Trí Tuệ Đại Tống

Chương 102

Trong khi người thì bận phát tài, người lo thăng quan, người đóng thuế nhập tịch thì Vân Tranh đang ở nhà xếp từng lá rau lên mẹt phơi khô để làm dưa, y vốn định sẵn là sinh ra với số khổ rồi, kiếp trước hay kiếp này cũng thế, chẳng bao giờ nhàn nhã được lâu, phong thư của Tiếu Lâm gửi tới, nói Hoa Nương và Hầu Tử đã tới trạch viện của Vân gia, rất đẹp, ở bên con suối nhỏ, gần với đất xưa của Đỗ Phủ, học cung cũng ở khu đó, cách cổng thành tây không xa, thuận tiện đi lại sinh sống.

Thư viết rất dài, từng lời lẽ đều đầy lo lắng với hành vi của Hoa Nương, nàng tới Thành Đô liền gửi thân nhờ Bách Hoa Lâu, dùng một bài ( Ly Nhân Khúc) kinh động bốn phương, chỉ nửa tháng vẻ đẹp tài hoa lan khắp thành, giờ đây sĩ tử Thành Đô ai không biết ngâm một câu "Trường đình ngoại, cổ đạo biên, phương thảo bích liêu thiên" sẽ bị người ta khinh bỉ.

Khinh bỉ á? Vân Tranh bây giờ khinh bỉ nhất là Tiếu Lâm, lúc mình ngâm khúc từ đó thì Hoa Nương đã đi xa lắm rồi, nếu Hoa Nương ở Thành Đô mà biết ngâm khúc từ này thì chỉ có một cách giải thích, lão già này nấp gần đó, trộm thơ mình đi lấy lòng mỹ nhân.

À, sửa lại, dù đếch phải thơ của mình, nhưng lão đạo này đúng là đồ mặt dày không biết thẹn.

May Hoa Nương đi rồi, Vân Tranh đã bình ổn lại tâm thái, nếu không lúc này ắt đang lập mưu lấy mạng lão đạo sĩ mũi trâu.

Cảm thấy hả hê lắm, Hoa Nương phô diễn tài hoa dung mạo như thế là để thu hút đám háo sắc tới giúp nàng mở thanh lâu, trong lòng nàng có tính toán rồi, chả phải lo, nhìn nam nhân khác quanh quẩn bên người thương nhớ của mình, lão đạo chắc ghen phát cuồng, mình cũng nhìn thấy người nàng từ trên xuống dưới hết một lượt còn gì, hừ hừ, nàng có nốt ruồi đen trên mông trái.

Có điều càng đọc càng không cười nổi nữa, trong thư nói Hầu Tử được Hoa Nương dạy dỗ rất tốt, Vân Tranh nghiến răng, một tên ăn trộm lớn lên ở Ác Nhân Cốc, sau đó vào thanh lâu bồi dưỡng, có trời mới biết Hầu Tử sẽ thành loại người gì.

Quay đầu nhìn Hàm Ngưu đang chảy nước mũi ròng ròng ăn bánh bao, nước mũi dính vào bánh bao mà vẫn ăn, Vân Tranh quyết định tuyệt đối không cho hắn tiếp xúc với Hoa Nương, không để nàng họa hại đứa nhỏ chất phác này.

Người đưa thư là tiểu sa di của Bạch Vân tự, thằng bé này cũng ngoan lắm, dù Vân Tranh dụ dỗ thế nào cũng không ăn thịt trâu, nhưng lại cực thích bánh bao, ừm, trứng gà trong bánh bao phải tính là chay hay mặn nhỉ? Mà thôi, trẻ con ăn được là tốt rồi, mới mấy cái tuổi đầu sao bắt nó ăn ngũ cốc không, làm sao thông minh được, nghiệp chướng.

Từ khi Lương vũ đế Tiêu Diễn bắt đầu đi tu, Phật giáo ở đất Hán có ba đặc điểm rõ ràng là: Ăn chay, độc thân và mặc tăng bào. Ngũ Câu là thứ bại hoại, Vân Tranh chưa bao giờ tính ông ta là hòa thượng.

Thấy tiểu sa di ăn bánh bao, mắt thì nhìn Vân Nhị cưỡi ngựa hò hét bên ngoài, khát vọng trong mắt không cách nào che dấu.

Gọi Vân Nhị tới, bế nó xuống, không cho tiểu sa di kịp ý kiến, Vân Đại ném nó vào cái gùi mây, vỗ mông ngựa đét một cái, hai huynh đệ bất lương cười ha hả nhìn tiểu sa dĩ kinh hãi bị ngựa chở chạy đi mất.

Một thằng bé chưa đầy mười tuổi mà Ngũ Câu nhẫn tâm bắt nó đi 30 dặm đường núi đưa tin, dù sao mai mình cũng tới Bạch Vân tự bái phỏng Bành Lễ tiên sinh, mang nó đi theo là được.

Đây là lễ bái sư, ăn mặc phải cầu kỳ, tắm rửa sạch sẽ là nhất định, lễ vật cũng phải có, thái độ phải đàng hoàng, vốn không cần bái sư lúc này, nhưng mà tiểu sa di còn mang tới một câu:" Bành Lễ tiên sinh đang làm khách ở Bạch Vân Tự."

Câu này ý tứ đã rõ, Ngũ Câu là người trung gian uyển chuyển bảo Vân Tranh nên tranh thủ tới bái kiến Bành Lễ tiên sinh làm đệ tử nhập thất rồi.

Đại nho trong Thục không mấy, muốn xưng đại nho thì trên phải có gốc gác, dưới phải có tiếp nối, gốc của Bành Lễ tiên sinh là Triệu Khuông và Lục Thuần, tiếp nối là Lữ Di Giản tiếng tăm lẫy lừng, tuy ông ta chết năm ngoái, nhưng thế lực Lữ gia vẫn còn, hiện chưởng môn nhân của Lữ gia là Lữ Công đã nhập triều đường, nếu nhập môn hạ của Bành Lễ, tiền đồ Vân Tranh rất có lợi.

Tiểu sa di và Vân Nhị ngủ ở giường lớn, Vân Tranh trải chăn nằm dưới đất, trời vừa tờ mờ sáng đã nghe thấy tiếng Tịch Nhục dậy bận rộn trong bếp, Vân Tranh đi vào bếp thì thấy trên bàn có sáu thứ lễ vật, không đáng tiền, nhưng đều ngụ ý, rau cầu, ngụ ý cần cù học tập; tâm sen đắng (khổ), ngụ ý, khổ công chịu khó; đỗ đỏ, ngụ ý vận may chiếu rọi. Táo, mong sớm ( táo - tảo) đỗ đạt; long nhãn là viên mãn còn thịt nạc biểu lộ tâm ý đệ tử.

Những thứ này trừ rau cần hái trong ruộng thì đều do trẻ con trong trại biếu Vân Tranh, không ngờ hôm qua Thương lão phái người đi lên núi hái rau cần chưa bị đông lạnh về, thảo nào nửa đêm có người gõ cửa phòng Tịch Nhục, còn tưởng, thôi...

Vàng bạc gấm vóc thì Vân gia không thiếu, nhưng không dám mang đi, lão tiên sinh cả đời thanh liêm, dù làm quan hay làm thầy, đều không nhận quà của người ta, nên Vân Tranh cho rằng ngoan ngoãn làm theo tục lệ là tốt nhất.

- Thiếu gia, nước nóng có rồi, thiếu gia tắm đi, nô tỳ cũng hong khô quần áo rồi, hay thiếu gia mặc quan phục, như thế nói không chừng lão tiên sinh sẽ đồng ý. Tịch Nhục chỉ sợ có chi tiết nào làm lão tiên sinh không hài lòng, không nhận thiếu gia mình làm học sinh nữa:

Vân Tranh cười xoa đầu Tịch Nhục rồi đi tắm rửa, tắm xong thì trời đã sáng hẳn, Vân Nhị cũng đã thức dậy, tiểu sa si còn tham ngủ, Bạch Vân Tự quá lạnh, nó chưa bao giờ được ngủ ấm áp như hôm qua.

Tiểu sa di ngửi thấy mùi thức ăn thơm lừng trong bếp truyền ra rồi, rửa mặt qua loa như mèo rồi ngồi ở bàn đợi Tịch Nhục tỷ tỷ, không khí Vân gia rất tốt, ai tới cũng trở nên tùy ý thoải mái, tiểu sa di coi nơi đây như Bạch Vân Tự rồi.

Chỉ có cháo trắng dưa muối và ít bánh bao còn thừa hôm qua thôi, cả nhà ăn xong mang lễ vật lên xe trâu, tiểu sa di và Vân Nhị đánh nhau tranh cưỡi con ngựa nhỏ, cuối cùng Tịch Nhục ra mặt điều đình, kết thúc chiến tranh, mỗi đứa cưỡi một lúc.

Hôm qua hỏi tiểu sa di mới biết gạo trong chùa không còn nhiều, mọi người húp cháo loãng sống tạm, không biết Ngũ Câu đem tiền đi đâu, ông ta không phải quỷ keo kiệt dấu tiền không mua thức ăn cho mọi người, nhất định có ẩn tình.

Đi qua Đậu Sa quan, Vân Tranh ghé vào hiệu buôn mua mười gánh lương thực, bảo họ mang tới Bạch Vân Tự, tiểu sa di vui lắm, còn rộng lượng nhường quyền cưỡi ngựa cho Vân Nhị, mình ngồi xe trâu với Tịch Nhục, đây là đứa trẻ hiểu chuyện.

Tới Bạch Vân Tự, Ngũ Câu đi ra nghênh tiếp, Vân Tranh xuống ngựa khoác vai ông ta như chiến hữu thân thiết, nói đểu: - Này hòa thượng, ta thấy ông hoàn tục quách cho rồi, lắc mình thành thi nhân, thế nào cũng biến thành điển hình của giác ngộ đấy, chứ loại hòa thượng trời đất không nhận như ông là hổ thẹn của Phật môn.

Ngũ Câu đỏ mặt: - Vân thí chủ sao hôm nay lại xỉ nhục bần tăng như thế?

- Ta có may mắn nhìn thấy Hồi Tâm Thạch, càng vinh hạnh thăm quan chỗ ngũ cốc luân hồi, không báo đáp một chút sao phải đạo. Vân Tranh vỗ vỗ vai ông ta: - Phải rồi hòa thượng, sao chùa phải uống cháo loãng, ông tham ô hết sạch tiền rồi hả? Vào thanh lâu đúng không?

Ngũ Câu cười thảm chỉ về phía Thành Đô, sau đó vươn đầu nhìn số lễ vật trên xe, chỉ thấy lễ bái sư, thất vọng nói: - Ta gửi Huệ Quả đi, là muốn nó được ăn no mấy ngày, thuận tiền mang ít tiền hương nến về, sao ngươi không cho bản tự chút bố thí?

- Sư phụ, Huệ Quả hóa duyên được 10 gánh gạo, chưởng quầy hiệu gạo sắp mang tới đấy. Tiểu sa di Huệ Quả khoe:

Ngũ Câu cười ha hả, bế Huệ Quả lên bẹo má nó khen ngợi; - Vi sư biết Huệ Quả phúc lớn duyên dày, đã ra tay là chỉ có chở khẳm mang về mà. Chiêu Giác tự tới chỗ chúng ta hóa duyên, chúng ta đành tìm đại hộ hóa duyên.
Bình Luận (0)
Comment