Trí Tuệ Đại Tống

Chương 145

Vân Tranh ngồi trước cửa sổ xem sách, không biết lão bà đang bày mưu tính kế, nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên lá chuối, lòng thư thái, đọc sách hiệu quả rất tốt, mỗi ngày đọc sách hai canh giờ là thói quen bất di bất dịch của Vân Tranh, trừ mấy ngày đầu tân hôn, cùng Lục Khinh Doanh quấn quít không rời thì chưa bao giờ bỏ thói quen này.

Đọc sách xong lấy bút ra ghi chép lại những tâm đắc lĩnh ngộ được, hình như nghe thấy tiếng ngựa của mình hí, ngoài trời mưa không to, lâu rồi không cưỡi ngựa, chắc nó cuồng chân rồi, cưỡi một vòng giãn gân cốt cũng tốt.

Tới tàu ngựa mới biết vì sao nó lại hí, vì bốn người leo lên lưng nó, tuy không nặng, nhưng nằm ngang dọc trên lưng, làm nó rất khó chịu.

Tô Cảnh Tiên thấy Vân Tranh tới thì xấu hổ lắm, nhảy vội từ lưng ngựa xuống, Tô Thức tranh thù leo lên ngay cổ ngựa, tóm bờm nó, thúc ngựa chạy, còn đệ đệ mình đang ôm mông ngựa thì nó quên béng rồi.

Ông trời ơi, may mà con ngựa này tính khí ôn hòa, chứ phải một con khác đã tung vó đá bay bọn chúng rồi, nhân lúc con ngựa chưa nổi giận, vội vàng bế Tô Triệt xuống, quát hai đứa còn lại: - Xuống ngay, muốn cưỡi ngựa thì phải lắp yên, nếu không ngựa chạy một cái là ngã xuống, không ngã thì cả người lẫn ngựa đều không thoải mái. Cưỡi ngựa không phải chuyện chơi, rất nguy hiểm, cần phải học đàng hoàng mới cưỡi được.

- Nhỏ nhen. Tô Thức bị Vân Tranh tóm cổ xách xuống, đứng đó làu bàu:

Vân Tranh kệ nó, lấy yên ngựa lắp lên, nhìn Tô Thức hỏi: - Ta định phóng ngựa cho giãn gân cốt một hồi, có muốn ngồi phía trước không?

Vân Nhị đưa tay ra bịt mồm Tô Thức: - Không thích, huynh đi một mình đi.

Tô Thức ương ngạnh gạt tay Vân Nhị ra, chạy tới trước mặt Vân Đại, làm bộ mặt như chó con, nó thích cưỡi ngựa lắm.

Vân Tranh lên ngựa trước, sau đó cúi người bế Tô Thức lên, khẽ ấn bàn đạp, con ngựa khoái chí hí dài chạy đi.

- Vân Nhị, vì sao vừa rồi bịt miệng Tiểu Thức? Tô Cảnh Tiên gãi đầu hỏi:

- Cưỡi ngựa phi nước kiệu cực đã, gió thổi ù ù bên tai, cảm giác như đang bay trên mặt đất, nhất là trong thời tiết có mưa nhỏ, mặt đất không có bụi, phóng ngựa ra đất rộng, sảng khoái tới mức chỉ muốn hét lên thật to.

- Vậy vì sao không muốn Tiểu Thức cưỡi?

- Vì khi cưỡi ngựa thì sướng, nhưng khi xuống ngựa thì đau mông lắm, nhất là khi ngồi phía trước, yên ngựa có cái miếng sắt nằm ngang, vừa vặn chọc vào đít... Vân Nhị nhớ lại kinh nghiệm trước kia ngồi trong lòng đại ca cưỡi ngựa mà rùng mình:

Vân Tranh cứ mặc cho con ngựa cuồng cẳng lâu ngày phóng thỏa thích, Tô Thức hoàn toàn chìm đắm trong men say tốc độ, la hét tới khản cả cổ, tới khi ngựa mệt mỏi dần chạy chậm lại, Vân Tranh phát hiện ra mình đã tới một nơi xa lạ.

Tô Thức yên tĩnh lại mới nhận ra cái mông không còn thuộc về mình nữa, cái mặt non nớt nhăn như khỉ ăn ớt, nhún nhún người muốn xuống ngựa. Vân Tranh cười hăng hắc nhảy xuống trước, rồi đỡ Tô Thức xuống, tiếp tục quan sát cảnh trí bốn xung quanh, đây là một vùng bình nguyên nhỏ cực kỳ bằng phẳng, đến một gò đất cũng chẳng có, chỉ thấy rừng cây rậm rạp, lúa mọc kín khắp nơi, bông đã nặng trĩu rũ xuống, đợi cho trời trong xanh, phơi nắng vài ngày là thu hoạch được rồi.

Bốn xung quanh không thấy bóng người, chỉ có chim mỏi về rừng, đi một đoạn mới thấy khỏi bếp lượn lờ bốc lên, tuy thiếu tiếng sáo của mục đồng, nhưng không thiếu ý cảnh nhân gian.

Quay đầu nhìn Tô Thức ôm mông, mặt như táo bón, răng cắn chặt quật cường bám theo không kêu câu nào thì phì cười, cho nó một bài học như thế là đủ, để biết cưỡi ngựa không phải có thể tùy tiện, bế nó lên ngồi ở yên sau, chỗ đó da mềm hơn.

Mỗi lần nhìn Tô Thức lại thấy rất kỳ diệu, nhất là được chứng kiến quá trình nó trưởng thành, Vân Tranh cảm thấy khó nghĩ, những bài thơ hay nhất trong cuộc đời Tô Thức là ở thời kỳ gian nan, bần cùng nhất tới mức đi nhậm chức mà chẳng có kinh phí, nhưng Vân Tranh không nỡ nhìn thằng bé này có cuộc đời bi thảm như vậy.

Tạm thời không nghĩ nữa, chuyện còn xa.

Muốn quay về nhưng đường đi quanh co, ngã rẽ chằng chịt, chẳng biết đâu mới là đường về, mưa như tơ như vụ, dưới tầng mây xám, rặng núi cùng mặt đất biến thành bức tranh thủy mặc, con sông nhỏ kia hẳn là sông Thanh Thủy, muốn về nhà phải xuôi dòng đi.

Đi một lúc liền thất vọng, phía trước có một cái đầm lầy, lá sen dày đặc thành tầng, chẳng những ngựa không đi được mà người cũng chịu thua, lỡ chân một cái thì nguy ngay.

- Cứ nhắm mắt đi bừa như vậy, hôm nay chúng ta khỏi cần về nữa. Tô Thức ngồi trên ngựa khinh thường nói:

- Có cách gì không?

- Ngựa quen đường, cứ để nó đi trước, huynh đi sau là thong thả về được nhà. Tô Thức cao ngạo hếch cái mặt lên, cái sự ngu xuẩn của Vân Tranh làm nó khinh bỉ tới cực điểm:

Vân Tranh vỗ mông Tô Thức một phát: - Đệ không thấy ta đi đâu con ngựa theo đó à? Chứng tỏ nó cũng chẳng biết quái gì hết, lâu rồi nó không ra khỏi nhà cũng chạy bừa, còn biết đường xá nào nữa, nghĩ cách khác đi, đâu mới là lối về nhà.

Tô Thức ôm mông hét lên, bị đánh một cái mà tưởng tê mất nửa người, nghiến răng nói: - Đệ là trẻ con.

Vân Tranh cười ha hả, từ xa xa thấy một lão ông trong rừng đi ra, vội chạy tới: - Xin phép lão trượng, tiểu tử nhất thời ham chơi nên lạc đường, dám hỏi lão trượng từ nơi này đến Hoán Hoa Khê phải đi thế nào?

Lão ông nhìn Vân Tranh rồi lại nhìn Tô Thức, mắng luôn: - Thật không hiểu chuyện, ngày mưa như thế lại dẫn đệ đệ cưỡi ngựa đi chơi, không sợ nhiễm lạnh à? Người ở Hoán Hoa Khê làm sao lại đi xa như vậy, Đây là Cửu Khúc Khê, có nghĩa là rẽ chín lượt mới ra đường chính. Ngươi đợi đó, ta sai lãp phó dẫn các ngươi đi, đám trẻ tuổi bây giờ chỉ giỏi làm càn, chỉ biết chơi cho thống khoái, mặc kệ đệ muội sống chết, tưởng rằng phong hàn không giết được người phỏng?

Vân Tranh vâng dạ luôn mồm, ở cái thời đại này, sau càng dai vốn càng lớn, không dám đắc tội.

Lão ông đi trước, tới căn nhà tranh, gọi lớn mấy tiếng, có ông già trên năm mươi đi ra, Vân Tranh lần nữa cảm tạ, lão ông lại mắng cho: - Vội gì, uống bát nước gừng rồi đi, giờ áo đã ướt, hàn khí nhập phổi là bệnh ngay.

Vân Tranh vội cởi áo khoác ngoài che lên người Tô Thức, mặt lão ông mới giãn ra một chút.

Một bát canh gừng nóng uống vào bụng, toàn thân ấm áp, lúc này lão ông mới bảo gia phó dẫn Vân Tranh đi về, còn dặn mãi không được nói với người ngoài cảnh tượng nơi này.

Yêu cầu rất quái dị, cho nên cả Vân Tranh và Tô Thức đều cố ý ghi nhớ đường, nhưng cho dù hai người họ đều rất thông minh, tới khi đi qua một cánh rừng nhìn thấy con đường quen thuộc, nhớ lại thì thấy đầu óc mơ hồ, định cám ơn lão phó, Vân Tranh thậm chí đã lấy ra ít bạc vụn, nhưng ông ta đã biến mất từ lúc nào.

Vân Tranh chạy theo đường vừa đi, chẳng thấy con đường nào hết, bốn bề dây leo chằng chịt che kín tầm mắt.

- Ma, ma đấy. Tô Thức kinh hãi ôm cổ ngựa la hét om xòm: - Mau, chúng ta ra khỏi đây thôi.

- Im mồm, làm gì có con mà nào tốt bụng cho uống canh gừng, giờ trong mồm ta vẫn còn vị gừng, ta không tin có quỷ hồn, những thứ vừa rồi thấy đều là sự thực. Vân Tranh cứng đầu, muốn gạt dây leo tìm kiếm, nhưng đằng xa có tiếng sói tru thê lương, con ngựa bất an dậm vó, rồi lại lấy đầu húc Vân Tranh, nó không muốn ở lại chỗ này.

Đành phải trở về, lần này Tô Thức khôn rồi, không chịu ngồi trước mặt Vân Tranh che mưa chắn gió nữa, mà ngồi sau, ôm chặt eo y, không ngừng cảnh giác quay đầu nhìn mảnh rừng kia, sợ có thứ gì bám theo về nhà.
Bình Luận (0)
Comment