Trí Tuệ Đại Tống

Chương 31

Đậu Sa quan thông lệ gà gáy mới mở cửa, nhưng hôm nay là ngoại lệ, trên tường thành thả xuống một cái giỏ trúc, Vân Tranh đặt giấy thi vào, không bao lâu sau cửa nhỏ mở ra, nhưng những thợ săn không được vào, chỉ có tộc trưởng đánh xe trâu chở cả nhà Vân Tranh đi qua. Không phải phiên trực của Lão Cao, quân gia trông thành vẫn phái một binh sĩ đi mở đường, ai nấy đều đứng thẳng mình, cung kính.

Vân Tranh qua thần thái của bọn họ mới dần dần cảm thụ được tầm quan trọng của khoa cử trong mắt người xưa, thái độ cũng chú tâm hơn.

- Tiểu tướng công, trước đó có ba người tới đi thi, đều râu bạc trắng rồi, ngài là học tử đầu tiên có bộ dạng đồng sinh, theo tiểu nhân thấy, ông già bảy tám chục tuổi còn ham hố gì, ở nhà dạy cháu mình biết chữ còn hơn.

Vân Nhị nghe lão binh lải nhải dọc đường, tò mò hỏi: - Ngươi có nhầm không, đây là thi đồng tử, có phải đại khảo đâu mà có ông già mấy chục tuổi đi thi.

Thương lão cười khà khà xoa đầu nó: - Có gì lạ, đồng sinh 60 tuổi đã là vinh diệu của thôn quê, chỉ có trại ta địa linh nhân kiệt mới sinh ra bảo bối này, vài năm nữa cháu cũng có thể thi đồng sinh rồi, khi đó thế nào cũng là tú tài còn sớm hơn đại ca cháu.

- Không đúng, Vân Đại sẽ thành trạng nguyên. Vân Nhị lớn tiếng hô:

Vân Đại trừng mắt nhìn nó, cái thói mạnh miệng này không hay, y có tự tin đỗ được tiến sĩ làm quan, nhưng muốn trạng nguyên còn cần vận may lớn, văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị, ai dám chắc chắn.

Chẳng mấy chốc đã tới huyện nha, hôm nay có bộ khoái ngăn đường, không cho người không liên quan ra vào, Lưu đô đầu xách đao đi qua đi lại tuần tra trước cổng huyện nha, lão chủ bạ ngồi sau bàn đăng ký, trên bàn của ông ta có để lư hương nhỏ, cắm nén hương đo giờ lớn, khói nhạt bốc lên bị gió sớm thổi uốn éo không ngừng.

Lưu đô đầu cười khà khà nói với lão chủ bạ: - Chính chủ tới rồi, có thành rồng được hay không để xem cá chép vượt long môn thoát khỏi vũng bùn này hẵng nói.

Lão chủ bạ chỉ cười.

Lúc này một chiếc xe trâu từ phía đối diện đi tới, từ trên xe một ông già lưng còng sắp gập xuống đất, phải được hai người đỡ mới xuống nổi, đi tới chỗ đám người Vân Tranh tụ tập, nhe hàm răng cái còn cái mất, chắp tay nói: - Các vị niên huynh, tiểu đệ tới muộn, thứ lỗi thứ lỗi.

Một ông già khác tuổi thọ chỉ hơn không kém, chắp tay đáp lễ: - Thôi niên huynh hôm nay khí sắc thật tốt, thế nào cũng đỗ cao.

- Nào có nào có, Mạc niên huynh ở đây, tiểu đệ sao dám.

- Đây là Vân niên huynh, lần đầu tham gia.

- Ái chà chà, Vân niên huynh tuổi trẻ tài cao, chúng ta là đồng niên, sau này nên gặp nhau nhiều hơn. Những người tham gia thi cùng năm thì gọi là đồng niên, Thôi niên huynh cười khà khà nói với Vân niên huynh:

Khóe môi Vân Tranh co giật liên hồi, “sau này gặp nhau nhiều hơn”, ý ông là gặp ở đâu? Y chắp tay đáp có lệ, may chỉ là đi thi cùng, không phải là kết bái huynh đệ mà cần “sinh không cùng năm cùng tháng cùng ngày, nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm”, nếu không y quay đầu chạy ngay tức thì không thi thố gì nữa, quá lỗ vốn.

Vân Nhị đứng đó nhìn cảnh khôi hài trước mắt, lắc tay Thương lão: - Gia gia, mấy ông già kia đều đi thi đấy à?

Thương lão gật gù, nói với giọng kính phục, chỉ từng người: - Đó là Mạc lão, Thôi lão, Tần lão và Mã lão, toàn là người có học vấn cả đấy.

Vân Nhị không dám tin: - Vân Đại nói có năm người thi, là năm bọn họ sao ạ?

- Đúng rồi.

Thế là Vân Nhị nhảy tót lên xe, nhào vào lòng Tịch Nhục, hai vai rung dữ dội, nó mà cười ra tiếng thì Vân Đại về lột da mất, chẳng trách cứ hỏi tới chuyện thi cử là Vân Đại lại ậm à ầm ừ.

Vân Tranh giao lưu với mấy vị đồng niên xong thì đi tới cung kính vái chào Tiêu chủ bạ, dù thủ tục dự thi của y do lão chủ bạ làm, vẫn mang giấy tờ ra xin ông ta nghiệm chứng.

- Kỳ thi đồng tử ở huyện ta không có nhiều quy củ, nơi thi là công đường, tổng cộng có năm người thi thôi, cho nên muốn không làm án thủ cũng phải làm. Tiêu chủ bạ nghiêm khắc nói:

Vân Tranh cười đáp: - Tiểu tử sau này nhất định gặp ai cũng sẽ nói, ta là án thủ của huyện Đậu Sa, khi ấy đánh chết cũng không cho bọn họ biết cả huyện chỉ có năm người đi thi.

Lời của Vân Tranh làm mấy ông già chuẩn bị tham gia thi cũng há miệng cười, đoán chừng đang suy tính làm sao đến lượt mình dùng câu thoại này.

Nén hương cắm trên lư đã cháy hết, lão chủ bạ hắng giọng hô: - Mở long môn.

Sau đó có hai nha dịch ở trong vận sức từ từ mở cửa chính huyện nha ra, tất nhiên cửa không nặng như vậy, nhưng đây là ngày trọng đại, nên phải làm cho long trọng. Khảo sinh chính thức vào trường thi, Vân Tranh không gặp phải cửa ải soát người trong truyền thuyết, phải thôi, có năm người thi ngay dưới vành mắt huyện thái gia thì còn giở trò gì nổi.

Đại sảnh hôm nay cực kỳ rộng rãi, không có hai hàng giá cắm gậy, càng không có nha dịch, chỉ có một người trung niên mặt trắng, không mặc quan phục, không đội mũ quan, để râu ba chỏm, râu rậm rất tốt, nếu sống được tới khi tóc trắng thì chòm râu này sẽ dài tới rốn.

Huyện lệnh họ Lâm, tới nay Vân Tranh mới biết họ của vị huyện lão gia này, còn điều khác thì mù tịt, hàng ngày nghe người khác nói chuyện thì Tiêu chủ bạ và Lưu đô đầu được nhắc tới nhiều nhất, còn Lâm huyện lệnh, cứ như không hề tồn tại vậy.

Còn tưởng huyện thái gia sẽ phát biểu vài câu, ai ngờ ông ta còn chẳng thèm đưa mắt nhìn khảo sinh, vẫn cứ đọc sách, phất tay một cái, có nha dịch đi tới treo đề thi ở chỗ dễ nhìn nhất.

Vân Tranh tự biết điều ngồi ở cái bàn xa nhất, phải cho bốn ông cụ kia đường sống chứ, cụ nào cụ nấy cổ nghển cao, mắt nheo lại cố nhìn cho rõ chữ bên trên.

Ôi, sách chẳng đọc được là mấy mà làm hỏng cả mắt, được chẳng bằng mất, Vân Tranh cảm khái.

Từ sau khi Triệu Phổ, mưu sĩ, khai quốc công thần của nhà Tống, nói câu "nửa bộ luận ngữ có thể trị thiên hạ", nghiên cứu luận ngữ trở nên cực kỳ thịch hành ở thời Tống, cũng trở thành trọng điểm các kỳ thi, với kỳ thi đồng tử, chỉ cần học thuộc lòng luận ngữ, trả lời đúng câu hỏi cơ bản là qua rồi, nói tóm lại là chỉ cần học thuộc lòng một quyển sách chẳng quá dày là qua. Còn mấy đề về kinh thi thì tính điểm thêm phân thứ hạng, thế nên Vân Tranh dám mạnh miệng nói mình có thể thi đỗ tú tài trong một năm, trong tất cả các triều đại kể cả sau này, khoa cử thời Tống luôn bị đánh giá chất lượng thấp nhất.

Đến cả huyện lão gia cũng chẳng coi kỳ thi huyện này ra cái gì.

Giờ không phải là lúc nghĩ mấy chuyện đó, Vân Tranh điều chỉnh tốt tâm thái, không phải để giải đề, mà là vì viết thật tốt từng chữ, thi thì không khó, nhưng từ kỵ húy quá nhiều, không may viết một chữ phạm húy thôi thì công cốc hết.

Đề mục mở ra, hương cũng được đốt, huyện lão gia ngồi nghiêng người đọc Thiên Vấn, chẳng để ý người ta đang làm bài, tới chỗ hay còn ngâm nga: - Bạc mộ lôi điện, quy hà ưu? Quyết nghiêm bất phụng, đế hà cầu? Phục nặc huyệt xử, viên hà vân? Kinh huân tác sư, phu hà trường?

Thiên Vấn là bài thơ dài mang đậm sắc thái đạo gia, là câu hỏi của Khuất Nguyên với tất cả sự vật hiện tượng của trời đất, tự nhiên và nhân thế. Thơ hỏi từ lúc đất trời phân ly, âm dương biến hóa, trăng sao đổi dời, hỏi tới truyền thuyết huyền thần thoại, lòng dạ thánh hiền và lịch sử hưng suy, là sự hoài nghi của Khuất Nguyên với quan niệm truyền thống, và tinh thần truy cầu chân lý, một trong tác phẩm gọi là kỳ hoa trong thi đàn cổ điển.

Vân Tranh ngạc nhiên, không biết huyện lệnh có gì bất bình trong lòng mà lại đi ngâm ( Thiên vấn) như thế?
Bình Luận (0)
Comment