“Dạo này sao rồi?”
“Dạ, ổn lắm.”
“Nhìn sắc mặt thấy cũng tốt lắm à. Còn cái Tễ sao rồi?”
Phù Tô nghiêng nhẹ điện thoại để màn hình hướng về phía Uông Tễ. Anh mỉm cười lịch sự, đáp: “Dạ cháu cũng khỏe. Còn cô chú sao rồi, mọi chuyện vẫn ổn chứ ạ?”
“Cả hai đều khỏe.” Giọng mẹ Phù Tô nghe vui vẻ và dịu dàng. “Trời lạnh, cô nghỉ phép ở nhà. Còn chú con thì không sợ lạnh, cứ lười biếng chẳng muốn đến công ty, suốt ngày ở trường đua ngựa. À, chú còn nhắn cô dặn lại Phù Tô là Sparky sớm muộn gì cũng sẽ thích con hơn thôi.”
Phù Tô khẽ cười, Sparky là con ngựa của hắn.
“Con cũng nhớ nó.” Hắn nói.
“Không nhớ ba mẹ luôn sao?”
“Có. Tụi con sẽ về thăm sớm.”
“Cái Tễ cũng về chung luôn hả?” Giọng mẹ hắn lộ vẻ mong đợi.
Uông Tễ cười, đáp: “Dạ, cháu sẽ về cùng ảnh, nhưng mà do vướng thủ tục visa, chắc phải tới tầm tháng ba hoặc tháng tư ạ.”
“Được rồi, con à, con chịu qua đây là tụi cô vui lắm rồi. Tháng tư bên này hoa anh đào cũng nở, cô chú đợi hai đứa.”
Gác máy xong, Phù Tô đặt điện thoại xuống, hai tay đan vào nhau. Hắn ôm chặt Uông Tễ như ôm gối ôm, đè lên sofa mà dụi vào lòng anh.
Năm nay, mùa đông có trận tuyết lớn hiếm thấy. Bên ngoài, tuyết chất thành tầng, gió bấc rít từng cơn đập vào kính cửa sổ.
“Đừng có lười, cháo xay xong rồi, dậy ăn sáng đi.” Uông Tễ khẽ đẩy hắn.
Bây giờ đang là mùa đông ở đây, Toronto và trong nước lệch tới 13 tiếng. Khi mẹ của Phù Tô gọi điện, trời bên nhà vừa mới tảng sáng, chỉ mới tám giờ ở Vân Lĩnh.
Sáng nay, họ còn có nhiệm vụ. Phải chở chú Uông và thím Uông lên thị trấn mua đồ chuẩn bị Tết.
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến giao thừa. Mọi năm, thường là Uông Dịch Dương về đón chú thím đi, nhưng càng gần cuối năm, nhà hàng của cậu ta lại càng bận rộn, nên năm nay Uông Tễ nhận luôn phần việc này.
Đúng giờ đã hẹn, xe đỗ trước cổng nhà chú thím. Hai người đã đứng sẵn trong sân chờ.
“Sao không ở trong nhà chờ? Trời lạnh vậy mà còn tuyết rơi nữa.” Uông Tễ nói.
“Không sao đâu, có cái lò sưởi, ngồi lên nó ấm lắm.” Thím Uông trả lời.
Cái lò sưởi bằng gỗ kiểu cũ, bên dưới ghế được đốt than hồng, vừa ấm chân vừa ấm người. Ở làng này, nhà nào cũng có một cái. Hồi trẻ, mùa đông đi học, ai nấy cũng cắp theo một cái lò nhỏ để sưởi. Đến trưa, còn có thể đặt bình cơm sành lên đó để hâm nóng.
Lên xe xong, thím Uông liền nói: “Ủa, con chó cũng đi nữa hả?”
Chó đang nằm gọn trong lòng Uông Tễ, vừa mới tắm xong, mặc bộ đồ nhỏ trông xinh xắn. Nó quẫy quẫy đuôi, nghiêng đầu nhìn thím.
“Dẫn nó đi cho biết đây biết đó.” Uông Tễ cười.
Thím Uông xoa đầu nó, vui vẻ nói: “Cưng quá chừng!”
Chú Uông lại chẳng mấy hứng thú với chó, chỉ bâng quơ lẩm bẩm: “Tôi nói rồi mà, thằng Dịch Dương đó không đáng tin. Gọi về sớm thì cứ nói bận hoài, thành ra để bây phải đi chuyến này.”
“Cháu đi cũng vậy mà chú, có chi đâu khách sáo.” Uông Tễ cười, đáp. “Tụi cháu cũng tính đi huyện mua đồ, tiện đường thôi. Dịch Dương cũng không còn cách nào khác, cuối năm nhà hàng đông khách, nó đang ráng kiếm tiền lo chuyện cưới xin đó.”
Nghe vậy, chú Uông cười xòa: “Ừ, bận rộn chút cũng tốt. Cái nhà cũ dưới thị trấn không ổn nữa, nó nói tính mua căn mới làm nhà cưới. Chú bảo nó mua cái lớn chút, không đủ tiền thì chú thím cũng để dành sẵn, không để con gái người ta chịu thiệt được.”
Nói tới đây, chú chợt quay sang, ngó hai người trong xe mà hỏi: “Dịch Dương vậy mà còn lo cưới vợ, còn tụi bây sao lại chưa tính gì hết?”
Chú Uông nói bằng giọng phương ngữ, Phù Tô phải suy nghĩ một hồi mới hiểu. Nhưng Uông Tễ đã bật cười trước câu nói đó.
Anh nghiêng đầu nhìn hắn, bên ngoài tuyết trắng phủ kín trời. Uông Tễ nhẹ giọng: “Bây giờ như vậy là được rồi.”
Xe đi qua chợ xã. Người lớn tuổi thường rất niềm nở, cuối năm đường làng đông đúc, gặp người quen là chú thím Uông hạ kính xe xuống chào hỏi. Người bên kia bất kể đứng xa cỡ nào, đều bước tới gần xe trò chuyện một chút.
Từ việc nhà ai làm thịt heo mở tiệc, tới giá hạt khô năm nay tăng vọt, chuyện trò rôm rả khiến xe đi như rùa bò. Đến khi chính thức khởi hành vào thị trấn thì đã trễ mất nửa tiếng.
Huyện thành nhộn nhịp, dòng người đông đúc như trẩy hội. Những người tha hương rải rác khắp nơi, mỗi dịp cuối năm đều đổ về quê.
Chú thím Uông muốn ghé chợ nông sản bán đồ khô trước, sau đó sẽ tới khu hội chợ. Phù Tô lái xe đưa họ tới cổng chợ, sau đó chia nhau ra đi, hẹn khi mua đồ xong thì gặp lại ở nhà hàng của Dịch Dương.
Họ ghé qua trung tâm thương mại. Hai tháng trước, Phù Tô đã hủy dịch vụ giao hàng từ siêu thị. Trước đây hắn ngại tự mình lái xe nên đặt giao định kỳ về Vân Lĩnh, nhưng từ khi ở với Uông Tễ, chuyện đó đã khác.
Cả hai cùng lái xe lên thị trấn, cùng nhau đẩy xe đi siêu thị, Uông Tễ luôn cúi xuống tỉ mỉ chọn từng món đồ. Xung quanh có những cặp đôi hay gia đình ba người đi ngang qua, nhìn họ chẳng khác gì những người khác.
Trung tâm thương mại đông đúc, nơi này là tụ điểm hiếm hoi của thị trấn, với các rạp chiếu phim, quán cà phê, trà sữa và KTV. Phần lớn khách ở đây đều là người trẻ.
Mà chỗ nào có người trẻ, chỗ đó mèo chó cũng nhiều. Nếu ngày trước Tết về quê là dẫn cả nhà, thì giờ lại là mang theo mèo chó đi cùng.
Trước khi xuống xe, Nếp – chú chó nhỏ của Phù Tô nhìn ra ngoài thấy một chú corgi ngồi trong xe đẩy trẻ em thì hơi co rúm lại. Uông Ký cúi xuống cột dây xích cho nó, cười bảo: “Đừng tự ti nha, dù người ta là chó giống Tây, còn mày là chó ta, nhưng ba mày giàu lắm. Chắc gì tụi nó ăn hạt còn ngon bằng mày đâu.”
Từ khi trở về sau chuyến đi Hoàng Sơn, Phù Tô lấy cảm hứng từ câu chuyện Uông Bàn từng đặt tên “Bánh Nướng” cho con mèo vì cô ta mê món bánh này. Hắn cuối cùng cũng nhớ ra phải đặt tên cho cậu con trai của mình. Ban đầu, hắn định gọi là Canh Cơm Cháy, nhưng bị Uông Ký thẳng thừng bác bỏ với lý do không giống tên chó. Thế là hắn đổi thành Nếp, nghe vừa hay vừa gần gũi.
Vừa dắt Nếp xuống xe, họ còn chưa kịp vào trong trung tâm thương mại thì đã gặp ngay một chú chó Maltese sang chảnh, đầu buộc nơ bướm lấp lánh.
Hai chú chó nhỏ, xét về kích thước thì không bên nào kém cạnh bên nào. Nhưng vừa nghe Maltese sủa một tiếng, Nếp đã dựng hết cả lông đuôi, trông y như nồi cơm đang sôi mà bất ngờ bị nhấc vung. Nó quay đầu lại cào vào ống quần Phù Tô, hoảng loạn nhảy loi choi.
Cả chú chó Maltese lẫn chủ của nó đều đứng hình nhìn cảnh tượng này.
Phù Tô nhanh tay bế Nếp lên, ôm vào lòng dỗ dành, nhưng miệng lại châm chọc:
“Thiệt là mất mặt.”
Họ vào siêu thị, vừa bước vào đã nghe nhạc Tết vang lên quen thuộc. Ai cũng vui vẻ sắm sửa, không khí như rộn ràng hơn hẳn.
Mua đủ những thứ đồ dùng cần thiết xong, Uông Tễ kéo Phù Tô qua khu thực phẩm. Dù cả hai đều không thích ăn ngọt, Tết này cũng chẳng có ai tới nhà chúc mừng, họ vẫn mua ít mứt khô và bánh kẹo cho có không khí. Uông Tễ còn chọn thêm vài hộp bánh đậu xanh loại mà ít người thích, nhưng nhà nào Tết cũng phải có trên bàn tiếp khách.
“Cái này là gì vậy?” Phù Tô cầm hộp bánh hỏi.
Uông Tễ bật cười, giải thích: “Đây là lương thực dự phòng. Tết mà nhà nào có con nít lôi cái này ra ăn là biết tụi nhỏ đói lắm rồi.”
Đi thêm một đoạn, thấy khu bày bán câu đối đỏ và đồ trang trí Tết rất nhộn nhịp, Phù Tô hỏi: “Có cần mua mấy cái này không?”
Uông Tễ lắc đầu: “Mấy thứ này thì mình về chợ mua. Ở làng kế bên có ông cụ, năm nào cũng viết câu đối và cắt hoa dán cửa. Ông làm mấy chục năm nay rồi, không lấy tiền, ai muốn thì đem đồ qua đổi là được.”
Lúc ông nội Uông Tễ còn sống, mấy năm liền Tết đến nhà đều dán câu đối và trang trí cửa sổ do chính tay ông làm. Dạo trước, anh ít khi về quê ăn Tết, nhưng vài hôm trước Tết sẽ cố ý hỏi thăm thím Uông về ông. Thím bảo ông vẫn khoẻ mạnh lắm, mỗi dịp cuối năm, trước sân nhà luôn có một hàng dài người đến xếp hàng. Ông bảo người ta đem cái gì đổi cũng được, dù chỉ là một nắm hạt dưa hay củ cà rốt, ông đều đồng ý. Nhưng bây giờ đời sống khá hơn, bà con trong làng toàn mang bánh mứt hoặc thịt đến.
Bánh mứt, thịt thì đắt giá hơn câu đối hay hoa cửa sổ, nhưng ai cũng vui lòng. Tết mà, người ta quý ở truyền thống và tình cảm.
Từ siêu thị đi ra, Uông Tễ với Phù Tô ghé vào một cửa hàng quốc doanh lâu đời để chọn quần áo mùa đông cho chú Uông và thím Uông.
Từ hồi mùa xuân anh quay lại Vân Lĩnh, chú thím đã lo cho anh và Phù Tô không ít. Đám gà vịt trong chuồng nhà thím đã vơi đi thấy rõ, chưa kể thím còn đều đặn gửi trứng gà qua cho hai người.
Đứng cùng nhân viên bán hàng ướm thử cỡ, Uông Tễ chọn hai chiếc áo lông vũ và một chiếc áo gile lông vũ. Phù Tô đi xếp hàng thanh toán, trong khi Uông Tễ để ý thấy trên tường dán mấy tấm poster khổ lớn.
Nhân viên bán hàng giới thiệu: “Những mẫu trên người mẫu là hàng mới năm nay bên em. Kiểu dáng đứng form, lông vũ nhồi đầy đủ. Em lấy thử vài mẫu cho anh mặc thử nha? Dáng anh chuẩn vậy, mặc mẫu nào cũng đẹp hết.”
Uông Tễ đáp: “Tôi muốn xem kỹ phần cổ tay áo của mấy mẫu này.”
Nghe vậy, nhân viên dẫn anh qua giá treo một bên.
Uông Tễ cầm mấy chiếc áo lên, cẩn thận lật xem thiết kế phần cổ tay, sau đó kiểm tra nhãn mác để biết chất liệu và phần lông nhồi bên trong. Cuối cùng, anh nói: “Gói giúp tôi hai chiếc này.”
“Anh không thử mặc thử sao?”
“Không cần,” anh lắc đầu, “tôi không mặc.”
Chọn xong màu sắc và kích cỡ, anh dứt khoát mở hai đơn lớn, khiến nhân viên bán hàng mừng rỡ, cảm thấy công việc làm thêm suốt nửa tháng cuối cùng cũng đáng công!
Đến quầy thanh toán, Uông Tễ đưa túi đồ cho Phù Tô, bảo: “Nè.”
Phù Tô nhướng mày: “Chọn cho tôi hả?”
Nếp hơi nhát người, từ lúc vào trung tâm thương mại đã được Phù Tô kéo khóa áo lông vũ nhét vào lòng. Uông Tễ đưa tay xoa đầu nó, nói: “Đừng có cào tay ba mày nữa. Để ổng mặc áo trầy hết vải vậy mà chịu được hả?”
Rồi anh quay qua bảo Phù Tô: “Hai nhãn hiệu anh hay mặc, đừng nói ở huyện, ngay cả trên thành phố cũng không có cửa hàng chính thức. Tạm mặc hai cái này trước, qua Tết em lại mua thêm.”
Giữa dòng người đông đúc, Phù Tô nắm lấy tay anh, siết nhẹ: “Ừ, được.”
Ra khỏi trung tâm thương mại đã đến giờ cơm, nghĩ hôm nay chú Uông, thím Uông lên thị trấn, kiểu gì Uông Dịch Dương cũng sẽ đưa Tân Hinh đến gặp họ. Có khi hai nhà gặp nhau. Uông Tễ quyết định không làm phiền, mà lái xe đưa Phù Tô đến một quán ăn quen thuộc hồi còn đi học.
Đó là một quán mì sợi với nồi đất nằm cạnh trường cấp ba cũ của anh.
Đúng dịp nghỉ đông, quán đông khách hơn hẳn ngày thường. Nếp được để lại trong xe ngủ, còn hai người lấy số rồi đứng ngoài chờ.
Trên phố, người qua lại khoác áo dày, bước đi vội vã. Uông Tễ chỉ vào một cây ngô đồng to ven đường, nói với Phù Tô: “Con đường này, cái cây đó, hồi học cấp ba ngày nào em cũng đi qua. Ngồi lớp nào trong trường cũng đều thấy được nó qua cửa sổ.”
Mùa đông, cây ngô đồng đã trụi lá từ lâu. Mười phút sau, hai người vào quán, ngồi ghép bàn với người khác.
Uông Tễ nhìn bảng thực đơn trên tường, lẩm bẩm: “Giờ có nhiều vị quá ha.”
Ngồi cùng bàn là một cậu trai, nghe vậy nói: “Không phải xưa giờ đều có mấy vị đó sao?”
Uông Tễ gọi hai phần mì xương, quay sang cười nhẹ: “Hồi tôi học ở đây chỉ có xương với chua cay thôi. Ra trường lâu rồi, giờ mới quay lại ăn.”
Cậu trai nhìn anh với ánh mắt ngưỡng mộ: “Ra trường sướng quá trời. Em năm nay lớp 12, hết Tết là lao đầu vào ôn thi đại học. Đầu óc em sắp nổ tung luôn rồi. Anh cũng học trường này hả? Khóa mấy vậy? Học ở đâu ra? Thầy chủ nhiệm em cứ bảo trường mình càng ngày càng tệ…”
“Bàn số 18, một phần mì xương, hai phần tam tươi xong rồi!”
“Dạ, ở đây ạ. Cô ơi, tụi con còn gọi ba trứng ốp la nữa.”
“Trứng đang chiên, có ngay đây.”
“Bàn số 19, hai phần chua cay xong rồi!”
“Biết rồi…. lấy số giùm cô nha. Còn hai bàn nữa mới tới lượt tụi con.”
…
Trong quán ồn ào nhưng rất ấm áp, cánh cửa kính dày ngăn cách cái lạnh bên ngoài. Không gian nhỏ hẹp tràn ngập mùi thơm của những nồi đất nóng hổi.
Rất nhanh, phần mì của họ được mang lên. Cô phục vụ dặn: “Coi chừng nóng đó nha.”
Uông Tễ ngước mắt lên, nhẹ nhàng đáp: “Cảm ơn cô.”
Quán này đã mở hơn hai mươi năm. Cô phục vụ cùng chồng mình đã từng thấy và tiễn đi biết bao thế hệ học sinh của huyện. Hôm qua còn từng tốp học sinh rủ nhau đến đây ăn mì, hôm nay họ đã tản mác khắp mọi miền đất nước.
Cô không biết rằng chàng trai trẻ tuấn tú trước mặt từng nhiều lần đẩy cánh cửa quán này cách đây hơn mười năm. Dù thời gian đã trôi qua, anh vẫn nhớ rõ bát mì nơi đây.
Qua lớp hơi nóng bốc lên từ nồi đất, Phù Tô nhìn gương mặt Uông Tễ lúc anh trò chuyện với cậu trai trẻ cùng bàn, đôi chân mày nhẹ nhướng lên. Hắn như thấy thời gian quay ngược lại, nhìn thấy một thiếu niên gầy gò mặc đồng phục, đi qua cây ngô đồng năm ấy. Đó là những tháng năm xanh tươi trong cuộc đời Uông Tễ, quãng thời gian mà Phù Tô chưa từng tham dự.