Trí Tuệ Đại Tống

Chương 33

Huyện lệnh vuốt râu cười đắc ý: - Đây là tiểu nữ Lam Lam, bị lão phu chiều hư, đừng trách đừng trách.

Vân Tranh mỉm cười không đáp, lưng thẳng tắp, mắt không nhìn ngang.

Một cánh tay nhỏ trắng trẻo từ khóm trúc xanh duỗi ra, lấy đi ba tấm lá trúc, y chỉ kịp nhìn thấy đoạn cổ tay và ống tay áo màu vàng, cùng hương thơm nhẹ của thiếu nữ, lẫn trong mùi lá trúc.

- Nghịch ngợm. Huyện lệnh nói thế, nhưng đáy mắt đầy vẻ yêu thương, không răn dạy hành vi thất lễ của khuê nữ:

Vân Tranh nhặt thêm vài cái lá trúc nữa khỏi bàn: - Trăm điều thiện lấy chữ hiếu làm đầu, lệnh thiên kim ném lá trúc cứu cha gia khỏi thế cờ nguy nan là giai thoại đẹp. Vì thế học sinh giúp nàng ném thêm vài lá, như vậy trông giống như gió thổi tới, tự nhiên hơn nhiều, đại nhân không phát hiện ra cũng là thông cảm được thôi.

Huyện lệnh nghe vậy mới hiểu ra vì sao có nhiều lá trúc như thế, lúc đó ông nghĩ là gió thổi làm lá rụng thật, cười càng to, chỉ mặt Vân Tranh nói: - Đúng là một tên tiểu tử gian manh, không biết vị tiên sư đạo đức nào hàng phục được con khỉ nghịch ngợm này.

Vân Tranh rót trà cho huyện lệnh, tủm tỉm cười: - Gia sư chưa bao giờ nói nhiều với học sinh, thường dùng gậy giảng đạo lý.

Một câu nói làm huyện lệnh phun trà ra ngoài, Vân Tranh đã trốn xa rồi, trong rừng trúc cũng vang lên tiếng cười như chuông bạc.

Tiệc không thịnh soạn như mong đợi, một con cá, một đĩa thịt dê, mấy món rau xanh, có điều rượu là rượu ngon, nghe nói là rượu của Thạch bà tử nổi danh trong huyện, rượu màu quất, thơm ngát, bên trong chắc cho thêm vỏ quất.

Thiếu niên không chịu nổi đói, Vân Tranh lúc này đã đói tới hoa cả mắt, nhưng không thể ăn thoải mái, mỗi món chỉ đưa đũa gắp một miếng nhỏ, khen không ngớt miệng, nhất là con cá chép, ruột chưa bỏ, mang tai đỏ rực vẫn còn nguyên, ăn thế nào cũng không nuốt nổi, vẫn phải nói lời trái lương tâm, thịt dê càng tởm, luộc bằng nước không chẳng thêm gia vị, gây kinh người. Mỗi mấy món rau vừa miệng, Vân Tranh ăn nhiều một chút.

Qua bữa tiệc ngắn ngủi, huyện lệnh và Vân Tranh xúc miệng, quay về đình nói chuyện.

- Huyện học của huyện ta chỉ có một học sinh, đã hoang phế rồi, nhưng sách vở trong đó rất phong phú, lão phu kiêm cả học chính, chỉ là công vụ bận rộn, không thể dạy dỗ ngươi, ngươi muốn có tiến bộ trên con đường học vấn phải dựa vào bản thân chăm chỉ nghiên cứu, lão phu thấy ngươi nền tàng hùng hậu, có thể từ từ nghiền ngẫm ra tư vị trong sách. Lâm huyện lệnh nói với giọng không được vui: - Ngươi đã gọi ta một tiếng tiên sinh, ta cũng nên có gì đó cho ngươi để ngươi khỏi gọi uổng phí, nhiều năm qua ta đem hết tâm đắc đọc sách, cùng chuyện xảy ra trong thiên hạ ghi chép lại, phải được hai rương, vốn là đồ gia truyền, đáng tiếc lão phu chỉ có một khuê nữ, không ai kế thừa. Ngươi cứ lấy mà đọc, đọc xong trả lại cho lão phu là được.

Đây là đại ân đại đức, Vân Tranh đứng dậy cảm tạ, thấy huyện lệnh sai người mang hai cái rương ra, biết ý đã tới lúc cáo từ, Lâm huyện lệnh tốn với y nửa ngày là hiếm có lắm rồi.

Huyện lệnh đợi Vân Tranh khuất sau con đường nhỏ mới quay đầu hỏi: - Lam Lam, con thấy thiếu niên này ra sao?

Một thiếu nữ mặc vày áo cánh màu vàng từ sau bước nhẹ như lướt trên mặt đất đi ra, giọng nói vừa đủ nghe: - Cha, người này thiên tư thông minh, tính cách hoạt bát khoát đạt không câu nệ tiểu tiết.

- Con lại tránh nặng tìm nhẹ rồi. Lâm huyện lệnh thở dài: - Y là thiếu niên thú vị, nói thẳng ra y với học vấn đó y có thể dễ dàng đỗ tú tài, đáng tiếc lại là kẻ không có phong cốt văn nhân. Khẩu thị tâm phi, rõ ràng ghét cá với đĩa thịt dê, nhưng lại không ngừng khen ngợi, nói lên y không phải kẻ kiên trì lập trường, thích đầu cơ trục lợi, loại người đó thì huyện này đã quá nhiều, không cần thêm một kẻ nữa.

- Cha ơi đó là khách khí, người ta là tiểu tử thôn nghèo, lần đầu ăn tiệc do huyện đại nhân chiêu đãi, sao dám chê bai. Nữ nhi lại thấy cha quá khắt khe, hơn nữa dù đúng như cha nói, không phải càng nên uốn nắn sao, người ta còn ít tuổi mà, cây nhỏ dễ uốn. Thiếu nữ cố gắng thuyết phục, cha nàng ngày càng cô lập khép kín, nếu như có một người học sinh tính cách hoạt, sẽ giúp ông vui vẻ hơn, lâu lắm rồi nàng mới thấy cha cười sảng khoái như hôm nay:

Đúng lúc này một tiểu nha hoàn hấp tấp chạy tới, báo: - Lão gia, Phúc bá đã về.

Lâm huyện lệnh nghe thì thì vui vẻ đứng dậy đi luôn, để lại thiếu nữ giận dỗi lấy tay xé nát vô số lá trúc, trách nha hoàn của mình tới không đúng lúc.

Ở hoa sảnh, một ông già mặc áo da thú chân đi giày cỏ, tóc tai bù xù bẩn thỉu như người rừng, vừa thấy Lâm huyện lệnh đi ra thì đứng lên vái chào: - Lão gia …

Lâm huyện lệnh nóng vội phất tay, hỏi: - Chuyện thế nào?

- Vâng, lão nô đã làm rõ rồi hạ, bọn chúng mỗi tháng giao dịch hai lần, một ngày trước họp chợ phiên, mỗi lần phải dùng hai chục chiếc xe la mới chở được hết. Hiện giờ ở trên núi sơn dân có cuốc sắt cày sắt, có vải vóc, có muối ăn, cuộc sống không thua kém bách tính trong huyện thành là bao …

Nghe những lời này Lâm huyện lệnh chẳng những không vui mà mặt càng vặn vẹo đáng sợ, cuối đấm xuống bàn: - Giỏi, giỏi lắm, giờ bọn chúng trắng trợn câu kết với phường đạo tặc chà đạp lên vương pháp, chà đạp đạo lý rồi, bị mấy đồng tiền thối chui vào mắt cả. Huyện những năm qua văn hoa đi xuống, tiền bạc lên ngôi chính vì có những hạng người này cổ xúy, đừng có hòng, lão phu dù có liều cái mạng già này cũng không cho bọn chúng đắc ý.

…. …

Vân Tranh vừa ra khỏi huyện nha liền được đám chủ bạ, Lưu đô đầu xúm tới chúc mừng, bảng đỏ đã dán ở cửa huyện nha, năm nay cả huyện chỉ có một người thi đỗ, là Vân Tranh.

Nhận lấy chìa khóa tàng thư lâu từ Tiêu chủ bạ, từ nay tòa tàng thư lâu bên cạnh huyện nha thuộc về một mình y, vì học sinh duy nhất trong huyện đã tới Thành Đô, chuẩn bị tham gia thi phủ và thi viện, đánh cuộc lần cuối trong đời, ông ta năm nay đã 45 tuổi.

Vân Tranh không định ở lại tòa tàng thư lâu này, y muốn về Đậu Sa trại, tộc trưởng vui mừng khóc tu tu, lên xe trâu, tiến hành mua sắm điên cuồng, đêm nay cả trại sẽ không ngủ.

Vốn tưởng là mình có thể thi liền một hơi thi phủ, thi viện, lấy tú tài về trại, té ra nghe chủ bạ nói mới biết, phải tròn 15 tuổi mới được tham gia thi phủ, nếu không thì cần quan lại hoặc đại nho tiến cử, cả hai điều kiện này Đậu Sa huyện không thể cung cấp, đành phải đợi hai năm nữa tới Thành Đô thi.

Vân Nhị bất mãn lắm, nó cố chấp cho rằng gọi là thi đồng tử thì phải cho nó tham gia, nói không chừng còn làm tốt hơn Đại ca, nghe qua Vân Đại nói đề thi, nó càng la lối đòi đi thi, lão tộc trưởng vui sướng vô cùng dỗ dành mãi, nhất định tới tuổi đưa nó đi thi, phải trở thành đồng sinh trẻ hơn cả Đại ca nó.

Trở về tới trại, được hoan nghênh chưa từng có, sân phơi rộng đã bày kín bàn lớn bàn nhỏ, mỗi bàn đều có ít thức ăn, Vân Tranh quan sát kỹ, gạo đều là gạo trắng, trắng như bông làm đám trẻ con chảy nước dãi liên hồi, thức ăn thì đại bộ phận không phải thịt gà cũng là thịt lợn, có bàn nguyên cái đầu chó, chẳng biết có con chó trông nhà xấu số nào không.

Nhà Thương Cửu nghèo lắm, ông ta bị què, trên bàn có mỗi một bát canh trứng, Vân Diệp biết với nhà ông ta mà nói đã là sang rồi, thấy Vân Tranh nhìn bàn nhà mình, Thương Cửu chà chà tay bối rối nói: - Trong nhà chỉ còn một quả trứng...

Vân Tranh ngăn không cho ông ta nói tiếp, bê bát canh trứng tới bàn tộc trưởng, nói lớn với mọi người: - Hôm nay Vân Đại ở huyện nha ăn tiệc, món ăn tuy có cá có thịt, chế biến cầu kỳ tinh xảo, nhưng không ăn no bụng, tiểu tử mang bụng đói về, tuy trong giỏ có thức ăn, miệng thèm lắm, nhưng vẫn nhịn về tới trại, vì biết sẽ được ăn ngon. Món canh trứng nhà Cửu thúc nổi tiếng cả trại, tiểu tử không khách khí nữa, ăn trước mọi người đây.

Thương lão kiêu ngạo nhìn Vân Tranh, đây mới là trẻ nhà lành, biết tình nghĩa, Vân Nhị thấy Vân Đại ăn ngon lành, kéo áo y giật liên tục: - Để cho đệ một ít.

Thôn dân cười ngặt ngoẽo, nhất là Thương Cửu cười tới rơi nước mắt, Vân Đại uống canh của ông đầu tiên chứ không phải người khác, mười năm sau ông vẫn có thể tự hào kể lại, ngày đó Vân đại nhân đi thi vất vả trở về, để bụng đói chỉ vì muốn được ăn canh trứng lão nấu.

Vân Đại uống một nửa, để lại cho Vân Nhị tham ăn, đi ra xe lấy một cuộn vài, cung kính đặt lên bàn Cửu thúc: - Ân tình của thúc đã nhận, đây là tâm ý của tiểu tử, xin thúc đừng từ chối.

Lão bà Cửu thúc càng lau nước mắt càng nhiều, nhỏ giọng nói với Vân Tranh: - Ông ấy muốn giết chó, nhưng nha đầu ôm chó khóc không cho...

Vân Tranh an ủi vài câu, nói hôm nay là ngày vui không khóc, rồi đi tới phía Thương Nhĩ đưa tay ra: - Nhĩ thúc, thịt hươu của cháu đâu?

Thương Nhĩ lấy cái sọt to dưới bàn giơ lên, rõ ràng là để khoe khoang: - Biết ngay ngươi nhìn trúng thịt hươu nhà thúc, ăn đi cho nóng, ăn cho hết.

- Không được rồi, cháu đã ngửi thấy mùi chuột trúc của nhà Nhị gia gia, làm sao bỏ lỡ được. Vân Tranh vớt trong bát Thương Nhĩ một miếng thịt hươu, ăn một nửa, phần còn lại tống vào mồm Vân Nhị, lấy miếng nữa đưa cho Tiểu Thử: - Ăn miếng thịt hươu này là phải đọc sách, ta dạy, không học được là đánh.

Thương Nhĩ mừng lắm, đá đít thằng con làm mẫu: - Đánh, phải đánh, học không được là đánh chết.

Tội nghiệp Tiểu Thử miếng thịt vừa vào mồm chưa kịp nuốt đã bị đá văng ra ngoài.

Vân Tranh dẫn Vân Nhị đi từng bàn một, mỗi bàn ăn một ít, cho dù chỉ là đĩa rau dại cũng không bỏ qua. Lúc này Thương lão sai người lấy năm vò rượu trên xe xuống, vỗ một phát bong lớp si niêm phong, đổ hết vào một cái chum lớn, mỗi nhà tới lĩnh một bát.

Thấy mọi người đều đã có rượu, lão tộc trưởng vận khí rống lên: - Trại chúng ta có đồng sinh rồi, vài năm nữa còn có tú tài.... Uống.

Cả trại đồng thanh hô vang dội, ngửa cổ uống, rượu không nhiều, mỗi người một bát là đã gần hết, nhưng mọi người càng trở nên hào hứng.
Bình Luận (0)
Comment