bồ công anh đem về, chuẩn bị xử lý đống đồ mới chuyển tới.
Chiếc xe máy anh mua từ hôm qua đã được đăng ký biển số qua một dịch vụ trực tuyến. Nhưng chiếc xe này…
Uông Tễ lấy điện thoại nhắn tin cho Uông Dịch Dương: “Chiếc xe này không giống với loại anh tưởng tượng lắm.”
Uông Dịch Dương trả lời rất nhanh: “Xe này tiện lắm! Đi làng quê mua đồ hay chở hàng nhẹ đều hợp, giá cũng phải chăng. Mua xe xịn quá để làm gì ở đây?”
Lời cậu ta nói quả thực có lý. Ở vùng quê, xe không cần phải quá sang trọng. Uông Tễ nhìn chiếc xe tay ga nhỏ màu trắng, cuối cùng cũng miễn cưỡng chấp nhận.
Anh nhắn thêm: “Còn nữa, sao em đi nói với mọi người trong thôn rằng anh là cổ đông lớn vậy?”
Uông Dịch Dương đáp lại: “Thì em sợ có người tò mò nói ra nói vào thôi. Với lại, bao nhiêu năm nay anh làm ăn ở ngoài, trong mắt tụi em anh đã tự do tài chính từ lâu rồi.”
“Thôi đi ông, đừng nói vậy nữa, nghe ngại lắm.”
Nói qua lại đôi ba câu, Uông Tễ cất điện thoại và bắt đầu dỡ các kiện hàng chuyển phát nhanh.
Uông Tễ không mua nhà ở Thượng Hải mà chỉ thuê. Nhiều năm qua, mọi đồ đạc đều do anh tự sắm sửa, từ một căn phòng trống rỗng dần dần trở nên đầy đủ. Khi quyết định về quê, đồ nội thất lớn anh để lại cho chủ nhà, chỉ gửi về những món nhỏ và đặt thêm một vài món mới.
Nhà ở quê đã được trang hoàng từ vài năm trước. Tầng trệt được thiết kế theo phong cách Trung Quốc cổ điển, phù hợp với sở thích của ông nội anh. Nhưng tầng hai, nơi dành cho khách và các phòng ngủ, lại bài trí khá đơn giản. Giờ đây, quyết định ổn định lâu dài, anh muốn cải thiện không gian sống sao cho thoải mái nhất.
Phòng khách nhỏ trên tầng hai được trải thảm. Trước cửa sổ đặt một chiếc sofa đơn và bàn gỗ nhỏ. Một chiếc kệ sách gỗ được anh tự lắp trong ba tiếng, ngăn tủ chứa đầy sách và truyện tranh yêu thích. Máy chơi game ít dùng cũng được đem ra, cùng với một chiếc tủ lạnh mini để trữ bia và trái cây cho mùa hè.
Mỗi ngày Uông Tễ vừa chỉnh lý, vừa làm quen với chiếc xe tay ga mới. Ở Thượng Hải quen đi đường bằng phẳng, nay trở về vùng núi, anh chưa quen với những con đường dốc ngoằn ngoèo và những khúc cua gấp.
Sáng ngày thứ năm, sau khi rửa mặt và chạy bộ, Uông Tễ dọc theo con đèo, chạy xa hơn mọi ngày. Khi đi ngang qua nhà Phù Tô, anh thấy ánh đèn sáng ở tầng hai dù mới chỉ hơn 6 giờ sáng.
Trong sân, những luống hoa đủ màu khoe sắc, tiếng chim hót vang rõ hơn nơi khác, thậm chí có cả đôi chim hỷ thước. Uông Tễ đứng lại, vừa lau mồ hôi, vừa ngắm nhìn cảnh vật một cách ngưỡng mộ.
Sau khi chạy bộ về, tắm rửa xong, anh nấu bữa sáng đơn giản với trứng chưng và khoai lang đỏ. Khoai này là loại trắng lòng, do chính chú Uông trồng trên núi, không thơm mềm như các loại khác nhưng lại bùi và đậm vị. Uông Tễ thích món khoai này, lần nào về cũng xin mang theo một ít.
Ăn xong bữa sáng, anh cưỡi chiếc xe đạp nhỏ, trở về như thường lệ. Mấy ngày nay, anh vẫn luôn ăn thịt khô, lạp xưởng, đồ sấy vốn thơm ngon nhưng ăn nhiều lại dễ ngán. Hôm nay, anh quyết định đi ra chợ quê mua chút thịt heo tươi về để đổi vị.
Vào xuân, không khí trở nên tươi mát, chim oanh bay lượn trên đồng cỏ, khắp núi tràn ngập sắc màu của những loài hoa dại đang nở rộ.
Ven đường, trong sân, một bà lão tóc đã bạc màu đang rải thóc cho gà ăn. Đột nhiên, tiếng động cơ xen lẫn âm thanh gió gào thét xé qua, làm đàn gà đang mổ thóc hoảng hốt vỗ cánh bay tán loạn. Bà lão chậm rãi quay đầu lại, nhưng chỉ kịp thấy bóng dáng mờ nhạt lướt qua giữa núi rừng.
Gió núi thổi tới tấp vào mặt, làm Uông Tễ phải hơi nheo mắt lại. Chiếc áo khoác đen của anh căng phồng theo luồng gió, cổ áo dựng lên. Anh đơn giản kéo khóa áo xuống, để vạt áo tự do tung bay theo làn gió núi.