Trời Ơi Nguyệt Lão Thực Lú Lẫn

Chương 14

Phong vị biển khơi lan toả trong từng ngóc ngách kẽ hở của Duyện Châu. Tường xây phủ đầy cát trắng, trên vách treo đầy các loại sò ốc lấp lánh. Người ra vào thành ai nấy cũng đều to cao vạm vỡ, làn da ánh đồng bóng lên nét săn chắc, khoẻ mạnh. Chân Duyên lấy tay quẹt đi mồ hôi trên trán. Nàng đến từ phương bắc, không quen với khí hậu nóng ẩm của vùng đất phía nam này. Có một tiệm nước mát bày bán dưới một tán dù, Chân Duyên liền ghé qua đó uống thử.

- Bà lão, đây là nước gì thế? - Nàng không khách khí hỏi.

- Nước sâm rong biển. - Bà lão cười đáp lại, không có chút gì phiền lòng vì thái độ hỗn xược của cô gái trước mặt.Chân Duyên sau khi uống thử một chén, cảm nhận dòng nước mát ngọt lan toả ra khắp cổ họng thật dễ chịu. Nàng mỉm cười, mua thêm một bát nước nữa để uống.

- Cái thứ cỏ này thật lạ, chỉ cần ngâm vào nước là uống được sao?

- Làm gì có? - Bà lão nhướng mày hào hứng giải thích. - Tất cả đều phải nấu sôi trên bếp riu riu lửa, sau đó cho thêm đường phèn vào. Tổng cộng có đến chín vị thảo mộc.

- Thật sao? Nhưng con thấy thứ cỏ này thật sự là tươi mới mà.

- Thứ cô nương thấy chính là lá sống đời. Loại lá này dù đã đem phơi khô, nhưng khi gặp nước lại tươi mới như cũ. Chết đi sống lại, nên mới gọi là sống đời. Bà lão đưa cho Chân Duyên xem mấy thân cây nhăn nhúm xấu xí. Nàng lại nhìn vào thùng nước đầy cỏ tươi của bà lão, quả thật hình dạng của hai thứ cũng tương đồng với nhau thật. Thứ cỏ biển này thật kỳ lạ, dù đã bị phơi khô, nhưng ngâm lại vào trong nước thì liền hồi sinh. Đúng là dũng mãnh bền bỉ.

- Bà bà, nước ngon lắm. Con mua thêm đám cây sống đời khô này mang về.

- Cô nương, muốn nấu nước uống thì phải mua đủ chín loại thảo mộc nấu mới ngon.

- A ... lão bà, bà thật gian nha. Nàng cười rộ nhưng vẫn móc tiền ra trả, đang khát mà được uống nước mát thì tâm tình quả nhiên cũng thoải mái hơn nhiều. Hơn nữa, Chân Duyên cũng phát hiện, trong dân gian, nàng sống thật thoải mái, không phải giữ kẽ, không phải vắt óc nghĩ lời châm chọc kẻ khác, cuộc sống thập phần vui vẻ. Chân Duyên nhận lấy gói thảo dược từ tay bà lão, rồi bỏ vào túi nãi. Nàng nghĩ tới gương mặt dễ thương kia một khi được uống thứ nước này sẽ mỉm cười ra sao, trong lòng lại mát thêm một lần nữa.

- Mà lão bà nè, bà có biết trong thành này, gia đình họ Nghiêm ở chỗ nào không?Theo lời của Bích Tuyền đã dặn dò, “Đường ở trong miệng mà ra!” Đi đến nơi lạ, cứ nhắm trà quán mà hỏi chuyện. Đa số những người buôn bán lâu năm đều thông thuộc địa phương của mình giống thổ địa vậy.

- Thì ra cô nương muốn hỏi Nghiêm gia. Cứ đi thẳng đường cái phía trước, dinh thự to nhất chính là của Nghiêm phú hộ.Chân Duyên cáo biệt bà lão rồi đi theo hướng được chỉ. Cuối đường, quả nhiên nàng tìm được một dinh thự vô cùng hoành tráng, ngự trên một khuôn viên rộng bạt ngàn. Trên cửa chính có treo tấm bảng thiếp vàng đề chữ ‘Nghiêm phủ’. Dù đã quen nhìn cảnh xa hoa, nhưng nàng cũng phải công nhận phủ đệ này có thể được xem là giàu có tột độ ở vùng tỉnh lẻ rồi. “Nghiêm Thừa Chí y sam đạm bạc, thật sự xuất thân phú quý danh môn sao? Gia đình hắn giàu nức đố đổ vách thế này, không ở nhà làm thiếu gia, chạy đến Tiết Châu làm sư gia chi vậy?”

Có tiếng đập ầm ầm bên ngoài đại môn, người của Nghiêm phủ liền lúp xúp chạy ra mở.

- Cô nương tìm ai? - Tên gia đinh có vẻ xem thường cô gái bần hàn trước mặt.

- Xin hỏi, đây có phải là nhà của Nghiêm Thừa Chí không? - Nàng không khách sáo đi ngay vào vấn đề.Tên gia đinh nhìn nhìn Chân Duyên đánh giá, nhưng rốt cuộc cũng không thể suy đoán ra được điều gì.

- Cô nương tìm thiếu gia chúng tôi có việc gì không? Thiếu gia bây giờ không có ở trong phủ?

- Ta đâu có tìm hắn, ta đến đây chỉ để hỏi vậy thôi. Cáo biệt.Nói xong, nàng liền kiên quyết bước đi. Tên gia đinh ngẩn ngơ nhìn theo nữ tử lạ mặt. “Người đâu mà vô duyên quá, chạy đến đây hỏi này hỏi nọ rồi đi mất, có âm mưu gì không?”

Đi xa đến như vậy, tới nơi hỏi lại chẳng ra được manh mối gì. Nghiêm Thừa Chí quả nhiên có lai lịch gốc gác không tầm thường, nhưng lại chẳng có gì đáng nghi ngại. Quả thật giống như lời hắn từng tâm sự, Nghiêm lão muốn hắn kế thừa gia nghiệp, nhưng kẻ này chỉ có hứng thú với việc đèn sách, ba lần bốn lượt trốn nhà chạy đi thi khoa cử. Rốt cuộc lại không đỗ đạt nên chẳng còn mặt mũi nào quay về, đành phải làm sư gia ở Tiết Châu, chờ cơ hội để lên kinh ứng thí lần nữa. Tóm lại, hắn không có động cơ gây án để làm gì.

^_^

Nhìn bầu trời nắng xế, Chân Duyên quyết định tìm một khách điếm để nghỉ chân. Bây giờ không còn sớm để mà đón thuyền đi ngược lại. Dù sao nàng cũng đã quá mệt mỏi, nên nghỉ ngơi rồi mai sẽ tính tiếp.

Vừa dọn vào chỗ ngủ không lâu, bên ngoài đã có tiếng gõ cửa. Chân Duyên đi ra ngoài, muốn mắng chửi kẻ nào lại làm phiền mình lúc đêm hôm. Phía bên kia là tiểu nhị của khách điếm, cùng ba vị khách lạ mặt. Một mệnh phụ phốp phát và hai nha hoàn đang kiên nhẫn đứng chờ.

- Cô nương, xin hỏi có phải lúc chiều cô đến tìm Thừa Chí nhà chúng tôi không? - Mệnh phụ ngước mắt nhìn nàng trông đợi.Bọn họ khí thế xông vào phòng của Chân Duyên. Khi nàng còn chưa kịp hiểu chuyện gì, mệnh phụ đã nắm tay Chân Duyên, nước mắt lưng tròng.

- Cô nương, cô biết tông tích của Thừa Chí hả? Nhi tử của ta hai năm trước bỏ nhà đi, mất tích tới bây giờ. Dù kiếm khắp nơi cũng không tìm ra được. Cô nương chính là manh mối duy nhất cho đến nay mà ta biết được. Xin cô nương cho ta biết, cô đã gặp Thừa Chí ở đâu, lúc nào?

- Ờ ta ... Nàng lắp bắp phân vân không biết nói sao. “Tên sư gia này quả nhiên là bỏ nhà đi bụi. Có nên bán đứng hắn không?”

- ... Tiểu nữ gặp công tử mấy tháng trước ở Tiết Châu, đang học thi cho khoa ứng thí năm sau. Huynh ấy thật tốt lắm, không có gì phải lo lắng. Chỉ là Thừa Chí có nói quê mình ở Duyện Châu, tiểu nữ có việc phải đi ngang, nên hiếu kỳ hỏi thăm xem có phải thật không ấy mà.Chân Duyên phải công nhận, nàng thật không giỏi nói xạo. Một câu lắp bắp đến mấy lần, lời lẽ còn lộn xộn đầy kẽ hở. Nhưng trong mắt Nghiêm phu nhân thì tin tức này thật sự rất tốt. Bà cầm khăn tay chậm chậm lên mắt rồi sau đó khóc oà lên.

Thừa Chí là con trai út trong nhà, được Nghiêm phu nhân yêu thương hết mực. Hắn từ nhỏ sống trong sung sướng, không phải âu lo. Trên hiếu kinh với trưởng bối, xung quanh hoà nhã với mọi người. Ai gặp đều khen, trẻ già đều mến. Đây là Chân Duyên đã lượt đi bớt vài phần trong lời kể của Nghiêm phu nhân. Bà cho rằng con trai cuả mình đúng là thần phật tái thế, độc nhất vô nhị bảo bối, nam tử đệ nhất tốt đẹp trong toàn cõi Việt quốc. Chân Duyên lại nhớ đến cái gã mặt khó đăm đăm ở tri phủ Tiết Châu, người gặp người sợ, thật bất đồng với lời kể của Nghiêm phu nhân.

Bà ta sau khi tâm sự chán chê thì mới từ biệt ra về. Chân Duyên bổng nhiên cảm thấy ngờ ngợ bất an. Nàng thay dạ phục vào người rồi lên đường điều tra sự việc.

Ở Nghiêm phủ quả nhiên đang có một trận xào xáo. Nghiêm phu nhân làm mình làm mẩy, náo loạn cả phủ. Bà trách mắng Nghiêm lão gia sao khi xưa lại nóng nảy đuổi Thừa Chí đi như vậy, hắn thích thi khoa cử thì cứ để hắn thi, sao lại giận đến mức bảo rằng muốn từ con. Một nháo, hai khóc, ba đòi thắt cổ tự tử. Nghiêm lão gia đành phải thở dài, hứa hẹn sẽ cho người lên kinh thành thuyết phục hắn trở về. Thích học thì cứ học, thích thi thì cứ thi, ông sẽ không khép hắn vào con đường buôn bán gì hết.

Chân Duyên thở dài, quay trở về khách điếm. Đã xác nhận được thân phận Thừa Chí là hoàn toàn trong sạch, hơn nữa gia thế hiển hách, ở Duyện Châu cha hắn có thể coi như phú hộ một vùng, Thừa Chí tính ra cũng là một hào môn công tử. Động cơ hắn ẩn mình ở Tiết Châu cũng thật sự rõ ràng, đó chính là ngân lượng, và một chỗ để yên ổn dùi mài kinh sử. Mạc Thuỷ Linh là tân khoa trạng nguyên đương nhiệm, Thừa Chí đến làm môn hạ dưới quyền y cũng là một việc hoàn toàn dễ hiểu. Sống gần chùa thì bụt cũng thiêng hơn ấy mà.

^_^

Sáng sớm hôm sau, Chân Duyên trả phòng, rời Duyện Châu. Suy nghĩ cả đêm, nàng thấy mọi việc đều khớp với nhau rõ ràng. Nhưng có một thứ gì đó cứ lấn cấn, khiến Chân Duyên bất an không yên. Rốt cuộc là thứ gì, tại sao nàng không thể miêu tả rõ ràng được?

Nàng đứng bất động bên bến đò, lưỡng lự tần ngần. Suy tính lại từ việc đầu tiên đến việc cuối cùng xảy ra ở Duyện Châu, cố nắm bắt manh mối mà mình đã để vuột mất. Đột nhiên, một ý nghĩ sáng bừng lên trong đầu, Chân Duyên co giò chạy ngược về phía Nghiêm phủ. Điều bất thường đến từ phu phụ Nghiêm gia. Một cặp lão gia, phu nhân thật có tướng phu thê trời ban.

Người phú quý thường có tướng ngũ đoản. Đêm qua Chân Duyên đã từng núp trên xà nhà Nghiêm gia mà xem một màn nháo loạn trong gia đình bọn họ. Nghiêm lão gia, Nghiêm phu nhân, đại tiểu thư, nhị tiểu thư đều đồng dạng như đúc từ một khuôn. Hơi đậm người, dáng phốp pháp và chiều cao khiêm tốn. Mặt chữ điền, mũi lân vô cùng sang trọng. Bốn người như một, nếu có thêm một Thừa Chí đứng vào, ngay lập tức sẽ lẻ bầy ngay.

Tuy Thừa Chí đi lại hơi bất tiện, nhưng khi hắn đứng thẳng người, không thua kém Lương Anh Tân là bao, có thể nói là còn cao hơn Mạc Thuỷ Linh đến một cái đầu. Tuy luôn ủ dột chau mày, nhưng quả thật là vô cùng tuấn tú. Mũi cao, trán thẳng, đôi mắt sáng ngời, đúng là tập hợp tinh hoa của phụ mẫu để lại. Thừa Chí như vậy, có chỗ nào nhìn giống với Nghiêm gia một nhà?

Chẳng cần đi đâu xa, Chân Duyên chỉ việc đến chỗ bà bán tạp hoá trước cửa Nghiêm phủ mà hỏi cũng đủ biết, Nghiêm Thừa Chí trong lời kể, quả thật là đồng dạng với Nghiêm lão gia và Nghiêm phu nhân, cũng là tướng phốp pháp, cơ thể ngũ đoản, mặt chữ điền, mũi lân.

Như vậy, Nghiêm Thừa Chí ở Tiết Châu thật ra kẻ nào? Dù nói người có thể ốm đi, nhưng đột nhiên cao lên lại anh tuấn hơn thì thật là vô lý. Chân Duyên cắn môi, chạy ào đi tìm đường trở về Tiết Châu. Nàng phải báo cho mọi người biết, kẻ kia chỉ là giả mạo. Cuối cùng cũng tìm ra được người đáng ngờ nhất ở Tiết Châu.

Ngày hôm đó, chuyến đò mà Chân Duyên đi đột nhiên bị lật, hành khách mất tích, quan phủ tìm kiếm khắp nơi nhưng chưa thể vớt được hết xác người.
Bình Luận (0)
Comment